Các Công Trình Nghiên Cứu Về Quan Hệ Việt Nam - Ấn Độ


2.1.2. Về chính sách đối ngoại của Ấn Độ

* Công trình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài

Rajiv Sikri (2009), Challenge and Strategy: Rethinking India's Foreign Policy (Thách thức và Chiến lược: Suy nghĩ lại về chính sách đối ngoại của Ấn Độ), SAGE Publications, India: xem xét những thách thức trong chính sách đối ngoại hiện nay của Ấn Độ từ quan điểm chiến lược và định hướng chính sách. Tác giả phân tích các yếu tố và xu hướng dài hạn trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Ấn Độ; đồng thời nêu lên quan điểm đánh giá lại các phương pháp tiếp cận trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ nếu nước này trở thành một nước lớn, có vai trò quan trọng trên thế giới trong thế kỷ XXI. Cuốn sách tập trung đánh giá vị trí, vai trò của các quốc gia láng giềng gần gũi và có tính chiến lược đối với Ấn Độ. Tác giả cũng xem xét các vấn đề quan trọng như an ninh năng lượng, ngoại giao kinh tế, sự tương tác giữa quốc phòng và ngoại giao.... Cuốn sách là một đóng góp có giá trị trong nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Ấn Độ.

Jakub Zajączkowski, Jivanta SchÖttli, Manish Thapa (2014), India in the Contemporary World: Polity, Economy and International Relations (Ấn Độ trong thế giới đương đại: Chính trị, Kinh tế và Quan hệ quốc tế), Routledge: tiếp cận trên các phương diện địa - chính trị, địa - kinh tế, lịch sử, chính trị, văn hóa, ngoại giao, an ninh truyền thống và phi truyền thống để đi sâu nghiên cứu, luận giải nhiều vấn đề liên quan đến chính sách và quan hệ đối ngoại của Ấn Độ. Các vấn đề được đề cập trong cuốn sách bao gồm chính sách đối ngoại của Ấn Độ trên quan điểm khu vực; quan hệ Ấn Độ - Pakistan và vai trò của Trung Quốc; sự tranh giành ảnh hưởng và xác định vị trí của Ấn Độ và Trung Quốc ở ĐNA; chính sách đối ngoại của Ấn Độ sau Chiến tranh Lạnh; cách tiếp cận về an ninh và giải quyết xung đột của Ấn Độ; cơ hội hợp tác và thách thức trong quan hệ đối tác phát triển giữa Ấn Độ và Mỹ, quan hệ giữa Ấn Độ với EU (Liên minh châu Âu) trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng nhận định quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam là mối quan hệ hữu nghị, đặc biệt, có truyền thống lâu đời thông qua sự giao lưu giữa hai nền văn hóa trong lịch sử.

* Công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước

Trần Thị Lý (2002), Sự điều chỉnh chính sách của Cộng hoà Ấn Độ từ 1991 đến 2000, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội: đề cập đến những thành tựu mà Ấn Độ đạt được trên hai lĩnh vực chủ yếu là kinh tế và đối ngoại, trong đó tác giả chỉ ra những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự điều chỉnh chính sách của Ấn Độ bao gồm những nhân tố chủ quan và khách quan; quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối


ngoại của Ấn Độ đối với các nước láng giềng, các nước lớn, các khu vực chủ yếu trên thế giới; những thành tựu sau 10 năm điều chỉnh chính sách bao gồm chính sách kinh tế và chính sách đối ngoại của Ấn Độ giai đoạn 1991-2000.

Nguyễn Thị Quế, Đặng Đình Tiến (2017), Chính sách đối ngoại của Ấn Độ những năm đầu thế kỷ XXI, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội: phân tích chính sách đối ngoại của Ấn Độ những năm đầu thế kỉ XXI như cơ sở hình thành, nội dung chính sách, quá trình triển khai và tác động của chính sách đến quan hệ quốc tế và Việt Nam. Cuốn sách cũng dành một phần để phân tích tác động của chính sách đối ngoại Ấn Độ những năm đầu thế kỷ XXI đến Việt Nam. Trong khi phân tích tác động, hai tác giả đã khái lược quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, KH-CN, giáo dục - đào tạo và văn hóa. Đồng thời, hai tác giả cũng đánh giá sơ bộ những thuận lợi, thách thức từ bên trong và bên ngoài tới quan hệ Việt Nam - Ấn Độ; trên cơ sở đó, phân tích triển vọng quan hệ và khuyến nghị chính sách nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Ấn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

2.2. Các công trình nghiên cứu về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

* Công trình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài

Những nhân tố tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ năm 2007 đến nay - 3

Sudhir Devare (2005), India and Southeast Asia: Towards Security Convergence (Ấn Độ và ĐNA: Hướng tới sự hội tụ về an ninh), ISEAS/Capital: phân tích tình hình an ninh, chính trị trên thế giới với những thuận lợi và khó khăn, ảnh hưởng đến môi trường hợp tác chung giữa Ấn Độ và ĐNA, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hình hình khó khăn không thể che lấp tiềm năng hợp tác to lớn giữa Ấn Độ và các nước ĐNA. Tác giả đưa ra những nội dung cốt lõi trong quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và các quốc gia ĐNA, đồng thời làm rõ sự phát triển của mối quan hệ này qua các thời kỳ lịch sử. Qua đó, tác giả đề xuất những kế hoạch hành động, tầm nhìn trong tương lai cho quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - ASEAN vì mục tiêu hòa bình, phát triển và thịnh vượng.

Dipanka Banedi (2005), India and Southeast Asia in the XXI Century (Ấn Độ và ĐNA trong thế kỷ XXI), Ma Gien Dipanka, New Delhi: tập trung phân tích vai trò của quan hệ Ấn Độ - ĐNA trong thế kỷ XXI. Ấn Độ đang phấn đấu trở thành một cường quốc khu vực, một cực có vai trò chi phối thế giới, nên việc tăng cường quan hệ toàn diện với các nước ASEAN nói chung và với Việt Nam nói riêng là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của quốc gia này.

Rajiv K. Bhatia (2014), India-Vietnam: Agenda for Strengthening Partnership (Ấn Độ - Việt Nam: Chương trình nghị sự tăng cường quan hệ đối


tác), Shipra Publications: khẳng định Ấn Độ và Việt Nam là hai người bạn thực sự của nhau với mối quan hệ chung thủy, lâu đời. Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam ngày càng đạt được sự tin cậy lẫn nhau và hứa hẹn những bước phát triển mới do sự tăng trưởng kinh tế cao của cả Ấn Độ và Việt Nam, sự tăng cường hợp tác chính trị, an ninh - quốc phòng, năng lực KH-CN, những tương đồng văn hóa và quan điểm tương đồng về các vấn đề toàn cầu, khu vực và song phương. Nhiều số liệu trong công trình nghiên cứu là những tư liệu quý, giúp các nhà khoa học có dữ liệu phân tích, đánh giá về quan hệ hai nước.

Shantanu Srivastava (2016), 40 năm hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam

- Ấn Độ và chặng đường phía trước (Four Decades of India - Vietnam Economic and Commercial Relations & the Way Forward), Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội: bao gồm hai nội dung lớn là 40 năm quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Ấn Độ và triển vọng trong thời gian tới. Trong công trình nghiên cứu, tác giả khẳng định Ấn Độ và Việt Nam là hai người bạn thực sự của nhau với mối quan hệ thủy chung, son sắt. Tác giả khảo lược, phân tích bốn thập kỷ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ. Số liệu trong công trình nghiên cứu là những tư liệu quý giúp các nhà khoa học có cứ liệu phân tích, đánh giá về quan hệ hai nước. Đồng thời, tác giả đưa ra các đề xuất, kiến nghị với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam và Ấn Độ nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác.

Tridib Chakraborti (2003) (Nguyễn Ngọc Thúy dịch), Quan hệ Ấn Độ - Việt Nam: Một tình bạn hướng Đông đã được thử thách qua thời gian, Tạp chí Nghiên cứu ĐNA, số 5: đề cập đến tình hữu nghị truyền thống Ấn Độ - Việt Nam vốn được thử thách qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, đặc biệt trong giai đoạn kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân giành độc lập và những thử thách trong giai đoạn hiện đại.

* Công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước

Vũ Dương Ninh (1995), Lịch sử Ấn Độ, Nxb Giáo dục, Hà Nội: đề cập ngắn gọn tới quan hệ Việt Nam - Ấn Độ với những mối liên hệ về văn hóa từ trong lịch sử. Đây được coi là một công trình nghiên cứu chuyên sâu, có giá trị toàn diện nhất về lịch sử Ấn Độ cho đến nay tại Việt Nam. Tuy nội dung về quan hệ hai nước chỉ chiếm một phần rất nhỏ dung lượng của cuốn sách, nhưng là một tư liệu đáng tin cậy về lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam - Ấn Độ.

Cao Xuân Phổ, Trần Thị Lý (Chủ biên) (1997), Ấn Độ xưa và nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội: đã dành một phần để trình bày về chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, không liên kết của Ấn Độ, trong đó các tác giả đề cập tới quan


hệ của Ấn Độ với các nước Đông Dương, ASEAN và các nước công nghiệp mới (NICs). Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ cũng được đề cập một cách khái lược (từ những liên kết trong lịch sử đến năm 1995) trong phần quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN. Đó là mối quan hệ tốt đẹp, hữu nghị, lâu đời trong lịch sử và ngày càng tốt đẹp sau nửa thế kỷ giành độc lập. Tuy cuốn sách có tính chất giới thiệu, nhưng không dàn trải, trong đó quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là một trường hợp nghiên cứu cụ thể cho chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với khu vực ĐNA.

Ngô Xuân Bình (Chủ biên) (2012), Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội: tập hợp những bài viết của các học giả về thực trạng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên các lĩnh vực hợp tác chính cũng như những kết nối từ trong lịch sử của mối quan hệ này. Về cơ bản, các học giả đều chia sẻ nhận định chung, đó là: (i) quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, có sự tin cậy lẫn nhau; (ii) hợp tác chính trị - ngoại giao giữa hai nước là cơ sở quan trọng cho hợp tác song phương trên các lĩnh vực khác; (iii) tuy hiệu quả hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực kinh tế, an ninh - quốc phòng và các lĩnh vực khác ở thời điểm hiện tại vẫn còn khiêm tốn, song hai nước đang ở trong một giai đoạn mới của mối quan hệ (là đối tác chiến lược của nhau) với nhiều triển vọng phát triển. Qua đó, các học giả khuyến nghị một số giải pháp gắn với từng lĩnh vực hợp tác cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ trong bối cảnh mới.

Ngô Xuân Bình (Chủ biên) (2013), Việt Nam - Ấn Độ và Tây Nam Á: Những mối liên hệ trong lịch sử và hiện tại, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội: bao gồm các bài viết của các học giả trong và ngoài nước ở ba nội dung chính: quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, quan hệ Việt Nam - Tây Nam Á và quan hệ Ấn Độ - Tây Nam Á. Trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, các học giả đề cập đến mối quan hệ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực như chính trị, quân sự, an ninh - quốc phòng, kinh tế, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa, văn học và nghệ thuật cũng như ảnh hưởng của Ấn Độ đến kinh tế, văn hóa, văn học và nghệ thuật của Việt Nam. Ngoài ra, cũng có một bài viết nêu lên quan điểm của Ấn Độ đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và tác động tới quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Cuốn sách cung cấp tư liệu về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong một không gian đa chiều mang tính liên ngành từ những quan điểm của các học giả đến từ chính các nước trong khu vực.

Trần Nam Tiến (Chủ biên) (2016), Ấn Độ với ĐNA trong bối cảnh quốc tế mới, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh: nghiên cứu sự điều


chỉnh chính sách đối ngoại của Ấn Độ từ Hướng Đông sang Hành động hướng Đông, trong đó ĐNA được xác định là trọng tâm chính sách ở hiện tại và tương lai. Trong tổng thể quan hệ Ấn Độ - ASEAN, quan hệ Ấn Độ - Việt Nam là một mối quan hệ đặc biệt bởi những cơ sở, tiền đề thuận lợi và có tính kết nối đối với khu vực ĐNA. Tác giả nhấn mạnh Ấn Độ là một nhân tố quan trọng ở CA-TBD, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Biển Đông. Ấn Độ muốn thể hiện vai trò thông qua thúc đẩy quan hệ với những quốc gia có đồng quan điểm về vấn đề an ninh và hợp tác tại Biển Đông như Việt Nam nhằm khẳng định vị thế cường quốc CA-TBD của mình, đồng thời tạo lập thế cân bằng trong cấu trúc an ninh khu vực.

Lê Văn Toan (Chủ biên) (2018), Việt Nam - Ấn Độ: 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội: tập hợp nhiều bài viết phân tích, đánh giá một cách toàn diện mối quan hệ Việt Nam

- Ấn Độ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cho tới khi nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện của các học giả Việt Nam và Ấn Độ. Các tác giả phân tích, đánh giá trên nhiều lĩnh vực hợp tác như chính trị - ngoại giao, kinh tế

- thương mại, an ninh - quốc phòng, KH-CN, văn hóa - giáo dục, giao lưu nhân dân…; đồng thời nêu lên một số giải pháp nhằm phát huy hiệu quả hợp tác song phương, xứng đáng với tiềm năng hai nước.

Đặng Cẩm Tú (2018), Xu hướng phát triển và chính sách của Ấn Độ đối với CA-TBD đến năm 2030, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội: đã dành một phần nội dung trong chương III để khái quát quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1972) đến năm 2017. Đặc biệt, tác giả đã đưa ra dự báo về triển vọng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam

- Ấn Độ đến năm 2030 trên một số lĩnh vực chính: chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, giao thông vận tải, nông nghiệp và văn hóa.

Trung tâm Ấn Độ (CIS), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2016), (2017), (2019), Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới - Tập 1,2; Sức mạnh mềm Ấn Độ, sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa; Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ về an ninh năng lượng trong bối cảnh mới, Nxb Lý luận Chính trị Quốc gia, Hà Nội: bao gồm nhiều bài viết của các nhà lãnh đạo, chuyên gia, học giả uy tín của Việt Nam và Ấn Độ về quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính: chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật (KH-KT), văn hóa - giáo dục, năng lượng… Các tác giả khảo sát quan hệ hai nước ở những lĩnh vực nêu


trên, đánh giá về hiệu quả hợp tác, chỉ ra những thành tựu, hạn chế, triển vọng trong hợp tác song phương; trên cơ sở đó khuyến nghị chính sách cho Việt Nam và Ấn Độ nhằm phát huy hiệu quả hợp tác giữa hai nước. Đây là những công trình tập hợp nhiều bài phân tích sâu sắc với nhiều dữ liệu và luận giải khoa học của các tác giả uy tín của Việt Nam và Ấn Độ về quan hệ hai nước, có giá trị tham khảo cao.

2.3. Các công trình nghiên cứu về những nhân tố tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ

* Công trình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài

Richard Ned Lebow-Thomas Rise (1995), Internationnal Relations Theory and the End of The Cold War (Lý thuyết quan hệ quốc tế và sự kết thúc Chiến tranh Lạnh), Kappen Colombia University Press: phân tích những thay đổi của thế giới và dự báo quan hệ quốc tế sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Cuốn sách chỉ ra sự tất yếu phải thay đổi chính sách đối ngoại của các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, các tác giả cũng khẳng định, trong quan hệ quốc tế sau Chiến tranh Lạnh, vai trò của các nước đang phát triển được chú ý hơn, cơ hội lẫn thách thức cùng tồn tại trong quan hệ giữa các nước này với các nước phát triển trên thế giới.

Geetesh Sharma (2012), Những dấu vết văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam (Traces of Indian Culture in Vietnam), Nxb Văn hóa - Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh: nêu bật mối quan hệ gắn bó lâu đời giữa Ấn Độ và Việt Nam thông qua những chứng tích tháp cổ Mỹ Sơn và dấu vết của nền văn hóa Chăm, vốn chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa Ấn Độ. Với dẫn chứng từ nhiều nguồn tư liệu, tác giả đã nhận định một cách thấu đáo rằng, các thương nhân, thợ thủ công, những hoàng tử trẻ thích phiêu lưu mạo hiểm và cả các học giả Ấn Độ đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nền văn hóa nói chung và tôn giáo nói riêng của Ấn Độ tới Việt Nam.

Josukutty C.A (2015), ―India - US Relations and Asian Rebalancing‖ (Quan hệ Ấn Độ - Mỹ và chiến lược Tái Cân bằng châu Á), New Century Publications: bao gồm 13 bài nghiên cứu của các học giả về sự trỗi dậy của châu Á, trở thành hiện tượng đáng chú ý và quan trọng nhất trong chính trị quốc tế sau Chiến tranh Lạnh. Một trật tự thế giới mới, trong đó các nước lớn nỗ lực cân bằng quyền lực đang định hình. Mục tiêu, lợi ích của Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khu vực cùng với vai trò chiến lược của Biển Hoa Đông và Biển Đông đã khiến cho khu vực này càng trở nên năng động. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và tham vọng bá chủ ở châu Á thách thức vị trí đứng đầu của Mỹ.


Trong một số bài viết của các học giả Ấn Độ được đăng trong các cuốn Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế: Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới (2016) - Tập 1,2; Sức mạnh mềm Ấn Độ, sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa (2017) do Trung tâm Ấn Độ (CIS) (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp với Đại Sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức, Nxb Lý luận Chính trị Quốc gia phát hành: India’s Soft Power and Cultural Diplomacy: Strategies for promoting multilaterali cooperation between Vietnam and India (Sức mạnh mềm và ngoại giao văn hóa của Ấn Độ: Chiến lược thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Ấn Độ) của Sonu Trivedi; Soft Power and India - Vietnam Relation (Sức mạnh mềm và quan hệ Ấn Độ - Việt Nam) của Rajaram Panda; Soft Power: Implication to India - Vietnam ties (Sức mạnh mềm: Hàm ý đối với quan hệ Ấn Độ - Việt Nam) của Aveivei Dahrii; India and South China Sea: Policies and strategic interests (Ấn Độ và Biển Đông: Các chính sách và lợi ích chiến lược) của Amrita Jash: các tác giả bàn về sức mạnh mềm - một yếu tố cấu thành sức mạnh tổng hợp của Ấn Độ và Việt Nam, đồng thời là một nhân tố quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay. Ngoài ra, vấn đề Biển Đông và mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Ấn Độ - Việt Nam trong chính sách của Ấn Độ về Biển Đông cũng được phân tích trong bài tham luận của một học giả đến từ Đại học Jawaharlan Nehru. Những luận giải của tác giả cho thấy, đó là nhân tố tác động trực tiếp đến lợi ích quốc gia quan trọng của Ấn Độ. Vì thế, Biển Đông là vấn đề bao trùm trong quan hệ chiến lược Ấn Độ - Việt Nam và trong chính sách Hành động hướng Đông của nước này.

* Công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước

Phạm Thái Quốc (Chủ biên) (2013), Trung Quốc và Ấn Độ trỗi dậy: Tác động và Đối sách của các nước Đông Á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội: phác họa rõ nét về bối cảnh quốc tế và khu vực những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI; sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ cũng như tác động của sự trỗi dậy này đối với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước Đông Á. Qua đó, tác giả đưa ra các hàm ý cho Việt Nam trong việc đối phó với những thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ.

Võ Xuân Vinh (2013), ASEAN trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội: khái quát quan hệ hai nước trên lĩnh vực an ninh - chính trị, kinh tế, hợp tác giáo dục đào tạo nguồn nhân lực và vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Đặc biệt, liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền ở


Biển Đông, tác giả phân tích những lợi ích của Ấn Độ ở vùng biển này và khẳng định Biển Đông chính là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai cường quốc châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc.

Đỗ Thanh Hà (2020), Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ đầu thế kỷ XXI đến nay, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh: đã xác định, làm rõ một số nhân tố tác động đến sự phát triển của mối quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, cụ thể: (i) những tiền đề lịch sử, văn hóa; (ii) sự biến chuyển của bối cảnh quốc tế và khu vực; (iii) sự chuyển biến tư duy đối ngoại của hai nước. Do cuốn sách tập trung chủ yếu vào quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên một số lĩnh vực chính, nhân tố tác động chỉ là cơ sở cho quan hệ hai nước, nên việc xác định và phân tích làm rõ các nhân tố tác động mới ở mức sơ lược, chưa chuyên sâu.

Một số bài viết của các tác giả trong nước phân tích về sự tác động của các nhân tố như văn hóa, lịch sử, vai trò của lãnh tụ (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tới quan hệ hai nước. Theo các tác giả, những nhân tố này đóng vai trò nền tảng, là cơ sở, tiền đề cho sự hình thành và phát triển quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Có thể kể đến: Cao Xuân Phổ (2005), Gặp gỡ văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ, Tạp chí Xưa và Nay, số 231; Văn Nam Thắng, Từ Ánh Nguyệt (2013), Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ đối với khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 2 (93); Trần Minh Trưởng (2013), Hồ Chí Minh người đặt nền móng xây dựng quan hệ hữu nghị Việt Nam- Ấn Độ, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 12.

Các cuốn Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế: Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới - Tập 1,2 (2016); Sức mạnh mềm Ấn Độ, sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh khu vực hóa, toàn cầu hóa (2017); Hợp tác phát triển Việt Nam - Ấn Độ về an ninh năng lượng trong bối cảnh mới (2019) do Trung tâm Ấn Độ (CIS), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại Sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức, Nxb Lý luận Chính trị Quốc gia, Hà Nội phát hành: bao gồm một số bài viết của các học giả Việt Nam, trong đó tập trung phân tích về các nhân tố tác động tới quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Có thể kể ra một số bài viết tiêu biểu sau:

Bối cảnh quốc tế và khu vực tác động đến quan hệ Việt Nam - Ấn Độ hiện nay của Thái Văn Long, trong đó tác giả nhìn nhận tình hình thế giới, khu vực xuất hiện những động thái mới làm biến động môi trường quốc tế theo hướng phức tạp và khó đoán định. Theo đó, tình hình thế giới, khu vực sẽ tác động tới quan hệ Việt Nam - Ấn Độ theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực, từ đó tác giả đề xuất giải pháp thúc đẩy quan hệ hai nước.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/05/2022