Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 7


của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, đặc biệt dòng văn học hiện thực phê phán.

Nói đến phóng sự Việt Nam, không thể không nhắc tới tác phẩm Tôi kéo xe (1932) và vai trò người mở đầu khai sinh cho một thể loại văn học mới của Tam Lang. Tôi kéo xe cũng là tác phẩm mở đầu cho giai đoạn phát triển rực rỡ của phóng sự Việt Nam. Cùng năm này trên báo Đông Tây liên tiếp từ số 91 (18/6/1932) đến số 213 (14/7/1932), đăng phóng sự dài Trong tiệm hút của Oặt Công. Nhiều thập niên liền đó, đặc biệt trong thời kỳ Mặt trận dân chủ 1936 – 1939, phóng sự nở rộ với những tác giả và tác phẩm đặc sắc, có giá trị: Vũ Trọng Phụng với Cạm bẫy người (1933), Kỹ nghệ lấy Tây (1934), Dân biểu và dân biểu (1935), Cơm thầy cơm cô (1937), Lục xì (1937), Một huyện ăn Tết (1939). Tam Lang với Tôi kéo xe (1932), Đêm sông Hương (1938), Lọng cụt cán (1939), Người…ngợm (1940). Vũ Bằng với Cai (1940). Trọng Lang với Trong làng “chạy” (1935), Đời bí mật của sư vãi (1935), Đồng bóng (1936), Hà Nội lầm than (1937), Làm dân (1938), Làm tiền (1939), Vợ lẽ nàng hầu (1939), Đời các ông lang (1941), Xôi thịt (1945). Nguyễn Đình Lạp với Thanh niên trụy lạc (1937-1938), Chợ phiên đi tới đâu (1937), Từ ái tình đến hôn nhân (1937). Ngô Tất Tố với Tập án cái đình (1939), Việc làng (1940). Thạch Lam với Hà Nội ban đêm (1933), Trẻ con lấy vợ (1933). Lê Văn Hiến với Ngục Kon Tum (1938)…

Cùng với thực trạng xã hội đô thị nhiễu nhương, đầy rẫy những tệ nạn, cạm bẫy; hiện thực đời sống tối tăm, cơ cực “sau lũy tre”, với những hủ tục nặng nề trói buộc người dân quê; cùng với sự bần cùng hóa, tha hóa của những kiếp người “dưới đáy”…phóng sự giai đoạn này còn đề cập đến nhiều vấn đề như: Hiện thực hà khắc và tinh thần kiên cường của các chiến sĩ trong các nhà tù thực dân đế quốc (Ngục Kon Tum của Lê Văn Hiến; Tết của tù đàn bà, Tù trẻ con của Nguyên Hồng; Một ngày ngàn thu của Tôn Quang


Phiệt; Côn Lôn địa ngục trần gian của Nguyễn Văn Nguyễn…); về các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của đất nước như Nam du đến Ngũ Hành sơn, Thăm lăng Sĩ Vương của Nguyễn Trọng Thuật; Một cuộc hành hương (Đi thăm Tức Mạc - quê cũ của Nhà Trần) của Lê Thanh và Trúc Khê; Dâng hương đền Kiếp của Hoa Bằng và Cách Chi;…Cuộc đi chơi Huế của Phục Ba; Qua đền Trấn Vũ của Ngọc Nhơn; Hương Sơn hành trình của Nguyễn Văn Vĩnh…Ở mảng phóng sự này, có thể thấy rõ tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc của các cây bút phóng sự Việt Nam.

“Là con đầu lòng của nghề viết báo”, phóng sự đã giữ vai trò “trụ cột” trong nhiều tờ báo. Nhiều chuyên mục trên các báo chuyển tải những phóng sự đặc sắc của các tác giả giai đoạn này. Thống kê qua bộ Phóng sự Việt Nam 1932 -1945 [26, 27, 28] gồm 3 tập ngót 4000 trang khổ 16x24 cm đã có tới 63 tác giả, 117 tác phẩm phóng sự. Tất nhiên, con số đó chưa phải là tất cả. Thực tế, nếu thống kê đầy đủ, trực tiếp qua các báo, các nhà xuất bản đương thời, chắc chắn số lượng tác phẩm phóng sự giai đoạn này còn phong phú hơn nhiều. Tuy nhiên, chỉ với những gì được tập hợp trong bộ phóng sự đồ sộ này cũng đủ để khẳng định thành tựu đáng trân trọng của phóng sự Việt Nam. Thực tế, ngay từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, một số phóng sự đã được đăng rải rác trên các báo: Bắc kỳ du ký của Trương Vĩnh Ký (1862); Hương Sơn hành trình của Nguyễn Văn Vĩnh (1914); Pháp du hành trình nhật ký, Mười ngày ở Huế của Phạm Quỳnh (1914); Bài ký chơi Cổ Loa của Tùng Vân - Nguyễn Đôn Phục (1924)…Nhưng, cho đến nay, giới nghiên cứu văn học đều thống nhất khẳng định phải đến Tôi kéo xe của Tam Lang, đăng trên Ngọ báo năm 1932, phóng sự với tư cách một thể loại văn học mới chính thức được ra đời. Như một sự kích thích, Tôi kéo xe đã tạo nên cả một phong trào viết phóng sự rầm rộ, sôi nổi từ Bắc chí Nam, với nhiều cây bút sáng giá, với nhiều tác phẩm đặc sắc đủ sức vượt qua sự sàng lọc nghiêm ngặt của thời gian, tạo nên một di sản phóng sự đồ sộ, góp phần


hoàn thiện quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc và khẳng định thành tựu chung của cả nền văn học.

Điều đáng quý và cũng là điểm đặc sắc của phóng sự giai đoạn 1930 - 1945 là: Trong thành tựu chung rực rỡ của cả nền phóng sự đã có sự kết tinh viên mãn của những đỉnh cao, với những cá tính sáng tạo độc đáo. Ngoài ba cây bút tiêu biểu Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố mà luận án sẽ tập trung khảo sát kỹ ở hai chương sau, ở phần này, chúng tôi tập trung vào khẳng định sự “bùng nổ” cũng như tiềm năng của đội ngũ các cây bút phóng sự.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 202 trang tài liệu này.

Trọng Lang (Trần Tán Cửu): Là cây bút tiên phong sung sức, một trong những người xây nền đắp móng cho văn học Việt Nam hiện đại nói chung và thể phóng sự nói riêng. Trong cả đời cầm bút, Trọng Lang chỉ chuyên chú, dồn cả tâm lực, tài năng cho thể loại phóng sự và bởi thế, số lượng tác phẩm phóng sự của Trọng Lang phong phú, nhiều hơn cả lượng tác phẩm của “Ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng. Thống kê qua bộ Phóng sự Việt Nam 1932-1945, số tác phẩm của Trọng Lang chiếm 1/10 (12/120 tác phẩm) và số trang in chiếm 1/7 (550/3740 trang) tổng số tác phẩm và tổng số trang in trong cả bộ sách. Các tác phẩm chính của Trọng Lang bao gồm: Trong làng chạy (báo Ngày nay, 1935); Gà chọi (báo Phong hóa, 1935); Đời bí mật của sư vãi (báo Phong hóa, 1935-1936); Đồng bóng (Phong hóa, 1935-1936); Hà Nội lầm than (Ngày nay, 1937); Làm dân (Ngày nay, 1938), Một nhà trọ học (Ngày nay, 1938); Làm tiền (Ngày nay, 1939); Trong sương gió (Ngày nay, 1939); Những bữa cơm tự nhiên (Ngày nay, 1939); Thầy Lang (Hà Nội tân văn, 1941); Tết trong lòng người ta (Hà Nội tân văn, 1941); Xôi thịt (Ngày nay, 1945); Vợ lẽ nàng hầu (NXB Tự do, 1950) và Những đứa trẻ (NXB Tự do, 1950). Phóng sự của Trọng Lang đa dạng, có những phóng sự ngắn (4 - 5 trang in), cũng có những phóng sự dài (tới 152 trang in). Trong số đó có những tác phẩm thực sự gây được tiếng vang: Hà Nội lầm than, Trong làng chạy, Làm dân, Làm tiền


Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 7

Cầm bút ở một giai đoạn đầy nhiễu nhương của xã hội, giống như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố và nhiều nhà văn, nhà báo có trách nhiệm, có tâm huyết với đời, Trọng Lang đã có quan niệm riết róng về trách nhiệm của người cầm bút, về mục đích, lẽ sống còn của văn chương. Trong bài tựa Những đứa trẻ, ông đã bộc lộ quan niệm của mình: “Lòng thương chỉ muốn nhường chỗ cho Lẽ sống của ngòi bút, tức là của mực và máu, thì cũng như Lẽ sống của xương và máu, nhất là trong một giai đoạn mà con người đã có thể cụ thể hóa Lòng thương, hy sinh sở trường vì một Lý tưởng óc cho là cao, tâm cho là đẹp được.

Lẽ sống của xương máu là dẹp tan “bất lương, bất mãn” để lập căn bản cho một đời sống hợp lý. Lẽ sống của mực máu là nêu “bất lương, bất mãn”, ghi những tội ác đã gây nên đau khổ, để hướng dẫn và bảo chứng việc làm của xương máu”. Từ suy nghĩ đó, các tác phẩm của Trọng Lang đã luồn lách vào khắp những ngõ ngách của đời sống xã hội, mặc sức tung hoành ở nhiều mảng đề tài, phản ánh những vấn đề gai góc, cấn cái nhất của cả đời sống thành thị và nông thôn.

Con người bị bần cùng hóa đến thê thảm là một thực trạng đáng cảnh báo của xã hội. Dù sống lầm lũi “Sau lũy tre” hay chen chúc ở chốn đô thành, con người trong phóng sự của Trọng Lang đều bị dồn đuổi đến bước đường cùng, suốt đời mắc bệnh “kiết”, bệnh “đói”. “Đời họ là một cái đói dài” [27; 203], họ bị đẩy “từ chỗ đói này đến chỗ đói khác” [28; 23]. Trở đi trở lại trong tác phẩm Trọng Lang là hình ảnh những con người khốn khổ “hom hem”, “hom hem quá”, “mặt vàng bủng như thị”; những người đàn bà xơ xác, “mặt đờ đẫn” với “cái buồn lặng lẽ và nhạt nhẽo như cố tật”; mấy người cô đầu “đầu bù, tóc rối, mặt vàng bủng nhẵn thín như quả thị”; những người thanh niên tội nghiệp “trai trẻ, không đầy hai mươi tuổi, gầy rom và xanh leo, xanh lét” [28; 494]. Không chỉ thiếu ăn, những kẻ khốn khổ này còn thiếu thốn cả chốn nương thân. Ở thôn quê, họ trú ngụ trong những túp


lều tồi tàn trơ trọi “không lửa, không giường, khói ám khắp nơi, cho đến cả mặt người; những túp lều tranh “ẩm thấp hôi hám như nấm độc, những chỗ đi về đã gần một thế kỷ rồi của cái nghèo xơ xác, nhưng kín đáo” [28; 28]. Ở thị thành, họ phải chui rúc trong những ngách phố tồi tàn như những đoạn “ruột thối”. “Giữa đoạn ruột thối dài ngoằn ngoèo” ấy, “nhung nhúc những kẻ cắp, ăn mày, nhà thổ, chuột cống, du côn, máy nước…”. Không được chăm sóc, chở che, họ lang thang kiếm sống nơi lề đường, xó chợ, gặp gì ăn nấy cốt cho no. “Cái gì lợn ăn được thì con người cũng ăn được”. Vì nghèo nên miếng ăn đã “là cái đích sống” được “coi trịnh trọng đến chừng nào” và do vậy phần thú, phần vật, dường như là phần trội trong những con người - vật này. Phóng sự của Trọng Lang đã vạch trần biết bao thủ đoạn, mánh khóe “làm tiền” bẩn thỉu của con người ở cái bước đường cùng của nghèo đói. Vì tiền những người thợ sửa ống nước, sửa đồng hồ cố tình dùng thủ đoạn bẩn thỉu để móc túi khổ chủ. Vì tiền mà hai mẹ con gái làng chơi “tranh nhau khách ráo riết, đến nỗi nói nhau thậm tệ” [28; 502]. Vì tiền mà “tâm hồn người ta có thể thối nát đến bực tiếp khách ngay tại căn gác thờ cha - nó vừa thấp, vừa bé như một cái chuồng chim”. Vì tiền, những người có học cũng sẵn sàng bán rẻ danh dự để trở thành những kẻ ăn mày trơ tráo.

Ngòi bút của Trọng Lang cũng sắc sảo “ghi” lại những cảnh đời ô nhục, nhơ nhuốc của những tên chồng hờ, những tên ma cô dắt gái, những tên “đĩ đực khốn nạn khiến người đọc phải kinh tởm về sự tha hóa của loài người. Chúng dắt gái cho khách để kiếm chút tiền “boa”; chúng sẵn sàng “làm chồng thuê”, làm “nhân tình hờ” cho bọn đĩ lậu để có thể bảo lãnh mỗi khi gặp cảnh sát.

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến đói nghèo, tha hóa của con người là những tệ nạn xấu xa - con đẻ của xã hội thực dân phong kiến. Chưa có được sự lý giải thấu đáo, nhưng phóng sự Trọng Lang đã vạch trần hiện thực nhơ bẩn ấy. Đó chính là sự nhũng nhiễu, “ăn bẩn” của những kẻ


làm quan. Ra làm quan là “cho cả họ được nhờ”, “là không nghĩ đến việc để đức lại cho con cái về sau này nữa”, là phải biết “bóp họng dân”, nếu “lành” quá sẽ bị các quan bạn cho là “rát hay là ngốc”…thì tệ nạn, tham nhũng, ăn bẩn là chuyện hiển nhiên, đã thành “cơ chế” của xã hội. Nạn “xôi thịt” đã thành tệ nạn phổ biến. Biết là Nhiêu Tr. bị oan, các cụ vẫn cứ phạt để được chè chén. Bởi “các cụ trước tiên nghĩ đến xôi và thịt rồi mới nghĩ đến trộm”, mà “xôi thịt chỉ có thể đầy ra ở nhà Nhiêu Tr. mà thôi”. Lệ làng được đặt ra từ “tổ con chuồn chuồn” bao gồm một bộ ba chánh, phó tổng và lý trưởng. Sở trường của phó tổng là bóp nặn dân đen “không một hủ tục nào là hắn không duy trì nếu hủ tục ấy thoáng có mùi xôi thịt. Hắn có tài tìm ra xôi thịt…quanh một xác chết, sau một đám cưới, giữa một nhà quanh năm chỉ ăn rau…

Cùng với tệ tham quan, “ăn bẩn” là biết bao tệ nạn “bung” ra trong xã hội thực dân. Trọng Lang đã hướng ngòi bút bóc trần những tệ nạn nhức nhối đó: Nạn nghiện hút như một căn bệnh truyền nhiễm - tàn phá thê thảm cả thể chất, tinh thần, nhân cách của con người; nạn mại dâm và muôn vàn hình thức trá hình của nó - một vấn đề thời sự của đời sống thị thành, biến bao người lương thiện trở thành “nô lệ của đêm vui”, thành những “con thiêu thân phù du trước ngọn lửa”, thành “những con bò cái” bị “vắt đến giọt sữa cuối cùng”; nạn trộm cắp, lưu manh (Trong làng chạy); nạn ăn mày ăn xin, lừa lọc bỉ ổi (Hà Nội lầm than); nạn “lang băm” vô đạo mọc ra như “nấm”. Ở đó toàn những Thầy lang tài đức đã “rơi vãi hết”, chỉ giỏi ngón lừa đảo, bịp bợm (Thầy lang)…

Có thể nói, bằng tài năng, tấm lòng, phóng sự của Trọng Lang đã tập trung phản ánh thực trạng đen tối của xã hội đương thời. Phóng sự Trọng Lang vừa hàm chứa một dung lượng hiện thực rộng lớn, thấm đẫm hơi thở đời sống, vừa đậm sâu tinh thần nhân văn và có sức hấp dẫn với người đọc.


Nguyễn Đình Lạp cũng là một trong những cây bút đặc sắc, góp phần đáng kể vào thành tựu chung của phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Sinh trưởng và gắn bó với Hà Nội, ông đã hiểu đến từng ngõ ngách của Hà Nội và tập trung phản ánh những vấn đề nhức nhối của “Hà Nội lầm than” thời thuộc Pháp. Ngoài hai tiểu thuyết phóng sự nổi tiếng Ngoại ô (1941), Ngõ hẻm (1943), ăm ắp những tư liệu về đời sống cơ cực của người dân nghèo Hà Nội, Nguyễn Đình Lạp đã viết nhiều phóng sự điều tra về muôn mặt đời sống đương thời : Thanh niên trụy lạc, Chợ phiên đi tới đâu?; Từ ái tình đến hôn nhân…Cũng viết về nạn mại dâm nhưng không chỉ nhận diện, chỉ ra hiện trạng, Nguyễn Đình Lạp nghiêng hơn về cắt nghĩa những con đường dồn đẩy những con người vốn “cũng ngây thơ, chất phác”, chỉ khác là “sinh ra ở chốn nghèo hèn”, bị “loài người lừa dối” “- xô đẩy nó, giầy xéo lên nó”, khiến nó đành “ngã xuống cái vực sâu để mà đau khổ, sống mãi cái đời không ánh sáng, không hy vọng”, phải chịu “bao nhiêu sự nhục nhã, ê chề bằng số tiền kiếm được sau những đêm ê chề nhục nhã” để kéo dài cuộc đời nhục nhã, ê chề…[26 ; 206, 207]. “Đội ngũ” những kẻ bị dồn đẩy, cùng đường ấy ngày một đông, Hà Nội có đến “5000 người làm nghề mãi dâm!” “5000 cuộc đời vứt bỏ, bị giầy xéo giữa những trận cười! 5000 tấm linh hồn vất vưởng như ngọn đèn trước gió, sống không một lời an ủi, chết không một lời khóc than” [26; 210]. Nguyễn Đình Lạp đã xót xa cảnh báo thực trạng suy thoái thê thảm của “2 vạn thanh niên” - “2 vạn cái đầu xanh” của Hà Thành đương thời. Họ đang sa vào con đường trụy lạc khiến mọi người phải “rùng mình, ghê tởm”. Hầu hết thanh niên chỉ “thờ một lý tưởng: khoái lạc; đuổi một mục đích: tiền tài; dõi một ý muốn: cười cợt…chỉ có một ý định thỏa mãn vật chất và giày xéo lên hết để đạt cái ý định ấy”. Thanh niên sống không còn lý tưởng “những danh từ thiêng liêng; danh dự, tổ quốc, nhân loại đối với họ chỉ là những làn khói tỏa, những tiếng cười sòa, những


câu gọn thon lỏn: “Ối chao, ít cần”. Đối với họ “sự chơi bời đã cần thiết như cơm ăn, áo mặc, nước uống, khí trời”; “không có tiền, họ xoay xở, lường gạt. Họ dối cha mẹ, dối anh em, dối bạn bè, dối xã hội” - để có tiền và dấn vào những con đường lầy lội: Những “hộp đêm, những chiếu rượu, chiếu bạc, những tiệm hút, tiệm nhảy và nhanh chóng bị tha hóa “lường gạt…ức hiếp…tai ác một cách tàn nhẫn, thiểm độc vô cùng”. “Tất cả đối với họ chỉ là con số không. Số có thì phải là “xác thịt, thuốc phiện, tiền, thật nhiều tiền…Vì thế họ liều lĩnh, họ văng mạng, họ đểu giả cả trăm phần trăm” [26; 253]. Có thể nói, với Thanh niên trụy lạc, Nguyễn Đình Lạp đã phanh phui tất cả sự “liều lĩnh và đểu giả”, “những bẩn thỉu, đọa đầy, đau đớn” của thanh niên đương thời - những kẻ “đang giẫy giụa để sống vật vờ bên cái chết…” - một “ung nhọt đầy máu mủ” của xã hội đương thời.

Với Từ tình ái đến hôn nhân, Nguyễn Đình Lạp lại bóc trần thực chất cái gọi là “tình yêu” của thanh niên đương thời. Họ “có biết yêu gì đâu. Có bao giờ yêu đâu. Chỉ có xác thịt thôi”. Với họ “Ái tình quả chỉ là sự cọ sát của hai làn da”. “Chỉ thế thôi. Rồi hết…”. Chính vì không có tình yêu, nên với họ hôn nhân cũng thật vô nghĩa và thực chất cũng chỉ là sự “giãy giụa trong đau thương của tuyệt vọng” và tất yếu dẫn đến những kết cục bi thảm, hoặc “bị dồn đến một con đường tắc tị”, đành tự kết liễu tuổi thanh xuân bằng tự tử, bằng một chén thuốc phiện hòa dấm thanh, bằng nước cường toan, hoặc đâm đầu xuống hồ, xuống sông, hoặc cắt mạch máu…Bởi thế, trung bình mỗi năm Hà Thành có tới 200 vụ tự sát vì tình! “Ấy là chưa kể biết bao người sống gượng gạo để kéo dài cuộc đời vô vị bằng những tờ giá thú bất bình…biết bao nhiêu tuổi hoa niên…dang dở, đem chôn chặt cả tương lai, cả hy vọng, cả cuộc đời vào những nhà tu kín hay những chùa vắng, am thanh…biết bao nhiêu linh hồn đau khổ hơn nữa chìm ngập trong vực hành lạc hay sa ngã vào cảnh giang hồ…”. [26; 294]. Những cảnh đa thê

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/12/2022