cận vào phạm vi tác động của vùng. Có qui mô nhất định về mặt diện tích, bao gồm các điểm du lịch kết hợp với các điểm quần cư và môi trường xung quanh. Về độ lớn, trung tâm du lịch có thể có diện tích tương đương với diện tích của một tỉnh [60].
Vùng du lịch
Vùng du lịch là cấp cao nhất trong hệ thống phân vị. Đó là một sự kết hợp lãnh thổ của các trung tâm, cụm, khu và điểm du lịch có những đặc trưng riêng về số lượng và chất lượng. Vùng du lịch như một tổng hợp thể thống nhất của các đối tượng và hiện tượng tự nhiên, nhân văn, xã hội… bao gồm hệ thống lãnh thổ du lịch và môi trường kinh tế - xã hội xung quanh với chuyên môn hóa nhất định trong lĩnh vực du lịch. Tính chuyên môn hóa là bản sắc của vùng du lịch, làm cho vùng này khác với vùng kia. Về phương diện lãnh thổ, vùng du lịch có diện tích rất lớn bao gồm nhiều tỉnh. Ngoài ra, với hoạt động du lịch mạnh mẽ, nó còn bao gồm cả các khu vực không du lịch (điểm dân cư, các khu vực không có tài nguyên và cơ sở du lịch nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với kinh tế du lịch) [60].
Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch
Vị trí địa lý
Vị trí địa lí có ảnh hưởng rất sâu đậm đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Sự thịnh vượng về du lịch của một đất nước, một vùng lãnh thổ phụ thuộc rất nhiều vào việc phát huy giá trị vị trí địa lý trong mối quan hệ không gian kinh tế với các lãnh thổ xung quanh. Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của một địa phương không thể tách rời việc phân tích những thuận lợi và khó khăn về vị trí địa lý.
Phần lớn tài nguyên du lịch đều gắn chặt với không gian địa lí, không thể tách rời ra được. Sự khác biệt trong kinh doanh du lịch với các ngành kinh tế khác là sản phẩm du lịch được bán tại chỗ, khách hàng tìm đến và được đưa đến nơi có tài nguyên. Vị trí địa lí thuận lợi cho việc đón khách bằng nhiều hình thức và phương tiện vận chuyển khác nhau sẽ là điều kiện thúc đẩy du lịch phát triển. Có tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc nhưng vị trí địa lí không thuận lợi sẽ rất khó khăn trong việc thu hút nguồn khách.
Khoảng cách từ điểm du lịch đến các nguồn khách du lịch cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu điểm du lịch nằm xa nguồn gửi khách thì du khách sẽ phải tăng thêm chi phí cho việc đi lại, phải rút ngắn thời gian lưu trú tại điểm du lịch và hao tốn nhiều sức khỏe cho việc đi lại. Điều này hạn chế lực hút khách tới điểm du lịch. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khoảng cách xa lại có sức hấp dẫn đối với khách có khả năng chi trả cao và có nhu cầu tìm hiểu vì sự tương phản, khác lạ của điểm du lịch. Ngành hàng không ngày càng phát triển, phần nào khắc phục được bất lợi về khoảng cách.
Tài nguyên du lịch
Đối với bất kỳ quốc gia nào, tài nguyên đều được xem là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế. Đặc biệt trong ngành kinh tế du lịch, tài nguyên du lịch càng phong phú, càng đặc sắc thì sức hấp dẫn và hiệu quả hoạt động du lịch càng cao. Phát triển hoạt động du lịch trên cơ sở khai thác tài nguyên góp phần xuất khẩu tài nguyên tại chỗ, thu hút khách du lịch tới tham quan và chi tiêu cho các dịch vụ du lịch. Tính đa dạng của tài nguyên du lịch sẽ quyết định tính đa dạng của sản phẩm và các loại hình du lịch.
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận trên quan điểm phát triển bền vững - 1
- Phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận trên quan điểm phát triển bền vững - 2
- Phương Pháp Thu Thập, Thống Kê Và Tổng Hợp Tài Liệu
- Nguyên Tắc Phát Triển Du Lịch Trên Quan Điểm Phát Triển Bền Vững
- Liên Kết Phát Triển Du Lịch Tp. Hcm - Lâm Đồng - Bình Thuận
- Một Số Chỉ Tiêu Phấn Đấu Của Du Lịch Việt Nam Đến Năm 2010
Xem toàn bộ 178 trang tài liệu này.
Tài nguyên du lịch gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn đang được khai thác và chưa được khai thác. Tài nguyên du lịch tự nhiên là các đối tượng, hiện tượng trong môi trường tự nhiên xung quanh chúng ta được lôi cuốn vào việc phục vụ cho mục đích du lịch. Các thành phần của tự nhiên với tư cách là tài nguyên du lịch có tác động mạnh nhất đến hoạt động này là địa hình, khí hậu, nguồn nước và thực – động vật. Tài nguyên du lịch nhân văn là các đối tượng, hiện tượng do con người tạo ta trong suốt quá trình tồn tại và có giá trị phục vụ cho nhu cầu du lịch [44].
Tài nguyên du lịch là điều kiện cần thiết, là mục tiêu cho việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác và phối hợp giữa các bên có liên quan (nhà quản lý, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư) trong việc xây dựng các chính sách quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực tài nguyên du lịch một cách hợp lý, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Qui mô và khả năng phát triển du lịch của một địa phương hay một quốc gia phụ thuộc vào số lượng, chất lượng và sự kết hợp của các loại tài nguyên du lịch. Trên thế
giới, những quốc gia có số lượng khách du lịch quốc tế đến và thu nhập du lịch đứng hàng đầu thế giới đều là những nước có tài nguyên du lịch phong phú và hấp dẫn như Hoa Kì, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Anh, Thụy Sỹ, Italia, Ôxtrâylia, Canađa…
Kinh tế - xã hội và môi trường
Sự phát triển của nền sản xuất xã hội có tầm quan trọng hàng đầu làm xuất hiện nhu cầu du lịch và biến nhu cầu du lịch của con người thành hiện thực. Không thể nói tới nhu cầu hoặc hoạt động du lịch nếu lực lượng sản xuất xã hội còn ở trong tình trạng thấp kém. Nền kinh tế phát triển, các ngành kinh tế mới có khả năng đáp ứng đầy đủ cả về số lượng, chất lượng, thẩm mỹ và chủng loại hàng hóa một cách đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, đồng thời mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Thể chế, chính sách phù hợp với tình hình, xu thế phát triển kinh tế - xã hội nói chung cho phát triển du lịch nói riêng tạo hành lang pháp lý cho du lịch phát triển. Một đất nước, một khu vực có tài nguyên du lịch phong phú, mức sống của người dân không thấp nhưng chính quyền địa phương không hỗ trợ cho các HĐDL thì hoạt động này cũng không thể phát triển được.
CSHT là những phương tiện vật chất không phải do tổ chức du lịch xây dựng nên mà là của toàn xã hội. CSHT là CSVCKT bậc hai đối với du lịch, nó được xây dựng để phục vụ nhân dân địa phương, và sau nữa phục vụ cả khách du lịch. Đây là cơ sở có tầm quan trọng đặc biệt, trong chừng mực nào đó nó quyết định chất lượng phục vụ du lịch.
Dân cư là lực lượng tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực có liên quan đến nhu cầu du lịch và khả năng tham gia vào các lĩnh vực của hoạt động du lịch.
Môi trường là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển du lịch. Khác với nhiều ngành kinh tế khác, trong quá trình phát triển, mối quan hệ nhân quả giữa môi trường và hoạt động du lịch rất chặt chẽ vì vậy sự suy giảm chất lượng môi trường sẽ dẫn đến sự giảm sút tính hấp dẫn các sản phẩm du lịch, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển du lịch bền vững.
1.1.2. Phát triển du lịch trên quan điểm phát triển bền vững
1.1.2.1. Phát triển bền vững
Phát triển được hiểu là một quá trình tăng trưởng bao gồm nhiều yếu tố cấu thành khác nhau về kinh tế, chính trị, xã hội, kỹ thuật, văn hoá... Phát triển là xu hướng tự nhiên tất yếu của thế giới vật chất nói chung, của xã hội loài người nói riêng. Mục tiêu của phát triển là nâng cao điều kiện và chất lượng cuộc sống của con người, làm cho con người ít phụ thuộc hơn vào thiên nhiên, tạo lập một xã hội công bằng và bình đẳng giữa các thành viên.
Lý thuyết về phát triển bền vững mới xuất hiện khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ XX. Tại Hội nghị về Môi trường toàn cầu RIO - 92 và RIO - 92+5, phát triển bền vững được các nhà khoa học định nghĩa: “Phát triển bền vững được hình thành trong sự hoà nhập, xen cài và thoả hiệp của 3 hệ thống tương tác là hệ tự nhiên, hệ kinh tế và hệ xã hội” (xem hình 1.1) [75].
Hình 1.1: Quan niệm về phát triển bền vững
Hệ xã hội
Hệ kinh tế
Hệ tự nhiên
Phát triển bền vững
Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về phát triển bền vững (năm 2002) đã xác định “phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao được chất lượng môi trường sống” [5].
Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam khẳng định “phát triển bền vững là con đường tất yếu của Việt Nam. Mục tiêu tổng quát của phát triển bền vững ở Việt Nam là “đạt được sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có về tinh thần và văn
hóa, sự bình đẳng của các công dân và sự đồng thuận của xã hội, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên; phát triển phải kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa được ba mặt là phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường” [5].
Quan điểm phát triển bền vững đã được khẳng định trong Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25 tháng 6 năm 1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó nhấn mạnh: "Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước". Quan điểm phát triển bền vững đã được tái khẳng định trong các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam và trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 là: "Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường" và "Phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hoà giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học" [5].
1.1.2.2. Phát triển du lịch bền vững
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, vì vậy bản thân sự phát triển của du lịch đòi hỏi phải có sự phát triển bền vững chung của xã hội và ngược lại. Việc phát triển du lịch với mục đích đơn thuần về kinh tế trong thời gian trước đây đã cho thấy thiếu tính bền vững trên nhiều phương diện, đang đe dọa hủy hoại nghiêm trọng môi trường sinh thái, đến các nền văn hóa bản địa. Hậu quả này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành du lịch. Chính vì vậy, từ đầu thập niên 1990 các nhà khoa học trên thế giới đã tập trung nghiên cứu và đưa ra khái niệm “phát triển du lịch bền vững” nhằm khuyến cáo và tiến đến hạn chế các tác động tiêu cực của hoạt động du lịch, bảo đảm sự phát triển lâu dài.
Tại Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc tại Rio de Janeiro năm 1992, Tổ chức Du lịch Thế giới – WTO đưa ra định nghĩa: “Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các
nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng về sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống của con người” [75].
Theo tiến sỹ Trần Văn Thông, du lịch bền vững là quá trình điều hành quản lý các hoạt động du lịch với mục đích xác định và tăng cường các nguồn hấp dẫn du khách tới các vùng và các quốc gia du lịch. Quá trình quản lý này luôn hướng tới việc hạn chế lợi ích trước mắt để đạt được lợi ích lâu dài do các hoạt động du lịch đưa lại [45]. Luật Du lịch Việt Nam khẳng định: “Du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu
về du lịch của tương lai” [31].
Tuy nhiên, cũng có thể nói rằng sự phát triển này chỉ mang tính chất tương đối, bởi vì trong một xã hội “động” tức là một xã hội luôn luôn có sự thay đổi và phát triển thì sự bền vững của yếu tố này sẽ là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự tồn tại của những yếu tố khác, không một xã hội nào, một nền kinh tế nào có thể đạt được sự bền vững tuyệt đối. Mọi hoạt động, mọi biện pháp của con người chỉ nhằm đạt mục đích đảm bảo khả năng khai thác lâu, bền các nguồn tài nguyên trên Trái đất.
1.1.2.3. Phát triển du lịch trên quan điểm phát triển bền vững
Phát triển du lịch trên quan điểm phát triển bền vững thực chất là việc vận dụng quan điểm phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước Việt Nam vào phát triển du lịch. Phát triển du lịch phải đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Tăng trưởng kinh tế du lịch phải đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường lãnh thổ mà du lịch phát triển.
Sự khác nhau cơ bản giữa phát triển du lịch trên quan điểm phát triển bền vững với phát triển du lịch thông thường là:
- Hướng tới 3 mục đích: kinh tế, môi trường và cộng đồng;
- Được lập kế hoạch và quản lý ngay từ lúc bắt đầu. Quy hoạch phát triển du lịch phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước, với quy hoạch chung của ngành.
- Đáp ứng nhu cầu của du khách đồng thời quan tâm đến việc mang lại những lợi ích cho cộng đồng địa phương;
- Giảm thiểu đến mức thấp nhất các tác động xấu của phát triển du lịch;
- Đóng góp vào công tác bảo tồn tài nguyên.
- Có tính giáo dục bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Tổng quan các nghiên cứu có thể khái quát: phát triển du lịch trên quan điểm phát triển bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch có trách nhiệm, có tác dụng giáo dục nhằm phát triển cân đối, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa đồng thời đảm bảo cho sự phát triển du lịch trong tương lai.
1.1.3. Nguyên tắc phát triển du lịch trên quan điểm phát triển bền vững
Phát triển du lịch trên quan điểm phát triển bền vững trước hết phải tuân thủ các nguyên tắc chung của phát triển du lịch.
Luật Du lịch Việt Nam khẳng định DL là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, phát triển du lịch phải đảm bảo các nguyên tắc sau [31]:
- Phát triển du lịch bền vững, theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm hài hoà giữa kinh tế, xã hội và môi trường; phát triển có trọng tâm, trọng điểm theo hướng du lịch văn hoá – lịch sử, du lịch sinh thái; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của tài nguyên du lịch.
- Bảo đảm chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn XH.
- Bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, lợi ích chính đáng và an ninh, an toàn cho khách du lịch, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch.
- Bảo đảm sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư trong phát triển du lịch.
- Góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại và giao lưu quốc tế để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
- Phát triển đồng thời du lịch trong nước và du lịch quốc tế, tăng cường thu hút ngày càng nhiều khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam.
Phát triển du lịch trên quan điểm phát triển bền vững đồng thời phải thực hiện các nguyên tắc của phát triển du lịch bền vững [75]:
(1) Khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hợp lý.
(2) Giảm thiểu chất thải ra môi trường.
(3) Phát triển gắn liền với việc bảo tồn tính đa dạng.
(4) Phát triển phải phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội.
(5) Chú trọng việc chia sẻ lợi ích và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động phát triển du lịch.
(6) Chú trọng việc đào tạo nâng cao nhận thức về TN và MT.
(7) Chú trọng việc xây dựng và quản lý thực hiện quy hoạch phát triển du lịch phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội.
(8) Tăng cường tính trách nhiệm trong hoạt động xúc tiến du lịch.
PTDL trên quan điểm bền vững là một xu thế của thời đại. Một số yếu tố chỉ thị có thể nhận biết những dấu hiện của sự PTDLBV [75]:
+ Tỷ lệ các khu, điểm du lịch được bảo vệ, tôn tạo càng cao chứng tỏ rằng chiến lược PTDL của địa phương đó càng gần với mục tiêu PTBV.
+ Quản lý được áp lực môi trường tại điểm du lịch, xác định được những giới hạn biến đổi có thể chấp nhận được về môi trường.
+ Số lượng khách quay lại càng cao thì mục tiêu đặt ra cho phát triển bền vững càng có cơ sở thành công.
+ Có sự phối hợp đồng bộ về quan điểm và các hỗ trợ kỹ thuật tương ứng giữa chính quyền và các ban ngành của địa phương trong việc tổ chức và giám sát thực hiện các dự án quy hoạch du lịch nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
+ Mức độ thoả mãn của người dân địa phương là cơ sở đánh giá việc thực thi nội dung của phát triển bền vững.
+ Phát triển du lịch phải đảm bảo thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các địa phương có diễn ra hoạt động du lịch.
+ Đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo hướng bền vững.
+ Tăng cường tính trách nhiệm trong công tác tuyên truyền quảng bá.