Người phụ nữ trong thơ Anh Thơ không chỉ cần cù, chịu khó trong lao động; dũng cảm, gan dạ trong chiến đấu mà cũng rất nồng nàn đằm thắm trong tình cảm. Đó là tình cảm dịu dàng của người mẹ dành cho đứa con thơ. Mẹ ru con ngủ giữa lúc trưa hè; mẹ mong sao giấc ngủ bình yên sẽ đến với con thơ; hay là niềm vui thích của mẹ trước những đứa trẻ ngây thơ trong sáng; là nụ hôn ngọt ngào mẹ dành cho con; hình ảnh con thơ là niềm tin, động lực cho mẹ vững bước trên con đường còn đầy khó khăn:
"Dù còn vất vả Có con là hoa Dù còn gian khổ
Mẹ sẽ vượt qua!".
(Hôn con)
Có thể nói tình yêu là một trong đề tài muôn thuở trong văn chương. Anh Thơ thể hiện tình yêu của người phụ nữ trong sáng tác của mình có cái ngỡ ngàng, e lệ của buổi đầu; cái đắm say,tha thiết, nhớ nhung nhưng không nhiều. Cái chính mà chị muốn tả là tình yêu gắn liền với tình cảm cách mạng, yêu đất nước, yêu nhân dân. Ta hãy nghe người con gái đang yêu thủ thỉ:
"Yêu anh, yêu cả những cao nguyên! Ta như đôi lứa chim trời ấy
Bay tới phương nào gió cũng lên!".
(Cô kỹ sư chăn cừu)
Thật là cảm động! Tình yêu không chỉ có trăng, có hoa; người con gái đang yêu đã biết hoà cái riêng của mình vào cái "ta" chung của tập thể và vì thế mà tình yêu đã chắp thêm đôi cánh cho họ vượt lên những khó khăn.
Bên cạnh tình yêu lứa đôi còn là tình cảm vợ chồng; người phụ nữ Việt Nam yêu thương chồng tha thiết nhưng với chị tình cảm vợ chồng chỉ là một phần, cái thiêng liêng cao cả hơn chính là đất nước. Chị đã biết hoà tình yêu hạnh phúc của mình vào tình yêu đất nước, vào hạnh phúc chung của cả dân tộc.
"Chị vội dừng xe,
chép gửi mấy dòng Đoạn bài thơ tha thiết nhớ chồng Có thêm câu cuối
Tình yêu ta hoà cùng sông núi".
(Chúng ta không mất)
Có thể nói bức tranh về người phụ nữ Việt Nam thật là muôn màu. Họ đấy, trên đồng ruộng và trong nhà máy; bên bờ biển và trên dải Trường Sơn. Họ đấy, trong lớp học hay trên cao nguyên, đeo mình trên cột điện giữa bom rơi đạn nổ hay đứng hai bên bờ công sự. Họ đấy, áo nâu và mắt đen, bình thường và giản dị với bàn tay khéo léo, mềm mại của mình, họ lao động, chăm sóc con cái và chiến đấu. Không có gì có thể khuất phục được họ, không có gì có thể sánh được với vẻ đẹp tâm hồn của họ bởi những người phụ nữ Việt Nam là những người anh hùng nhưng lại là những người hết sức khiêm tốn, dịu dàng, nhân hậu.
1. Thể thơ.
CHƯƠNG III:
PHONG CÁCH THƠ ANH THƠ NHÌN TỪ NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN
Thể thơ là một phương diện không kém phần quan trọng của thơ. Chính thể thơ đã góp phần thể hiện ý nghĩa sâu sắc của thơ. Khi văn học trung đại, văn học hiện đại ra đời với nhiều thể loại phong phú thì riêng Thơ mới sự đa dạng của các thể thơ là một điều dễ nhận thấy bởi Thơ mới đã phá bỏ những niêm luật chặt chẽ, bó buộc của thơ cũ.
Qua thống kê những tác phẩm của Anh Thơ, chúng ta thấy Anh Thơ sáng tác ở nhiều thể loại và hầu như thể loại nào cũng thể hiện sự thành công của tác giả:
Tự do | Tám chữ | Lục bát | Bảy chữ | Năm chữ | Bốn chữ | |
Tỉ lệ % | 46,84% | 22,67% | 7,8% | 12,18% | 7,06% | 2,79% |
Có thể bạn quan tâm!
- Hình Ảnh Con Người Trên Những Nẻo Đường Kháng Chiến.
- Cái Tôi Trữ Tình Lãng Mạn Trong Thơ Anh Thơ.
- Vị Thế Và Cách Nhìn Mới Về Người Phụ Nữ
- Ngôn Ngữ Bình Dị, Gần Gũi Với Đời Thường.
- Phong cách thơ Anh Thơ - 17
- Phong cách thơ Anh Thơ - 18
Xem toàn bộ 153 trang tài liệu này.
Thể thơ
1.1. Thể thơ tám chữ.
Thể thơ tám chữ xuất hiện nhiều trong phong trào Thơ mới. Thể thơ này có cội rễ từ trong mạch trữ tình của dân tộc, thể ca trù. Hoài Thanh cho rằng: "Ca trù biến thành thơ tám chữ" [44, tr42]. Chế Lan Viên trong một bài phát biểu về sự hưng thịnh của thi ca Việt Nam cũng khẳng định: "Lối ca trù cổ truyền của chúng tôi kết hợp với ảnh hưởng thơ Pháp đã đẻ ra các hình thức phong phú của "Thơ mới" nhất là lối thơ tám chữ rất dân tộc mà cũng rất hiện đại, có khả năng diễn tả khá nhiều" [51, tr57]. Thể thơ tám chữ có khả năng dung chứa lớn, lời thơ, ý thơ rất gần với lời kể, giàu yếu tố tự sự và sử dụng thể thơ tám chữ giúp cho các thi nhân được tự do bộc lộ mình và ghi lại những cảm xúc, những tình cảm, những vấn đề mình lưu tâm một cách chân thật nhất.
Anh Thơ đã vận dụng thể thơ tám chữ để bộc lộ những cảm xúc đó. Theo thống kê ở những tác phẩm trong phạm vi khảo sát, thể thơ tám chữ chiếm số lượng không nhỏ: có 61 bài/269 bài (trong đó tập Bức tranh quê có 46 bài) chiếm tỉ lệ 22,67%. Trước cách mạng, ở thể thơ này, Anh Thơ thường chia thành các khổ tách biệt nhau. Mỗi bài thơ thường có 3 khổ chỉ có một bài duy nhất là 4 khổ - bài Đêm rằm tháng giêng, mỗi khổ thơ diễn tả một khung cảnh, một trạng thái khác nhau. Tuy nhiên, mỗi cảnh diễn ra đều nằm trong một cảnh chung của sự vật mà nhà thơ đề cập đến và tập thơ Bức tranh quê đã thể hiện rất rõ điều đó.
Khi viết Bức tranh quê - Anh Thơ đã gửi gắm tất cả vào thể thơ tám chữ - một thử nghiệm mới mẻ, táo bạo của Thơ mới. Với chủ đề nhất quán viết về cảnh sắc, con người, phong tục tập quán nơi làng quê, Bức tranh quê với thể thơ tám chữ đã đạt được những thành công. Phát huy ưu thế của thể tám chữ, Anh Thơ đã tạo ra những bức tranh về cảnh quê rất tươi đẹp với đồng lúa chín, với
đàn trâu đang tung tăng gặm cỏ, với tiếng sáo diều véo von cùng tiếng gió và đây nữa cảnh tưng bừng, hớn hở của người nông dân khi được mùa:
"Trong đồng lúa tươi vàng bông rủ chín Những trai tơ từng bọn gặt vui cười Cùng trong lúc ông già che nón kín Ngồi đầu bờ hút thuốc thở từng hơi".
(Chiều hè)
Cả một làng quê rộn ràng không khí ngày mùa: những bông lúa vàng nặng trĩu bông; những nụ cười mừng vui, hạnh phúc của đám thanh niên khi cầm những bông lúa vàng và hình ảnh của các ông già ngồi nghỉ giải lao, thả hồn mình trong khói thuốc mơ màng. Chỉ bằng thể thơ tám chữ nhưng Anh Thơ đã tái hiện lại một không khí thật thanh bình, thật ấm no của người dân quê.
Khi sử dụng thể thơ tám chữ, thường các bài thơ của Anh Thơ đi từ cảnh vật đến con người, rồi hoà chung cảnh vật và con người ở khổ thơ cuối bài. Bài thơ luôn được đặt từ nhiều điểm quan sát khác nhau, chiều rộng, chiều xa, chiều cao vì vậy mà cảnh hiện lên rất sinh động, thiên nhiên cũng như con người đủ muôn hình vạn trạng. Trong bài Cơn giông - cả bài thơ diễn tả cơn giông bắt đầu ập xuống. Ở khổ thơ đầu, nhà thơ quan sát thiên nhiên, cảnh vật, thi sĩ nhìn thấy sự thay đổi của trời: "Trời đang nắng bỗng mây sầm đất tối!", cây cối giật mình trước gió mạnh, những âm thanh, ánh sáng xuất hiện. Sang khổ thơ thứ hai, tác giả miêu tả khung cảnh làng xóm trong cơn giông với hiện tượng như nhà tốc mái, con người hớt hải chạy tránh mưa. Đến khổ cuối: tác giả đã tả chung cảnh vật và con người nhưng thiên nhiên và con người được miêu tả với những đặc điểm mới:
"Ngoài bến nước sông xuôi ồ ạt gió,
Mưa lao mình qua những cánh buồm căng. Các bô lão bơ phờ nghiêng búi tó
Cố ghìm thuyền trong sức chạy đương hăng".
(Cơn giông)
Hình ảnh "gió ồ ạt", "mưa lao mình" đã tái hiện cảnh thiên nhiên thật dữ dội, nguy hiểm và con người đang cố gắng chống chọi với thiên nhiên bằng quyết tâm cao độ, vẫn đang "búi tó", "ghìm thuyền" để vượt qua sức cản của thiên nhiên.
Sau cách mạng và kháng chiến, thể thơ tám chữ vẫn được Anh Thơ sử dụng nhưng có ít đi và cũng khác so với trước cách mạng. Ở đây, ta không còn bắt gặp mỗi bài thơ chỉ có 3 khổ như trước mà mỗi bài thơ có thể có 4 khổ như Qua đỉnh đèo Ngang…; 5 khổ như bài Mùa chiêm mới, Dưới rặng Samu, Mùa cấy đầu tiên…; 6 khổ như Theo cánh chim câu…
Vẫn với cách sử dụng thể thơ tám chữ linh hoạt, dễ hiểu, dễ gần, Anh Thơ đã phản ánh về cuộc sống lao động và chiến đấu của con người những năm sau cách mạng và kháng chiến. Bài thơ Mùa cấy đầu tiên đã tái hiện lại niềm hạnh phúc, sung sướng của người nông dân khi được làm chủ đất nước, khi được làm chủ ruộng vườn của mình; họ không còn phải cày thuê cuốc mướn mà vẫn không được hạt thóc, hạt gạo nào, họ không còn phải một nắng hai sương nữa mà thay vào đó là một khung cảnh thật đẹp, thật tươi, thật tự hào:
"Ruộng bên ni, ruộng bên tê lộng lẫy Bóng nông dân tươi thắm giữa đồng xanh Đây mùa đầu cả xóm, thôn vui cấy
Ruộng của mình, từng thửa ruộng đấu tranh".
(Mùa cấy đầu tiên)
Có thể nói với thể thơ tám chữ, Anh Thơ đã giúp cho chúng ta có thêm những hiểu biết, cảm nhận về bức tranh phong cảnh, bức tranh cuộc sống của con người Việt Nam. Ta như được đắm mình vào cảnh quê, như được sống lại không khí của những ngày mùa tưng bừng, nhộn nhịp hay cuộc sống lao động của con người mới khi được tự do, được làm chủ đất nước.
1.2. Thể thơ tự do.
Thể thơ tự do là một thể thơ không theo những quy tắc về niêm luật như các thể thơ lục bát, thất ngôn bát cú, hay tứ tuyệt… thơ tự do đã xuất hiện rất nhiều trong Thơ mới như trong thơ của Vũ Hoàng Chương, Thế Lữ, Xuân Diệu… Đến giai đoạn kháng chiến thơ tự do phát triển mạnh, ở thời kỳ kháng chiến chống Pháp có các tác giả tiêu biểu như Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Trần Mai Ninh… Sang thời kì chống Mĩ, thơ tự do đã quen thuộc và trở thành một thể thơ phổ biến.
Về mặt hình thức cấu tạo, thơ tự do có câu ngắn, câu dài khác nhau. Mạch thơ có thể liên tục hoặc có thể ngắt ra nhiều câu ngắn, khổ thơ có thể không cần thống nhất và hạn định số câu; cách gieo vần thì linh hoạt; không theo quy tắc gieo vần, có thể gieo vần chân, gieo vần lưng, khi liên tiếp, khi gián tiếp.
Thơ tự do có 2 phân nhánh đó là thơ tự do tổng hợp nhiều thể loại và thơ tự do bậc thang. Trong thơ Anh Thơ có sự kết hợp của hai loại này. Theo thống kê thì đây là một thể loại mà Anh Thơ sử dụng nhiều nhất trong sáng tác thơ, có 126 bài/269 bài (46,84%). Quả thực tìm đến thể thơ tự do không phải là nhà thơ đã định hình mà là do độ chín của tâm hồn, sự phù hợp để diễn tả đối tượng, diễn tả những trạng thái tinh vi của tình cảm. Thi sĩ sử dụng thể thơ này thường là lời kể, lời trần thuật nên vần thơ như những lời có vần, có nhịp, cứ thế mà tuôn ra. Có thể kể ra một số bài tiêu biểu như: Nam Bắc một nhà, thế giới cùng chung vui; Gió phương Bắc, nắng phương Nam; Ôi con tàu biết mấy yêu thương; Mái trăng non; Đi chợ Tết với nàng thơ Sài Gòn; Lá phiếu hôm nay; Vui chung rồi có nỗi vui riêng…
Thơ tự do được dùng để thể hiện cảm xúc một cách tự nhiên của thi sĩ nên ở đó ta có thể bắt gặp nhiều cảm xúc khác nhau trong cùng một bài thơ. Chẳng hạn như bài: Nam Bắc một nhà, thế giới cùng chung vui - bài thơ thể hiện niềm vui sướng, hân hoan khi nước nhà được độc lập, thống nhất song bài thơ còn mang nhiều cảm xúc khác nhau; đó là nỗi nhớ thương chồng, nhớ thương mẹ:
"Còn mấy dặm về quê nhỉ, Sài Gòn ơi! Thương anh quá, những tết về, nhớ mẹ. Bao kỉ niệm của thời thơ bé
Nhà nghèo, được học nửa chừng thôi".
Hay nhà thơ lại liên tưởng đến cảnh người mẹ thương xót đứa con côi, đi làm cách mạng bấy lâu nay chưa về:
"Thân lập thân, má xót đứa con côi Theo cách mạng xa nhà, cứu nước Kháng chiến mười năm, nghe tin tập kết
Má thương anh, nhưng chẳng muốn anh về".
Và cuối cùng bài thơ là cảnh gia đình sum họp, với niềm vui chiến thắng:
"Má ơi rồi má gặp nàng dâu,
Gặp cháu gái đang mong về với nội.
Có nỗi vui nào cổ bốn nghìn năm mở hội Nam Bắc một nhà, thế giới cùng vui chung!".
Trong bài thơ Anh đã khóc, Anh Thơ đã vận dụng thể thơ tự do rất thành công. Bài thơ đã thể hiện những cung bậc tình cảm làm xúc động lòng người. Đó là tình yêu thương đồng loại, biết Bác đã mất nhưng: "Anh chưa được khóc" bởi anh còn phải chữa lành vết thương cho bao người khác; anh đã phải kìm nén nỗi đau để hoàn thành nhiệm vụ cứu người cao cả của mình. Và biết tin Bác mất, trái tim anh cũng đau:
"Nghe cả một nỗi đau da diết,
Đang thắt trái tim anh nghĩ về quê hương tha thiết".
Thế nhưng anh đã biến nỗi đau đó để trở thành sức mạnh, động lực:
"Như người lính cùng đồng đội xông vào cản giặc
Nỗi đau anh phải biến thành sức mạnh, phải dồn cả tâm tư Giành lấy nhịp tim, hơi thở từng giờ
Khiến những bệnh nhân tỉnh cơn đau ngất".
1.3. Thể thơ lục bát.
Thể thơ lục bát là thể thơ thuần tuý của dân tộc, hoàn thiện trên văn học viết ở thế kỉ XVIII với đỉnh cao là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thể thơ lục bát mang những đặc điểm riêng: với số tiếng trên sáu (lục), dưới tám (bát); nhịp điệu thơ lại mềm mại, uyển chuyển; âm điệu ngọt ngào, giản dị, sâu lắng nên dễ gợi tình cảm, dễ đi sâu vào lòng người đọc.
Trong phong trào Thơ mới, người viết lục bát nhiều nhất và thành công nhất là Nguyễn Bính. Nguyễn Bính đã đánh một dấu son cho thơ lục bát trong quỹ đạo thơ hiện đại, khẳng định sự linh hoạt và vị trí của nó trong tiến trình văn học dân tộc.
Anh Thơ tuy không có được thành công bằng Nguyễn Bính nhưng những sáng tác ở thể thơ này cũng đã thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo của bà. Bà không mô phỏng hoàn toàn ca dao và lục bát dân tộc mà bà đã lựa chọn những đặc điểm, yếu tố thích hợp của lục bát ca dao để sáng tác cho phù hợp với tâm hồn con người thời đại, có nghĩa là bà đã biết phát huy giá trị tích cực của thơ ca dân tộc để đem đến cho thơ ca những giá trị phù hợp với thực tế đời sống và thế giới nội tâm của nhà thơ. Theo thống kê trong phạm vi khảo sát có 21/269 bài, chiếm 7,8%. Tiêu biểu là các bài: Người phụ nữ cán bộ Côn Đảo; Hàng Dương; Hoa dứa trên mộ chị Sáu; Bên gốc mai vàng; Ngõ chợ Khâm Thiên; Đường về quê anh; Nắng trên Đảo Yên; Ru con…
Trong bài Ru con, ta bắt gặp âm điệu ngọt ngào, sâu lắng qua lời mẹ ru:
"À ơi, cái ngủ ngoan ngoan… Mẹ đưa nhịp võng mơ màng bóng tre.
Hoa sen toả ngát trưa hè,
Mẹ đưa con giấc ngủ quê ngọt ngào.
Gió Nam thổi lộng đê cao,
Có con diều bé đang chao giữa làng".