Phát triển kinh tế du lịch ở tỉnh Lào Cai - 2


biệt, độc lập - đó là các tổ chức, các xí nghiệp với cơ sở vật chất - kỹ thuật chuyên môn nhằm đảm bảo sự đi lại, lưu trú, ăn uống, nghỉ ngơi với mục đích thoả mãn các nhu cầu cá thể về vật chất và tinh thần của những người lưu trú ngoài nơi ở thường xuyên của họ để nghỉ ngơi, chữa bệnh, giải trí (thuộc các nhu cầu về văn hóa, chính trị, kinh tế...) mà không có mục đích lao động kiếm lời” [16, tr.17-18].

Hai quan niệm trên tuy coi hiện tượng du lịch như một phạm trù kinh tế với những đặc trưng và vai trò của một bộ máy kinh tế, kỹ thuật điều hành, nhưng chưa tường minh, còn lặp đi, lặp lại.

Khác với các quan niệm trên, nhà nghiên cứu Michael Coltman lại cho rằng: "Du lịch là sự kết hợp và tương tác của 4 nhóm nhân tố trong quá trình phục vụ du lịch, bao gồm: du khách, nhà cung ứng du lịch, cư dân sở tại và chính quyền nơi đón khách du lịch" [16, tr.18].

Mối quan hệ đó có thể được thể hiện bằng sơ đồ sau:

Du khách

Nhà cung ứng dịch vụ du lịch

Dân cư sở tại

Chính quyền địa phương nơi đón khách du lịch


Tháng 6 năm 1991 tại Otawa (Canada), Hội nghị quốc tế về thống kê du lịch đã đưa ra định nghĩa: “Du lịch là hoạt động của con người đi tới một nơi ngoài môi trường thường xuyên, trong một khoảng thời gian ít hơn khoảng thời gian đã được các tổ chức du lịch quy định trước, mục đích của chuyến đi không phải là để tiến hành các hoạt động kiếm tiền trong phạm vi vùng tới thăm” [16, tr.19].

Định nghĩa trên đã cho thấy: Du lịch là một hoạt động ngoài "môi trường thường xuyên", tức là loại trừ các chuyến đi trong phạm vi nơi ở thường xuyên, các chuyến đi có tổ chức thường xuyên hàng ngày; Thời gian thực hiện hoạt động đó nằm trong "khoảng thời gian ít hơn khoảng thời gian đã được các tổ chức du lịch quy định trước", quy định này nhằm loại trừ dân di cư trong một thời gian dài; Du


lịch "không phải là tiến hành các hoạt động kiếm tiền trong phạm vi vùng tới thăm" nghĩa là loại trừ việc hành nghề tạm thời hoặc hành nghề lâu dài.

Trên cơ sở tổng hợp những lý luận và thực tiễn của hoạt động du lịch trên thế giới và ở Việt Nam trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu ở Khoa Du lịch và Khách sạn - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đã cho rằng: “Du lịch là ngành kinh doanh bao gồm các hoạt động tổ chức hướng dẫn du lịch, sản xuất, trao đổi hàng hóa và dịch vụ của những doanh nghiệp, nhằm đáp ứng các nhu cầu về đi lại, lưu trú, ăn uống, thăm quan, giải trí, tìm hiểu và các nhu cầu khác của khách du lịch. Các hoạt động đó phải đem lại lợi ích kinh tế, chính trị - xã hội thiết thực cho nước làm du lịch và cho bản thân doanh nghiệp” [16, tr.20].

Tại Điều 4, Chương I, Luật Du lịch Việt Nam (2005) nêu rò: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định” [30, tr.2]. Thuật ngữ "Du lịch" được hiểu: "Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến du lịch" [31, tr.2].

Nhìn chung, du lịch là một hoạt động có nhiều đặc thù, bao gồm nhiều thành phần tham gia, tạo thành một tổng thể hết sức phức tạp. Hoạt động du lịch không chỉ có đặc điểm của một ngành kinh tế mà còn có đặc điểm văn hóa - xã hội. Thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới đã chứng minh rằng hoạt động du lịch không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn cả lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội.

Tại Hội nghị Du lịch thế giới họp tại Manila Philippin (1980) đã ra Tuyên bố Manila về du lịch, trong điều 2 đã khẳng định: “Trước ngưỡng cửa của thế kỷ XXI và trước triển vọng của những vấn đề đang đặt ra đối với nhân loại, đã đến lúc cần thiết và phải phân tích bản chất của du lịch, chủ yếu đi sâu vào bề rộng mà du lịch đã đạt được kể từ khi người lao động được quyền nghỉ phép năm, đã chuyển hướng du lịch từ một phạm vi hẹp của thú vui sang phạm vi lớn của cuộc sống kinh tế và xã hội. Phần đóng góp của du lịch vào nền kinh tế quốc dân và thương mại quốc tế đang làm cho nó trở thành yếu tố quan trọng cho sự phát triển của thế giới. Vai trò thiết thực của du lịch trong hoạt động kinh tế quốc dân, trong trao đổi quốc tế và


trong sự cân bằng cán cân thanh toán, đang đặt du lịch vào vị trí trong số các ngành hoạt động kinh tế thế giới quan trọng nhất” [16, tr.20-21].

* Kinh tế du lịch:

- Sự ra đời và phát triển của kinh tế du lịch: Theo dòng lịch sử, hoạt động du lịch ban đầu chỉ mang tính chất cá nhân lẻ tẻ, dần dần nó trở nên phổ biến hơn và đa dạng hơn về hình thức. Đi du lịch không chỉ dừng lại ở hình thức cá nhân riêng lẻ mà tiến đến nhóm người, tập thể người, không gian du lịch đồng thời được mở rộng ra trong phạm vi từng lãnh thổ và giữa các lãnh thổ với nhau. Yêu cầu đối với việc tổ chức các chuyến đi ngày càng phức tạp hơn, du khách cần có các tổ chức với tư cách là trung gian trong chuyến đi của mình để thực hiện các hoạt động như bố trí phương tiện đi lại, chỗ ăn nghỉ, hướng dẫn thăm quan... Trước yêu cầu đó, các tổ chức kinh doanh du lịch đã ra đời. Lúc này hoạt động du lịch không còn là hiện tượng mang tính chất cá nhân, lẻ tẻ mà đã trở thành một hoạt động mang tính chất kinh doanh, hoạt động kinh tế. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội các nhu cầu về nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí, giao lưu văn hóa và mở mang kiến thức của con người ngày càng tăng. Kinh tế càng phát triển, điều kiện vật chất của xã hội ngày càng được cải thiện và các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống dần được đáp ứng một cách đầy đủ hơn thì con người lại càng có điều kiện để thoả mãn những nhu cầu tinh thần đó của mình. Đây là động lực thúc đẩy ngành kinh tế du lịch phát triển. Ngày nay, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, sự phát triển của ngành kinh tế du lịch không chỉ dừng ở bên giới quốc gia mà còn mở rộng ra với quy mô toàn cầu. Mặt khác, khi điều kiện về giao thông vận tải càng đạt trình độ cao và an toàn, đáp ứng nhu cầu thuận lợi cho du khách trong di chuyển từ nơi này đến nơi khác, sẽ là cơ hội tốt để ngành kinh tế du lịch phát triển.

- Sản phẩm kinh tế du lịch và tính đặc thù của nó: Tại Điều 4, Chương I, Luật du lịch Việt Nam sản phẩm du lịch được hiểu "là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thoả mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch" [31, tr.2]; Một quan niệm khác thì cho rằng, sản phẩm kinh tế du lịch là "các dịch vụ, hàng hóa cung cấp cho du khách, được tạo nên bởi sự kết hợp của việc khai thác các yếu tố tự nhiên, xã hội với việc sử dụng các nguồn lực cơ sở vật chất - kỹ thuật và lao động tại một cơ


sở, một vùng hay một quốc gia nào đó" [16, tr.31]. Hai quan niệm trên cho thấy, sản phẩm du lịch bao gồm cả yếu tố hữu hình và yếu tố vô hình. Yếu tố hữu hình là hàng hóa, còn yếu tố vô hình là dịch vụ.

Xét theo quá trình tiêu dùng của khách du lịch trên chuyến hành trình du lịch, có thể tổng hợp các thành phần của sản phẩm du lịch theo các nhóm cơ bản sau: Dịch vụ vận chuyển; Dịch vụ ăn uống; Dịch vụ lưu trú; Dịch vụ thăm quan, giải trí; Hàng hóa tiêu dùng và đồ lưu niệm; Các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch.

Sản phẩm du lịch về cơ bản là không cụ thể, không tồn tại dưới dạng vật thể, không thể lưu kho, lưu bãi như sản phẩm của các ngành kinh tế khác. Thành phần chính của sản phẩm du lịch là dịch vụ (thường chiếm 80% - 90% về mặt giá trị), hàng hóa chiếm tỷ trọng nhỏ. Việc đánh giá chất lượng sản phẩm du lịch phụ thuộc vào sự cảm nhận chủ quan của du khách chứ không phụ thuộc vào người kinh doanh du lịch nên đây là vấn đề rất khó khăn.

Có ý kiến cho rằng: Trong lĩnh vực du lịch việc sử dụng thuật ngữ "sản phẩm du lịch" để chỉ kết quả của của quá trình lao động du lịch là không hợp lý bằng thuật ngữ "dịch vụ du lịch". Song, việc sử dụng thuật ngữ "sản phẩm du lịch" là hoàn toàn chính xác bởi các lý do sau:

Sản phẩm du lịch thường được tạo ra gắn liền với yếu tố tài nguyên du lịch. Vì thế, sản phẩm du lịch không thể dịch chuyển được. Trên thực tế, không thể đưa sản phẩm du lịch đến nơi có khách du lịch, mà khách du lịch phải đến nơi có sản phẩm du lịch để thoả mãn nhu cầu của mình thông qua việc tiêu dùng sản phẩm du lịch. Chẳng hạn, du khách muốn thăm quan núi Hàm Rồng - Sa Pa thì du khách phải leo lên núi Hàm Rồng chứ không thể đem núi Hàm Rồng đến nơi du khách sinh sống được. Sau khi thăm quan du khách không thể "mang" núi Hàm Rồng về được, núi Hàm Rồng vẫn là của Sa Pa - Lào Cai. Cái mà du khách mang về là sự cảm nhận về thiên nhiên quang cảnh núi Hàm Rồng, về con người nơi đây, về những dịch vụ mà du khách đã sử dụng.

Sản phẩm du lịch còn có những đặc điểm vượt ra ngoài khuôn khổ khái niệm hàng hóa thông thường. Nếu các hàng hóa thông thường sau khi bán và được người mua sử dụng thì giá trị của nó sẽ mất dần đi, thậm chí có thể mất luôn sau lần sử


dụng đầu tiên. Còn giá trị của sản phẩm du lịch sẽ tồn tại trong cảm nhận và đánh giá của khách du lịch và những giá trị này còn có thể được ghi nhận theo kênh lan truyền từ khách du lịch này sang khách du lịch kia. Nếu chất lượng của sản phẩm du lịch tốt thì giá trị của nó còn có thể được tăng lên qua những lần sử dụng của du khách. Sở dĩ có hiện tượng trên, là do chúng ta bán cho khách không phải là bán bản thân tài nguyên du lịch mà chỉ bán giá trị các khả năng thoả mãn nhu cầu đặc trưng của khách du lịch được chứa đựng.

Việc tiêu dùng sản phẩm du lịch thường không thường xuyên mà có thể chỉ tập trung vào những thời gian nhất định trong ngày (đối với sản phẩm ở bộ phận nhà hàng), trong tuần (đối với sản phẩm của chủ thể loại du lịch cuối tuần), trong năm (đối với sản phẩm của một số loại hình du lịch như: du lịch nghỉ núi, du lịch nghỉ biển...). Chính vì đặc tính này cho nên hoạt động du lịch mang tính thời vụ cao.

- Dịch vụ du lịch và đặc điểm của dịch vụ du lịch:

+ Dịch vụ du lịch: Trong nền kinh tế hiện đại, tỷ trọng các ngành dịch vụ trong thu nhập quốc dân ngày càng tăng lên, dịch vụ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong GDP chiếm khoảng 70% đến 75%, tỷ lệ này ở Việt Nam khoảng 40%. Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX đã chỉ rò: "Toàn bộ các hoạt động dịch vụ tính theo giá trị gia tăng đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân 7 - 8%/năm và đến 2010 chiếm 42 - 43% GDP, 26 - 27% tổng số lao động" [11, tr.179].

Chính vì dịch vụ có vai trò quan trọng như vậy cho nên việc nghiên cứu các khái niệm về dịch vụ, dịch vụ du lịch, kinh tế dịch vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của ngành kinh tế du lịch.

Theo định nghĩa của ISO 9004 (1991) "Dịch vụ là kết quả mang lại nhờ các hoạt động tương tác giữa người cung cấp và khách hàng, cũng như nhờ các hoạt động của người cung cấp để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng" [16, tr.217]. Dịch vụ chính là kết quả của những hoạt động không được thể hiện bằng sản phẩm vật chất mà bằng tính hữu ích và bằng giá trị kinh tế của chúng.

Tại Điều 4, Chương I, Luật du lịch Việt Nam khái niệm dịch vụ du lịch được hiểu như sau: "Dịch vụ du lịch là việc cung cấp các dịch vụ về lữ hành, vận chuyển,


lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí, thông tin, hướng dẫn và những dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch" [31, tr.2].

Trên cơ sở những khái niệm chung về dịch vụ, dịch vụ du lịch có thể được hiểu là kết quả mang lại nhờ các hoạt động tương tác giữa những tổ chức cung ứng du lịch, khách du lịch và thông qua các hoạt động tương tác đó để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đồng thời mang lại lợi ích cho tổ chức cung ứng du lịch.

+ Đặc điểm của dịch vụ du lịch:

Thứ nhất, tính phi vật chất. Đây là đặc điểm quan trọng nhất của dịch vụ du lịch. Tính phi vật chất làm cho du khách không thể sử dụng thử trước khi trực tiếp tiêu dùng dịch vụ du lịch, vì quá trình sản xuất gắn liền với quá trình tiêu thụ dịch vụ du lịch. Vì vậy, đối với du khách khi họ chưa tiêu dùng dịch vụ du lịch thì nó vẫn là trừu tượng. Dịch vụ thường xuyên đồng hành với những sản phẩm vật chất nhưng dịch vụ mãi mãi tồn tại tính phi vật chất của mình khiến cho du khách thực sự khó đánh giá dịch vụ. Điều đó đòi hỏi nhà cung ứng dịch vụ du lịch cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho du khách, những thông tin ấy phải nhấn mạnh được tính lợi ích của dịch vụ đối với du khách để họ thấy hài lòng và quyết định mua dịch vụ của mình.

Thứ hai, tính đồng thời của sản xuất và tiêu dùng dịch vụ du lịch. Đặc tính này thể hiện sự khác biệt giữa dịch vụ và hàng hóa. Đối với hàng hóa (vật chất) quá trình sản xuất và tiêu dùng tách rời nhau. Việc sản xuất và tiêu dùng thường diễn ra ở những thời gian và địa điểm khác nhau. Còn đối với dịch vụ thì ngược lại, việc sản xuất và tiêu dùng thường trùng nhau về không gian và thời gian. Sản xuất không phải để lưu kho hay cất đi như hàng hóa thông thường. Chẳng hạn, vào mùa đông thời gian rỗi của nhân viên du lịch ở các vùng ven biển không thể để dành đến lúc cao điểm của mùa hè được, một phòng khách sạn không cho thuê được trong ngày thì coi như mất dịch vụ, do đó mất nguồn thu v.v... Dịch vụ được sản xuất và tiêu dùng đồng thời nên cung - cầu cũng không thể tách rời nhau và cần phải tạo ra sự ăn khớp giữa cung và cầu. Vì thế, công tác dự báo nhu cầu trong kinh doanh dịch vụ du lịch là hết sức quan trọng.

Thứ ba, sự tham gia của khách du lịch trong quá trình tạo ra dịch vụ. Đặc điểm này nói lên rằng khách du lịch ở một chừng mực nào đó đã trở thành nội dung


của quá trình sản xuất. Do việc sản xuất và tiêu dùng dịch vụ diễn ra đồng thời, nên ở đó có sự gặp gỡ giữa hai chủ thể: khách hàng và người sản xuất. Sự gắn liền họ trong sự tác động qua lại này trong dịch vụ được khẳng định sự phụ thuộc vào mức độ lành nghề, khả năng của người cung cấp dịch vụ cũng như ý nguyện của người tiêu dùng. Do có sự đa dạng về yêu cầu, sở thích, trình độ cũng như khả năng cảm nhận và đánh giá của khách du lịch mà nhà cung ứng dịch vụ du lịch cần sáng tạo trong quá trình sản xuất của mình để thoả mãn nhu cầu của du khách. Mức độ hài lòng của du khách phụ thuộc nhiều vào khả năng, trình độ, nghệ thuật ứng xử của người làm dịch vụ. Người tiêu dùng ở đây không chỉ là người hưởng thụ những lợi ích do nhà cung ứng mang lại mà sự hợp tác cùng với những phản hồi của họ có tác động đến khả năng phục vụ và mức độ hoàn thiện của dịch vụ; họ trở thành người đồng sáng tạo trong quá trình sản xuất dịch vụ du lịch.

Thứ tư, tính không thể di chuyển của dịch vụ du lịch. Vì cơ sở du lịch vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi cung ứng dịch vụ nên dịch vụ du lịch không thể dịch chuyển được. Trên thực tế, không thể cung cấp dịch vụ du lịch đến tận tay du khách được mà du khách muốn tiêu dùng dịch vụ phải đến các cơ sở du lịch. Do vậy, các nhà kinh doanh du lịch muốn thu hút khách du lịch, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá du lịch.

Thứ năm, tính không chuyển đổi quyền sở hữu dịch vụ. Khi mua sản phẩm vật chất, người mua có quyền sở hữu đối với sản phẩm đó. Còn đối với dịch vụ du lịch thì vấn đề không phải như vậy. Khi khách hàng mua dịch vụ du lịch thì sự tiêu dùng dịch vụ của họ song song với quá trình sản xuất của nhà cung ứng; do vậy khách hàng chỉ đang mua quyền hưởng thụ dịch vụ do nhà cung ứng mang lại chứ không thể mua được quyền sở hữu dịch vụ đó của nhà cung ứng dịch vụ du lịch.

Thứ sáu, tính không đồng nhất của dịch vụ du lịch. Dịch vụ du lịch là một loại hình dịch vụ đời sống thoả mãn nhu cầu của khách du lịch trong suốt thời gian đi du lịch. Dịch vụ du lịch khác với các hoạt động dịch vụ khoa học - công nghệ, dịch vụ sản xuất, dịch vụ đời sống khác ở chỗ: Dịch vụ du lịch chỉ thoả mãn nhu cầu của khách du lịch, chứ không thoả mãn nhu cầu cho tất cả mọi người trong toàn xã hội, dịch vụ du lịch thoả mãn nhu cầu cho khách du lịch trong suốt thời gian đi du lịch như: nhu cầu ăn, ở, nghỉ ngơi, thăm quan, vui chơi giải trí, tìm hiểu lịch sử,


văn hóa và các nhu cầu khác. Mặt khác, do khách hàng rất muốn chăm sóc như những con người riêng biệt nên dịch vụ du lịch thường bị cá nhân hóa và không đồng nhất. Doanh nghiệp du lịch rất khó đưa ra các tiêu chuẩn dịch vụ nhằm thoả mãn tất cả các khách hàng trong mọi hoàn cảnh vì sự thoả mãn ấy phụ thuộc vào sự cảm nhận của du khách.

Thứ bảy, tính không đồng đều về sản lượng. Do quá trình sản xuất dịch vụ du lịch gắn liền với quá trình tiêu thụ nên sản lượng dịch vụ du lịch phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu của du khách. Mặt khác, nhu cầu của khách du lịch rất phong phú đa dạng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như thời tiết, tình hình chính trị - xã hội, an ninh quốc phòng, thiên tai, dịch bệnh, v.v.. Kết quả là số lượng khách du lịch thay đổi và kéo theo sản lượng dịch vụ du lịch cũng thay đổi theo từng ngày trong tuần, từng tuần trong tháng, từng tháng trong năm và giữa năm này so với năm khác.

Bảng 1.1. Sự khác nhau giữa sản phẩm vật chất và dịch vụ


Sản phẩm vật chất

Dịch vụ

- Mang tính hữu hình

- Mang tính vô hình

- Được trưng bày trước khi mua, bán

- Thông thường không được trưng bày hoặc trưng bán

- Quyền sở hữu được chuyển giao khi mua, bán

- Không có sự thay đổi về quyền sở hữu

- Có thể được cất giữ hay lưu kho

- Không thể được cất giữ hay lưu kho

- Có thể được bán tiếp theo

- Không bán được tiếp theo

- Sản xuất và tiêu dùng thường diễn ra ở thời gian và địa điểm khác nhau

- Sản xuất và tiêu dùng thường trùng nhau về thời gian và không gian

- Có thể vận chuyển được

- Không thể vận chuyển được ngay cả khi người sản xuất mong muốn

- Có thể xuất khẩu được

- Không thể xuất khẩu được

- Khách hàng là bộ phận chỉ trong quá trình tiêu dùng

- Khách hàng là một bộ phận trong cả quá trình sản xuất và tiêu dùng

- Có thể quan hệ gián tiếp với khách hàng

- Trong đại đa số các trường hợp phải quan hệ trực tiếp với khách hàng

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

Phát triển kinh tế du lịch ở tỉnh Lào Cai - 2

Xem tất cả 136 trang.

Ngày đăng: 06/08/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí