Pháp luật về thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam - 25

187

hơn, “thoáng” hơn. Ví dụ có thể cho phép các doanh nghiệp có trái phiếu đang giao dịch trên thị trường OTC công bố thông tin trên mạng nội bộ của doanh nghiệp; doanh nghiệp có thể nộp báo cáo tài chính qua trang web; báo cáo tài chính chỉ cần được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (mà không cần bắt buộc phải là tổ chức kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề được chấp thuận).v.v…

3.3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam

3.3.1. Đa dạng hóa cơ cấu chủ thể phát hành trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Như đã phân tích ở chương 2, chủ thể thống lĩnh việc phát hành TPDN là các doanh nghiệp quy mô lớn, trong các ngành nghề mặc định có quy vốn lớn, đó là các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp bất động sản. Để TTTPDN phát triển hơn nữa, theo nghiên cứu sinh cần thúc đẩy việc đa dạng hóa cơ cấu chủ thể phát hành trên thị trường. Điều này vừa tạo cho thị trường có nhiều hàng hóa để trao đổi, vừa giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội trong việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi phát triển kinh doanh, đồng thời các nhà đầu tư cũng có cơ hội đa dạng hóa các kênh đầu tư của mình.

Theo nghiên cứu sinh, để làm được điều này, trước hết cần khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước tham gia tích cực hơn trên TTTPDN. Để đẩy mạnh TTTPDN phát triển đòi hỏi phải có các doanh nghiệp lớn, uy tín, có tiềm lực tài chính mạnh tham gia huy động vốn trên thị trường trái phiếu, đó chính là các doanh nghiệp nhà nước. Mức lãi suất trái phiếu mà các doanh nghiệp này huy động có thể làm căn cứ để các doanh nghiệp khác trong ngành huy động vốn cho oanh nghiệp mình qua phát hành trái phiếu. Thị trường TPDN Việt Nam cần những hàng hóa chất lượng để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp nhà nước hoàn toàn có thể đáp ứng được điều này vì ở Việt Nam các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò như đầu tàu của của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp khởi nghiệp được huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn chung là các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính chưa mạnh nên chưa chiếm được lòng tin của các nhà đầu tư. Nhưng cũng vì tiềm lực tài chính chưa mạnh nên các doanh nghiệp này cần huy động vốn vay. Ở Việt Nam hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số lượng rất lớn, tới 97% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động193.Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và thế giới, doanh


193http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=44959&idcm=188, truy cập 14h36 ngày 1/10/2020.

188

nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn để có thể cạnh tranh phát triển, tiếp cận nguồn vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh… và chưa thực sự phát huy hết tiềm năng của mình. Theo đánh giá của Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia, Việt Nam đang đứng thứ ba Đông Nam Á về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp, top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu. Thống kê của Tạp chí Echelon (Singapore) Việt Nam hiện có trên 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; khoảng gần 50 cơ sở ươm tạo khởi nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên cả nước194. Tuy vậy, sự thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam rất thấp. Theo kết quả khảo sát của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra vào cuối năm 2019 tại cuộc hội thảo “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp”, Việt Nam chưa đến 10% doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Nguyên nhân chủ yếu của tỷ lệ thành công ít ỏi này là do khả năng huy động vốn hạn hẹp của doanh nghiệp khởi nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần được tạo điều kiện trong huy động vốn, trong đó có kênh huy động bằng phát hành trái phiếu. Đề nghị này dường như mâu thuẫn với các điều kiện phát hành trái phiếu mà pháp luật đặt ra cũng như mục tiêu tạo ra những hàng hóa chất lượng tốt cho thị trường nhưng có thể hạn chế mâu thuẫn đó bằng một số giải pháp cụ thể. Ví dụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể không phát hành trái phiếu độc lập mà có thể kết hợp với nhau; áp dụng cơ chế tài chính, chính sách thuế đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động khởi nghiệp; áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ…; có thể xây dựng chính sách đặc thù đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong việc phát hành trái phiếu, trong đó quy định về điều kiện, trình tự thủ tục phát hành trái phiếu đơn giản hơn cho loại hình doanh nghiệp này;.v.v… Chính sách đặc thù này chỉ áp dụng có thời hạn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, nhà nước Việt Nam cũng cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất hàng hóa tiếp cận vốn huy động từ trái phiếu, hạn chế các doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, nhất là doanh nghiệp bất động sản huy động vốn qua thị trường này. Nhà nước có thể tiến tới cho phép pháp nhân nước ngoài vay vốn thông qua TTTPDN. Để bảo đảm nguồn vốn này được đưa vào mục tiêu phát triển nền kinh tế Việt Nam, nhà nước có thể giới hạn pháp nhân nước ngoài nhưng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam mới được phát phát hành trái phiếu tại Việt Nam; giới hạn khối lượng trái phiếu phát hành so với tổng vốn

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.


194http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thuc-trang-hoat-dong-cua-doanh-nghiep-khoi-nghiep-viet-

Pháp luật về thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam - 25

nam-va-mot-so-giai-phap-de-xuat-324401.html, truy cập 14h51 ngày 1/10/2020.

189

đầu tư dự án tại Việt Nam; cấm chuyển vốn huy động được từ phát hành trái phiếu tại Việt Nam ra nước ngoài;.v.v…

3.3.2. Thúc đẩy sự phát triển đa dạng của các loại hình nhà đầu tư

Một trong những nguyên nhân khiến TTTPDN Việt Nam còn chưa phát triển là nhà đầu tư trên thị trường hiện đơn điệu, bởi phần lớn là các ngân hàng thương mại, chỉ một số ít là các công ty bảo hiểm, công ty tài chính. Điều này tác động không tích cực đến sự phát triển theo chiều sâu, chuyên nghiệp của TTTPDN. Do đó, cần khuyến khích phát triển hệ thống nhà đầu tư dài hạn trên thị trường như Quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm... giảm dần sự phụ thuộc vào hệ thống các ngân hàng thương mại. Tiếp tục xây dựng lộ trình thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào TTTPDN Việt Nam. Nhà nước cũng nên khuyến khích sự tham gia của các quỹ đầu tư đầu tư vào TPDN. Các quỹ đầu tư sẽ tập hợp các nguồn vốn nhỏ lẻ từ nhiều nhà đầu tư không chuyên nghiệp để đầu tư vào TPDN. Với sự hoạt động chuyên nghiệp và cơ hội tiếp cận thông tin đầy đủ hơn, các quỹ đầu tư sẽ thực hiện hoạt động mua bán trái phiếu kiếm lời. Lợi thế về tiềm lực tài chính, trình độ chuyên môn, những động thái đầu tư của các quỹ đầu tư sẽ tạo ra định hướng nhất định về cung cầu trên TTTPDN, đặc biệt là thị trường giao dịch.

Ở Việt Nam hiện nay, số lượng nhà đầu tư không chuyên nghiệp chiếm khá lớn nhưng lượng vốn đầu tư vào trái phiếu của họ không nhiều. Vì vậy, cần khuyến khích sự tham gia tích cực hơn nữa của những nhà đầu tư này vào TTTPDN. Muốn vậy, việc cần thực hiện sớm là nâng cao chất lượng đào tạo kiến thức về TTTPDN cho họ. Điều này giúp họ có thể hiểu hơn về TPDN và TTTPDN, bảo đảm khả năng phân tích, đánh giá thị trường tốt hơn, từ đó đưa ra quyết định đầu tư hợp lý. Ngoài ra, nhà nước cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông về TPDN và TTTPDN để giúp nâng cao nhận thức của nhà đầu tư về TPDN, từ đó thu hút sự quan tâm của giới đầu tư đối với TPDN. Chính phủ, UBCKNN và doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, thường xuyên tổ chức các diễn đàn, các cuộc đối thoại về TPDN. Thông qua các sự kiện này, nhận thức của nhà đầu tư về TPDN sẽ được nâng lên. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu của nhà đầu tư để lựa chọn phát hành loại trái phiếu phù hợp, là cơ hội để quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp nhằm tạo ra một lượng cầu trái phiếu nhất định. Các sự kiện này cũng giúp các cơ quan nhà nước có thêm nguồn thông tin về thị trường thông qua sự nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp và nhà đầu tư, từ đó có các quyết sách phù hợp trong từng thời kỳ.

3.3.3. Khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành trái phiếu ra công chúng

190

Hiện nay, ở Việt Nam, hình thức phát hành TPDN ra công chúng còn hạn chế so với phát hành riêng lẻ. Sự chênh lệch quá lớn giữa hai hình thức phát hành TPDN dẫn tới những bất lợi cho thị trường như: tính công khai, minh bạch kém; thiếu an toàn cho nhà đầu tư; khó kiểm soát việc sử dụng vốn huy động từ việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp;.v.v…Để cân bằng hơn tỷ lệ giữa phát hành trái phiếu riêng lẻ và phát hành trái phiếu ra công chúng, Nhà nước cần siết chặt hơn hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ. Việc siết chặt lại hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ tạo cơ hội cho hình thức phát hành ra công chúng, an toàn hơn cho nhà đầu tư không chuyên nghiệp và cả nền kinh tế. Ngoài ra, sự mở rộng của hình thức phát hành trái phiếu ra công chúng còn giúp TTTPDN minh bạch hơn, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống định mức tín nhiệm, các tổ chức tư vấn tài chính độc lập, chuyên nghiệp để hướng tới một TTTPDN phát triển bền vững, văn minh.

3.3.4. Đẩy mạnh hoạt động niêm yết trái phiếu của các doanh nghiệp

Như đã phân tích ở chương 2, hiện nay hoạt động niêm yết TPDN ở Việt Nam phát triển rất yếu. Điều này ảnh hưởng xấu đến tính công khai, minh bạch của thị trường; hạn chế công tác giám sát của xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp; giảm tính thanh khoản của thị trường;…Vì vậy, nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết trên TTTPDN để theo kịp xu hướng phát triển của TTTPDN của nhiều quốc gia trên thế giới là phát hành TPDN gắn liền với niêm yết TPDN. Xu hướng này phù hợp với thực trạng và giải quyết được các tồn tại của TTTPDN hiện nay. Việc giao dịch tập trung của thị trường TPDN niêm yết sẽ giúp gia tăng tính thanh khoản và sự minh bạch cho thị trường. Ngoài ra, TPDN niêm yết sẽ giúp nâng cao sự chuẩn hóa của TTTPDN. Việc niêm yết TPDN trên các thị trường thường không bắt buộc. Tuy nhiên, nhằm minh bạch hóa thông tin, các thị trường đều khuyến khích việc niêm yết TPDN. Trên các thị trường phát triển, tỷ lệ niêm yết TPDN thường rất cao. Minh bạch hóa thông tin là tiền đề để các TTTPDN phát triển. Việc đẩy mạnh hoạt động niêm yết là cơ sở để thực hiện mục tiêu minh bạch hóa thị trường này.

3.3.5. Nâng cao chất lượng hoạt động của các công ty chứng khoán

Hoạt động kinh doanh của CTCK tác động trực tiếp đến lợi ích vật chất của các nhà đầu tư và ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển của thị trường, nhất là thị trường giao ịch. Vì thế, với tính chất nghề nghiệp đòi hỏi CTCK và chính các nhân viên của CTCK phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Từ những vụ việc vi phạm của CTCK và nhân viên, người quản lý trong CTCK có thể thấy việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp là yêu cầu khần thiết và thường trực trong hoạt động của CTCK. Có như vậy mới tạo được niềm tin của nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn của thị trường.

191

3.3.6. Nâng cao sức hấp dẫn của trái phiếu doanh nghiệp và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đối với các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư.

Mặc dù đều là các loại chứng khoán cơ bản, truyền thống của TTCK nhưng TPDN dường như không được các nhà đầu tư biết đến và quan tâm nhiều. Đặc biệt, trên thị trường giao dịch, gần như thiếu vắng sự có mặt của các trái phiếu doanh nghiệp mà chủ yếu là các cổ phiếu và chứng khoán phái sinh. Điều đó xuất phát từ nhiều lý do. Trước hết TPDN và TTTPDN chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư. Sức hấp dẫn này đến từ lợi nhuận của hoạt động đầu tư vào TPDN và tính thanh khoản của TTTPDN. Các nhà đầu tư nếu có đầu tư vào TPDN chủ yếu họ mua từ doanh nghiệp phát hành và nắm giữ trái phiếu để hưởng lãi. Họ hầu như không nghĩ đến việc mua đi bán lại trái phiếu đó trên thị trường giao dịch để hưởng chênh lệch giá. Trong khi đó, đối với cổ phiếu, nhà đầu tư thường ít quan tâm đến cổ tức mà họ quan tâm đến thị giá cổ phiếu trên thị trường và mong muốn đưởng lãi từ việc mua đi bán lại cổ phiếu trên thị trường giao dịch. Khoản chênh lệch giá từ việc mua đi bán lại cổ phiếu đem lại cho nhà đầu tư lượng tiền khá lớn trong một thời gian ngắn, thậm chí gấp đôi gấp ba lần so với số vốn ban đầu nhà đầu tư bỏ ra. Vì vậy, cổ phiếu có sức hấp dẫn rất lớn với các nhà đầu tư và hiển nhiên các hoạt động diễn ra trên thị trường cổ phiếu vô cùng sôi động, chiếm phần lớn trên thị trường chứng khoán, trong khi đó TTTPDN chiếm phần nhỏ bé còn lại. Bên cạnh đó, sự hấp dẫn của TPDN và TTTPDN còn bị ảnh hưởng bởi sự phủ sóng yếu kém của thị trường này lên nhận thức của nhà đầu tư. Nhà đầu tư ít khi được tiếp cận các thông tin về TPDN và TTTPDN bởi dường như truyền thông chưa làm tròn vai của mình trong lĩnh vực này. Bản thân các doanh nghiệp cũng chưa thực sự mặn mà với kênh huy động vốn từ TPDN nên hàng hóa trên TTTPDN cũng rất nghèo nàn, từ đó ảnh hưởng tới sức hấp dẫn của thị trường này. Vì vậy, để thị trường TPDN phát triển hơn nữa, cần có những giải pháp thúc đẩy thị trường này trở thành một thị trường hấp dẫn tương đương thị trường cổ phiếu. Để làm được điều này cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ phía Nhà nước, từ truyền thông và cần sự hợp sức của chính các doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư. Về phía Nhà nước, cần xây dựng được quy chế phù hợp, hiệu quả để điều chỉnh thị trường này theo hướng vừa giúp các doanh nghiệp thuận lợi trong việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu, vừa bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư. Về phía truyền thông, các tổ chức truyền thông tăng cường tuyên truyền về TPDN, TTTPDN, đặc biệt là tuyên truyền về những ưu việt của thị trường này để thu hút và nâng cao sự hiểu biết của nhà đầu tư cũng như khích lệ các doanh nghiệp mở rộng kênh huy động vốn từ phát hành TPDN. Bản

192

thân doanh nghiệp và các nhà đầu tư cũng cần góp phần vào sự phát triển của TTTPDN bằng cách dành những quan tâm, ưu tiên nhất định đối với thị trường này.


Kết luận chương 3

Qua những nội dung được trình bày ở chương này, nghiên cứu sinh rút ra các kết luận sau:

1. Pháp luật đóng vai trò quan trọng đối với việc hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán nói chung, TTTPDN nói riêng. Do đó việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTTPDN ở Việt Nam hiện nay là hết sức cần thiết. Từ đó có thể xây dựng khung pháp lý hoàn thiện, chất lượng tốt tạo điều kiện cho TTTPDN phát triển.

2. Để xây dựng được khung pháp lý chất lượng điều chỉnh TTTPDN, trước tiên phải thiết lập được trục định hướng lớn để làm kim chỉ nam cho các giải pháp cụ thể trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật về TTTPDN. Trục định hướng này phải phản ánh khách quan trình độ phát triển của nền kinh tế nói chung, của TTTPDN nói riêng và không được chệch khỏi đường ray quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng lãnh đạo.

3. Các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật về TTTPDN phải phản ánh đúng thực trạng của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay về thị trường, đồng thời phải thống nhất với trục định hướng chỉ đạo quá trình hoàn thiện pháp luật. Bên cạnh các giải pháp hoàn thiện pháp luật, các giải pháp nhằm nâng cao quá trình thực thi pháp luật về TTTPDN cũng đóng vai trò quan trọng, bởi lẽ pháp luật nếu không đi vào thực tế cuộc sống sẽ trở thành không có giá trị.

193

KẾT LUẬN

Thị trường TPDN đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển nền kinh tế - xã hội Việt Nam, là nơi các chủ thể có thể giao lưu nguồn vốn để tìm kiếm lợi nhuận. Với tầm quan trọng của mình, các vấn đề TTTPDN tất yếu phải được điều chỉnh bằng pháp luật. Việc nghiên cứu các quy định pháp luật về TTTPDN là hết sức cần thiết, từ đó tìm ra cách thức điều chỉnh pháp luật phù hợp với chúng. Là một bộ phận cấu thành của pháp luật về thị trường chứng khoán Việt Nam – một lĩnh vực pháp luật có lịch sử hình thành và tồn tại chưa lâu ở Việt Nam nên pháp luật về TTTPDN không tránh khỏi sự thiếu hoàn chỉnh.

Qua quá trình nghiên cứu đề tài “Pháp luật về thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam”, có thể rút ra các kết luận sau đây:

1. Pháp luật về TTTPDN ở Việt Nam hiện nay về cơ bản đã bao quát tương đối đầy đủ các khía cạnh của thị trường, các quan hệ phát sinh trên thị trường và có sự tương thích nhất định với thông lệ quốc tế trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực trạng pháp luật Việt Nam cho thấy khuôn khổ pháp lý về TTTPDN chưa phù hợp dẫn đến những khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật về TTTPDN. Vì vậy, TTTPDN Việt Nam hiện nay còn khá nhỏ bé so với các kênh tín dụng khác trong khi trên thế giới thị trường này đã phát triển từ lâu. Việc hoàn thiện pháp luật về TTTPDN trong thời gian tới là cần thiết để điều chỉnh TTTPDN hiệu quả hơn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường này.

2. Thị trường TPDN là một bộ phận của TTCK nên pháp luật điều chỉnh thị trường này cũng tương tự pháp luật điều chỉnh TTCK. Tuy vậy, xuất phát từ đặc thù của trái phiếu – hàng hóa của thị trường nên pháp luật TTTPDN cần có những quy định riêng khác với pháp luật về TTCK nói chung. Tuy vậy, các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về TTTPDN dường như chưa thể hiện được nhiều những nét đặc thù này. Vì vậy, song song với việc hoàn thiện pháp luật về TTCK nói chung, Nhà nước cũng cần tính đến sự khác biệt của TTTPDN để hoàn thiện hơn pháp luật về thị trường này. Có như vậy mới thúc đẩy sự phát triển của TTTPDN, rút ngắn khoảng cách giữa TTTPDN và thị trường tín dụng khác.

3. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế về mọi mặt dẫn đến tất yếu phải hoàn thiện môi trường pháp lý nói chung, hoàn thiện pháp luật về kinh doanh thương mại nói riêng, trong đó có pháp luật về TTTPDN. Nhu cầu huy động vốn, nhu cầu đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ngày càng tăng mang lại nhiều cơ hội cho TTTPDN Việt Nam phát triển nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về TTTPDN phải hướng tới mục tiêu chủ yếu là tạo ra hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, phù hợp, có tính khả thi cao để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào thị trường này. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc nghiên

194

cứu, đánh giá trung thực, khách quan và nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam cũng cần mở rộng nghiên cứu các quy định pháp luật của một số quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia có TTTPDN phát triển hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam. Trên cơ sở đó làm bài học kinh nghiệm cho việc hoàn thiện pháp luật về TTTPDN ở Việt Nam.

4. Để hoàn thiện pháp luật Việt Nam về TTTPDN, các giải pháp đưa ra phải dựa trên cơ sở những phân tích thực trạng pháp luật về thị trường này. Tuy nhiên, các giải pháp hoàn thiện pháp luật về TTTPDN cũng cần được xây dựng trên cở sở một nền tảng lý luận thống nhất và chắc chắn. Những phân tích lý luận cũng như các định hướng lớn cho việc hoàn thiện pháp luật về TTTPDN được nghiên cứu sinh đưa ra làm kim chỉ nam cho những giải pháp cụ thể trong việc hoàn thiện pháp luật về TTTPDN. Các giải pháp cụ thể này, ngoài việc phản ánh đúng thực trạng pháp luật còn phải bám sát, xoay quanh trục định hướng chung, quan điểm chung để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình hoàn thiện pháp luật. Mặc dù các định hướng, giải pháp nghiên cứu sinh đưa ra trong luận án đều dựa trên những căn cứ lý luận và thực tiễn đã được phân tích, đánh giá nhưng tính khả thi của chúng cần chờ thực tiễn trả lời. Tuy vậy, với sự nghiên cứu nghiêm túc, nghiên cứu sinh tin rằng các giải pháp của mình có giá trị tham khảo nhất định đối với công tác lập pháp.

Xem tất cả 200 trang.

Ngày đăng: 11/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí