2.2 Nhiệm vụ
- Thu thập, tổng hợp cơ sở lý luận về phát triển du lịch bền vững và những vấn đề liên quan…
- Thu thập tư liệu, số liệu, và phân tích tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch tỉnh trong thời gian qua.
- Khảo sát thực tế đánh giá mặt được và hạn chế của thực trạng phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa trên quan điểm phát triển bền vững.
- Đề xuất định hướng và giải pháp phát triển bền vững du lịch tỉnh Thanh Hóa phù hợp với yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
2.3 Phạm vi nghiên cứu
* Về không gian: Các vấn đề đề tài nghiên cứu về du lịch cùng các nội dung liên quan chỉ thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
* Về thời gian: Nguồn thông tin tư liệu liên quan đến đề tài, chủ yếu là giai đoạn 2000 - 2010
* Về nội dung:
Có thể bạn quan tâm!
- Phát triển bền vững du lịch tỉnh Thanh Hóa - 1
- Những Điều Kiện Cơ Bản Để Phát Triển Du Lịch Bền Vững
- Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Phát Triển Du Lịch.
- Xu Hướng Và Kinh Nghiệm Thực Tiễn Phát Triển Du Lịch Bền Vững
Xem toàn bộ 172 trang tài liệu này.
- Tập trung chủ yếu là phân tích, đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa (những thành tựu và hạn chế, nguyên nhân của thành tựu, hạn chế).
- Nghiên cứu những căn cứ, đề xuất một số định hướng và giải pháp khai thác tiềm năng phát triển bền vững và hiệu quả du lịch tỉnh.
3. Lịch sử nghiên cứu đề tài:
3.1 Ở Việt Nam:
Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng không chỉ trên bình diện thế giới mà còn cả ở Việt Nam. Với tư cách như một ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch thực tế mang lại hiệu quả cao về các mặt kinh tế, xã hội và cả môi trường nếu như biết khai thác hợp lí mọi tiềm năng để phát triển bền vững.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển không ngừng của ngành du lịch, các nghiên cứu về du lịch ở nước ta ngày càng đa dạng, tiếp cận nhiều khía cạnh, điển hình có thể kể đến như:
+ Du lịch sinh thái, GS.TSKH. Lê Huy Bá.
+ Tài nguyên môi trường và phát triển bền vững, GS.TSKH. Lê Huy Bá chủ biên.
+Du lịch bền vững, Nguyễn Đình Hòe, Vũ Văn Hiếu.
+ Môi trường và phát triển bền vững, Lê Văn Khoa.
+ Chiến lược phát triển du lịch, Tổng cục du lịch Việt Nam.
+ Quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam 1995-2000, Tổng cục du lịch Việt Nam.
+ Quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam đến năm 2010 , Tổng cục du lịch Việt Nam.
+ Địa lí du lịch, PGS.Nguyễn Minh Tuệ, PGS.TS. Vũ Tuấn Cảnh, PGS.TS. Lê Thông, PGS.TS. Phạm Xuân Hậu, PGS.TS. Nguyễn Kim Hồng.
+Địa lí du lịch Việt Nam, PGS.Nguyễn Minh Tuệ (Chủ biên)…
Nghiên cứu cả lí luận và thực tiễn, ở những quy mô và phạm vi khác nhau. Ngoài ra, đề tài về du lịch bền vững cũng thu hút nhiều học viên cao học lấy làm đề tài luận văn thạc sĩ của mình, điển hình có: Phát triển du lịch bền vững tỉnh Bình Thuận của La Nữ Ánh Vân, Tiềm năng – thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Đăk Lăk theo hướng bền vững của Mai Thị Thùy Dung, Nghiên cứu phát triển bền vững du lịch huyện Côn Đảo của Lê Thị Lợi…. và rất nhiều luận văn khác nữa.
3.2 Ở tỉnh Thanh Hóa:
Thanh Hóa là một tỉnh có nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh, danh lam… Du lịch bền vững đã được Tỉnh ủy, UBND và Sở Thương mại- Du lịch Thanh Hóa đánh giá cao, đưa vào định hướng chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh:
+ Nghị quyết 11/TU, 3/2/1996.
+ Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2011-2015.
+ Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, 16/7/2009.
+ Định hướng phát triển kinh tế tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu khoa học, khảo sát định hướng phát triển chưa được chú ý đúng mức, hiện chỉ có hai tác phẩm giới thiệu về tài nguyên du lịch tỉnh Thanh Hóa được biết đến là: Du lịch Bắc miền Trung, Trần Quốc Chấn biên soạn và Những thắng tích của xứ Thanh của Hương Nao. Đặc biệt, chưa có nghiên cứu nào về du lịch bền vững. Vì vậy, luận văn này có thể là sự đóng góp đầu tiên cho du lịch bền vững của tỉnh Thanh Hóa.
4. Các quan điểm và phương pháp nghiên cứu
4.1 Các quan điểm:
4.1.1 Quan điểm hệ thống, tổng hợp
Hệ thống lãnh thổ du lịch được thành tạo từ nhiều phân hệ khác nhau về bản chất, nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đó là các phân hệ khách du lịch; phân hệ tổng thể tự nhiên, văn hóa – lịch sử; phân hệ cơ sở vật chất – kĩ thuật phục vụ du lịch; phân hệ cán bộ công nhân viên phục vụ và bộ phận điều khiển. Hệ thống lãnh thổ du lịch là một hệ thống mở phức tạp mang tính chất hỗn hợp, có đủ các thành phần: tự nhiên, kinh tế, xã hội và chịu sự chi phối của nhiều loại quy luật cơ bản. Nghiên cứu du lịch của một địa phương không thể tách rời hệ thống kinh tế - xã hội của địa phương cũng như cả nước.
Quan điểm hệ thống tổng, hợp giúp chúng ta nghiên cứu đồng bộ toàn diện về các điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, sự phân bố, quy luật phân bố và biến động phát triển của chúng cũng như mối quan hệ tương tác chế ngự lẫn nhau của các yếu tố hợp phần trong thể tổng hợp lãnh thổ du lịch.
4.1.2 Quan điểm lịch sử, viễn cảnh
Quá khứ là cơ sở của hiện tại, hiện tại là tiền đề cho sự phát triển trong tương lai. Nghiên cứu nguồn gốc hình thành, đánh giá đúng hiện tại sẽ giúp chúng ta đưa ra phương hướng phát triển tối ưu. Vận dụng quan điểm này để phân tích quá trình hình thành và xu hướng phát triển các điểm – tuyến du lịch trong hoàn cảnh cụ thể tại tỉnh Thanh Hóa. Xác định tổ chức lãnh thổ du lịch trên phạm vi khu vực và cả nước.
4.1.3 Quan điểm lãnh thổ
Tổ chức lãnh thổ du lịch được hiểu là một hệ thống liên kết không gian của các đối tượng du lịch và các cơ sở phục vụ có liên quan dựa trên việc sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng và các nhân tố khác nhằm đạt hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường cao nhất. Việc nghiên cứu phát triển bền vững du lịch của tỉnh Thanh Hóa không thể tách rời với hiện trạng và xu hướng du lịch của khu vực Bắc Trung Bộ cũng như của cả nước.
4.1.4 Quan điểm sinh thái
Giữa du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái có mối quan hệ qua lại rất chặt chẽ. Quan điểm sinh thái cho thấy sự cần thiết phải bảo vệ môi trường sinh thái khỏi tác động xâm hại của các dòng khách du lịch cũng như của việc xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật phục vụ du lịch. Luôn có những đánh giá đúng đắn và kịp thời tác động của du lịch đến môi trường và khả năng tự cân bằng của môi trường trước sự phát triển của du lịch.
4.1.5 Quan điểm phát triển bền vững
Phát triển bền vững là xu thế phát triển tất yếu và là mục tiêu phát triển của ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Vì vậy quan điểm này được quán triệt xuyên suốt luận văn, từ đánh giá tiềm năng, phân tích hiện trạng đến đề xuất giải pháp.
4.2 Phương pháp nghiên cứu
4.2.1 Thu thập, xử lí thông tin
Thu thập những tài liệu có liên quan ở các nguồn tin cậy, sắp xếp và xử lí tài liệu một cách khoa học, có hệ thống, phân tích từng nội dung đưa ra những kết luận đúng đắn nhất.
4.2.2 Phân tích, tổng hợp, so sánh
Các nguồn tư liệu đã thu thập sẽ được tiến hành so sánh, phân tích, tổng hợp sao cho phù hợp với từng mục đích sử dụng cụ thể trong luận văn. Từ đó, sẽ có cái nhìn trung thực nhất về du lịch tỉnh Thanh Hóa, với những thông tin đã được tinh lọc có độ tin cậy cao.
4.2.3 Thực địa
Đây là phương pháp không thể thiếu và được sử dụng rộng rãi trong địa lý du lịch để thu thập tài liệu thực tế liên quan đến sự hình thành và phát triển của các đối tượng địa lý được nghiên cứu. Trong quá trình thực hiện luận văn, phươnng pháp này giúp phản ánh trung thực thực tiễn khách quan về ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa.
4.2.4 Khai thác hệ thống thông tin địa lý (GIS)
Các thông tin, số liệu trong luận văn được xử lí và trình bày qua phần mềm Mapinfo và một số phần mềm khác như Excel, AutoCad… nhằm đánh giá, so sánh, trực quan sinh động và thể hiện được xu hướng du lịch của tỉnh Thanh Hóa.
Sử dụng Hệ thống thông tin địa lý giúp kết hợp các thông tin với đối tượng tạo ra mối quan hệ mới để đánh giá tài nguyên du lịch, tiềm năng phát triển các tuyến du lịch và đánh giá các tác động đến môi trường, phát triển du lịch bền vững.
4.2.5 Bản đồ, biểu đồ
Đây là phương tiện phản ánh đặc điểm phân bố, thuộc tính lãnh thổ du lịch, là cơ sở nhận định thông tin tìm ra tính quy luật, xu hướng phát triển của lãnh thổ du lịch. Ngoài ra còn thể hiện một số kết quả tổng hợp của công trình nghiên cứu.
4.2.6 Phương pháp thống kê
Các thông tin, số liệu đã thu thập sẽ được thống kê, sắp xếp lại sao cho phù hợp với cấu trúc của đề tài, trình tự thời gian và lập ra các bảng biểu về quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và ngành du lịch nói riêng.
5. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung chính của luận văn được trình bày qua 3 chương:
Chương 1. Cơ sở lí luận và thực tiễn về du lịch và phát triển bền vững du lịch. Chương 2. Tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa thời kì Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa.
Chương 3. Định hướng và giải pháp phát triển bền vững du lịch tỉnh Thanh Hóa thời kì Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa.
Chương 1:
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ CƠ SỞ THỰC TIỄN VỀ DU LỊCH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU LỊCH
1.1 Du lịch
1.1.1 Khái niệm về du lịch
Ngày nay, thuật ngữ du lịch không còn xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên, mỗi thời đại lại có quan niệm khác nhau về du lịch.
Từ xa xưa trong lịch sử nhân loại, du lịch chỉ được ghi nhận như một sở thích, một nhu cầu, một hoạt động nghỉ ngơi tích cực của con người.
Định nghĩa về du lịch lần đầu tiên xuất hiện tại nước Anh vào năm 1811, về ý nghĩa còn tương đối đơn giản: “Du lịch là sự phối hợp nhịp nhàng giữa lí thuyết và thực hành của các hành trình với mục đích giải trí.”
Năm 1925, theo Hiệp hội quốc tế các tổ chức du lịch được thành lập tại Hà Lan thì du lịch được hiểu là việc đi lại của từng cá nhân hoặc một nhóm người rời khỏi chỗ ở của mình trong khoảng thời gian ngắn đến các vùng xung quanh để nghỉ ngơi, giải trí hay chữa bệnh.
Sau này, hai học giả Hunziker và Krapf, những người đặt nền móng cho lí thuyết về cung – cầu du lịch đưa ra định nghĩa: “Du lịch là tập hợp của các mối quan hệ và các hiện tượng phát sinh trong các cuộc hành trình và lưu trú của những người ngoài địa phương, nếu việc lưu trú đó không thành cư trú thường xuyên và không liên quan đến hoạt động kiếm lời”.
Hội nghị lần thứ 27 (năm 1993) của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã đưa ra khái niệm du lịch: “Du lịch là hoạt động về chuyến đi đến một nơi khác với môi trường sống thường xuyên (usual environment) của con người và ở lại đó để tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí hay các mục đích khác ngoài các hoạt động để có thù lao ở nơi đến với thời gian liên tục ít hơn một năm”.
Ở Việt Nam, theo Luật du lịch ban hành năm 2005, tại điều 4, chương I định nghĩa: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài
nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định”.
Ngoài ra, còn có rất nhiều quan niệm khác nhau về du lịch. Trong luận văn này, tôi sử dụng định nghĩa về du lịch do Tổng cục du lịch Việt Nam ban hành trong luật Du lịch năm 2005.
1.1.2 Tài nguyên du lịch.
1.1.2.1 Khái niệm.
Tài nguyên du lịch ảnh hưởng trực tiếp đến tổ chức lãnh thổ, đến việc hình thành chuyên môn hóa và hiệu quả kinh tế của hoạt động du lịch. Do vai trò đặc biệt quan trọng của nó, tài nguyên du lịch được tách ra thành một phân hệ riêng biệt trong hệ thống lãnh thổ nghỉ ngơi du lịch.
Theo I.I Pirojnik (1985), “Tài nguyên du lịch là những tổng thể tự nhiên, văn hóa – lịch sử và những thành phần của chúng giúp cho việc phục hồi, phát triển thể lực, tinh lực, khả năng lao động và sức khỏe của con người mà chúng được sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp để tạo ra dịch vụ du lịch gắn liền với nhu cầu ở thời điểm hiện tại hay tương lai và trong điều kiện kinh tế - kỹ thuật cho phép”.
Theo Luật Du lịch Việt Nam (năm 2005) quy định tại điều 4, chương I thì “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch,tuyến du lịch, đô thị du lịch”.
Theo ĐỊA LÝ DU LỊCH VIỆT NAM – Nguyễn Minh Tuệ chủ biên – NXBGD – 2010, đã đưa ra định nghĩa: “Tài nguyên du lịch là tổng thể tự nhiên, văn hóa- lịch sử cùng các thành phần của chúng có sức hấp dẫn với du khách; đã, đang và sẽ được khai thác, cũng như bảo vệ nhằm đáp ứng nhu cầu của du lịch một cách hiệu quả và bền vững”.
Như vậy, cách tiếp cận đối với tài nguyên du lịch giữa các nhà nghiên cứu có sự khác nhau, nhưng về cơ bản có điểm chung là đều đề cập đến các yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa do con người tạo ra có sức hấp dẫn với du khách.
1.1.2.2 Phân loại tài nguyên du lịch.
Tài nguyên du lịch rất phong phú, đa dạng, vì thế, có nhiều cách để phân loại tùy thuộc vào việc sử dụng các tiêu chí khác nhau.
Trong Luật Du lịch Việt Nam (năm 2005), tài nguyên du lịch được chia làm hai nhóm cơ bản:
Tài nguyên du lịch tự nhiên: gồm các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch.
Tài nguyên du lịch nhân văn: gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình sáng tạo của con người và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch.
1.2 Phát triển bền vững du lịch
1.2.1 Phát triển bền vững
1.2.1.1 Quan niệm
Cụm từ “phát triển bền vững” có nguồn gốc từ thực tiễn quản lý rừng ở Đức vào thế kỉ XIX, nhưng mãi đến thập kỉ 80 của thế kỉ XX mới được phổ biến rộng rãi.
Năm 1980, IUCN cho rằng: “Phát triển bền vững phải cân nhắc đến việc khai thác các nguồn tài nguyên tái tạo và không tái tạo, đến các điều kiện thuận lợi cũng như khó khăn trong việc tổ chức các kế hoạch hành động ngắn hạn và dài hạn đan xen nhau”.
Đến năm 1987, Uỷ ban Môi trường và Phát triển Thế giới WCED do bà GroHarlem Brundtland thành lập đã công bố thuật ngữ “phát triển bền vững” trong báo cáo “Tương lai của chúng ta” như sau: “Phát triển bền vững được hiểu là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ mai sau”.