Pháp luật về thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam - 15

107

trái phiếu không bảo đảm không được vượt quá 1/2 tổng tài sản trừ tổng nợ của công ty112.

Nhìn chung quy định về điều kiện phát hành TPDN ra công chúng của pháp luật Việt Nam khá đồng nhất với quan điểm của các nước, phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong đó đáng chú ý là những điều kiện sau:

- Điều kiện về quy mô vốn

Theo quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng phải có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán. Như vậy, quy định này hàm ý doanh nghiệp muốn chào bán trái phiếu ra công chúng phải là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính nhất định. Tuy nhiên tiềm lực tài chính thực chất của doanh nghiệp thể hiện ở vốn chủ sở hữu chứ không phải vốn điều lệ. Vốn điều lệ chỉ là một phần tạo nên vốn chủ sở hữu.

Theo nghiên cứu sinh, vốn chủ sở hữu mới phản ánh sức khỏe tài chính của công ty mà không phải vốn điều lệ. Theo quy định tại Điều 4 khoản 34 Luật Doanh nghiệp 2020 “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần”. Như vậy, bản chất của vốn điều lệ là số vốn các thành viên/cổ đông đã góp/cam kết góp khi thành lập công ty, được ghi vào điều lệ công ty và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Ở các nước có Luật Công ty phát triển như Anh, Mỹ,… gọi là Stated capital/Registered, tức là vốn công bố/vốn đăng ký. Vốn điều lệ là cơ sở để xác định tỷ lệ vốn góp hoặc tỷ lệ sở hữu cổ phần của các thành viên/cổ đông trong công ty, từ đó xác định quyền hạn, trách nhiệm, lợi ích của của thành viên/cổ đông. Như vậy, có thể thấy vốn điều lệ chỉ mang tính danh nghĩa nhằm xác định cơ cấu sở hữu trong công ty và là căn cứ để xác định phạm vi trách nhiệm thanh toán của các thành viên/cổ đông trước các nghĩa vụ tài chính, các khoản nợ phát sinh từ hoạt động kinh doanh của công ty. Thực chất, vốn điều lệ là khoản vốn góp ban đầu của các thành viên/cổ đông khi thành lập doanh nghiệp. Trong quá trình kinh doanh, còn có thể xuất hiện các khoản thu khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh/vốn điều lệ như lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, chênh lệch khi đánh giá lại tài sản,…Những nguồn đó cùng với vốn góp ban đầu của các thành viên/cổ đông gọi là vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu là vốn thuộc sở hữu của


112Taiwan Parliament (2020), Securities and Exchange Act of Taiwan,amended Date 19/5/2020, Art 28-4, https://law.moj.gov.tw/ENG/LawClass/LawAll.aspx?pcode=G0400001, truy cập 13h53 ngày 12/11/2020.

108

thành viên/cổ đông công ty và được tạo bởi các nguồn: số vốn góp/tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã mua của thành viên/cổ đông công ty được ghi vào điều lệ công ty; tổng số tiền được tạo ra từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (lợi nhuận chưa phân phối); chênh lệch đánh giá lại tài sản. Vốn điều lệ chỉ là một phần thuộc vốn chủ sở hữu. Nếu xét kỹ hơn, vốn chủ sở hữu là hiệu của tổng giá trị tài sản của công ty trừ đi tổng trách nhiệm tài chính của công ty.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 200 trang tài liệu này.

Ngoài ra, cốt lòi của việc bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư đó là đảm bảo khả năng thanh toán của bên phát hành, trong khi đó mức vốn quy định cứng nhắc, quy định chung cho mọi doanh nghiệp trong mọi trường hợp phát hành trái phiếu ra công chúng như trên không đảm bảo được cho điều đó. Việc quy định mức vốn điều lệ tối thiểu là một con số chung không quan trọng bằng tương quan giữa vốn điều lệ và quy mô, khối lượng trái phiếu mà doanh nghiệp phát hành. Trong khi đó, mỗi doanh nghiệp khác nhau, khối lượng, quy mô trái phiếu phát hành sẽ không giống nhau, thậm chí ngay cả trong một doanh nghiệp, khối lượng trái phiếu phát hành của mỗi đợt phát hành cũng không giống nhau. Hơn nữa, việc quy định một mức vốn cứng nhắc cho mọi doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng có thể sẽ dẫn đến pháp luật sẽ phải sửa đổi nhiều lần quy định này theo hướng tăng lên hoặc giảm xuống phụ thuộc vào tình hình phát triển của nền kinh tế xã hội, gây ra sự mất ổn định cần thiết của hệ thống pháp luật.

- Điều kiện về tính hiệu quả trong kinh doanh và lịch sử thanh toán nợ của bên phát hành

Pháp luật về thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam - 15

Theo quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng phải thỏa mãn điều kiện: hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm. Điều kiện này để chứng tỏ rằng doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng phải là doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và có lịch sử thanh toán nợ lành mạnh. Khi phát hành trái phiếu, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng điều kiện về tính hiệu quả trong kinh doanh giống như điều kiện phát hành cổ phiếu. Khi nhà đầu tư mua cổ phiếu tức là họ kỳ vọng về cổ tức được hưởng trong tương lai. Doanh nghiệp chỉ có thể chi trả cổ tức nếu kinh doanh có lãi. Với trái phiếu cũng vậy, khi quyết định mua trái phiếu nhà đầu tư mong muốn được hưởng lãi trong tương lai. Đối với trái phiếu mặc dù thường là lãi cam kết và không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nhưng việc kinh doanh hiệu quả được coi là bảo đảm chắc chắn về khả năng hưởng lợi trong tương lai cho nhà đầu tư trái phiếu. Nếu không có quy định điều kiện về tính hiệu quả trong kinh doanh của bên phát hành trái phiếu thì rất có thể dẫn tới sự lừa đảo

109

trong kinh doanh khi mà doanh nghiệp phát hành trái phiếu tràn lan để vay mượn nhà đầu tư rồi bất thình lình tuyên bố phá sản. Cuối cùng thiệt hại luôn luôn thuộc về chủ nợ, trong đó bao gồm những nhà đầu tư trái phiếu. Chính vì vậy, pháp luật hiện hành quy định đối với phát hành cổ phiếu cũng như phát hành trái phiếu ra công chúng đều phải thỏa mãn điều kiện về kinh doanh có lãi và không có lỗ lũy kế.

Tuy nhiên, xuất phát từ bản chất của việc phát hành trái phiếu là việc vay nợ của doanh nghiệp nên ngoài điều kiện về kinh doanh có lãi, doanh nghiệp còn phải thỏa mãn điều kiện về lịch sử thanh toán nợ khi phát hành trái phiếu. Điều kiện này không áp dụng với việc phát hành cổ phiếu của doanh nghiệp. Về nguyên tắc, trong đời sống dân sự cũng như trong kinh doanh thương mại, các chủ thể chỉ có thể vay nợ mới khi đã thanh toán được nợ cũ. Từ phía người cho vay, tâm lý của họ cũng vậy, chỉ yên tâm tiếp tục cho vay khi khoản cho vay trước đó của mình đã được thanh toán sòng phẳng, đúng hạn. Trong hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại cũng áp dụng nguyên tắc này và ở nhiều quốc gia ngân hàng còn chấm điểm tín dụng cho mỗi khách hàng của mình dựa vào lịch sử thanh toán nợ của khách. Phát hành trái phiếu để huy động vốn vay nên doanh nghiệp cũng không nằm ngoài quy tắc này. Vì vậy, pháp luật đưa ra quy định “doanh nghiệp không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm” như trên. Đây này là quy định “truyền thống”, không thể thiếu trong quy định về điều kiện phát hành TPDN. Trước đây, Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng có quy định về điều kiện này tại Điều 127 khoản 2: “Công ty không thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành, không thanh toán hoặc thanh toán không đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đó sẽ không được quyền phát hành trái phiếu, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác”. Quy định này nhằm hướng tới yêu cầu về lịch sử tín dụng lành mạnh của bên vay, từ đó mới đảm bảo được khả năng thực hiện các cam kết thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu trong tương lai của bên vay đối với người sở hữu trái phiếu. Với việc phát hành cổ phiếu, doanh nghiệp không phải thỏa mãn điều kiện này bởi vì doanh nghiệp không phải cam kết với nhà đầu tư về việc trả cổ tức cho họ khi phát hành cổ phiếu. Khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư đã xác định đồng hành cùng doanh nghiệp, “lời ăn, lỗ chịu” bởi cổ phiếu không phải là một khoản nợ của doanh nghiệp trước nhà đầu tư.

- Điều kiện về tính khả thi của đợt phát hành trái phiếu

Theo quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp dự định chào bán trái phiếu ra công chúng phải thỏa mãn điều kiện: có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua.

110

Thực chất đây là phương án khả thi về việc sử dụng số vốn huy động được thông qua phát hành trái phiếu. Doanh nghiệp trước khi phát hành trái phiếu phải xây dựng phương án phát hành trái phiếu, phương án này phải có các thông tin như: thông tin về doanh nghiệp phát hành; mục đích phát hành trái phiếu; các tài liệu và văn bản pháp lý chứng minh doanh nghiệp đáp ứng điều kiện phát hành trái phiếu theo quy định pháp luật; tình hình thanh toán gốc, lãi của trái phiếu đã phát hành trong 03 năm liên tiếp trước đó; ý kiến của kiểm toán đối với báo cáo tài chính; phương thức thanh toán gốc và lãi trái phiêu; kế hoạch sử dụng nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu;.v.v… Tóm lại, phương án phát hành trái phiếu do doanh nghiệp phát hành xây dựng phải là phương án có tính khả thi, làm cơ sở cho việc chào bán trái phiếu và phải thể hiện được các nội dung cần thiết giúp các nhà đầu tư có đủ thông tin để quyết định mua hay không mua trái phiếu sắp phát hành của doanh nghiệp. Phương án phát hành trái phiếu làm căn cứ để công bố thông tin về việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp. Việc pháp luật quy định về điều kiện này cho thấy để chuẩn bị cho việc phát hành trái phiếu (vay nợ) đòi hỏi doanh nghiệp phải hoạch định được đường đi nước bước cụ thể, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với đồng vốn vay từ các nhà đầu tư. Phương án phát hành trái phiếu phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp nhận. Cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án là Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty.

- Điều kiện về cam kết thực hiện nghĩa vụ của bên phát hành trái phiếu

Theo quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng còn phải thỏa mãn điều kiện có cam kết thực hiện nghĩa vụ đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác. Cam kết của tổ chức phát hành về việc thực hiện nghĩa vụ với nhà đầu tư được coi như một bản hợp đồng vay tài sản được giao kết giữa tổ chức phát hành và người mua trái phiếu. Vì vậy, trong cam kết này có đầy đủ các điều khoản cần thiết của một hợp đồng vay tài sản như điều khoản về đối tượng của hợp đồng (thông tin về trái phiếu phát hành), điều khoản về thời hạn hợp đồng (thời hạn của trái phiếu phát hành), điều khoản về lượng tiền vay (khối lượng trái phiếu và mệnh giá), điều khoản về lãi suất vay (lãi suất trái phiếu), điều khoản về phương thức và thời hạn thanh toán gốc và lãi, điều khoản về quyền và nghĩa vụ của bên vay và bên cho vay,.v.v… Bên cạnh đó, cũng giống như hợp đồng vay tài sản thông thường, thời hạn có hiệu lực của cam kết của tổ chức phát hành về thực hiện nghĩa vụ với nhà đầu tư được tính từ ngày phát hành cho đến khi trái phiếu đáo

111

hạn (hoặc ngày đến hạn khác) khi toàn bộ gốc và lãi trái phiếu được hoàn trả đầy đủ cho người sở hữu trái phiếu.

Trên thị trường cổ phiếu, khi phát hành cổ phiếu, doanh nghiệp phát hành không bị ràng buộc bởi điều kiện này. Cam kết được nói đến ở điều kiện này về bản chất là hợp đồng vay tài sản, mà quan hệ giữa doanh nghiệp phát hành cổ phiếu và người mua cổ phiếu không phải là quan hệ vay tài sản. Vì vậy, khi phát hành cổ phiếu, doanh nghiệp không phải thỏa mãn điều kiện: “Có cam kết thực hiện nghĩa vụ đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác”.

- Điều kiện về xếp hạng tín nhiệm

Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng phải thỏa mãn điều kiện: có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng. Trong các phần nội dung trước của luận án, nghiên cứu sinh đã phân tích về vai trò quan trọng của tổ chức xếp hạng tín nhiệm trên TTTPDN – thị trường chứng khoán nợ. Nếu xếp hạng tín nhiệm là một yêu cầu quan trọng và cấp thiết trên TTTPDN thì đối với thị trường cổ phiếu, việc xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành cổ phiếu chưa thực sự cần thiết. Vì vậy, pháp luật quy định về điều kiện xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu ra công chúng là hợp lý, cần thiết. Trái phiếu chào bán ra công chúng là trái phiếu được chào bán rộng rãi cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư không chuyên nghiệp. Vì vậy, việc quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành và đối với chính trái phiếu của doanh nghiệp phát hành sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư không chuyên nghiệp căn cứ để đánh giá doanh nghiệp, từ đó tạo cho nhà đầu tư niềm tin chắn chắn hơn khi đầu tư vào trái phiếu của một doanh nghiệp nhất định. Ở thị trường cổ phiếu, pháp luật không quy định về điều kiện này khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu. Điều này bắt nguồn từ đặc thù của cổ phiếu là chứng khoán vốn, việc mua cổ phiếu giúp nhà đầu tư trở thành chủ sở hữu của doanh nghiệp và không ai hết ngoài chính chủ sở hữu doanh nghiệp là người tạo ra uy tín cho doanh nghiệp. Vì thế, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp suy cho cùng là đánh giá khả năng của chính chủ sở hữu doanh nghiệp, khả năng của đội ngũ nhân sự lãnh đạo điều hành doanh nghiệp. Vì vậy sẽ trở thành vô lý nếu người mua cổ phiếu yêu cầu phải có xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp mà mình là chủ sở hữu, bởi chẳng lẽ chủ sở hữu doanh nghiệp lại không tự đánh giá được chính mình và doanh nghiệp của mình?

112

Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù của TTTPDN Việt Nam vẫn là một thị trường chưa phát triển (thị trường cận biên) nên pháp luật Việt Nam quy định về xếp hạng tín nhiệm mang tính lộ trình. Ở giai đoạn hiện nay, pháp luật không bắt buộc mọi doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng đều phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm, đồng thời cũng chưa quy định rò tổ chức phát hành nào phải tuân thủ quy định về xếp hạng tín nhiệm. Ở hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ, tuy pháp luật Việt Nam không bắt buộc tổ chức phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm nhưng pháp luật cần có quy chế khuyến khích các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Để khuyến khích được việc này, pháp luật cần được rà soát và hoàn thiện quy định, có chính sách khác nhau cho trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm và trái phiếu không có xếp hạng tín nhiệm. Từ đó thúc đẩy nhà đầu tư mua các trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm, từng bước hình thành và phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.

Ngoài các điều kiện cơ bản, đáng chú ý trên, doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng phải thỏa mãn một số điều kiện khác quy định tại Điều 15, Khoản 3, Luật Chứng khoán năm 2019.

*Điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, việc phát hành TPDN riêng lẻ phải thỏa mãn một số điều kiện được quy định chung tại Luật Doanh nghiệp 2020 (Điều 128 Khoản 3 quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ của CTCP không phải là công ty đại chúng), Luật Chứng khoán 2019 (Điều 31 quy định về điều kiện chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán) và quy định chi tiết tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP.

Tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ ở Điều 9, Điều 10, Điều 25. Đối với phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước, nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không thèm chứng quyền thì phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền thì phải các đáp các điều kiện được quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP. Về cơ bản, theo Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, các điều kiện đặt ra đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền tương tự các điều kiện phát hành trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không thèm chứng quyền, chỉ khác nhau ở 03 điều kiện, đó là: chủ thể phát hành, tuân thủ thời gian cách nhau giữa các đợt phát hành, tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

113

Với những doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, điều kiện phát hành chủ yếu phụ thuộc vào pháp luật của nước mà ở đó doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Ngoài các điều kiện theo quy định của pháp luật tại thị trường phát hành, doanh nghiệp còn phải tuân theo các điều kiện của pháp luật Việt Nam quy định như: đáp ứng quy định về quản lý ngoại hối và quy định pháp luật về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp; đáp ứng tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành (đối với trái phiếu không chuyển đổi/trái phiếu không kèm chứng quyền). Với trái phiếu chuyển đổi/trái phiếu kèm chứng quyền, ngoài thỏa mãn quy định chung như với trái phiếu không chuyển đổi/trái phiếu không kèm chứng quyền thì còn phải thỏa mãn thêm các điều kiện như: đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật; các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi/trái phiếu kèm chứng quyền phải cách nhau ít nhất 06 tháng. Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của các công ty đại chúng còn phải tuân thủ các điều kiện riêng, khắt khe hơn quy định tại Điều 31 Luật Chứng khoán 2019 (các điều kiện như đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; việc chuyển nhượng trái phiếu chuyển đổi/trái phiếu kèm chứng quyền bị hạn chế tối thiểu là 03 năm đối với nhà đầu tư chiến lược, 01 năm đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp;…). Các điều kiện chung, cơ bản, phổ biến của phát hành trái phiếu riêng lẻ, bao gồm:

- Điều kiện về chủ thể phát hành

Theo quy định pháp luật hiện hành, việc phát hành trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm chứng quyền thì chủ thể phát hành là CTCP và CTTNHH. Đối với việc phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền thì chủ thể phát hành chỉ có thể là CTCP vì chỉ CTCP mới có quyền phát hành cổ phần nên ở CTCP thì trái phiếu mới có thể chuyển đổi thành cổ phiếu, chủ sở hữu chứng quyền mới có thể mua được cổ phiếu.

Hiện nay, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng được quy định tại Luật Chứng khoán nhưng việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và VBQPPL liên quan (chủ yếu là Nghị định 153/2020/NĐ-CP). Như vậy, mặc dù đều là phát hành trái phiếu riêng lẻ nhưng dựa vào tổ chức phát hành là công ty đại chúng hay không phải là công ty đại chúng mà phân chia nguồn luật điều chỉnh là không hợp lý. Hơn nữa, Luật Doanh nghiệp là văn bản pháp luật chủ yếu quy định về việc thành lập, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, mô hình bộ máy quản lý điều hành, quyền và nghĩa vụ của các loại hình doanh nghiệp (Luật chung)

114

nên không thể xây dựng thêm hệ thống quy định cụ thể về điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục và các vấn đề khác liên quan đến phát hành trái phiếu (thuộc về Luật chuyên ngành), sẽ vênh so với phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Việc nhất thể hóa phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng sẽ tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho các doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát đối với việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp.

- Điều kiện về sự minh bạch tài chính

Theo quy định của pháp luật hiện hành, để phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải thỏa mãn điều kiện “Có báo cáo tài chính năm trước liền kề năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định pháp luật”113. Thỏa mãn được điều kiện này là doanh nghiệp đã chứng tỏ được tính nghiêm túc của việc chấp hành chế độ kế toán và kiểm toán trong hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Đây là nguồn thông tin đáng tin cậy, là một bộ phận cấu thành của thông tin cần cung cấp cho nhà đầu tư để giúp nhà đầu tư có thể đánh giá năng lực kinh doanh và tình hình tài chính của doanh nghiệp, từ đó có quyết định đầu tư hợp lý. Theo quy định pháp luật trước đây, điều kiện về tài chính của doanh nghiệp phát hành được quy định khá chặt chẽ, tương đương điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng quy định tại Luật Chứng khoán. Tại Nghị định số 90/2011/NĐ- CP về phát hành TPDN, doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu riêng lẻ thì phải đáp ứng điều kiện: có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm trước liền kề của năm phát hành có lãi, đồng thời báo cáo tài chính được kiểm toán của doanh nghiệp phát hành phải là báo cáo kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần. Thực tế triển khai cho thấy điều kiện này là khá chặt chẽ và chưa phù hợp với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của mình do các doanh nghiệp này đang trong quá trình tái cơ cấu tài chính và khó đạt được kết quả hoạt động kinh doanh có lãi. Quy định này chưa thực sự hợp lý. Mặc dù việc quy định về điều kiện kinh doanh có lãi nhằm đảm bảo tín nhiệm tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành, nhưng trong nền kinh tế hiện nay, yếu tố có lãi trong một năm hoặc nhiều hơn nữa không có ý nghĩa đáng kể trong việc bảo đảm tín nhiệm tài chính. Vì thế, quy định này có thể loại bỏ những doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu, đặc biệt là trong những trường hợp doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu kinh doanh cần đầu tư mạnh để mở rộng quy mô. Quy định về điều kiện này cũng không cần thiết bởi lẽ pháp luật cũng đã quy định nguyên tắc tự chịu trách

113Điều 10, Khoản 1, Điểm c Nghị định 153/2020/NĐ-CP.

Xem tất cả 200 trang.

Ngày đăng: 11/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí