Phát triển du lịch homestay tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang - 2

VHTT&DL quản lý trực tiếp. Sự phân chia lợi ích từ loại hình du lịch homestay được thỏa thuận theo bản hợp đồng giữa hộ dân và doanh nghiệp lữ hành theo tinh thần tự nguyện, nếu có dịch vụ phát sinh sẽ được thỏa thuận giữa khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành và chủ hộ dân.

Tuy nhiên, hiệu quả đạt được từ loại hình du lịch này còn thấp, theo kiểu tự phát, thiếu chuyên nghiệp, đầu tư chưa bài bản, nguồn nhân lực phục vụ chưa được đào tạo chuyên nghiệp... Do đó, đề tài “Phát triển du lịch homestay tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang” được hình thành với mong muốn giúp ngành du lịch Tiền Giang xây dựng phát triển du lịch homestay mang đậm nét đặc thù của người dân vùng sông nước Tiền Giang, góp phần nâng cao nhận thức và tăng thu nhập cuộc sống người dân tại địa phương. Từ đó quảng bá hình ảnh du lịch Tiền Giang nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới.

2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu

2.1. Tình hình nghiên cứu ngoài nước

Việc nghiên cứu về du lịch homestay đã được nhiều tác giả quan tâm, nghiên cứu. Các nghiên cứu về loại hình du lịch homestay được công bố trên nhiều luận văn, luận án, bài báo, tạp chí khoa học trên thế giới. Cụ thể:

- Tác giả Kathryn Richardson (2004) trong nghiên cứu: “Homestay: Mở ra một thế giới của cơ hội” [19], đã phác họa homestay là loại hình du lịch ăn nghỉ tại nhà dân và điều tra các giả thuyết về mục đích homestay của người bản xứ, khả năng trao đổi văn hóa lẫn nhau giữa những sinh viên nghỉ tại nhà dân và chủ nhà. Nghiên cứu điều tra nhận thức mối quan hệ và vai trò trong gia đình người bản xứ, và đặt ra câu hỏi về mức độ giao lưu văn hóa đối ứng trong homestay: Mức độ nào chủ nhà trọ cố gắng tìm hiểu về nền văn hóa của sinh viên? Mức độ nào các gia đình người bản xứ khuyến khích chia sẻ các giá trị văn hóa của họ và thực hiện nó với các sinh viên quốc tế trong việc chăm sóc sinh viên, và ngược lại? Các tổ chức homestay cung cấp, hỗ trợ đầy đủ cho các chủ hộ cùng người bản xứ và sinh viên nghỉ tại nhà dân trong việc phát triển giao lưu văn hóa hai chiều trong một khung cảnh gia đình? Tác giả khảo sát khoảng 400 sinh viên, phần lớn là sinh viên Nhật đang theo học tiếng Anh tại vùng ngọai ô phía đông Melbourne, với khoảng 375

chủ hộ homesaty. Tác giả đưa ra một số trở ngại trong khi thực hiện mô hình sinh viên nghỉ lại nhà dân: i) Sốc văn hóa: các chủ hộ không hài lòng cách xử sự theo thói quen của sinh viên ngoại quốc tại nhà mình; ii) Họ và chúng ta: Chủ hộ và sinh viên ngoại quốc chưa gần gũi, trao đổi như người thân quen; iii) Không phải làm như vậy: Sự khác biệt về cách giải quyết công việc giữa chủ hộ và sinh viên ngoại quốc.

- Chaiyatorn S., Kaoses P., & Thitphat P., (2010), trong nghiên cứu “Phát triển Mô hình Văn hóa – Du lịch homestay của dân tộc Lao Vieng và Lao Song ở vùng Trung tâm Thái Lan” [14]. Mô hình này được thực hiện tại các dân tộc Lao Vieng và Lao Songe thuộc Miền Trung Thái Lan. Mẫu nghiên cứu bao gồm: 30 các chuyên gia, 40 học viên và 50 dân làng. Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đề tài là nghiên cứu định tính. Dữ liệu được thu thập bằng các kỹ thuật phỏng vấn, quan sát và thảo luận nhóm. Nghiên cứu đưa ra các yếu tố phát triển du lịch homestay tại Lao Vieng và Lao Songe là: (i) Bảo tồn; (ii) Quản lý di sản văn hóa địa phương bởi cộng đồng ; (iii) Trung tâm du lịch; (iv) Tìm hiểu thực tế cuộc sống;

(v) Trách nhiệm và công bằng (Lao Vieng); và (i) Nơi sinh sống; (ii) Thực phẩm;

(iii) Quầy hàng; (iv) Truyền thống; (v) Nghi lễ; (vi) Bán sản phẩm của địa phương và vui chơi (Songedam Ethnic Group). Các tác giả kết luận: Bản sắc dân tộc là cần thiết cho du lịch văn hóa. Tuy nhiên, phong cảnh, văn hóa, phong tục và truyền thống đậm đà bản sắc cần được nhấn mạnh bằng cách chú trọng vào sự an toàn và thích ứng với các nhu cầu của khách du lịch.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.

2.2. Tình hình nghiên cứu trong nước

- Tác giả Nguyễn Quốc Nghi (2013), với đề tài: “Giải pháp phát triển du lịch homestay tại các cù lao ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long” [4], đã thu thập ý kiến từ 52 hộ gia đình tham gia tổ chức du lịch homestay tại 4 cù lao (Thới Sơn, An Bình, Thanh Bình, Tân Lộc) ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thông qua phân tích thực trạng tham gia tổ chức du lịch homestay của cộng đồng, đồng thời nhận định những nguyên nhân, hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển của loại hình du lịch homestay tại các cù lao, tác giả đã đề xuất 4 giải pháp phát triển loại hình du lịch homestay tại các cù lao như sau: Thứ nhất, tạo liên kết chặt chẽ “3 nhà” giữa nhà

Phát triển du lịch homestay tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang - 2

dân, nhà nước và nhà doanh nghiệp du lịch; Thứ hai, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cộng đồng cung ứng dịch vụ du lịch; Thứ ba, sáng tạo các sản phẩm dịch vụ mới lạ, đặc thù; Thứ tư, xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh du lịch homestay mang tính chuyên nghiệp.

- Các tác giả Ninh Thị Kim Anh, Đỗ Thị Thanh Vinh, Đoàn Nguyễn Khánh Trân (2013), trong Chủ đề nghiên cứu Hội thảo cấp Bộ môn về “Du lịch homestay” [1], đã nêu tổng quan về loại hình du lịch homestay: các khái niệm về du lịch homestay, đặc điểm và các quy tắc cơ bản về quy trình thực hiện loại hình du lịch này. Trên cơ sở đó, các tác giả đã đưa ra các tiêu chuẩn cơ bản về các tiêu chuẩn dịch vụ du lịch homestay: (1) Tiêu chuẩn về cơ sở lưu trú; (2) Tiêu chuẩn về thực phẩm và dinh dưỡng; (3). Bên cạnh đó, các tác giả trên cũng đề cập đến sự ảnh hưởng của văn hóa đến việc phát triển mô hình du lịch homestay: Khi đi du lịch homestay, du khách sẽ ở ngay tại nhà của dân địa phương để có một góc nhìn gần gũi và thực tế hơn với cách sống và nền văn hóa của nước chủ nhà. Du khách được xem như một thành viên của gia đình và tham gia vào các sinh hoạt đời thường như ăn cơm chung mâm và trò chuyện trao đổi với các thành viên; được yêu cầu phải “nhập gia tùy tục” và phải tôn trọng các quy tắc và sự riêng tư nhất định của gia chủ.

- Đề án phát triển du lịch Tiền Giang giai đoạn 2010 – 2020 của Sở VHTT&DL Tiền Giang công bố năm 2010. Đề án phân tích và đánh giá thực trạng hoạt động kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang quan tâm đến các ngôi nhà cổ ở xã Đông Hòa Hiệp đã có hơn 150 năm tuổi, được tổ chức JICA của Nhật tài trợ tôn tạo với kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng, và một số nhà cổ khác đang khai thác và hoạt động dịch vụ nghỉ đêm ở nhà dân (homestay), ngoài ra đầu tư xây dựng các điểm vui chơi giải trí, các làng nghề truyền thống… đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm thu hút khách du lịch, ngoài ra đề án đã nêu ra một số hạn chế tình trạng mua bán tự phát, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức đã ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh du lịch.

- Nguyễn Văn Mỹ, Homestay Trông người lại ngẫm đến ta [6] đã đưa ra một số kinh nghiệm từ du lịch homestay tại Thái Lan. Tác giả đã nêu ra được vai trò hỗ

trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương rất quan trọng đối với loại hình du lịch này.

- Homestay ở đất mũi Cà Mau [29]. Theo ông Từ Quang Tuyến - phó trưởng Phòng du lịch sinh thái & giáo dục môi trường thuộc Vườn quốc gia Cà Mau, loại hình homestay tại đất mũi chỉ mới có 05 hộ gia đình (tại ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) đưa vào hoạt động cuối năm 2013 với sự tài trợ ban đầu của Quỹ môi trường Sida thuộc Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Vương quốc Thụy Điển và Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF). Mô hình nhà sàn dành cho khách ăn uống và trú qua đêm mô phỏng theo kiểu nhà sàn chống cá sấu và thú dữ nằm giữa tứ bề là rừng đước, những con kênh rạch lấp lóa chẳng khác thời cha ông chúng ta mở đất phương Nam nhưng không phá vỡ cảnh quan của hệ sinh thái rừng, mà ngược lại như nét chấm phá cho màu xanh mướt bạt ngàn của cây lá và mặt nước mênh mông. Nét sinh hoạt homestay trong không gian rừng mang dấu ấn riêng: vừa hòa nhập chung với cuộc sống người bản địa, vừa an nhiên, tự tại giữa thiên nhiên hoang dại, khác homestay miệt vườn.

3. Mục đích nghiên cứu

- Hệ thống hoá một số vấn đề cơ sở lý luận và thực tiễn về loại hình du lịch homestay của nhiều tác giả trong và ngoài nước.

- Đánh giá thực trạng hoạt động du lịch homestay tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

- Đề xuất các giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch homestay tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Thực trạng phát triển du lịch homestay tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

- Phạm vi nghiên cứu: Xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

- Thời gian nghiên cứu: Hoạt động du lịch homestay tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè giai đoạn 2009 – 2013.

5. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài sử dụng các phương pháp: Nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng.

- Phương pháp nghiên cứu định tính: Thảo luận nhóm và phỏng vấn sâu, với sự tham gia của một số khách du lịch, những hộ dân tham gia loại hình du lịch homestay và các chuyên gia về lĩnh vực du lịch (khoảng 20 người), mục đích nhằm khẳng định và bổ sung chỉ tiêu đánh giá, điều chỉnh thang đo và xây dựng bảng câu hỏi.

- Phương pháp nghiên cứu định lượng: Được thực hiện nhằm khẳng định các yếu tố, các giá trị, độ tin cậy và mức độ phù hợp của các thang đo các yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Mẫu khảo sát là 150. Dữ liệu thu được sẽ được xử lý thông qua sử dụng phần mềm SPSS 16.0

Bên cạnh đó, các phương pháp thống kê, chuyên gia, so sánh cũng được sử dụng nhằm phân tích, so sánh, đánh giá thực trạng du lịch homestay tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè giai đoạn 2009 – 2013.

6. Bố cục luận văn

Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, nội dung của luận văn gồm 3 chương: Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch homestay.

Chương 2. Thực trạng phát triển du lịch homestay tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Chương 3. Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch homestay tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

7. Đóng góp của luận văn

- Về mặt khoa học: Đề tài đã tổng quan cơ sở lý luận về loại hình du lịch homestay của các tác giả trong và ngoài nước. Dùng làm tài liệu tham khảo cho cán bộ, chuyên viên cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, giảng viên và sinh viên ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các chủ homestay… Đây là nguồn tài liệu tham khảo cho những nghiên cứu về loại hình du lịch này trong giai đoạn tiếp theo.

- Về mặt thực tiễn: Đề tài sẽ góp phần phát triển du lịch homestay cho xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnhTiền Giang. Giúp các nhà quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, người dân tại địa phương… kết hợp khai thác, xây dựng, phát triển du lịch homestay cho xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Tiền Giang phát huy tốt hơn.

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ DU LỊCH HOMESTAY


1.1. Cơ sở lý luận về du lịch homestay

1.1.1. Các khái niệm về du lịch, du lịch homestay

1.1.1.1. Khái niệm về du lịch

Theo Luật du lịch, số 44/2005/QH11, Điều 4, Chương 1 [5, tr. 2]:

- Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định.

- Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến.

- Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến du lịch.

- Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thoả mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch.

- Dịch vụ du lịch là việc cung cấp các dịch vụ về lữ hành, vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, thông tin, hướng dẫn và những dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

- Cơ sở lưu trú du lịch là cơ sở cho thuê buồng, giường và cung cấp các dịch vụ khác phục vụ khách lưu trú, trong đó khách sạn là cơ sở lưu trú du lịch chủ yếu.

1.1.1.2. Khái niệm du lịch homestay

- Lịch sử hình thành và phát triển

Thuật ngữ homestay có thể tạo ra một loạt các hình ảnh khác nhau trong tâm trí của nhiều người khác nhau. Một số người có thể tưởng tượng nó là một phòng khách thoải mái với những cuộc trò chuyện sinh động và giao tiếp hạnh phúc; Những người khác lại gợi lên hình ảnh của phòng tắm ngập lụt và hóa đơn tính số tiền điện khổng lồ; Người khác thì ngây ngô không biết homestay là gì [19, tr. 1].

Chương trình du lịch Homestay có thể được bắt nguồn từ đầu những năm 1970. Vào năm 1970, tại Malaysia, “vùng đất thả nổi” (drifter enclave) của Kg.

Cherating Lama ở Pahang, nơi một phụ nữ địa phương có tên là Mak Long đã trải qua một thời gian sống trôi dạt/lập dị và được cung cấp bữa ăn sáng, ăn tối và ăn ở trong nhà khiêm tốn của mình (Amran, 1997). Sau đó, những làng nhỏ hay còn được gọi là “kampongs” 1 (tiếng Indonesia và Malaysia: những ngôi làng nhỏ) với một thỏa thuận tương tự để đạt được những lợi ích của luồng khách du lịch nội địa và quốc tế đang tìm kiếm một kinh nghiệm du lịch khác nhau tức là để tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa thông qua homestay [14, tr. 1].

Các chuyến du lịch homestay thường được tổ chức tại các vùng rừng núi tự nhiên, hoang dã, hệ sinh thái đa dạng, địa điểm hiểm trở, nhiều núi cao vực sâu, dân cư thưa thớt, các điều kiện sinh hoạt, đi lại khó khăn. Do đó, khách du lịch cần có sự giúp đỡ của người dẫn đường để khỏi bị lạc, cần nơi để nghỉ qua đêm, đồ ăn… đã được người bản xứ tạo điều kiện giúp đỡ, cung cấp các dịch vụ. Lúc đó, khách du lịch có sự hỗ trợ của người dân bản xứ – đây là tiền đề cho sự phát triển loại hình du lịch homestay.

- Khái niệm du lịch homestay

Du lịch homestay là một khái niệm mới đang được nhiều nhà nghiên cứu tranh luận và đưa ra nhiều khái niệm khác nhau như: “du lịch nghỉ tại gia” hay “du lịch ở nhà dân”.

Homestay là thuật ngữ là “ở trong nhà của một ai đó”. Theo định nghĩa, homestay là một ngôi nhà của “cư ngụ cùng với một gia đình – hộ gia đình”. Homestay cung cấp một cơ hội để trải nghiệm những cách sống của người dân địa phương của một khu vực cùng với các bản địa về truyền thống các nền văn hóa trong một khung cảnh giản dị thoải mái (Boonratana, 2010; Kamisan, 2004; Kamisan et.al, 2007) [18, tr. 3].

Paul Lynch (2009), đưa ra một định nghĩa rộng hơn về homestay bằng cách giới thiệu nó như là ngôi nhà thương mại, theo đó du khách hoặc khách hàng trả tiền để ở trong nhà riêng tư, nơi diễn ra sự tương tác với một chủ nhà hoặc hộ gia đình. Đó là một đặc trưng rất độc đáo vì khái niệm này thúc đẩy sự tương tác giữa các chủ nhà và khách du lịch và hoạt động như một phương thức phát triển để nâng cao

1 http://en.wikipedia.org/wiki/Kampong (ngày 28/02/2014)

nhận thức về việc trao đổi văn hóa và tôn trọng văn hóa của chủ (Jamilah et.al, 2007) [18, tr. 3].

Theo Wiprpedia (2014), định nghĩa homestay là một hình thức du lịch và/hoặc chương trình nghiên cứu ở nước ngoài cho phép một vị khách thuê một căn phòng trong một gia đình ở địa phương trong một khung cảnh như ở nhà mình. Đôi khi nó được sử dụng để cải thiện kỹ năng ngôn ngữ và nhận được lối sống quen thuộc với địa phương 2.

Theo Tiêu chuẩn Quốc gia về “Tiêu chuẩn nhà ở có nhà cho khách du lịch thuê (Standards of homestay)”: homestay là “nơi sinh sống của người sở hữu nhà hoặc sử dụng hợp pháp trong thời gian cho thuê lưu trú, có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú, có thể có dịch vụ khác theo khả năng đáp ứng của chủ nhà” [11, tr. 5].

Như vậy, trong lĩnh vực du lịch, homestay là một loại hình lưu trú, nghĩa là mục đích chính trong chuyến đi của khách du lịch là được ở nhà người dân địa phương tại một điểm đến du lịch, qua đó tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của địa phương đó. Nhà dân không chỉ là cơ sở lưu trú mà trở thành một tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn và độc đáo. Đây là loại hình du lịch dành cho những người thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu về phong tục tập quán của nhiều nền văn hóa khác nhau. Đúng nghĩa với homestay, có nghĩa là khách sẽ ở tại nhà dân, cùng ăn, cùng tham gia lao động với người dân trong một không gian miệt vườn, đơn giản, vui vẻ và thân thiện. Chính vì thế mà du khách sẽ thấy mình được về với thiên nhiên và cảm nhận những điều thú vị từ cuộc sống dân dã.

Du lịch homestay hiện nay là loại hình du lịch khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Loại hình du lịch này đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, thu hút được sự quan tâm của khách du lịch, tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch. Du lịch homestay phát triển dựa trên những giá trị hấp dẫn của thiên nhiên và đặc biệt là văn hóa bản địa. Bản sắc văn hóa của mỗi vùng, miền luôn là những ẩn số hấp dẫn, trở thành động cơ để khách du lịch đến tìm hiểu, khám phá.

2 http://en.wikipedia.org/wiki/Homestay (28/02/2014).

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 02/06/2023