Pháp luật về mua lại và sáp nhập ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay - 12

thường xuyên duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu bao gồm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hợp nhất ở mức 9%. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa vốn tự có và tổng tài sản có đã được điều chỉnh theo hệ số rủi ro.

Quy định tiêu chuẩn, điều kiện mua lại, sáp nhập NHTM không được quy định trực tiếp bởi Luật các TCTD mà do Thông tư 04/2010/TT-NHNN của NHNN điều chỉnh. Thông tư quy định ngân hàng sau khi mua lại, nhận sáp nhập phải đảm bảo mức vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài ra, ngân hàng sau khi mua lại, nhận sáp nhập còn phải tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định. Trên thực tế việc mua lại, sáp nhập có thể khiến ngân hàng mua lại, nhận sáp nhập tăng mức nợ xấu nhưng các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động phải ở mức theo quy định.

Có thể thấy rằng các quy định của pháp luật hiện hành đã tiệm cận các chuẩn mực về vốn và an toàn vốn quốc tế. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu hợp nhất (CAR) được yêu cầu ở mức 9%, trong khi quy định của Basel II chỉ là 8%. Vốn điều lệ của NHTM chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng nguồn vốn của NHTM do nguồn vốn của NHTM phần lớn là tiền gửi của các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế. Việc lựa chọn hệ số CAR theo chuẩn mực Basel áp dụng tại Việt Nam sẽ giảm thiểu rủi ro khi kinh tế xuất hiện những bất ổn, các NHTM có thể gặp những khó khăn hơn so với trong giai đoạn bình thường của nền kinh tế. Việc nâng cao mức an toàn vốn tương tự như một “tấm đệm” giúp các NHTM chống các biến động từ môi trường kinh doanh. Trên thực tế nhiều NHTM quy mô nhỏ nhưng kinh doanh hiệu quả. Vì thế yêu cầu phải đáp ứng một con số tuyệt đối về vốn điều lệ có thể không còn thích hợp khi NHTM đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định nên vẫn có khả năng tồn tại trong nền kinh tế thị trường.

- Quy định tiêu chuẩn, điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần, về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam khi thực hiện mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại:

Để hạn chế sự thâu tóm được hiểu tương tự như đề phòng một cá nhân, tổ chức giữ quyền chi phối ngân hàng, Luật các TCTD quy định về giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần: Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD; một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD, trừ một số trường hợp đặc biệt; cổ đông và những người

liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD (Điều 55).

Đối với việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam, pháp luật quy định về điều kiện, thủ tục mua cổ phần, tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư nước ngoài tại một TCTD Việt Nam; điều kiện đối với TCTD Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014 quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam). Theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam; tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% vốn điều lệ của một TCTD tại Việt Nam trừ trường hợp tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam; tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một NHTM Việt Nam. Bên cạnh mức trần sở hữu là 30%, Nghị định còn quy định trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại TCTD yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một TCTD cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định. Mới đây, Nghị định số 60/2015/NĐ-CP quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam vừa được Chính phủ ban hành (có hiệu lực từ tháng 9/2015) đã tháo bỏ trần sở hữu nước ngoài là 49% ở đa số các lĩnh vực, riêng một số lĩnh vực trọng yếu như ngân hàng vẫn sẽ duy trì sở hữu nước ngoài ở mức trần 30%.

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định cụ thể về hình thức, giá, thẩm quyền quyết định phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, điều kiện mua, bán, chuyển nhượng cổ phần. Tổ chức nước ngoài muốn mua cổ phần dẫn đến mức sở hữu từ 10% vốn điều lệ của TCTD Việt Nam phải đáp ứng đủ các điều kiện như được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín xếp hạng từ mức ổn định hoặc tương đương trở lên; có đủ nguồn tài chính để mua cổ phần; không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống TCTD Việt Nam, không tạo ra sự độc quyền hay hạn chế

cạnh tranh; không vi phạm pháp luật về tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán và thị trường chứng khoán; có tổng tài sản tối thiểu tương đương 10 tỷ đô la Mỹ đối với nhà đầu tư nước ngoài là ngân hàng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính hoặc có mức vốn điều lệ tối thiểu tương đương 1 tỷ đô la Mỹ đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức khác. Đối với tổ chức nước ngoài mua cổ phần để trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thì ngoài một số quy định trên, cần có thêm một số điều kiện như có tổng tài sản tối thiểu tương đương 20 tỷ đô la Mỹ; có kinh nghiệm hoạt động quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng từ 5 năm trở lên; không sở hữu từ 10% vốn điều lệ tại bất kỳ TCTD nào khác tại Việt Nam… Đối với TCTD Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, điều kiện đặt ra là phải có phương án cổ phần hóa, phương án chuyển đổi được cấp có thẩm quyền phê duyệt nếu là TCTD chuyển đổi hình thức pháp lý. TCTD cổ phần phải có phương án tăng vốn điều lệ, phương án bán cổ phiếu quỹ được đại hội đồng cổ đông thông qua... (Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014 của Chính phủ).

Với các quy định của pháp luật hiện hành, các quy định tiêu chuẩn, điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần, về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam khi thực hiện mua lại, sáp nhập NHTM là khá chặt chẽ và có phần thận trọng khi nền kinh tế phải từng bước để thích ứng trong quá trình hội nhập. Hành vi mua cổ phần là thực hiện tập trung kinh tế theo Luật cạnh tranh. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài, TCTD nước ngoài mua cổ phần tại của ngân hàng Việt Nam theo đúng tỷ lệ trên nhưng hoàn toàn có thể vượt ngưỡng cấm thực hiện mua bán theo Luật cạnh tranh thì chưa được tính đến [13, 80]. Trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, việc sử dụng ngân sách nhà nước là rất hạn chế do kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, trong khi quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại NHTM trong nước còn ở mức hạn chế. Vì thế việc tận dụng nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài để tái cấu trúc ngân hàng là điều hết sức cần thiết, cần phải có những điều chỉnh riêng biệt để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình mua lại, sáp nhập NHTM.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.

- Quy định tiêu chuẩn, điều kiện về giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, người lao động khi thực hiện mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại:

Về bảo vệ quyền lợi của khách hàng, Luật các TCTD của Việt Nam quy định một trong những trách nhiệm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là “Tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn gốc và

Pháp luật về mua lại và sáp nhập ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay - 12

lãi của các khoản tiền gửi.” (Khoản 2, Điều 10). Thông tư 04/2010/TT-NHNN quy định hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại giữa các TCTD dựa trên nguyên tắc thỏa thuận, theo đó các bên tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại thỏa thuận giải quyết các quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên có liên quan phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Luật bảo hiểm tiền gửi nhấn mạnh mục đích của bảo hiểm tiền gửi là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng (Điều 3). Luật quy định bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản (Khoản 1, Điều 4). Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các TCTD được nhận tiền gửi của cá nhân (Khoản 3, Điều 4). Điều 6 của Luật bảo hiểm tiền gửi quy định về tham gia bảo hiểm tiền gửi, theo đó TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ Ngân hàng chính sách không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi. Theo quy định, NHTM là tổ chức buộc phải tham gia tiền gửi sẽ có quyền yêu cầu tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm (Điều 12, Luật bảo hiểm tiền gửi).

Căn cứ theo Điều 24, Điều 27 của Luật bảo hiểm tiền gửi, Điều 21 của Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi thì hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Mức chi trả tiền bảo hiểm tối đa do Chính phủ quy định theo đề nghị của NHNN Việt Nam trong từng thời kỳ. Trong thời điểm hiện tại, các quy định về phí bảo hiểm tiền gửi, số tiền gửi bảo hiểm được trả tại Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 về bảo hiểm tiền gửi và Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 89/1999/NĐ-CP tiếp tục có hiệu lực thi hành cho đến khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định về khung phí bảo hiểm tiền gửi, hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi.

Tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ chi trả tiền bảo hiểm cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của mỗi khách hàng tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 50 triệu đồng (bao gồm cả gốc và lãi). Nếu khoản tiền gửi được bảo hiểm (bao gồm cả tiền gốc và lãi) vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm thì sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.

Trên thế giới, mức chi trả bảo hiểm tiền gửi tối đa biến thiên trong khoảng rất rộng, từ đơn vị nghìn USD đến hàng trăm nghìn USD, hoặc toàn bộ khoản tiền gửi. Nhìn chung là không có một chuẩn mực nào được đặt ra. Mức chi trả bảo hiểm cao tạo ra sự cạnh tranh thu hút tiền gửi của nhà đầu tư (ở Mỹ mức này gấp 5 lần GDP đầu người, Thái Lan là 7 lần). Với quy định mức tối đa 50 triệu đồng về chi trả bảo hiểm tiền gửi như hiện nay không còn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội ở Việt Nam xét trên các yếu tố như thu nhập GDP bình quân đầu người, tình trạng lạm phát cao, tốc độ tăng trưởng tiền gửi… và chưa bảo vệ được hết quyền lợi của người gửi tiền. Trong phiên thảo luận tại tổ về Luật bảo hiểm tiền gửi sáng 3/11/2011, Đại biểu Quốc hội Phạm Huy Hùng cho rằng quy định gửi bao nhiêu tiền cũng chỉ được bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng là quá thấp, “Số tiền này chỉ bảo đảm cho người gửi tiền mua gạo, rau cứu đói khi mất tiền gửi chứ không đúng nghĩa là bảo hiểm, trong khi đó ở Đức mức bảo hiểm tối thiểu đã là 200 nghìn Euro” [71]. Do đó hạn mức này cần được đề nghị nâng lên mức cao hơn để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền, duy trì niềm tin công chúng.

Bộ luật lao động quy định, khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục sử dụng số lao động hiện có và tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Trong trường hợp không sử dụng hết số lao động hiện có, thì người sử dụng lao động kế tiếp có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định (Khoản 1, Điều 45). Trong trường hợp chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, thì người sử dụng lao động trước đó phải lập phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này (Khoản 2, Điều 45). Trong trường hợp người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc, thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này (Khoản 3, Điều 45). Quy định về trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trong một số trường hợp đặc biệt được quy định tại điểm b, Khoản 4, Điều 14,

Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động như sau: “Trường hợp sau khi sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã mà người lao động chấm dứt hợp đồng lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm đối với thời gian người lao động đã làm việc cho mình và thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã”.

- Quy định tiêu chuẩn, điều kiện về phương án mua lại, sáp nhập và sự chấp thuận phương án mua lại, sáp nhập của cơ quan quản lý có thẩm quyền khi thực hiện mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại:

Theo quy định hiện hành, khi thực hiện mua lại, sáp nhập NHTM cần phải có đề án mua lại, sáp nhập có nội dung không được trái với hợp đồng mua lại, hợp đồng sáp nhập, bao gồm tối thiểu các nội dung quy định tại Điều 12 và Điều 20 của Thông tư 04/2010/TT-NHNN như: (1) Tên, địa chỉ và trang thông tin điện tử của TCTD tham gia mua lại, sáp nhập; (2) Tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc của TCTD tham gia mua lại, sáp nhập; (3) Lý do của việc mua lại, sáp nhập; (4) Vốn điều lệ trước khi sáp nhập của TCTD tham gia sáp nhập và vốn điều lệ của TCTD nhận sáp nhập sau khi sáp nhập; (5) Danh sách cổ đông nắm giữ cổ phần trọng yếu (đối với TCTD cổ phần) hoặc chủ sở hữu (đối với các TCTD khác) của TCTD nhận sáp nhập sau khi sáp nhập; (6) Tóm tắt tình hình tài chính và hoạt động của TCTD tham gia mua lại, sáp nhập; (7) Quyền lợi, nghĩa vụ của TCTD tham gia mua lại, sáp nhập và các tổ chức, cá nhân có liên quan; (8) Phương án kinh doanh dự kiến trong 03 năm tiếp theo của TCTD mua lại sau khi mua lại, TCTD nhận sáp nhập sau khi sáp nhập; (9) Lộ trình sáp nhập; (10) Dự kiến về nhân sự, mạng lưới, nội dung hoạt động và các vấn đề khác liên quan đến tổ chức và hoạt động của TCTD sau khi mua lại, sáp nhập; (11) Biện pháp chuyển đổi, kết hợp hệ thống thông tin quản lý, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, hệ thống truyền dữ liệu để đảm bảo thông suốt hoạt động trong và sau khi mua lại, sáp nhập; (12) Giá mua lại, thời hạn, phương thức thanh toán; thời hạn bàn giao TCTD bị mua lại; (13) Phương thức và thời gian chuyển đổi vốn góp/vốn cổ phần; các hình thức chuyển đổi vốn góp/vốn cổ phần và tỷ lệ chuyển đổi tương ứng; (14) Trách nhiệm của TCTD tham gia mua lại, sáp nhập đối với chi phí phát sinh trong quá trình mua lại, sáp nhập TCTD; (15)

Các phương án xử lý trong trường hợp một hoặc một số TCTD tham gia mua lại đơn phương hủy bỏ thỏa thuận mua lại, sáp nhập.

Đề án mua lại, sáp nhập là cơ sở quan trọng để cơ quan có thẩm quyền nội bộ và cơ quan quản lý ngân hàng xem xét, quyết định chấp thuận việc mua lại, sáp nhập của các bên. NHTM tham gia mua lại, sáp nhập thuộc diện phải thông báo về tập trung kinh tế chỉ được thực hiện mua lại, sáp nhập sau khi cơ quan quản lý cạnh tranh trả lời bằng văn bản về việc tập trung kinh tế không thuộc trường hợp bị cấm (Điều 24, Luật cạnh tranh). Luật các TCTD quy định tại Điều 153 về tổ chức lại TCTD, theo đó TCTD được tổ chức lại dưới hình thức chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý sau khi được NHNN chấp thuận bằng văn bản. NHNN quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận việc tổ chức lại TCTD. Căn cứ vào các quy định trên, có ba cơ quan chính có thẩm quyền trong việc chấp thuận nội dung trong phương án mua lại, sáp nhập khi thực hiện mua lại, sáp nhập NHTM, đó là đại hội đồng cổ đông của các NHTM thực hiện mua lại, sáp nhập, Cục quản lý cạnh tranh và NHNN.

- Quy định tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện mua lại, sáp nhập ngân hàng thương mại trong trường hợp thực hiện tự nguyện và bắt buộc:

Để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các chủ thể, Luật doanh nghiệp quy định về quyền của doanh nghiệp, theo đó doanh nghiệp được “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm” (Khoản 1, Điều 7) và được “chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh” (Khoản 2, Điều 7). Luật các TCTD quy định “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” (Điều 7). Tuy nhiên, kinh doanh hoạt động ngân hàng không bị pháp luật cấm, nhưng là loại hình kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh hoạt động ngân hàng rất chặt chẽ.

Thông tư 04/2010/TT-NHNN quy định về điều kiện để được mua lại, sáp nhập TCTD và được hiểu là trong trường hợp thực hiện tự nguyện. Theo đó, các điều kiện để TCTD được mua lại là: (1) Không thuộc trường hợp tập trung kinh tế bị cấm theo quy định của Luật cạnh tranh; (2) Có đề án mua lại bao gồm tối thiểu các nội dung quy định tại Điều 20 Thông tư này. Đề án mua lại có nội dung không được trái với hợp đồng mua lại; (3) TCTD mua lại sau khi mua lại phải đảm bảo

mức vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định và tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành (Điều 17). Các điều kiện để được sáp nhập là: (1) Không thuộc trường hợp tập trung kinh tế bị cấm theo quy định tại Luật cạnh tranh; (2) Có đề án sáp nhập bao gồm tối thiểu các nội dung quy định tại Điều 12 Thông tư này. Đề án sáp nhập có nội dung không được trái với hợp đồng sáp nhập; (3) TCTD nhận sáp nhập sau khi sáp nhập đảm bảo mức vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật hiện hành (Điều 9).

Luật các TCTD quy định NHNN xem xét, đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi TCTD thuộc một trong các trường hợp sau đây: “a) Có nguy cơ mất khả năng chi trả; b) Nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ dẫn đến mất khả năng thanh toán; c) Khi số lỗ lũy kế của TCTD lớn hơn 50% giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất;

d) Hai năm liên tục bị xếp loại yếu kém theo quy định của NHNN; đ) Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 130 của Luật này trong thời hạn một năm liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn 06 tháng liên tục.” (Khoản 3, Điều 146). Đồng thời Luật quy định NHNN có quyền yêu cầu chủ sở hữu tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt nếu chủ sở hữu không có khả năng hoặc không thực hiện việc tăng vốn. NHNN nước có quyền trực tiếp hoặc chỉ định TCTD khác góp vốn, mua cổ phần của TCTD được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp TCTD được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện yêu cầu của NHNN quy định, hoặc khi NHNN xác định số lỗ lũy kế của TCTD đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của TCTD được kiểm soát đặc biệt ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và việc chấm dứt hoạt động của TCTD được kiểm soát đặc biệt có thể gây mất an toàn hệ thống TCTD (Khoản 2 và 3, Điều 149).

Theo quy định của Luật các TCTD, NHNN đã ban hành Thông tư số 07/2013/TT-NHNN quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với TCTD, có hiệu lực từ ngày 27/4/2013. Thông tư quy định trong trường hợp không tăng vốn điều lệ theo yêu cầu và trong thời hạn được NHNN xác định, NHNN có thể yêu cầu chủ sở hữu TCTD này xây dựng, trình kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại với các TCTD khác. Thông tư nêu rõ, NHNN có quyền trực tiếp thực hiện hoặc chỉ định TCTD khác thực hiện việc tham gia góp vốn, mua cổ phần của TCTD

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 09/12/2022