Sự Tồn Tại Và Ảnh Hưởng Mạnh Mẽ Của Thị Trường Ngoại Tệ Không Chính Thức‌


2.6.2. Sự tồn tại và ảnh hưởng mạnh mẽ của thị trường ngoại tệ không chính thức‌

Như trong khung lý thuyết có trình bày khi nào trong nền kinh tế còn tồn tại các tỷ giá khác nhau và tình trạng cầu vượt cung ngoại tệ thì sẽ tồn tại một thị trường song song với thị trường ngoại tệ chính thức. Giao dịch trên thị trường không chính thức(TTKCT) hiện nay vẫn còn sôi nổi và thanh khoản cao hơn giao dịch trên TTNH chính thức. Bởi vì, những yếu tố của nền kinh tế tạo nên sự tồn tại và phát triển của TTKCT vẫn còn như: tình trạng đôla hóa hiện diện trong hầu hết các chức năng của tiền tệ, giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ vẫn còn trong họat động của đời sống kinh tế, sự lo ngại về tình trạng mất giá của VND đã tạo nên tâm lý thích tích trữ USD. Chênh lệch tỷ giá giữa TTNH chính thức và TTKCT, là nguyên nhân gây khó khăn cho việc cạnh tranh thu mua ngoại tệ của các ngân hàng với TTKCT, vì thế ngoại tệ không được tập trung vào ngân hàng, đã làm cho tình trạng căng thẳng về cung cầu ngoại tệ của nước ta càng lớn. Thị trường chính thức không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp lý, hợp pháp của doanh nghiệp của người dân, vì thế họ phải tìm đến TTKCT tạo điều kiện cho thị trường này tồn tại và phát triển.

Ngoài ra, tình trạng bất ổn trên thị trường vàng trong nước theo những chuyên gia tài chính cho là do giới đầu cơ đang thao túng, làm cho giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới, lượng vàng nhập lậu gia tăng dẫn đến tăng cầu về ngoại tệ trên TTKCT, tác động tăng tỷ giá VND/USD, ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tỷ giá của chính phủ.

2.6.3. Tính chuyển đổi của VND chưa cao


Theo quỹ tiền tệ quốc tế(IMF) một đồng tiền tự do chuyển đổi là đồng tiền được sử dụng rộng rãi để thanh toán các giao dịch quốc tế và được mua bán rộng rãi trên thị trường ngoại hối chủ chốt. Có nghĩa là đồng tiền đó phải được chấp nhận ở trong nước và trên quốc tế, để tự do chuyển đổi đồng tiền đó phải chuyển đổi được sang ngoại tệ mà không có bất kỳ sự hạn chế nào.[15]


Để phát triển TTNH điều cần thiết là hàng hoá phải được lưu chuyển dễ dàng, có nghĩa là VND phải được chuyển đổi dễ dàng sang ngoại tệ và ngược lại khi có ngoại tệ có thể dễ dàng mua VND. Tuy nhiên, trong thời gian qua nhu cầu ngoại tệ chính đáng của cá nhân và tổ chức kinh tế chưa được ngân hàng đáp ứng đầy đủ, ngay cả những nhà đầu tư nước ngoài khi chuyển ngoại tệ vào đầu tư phải bán ngoại tệ sang VND để đầu tư trong nước và khi chuyển lợi nhuận về nước họ cũng gặp khó khăn trong việc mua ngoại tệ, qua thực tế đó có thể đánh giá mức độ tự hóa tài khoản vãng lai chưa được thực hiện đầy đủ hay tính chuyển đổi của VND chưa cao.

Bên cạnh đó, để đánh giá một đồng tiền có khả năng chuyển đổi được phải là đồng tiền được chấp nhận trong thanh toán quốc tế, nhưng VND chưa được sử dụng nhiều trong hoạt động ngoại thương chỉ có một số quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Trung Quốc trong thanh toán biên mậu là có sử dụng VND để thanh toán.

Tính chuyển đổi VND thấp là do: (1) Nền kinh tế Việt Nam phát triển chưa ổn định, tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng chất lượng tăng trưởng chưa cao, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nền kinh tế còn nhiều bất ổn, mất cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư, nợ công đang là vấn đề đáng báo động và nguy cơ lạm phát tăng cao.

(2) Thị trường tài chính còn tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, thị trường chứng khoán sụt giảm trầm trọng so với sự phát triển quá nóng cuả những năm 2006- 2007, hoạt động của thị trường chứng khoán ảm đạm dẫn đến đầu tư nước ngoài sụt giảm ảnh hưởng mạnh đến luồng ngoại tệ chảy vào.Thị trường tiền tệ đang trong giai đoạn các ngân hàng nhỏ thiếu thanh khoản đã cạnh tranh bằng việc tăng lãi suất, gây ra cảnh tiền tệ chảy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác có lãi cao hơn, NHNN phải thực hiện biện pháp hành chính không chế trần lãi suất tiền gửi, các ngân hàng nhỏ thiếu thanh khoản tìm mọi cách lách trần lãi suất bằng nhiều hình thức khuyến mãi khen thưởng gây rối loạn thị trường và làm giảm tính nghiêm minh của luật pháp.


(3) Chính phủ phải thực thi những biện pháp chống suy giảm kinh tế và chủ trương kìm chế lạm phát, những hệ lụy của các biện pháp này đã gây sức ép giảm giá trị VND, gây khan hiếm ngoại tệ và hạn chế tính chuyển đổi của VND.

(4) Tất cả những yếu tố trên đã dẫn tới tâm lý không muốn nắm giữ VND của đại bộ phận người dân và để bảo toàn tài sản người dân thường chuyển từ VND sang USD hay vàng, vì vậy thường tạo nên những cơn sốt vàng và ngoại tệ, càng làm giảm khả năng chuyển đổi của VND.

2.6.4. Dự trữ ngoại hối thấp

Bảng 2.18: Dự trữ ngoại hối Việt Nam giai đoạn 2001–2010

Đơn vị tính: tỷ USD


Năm

2001

2002

2003

2004

2005

2006

2007

2008

2009

2010

Dtrngoi hi

3,387

3,692

5,619

6,314

8,6

11,5

21,0

23,0

14.1

12.4

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 204 trang tài liệu này.

Phát triển thị trường ngoại hối trong tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực - 18

Nguồn: ADB, IMF Country Report No.09/110, the case of Vietnam [62]

Theo báo cáo của IMF dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức cao nhất là vào 2 năm 2007, 2008 đạt mức 15 tuần nhập khẩu, vượt mức an toàn của IMF là 12-14 tuần nhập khẩu, đó là do trong 2 năm này kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, kiều hối chuyển về nước tăng và cán cân vốn cũng tăng mạnh. Tuy nhiên, so sánh với luồng vốn ngắn hạn chảy mạnh vào trong 2 năm này, thì dự trữ ngoại hối như vậy là còn thấp.

Đến năm 2009 mức dự trữ ngoại hối càng giảm mạnh chỉ còn tương đương 10 tuần nhập khẩu, đó là do những nguyên nhân khách quan của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đã làm cho kim ngạch xuất khẩu nước ta giảm mạnh, chuyển tiền kiều hối giảm từ 1-1,2 tỷ USD và nhất là nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam FDI giảm mạnh vốn thực hiện dự báo giảm 16,5% [21], FII chuyển ra ròng khoảng 560 triệu USD. Năm 2010, dự trữ ngoại hối sụt giảm chỉ còn hơn 7 tuần nhập khẩu, giảm 12% so với năm 2009, một trong những yếu tố chính làm sụt giảm dự trữ ngoại hối là do thâm hụt cán cân thanh toán, do nhập siêu liên tục, trong năm 2009 nước ta nhập khẩu lên tới 84-85 tỷ USD, như vậy cần phải dự trữ 20 tỷ USD mới đảm bảo nhập khẩu. Mức dự trữ như hiện nay là


quá thấp so với các nước trong khu vực như Philippine 62.4 tỷ USD, Malaysia

106.5 tỷ USD năm 2010 (theo báo cáo của ADB năm 2011).

Như vậy, tình hình dự trữ ngoại tệ của Việt Nam thấp chủ yếu là do: (1) Cán cân thương mại thường xuyên thâm hụt, thặng dư của cán cân vốn lại giảm dần từ năm 2008 đến nay đến nay, (2) Lỗi và sai sót trên cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam quá cao năm 2009 hơn 1,3 tỷ USD, năm 2010 gần 1,1 tỷ USD, điều này cho thấy lượng ngoại tệ vào có tăng nhưng không được tập trung vào hệ thống ngân hàng và nguồn thu ngoại tệ còn nằm tản mạn trong dân cư, trong các công ty. (3) Việc phối hợp chưa được chặc chẽ giữa Bộ Tài chính và NHNN về quản lý nguồn thu ngoại tệ do xuất khẩu dầu thô làm hạn chế khai thác hiệu quả nguồn thu ngoại tệ còn khan hiếm của đất nước.(4) Định hướng chiến lược quản lý dự trữ ngoại hối chủ yếu mới chỉ đặt ra mặt cơ cấu đảm bảo an toàn tài sản, hình thức đầu tư còn đơn giản chủ yếu dưới hình thức tiền gửi tại các ngân hàng, các công cụ tài chính như trái phiếu chính phủ, chưa áp dụng các hình thức đầu tư mang lại lợi nhuận cao như đầu tư vào cổ phiếu hay uỷ thác đầu tư vào các quỹ.

2.6.5. Môi trường pháp lý chưa hoàn thiện


Pháp lệnh ngoại hối và Nghị định 160 đã được ban hành để quản lý hoạt động kinh doanh ngoại hối theo khuôn khổ pháp luật, nhưng Thông tư hướng dẫn thực hiện chế tài xử phạt do vi phạm pháp lệnh ngoại hối trong việc sử dụng ngoại tệ thanh toán, yết giá hàng hóa trong nước gây trở ngại cho việc kiểm tra, giám sát và xử phạt không đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp và giảm hiệu quả của pháp lệnh và nghị định.

Các văn bản pháp lý qui định giao dịch phái sinh đã có nhưng chưa đầy đủ :

(1) Hạn chế về kỳ hạn đối với giao dịch kỳ hạn, (2) Không có những văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện giao dịch quyền chọn, trong khi đó quyền chọn là một sản phẩm phái sinh phức tạp về cách thực hiện cũng như cách tính phí.


Kết luận chương 2‌


Chương 2 đã trình bày những nét chung của TTNH thế giới và khu vực ngày nay, những yếu tố thuận lợi và bất lợi đã tác động đến sự phát triển TTNH, đồng thời phân tích thực trạng của TTNH Việt Nam. Nêu những hạn chế của TTNH đó là: Thứ nhất, hoạt động của TTNTLNH chiếm tỷ lệ quá thấp so với tổng doanh số giao dịch ngoại tệ trên thị trường, thứ hai là vai trò của NHNN chưa phát huy hiệu quả đối với sự phát triển TTNH trong giai đoạn hội nhập, thứ ba là sự tồn tại và hoạt động mạnh mẽ của thị trường ngoại tệ không chính thức, thứ tư là thị trường ngoại tệ phái sinh còn sơ khai chưa được phát triển.

Trên cơ sở đó Luận án đã tóm tắt những mặt đạt được và những hạn trong quá trình phát triển TTNH của Việt Nam thời gian qua, đồng thời đưa ra nguyên nhân mà chủ yếu những thiếu sót trong quá trình điều hành chính sách tỷ giá và thực thi những biện pháp quản lý ngoại hối là những nhân tố tác động trực tiếp đến quá trình hoạt động và phát triển của TTNH nói riêng và nền kinh tế nói chung để làm cơ sở cho những giải pháp trong chương 3.


CHƯƠNG 3‌


NHỮNG BIỆN PHÁP GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP


3.1. Cơ sở và định hướng phát triển TTNH

3.1.1. Cơ sở phát triển thị trường ngoại hối

3.1.1.1. Căn cứ vào thành quả đạt được trong quản lý kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây

TTNH là thị trường cấp cao trong hệ thống tài chính của một quốc gia, thị trường chỉ có thể phát triển được cùng với sự phát triển của nền kinh tế với những thành quả nhất định để làm cơ sở vật chất và trình độ nghiệp vụ cho hoạt động của TTNH và ngược lại sự phát triển TTNH sẽ là nhân tố thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thông qua vai trò là cầu nối khơi thông dòng chảy vốn ngoại tệ thu hút và khai thác hiệu quả nguồn vốn ngoại tệ. Chính vì thế, dựa vào thành quả đạt được trong nền kinh tế để xem xét khả năng của nền kinh tế trong việc phát triển TTNH là cần thiết.

Cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vừa hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 – 2010 với những kết quả đáng khích lệ. Trong 10 năm, kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7,26%/năm với cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, thể chế kinh tế thị trường tiếp tục được hoàn thiện, quy mô nền kinh tế tăng gấp 3,3 lần năm 2000. [20]

Điểm qua những thành tựu đạt được trong 3 năm gần đây, để thấy được sự linh hoạt trong điều hành nền kinh tế trong bối cảnh mở cửa chịu nhiều tác động của những yếu tố ngoại sinh.

Khủng hoảng tài chính trong năm 2008, 2009 đã đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái, đồng thời làm thu hẹp đáng kể thị trường xuất khẩu, thị trường vốn, thị trường lao động và tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực kinh tế -


xã hội khác của nước ta. Cùng với đó là bão lũ xảy ra liên tiếp, dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những thành quả nhất định, kiềm chế lạm phát, chỉ số tăng giá tiêu dùng tháng 12/2009 so với tháng 12/2008 tăng 6,52%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng dưới 10% Quốc hội đề ra; chỉ số tăng giá bình quân năm 2009 là 6,88%, thấp nhất trong 6 năm gần đây.

Năm 2010, với diễn biến kinh tế thế giới thuận lợi hơn, cùng với sự năng động của nền kinh tế, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6,8%. Trong bối cảnh gần như cả thế giới, kể cả những nền kinh tế phát triển tiếp tục lâm vào tình trạng khủng hoảng nợ và chưa khắc phục xong cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu xuất phát từ Mỹ năm 2008, thì nền kinh tế Việt Nam vẫn kiểm soát được hầu hết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô ở mức chấp nhận được. Tốc độ tăng tín dụng tổng quát xung quanh 25%, đạt mức kỳ vọng; Thị trường bất động sản khá ổn định ở mức không bị trồi, sụt quá lớn; Vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 17,2 tỉ USD, vốn giải ngân tăng 10% so với 2009 và gần mức kỷ lục 11,5 tỉ USD năm 2008; Xuất khẩu đạt 71,6 tỉ USD; Nhập siêu chỉ còn 17,3% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu; Tăng trưởng GDP khá, ở mức 6,78%. [20].Việt Nam vẫn đứng trong số các nước tăng trưởng khá trong khu vực châu Á.

Trên cơ sở những thành tựu đạt được của giai đoạn 2000-2010, chính phủ đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011 - 2020, với mục tiêu của Việt Nam là bảo đảm kinh tế vĩ mô, đạt được tốc độ tăng trưởng bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, duy trì xã hội ổn định, đồng thuận, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, chủ động đối phó với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại, hội nhập kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, tạo nền tảng để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.


Cụ thể, năm 2011 mục tiêu chính phủ đặt ra là tốc độ tăng trưởng GDP sẽ từ 7-7.5%, đảm bảo môi trường vĩ mô ổn định, đồng thời từng bước khắc phục những tồn tại vốn có của nền kinh tế là cơ sở hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực thì với nội lực sẵn có, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7% một cách ổn định và bền vững.

Bên cạnh đó, những tổ chức quốc tế đã đánh giá khá tốt về môi trường đầu tư của Việt Nam, cho thấy Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn cho đầu tư, kinh doanh quốc tế phát triển.

Xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong Báo cáo chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế Thế giới đã tăng lên vị trí 59 trong 139 nước trong năm 2010( từ vị trí 75 trong năm 2009) về môi trường đầu tư của Việt Nam, và xếp hạng trong Chỉ số thuận lợi thương mại cũng diễn đàn này tăng lên vị trí 71 trong 125 quốc gia( từ vị trí 89 trong năm 2009).

Điều tra triển vọng đầu tư thế giới (WIPS) 2009 – 2011 của Diễn đàn thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy: Việt Nam là một trong 15 nền kinh tế hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Những yếu tố được các nhà đầu tư đánh giá là hấp dẫn ở Việt Nam vẫn là tốc độ phát triển thị trường, khả năng thâm nhập và thị trường khu vực, nhân công rẻ và ưu đãi đầu tư.

Theo báo cáo về môi trường kinh doanh 2011 do Ngân hàng Thế giới và Công ty tài chính quốc tế IFC vừa thực hiện, Việt Nam xếp thứ 4 trong số 10 nền kinh tế có mức độ cải cách nhất trong năm 2010 trên 3 lĩnh vực là thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép xây dựng và vay vốn tín dụng.

3.1.1.2.Căn cứ vào sự tăng trưởng của hệ thống ngân hàng

Để tham gia TTNH thì các chủ thể tham gia thị trường phải có năng lực về cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, trong những chủ thể tham gia TTNH thì ngân hàng là chủ thể quan trọng nhất vì vậy xem xét đến sự phát triển hệ thống ngân hàng của một quốc gia sẽ cho biết khả năng phát triển TTNH nói riêng và thị trường tài chính nói chung của quốc gia đó.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 14/11/2022