Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 23


thuyết phóng sự chỉ là một thuật ngữ tạm quy ước, chưa được định danh theo một định nghĩa, tiêu chí nào. Nhưng khi nói đến tiểu thuyết phóng sự là nói tới tác phẩm chứa đựng hai tố chất: tiểu thuyết và phóng sự. Chất tiểu thuyết thể hiện ở kết cấu tác phẩm, nhiều phần, nhiều chương móc nối với nhau theo một định hướng chủ đề tư tưởng; nhân vật có nội tâm và hoạt động trải dài, gần như xuyên suốt một tác phẩm, điểm nhìn trần thuật, ngôn ngữ trần thuật thay đổi linh hoạt…Chất phóng sự đạt đến độ cần thiết nhất định bằng những chi tiết, sự việc, sự kiện, con người, vấn đề có ý nghĩa xã hội, cập nhật…Chất tiểu thuyết và chất phóng sự gắn với nhau chặt chẽ nhuần nhuyễn tạo nên giá trị tác phẩm nghệ thuật. Vì vậy dễ hiểu khi Phùng Tất Đắc cho Kỹ nghệ lấy Tây của Vũ Trọng Phụng không chỉ là phóng sự, Trương Tửu gọi Tôi kéo xe của Tam Lang là tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng in Cạm bẫy người trên báo Nhật tân năm 1933 ghi là phóng sự tiểu thuyết, Ngoại ô của Nguyễn Đình Lạp, khi in sách (1941), ngoài bìa cũng đề là phóng sự tiểu thuyết…Gần đây, tuyển tập Phóng sự Việt Nam 1932-1945 (3 tập), NXB Văn học, H. 2000 có cả Lều chõng của Ngô Tất Tố; Ngõ hẻm, Ngoại ô của Nguyễn Đình Lạp…Thực tế ấy nói rằng ranh giới giữa phóng sự và tiểu thuyết phóng sự còn nhiều “phân vân”, đường biên thể loại còn lờ mờ chưa rõ nét. Quá trình hiện đại hóa văn học lúc này chưa hoàn tất, báo chí và văn học chưa thực sự phân chia, văn xuôi nghệ thuật đang sống nhờ báo chí thì sự giao thoa giữa các thể loại báo chí và văn xuôi tự sự là không tránh khỏi.

Ở đây chúng tôi căn cứ vào những ý kiến trên, dựa vào những quan niệm và công việc biên soạn các tuyển tập tác phẩm hiện có để nhận xét: chất tiểu thuyết xâm nhập vào phóng sự và phóng sự (đặc biệt là các phóng sự dài) có xu hướng tiểu thuyết hóa tạo nên tiểu thuyết phóng sự. Chẳng hạn phóng sự dài Cạm bẫy người, 14 chương (14 phóng sự ngắn), mỗi chương có một nhan đề, hấp dẫn gợi tò mò cho người đọc: I. Ông thân tôi là “mòng”. II. Ông quân sư của bạc bịp. III. Đố anh nào bịt được mắt tôi. IV.


Ba nhân vật. V. Bốn đồng sấp ngửa…nhưng đều tập trung làm rõ “kỹ nghệ bạc bịp” với chân dung “quân sư” bạc bịp. Trùm Ấm B. : xuất thân, thời trẻ vào làng cờ gian bạc lận, lăn lóc ở các sòng bạc lớn nhỏ, nếm đủ cay đắng, cuối cùng thành ông Trùm. Tính cách, hành trạng, tác phong, ngôn ngữ được mô tả hoặc tự bộc lộ sinh động. Nhân vật Tôi dẫn dắt, xâu chuỗi các chi tiết, sự việc, có khi đối thoại, có khi độc thoại, có khi để cho nhân vật Ấm B. tự thú tự phơi bày tâm địa mưu mô xảo quyệt hoặc ưu ái tình nghĩa. Hay con sen Đũi cũng là một cuốn tiểu thuyết, “cuốn tiểu thuyết của con sen Đũi” (Cơm thầy cơm cô) khá hấp dẫn: Con bé nhà quê, hoàn cảnh xô đẩy, đau lòng. Chuyện đời nó cũng nhiều tình tiết. Nó căm ghét chủ nhà “keo bẩn” bần tiện và trả thù hiểm độc bằng cách làm hư hỏng hai thiếu niên con chủ nhà. Người đọc có thể kể lại đầu đuôi câu chuyện của nó. Thế nhưng Cạm bẫy người Cơm thầy cơm cô vẫn đậm đặc những ghi chép, những cảnh, những người, những chi tiết, sự việc thường nhật, hiện tại đang làm băng hoại đạo đức, nhức nhối xã hội. Nó có tính cảnh báo những tệ nạn xã hội, yêu cầu, hối thúc giải quyết của những bài báo…tức là đậm chất phóng sự.

Phóng sự Tôi kéo xe của Tam Lang, có ý nghĩa cập nhật và cấp thiết, mô tả thực trạng lớp người lao động ở thành phố và là một lời yêu cầu cải cách để hạn chế bớt sự khổ nhục cho người phu xe kéo. Nhưng 9 chương (từ chương X đến chương XVIII) cũng là một cuốn tiểu thuyết về nhân vật anh Tư. Qua hồi ức của anh Tư, người đọc thấy được hoàn cảnh xuất thân, những bất trắc trong cuộc đời, những mánh khóe nhà nghề có được trong những tháng ngày lăn lộn kiếm sống, sự tha hóa tâm hồn, lối sống…Mỗi chương là một tình huống, một câu chuyện, có khi thương tâm mà có lúc thấy nó bẩn thỉu. Liên kết các chương lại hiện lên tính cách một con người, một số phận, đặc trưng cho giới phu xe kéo.

Vậy nên, trong các phóng sự chất tiểu thuyết được lồng ghép, nói cách khác là được tiểu thuyết hóa làm cho tác phẩm tăng thêm tính văn chương nghệ thuật đồng thời cũng làm rõ được chất nghệ sĩ của tác giả.


Tiểu kết chương 3

Tóm lại, ở chương 3 luận án, chúng tôi khảo sát một số đặc điểm phóng sự của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang ở các cấp độ: Cái tôi chủ thể sáng tạo, những thủ pháp nghệ thuật độc đáo và sự dung hợp đan xen các thể loại trong phóng sự của ba nhà văn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 202 trang tài liệu này.

Các nhà văn nhập cuộc, dũng cảm xông xáo nói lên sự thực: nỗi khổ của người dân lao động thành thị, nông thôn; những tệ nạn xã hội: nạn cờ bạc, nạn mại dâm, bọn lang băm lừa đảo…Ở đây cũng thể hiện một vốn sống phong phú, một khả năng nắm bắt thực tế nhanh nhạy, sâu sắc, đặc biệt là vốn kiến thức văn hóa sâu rộng của các tác giả. Nhiều phóng sự là những khảo cứu - khảo cứu có tính khoa học, có lúc đạt tới sự uyên bác.

Các phóng sự của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tam Lang có tính chân thực cao: chi tiết sự việc, sự kiện, con người được khai thác triệt để, đào sâu đến tận cùng sự thật. Các tác giả đồng thời là nhân chứng (hoặc thông qua những nhân chứng tin cậy) mắt thấy tai nghe, ghi lại, có khi phỏng vấn, gợi câu hỏi, dẫn dắt câu chuyện, làm cho câu chuyện hấp dẫn sinh động và bộc lộ ý nghĩa sâu xa của nó, đồng thời cũng làm hiện lên chân dung tính cách nhân vật.

Phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 Qua Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố - 23

Từ thực trạng xã hội ấy, từ tấm lòng, thái độ, trách nhiệm của người cầm bút, các nhà văn phanh phui cái xấu, tố cáo tội ác bọn người có quyền, có tiền, thông cảm với những nạn nhân xã hội, nêu lên nguyên nhân, đề xuất cách giải quyết: Đói khổ nghèo nàn lạc hậu, nhưng nguyên nhân chính là do xã hội, xã hội bần cùng hóa, tha hóa con người. Và các nhà văn đề xuất giải pháp cải tạo xã hội theo quan điểm của họ lúc đó, mang tính chất cải lương, chưa có tính chất cách mạng: muốn cải tạo xã hội bằng việc thiện, bằng giấy bút chứ “không gây ra đấu tranh giai cấp”.

Về mặt nghệ thuật, luận án chú ý đến thủ pháp dựng cảnh, dựng người, nghệ thuật tổ chức tình huống, dẫn dắt câu chuyện và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Luận án cũng chỉ ra tình trạng đan xen giữa phóng sự và ký


sự, phóng sự và truyện ngắn, phóng sự và tiểu thuyết phóng sự - xu hướng tiểu thuyết hóa phóng sự (ở các phóng sự dài). Sự dung hợp thể loại nới rộng đường biên phóng sự và từ đó là một cái nhìn linh hoạt hơn, uyển chuyển hơn về thuật ngữ phóng sự hiện đang còn nhiều ý kiến phân vân.


PHẦN KẾT LUẬN

1. Tổng kết văn học sử nửa đầu thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu đều nhất trí đánh giá: Đây là giai đoạn phát triển rực rỡ, với nhiều thành tựu trên tất cả mọi phương diện theo xu hướng hiện đại hóa văn học dân tộc. Một trong những thành tựu và cũng là đặc điểm nổi bật của giai đoạn văn học này là sự hình thành, phát triển và hoàn thiện các thể loại văn học mới từ nhu cầu phát triển nội tại của nền văn học và sự giao lưu, tiếp nhận sâu sắc ảnh hưởng của văn học nước ngoài, đặc biệt văn học phương Tây. Là một trong những thể loại mới, đã phát triển đến đỉnh cao ở giai đoạn này, phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 đã khẳng định được ưu thế, sức mạnh, thành tựu và đóng góp quan trọng của thể loại vào thành tựu chung và quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc trong nửa đầu thế kỷ XX. Mặc dù còn một số hạn chế khó tránh khỏi, nhưng dường như càng ngày giá trị đặc sắc và sức sống bền bỉ của phóng sự 1930 - 1945 càng được khẳng định vững vàng hơn. Được coi là thời kỳ “hoàng kim” của thể phóng sự, cho đến nay nhiều tác phẩm phóng sự 1930 - 1945 vẫn là những mẫu mực nghệ thuật, cung cấp những bài học kinh nghiệm thẩm mỹ quý báu cho những cây bút phóng sự hiện đại, đương đại.

2. Xuất hiện trong một bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội đặc biệt: Khi những mâu thuẫn trong lòng xã hội phong kiến - thuộc địa Việt Nam đã trở nên gay gắt; khi làn sóng Âu hóa đã làm đảo điên, tạo nên những vết thương nhức nhối cả trong đạo đức, luân lý, phong hóa, nếp sống của xã hội và con người; khi con người ngày càng có ý thức về “cái tôi” cá nhân và thị hiếu công chúng đã hoàn toàn thay đổi; khi đã hình thành một lớp người cầm bút mới tâm huyết, bản lĩnh muốn lật tẩy đến cùng “những sự thật ở đời”, đặc biệt sự phát triển nhanh chóng của báo chí, phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 đã


phát huy được ưu thế, sức mạnh riêng của nó: nhanh nhạy, năng động phản ánh những mảng hiện thực nóng hổi của đời sống, góp phần thiết thực, hiệu quả chữa chạy những “vết thương”, những “ung nhọt” ghê tởm của xã hội, theo cách nói của “ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng.

3. Với đội ngũ sáng tác hùng hậu, tài năng, tâm huyết và có bản lĩnh, ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam, bao gồm cả Tây học và Nho học; với năng lực sáng tạo dồi dào, đặc biệt độ nhạy cảm trong việc nắm bắt những vấn đề, những sự kiện thời sự “có tính vấn đề” của hiện thực, các cây bút phóng sự 1930 - 1945 đã tạo được một di sản phóng sự đồ sộ gồm hàng trăm tác phẩm, trong đó có những tác phẩm sáng giá “đáng khóc, đáng cười”. Được khơi gạn trực tiếp từ những nguồn chất liệu hiện thực của đời sống, được kết bện từ lượng thông tin đậm đặc và thấm đẫm chất văn học, phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 đã phản ánh bức tranh muôn mặt của đời sống. Ở đó có đời sống thành thị “nhếch nhác”, tối tăm, nhốn nháo dưới cái vỏ hào hoa, tráng lệ; có đời sống thôn quê đói nghèo, khốn đốn, bị bần cùng hóa đến kiệt quệ; có sự xuống cấp nghiêm trọng cả về phong hóa, đạo đức, lối sống; ở đó con người đang bị “vật hóa” đến thê thảm và rơi xuống đáy cùng của sự tha hóa…Mặc dù cũng có những mảng màu sáng với những phóng sự viết về phong tục đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc, về những danh lam, thắng cảnh của đất nước, nhưng xám tối vẫn là gam màu chủ đạo trong bức tranh hiện thực của phóng sự Việt Nam 1930 - 1945.

4. Một trong những nét đặc sắc và cũng là thành công của phóng sự giai đoạn này là sự kết tinh của những đỉnh cao, những phong cách lớn trên nền chung rộng và vững chãi của phóng sự, tiêu biểu là ba cây bút Tam Lang, Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố. Mỗi người một vẻ, cả ba cây bút “tả chân tuyệt xảo” này đã phát huy tối đa ưu thế của thể phóng sự tập trung


phanh phui đến cùng những “ung nhọt”, những tệ nạn xấu xa, nhơ nhớp mọc lên như nấm trong lòng xã hội đương thời. Nạn mại dâm, nạn cờ bạc bịp, nạn nghiện hút, nạn lừa đảo, bịp bợm, nạn tham quan bóc lột, vơ vét thậm tệ. Từ đó dẫn đến những hệ quả tồi tệ: Sự bần cùng hóa, sự tha hóa thê thảm của con người và tình trạng đồi bại trầm trọng về phong hóa, luân lý, đạo đức…Được viết bằng tình cảm chân thành, bằng ý thức công dân đầy trách nhiệm, bằng quan niệm nghệ thuật chuẩn xác, riết róng, phóng sự của ba cây bút Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố đã phản ánh kịp thời, sâu sắc bản chất xã hội đương thời với những vấn đề bức xúc nhất của nó, góp phần cải tạo xã hội “khốn nạn”, “ối a bông phèng” đó. Sáng tác của các ông do vậy, thấm đẫm giá trị hiện thực, giá trị nhân văn.

5. Được viết không chỉ bằng “niềm phẫn uất không nguôi” mà còn bằng nghệ thuật “tuyệt xảo”, già dặn, phóng sự của ba cây bút Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố do vậy, không chỉ cung cấp cho người đọc những thông tin nóng hổi - chân xác, không chỉ có tác dụng “kích thích” tạo nên “sự nhức nhối của trí tuệ”, không chỉ có tác dụng nhận thức, giáo dục mà còn tạo được sự hấp dẫn, thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của công chúng. Có được điều đó là nhờ ở tài năng, ở bút pháp nghệ thuật độc đáo của chủ thể sáng tạo: Từ việc phát huy năng lực của “cái tôi” chủ thể, nhập cuộc, dũng cảm, nỗ lực sáp gần đời sống, khám phá những “vùng hiện thực” điển hình, đến việc khai thác triệt để, đào sâu đến đáy cùng sự thật; từ nghệ thuật tổ chức tình huống, dẫn dắt câu chuyện đến nghệ thuật dựng cảnh, dựng người và sử dụng ngôn ngữ…tận dụng mọi ưu thế của thể loại và của các thể loại khác nhằm đạt tới hiệu quả nghệ thuật, phản ánh kịp thời, sâu sắc hiện thực cuộc sống và đậm đà chất văn học. Chính đó là ưu thế và cũng là đóng góp đặc sắc của phóng sự Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố vào sự phát triển của phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 và rộng hơn vào thành tựu văn học sử và quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc.


THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


A. Tác phẩm khảo sát:

Vũ Trọng Phụng:

1. Cạm bẫy người (phóng sự), đăng trên báo Nhật Tân, năm 1933; Đời nay

xuất bản 1935.

2. Giông tố (tiểu thuyết), Nxb Văn học (tái bản), H. 1996.

3. Kỹ nghệ lấy Tây (phóng sự), đăng trên báo Nhật Tân, năm 1934, Phương Đông xuất bản, 1936.

4. Kỹ nghệ lấy Tây (phóng sự), Nxb Hà Nội (tái bản), 1989.

5. Dân biểu và dân biểu (phóng sự), đăng báo Công dân, 1935.

6. Cơm thầy, cơm cô (phóng sự) đăng Hà Nội báo, 1936; Minh Phương xuất bản 1937.

7. Lục xì (phóng sự), đăng báo Tương lai, 1937; Minh Phương xuất bản 1937.

8. Làm đĩ, Nxb Văn học, Hà Nội, (tái bản) 1998.

9. Lục xì (phóng sự), Nxb Văn học, Hà Nội, (tái bản) 1998.

10. Một huyện ăn Tết (phóng sự), đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, 1939.

11. Vũ Trọng Phụng toàn tập, tập 1, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000.

12. Vũ Trọng Phụng toàn tập, tập 2, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000

13. Vũ Trọng Phụng toàn tập, tập 3, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000

14. Vũ Trọng Phụng toàn tập, tập 4, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000

15. Vũ Trọng Phụng toàn tập, tập 5, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000

Tam Lang

16. Tôi kéo xe (phóng sự) - Hà Thành ngọ báo 1932, Trung Bắc Tân văn xuất bản, Hà Nội, 1935.

17. Đêm sông Hương (phóng sự) - Nam Kỳ xuất bản, Hà Nội, 1938.

18. Lọng cụt cán (phóng sự châm biếm)- Tam Lang xuất bản, Hà Nội, 1939.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/12/2022