Phát triển du lịch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2000 – 2010 - 2


có bãi biển trải dài 82km; nhiều địa danh di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đẹp… Tuy nhiên, trong những năm qua sự phát triển ngành du lịch Nghệ An chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Hình ảnh thương hiệu du lịch Nghệ An chưa được định vị rõ nét trong tâm thức khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế; các sản phẩm lưu niệm phục vụ khách mẫu mã đơn điệu, chất lượng chưa cao. Điều này đã ảnh hưởng một phần đến doanh thu du lịch và sức thu hút du khách, nhất là du lịch quốc tế.

Xuất phát từ những thực tế đó, nhận thấy việc rà soát tài nguyên, đánh giá thực trạng và xây dựng giải pháp phát triển du lịch tỉnh Nghệ An là một việc làm cấp thiết. Chính vì vậy, tôi chọn đề tài “Phát triển du lịch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2000 - 2010” để nghiên cứu, những mong đánh thức được tiềm năng, và tìm ra hướng đi mới cho ngành du lịch ở Nghệ An trong xu thế hội nhập giữa các vùng, các khu vực và quốc tế.

2. Mục đích và nhiệm vụ

2.1. Mục đích của đề tài

Trên cơ sở vận dụng lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch, đề tài tập trung đánh giá tiềm năng và phân tích thực trạng du lịch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2000 - 2010. Từ đó, đề xuất các giải pháp phát triển tới năm 2020 nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tỉnh Nghệ An, phát triển du lịch có hiệu quả và bền vững.

2.2. Nhiệm vụ của đề tài

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đã đề ra, luận văn tập trung giải quyết các nhiệm vụ sau:

- Tổng quan cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn về phát triển du lịch ở Việt Nam và các tỉnh Bắc Bộ giai đoạn 2000 – 2010 để vận dụng vào việc nghiên cứu tại địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Kiểm kê, đánh giá tiềm năng du lịch ở địa phương và phân tích thực trạng phát triển du lịch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2000 - 2010. Từ đó, làm sáng tỏ những lợi thế so sánh và hạn chế đối với việc tổ chức và phát triển du lịch của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.


- Đề xuất giải pháp phát triển du lịch tới năm 2020 nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tỉnh Nghệ An.

Phát triển du lịch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2000 – 2010 - 2

3. Giới hạn nghiên cứu

- Về nội dung

Đề tài tập trung đánh giá tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng, các điều kiện để phát triển du lịch và thực trạng hoạt động du lịch theo hai khía cạnh ngành và lãnh thổ (các tuyến, điểm, cụm, khu du lịch, trung tâm du lịch với các sản phẩm đặc trưng).

- Về phạm vi lãnh thổ

Phạm vi nghiên cứu là địa bàn tỉnh Nghệ An (gồm mười bảy huyện lỵ, hai thị xã và một thành phố). Ngoài ra, đề tài còn có thể mở rộng nghiên cứu sang các tỉnh lân cận để thấy được mối liên hệ và so sánh giữa các tỉnh, đặc biệt là những tỉnh trong khu vực Bắc Trung Bộ.

- Về thời gian

Đề tài tập trung thu thập số liệu, phân tích và nghiên cứu chủ yếu trong giai đoạn từ 2000 – 2010 và định hướng đến năm 2020.

4. Lịch sử nghiên cứu của đề tài

4.1. Trên thế giới

Từ khi du lịch xuất hiện và khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, khu vực; du lịch và ngành địa lí du lịch đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới dưới nhiều khía cạnh và mức độ khác nhau.

Một trong những khía cạnh đầu tiên là nghiên cứu các yếu tố tác thành và các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Những công trình nghiên cứu đầu tiên về du lịch có tầm quan trọng trên thế giới có thể kể đến là những nghiên cứu về các loại hình du lịch, khảo sát về vai trò lãnh thổ, lịch sử, những nhân tố ảnh hưởng chính đến hoạt động du lịch… của Poser (1939), Christaleer (1955)… được tiến hành ở Đức năm 1930. Tiếp theo đó là các công trình đánh giá các thể tổng hợp tự nhiên phục vụ giải trí của Mukhina (1973); nghiên cứu sức chứa và sự ổn định của


các điểm du lịch Khadaxkia (1972) và Sepfer (1973). Các nhà địa lí cảnh quan học của trường Đại học tổng hợp Matxcơva như E.D. Xmirnova, V.B. Nhefedova… đã nghiên cứu các vùng cho mục đích nghỉ dưỡng trên lãnh thổ Liên Xô (cũ). Các nhà nghiên cứu Tiệp Khắc như Mariot (1971), Salavikova (1973) đã tiến hành đánh giá và thành lập bản đồ tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Ngoài ra các nhà địa lí Canada như Vônfơ (1966)… cũng đã tiến hành đánh giá các loại tài nguyên thiên nhiên phục vụ mục đích du lịch. Bên cạnh đó, một khía cạnh quan trọng trong nghiên cứu du lịch đã được quan tâm là vấn đề tổ chức lãnh thổ du lịch, các nhà địa lí du lịch trên thế giới đã có nhiều công trình nổi tiếng về vấn đề này được xem là kim chỉ nam – là cơ sở lý luận có tính kế thừa cho các nghiên cứu về sau. I.I. Pirojnik (1985) – nhà địa lí du lịch người Bêlarút đã phân tích hệ thống lãnh thổ du lịch các vùng du lịch là đối tượng qui hoạch và quản lí. M. Buchovarop (Bungari),

N.X. Mironhenke (Anh)… đã xác định đối tượng nghiên cứu của địa lí du lịch là hệ thống lãnh thổ du lịch các cấp hoặc tổng hợp thể lãnh thổ du lịch và phân tích cơ cấu tổng hợp các yếu tố trên địa bàn để phát triển du lịch.

Trong những năm gần đây, khi những lợi ích của du lịch trở nên rõ ràng hơn cũng như tác động của nó với hàng loạt vấn đề nảy sinh mang tính toàn cầu thì việc nghiên cứu du lịch gắn với sự phát triển vùng lại càng trở nên cần thiết. Ở Pháp, Jean – Lozoto (1990) đã nghiên cứu và phân tích các tụ điểm du lịch. Các nhà địa lí Anh, Mĩ gắn công việc nghiên cứu lãnh thổ du lịch với những dự án du lịch trên một miền hay một vùng cụ thể. Nhìn chung, nhiều nhà địa lí đã xác định đối tượng nghiên cứu của địa lí du lịch là các hệ thống lãnh thổ hoặc tổng hợp lãnh thổ du lịch, tức là xác định các hệ thống địa bàn phát triển du lịch trên lãnh thổ và phân tích cơ cấu tổng hợp các yếu tố trên địa bàn để phát triển du lịch.

4.2. Ở Việt Nam

Lịch sử ngành du lịch Việt Nam được đánh dấu bắt đầu từ năm 1960, từ đó đến nay các công trình nghiên cứu địa lí du lịch nhìn chung vẫn chưa nhiều. Phần lớn tập trung các vấn đề về tổ chức lãnh thổ không gian du lịch, cơ sở lý luận và


phương pháp nghiên cứu du lịch với một số tác giả tiêu biểu như: Vũ Tuấn Cảnh, Lê Thông, Nguyễn Minh Tuệ, Đặng Duy Lợi, Phạm Trung Lương…

Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị trong lĩnh vực này đã được thực hiện như: Đề tài “Tổ chức lãnh thổ du lịch Việt Nam” do Vũ Tuấn Cảnh chủ trì nghiên cứu (1991), “Cơ sở lý luận phương pháp nghiên cứu các điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch biển Việt Nam” do Nguyễn Trần Cầu và Lê Thông chủ trì (1993); “Quy hoạch quốc gia và vùng, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu ” do Vũ Tuấn Cảnh và Lê Thông (1994); “Địa lí du lịch Việt Nam” – Nguyễn Minh Tuệ (chủ biên) (2010); “Tổ chức lãnh thổ du lịch” – Lê Thông, Nguyễn Minh Tuệ (1999); “Tài nguyên và môi trường du lịch Việt Nam” do Phạm Trung Lương chủ biên (2000)…

Ngoài ra, còn có nhiều công trình nghiên cứu, một số dự án, đề tài cấp Nhà nước, các báo cáo trong các cuộc hội thảo về du lịch của Việt Nam. Dưới góc độ địa lí học, ở trình độ thạc sĩ cũng có nhiều luận văn nghiên cứu theo hướng này, tiêu biểu như các luận án thạc sĩ: “Tổ chức lãnh thổ du lịch Hà Tĩnh” (2009) của Nguyễn Quốc Lập, Đại học sư phạm Hà Nội; “Phát triển du lịch tỉnh Kon Tum trong xu thế hội nhập” (2010) của Thái Huỳnh Anh Chi, Đại học sư phạm Hà Nội; “Phát triển du lịch tỉnh Hưng Yên trong xu thế hội nhập” (2011) của Phạm Thủy Quỳnh, Đại học sư phạm Hà Nội; và một số bài báo có giá trị trên các tạp chí Du lịch Việt Nam, Nghiên cứu kinh tế, Toàn cảnh sự kiện và dư luận...

4.3. Ở Nghệ An

Với sự phát triển non trẻ của ngành du lịch địa phương, các công trình nghiên cứu về du lịch tỉnh Nghệ An mới chỉ dừng lại ở một số báo cáo như: “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bắc Bộ” do Bộ VHTTTT Du lịch nghiên cứu; “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An 1996 - 2010” và “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2006 – 2020” do Sở Du lịch Nghệ An kết hợp với Viện nghiên cứu phát triển Du lịch. Việc nghiên cứu đánh giá tổng quan hoạt động du lịch tỉnh mà đặc biệt là phân tích đánh giá sâu sắc các loại tài nguyên


phục vụ hoạt động du lịch ngày nay hầu như chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ và cập nhật.

5. Quan điểm và phương pháp nghiên cứu

5.1. Quan điểm nghiên cứu

5.1.1. Quan điểm hệ thống

Đây là quan điểm được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu du lịch. Theo quan điểm này, mỗi một đối tượng nghiên cứu được coi là một hệ thống có nhiều yếu tố cấu thành, và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi nghiên cứu một đối tượng phải đặt nó trong mối tương quan với các đối tượng khác, với các yếu tố trong hệ thống cao hơn cũng như với cấp phân vị thấp hơn. Với ý nghĩa đó, du lịch tỉnh Nghệ An xét về mặt lãnh thổ được xem là một phân hệ trong hệ thống lãnh thổ du lịch của vùng du lịch Bắc Bộ; xét về khía cạnh ngành, là bộ phận trong hệ thống kinh tế - xã hội của toàn tỉnh. Đồng thời, nó bao gồm các cấp phân vị thấp hơn là các điểm, tuyến, cụm, vùng du lịch. Chỉ cần một thay đổi nhỏ của phân hệ sẽ tác động đến hoạt động, phát triển chung của toàn hệ thống.

5.1.2. Quan điểm tổng hợp

Xuất phát từ chỗ coi hệ thống lãnh thổ du lịch là một hệ thống xã hội được tạo thành bởi các thành tố: tự nhiên, văn hóa, lịch sử, con người có mối quan hệ qua lại gắn bó với nhau, do đó việc vận dụng quan điểm tổng hợp trong nghiên cứu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trên quan điểm đó, khi đánh giá về tài nguyên du lịch phải được xem xét một cách tổng hợp kể cả tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn; cũng vậy trong quá trình khái quát về thực trạng hoạt động du lịch tỉnh Nghệ An cũng phải phân tích các khía cạnh: lượt khách, doanh thu, lao động… Từ quan điểm tổng hợp để có thể nhìn nhận, đánh giá các đối tượng du lịch một cách đồng bộ, hình thành nên các điểm, tuyến , cụm, vùng du lịch hiệu quả, đạt được những giá trị đồng bộ về các mặt kinh tế - xã hội và môi trường.

5.1.3. Quan điểm lãnh thổ

Quan điểm lãnh thổ cho rằng các đối tượng nghiên cứu được phân bố trên phạm vi không gian lãnh thổ nhất định và có đặc điểm riêng. Xem xét hoạt động du lịch


trong mối quan hệ với đặc điểm lãnh thổ nhằm khái quát được đặc trưng của du lịch trên từng địa bàn nghiên cứu. Và để mang lại hiệu quả tổ chức kinh doanh du lịch, cần tìm ra sự khac biệt trong từng đơn vị lãnh thổ từ đó tạo ra được sản phẩm du lịch đặc trưng, khai thác thế mạnh, khắc phục những hạn chế.

5.1.4. Quan điểm lịch sử và viễn cảnh

Mỗi một hiện tượng địa lí kinh tế - xã hội nói chung và địa lí du lịch nói riêng đều tồn tại trong một thời gian nhất định, nghĩa là có quá trình phát sinh, phát triển và suy vong. Nghệ An là mảnh đất có nền văn hóa bản địa đặc sắc được hình thành lâu đời, cùng với truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường và nét độc đáo của thiên nhiên tạo cho vùng đất này một giá trị riêng. Các đặc điểm này được khai thác phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch của tỉnh Nghệ An nói riêng. Sử dụng quan điểm lịch sử, viễn cảnh để tìm hiểu quá trình khai thác, thực trạng phát triển của hoạt động du lịch tỉnh nhà; từ đó nhằm tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả, rút ra bài học kinh nghiệm và có kế hoạch phát triển trong tương lai.

5.1.5. Quan điểm phát triển bền vững

Quan điểm này đòi hỏi sự phát triển phải được bền vững cả ba mặt: kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đó, việc khai thác nguồn tài nguyên, tổ chức các hoạt động du lịch đạt hiệu quả kinh tế phải quan tâm tới vấn đề bảo vệ cảnh quan môi trường, gìn giữ và tôn tạo các giá trị văn hóa và quan tâm đến lợi ích của cộng đồng dân cư bản địa. Cần có những biện pháp tổ chức, quản lý chặt chẽ để ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên và văn hóa – xã hội của địa bàn tỉnh từ hoạt động du lịch.

5.2. Phương pháp nghiên cứu của đề tài

5.2.1. Phương pháp thu thập, xử lí phân tích tài liệu

Phương pháp này cho phéo kế thừa, tích lũy thành tựu của quá khứ. Đây là phương pháp được sử dụng hầu như xuyên suốt trong đề tài, bao gồm hai giai đoạn: thu thập tài liệu và xử lí tài liệu. Nguồn tài liệu được sử dụng trong đề tài có thể gồm các dạng: tài liệu chuyên khảo, các văn bản pháp luật, nghị quyết, nghị định; số


liệu thống kê từ các cơ quan ban ngành; một số luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu của các tác giả đi trước; và một số trang báo điện tử... Kết quả của quá trình thu thập và xử lí tài liệu sẽ ảnh hưởng đến kết quả của quá trình nghiên cứu, tính chính xác và tính khoa học của đề tài.

5.2.2. Phương pháp thực địa

Sử dụng phương pháp này để có được cái nhìn trực quan, xác thực và toàn diện về vấn đề; tránh được những kết luận chủ quan, thiếu cơ sở thực tiễn và có cơ hội để so sánh, kiểm chứng độ chính xác của những tư liệu thu thập trong phòng. Quá trình thực hiện đề tài đòi hỏi phải tiến hành nhiều đợt thực địa đến các tuyến, điểm du lịch. Trong đó, lựa chọn một số điểm du lịch gần địa bàn thành phố, một số điểm ở các huyện vùng xa; một số điểm du lịch đã được khai thác và một số điểm tiềm năng. Đồng thời, trực tiếp gặp gỡ thu thập thông tin, kiến thức không có trên sách vở từ người dân bản địa, các cơ quan ban ngành.

5.2.3. Phương pháp bản đồ - GIS

Với đặc thù là môn khoa học nghiên cứu khía cạnh lãnh thổ của các đối tượng địa lí du lịch, phương pháp bản đồ cho ta thấy sự phân bố không gian của đối tượng. Có thể nói, bản đồ là điểm khởi đầu và kết thúc của hoạt động nghiên cứu; cho phép khai thác thông tin trên hệ thống bản đồ đã được xây dựng và tiến hành thể hiện các kết quả nghiên cứu lên bản đồ. Theo mục tiêu nghiên cứu, đề tài sẽ xây dựng hệ thống các bản đồ tài nguyên, bản đồ thực trạng và bản đồ định hướng du lịch tỉnh Nghệ An. Và để có được kết quả nhanh và chính xác, với sự hỗ trợ đắc lực của kỹ thuật máy tính, đề tài đã sử dụng GIS để xây dựng hệ thống bản đồ.

6. Đóng góp chủ yếu của đề tài

- Tổng quan và hệ thống hóa vấn đề lý luận và thực tiễn về địa lí du lịch; trên cơ sở đó vận dụng vào nghiên cứu cụ thể trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Đánh giá được những thuận lợi và khó khăn của các điều kiện phát triển du lịch ở tỉnh Nghệ An. Đưa ra bức tranh hoạt động du lịch và các sản phẩm du lịch, các loại hình du lịch tỉnh Nghệ An.


- Đề xuất được các giải pháp chủ yếu góp phần khai thác tài nguyên, phát triển du lịch hiệu quả và bền vững

7. Cấu trúc luận văn

Luận văn gồm các phần: Phần mở đầu, phần nội dung, phần kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục.

Trong đó, phần nội dung của luận văn sẽ được trình bày trong bốn chương:

- Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch

- Chương 2: Tiềm năng phát triển du lịch tỉnh Nghệ An

- Chương 3: Thực trạng phát triển du lịch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2000 - 2010

- Chương 4: Định hướng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 07/04/2023