của Vũ Trọng Phụng là “lối viết chính luận nghệ thuật đanh sắc”. Ông đặc biệt nhấn mạnh phần đóng góp to lớn của Vũ Trọng Phụng đối với thể phóng sự, coi Vũ Trọng Phụng là “một trong số những người mở đầu và là người có công lớn nhất trong việc đưa thể loại phóng sự đến thành thục”. Từ góc độ thể loại, Vương Trí Nhàn qua tiểu luận Nơi gặp gỡ của báo chí và văn họcghi nhận phóng sự của Vũ Trọng Phụng “rất chín, rất thành thực, không chê vào đâu được”. Đặc biệt trong Tổng tập văn học Việt Nam tập 29 do NXB Khoa học xã hội ấn hành, Nguyễn Hoành Khung một lần nữa khẳng định: “Cho đến nay, có thể nói, vị trí hàng đầu của Vũ Trọng Phụng trong nền văn xuôi quốc ngữ nước ta trước cách mạng đã được khẳng định chắc chắn hơn bao giờ hết”. Viết về Phóng sự của Vũ Trọng Phụng, Hà Minh Đức nhận xét: “Phóng sự của Vũ Trọng Phụng không đi vào miêu tả tràn lan những chất liệu phức tạp của đời sống mà tập trung vào những hiện tượng đặc biệt và làm nổi lên chủ đề và nội dung xã hội rõ rệt”…”Phóng sự của Vũ Trọng Phụng có giá trị văn học…Vũ Trọng Phụng là bậc thầy của nghệ thuật trần thuật và miêu tả…táo bạo, mạnh mẽ, chân thực, thuyết phục, hài hước, cảm thương là những cảm hứng dễ thấy của phóng sự Vũ Trọng Phụng”.
Các tác phẩm phóng sự của Vũ Trọng Phụng đã được đưa vào nhiều bộ Từ điển văn học như: Từ điển văn học, 2 tập (NXB Khoa học Xã hội, 1984), Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam (từ cuối thế kỷ XIX đến 1945), (NXB Văn học, 2001)…. Các công trình nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng đã được tập hợp trong nhiều cuốn sách: Vũ Trọng Phụng, con người và tác phẩm do Nguyễn Hoành Khung và Lại Nguyên Ân biên soạn; Vũ Trọng Phụng - về tác gia và tác phẩm do Nguyễn Ngọc Thiện và Hà Công Tài biên soạn; Vũ Trọng Phụng - Một tài năng độc đáo do Mai Hương biên soạn; Bản sắc hiện đại trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng do Viện Văn học biên soạn…Trong đó đều có những bài viết, đánh giá cao đóng góp của
phóng sự Vũ Trọng Phụng trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật thể hiện. Phóng sự của Vũ Trọng Phụng cũng đã được chọn làm đề tài nghiên cứu của một số luận án, luận văn khoa học các cấp.
3.2.3. Ngô Tất Tố
So với Vũ Trọng Phụng, việc nghiên cứu đánh giá về Ngô Tất Tố nói chung và di sản phóng sự của ông nói riêng ít thăng trầm và phức tạp. Năm 1942, trong Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan đã dành giới thiệu về sáng tác của Ngô Tất Tố, trong đó có tập phóng sự đặc sắc Việc làng. Cùng với nội dung: “làm cho người ta thấy những cảnh khổ não, nhục nhằn, những tai nạn khủng khiếp, những việc thương tâm gây nên bởi miếng ăn, phơi bày ra như ở trước mắt ”, Vũ Ngọc Phan đánh giá cao vốn hiểu biết thực tế, đặc biệt nghệ thuật “tả …thật như vẽ ra trước mắt”, “lời văn bình dị”, nhờ vậy, “tập phóng sự về dân quê này thật là một tập phóng sự rất đầy đủ về lệ làng”. Năm 1958, nhân Đọc lại việc làng của Ngô Tất Tố, Bùi Huy Phồn nhận xét: “Bằng những tài liệu phong phú, một lối nhìn sâu sắc tinh vi và lời văn đanh thép như một lời cáo trạng, nhiều khi châm biếm quá đến chua cay”, nhà văn lão thành Ngô Tất Tố đã viết thiên phóng sự Việc làng, với “mười bảy bản cáo trạng lên án cái bản chất mọt ruỗng và đen tối của tổ chức xã hội cũ một cách rất hùng hồn”. Bùi Huy Phồn đánh giá cao quan điểm và cách nhìn nhận của Ngô Tất Tố về hiện thực đời sống. Ông cho rằng: “Trong lúc mà một số nhà văn khác đang đua nhau ca ngợi những lớp người và cuộc sống lãng mạn suy tàn, thì Ngô Tất Tố là một trong số những nhà văn đã nhìn thấy cái bản chất của xã hội đương thời”. Trong chuyên luận Ngô Tất Tố (NXB Văn hóa, 1962), hai tác giả Nguyễn Đức Đàn, Phan Cự Đệ cũng khẳng định: “Sự am hiểu đời sống ở nông thôn và tâm lý của người nông dân khá sâu sắc của Ngô Tất Tố, nhờ thế ông đã làm nổi bật được những tai hại của tục lệ xã hội, của lệ làng”. Và nhấn mạnh: “Thành công của Ngô Tất Tố và cũng là biểu hiện cái nhìn đúng đắn của ông chính là ở chỗ thông qua
việc miêu tả các hủ tục, nhà văn đã vẽ lên được cuộc sống khổ cực của nông dân và âm mưu của bọn cường hào địa chủ lợi dụng hủ tục để áp bức, bóc lột quần chúng”. Các tác giả cũng nhấn mạnh: “Giá trị của tập phóng sự Việc làng chính là ở chỗ …đã miêu tả thực tại một cách chân thực và đã biểu thị thái độ không đồng tình với thực tại ấy; phê phán nghiêm khắc thực tại ấy”. Về nghệ thuật, Ngô Tất Tố vốn xuất thân từ nho học, nhưng “đối với một thể loại mới mẻ như thể loại phóng sự, Ngô Tất Tố đã không tỏ vẻ bỡ ngỡ chút nào. Trái lại, ngòi bút của ông khi nào cũng vững vàng, chắc chắn, lời văn bao giờ cũng bình dị, sáng sủa và cô đúc”. Trong một số giáo trình, công trình văn học sử, phóng sự của Ngô Tất Tố đặc biệt hai tập Việc làng và Tập án cái đình đã được đánh giá cao. Nguyễn Đăng Mạnh trong Lịch sử văn học Việt Nam, tập 5 (NXB Giáo dục, 1973) khẳng định: “Ngô Tất Tố là nhà văn xuất sắc của nông thôn Việt Nam. Tập phóng sự có giá trị nhất của ông là tập Việc làng”… “một tập án đanh thép về hủ tục và nạn cường hào ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng”. Nghệ thuật phóng sự của Ngô Tất Tố trong Việc làng “có khuynh hướng đi gần với lối viết truyện ngắn…lối kể chuyện của tác giả khá linh hoạt…con mắt quan sát và ngòi bút miêu tả của Ngô Tất Tố khá sắc sảo…ngôn ngữ của Việc làng nói chung chính xác, giàu hình ảnh. Tác giả tỏ ra khá thông thạo ngôn ngữ nông thôn”. Trong bài viết Tiểu phẩm văn học và báo chí của Ngô Tất Tố, Hà Minh Đức khẳng định: “Chính Ngô Tất Tố, ở thể loại phóng sự cũng đã tạo được thành công xuất sắc. Tập án cái đình và phóng sự Việc làng là những trang viết phô bày sự thực của làng quê bị trói buộc trong những hủ tục bao đời và cũng bộc lộ thái độ phê phán thẳng thắn của nhà nho tiến bộ muốn giải thoát nông thôn khỏi những ràng buộc lâu đời. Nhiều nhà xã hội học trong và ngoài nước đánh giá và xem các tác phẩm trên như những tín hiệu tin cậy và chứng tích của một thời của nông dân Việt Nam trước cách mạng”. Trong Hội thảo do Trường Đại học Havard (Mỹ) tổ chức 1982, Ngô Tất Tố và di sản văn học của ông được đặc biệt quan tâm, được đánh giá cao và khơi gợi được không
Có thể bạn quan tâm!
- Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 1
- Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 2
- Xung Quanh Khái Niệm Thể Loại Phóng Sự
- Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 5
- Khái Lược Về Phóng Sự Việt Nam Giai Đoạn 1930 - 1945
Xem toàn bộ 202 trang tài liệu này.
khí thảo luận sôi nổi, trong đó Việc làng đặc biệt được quan tâm, được đánh giá cao về tính chân thực, phong phú về tư liệu và tiến bộ trong tư tưởng phê phán. Trong tham luận của ông, Phan Cự Đệ đánh giá cao di sản của Ngô Tất Tố trong đó có di sản phóng sự. Nhà nghiên cứu Pháp G.Buđaren, đề cập đến “chủ nghĩa Đình – Đình chi phối, kìm hãm nông thôn Việt Nam trong hủ tục”. Trước đó, Buđaren đã đánh giá cao tài năng của Ngô Tất Tố và giá trị tác phẩm của nhà văn: Một nhà dân tộc học được đào tạo “bằng thực tiễn quần chúng”. Theo G.Buđaren “Cảm hứng trong tác phẩm của ông là chống “chủ nghĩa truyền thống” (Ở đây có nghĩa là phục cổ) một cách mạnh mẽ, rất thực chứng và mang tính xã hội nếu không muốn nói là có màu sắc xã hội chủ nghĩa. Sự khinh bỉ công khai của tác giả đối với những người bị bỏ sót “trong lũy tre làng…Tác phẩm của ông (Ngô Tất Tố) ngày nay là một nơi lưu trữ tuyệt vời, một bảo tàng mỹ lệ về những phong tục truyền thống đó”. Với hai tập phóng sự Tập án cái đình và Việc làng, Ngô Tất Tố “đã chĩa mũi dùi vào cơ cấu của bộ máy xã hội, các mối quan hệ giữa thân hào ở địa phương với những người nông dân mù chữ bị chúng lừa đảo, chủ yếu trong các dịp tế lễ, đình đám”.
Cùng với những công trình, bài viết trên, những năm gần đây trong nhiều công trình tập hợp, biên soạn về Ngô Tất Tố và di sản văn học đồ sộ của ông: Ngô Tất Tố với chúng ta; Ngô Tất Tố - Một tài năng đa dạng do Mai Hương biên soạn; Ngô Tất Tố - về tác gia và tác phẩm do Mai Hương và Tôn Phương Lan biên soạn; Di cảo báo chí Ngô Tất Tố - ý nghĩa lý luận và thực tiễn do Phan Cự Đệ, Cao Đắc Điểm, Vũ Duy Thông và Nguyễn Gia Quý biên soạn…đều có những bài viết tâm huyết, đánh giá cao giá trị và đóng góp của phóng sự Ngô Tất Tố. Tác phẩm phóng sự của Ngô Tất Tố cũng được trân trọng giới thiệu trong các bộ: Từ điển văn học, 2 tập (NXB Khoa học Xã hội, 1984); Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam (từ cuối thế kỷ XIX đến 1945) (NXB Văn học, 2001)…Phóng sự của Ngô Tất Tố cũng
trở thành đối tượng khảo sát, nghiên cứu của nhiều luận án, luận văn khoa học các cấp.
Nhìn chung, càng ngày những giá trị của phóng sự Ngô Tất Tố càng được khám phá sâu sắc, đa diện; càng được khẳng định chắc chắn hơn.
Từ việc khảo sát lịch sử nghiên cứu về phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 và phóng sự của ba cây bút tiêu biểu Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang, chúng tôi nhận thấy vấn đề mới dừng lại ở mức độ:
. Đề cập tới một cách khái lược khi nghiên cứu về những vấn đề chung của lịch sử văn học giai đoạn 1930 -1945.
. Đề cập tới từng khía cạnh, từng tác phẩm hoặc sáng tác của từng tác giả riêng biệt.
. Tách phóng sự của các tác giả này ra khỏi báo chí, vốn là cái "nôi" của phóng sự Việt Nam 1930 - 1945.
Từ thực tế đó chúng tôi nhận thấy:
- Cần thiết khảo sát một cách toàn diện, hệ thống phóng sự 1930 - 1945, đặc biệt đóng góp của ba cây bút phóng sự tiêu biểu Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang.
- Khảo sát, nghiên cứu phóng sự của các cây bút này và phóng sự 1930 - 1945 trong mối quan hệ chặt chẽ với báo chí và tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX .
- Từ đó rút ra được những thành tựu đóng góp của phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 nói chung và của ba tác giả Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang nói riêng vào sự phát triển của thể loại phóng sự trong cả tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam hiện đại.
Và đó cũng là lý do chúng tôi chọn nghiên cứu đề tài này.
4. Phương pháp nghiên cứu:
Để triển khai đề tài, luận án sử dụng những phương pháp nghiên cứu cơ bản sau:
- Văn học sử nhằm khôi phục lại diện mạo và tiến trình văn học 1930 - 1945.
- Phân tích và hệ thống để làm rõ đặc sắc của tác phẩm, của từng nhà văn và hệ thống hóa nhằm khái quát các vấn đề.
- So sánh để làm rõ cái chung và riêng của từng tác giả cũng như giữa 3 tác giả Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố với các tác giả phóng sự khác cùng thời.
- Phương pháp liên ngành văn học sử - báo chí nhằm làm rõ quan hệ văn học và báo chí trong phóng sự của 3 cây bút và phóng sự trong giai đoạn 1930 - 1945.
Ngoài ra, chúng tôi sử dụng phương pháp phụ trợ thống kê - phân loại làm cơ sở cho nhận định và so sánh.
5. Đóng góp mới của luận án:
- Khảo sát một cách toàn diện và hệ thống các di sản phóng sự của ba cây bút phóng sự tiêu biểu đầu thế kỷ XX Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, từ đó có cơ sở chắc chắn để khẳng định nét riêng trong cá tính sáng tạo của từng cây bút, phần đóng góp và vị trí của ba cây bút này trong sự phát triển của phóng sự Việt Nam.
- Đặt và khảo sát ba tác giả tiêu biểu trên nền chung của phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, luận án góp phần khái quát diện mạo của phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 và ở một phạm vi nhất định cho thấy sự phát triển của thể loại này trong tiến trình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
- Từ nghiên cứu ba tác giả và phóng sự 1930 - 1945 rút ra được những bài học kinh nghiệm thẩm mỹ có ý nghĩa cho sự phát triển của phóng sự trong giai đoạn đổi mới và hiện nay.
6. Cấu trúc của luận án:
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận án gồm ba chương:
- Chương 1: Khái niệm phóng sự và khái lược về phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945.
- Chương 2: Đối tượng thẩm mỹ của phóng sự Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố.
- Chương 3: Đặc điểm của phóng sự Tam Lang, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng (nhìn từ góc độ thể loại).
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: KHÁI NIỆM PHÓNG SỰ - KHÁI LƯỢC VỀ PHÓNG SỰ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1930 - 1945
1.1. Khái niệm về thể loại phóng sự
1.1.1. Sự hình thành của thể loại phóng sự
Phóng sự, tiếng Anh là reportage, bắt nguồn từ tiếng La tinh, reportara có nghĩa thông báo một tin mới, về chuyến đi, giành được một cái gì đó. Theo Karel Storkal, khoa Báo chí, trường Đại học Sác-Lơ, Cộng hòa Séc, “phóng sự được ra đời do sự hiếu kỳ của con người, do niềm khát khao muốn hiểu biết và muốn có những thông tin độc đáo và lý thú”. Theo ông, người Anh là những người đầu tiên sử dụng thuật ngữ Phóng sự để “mô tả một kỳ họp Quốc hội, những trận lụt, những đám cháy và những cuộc chiến tranh” [158, 208]. Cũng theo Karel Storkal, phóng sự xuất hiện từ nửa sau thế kỷ XIX, khi chủ báo Thời báo (……) cử phóng viên theo dõi với tư cách một nhân chứng tại chỗ để miêu tả cuộc chiến tranh Crimê; khi một nhà báo Pháp giàu tham vọng được viên cảnh sát trưởng Paris cho phép đi thăm và mô tả về các nhà tù của Pháp. Việc miêu tả của các phóng viên này dựa trên sự kể lại của các nhân chứng “mắt thấy tai nghe”. Cụ thể hơn Karel Storkal nhận xét: thể loại phóng sự phát triển và khẳng định được vị trí của nó từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất với sự tham gia của những nhà văn nổi tiếng như Giăng Cốc-tô, Gioóc-giơ Gi-ra, Ăng-đrê Mô-roa…Các tác giả cuốn Bách khoa toàn cầu xuất bản tại Paris năm 1991 lại cho rằng: thể phóng sự ra đời ở Mỹ trong chiến tranh Nam - Bắc (1861 - 1865) và nhanh chóng phát triển trên mục Thời luận, trong các báo Anglo - Saxonne. Tuy nhiên, các tác giả cũng cho biết, mặc dù xuất hiện sớm như vậy, nhưng vào thời điểm đó, ở
châu Âu, đặc biệt ở Pháp, các ký giả cũng còn khá dè dặt trong việc sử dụng thể loại này. Trong bộ Từ điển khoa học văn học do Claus Träger chủ biên, hai tác giả mục Phóng sự cho rằng: “Phóng sự là thể loại văn học phát triển từ báo chí và dần hoàn thiện về mặt thể loại. Những thập niên đầu thế kỷ XIX, đã có những phóng sự khá hấp dẫn: W.Ivring (Mỹ) với Sketch book (1819) viết về ấn tượng của ông về nước Mỹ và nước Anh; Ch.Dickens (Anh) đã mô tả cuộc sống của nước Anh trong cuốn Sketches by Boz (1835);
G. Weerth (Đức) với Englich Sketches (1843-1848); Th.Fontanes (Anh) với Một mùa hè ở London (1854) [184; 434,435] …Từ đó, phóng sự đã trở thành thể loại được yêu thích. Theo cuốn Từ điển văn học: Killy [185], mặc dù có thể xuất hiện dạng tường thuật nhân chứng và mô tả du lịch có các hình thức giống như phóng sự và nhiều khi được coi là phóng sự, nhưng thực tế, thể loại phóng sự chỉ được hình thành trong thế kỷ XIX, song song với việc phát triển ngày càng mạnh của thông tin đại chúng và các điều kiện phát hành. Ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, Phóng sự đã trở thành thể loại văn học phù hợp nhất thể hiện được những thay đổi có tính chất sâu sắc của xã hội và sự tàn phá cuộc sống thường nhật của người dân. Sau đó, vào cuối thập kỷ 60-70, cùng với việc đánh giá cao các thể loại văn học có tính tài liệu - hành động và sự phát triển, ảnh hưởng của trường phái Báo chí mới ở Mỹ, thể loại phóng sự càng được đề cao và phát triển.
Nhìn như vậy, có thể thấy, mặc dù không xác định được một thời điểm cụ thể cho sự ra đời của thể phóng sự, nhưng phần lớn ý kiến đều khẳng định: sự xuất hiện và phát triển của thể loại phóng sự gắn với sự phát triển của báo chí, “khi báo chí đã trưởng thành”; gắn với nhu cầu thưởng thức, tiếp nhận thông tin mới, “độc đáo, lý thú” và xác thực của công chúng, “người đọc ngày nay giàu kinh nghiệm mới, nhiều nguyện vọng, xúc động, liên tưởng nên nhạy cảm hơn, nghiêm khắc hơn, khó tính hơn. Bất cứ cái gì