Tổng Quan Về Hệ Thống Văn Bản Pháp Luật Điều Chỉnh Hoạt Động Sáp Nhập Ctcp

trong giai đoạn 2011-2015 trong Đề án 254 về tái cấu trúc các tổ chức tín dụng. Vì vậy, đã bùng nổ thị trường sáp nhập giữa các ngân hàng. Điển hình là vụ sáp nhập SouthernBank vào Sacombank. Tháng 5/2015, SouthernBank đã thông qua phương án sáp nhập với Sacombank theo tỷ lệ chuyển đổi 1:0,75 (1 cổ phiếu SouthernBank đổi 0,75 cổ phiếu Sacombank). Ngoài ra có thể kể đến vụ sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ngày 22/5/2015, thủ tục cuối cùng để MHB sáp nhập vào BIDV đã chính thức hoàn thành khi lãnh đạo hai ngân hàng ký kết biên bản bàn giao toàn hệ thống và công bố sáp nhập. Cổ phiếu được hoán đổi theo tỷ lệ 1:1[30]..v..v.

1.8. Mối quan hệ giữa sáp nhập CTCP và M&A

Dễ thấy rằng, M&A là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua việc sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó và giúp mở rộng thị phần (kênh phân phối) trong thời gian ngắn, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua việc tối ưu bộ máy hành chính, tận dụng cơ sở vật chất, công nghệ, con người, tiền mặt,.. đang có sẵn. Do vậy, hình thức của M&A cũng rất đa dạng, bao gồm: Mua lại toàn bộ công ty, góp vốn trực tiếp vào công ty, chia tách, hợp nhất, sáp nhập,... Như vậy, dù mang trong mình những đặc điểm riêng biệt, song sáp nhập vẫn có những đặc điểm chung nhất định của M&A. Chúng có một mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Sáp nhập có thể coi là một "tập con" trong hoạt động M&A và còn có sự giao thoa với các hoạt động khác. Khi thực hiện hoạt động sáp nhập nói chung hay CTCP nói riêng chính là đang tham gia vào hoạt động M&A. Tuy nhiên ngược lại, chưa hẳn hoạt động M&A nào cũng là sáp nhập. Chúng có thể có một số điểm chung về mục đích thực hiện, về mặt bản chất hay phương thức thực hiện. Song chủ thể, hậu quả pháp lý để lại sẽ có một số điểm khác nhau, nhằm phân biệt giữa các hoạt động này. Vì vậy, xét về mối quan hệ này, chúng có sự liên kết khăng khít, không thể tách rời nhau nhưng vẫn có những đặc điểm riêng để phân biệt và nhận dạng từng hoạt động một.

Tiểu kết chương I

Trong quá trình phát triển hoạt động M&A tại Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà hoạt động này đem lại. Chỉ với một thời gian ngắn mà hoạt động này đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các chủ thể trong nền kinh tế thị trường. Mười năm trở lại đây, sáp nhập nói chung cũng như sáp nhập CTCP nói riêng đã diễn ra hết sức sôi động, tạo thành một làn sóng đặc biệt mạnh mẽ trong những năm 2006, 2007... Với một sự khởi đầu đầy mạnh mẽ như thế, sáp nhập CTCP ở Việt Nam được dự báo sẽ càng phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, việc điều chỉnh hoạt động này ở Việt Nam vẫn chưa được thống nhất, đồng bộ. Nhiều khi còn có sự nhầm lẫn giữa các hoạt động như mua bán hay hợp nhất,.. gây khó khăn cho các chủ thể tham gia. Vì vậy, đặt ra vấn đề cần phải nắm bắt hoạt động này cùng bản chất pháp lý của nó mới tạo được cơ sở để hiểu rõ hơn thực trạng pháp luật về sáp nhập CTCP ở nước ta sẽ được trình bày ở chương II.

CHƯƠNG II: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ SÁP NHẬP CÔNG TY CỔ PHẦN TẠI VIỆT NAM‌‌

M&A là hoạt động kinh doanh thương mại đặc biệt xuất hiện ở nước ta đang có những bước phát triển vượt bậc. Trong bối cảnh hiện nay, với nền kinh tế thị trường mở cửa dường như là điều kiện tốt để các thương vụ M&A trở nên sôi động trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế từ tài chính ngân hàng đến đầu tư, sản xuất kinh doanh và đặc biệt rất sôi nổi giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau. Tuy nhiên, trên thực tế các hoạt động M&A vẫn chưa có một sự điều chỉnh đồng bộ và hiệu quả từ luật pháp. Để làm rõ hiện tượng này, tại chương 2, khóa luận sẽ phân tích về thực trạng các quy định pháp luật trong nước về hoạt động sáp nhập đối với CTCP đồng thời so sánh với thực tiễn thi hành pháp luật trên thực tế. Từ đó nhằm làm rõ những khoảng cách giữa luật pháp và thực tế, tìm hiểu nguyên nhân cho những hạn chế này.

2.1. Tổng quan về hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động sáp nhập CTCP

Bản thân hoạt động sáp nhập doanh nghiệp nói chung cũng như sáp nhập CTCP nói riêng có thể hiểu là việc thực hiện một chuỗi nhiều hành vi có liên kết chặt chẽ với nhau để đạt được mục đích sáp nhập. Do vậy, hoạt động này sẽ thể hiện rất nhiều mặt trên nhiều phương diện khác nhau: vừa là một hoạt động đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời là một hình thức để các doanh nghiệp mở rộng quy mô của mình bằng cách huy động vốn. Mặt khác nó cũng là một hình thức tập trung kinh tế trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Chính vì thế mà không có một luật nào quy định tập trung và riêng rẽ về hoạt động sáp nhập. Tuy nhiên, nó lại được quy định rải rác ở nhiều quy phạm pháp luật ứng với mỗi lĩnh vực tương ứng. Trong pháp luật Việt Nam, có thể tìm thấy những chế định điều chỉnh hoạt động sáp nhập doanh nghiệp tại BLDS 2015, LDN 2014, LCT 2004 hay LĐT 2014...

BLDS 2015 quy định về hoạt động sáp nhập pháp nhân tại điều 89:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 80 trang tài liệu này.

"Điều 89. Sáp nhập pháp nhân

1. Một pháp nhân có thể được sáp nhập (sau đây gọi là pháp nhân được sáp nhập) vào một pháp nhân khác (sau đây gọi là pháp nhân sáp nhập).

Pháp luật về sáp nhập công ty cổ phần ở Việt Nam - 4

2. Sau khi sáp nhập, pháp nhân được sáp nhập chấm dứt tồn tại; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được sáp nhập được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập."

So với BLDS 2005, điều 89 này đã lược bỏ yếu tố cùng loại của các pháp nhân khi tham gia vào hoạt động sáp nhập. Điểm mới này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, cho phép cả những pháp nhân không cùng loại có thể thực hiện sáp nhập.

LDN 2014 chưa đưa ra khái niệm thế nào là hoạt động sáp nhập công ty mà chỉ đề cập đến việc làm thể nào để sáp nhập công ty tại khoản 1 điều 195:

"Điều 195: Sáp nhập doanh nghiệp

1. Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.

[...]"

Bên cạnh đó, khoản 3 điều 195 LDN cũng có những quy định liên quan đến việc sáp nhập những công ty có thị phần lớn trên thị trường như công ty nhận sáp nhập có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của công ty thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành sáp nhập, cấm các trường hợp sáp nhập các công ty mà theo đó công ty nhận sáp nhập có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp Luật cạnh tranh có quy định khác,... Ngoài ra còn một số điều chỉnh liên quan đến thủ tục cũng như hồ sơ sáp nhập công ty. Điểm mới của LDN 2014 so với LDN 2005 là đã bổ sung quy định hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty nhận sáp nhập phải kèm theo bản sao của: (a) Hợp đồng sáp nhập, (b) Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của

các công ty nhận sáp nhập, và (c) Nghị quyết và biên bản họp thông qua hợp đồng sáp nhập của các công ty bị sáp nhập, trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập là thành viên, cổ đông sở hữu trên 65% vốn điều lệ hoặc cổ phần có quyền biểu quyết của công ty bị sáp nhập.

Khoản 1 điều 17 LCT 2004 đề cập đến sáp nhập doanh nghiệp là "việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.". Tuy nhiên LCT lại nhìn nhận hoạt động này dưới khía cạnh kiểm soát tập trung kinh tế nên chưa bộc lộ cụ thể những đặc điểm pháp lý của hoạt động này. Việc kiểm soát của Cục quản lý cạnh tranh cũng chỉ diễn ra khi xuất hiện những giao dịch rơi vào ngưỡng cạnh tranh phải khai báo hoặc bị cấm.

So với LĐT 2005, LĐT 2014 đã thể chế hóa nguyên tắc Hiến định về quyền tự do kinh doanh của công dân trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi và minh bạch hơn nữa để huy động có hiệu quả nguồn vốn đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Điều 25 LĐT 2014 quy định minh bạch về hình thức và điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế:

" Điều 25. Hình thức và điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế

1. Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

a) Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;

b) Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;

c) Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.

2. Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

a) Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;

b) Mua phần vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;

c) Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;

d) Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

3. Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài theo các hình thức quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 22 của Luật này. "

LĐT 2014 cũng sửa đổi quy định về điều kiện thực hiện hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua lại phần vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, ngoài việc đáp ứng điều kiện về tỷ lệ sở hữu và các điều kiện đầu tư khác, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động này theo thủ tục quy định thống nhất tại LDN. Điều 6 LĐT 2014 đã vạch rõ giới hạn của các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, thay vì cấm mông lung theo lĩnh vực như Điều 30 LĐT 2005. Quy định này có thể coi là một bước tiến quan trọng để thể chế hóa Điều 33 Hiến pháp 2013: "Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.". LĐT 2014 dành riêng một phụ lục (Phụ lục 4) liệt kê 267 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện với mục đích để tổng hợp và làm rõ hơn danh mục những ngành nghề kinh doanh có điều kiện vốn đã được liệt kê trong vô số các văn bản chuyên ngành khác. Nhờ đó, các cơ quan Nhà nước không còn quyền tự đặt ra các nghề kinh doanh có điều kiện, trừ khi được Quốc hội chấp thuận bằng việc sửa đổi LĐT. Như vậy, các quy định điều chỉnh M&A nói chung hay hoạt động sáp nhập nói riêng theo LĐT 2014 cơ bản đã thông thoáng, minh bạch, hợp lý và khả thi. Tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động này được thúc đẩy một cách mạnh mẽ.

LCK 2013 điều chỉnh hoạt động giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng, mặc dù không liên quan nhiều đến hoạt động sáp nhập công ty, tuy nhiên trong tương lai, có khả năng nhiều công ty đại chúng sẽ bị “thôn tính” thông qua cách chuyển nhượng cổ phần tự do hoặc mua dần trên thị trường chứng khoán phục vụ cho hoạt động sáp nhập. Vì vậy, LCK có một số điều khoản nhằm điều tiết hoạt động này:

Khoản 1 điều 29 quy định: “Tổ chức, cá nhân trở thành cổ đông lớn của công ty đại chúng phải báo cáo công ty đại chúng, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán nơi cổ phiếu của công ty đại chúng đó được niêm yết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày trở thành cổ đông lớn.”. Đây sẽ là dấu hiệu để các cổ đông công ty sớm phát hiện mục đích "thôn tính" công ty của một nhà đầu tư. Khoản 1 điều 32 quy định về chào mua công khai, theo đó các tổ chức, cá nhân chào mua công khai số cổ phiếu biểu quyết dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành của một công ty đại chúng phải gửi đăng ký chào mua đến Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Có thể coi đây là bước thứ hai đối với các nhà đầu tư có ý định thôn tính công ty theo hình thức mua dần cổ phần. Những điều khoản này góp phần bảo vệ cho cổ đông thiểu số và đồng thời cũng tạo ra một cơ chế cho nhà đầu tư tiến hành hoạt động thâu tóm công ty đại chúng hay như trong đề tài này, nhà đầu tư sẽ tiến hành hoạt động sáp nhập công ty.

LTCTD 2010 đề cập đến việc sáp nhập tổ chức tín dụng phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản (Điều 34). Ngoài ra, một số quy định liên quan giúp hỗ trợ cho hoạt động kiểm soát tập trung kinh tế, như: tổ chức được cấp giấy phép có thể bị Ngân hàng nhà nước thu hồi giấy phép khi chia, sáp nhập, hợp nhất. phá sản (Điều 29); tổ chức tín dụng phải được Ngân hàng nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện chuyển nhượng cổ phần có ghi tên quá tỷ lệ quy định của Ngân hàng nhà nước, hoặc khi thay đổi tỷ lệ cổ phần của các cổ đông lớn (Điều 31).

Sáp nhập CTCP cũng được đề cập đến trực tiếp hoặc gián tiếp trong một số nghị định, văn bản hướng dẫn như:

Nghị định 96/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật doanh nghiệp.

Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 09 năm 2015 của Chính phủ Về đăng ký doanh nghiệp.

Nghị định 24/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nghị định 116/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 09 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật cạnh tranh.

...

Qua đây, có thể thấy khung pháp lý điều chỉnh hoạt động sáp nhập CTCP chưa được hoàn thiện. Hoạt động sáp nhập công ty còn được quy định khá rời rạc tại nhiều văn bản khác nhau, và chưa có sự thống nhất. Mỗi một văn bản pháp luật lại điều chỉnh hoạt động này dưới một góc nhìn khác nhau. Như LCT điều chỉnh dưới góc độ sáp nhập là một hình thức tập trung kinh tế, trong khi LDN lại có xu hướng điều chỉnh dưới góc độ coi hoạt động này là cách thức tổ chức, cơ cấu lại công ty còn LĐT thì coi đây là một hoạt động đầu tư quan trọng. LCK cũng không trực tiếp nhắc đến hoạt động này song lại điều chỉnh thông qua các điều khoản về bảo vệ cổ đông, công bố thông tin... Những điều trên có thể thể hiện được tính linh hoạt khi áp dụng cho hoạt động sáp nhập trong từng lĩnh vực cụ thể tuy nhiên một phần nào đó tạo khó khăn trong việc tìm hiểu pháp luật. Trong khi đó, với quá trình phát triển kinh tế mạnh mẽ, quá trình hội nhập sâu rộng vào đời sống thương mại quốc tế, sáp nhập công ty đang trở thành một kênh đầu tư có quy mô lớn, một hình thức đầu tư trực tiếp được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng. Dẫn đến nhu cầu điều chỉnh hoạt động sáp nhập công ty ở Việt Nam là vô cùng cần thiết.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/11/2023