Những Điều Kiện Cơ Bản Để Phát Triển Du Lịch Bền Vững


Theo Hội nghị thượng đỉnh về Trái đất năm 1992, được tổ chức ở Rio – de – Janeiro, “Phát triển bền vững được hình thành trong sự hòa nhập, xen cài và thỏa hiệp giữa ba hệ thống là hệ tự nhiên, hệ kinh tế và hệ xã hội”.

Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều đề cập đến “phát triển bền vững” trong quá trình hoạch định chính sách và quản lí phát triển kinh tế, với ý muốn nhấn mạnh phương thức và việc sử dụng có trách nhiệm các nguồn lực của sự phát triển.

Trong chỉ thị 36/CT của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 25/6/1998, đã nêu rõ: Mục tiêu và các quan điểm cơ bản của phát triển bền vững chủ yếu dựa vào hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hợp lí tài nguyên như một cấu thành không thể tách rời của phát triển bền vững.

1.2.1.2 Nội dung phát triển bền vững

- Bền vững về kinh tế: Đòi hỏi phải đảm bảo kết hợp hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, cân đối tốc độ tăng trưởng kinh tế với việc sử dụng các điều kiện nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên, khoa học, công nghệ, đặc biệt chú trọng phát triển công nghệ sạch và năng lượng sạch.

- Bền vững về xã hội: Là xây dựng một xã hội mà trong đó nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định phải đi đôi với dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội; giáo dục – đào tạo, y tế, bình đẳng giới, giải quyết công ăn việc làm, khai thác tiềm năng tri thức bản địa và phúc lợi xã hội phải được chăm lo đầy đủ và toàn diện cho mọi đối tượng trong xã hội.

- Bền vững về tài nguyên môi trường: Là các dạng tài nguyên thiên nhiên tái tạo được sử dụng trong khả năng chịu tải của chúng nhằm khôi phục được cả về số lượng và chất lượng, các dạng tài nguyên không tái tạo phải sử dụng tiết kiệm và hợp lí nhất. Môi trường tự nhiên và môi trường xã hội không bị các hoạt động của con người làm ô nhiễm, suy thoái và tổn hại. Các nguồn phế thải từ công nghiệp và sinh hoạt được xử lí, tái chế kịp thời, vệ sinh môi trường được đảm bảo, con người được sống trong môi trường sạch sẽ…


Các tiêu chí nói trên là những điều kiện cần và đủ để đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội, nếu thiếu một trong những điều kiện đó thì sự phát triển đứng trước nguy cơ mất bền vững.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 172 trang tài liệu này.

1.2.2 Phát triển du lịch bền vững‌

1.2.2.1 Quan niệm

Phát triển bền vững du lịch tỉnh Thanh Hóa - 3

Khái niệm “du lịch bền vững” (Sustainable Tourism) xuất hiện năm 1996, trên cơ sở cải thiện và nâng cấp khái niệm “du lịch mềm” (soft tourism), được nhiều quốc gia và hiệp hội du lịch lớn trên thế giới ủng hộ.

“Du lịch bền vững là việc di chuyển và tham quan đến các vùng tự nhiên một cách có trách nhiệm với môi trường để tận hưởng và đánh giá cao tự nhiên, các đặc điểm văn hóa kèm theo (có thể là cả trong quá khứ và hiện tại) theo cách khuyến cáo về bảo tồn, có tác động thấp từ du khách và mang lại những lợi ích cho sự tham gia chủ động về kinh tế - xã hội của cộng đồng địa phương” – (World Conservation Union, 1996).

Cùng thời gian, WTTC cũng đưa ra khái niệm: “ Du lịch bền vững là sự đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách và vùng du lịch mà vẫn đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ du lịch mai sau”.

Theo Hens L. 1998, Du lịch bền vững đòi hỏi các cấp và đơn vị kinh doanh du lịch quản lý tất cả các dạng tài nguyên du lịch theo một cách nào đó để một mặt đáp ứng được các nhu cầu kinh tế, xã hội và thẩm mỹ, mặt khác vẫn duy trì được bản sắc văn hóa, các quá trình sinh thái cơ bản, sự đa dạng sinh học và các hệ sinh thái đảm bảo sự sống.

Tại Việt Nam, quan điểm của Tổng cục du lịch Việt Nam, phát triển du lịch phải được định hướng và quản lý theo phương châm: Kết hợp hài hòa nhu cầu của hiện tại và tương lai trên cả hai góc độ sản xuất và tiêu dùng du lịch, khai thác, sử dụng hợp lý và phát triển tài nguyên du lịch tự nhiên, chú trọng bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của tài nguyên du lịch nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tránh hiện đại hóa hoặc làm biến dạng môi trường, cảnh quan di tích,


xây dựng và giữ gìn môi trường xã hội lành mạnh, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là ở các đô thị du lịch và các điểm tham quan du lịch.

Như vậy, du lịch bền vững không phải là một loại hình hay trào lưu du lịch mà đó là cương lĩnh phát triển du lịch của thời đại.

1.2.2.2 Những điều kiện cơ bản để phát triển du lịch bền vững

Để phát triển ngành du lịch được bền vững, cần có những điều kiện sau đây:

a)Sự đa dạng của tài nguyên du lịch

Tài nguyên du lịch là yếu tố cơ bản để tạo thành các sản phẩm du lịch, là cơ sở quan trọng để phát triển các loại hình du lịch.

Sự phong phú, đa dạng của tài nguyên du lịch sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, đặc sắc và mới mẻ hấp dẫn du khách, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả hoạt động du lịch.

b)Sự am hiểu về du lịch

Sự am hiểu về du lịch ở đây chính là sự am hiểu về tài nguyên du lịch, những tác động tiềm ẩn của hoạt động du lịch đối với tài nguyên – môi trường. Để đạt được sự am hiểu này cần phải có chiến lược giáo dục lâu dài và hiệu quả về những kiến thức du lịch, tài nguyên du lịch và bảo vệ môi trường cho các nhà quản lý, các nhà đầu tư, khai thác du lịch, đặc biệt là cộng đồng dân cư địa phương. Hơn ai hết, đây là những người trực tiếp được hưởng quyền lợi từ du lịch, vì vậy bảo vệ môi trường du lịch chính là bảo vệ cuộc sống của chính họ. Không những thế, họ cũng chính là những người có khả năng truyền đạt hiệu quả nhất những kiến thức bảo vệ môi trường cho du khách. Như vậy, tất cả các lực lượng tham gia du lịch và dân bản địa cùng nhau bảo vệ tài nguyên du lịch cũng như môi trường du lịch, đây là điều kiện quan trọng để phát triển du lịch một cách bền vững, cũng là một trong những nguyên tắc của du lịch bền vững.

c) Đảm bảo về cơ sở hạ tầng, vật chất kĩ thuật du lịch

Giao thông vận tải: Đảm bảo nhu cầu đi lại cho du khách từ nơi lưu trú đến các điểm tham quan và ngược lại.


Thông tin liên lạc: Đảm bảo để du khách liên lạc với gia đình, người thân và các dịch vụ tiện ích cần thiết.

Điện, nước: Cung cấp đầy đủ cho các hoạt động du lịch và sinh hoạt của du khách.

Cơ sở lưu trú: Chất lượng, phù hợp với môi trường du lịch của điạ phương.

Các dịch vụ du lịch khác như ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí...phải đảm bảo chất lượng, an toàn, vệ sinh, không lôi kéo,“chặt chém’’ du khách.

d) Tuân thủ chặt chẽ các quy định về “sức chứa’’

Môi trường tự nhiên có khả năng tự làm sạch, tự khôi phục và tự cân bằng. Tuy nhiên, khả năng này có giới hạn nhất định, đó chính là “sức chứa’’. Khái niệm “sức chứa’’ được hiểu từ 4 khía cạnh: vật lý, sinh học, tâm lý học và xã hội học. Tất cả những khía cạnh này đều liên quan đến lượng khách ở một thời điểm trong cùng địa điểm.

Đứng trên góc độ vật lý: “sức chứa’’ ở đây được hiểu là số lượng tối đa du khách mà khu vực đó có thể tiếp nhận. Điều này liên quan đến những tiêu chuẩn tối thiểu về không gian đối với mỗi du khách cũng như đối với nhu cầu sinh hoạt của họ.

Đứng ở góc độ sinh học: “sức chứa’’ được hiểu là lượng khách tối đa mà nếu lớn hơn sẽ vượt quá khả năng tiếp nhận của môi trường, làm xuất hiện các tác động sinh thái do hoạt động của du khách và tiện nghi mà họ sử dụng gây ra. Sức chứa này sẽ đạt tới khi số lượng du khách và các tiện nghi mà họ sử dụng bắt đầu có những ảnh hưởng tới tập tục sinh hoạt của các loài thú hoang dã, làm cho hệ sinh thái xuống cấp, tài nguyên nhân văn bị tổn hại và các giá trị truyền thống ngày càng mai mọt, mất dần.

Đứng ở góc độ tâm lý: “sức chứa’’được hiểu là giới hạn lượng khách mà nếu vượt quá bản thân du khách cảm thấy khó chịu vì sự đông đúc và hoạt động của họ bị ảnh hưởng bởi sự có mặt của các du khách khác. Hay nói cách khác, mức độ thỏa mãn của du khách giảm xuống quá mức bình thường do tình trạng quá tải.


Đứng ở góc độ xã hội: “sức chứa’’ là giới hạn về lượng du khách mà ở đó bắt đầu xuất hiện những tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đến đời sống văn hóa- xã hội, kinh tế - xã hội của khu vực. Cuộc sống bình thường của cộng đồng địa phương có dấu hiệu bị phá vỡ, bị xâm nhập.

Đứng ở góc độ quản lý: “sức chứa’’ được hiểu là lượng khách tối đa mà khu du lịch có khả năng phục vụ. Nếu lượng khách vượt quá giới hạn này, năng lực quản lý của khu du lịch sẽ không đáp ứng được nhu cầu của du khách, làm mất khả năng quản lý, kiểm soát hoạt động của du khách và kết quả sẽ ảnh hưởng đến môi trường và xã hội.

Như vậy, để hạn chế đến mức tối đa tác động của hoạt động du lịch đến tài nguyên du lịch và môi trường, để phát triển nền du lịch bền vững, cần tổ chức du lịch tuân thủ chặt chẽ theo các quy định về “sức chứa’’. Tuy nhiên, do khái niệm “sức chứa’’ bao gồm cả tính định tính và định lượng nên khó có thể xác định một con số chính xác về sức chứa của một khu vực. Bên cạnh đó, mỗi khu vực khác nhau sẽ có một chỉ số sức chứa khác nhau. Cần phải nghiên cứu sức chứa của các địa điểm cụ thể để đề ra những cách thức, phương hướng quản lý phù hợp.

e)Nhận thức và trách nhiệm đảm bảo xuyên suốt mục tiêu phát triển là: kinh tế - xã hội – môi trường.

Du lịch còn được gọi là ngành “công nghiệp không khói’’. Bên cạnh mục tiêu về kinh tế, vấn đề xã hội và môi trường phải luôn được quan tâm đúng mức, đặc biệt là công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường tự nhiên tránh các tác động xâm hại tiêu cực do phát triển du lịch gây ra. Như vậy mới đạt đến sự phát triển bền vững.

f)Thỏa mãn nhu cầu nâng cao hiểu biết của du khách

Để thỏa mãn nhu cầu nâng cao hiểu biết của du khách về tự nhiên và văn hóa bản địa thật không dễ dàng gì nhưng lại là nhu cầu cần thiết đối với sự tồn tại lâu dài của ngành du lịch. Vì vậy, những dịch vụ để làm hài lòng du khách có vị trí quan trọng thứ hai sau công tác bảo tồn.


1.2.2.3 Những nguyên tắc đảm bảo phát triển du lịch bền vững a)Khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hợp lí

Hầu hết mọi hoạt động kinh tế đều phải sử dụng đến tài nguyên thiên nhiên hoặc tài nguyên nhân văn. Những hoạt động này ít nhiều gây biến đổi các nguồn tài nguyên, đặc biệt các nguồn tài nguyên không thể đổi mới, tái chế hay thay thế được sẽ mất đi mãi mãi. Do đó, việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và xã hội đang ngày càng được nhìn nhận như là vấn đề sống còn đối với việc quản lý hợp lý mang tính toàn cầu, khiến cho việc kinh doanh phát triển lâu dài.

Phát triển bền vững chủ trương ủng hộ việc lưu lại cho các thế hệ tương lai một nguồn tài nguyên thiên nhiên không kém hơn so với cái mà các thế hệ trước được hưởng. Ngăn ngừa trước những thay đổi không thể tránh được đối với những tài sản môi trường không có khả năng thay thế, tính vào chi phí hoạt động kinh tế các dịch vụ được môi trường thiên nhiên cung cấp, những dịch vụ này không phải là“hàng hóa cho không’’ mà phải được tính vào chi phí các hoạt động kinh tế.

Các nguyên tắc như vậy cũng được áp dụng đối với các tài nguyên nhân văn. Cần trân trọng các nền văn hóa địa phương, truyền thống dân tộc, kế sinh nhai và đất đai mà người ta dựa vào để sống.

b)Hạn chế sử dụng quá mức tài nguyên và giảm thiểu chất thải

Sự tiêu thụ quá mức các nguồn tài nguyên sẽ tất yếu dẫn đến sự hủy hoại môi trường trên quy mô toàn cầu, đi ngược lại mục tiêu phát triển bền vững của du lịch. Tuy nhiên, kiểu tiêu thụ này là một đặc trưng của các nước có nền công nghiệp phát triển, đã và đang lan rộng rất nhanh trên thế giới.

Việc tiêu dùng tài nguyên môi trường và các tài nguyên khác một cách lãng phí và không cần thiết, nguyên nhân là do các dự án du lịch không thực thi theo những kiến nghị về đánh giá tác động của môi trường đã gây ra sự ô nhiễm và xáo trộn về văn hóa và xã hội.


Khai thác, sử dụng quá mức tài nguyên và không kiểm soát lượng chất thải từ du lịch góp phần dẫn đến suy thoái môi trường mà hậu quả của nó là sự phát triển không bền vững của du lịch nói riêng và kinh tế xã hội nói chung.

Việc giảm tiêu thụ quá mức và giảm chất thải sẽ tránh được những chi phí tốn kém cho việc phục hồi tổn hại về môi trường và đóng góp cho chất lượng của du lịch.

c)Phát triển du lịch phải gắn liền với bảo tồn tính đa dạng

Mức độ đa dạng về thiên nhiên, văn hóa và xã hội là thước đo thế mạnh phát triển du lịch của một địa phương, một quốc gia, là khả năng thỏa mãn nhu cầu đa dạng của du khách cũng như sản phẩm du lịch. Đa dạng cũng là sự sống còn để tránh việc quá phụ thuộc vào một hay vài nguồn hỗ trợ sinh tồn.

Phát triển bền vững chủ trương ủng hộ việc để lại cho thế hệ mai sau sự đa dạng cả về thiên nhiên và nhân văn không ít hơn những gì thế hệ trước được thừa hưởng. Chiến lược Bảo tồn Thế giới (1980) nhấn mạnh sự cần thiết bảo tồn đa dạng nguồn gen. Từ đó, mục đích đã được mở rộng, trong đó có sự đa dạng cơ cấu chính trị, kinh tế- xã hội và các nền văn hóa.

Việc duy trì và phát triển tính đa dạng của thiên nhiên, văn hóa và xã hội là vô cùng quan trọng đối với phát triển bền vững du lịch, là chỗ dựa sinh tồn của ngành công ngiệp du lịch.

d)Phát triển phải phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế- xã hội

Hợp nhất phát triển du lịch vào khuôn khổ hoạch định chiến lược cấp quốc gia và địa phương, tiến hành đánh giá tác động môi trường làm tăng khả năng tồn tại lâu dài của ngành du lịch.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng cao. Vì vậy, mọi phương án khai thác tài nguyên để phát triển phải phù hợp với các quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội. Hoạch định phát triển du lịch ưu việt không những duy trì mà còn phát huy được giá trị tài sản môi trường vốn có. Ngược lại, những dự án phát triển du lịch đơn độc, không đánh giá tác động khách quan từ môi trường và


các ngành kinh tế khác sẽ nhanh chóng vươn ra ngoài tầm kiểm soát, phá vỡ kết cấu kinh tế vốn nhỏ bé của địa phương, gây nhiều hậu quả tiêu cực khôn lường.

e)Chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương

Để phục vụ phát triển du lịch, việc khai thác các tài nguyên địa phương là không tránh khỏi. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế và đời sống của người dân. Ý thức bảo vệ nguồn lợi môi trường của cộng đồng địa phương không còn, làm đẩy nhanh quá trình cạn kiệt và suy thoái môi trường sinh thái, tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

Ngành du lịch hỗ trợ được các hoạt động kinh tế địa phương và có tính đến các giá trị và chi phí về mặt môi trường thì mới bảo vệ được các nền kinh tế địa phương và tránh được sự tổn thất về môi trường. Cần thiết phải lưu tâm đến các chức năng kinh tế, đánh giá đầy đủ, thận trọng những tác động đến môi trường trong các quyết định đầu tư.

f)Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương

Người dân địa phương với nền văn hóa, môi trường, lối sống và truyền thống của họ là những nhân tố quan trọng thu hút khách du lịch đến một điểm du lịch. Sự tham gia của cộng đồng địa phương góp phần làm phong phú thêm các loại hình và sản phẩm du lịch. Ngược lại, du lịch giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường thiên nhiên và văn hóa của họ.

Cho phép cộng đồng địa phương tham gia vào quá trình hoạch định chiến lược phát triển, quản lý hoạt động kinh doanh...sẽ mang lại nhiều thuận lợi, tạo điều kiện cho du lịch phát triển đúng mục tiêu bền vững. Hơn ai hết, họ am hiểu tường tận về nơi họ sinh sống, nhũng thế mạnh, hạn chế, khả năng phát huy, giải pháp khắc phục...Không những thế, cộng đồng sở tại chính là chủ nhân và là người có trách nhiệm tốt nhất với chính tài nguyên và môi trường khu vực.

Như vậy, việc tham gia của cộng đồng địa phương là tối cần thiết cho ngành du lịch, không những mang lại lợi ích cho họ mà còn nâng cao chất lượng du lịch.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 05/10/2023