Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 20


vật trần thuật, dẫn dắt sắp xếp các chi tiết, các sự việc, các nhân vật theo những tuyến vấn đề, tư tưởng. Các sự kiện nhỏ phục tùng sự kiện lớn, các việc phụ bổ sung cho việc chính, nhân vật đám đông làm nền cho nhân vật trung tâm hoạt động. Tam Lang nhanh nhạy, khéo léo đã thâm nhập và điều tra ghi lại được nhiều mánh khóe và “ngón nghề” của các cô gái làm nghề mại dâm ở đất cố đô Huế (Đêm sông Hương). Thú chơi “thuyền hoa” trên mặt nước sông Hương - “Thuyền hoa” tức là những nhà săm trá hình bồng bềnh trên sông nước. Những cô gái ôm đàn thơ mộng hay ở một cửa hàng nem rẻ tiền…Các chi tiết, các sự việc kết lại với nhau tạo nên một thảm cảnh thương tâm “Cô gái làm nghề mại dâm ở Huế thường có hai nghề: một nghề ngỏ và một nghề kín (điếm lậu). Nghề bán quà vặt, bán hàng rong…lúc ban ngày là nghề ngỏ. Khi màn đêm buông xuống, những người đàn bà đó lại đi hành nghề kín và phần nhiều họ trông vào đó để nuôi sống mình cùng gia đình” [187; 462]. Ở Tôi kéo xe, Tam Lang xâu chuỗi các chi tiết, các sự việc làm nổi bật chân dung phu xe - anh Tư. Kết cấu thời gian của thiên phóng sự này không theo trật tự, tuần tự mà theo lời kể - nhân vật trần thuật: Thời gian hiện tại - thời gian quá khứ - thời gian hiện tại. Cái Tôi - tác giả nhập cuộc, hành động, suy nghĩ, cảm xúc, thấm thía cảnh đời phu xe và chứng kiến cảnh khổ của một ông già kéo xe, sự tàn ác của bọn chủ, cai xe, bữa ăn và chỗ ở của người phu xe (hiện tại). Từ đó nhân vật Tôi nghe anh Tư kể về anh hơn mười năm qua trong nghề kéo xe (quá khứ) với những sự cố liên tiếp biến anh từ một người lương thiện thành kẻ tha hóa đê tiện. Nhiều cảnh, nhiều người, nhiều việc liên tiếp diễn ra dồn dập thê thảm, xót xa, bẩn thỉu…vây quanh người kéo xe dìm họ vào vũng bùn của đói khổ, tệ nạn. Cuối cùng (hiện tại) cái Tôi - tác giả biện luận, kết luận: cái nghề xe kéo là cái nghề “nhục đến quốc thể”, cần thay đổi, loại bỏ.

Vũ Trọng Phụng tổ chức các tình huống dẫn dắt câu chuyện với tốc độ khẩn trương hơn. Các chi tiết, sự việc đan xen, gấp gáp. Cái Tôi - tác giả khoác áo phóng viên lúc nào cũng xông xáo, khôn ngoan nhạy bén, sắc sảo,


luôn luôn di chuyển từ địa điểm này tới địa điểm khác để điều tra, khảo sát, móc nối các hiện tượng, xô đẩy các nhân vật ra “sân khấu” hoặc có khi đối thoại, phân bua với độc giả. Chẳng hạn tập phóng sự Lục xì: “Tôi không phải đi “điều tra” các nhà săm, các tổ quỷ, ở những nơi ngõ hẻm hang cùng. Không cần phải đút lót bọn bồi săm, bọn phu xe đêm, cũng như không cần phải ôm ấp vào lòng những gái đĩ có môn bài hay gái đĩ lậu thuế, mà mới biết được cuộc đồi phong bại tục hay là những cái tai hại của nạn mại dâm. Tôi chỉ việc điều tra trong những sách vở thảo luận về vấn đề ấy” [9; 99]. Nhưng để hoàn thành “công cuộc khảo cứu về nạn mại dâm”, nhà văn đã sắp xếp cái kho tư liệu (tài liệu, sách vở và những chi tiết qua nghe, thấy) theo những vấn đề, theo những đường dây sự kiện hấp dẫn lôi cuốn người đọc. Ngay như các tít của từng chương cũng rất nghệ thuật. Nó gợi trí tò mò khiến người đọc phải theo dõi nội dung. Và nội dung các chương lại móc nối với nhau. Mở đầu là Cái xấu của thành phố đến Nàng thơ của gái Lục xì, Sự hại cần phải có, Bọn gái của “sổ đoạn trường”, Một ngày khám bệnh, Cái quan điểm của nhà chuyên trách phân loại gái mại dâm: gái đĩ có giấy. Gái đĩ lậu. Cô đầu. Gái nhảy. Me Tây. Đầm lai. Đầm thật. Cầm giấy, Xé giấy…Cuối cùng Tương lai sẽ ra sao? Biết đến ngày nào mới giải phóng được phụ nữ? Cái xã hội một nghìn lần khốn nạn này” dù chỉ có thể xô đẩy bọn người đáng thương “trước thì còn vào nạn “lãng mạn” và, sau cùng thì vào vũng bùn mại dâm?” [9; 175]. Toàn bộ những vấn đề nhức nhối được nêu lên và nhức nhối hơn là chưa có hướng giải quyết.

Cạm bẫy người 14 chương, 14 phóng sự nhỏ, khảo cứu nghề bịp. Tít mỗi chương hấp dẫn, khái quát được nội dung, tinh thần của chương: Ông thân tôi là “mòng”. Ông quân sư của bạc bịp. Đố anh nào bịp được mắt tôi. Bốn đồng sấp ngửa. Ruột quân súc sắc. Xưởng chế tạo khí giới. Tấm lòng đi bịp từ nay xin chừa…Cách dàn dựng tình tiết công phu, tổ chức các tình huống bất ngờ thú vị. Chương đầu sinh động từ việc Vân gửi thư cho Ấm B…xin viện binh đến “thịt” ngay bố đẻ mình. Tình huống này được “cài


đặt” sẵn để chương XI đột ngột hiện lên làm thay đổi câu chuyện. “Mong ngài xếp cho một người có vẻ ông thanh phán, đúng chiều thứ bảy sang tôi chơi. Chính ông thân tôi là mòng chắc chắn lắm, còn nhiều két nữa…Và báo trước bằng thơ nói rõ hình dạng người mà ngài phái sang để chúng tôi ra ga đón cho tiện”. Sự việc nhẫn tâm ấy diễn ra, kẻ đóng vai Tham Ngọc, là đàn em “đáođể” của Ấm B…giở những thủ đoạn quỷ quyệt và bố đẻ Tham Vân thua đến hơn sáu chục. Nhưng cũng chính lá thư ấy, mấy tháng sau là bảo bối để Tham Ngọc xoay tiền Tham Vân. Một canh xóc đĩa Tham Vân được ngót 40 đồng. Sáng hôm sau Tham Ngọc đến:

“- Bác vừa phát tài mà tôi túng quá, giúp tôi một ít cho tôi tiêu

- Bác lấy mấy đồng?

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 202 trang tài liệu này.

- Độ chừng bốn chục

- Tôi được có bốn chục mà bác đòi lấy cả bốn! Bác vô lý quá…

Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 20

- Danh giá bác còn to hơn!

Tôi nghĩ mãi, không hiểu ý nó thế nào. Sau nó giơ một cái thư tôi đã gửi cho Ấm B…khi trước.

- Cái này gửi về hầu cụ còn to chuyện hơn.” [28; 637]

Bị bắt chẹt, Tham Vân phải trao bốn chục bạc cho Tham Ngọc. “Ếm” chi tiết, tạo tình huống như thế làm cho câu chuyện thêm ly kỳ hồi hộp. Nhà văn đưa nhân vật Ba Mỹ Ký ra, nhưng qua nhân vật này người đọc rõ hơn con người Ấm B…trùm bạc bịp. Quân sư Ấm B…phái Ba Mỹ Ký vào một nơi “hang hùm nọc rắn” bị sa hố, bị bọn quých “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”. Ba Mỹ Ký, vì thế, mắc chứng ho. “Ông Ấm phải đem bao nhiêu lối “chế tạo khí giới” của ông ra truyền cho bác Ba để bác làm sinh kế…Ông Ấm thuật chuyện rồi nói một cách cảm động:

- Rõ thương hại nó quá. Dễ thường nó ho lao!” [28; 620]

Một con người nguy hiểm cho xã hội té ra lại là người có thủy chung nhất là khi Ấm B…đứng ra tổ chức đám tang cho Ba Mỹ Ký.


Tình huống trong phóng sự của Vũ Trọng Phụng thường tạo ra những bất ngờ, đột biến, có lúc gần với những phóng sự điều tra hình sự về trật tự an toàn xã hội. Các sự việc đan xen nhau. Cái trước là tiền đề cho cái sau và mở ra liên kết với các sự việc khác tạo nên một “lưới nhện” cho kết cấu tác phẩm.

Trong khi đó, Ngô Tất Tố dẫn dắt câu chuyện theo lối kể chuyện, vừa quan sát vừa kể. Tập án cái đình, 11 chương là 11 chuyện kể về những hủ tục; Việc làng, 16 chương là 16 chuyện kể về “miếng ăn” ở làng quê. Các chương hoàn toàn độc lập, không liên quan với nhau nhưng có điểm chung về chủ đề. Khi kể các chi tiết, các sự việc hiện tại, nhiều lúc Ngô Tất Tố trình bày thêm tư liệu văn hóa, sách vở bổ sung và làm rõ hơn các chi tiết, sự việc. Xung quanh “cái đình” là tục thờ thành hoàng làng, lắm khi vô lý buồn cười. Kể lại tục thờ thành hoàng làng, tác giả đưa thêm những kiến thức từ cái kho trí tuệ uyên bác của mình. Kể lại sự việc, tác giả thường là người trực tiếp chứng kiến, thấy, nghe, ghi chép, nhẩn nha, rành rẽ, có khi vừa đi vừa kể. Quang cảnh một vụ án mạng hiện ra trước mắt người đọc: Tuần phu tay thước mã tấu, chiêng trống cờ quạt, tiếng gào khóc, một xác người cuộn trong chiếu thành một đống xù xù, ruồi nhặng bay mùi tanh nồng nặc, một người đàn ông bị trói ghì vào cột…Anh bạn tôi “vừa đi, anh ta vừa kể cho tôi nghe đầu đuôi vụ án mạng ấy” (Cái án ông cụ). Kết cấu phóng sự của Ngô Tất Tố được định trước: trình bày hiện trạng, sự việc sau đó nêu nguyên nhân (Cái án ông cụ, Đôi giầy mất dạy, Mua cỗ, Cỗ oản tuần sóc, Một tiệc ăn vạ, Một chiếc lăm lợn…). Tác giả tường thuật một cuộc “hỗn chiến” giữa hai phe. “Càng đi gần lại, tiếng thét càng dữ thêm. Tiếp đến tiếng chửi phũ phàng của cơn thịnh nộ, rồi đến tiếng kêu làng nước inh ỏi.

Trong khu văn chỉ của làng Đ.C. bóng người đen kịt. Và ở cổng làng cũng như các ngả đường khác, đàn ông đàn bà tất cả chạy ra. Ai cũng như


nấy, mỗi người trong tay đều có một món khí giới, hoặc sào, hoặc gậy, hoặc cán cuốc, hoặc đòn gánh, có người thì vác cả vồ đập đất. Tứ chi bát mạch, nhất tề đổ vào đất văn chỉ với một bộ điệu hùng hổ.

- Đánh! đánh! đánh!

Mấy tiếng thét đánh vừa dứt, cuộc hỗn chiến tức thì bắt đầu (25, 288). Rồi đòn gánh giơ lên, cuốc bổ xuống, tiếng kêu tiếng chửi chen nhau. “Các toán viện binh các nơi vẫn tiếp tục kéo đến ầm ầm. Đáng sợ nhất là mấy mụ đàn bà. Xắn váy, xắn áo và quấn búi tóc vểnh ngược, các mụ liều mạng xông vào trận địa như là một đội quân cảm tử.

Tôi phải rùng mình sởn gáy, khi thấy một người lực điền thẳng cánh giơ vồ đập đất bổ vào đầu một ông già vừa chui ra khỏi vòng vây.

Ông già ấy loạng choạng, lảo đảo như con gà toi dãy chết rồi ngã phục vị xuống đất. Người lực điền kia lại vác chiếc vồ nghênh ngang vào trận.

Giữa đám túi bụi, thấp thoáng có bóng xanh xanh.

Khi đã lách qua vòng vây, bóng xanh xanh liền hiện ra thành hình người.

Ồ! Lạ! Trong đám ẩu đả lại có người mặc áo thụng lam và đội mũ nhiễu hoa.

Tuy rằng đứng ở đằng xa, tôi cũng trông rõ hình dạng. Người ấy, hàm râu đã dài, cái áo thung lam đã toạc, vạt trước, trên trán có một vết đỏ chạy thẳng từ trán xuống cằm, có lẽ là vết máu chảy.

Chỉ kịp lật mũ vất xuống vệ đường, người ấy vén tay áo thụng, giằng lấy chiếc gậy của một người khác, rồi quay vào đám đông người ra sức vụt lấy vụt để.

Hình như bây giờ đến hồi loạn chiến, người ta chỉ cốt đánh cho sướng tay, bất phân ai là phe thân, ai là phe thù” [25; 289].

Kết quả người thì mất miếng thịt khá to ở gò má, xương lòi ra, người thì trán sưng, mắt híp lại, người thì mất mảng tóc đỉnh đầu, “thịt non phơi ra đỏ hỏn”. Lý trưởng cắt tuần phiên canh gác và đi lùng bắt những kẻ tham


chiến. Cuộc hỗn chiến “gớm ghiếc” như thế với những cảnh, những người, những việc được diễn tả khá sôi động và sinh động. Đến đây tác giả mới cho biết nguyên nhân: “Một người cùng đi một đường với tôi; đã được chứng kiến trận ẩu đả ấy và có biết rõ nguyên ủy. Cứ như anh ta đã nói, thì căn do của thảm kịch chỉ tại một chiếc lăm lợn” [25; 201]. Ngày mai hội tư văn của làng làm lễ tế tại văn chỉ. Hai ông tranh nhau chức chủ tế, bởi vì ai gánh công việc chủ tế thì được phần chiếc lăm lợn, lệ làng là thế. Cách tổ chức dẫn dắt câu chuyện theo lối này gợi tò mò cho người đọc. Người đọc phải theo dõi nội dung cho đến hết tác phẩm mới rõ nguyên nhân của sự việc, vấn đề.

3.2.4. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ

Phóng sự, nhất là phóng sự do các nhà văn viết, tính chất văn chương đậm đặc hơn. Ở đấy bức tranh về đời sống hiện ra vừa cụ thể vừa khái quát với nghệ thuật dẫn chuyện, nghệ thuật trình bày chi tiết, nghệ thuật miêu tả, đặc tả chân dung và ngôn ngữ linh hoạt sống động. Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang sử dụng ngôn ngữ ở nhiều góc độ, cấp độ khác nhau tạo ra những văn phong độc đáo nhưng tựu trung có mấy điểm chung sau đây:

Các tác giả qua việc sử dụng ngôn ngữ, thể hiện kiến thức và sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực, đề tài mà mình đi sâu khai thác: cuộc sống của lớp người dưới đáy xã hội, nạn cờ bạc bịp, nạn mại dâm, những hủ tục và mánh khóe bỉ ổi của bọn cầm quyền ở nông thôn trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Ngôn ngữ trong phóng sự của ba nhà văn giàu hình ảnh, biện pháp tu từ kết hợp với một số phương pháp biểu đạt như đối thoại, tiếng lóng, tiếng nhà nghề khắc họa được nội tâm nhân vật và vì vậy nâng cao được tính nghệ thuật, sức hấp dẫn của tác phẩm.

Sử dụng ngôn ngữ đời thường, các phóng sự trở nên sinh động, cụ thể gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Chi tiết, sự việc vấn đề gắn với hiện tại, của hiện tại đang diễn ra. Tính thời sự, cập nhật của phóng sự cũng là ở đấy.


Cấp độ từ vựng: Phóng sự sử dụng ngôn ngữ đời thường và vì vậy khẩu ngữ như là “chất liệu” đặc trưng giúp cho việc mô tả, khắc họa môi trường, nghề nghiệp, tâm lý nhân vật. Tam Lang, Vũ Trọng Phụng sử dụng khẩu ngữ thành thị, Ngô Tất Tố dùng khẩu ngữ nông thôn phù hợp với từng đối tượng. Một me Tây lõi đời: “Việc gì mà sợ? Có đánh chết cái ba vạn. Bọn họ toàn một tính mềm nắn rắn buông mà thôi. Trừ phi bắt được quả tang ngủ với giai hãy chịu, chứ đường đường chính chính ra mình phải mà họ trái, thì…chửi thì chửi trả, đánh cũng đánh trả! Các cô có biết gái này không? Đã có ba lần bị đấm một cái mà tát lại được ba cái đấy. Giơ dao lên dọa, gái này cũng tốc phăng ngay cái coócxê lên! Anh nào cũng phải gờm!” [4; 67]. Bà Đội Tứ đanh đá “lên lớp” cho các cô me mới vào nghề như thế. Còn đây là lời con sen Đũi căm uất nói về con mụ chủ khốn nạn của nó: “ Ui chao! Khổ tuyệt trần đời anh ạ. Tôi tưởng lúc ấy tôi chết ngay được!” “Ba hôm sau tôi ra, vì nó quen mui lại bắt tôi tiếp khách nữa. Tiên sư bố nó, thật là giời quả báo xui nên, nó bị xe ô tô đâm phải, gẫy mẹ nó ngay một cẳng…Anh ạ, tôi cho có giời có ta lắm” [4; 105]. Ngôn ngữ của mụ chủ xe mắng chửi anh phu xe thiếu thuế được Tam Lang chọn lọc làm rõ được sự tàn ác của bọn người có tiền có quyền hành hạ người khác:

-“Mai với kia gì, áo nó đâu, bắt lấy!

- Nó nỏ mồm đánh bỏ mẹ nó đi cho bà…quai thêm cho nó mấy cái.

- Mày nắn lưng nó cho bà

- Bà đánh cho mày biết, từ giầy thì chừa những thói ăn gian” [16; 29]

Có ngôn ngữ của người phu xe kể lại trận đòn thừa sống thiếu chết của mình đã chịu: “Giam tôi vào một gian buồng hẹp, trói ghì cánh khuỷu tôi lại, bốn thằng nó chuyền tay nhau đấm đá. Đá chán, chúng thay lượt nhau túm tóc lật ngửa mặt tôi lên mà vả rồi lại buộc thừng vào chỗ trói cánh khuỷu mà giật tôi lên xà nhà. Lúc mới, tôi còn hăng máu, không thấy gì. Sau, tôi thấy như hai cánh tay tôi lìa hẳn bả vai ra, hai má tôi bị lột mất lần


da, mà hai mạn xương sườn cũng như rời từng cái một” [16; 76]. Ngay đến ngôn ngữ của nhân vật trần thuật cũng đậm chất khẩu ngữ. “Người cai không có đấy, nhưng trên chiếc ghế vải anh ta ngồi lúc trước, tôi thấy có một người đàn bà. Mụ này cởi trần, người to lớn, đang rũ tóc quạt phành phạch như người quạt hỏa lò. Dưới mảnh yếm rộng không hơn chiếc mù soa thỗn thện cặp vú sọ dừa to như hai chiếc ấm giỏ” [16; 28].

Trong phóng sự Ngô Tất Tố, ngôn ngữ tác giả là chủ yếu. Tác giả đi điều tra, chứng kiến, hỏi chuyện, mô tả, dẫn chuyện. Khẩu ngữ trong câu văn của ông không bốp chát, mạnh mẽ, giảo hoạt như khẩu ngữ của Vũ Trọng Phụng, Tam Lang. Và điều quan trọng cần chú ý khẩu ngữ trong phóng sự Vũ Trọng Phụng, Tam Lang là khẩu ngữ của người thành thị đang biến chất, tha hóa khác với khẩu ngữ ở nông thôn của những người nông dân. Ngô Tất Tố nhận xét: “Thì ra đức đại vương của làng T.D. vốn là đồng nghiệp với chú Trích. Ngài là người về đời Lê, lúc sống rất giỏi về khoa đào tường khoét ngạch. Thế nhưng ngài cũng bị bắt và bị xử tử. Chỉ vì nhờ được giờ linh cho nên mới được tôn làm thành hoàng” [25; 182]. Chính ngôn ngữ tác giả - nhân vật trần thuật làm nên giọng điệu ở đây: thâm trầm và châm biếm. Nhưng trong phóng sự Ngô Tất Tố, ngôn ngữ của tác giả thường xen kẽ với ngôn ngữ nhân vật. Nhiều trường hợp tác giả và nhân vật hoặc nhân vật với nhân vật đối thoại với nhau: “Ông nói không thể nghe được. Mình đã hầu hạ nhà thánh, vợ vẫn chửa bĩnh ruột ra. Thế mà còn bảo xin chạ châm chước, thì phỏng châm chước làm sao. Chúng tôi cũng nể ông lắm, nhưng mà lệ làng như thế, không ai dám bỏ. Nếu như chúng tôi không ăn vạ ông, lỡ ra nhà thánh quở phạt, liệu dân làng này có yên được không?” [25; 170]. Đó là lý lẽ hống hách của chức dịch trong làng với “nạn nhân”. Còn đây là lời thanh minh của họ hàng khổ chủ với tác giả: “Ở chốn thôn quê, ăn uống là sự đầu tiên. Muốn gì thì gì, hễ không có ăn thì việc không thành. Lúc trước anh tôi cũng nghĩ như ông đã định chước sự ăn uống vì đã rắc tiền khắp mặt

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/12/2022