Phát triển du lịch theo hướng bền vững ở khu vực tỉnh Hà Tây cũ nay thuộc Hà Nội - 12

hoá đích thực. Nhưng cho đến nay hầu hết những sinh hoạt văn hoá của dân cư trên địa bàn vẫn mang tính tự nhiên mà vẫn chưa tạo thành một sản phẩm du lịch thực sự. Lợi ích do hoạt động du lịch này mang lại là rất lớn, do đó, để loại hình du lịch cộng đồng thực sự phát triển có hiệu quả thì các ngành chức năng phải phối hợp với các huyện khảo sát, xây dựng tiêu chí, lựa chọn các làng, bản đạt tiêu chuẩn để quy hoạch tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng. Đồng thời tổ chức nhiều khoá tập huấn du lịch cộng đồng tại các thôn, làng cho các học viên là những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào các hoạt động phát triển, khai thác, quản lý du lịch cộng đồng với các kiến thức cơ bản như: tổng quan chung về du lịch, du lịch cộng đồng; bảo tồn, khai thác các giá trị văn hoá thành sản phẩm du lịch; kỹ năng trong kinh doanh, phục vụ du lịch tại chỗ; trình tự đón khách, quy trình phục vụ ăn uống; văn minh giao tiếp, ứng xử tình huống, kỹ năng hướng dẫn khách tham quan, kỹ năng phục vụ lưu trú tại gia… Bên cạnh đó, địa phương cần chủ động hỗ trợ ngân sách cho nhân dân xây dựng một số công trình cơ bản như đường bê tông hoá, nhà văn hoá, cổng làng, bể chứa nước sạch, công trình vệ sinh công cộng…

3.6.6. Tăng cường bảo vệ tài nguyên du lịch và môi trường sinh thái

Nghiên cứu, xác định những thế mạnh về tài nguyên, về phân bổ tài nguyên, từ đó phát triển du lịch theo không gian lãnh thổ một cách đồng đều. Các cụm du lịch trọng điểm cần có sự tương xứng với nhau về lượng khách, cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú và hệ thống dịch vụ du lịch bổ sung nhằm tạo ra thế cân bằng ngay trong phạm vi thành phố Hà Nội nói chung, khu vực Hà Tây (cũ) nói riêng và đối trọng với các tỉnh, thành phố giàu tiềm năng khác. Phát triển du lịch dựa trên cơ sở khai thác đồng đều nguồn tài nguyên du lịch khác nhau là tạo ra sức đề kháng tốt đối với tính mùa vụ và giảm sức ép về vấn đề môi trường cũng như sự bão hoà và thay đổi văn hoá theo chiều hướng tiêu cực.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các khu di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc của Hà Tây (cũ) vừa phát huy được chức năng kinh tế mà không ảnh hưởng đến tuổi thọ, không phá vỡ không gian cổ kính vốn có của nó, để giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu vốn đầu tư tôn tạo với thực tế nguồn có khả năng khai thác được, mâu thuẫn giữa lợi ích xã hội về bảo vệ di sản với lợi ích dân cư sở tại vế sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trước mắt, thành phố Hà Nội cần lập hồ sơ khoa học để nhìn nhận một cách đầy đủ, khách quan giá trị của các khu di tích trên nhiều mặt: lịch sử, văn hoá, kiến trúc, mỹ thuật, địa giới… Quy hoạch chi tiết hệ thống di tích lịch sử, trong đó xác định những di tích đặc biệt giá trị, những di tích cần được bảo vệ nguyên trạng, phương án chống xuống cấp cho các khu di tích.

Tập trung mọi nỗ lực nhằm chống xuống cấp, bảo vệ di tích trên nguyên tắc tôn trọng nguyên trạng và khôi phục nguyên bản các di tích. Nhưng công việc này đòi hỏi tốn kém về tài chính, công sức và nhất là kỹ thuật, kinh nghiệm. Vì nhiều khi sự thiếu hiểu biết, thiếu thận trọng, nôn nóng sẽ dẫn đến làm biến dạng di tích và vì thế đã biến công tác tôn tạo, bảo vệ di tích thành sự phá hoại nhanh nhất. Như việc kè bờ sông Hương (thành phố Huế) nhằm chống xói lở đã phá vỡ vẻ đẹp vốn có của nó. Vì nét thơ mộng của sông Hương chính là sự mềm mại của đôi bờ nay đã bị bê tông hoá làm mất đi những mảng màu xanh tự nhiên của cỏ. Hay việc gắn xi măng vào các vết nứt của Tháp Chàm (Sóc Trăng) đã làm cho quá trình xâm thực của nước mưa trở nên nhanh hơn. Đây chính là những bài học đắt giá trong việc tôn tạo, bảo tồn các khu di tích. Bởi vậy, trước khi tiến hành tôn tạo cần phải nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ trên tất cả các phương diện: lịch sử, địa hình, đặc điểm khí hậu… xin ý kiến của các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước để có những phương án tối ưu nhất. Vì di sản mà cha ông ta để lại là vô giá nhưng lại hết sức mong manh.

Không gian cũng là một phần không thể thiếu để phát triển du lịch, do vậy cần thận trọng trong việc cấp phép xây dựng các công trình mới làm ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch. Các cơ quan chức năng phải cương quyết cưỡng chế, phá bỏ những trường hợp lấn chiếm di tích, trả lại không gian cho di tích. Tình trạng quản lý chống chéo nhưng không hiệu quả hiện nay cần được thay thế bởi duy nhất một đầu mối quản lý là Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội.

Tiếp tục tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng và giá trị nhiều mặt của di tích. Qua sự hiểu biết đó sẽ hình thành cho người dân - những người đang trực tiếp được hưởng lợi từ di tích - niềm tự hào, sự quý trọng với các di tích mà cha ông để lại. Sự bảo vệ của dân cư sở tại mới chính là sự bảo vệ quan trọng nhất, trực tiếp nhất, có tác dụng nhất. Ngoài ra, cần phải nâng cao trình độ hiểu biết cho các hướng dẫn viên du lịch. Họ là những người trực tiếp hướng dẫn khách tham quan các điểm du lịch, do vậy, hướng dẫn viên cũng phải là những người hiểu biết đầy đủ về di tích và có ý thức bảo vệ di tích. Các hướng dẫn viên sẽ có tác động tích cực tới du khách khi họ tới tham quan di tích, biến du khách từ những người có nguy cơ xâm hại di tích thành những người tham gia bảo vệ di tích dưới nhiều hình thức.

Hàng ngày các điểm du lịch tiếp đón hàng vạn khách du lịch, có lúc vào dịp lễ hội sẽ lên tới hàng chục vạn khách, vì vậy, lượng rác thải ở các khu du lịch sẽ rất nhiều. Để đảm bảo cảnh quan môi trường luôn được sạch sẽ thì cần phải có những giải pháp thu gom và xử lý rác. Cần phải có nhiều thùng rác đặt tại các vị trí dễ thấy, khoảng cách giữa các thùng từ 15m đến 50m để du khách có ý thức bỏ rác vào thùng. Mỗi khu nghỉ nên có một đội ngũ dọn vệ sinh chuyên nghiệp chuyên quét dọn, thu gom rác từ các thùng rác đổ vào xe chuyên dụng đưa đến điểm tập kết phân loại xử lý. Nên có hình thức phạt hành chính, lao động công ích đối với những hành vi xâm hại môi trường.

3.6.7. Thành lập và củng cố các hiệp hội ngành nghề trong du lịch

Hiệp hội ngành nghề là một kênh hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của mỗi ngành trong việc cung cấp thông tin về thị trường, giá cả, tư vấn để doanh nghiệp có thể hoạt động một cách tốt nhất. Việc thành lập và củng cố các hiệp hội du lịch có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chủ trương, chiến lược phát triển của toàn ngành cũng như của du lịch Hà Nội nói riêng. Hiệp hội du lịch là tổ chức đại diện hợp pháp về mặt quyền lợi, giúp doanh nghiệp giải quyết những tranh chấp phát sinh trong quá trình kinh doanh, đặc biệt là khi nước ta đã trở thành thành viên của tổ chức Thương mại thế giới. Do hiện nay trình độ, quy mô của các doanh nghiệp còn thấp nên việc phát huy sức mạnh tập thể thông qua các hiệp hội đóng vai trò quan trọng. Các hiệp hội du lịch vừa đại diện bảo vệ lợi ích cho các hội viên, vừa là cầu nối hữu hiệu giữa Chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình hoạch định chính sách. Hiện nay mới chỉ có Nghị định 88/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Nghị định này vẫn chưa theo kịp thực tế hoạt động của các hiệp hội nên hoạt động vẫn mang tính tự phát. Do đó, để các hiệp hội du lịch hoạt động thực sự có hiệu quả thì Sở Văn hoá, thể thao và du lịch Hà Nội nên tham mưu cho các cấp lãnh đạo cần ban hành các chính sách cụ thể hơn nhằm tạo hành lang pháp lý cho các hiệp hội hoạt động. Chính bản thân các doanh nghiệp và các hiệp hội cũng phải liên kết với nhau theo lợi ích thật sự chứ không phải là hình thức như hiện nay. Giữa các doanh nghiệp và hiệp hội du lịch phải có cam kết hoặc thoả thuận trong việc cung cấp thông tin, tổ chức các sự kiện xúc tiến quảng bá, tìm đối tác và khách hàng. Các doanh nghiệp trong nước thông qua hiệp hội để có thông tin và khả năng tiếp cận với thị trường nước ngoài, còn các doanh nghiệp nước ngoài thông qua hiệp hội đến với các doanh nghiệp trong nước. Hiệp hội du lịch muốn hoạt động có hiệu quả thì cơ cấu tổ chức phải gọn nhẹ, phải đặt quyền lợi của tất cả các thành viên lên trên hết, phải tạo được sự đồng thuận, ủng hộ thống nhất của tất cả các thành viên, chương

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.

trình hoạt động của hiệp hội phải phong phú, đa dạng, mang lại lợi ích thiết thực cho các hội viên. Để hiệp hội du lịch thực sự phát huy vai trò của mình, cần thành lập các hiệp hội chuyên ngành như hiệp hội lữ hành, hiệp hội khách sạn, hiệp hội vận chuyển hàng hoá và hành khách… từ trung ương xuống địa phương để chuyên sâu vào từng lĩnh vực cụ thể.

Với những giải pháp trên đây nếu được tiến hành một cách đồng bộ thì du lịch ở khu vực tỉnh Hà Tây (cũ) nói riêng và du lịch Hà Nội mới nói chung sẽ đạt được những mục tiêu đề ra, đặc biệt sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch của Hà Nội phát triển bền vững.

Phát triển du lịch theo hướng bền vững ở khu vực tỉnh Hà Tây cũ nay thuộc Hà Nội - 12


KẾT LUẬN


Có thể thấy rằng,phát triển du lịch bền vững không chỉ là vấn đề riêng có của khu vực tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội), mà nó luôn là vấn đề cấp bách và quan trọng đối với phát triển du lịch của Việt Nam. Phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần thực hiện quá trình công nghiệp hoá, hiện đại

hoá đất nước. Hoạt động du lịch phải đồng thời đạt hiệu quả trên nhiều mặt: kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc và nhân phẩm của con người Việt Nam. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao, vì vậy, phát triển du lịch bền vững là nhiệm quan trọng của các cấp, các ngành, các đoàn thể và các tổ chức xã hội. Trong thời gian qua, ngành du lịch nói chung và du lịch của khu vực Hà Tây (cũ) nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Số lượng khách quốc tế và trong nước ngày một tăng nhanh, doanh thu, nộp ngân sách nhà nước ngày càng cao. Cơ sở vật chất của ngành được tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Nhờ vậy, du lịch đã thu hút nhiều lao động xã hội góp phần nâng cao đời sống nhân dân, xoá đói giảm nghèo và thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội phát triển.

Tuy nhiên, phát triển du lịch ở đây vẫn còn không ít những hạn chế và bất cập. Đó là sự phát triển du lịch còn mang tính tự phát, chưa có quy hoạch cụ thể, kế hoạch phát triển và bảo tồn chưa phù hợp và triệt để dẫn đến mất tính bền vững, chu kỳ tồn tại của các sản phẩm lịch ngắn, đơn điệu, có sự trùng lặp giữa các khu, tạo cảm giác nhàm chán cho du khách. Cùng với sự phát triển của du lịch thì tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn đã và đang chịu ảnh hưởng xấu từ các hoạt động du lịch. Đời sống của nhân dân bản địa còn nghèo, kiến thức về bảo vệ tài nguyên chưa được phổ cập dẫn đến huỷ hoại tài nguyên.

Thực tế cho thấy, sự phát triển du lịch của khu vực tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội) còn thiếu bền vững. Để du lịch ở khu vực tỉnh Hà Tây (cũ) phát triển theo hướng bền vững, Ngành du lịch Hà Nội cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp: hoàn thiện về quy hoạch, tăng cường và nâng cao hiệu quả đầu tư nâng cấp và xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, mở rộng thị trường, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hình thức du lịch mới và các

biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái. Có như vậy, du lịch Hà Nội (trong đó có khu vực Hà Tây cũ) sẽ phát triển thực sự bền vững trong thời gian tới.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Lê Huy Bá, Vũ Chí Hiếu, Võ Đình Long (2000), Tài nguyên môi trường và phát triển bền vững, NXB Khoa học - Kỹ thuật

2. PGS.TS Nguyễn Thế Chinh (2003), Giáo trình kinh tế và quản lý môi trường, NXB Thống Kê, Hà Nội

3. Trần Văn Chử (2004), Tài nguyên thiên nhiên và môi trường với tăng trưởng và phát triển bền vững ở Việt Nam, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội

4. Lê Trung Dũng (1997), Lịch Lễ hội, NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện ĐH Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện ĐH Đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội

7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Nghị Quyết Hội nghị lần thứ III BCH TƯ Đảng khoá IX (Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước), NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội

8. Nguyễn Văn Đính, Phạm Hồng Chương (2000), Quản trị kinh doanh lữ hành, NXB Thống Kê, Hà Nội

9. Nguyễn Văn Đính, Trần Thị Minh Hoà (2004), Kinh tế du lịch, NXB Lao động - xã hội, Hà Nội

10. Nguyễn Đình Hoè, Vũ Văn Hiến (2001), Du lịch bền vững, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội

11. Đinh Trung Kiên (2004), Một số vấn đề về du lịch Việt Nam, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội

12. Nguyễn Tư Lương (1999), Giao thông vận tải - một tiền đề quan trọng để phát triển du lịch, Tạp chí Giao thông vận tải, số 3 - 1999, tr58-59

13. Nguyễn Văn Mạnh, Hoàng Thị Lan Hương (2004), Quản trị kinh doanh khách sạn, NXB Lao động - xã hội, Hà Nội

14. Nghị quyết 45 CP của Chính phủ ngày 26/6/1993 về đổi mới quản lý và phát triển ngành du lịch

Xem tất cả 105 trang.

Ngày đăng: 06/09/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí