Đặc Điểm Về Xét Nghiệm Chất Chỉ Điểm Khối U

4.2.1.2. Về hình ảnh đại thể của khối u:

Trong tổng số 69 bệnh nhân nghiên cứu của chúng tôi thể sùi và loét sùi là hai thể hay gặp nhất, chiếm 37,7%. Các thể loét và thâm nhiễm ít gặp hơn. Kết quả này tương tự với nghiên cứu của Nguyễn Văn Thái [14] cho tỷ lệ thể sùi và loét sùi cùng chiếm 43,3%, ít gặp hơn là thể loét và thâm nhiễm.

4.2.1.3. Về kích thước khối u:

Hiện nay, mối liên quan giữa kích thước khối u với tiên lượng UTĐT vẫn chưa được xem xét rõ ràng. Tại Việt Nam chưa có nghiên cứu nào mang tính chất tổng thể để làm rõ mối quan quan trên. Theo nhóm tác giả đứng đầu bởi Huolun Feng [22] phân tích trên cơ sở dữ liệu của SEER, tỷ lệ nguy hiểm của UTĐT tăng nhanh với kích thước khối u từ 4cm trở xuống và tăng chậm với kích thước khối u lớn hơn 4cm. Vì vậy trong nghiên cứu, chúng tôi lựa chọn mốc > 4cm và ≤ 4cm làm căn cứ để phân định kích thước khối u. Theo bảng, tỷ lệ bệnh nhân có khối u lớn hơn 4cm là 40,6% nhỏ hơn so với tỷ lệ bệnh nhân có khối u trên 4cm.

Theo bảng 3.14, chúng tôi nhận thấy có mối liên quan giữa kích thước khối u và đặc điểm di căn. Trong đó, những bệnh nhân mang khối u kích thước từ 4cm trở xuống có tỷ lệ di căn là 73,3%, cao hơn so với bệnh nhân có khối u kích thước lớn hơn 4cm. Kết quả này là do các bệnh nhân mang khối u nhỏ hơn nhưng thường kèm theo đột biến gen KRAS nên tỷ lệ di căn cao hơn. Mặt khác các khối u này hay là thể thâm nhiễm nên khó đo được kích thước chính xác.

4.2.2. Độ biệt hóa khối u

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nhóm bệnh nhân có độ biệt hóa vừa chiếm đa số với 87%. Tỷ lệ bệnh nhân có khối u biệt hóa kém nhiều hơn so với bệnh nhân có khối u biệt hóa tốt. Không có mối liên quan giữa mức độ biệt hóa và giai đoạn bệnh. Thứ tự về tỷ lệ này này tương đồng với nghiên cứu của Yaolin Song [53] với 81,3% biệt hóa vừa hoặc tốt và 18,7% là kém biệt hóa. Theo nghiên cứu của Elahe [28], tỷ lệ ung thư biệt hóa vừa cũng chiếm cao nhất (57%) nhưng thấp hơn đáng kể so với kết quả của chúng tôi.

4.2.3. Đặc điểm về xét nghiệm chất chỉ điểm khối u

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ CEA huyết thanh là giai đoạn ung thư, vị trí khối u, mức độ biệt hóa... Trong đó các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những khối u với mức độ biệt hóa cao cho nồng độ CEA cao hơn đối với những khối u biệt hóa kém [51]. Tuy nhiên trong nghiên cứu của chúng tôi chưa thấy được mối liên quan giữa mức độ biệt hóa khối u và nồng độ CEA huyết thanh. Có thể do trong nghiên cứu có sự chênh lệch quá lớn về tỷ lệ giữa các mức độ biệt hóa của khối u. Ngoài ra nồng độ CEA còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác như tình trạng chức năng gan, hút thuốc lá…nên kết quả nghiên cứu của chúng tôi có sự sai lệch so với các nghiên cứu trước đó.

4.2.4. Đặc điểm xét nghiệm sinh học phân tử

Con đường truyền tín hiệu của thụ thể tăng trưởng biểu bì EGFR đóng một vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh của UTĐTT. Vì vậy, việc sử dụng các kháng thể đơn dòng nhắm mục tiêu EGFR (Panitumumab và Cetuximab) là một bước tiến quan trọng trong điều trị UTĐTT. Hai gen chính hay gặp hơn cả trong con đường tín hiệu EGFR ở bệnh nhân UTĐT là gen KRAS và BRAF. Sự hiện diện đột biến các gen này đã được công nhận là giúp tiên lượng đáp ứng với điều trị liệu pháp kháng EGFR.

Đột biến gen KRAS và di căn: theo nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ bệnh nhân mang đột biến gen KRAS là 32,6% (15/46). Kết quả này trùng khớp với nghiên cứu của Maria Arcila và cộng sự [32]: 121/332 (tương ứng 36%) cho kết quả đột biến. Một nghiên cứu khác của Sonja Marinovic cũng cho kết quả tương tự với 40% đột biến gen KRAS [45]. Trong số bệnh nhân có đột biến gen KRAS thì phần lớn các đột biến xảy ra ở codon 12 và 13, còn lại chủ yếu ở codon 61 và 146 [32, 39]. Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các đột biến gen KRAS cao hơn đáng kể ở những bệnh nhân trên 50 tuổi và liên quan đến các khối u biệt hóa mức độ trung bình hoặc kém biệt hóa còn đột biến gen BRAF xảy ra thường xuyên hơn ở các khối u bên phải và khối u biệt hóa cao [34, 53]. Trong khuôn khổ bài nghiên cứu, chúng tôi không nhận thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với các mối liên quan trên.

Từ các kết quả thống kê của mình, chúng tôi nhận thấy có mối liên quan giữa đột biến gen KRAS và tình trạng di căn của UTĐT. Cụ thể, ở những bệnh nhân có di căn xa, tỷ lệ đột biến gen KRAS cao hơn 2,8 lần so với nhóm bệnh nhân không có di căn. Một vài nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới [39] được công bố cũng ủng hộ kết quả của chúng tôi.

Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, có khoảng 30 - 50% bệnh nhân ung thư biểu mô đại trực tràng mang đột biến gen KRAS, tỷ lệ đột biến gen BRAF thấp hơn (khoảng 5-10%) [46]. Giải thích cho kết quả này có thể do bệnh nhân thường được xét nghiệm đồng thời 2 gen BRAF và KRAS, trong khi chúng thường có mối quan hệ loại trừ lẫn nhau [32, 35, 46]. NRAS là một gen thuộc họ gen RAS cùng với KRAS nhưng tần suất gặp đột biến thấp hơn. Trên lâm sàng, gen NRAS thường được chỉ định khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm tìm đột biến gen KRAS và BRAF đều âm tính. Trong tổng số 69 bệnh nhân nghiên cứu, chúng tôi ghi nhận kết quả của 17 bệnh nhân có xét nghiệm gen NRAS và 5,9% trong số đó (tương ứng 1/17 bệnh nhân) cho kết quả đột biến.

Bất ổn vi vệ tinh cao MSI – H là một thông tin quan trọng khi xem xét điều trị bằng kháng thể đơn dòng Pembrolizumab [20, 44, 47]. Theo nghiên cứu của Yaolin Song (2020) [53] tần suất xuất hiện MSI – H là 6,31%, cao hơn ở bệnh nhân nữ trẻ dưới 50 tuổi và liên quan chặt chẽ với di căn, biệt hóa kém hay vị trí UTĐT bên phải. So sánh với nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ bệnh nhân có MSI – H đạt 6,3% (tương tự với nghiên cứu trên). Tuy nhiên do cỡ mẫu của nghiên cứu nhỏ nên các kết quả không cho thấy mối liên quan nào có ý nghĩa giữa MSI – H và các yếu tố liên quan.

4.2.5. Đặc điểm giai đoạn bệnh

Việc phân loại giai đoạn bệnh đối với ung thư nói chung và UTĐT nói riêng là vô cùng quan trọng. Xếp loại giai đoạn vừa làm căn cứ để tiến hành lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp, vừa là yếu tố giúp người bác sĩ tiên lượng tình trạng bệnh nhân. Để thuận tiện cho thực hành lâm sàng điều trị, UTĐT được thống nhất phân chia thành 4 giai đoạn là I, II, III và IV.

Theo kết quả phân tích từ nghiên cứu của chúng tôi, phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán xác định khi đang ở giai đoạn muộn (43,6% bệnh nhân ở giai đoạn IV). Kết quả này tương đối phù hợp với các nghiên cứu khác trong và ngoài nước. Chúng tôi cũng nhận thấy trong các nghiên cứu gần đây có sự giảm tỷ lệ bệnh nhân ở giai đoạn muộn và tăng tỷ lệ bệnh nhân ở giai đoạn I và II (Bảng 4.2). Từ các kết quả có thể thấy bệnh nhân được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn muộn còn cao nhưng có xu hướng giảm. Điều này có thể là kết quả của việc người bệnh ngày càng ý thức bảo vệ và quan tâm đến tình hình sức khỏe của bản thân hơn.

Bảng 4.2. Các giai đoạn của ung thư theo các nghiên cứu khác nhau


Nghiên cứu

Giai đoạn I

Giai đoạn II

Giai đoạn III

Giai đoạn IV

Đỗ Hồng Anh (2020) [1]

0%

7,6%

37,7%

54,7%

Ioannis Kalantzis (2020) [40]

7%

12,4%

27,1%

53,5%

Yaolin Song (2020) [53]

13,3%

41,5%

42,9%

2,3%

Lucia Mangone (2021) [43]

21,6%

26,5%

24,6%

18,2%

Nghiên cứu của chúng tôi (2022)

7,2%

18,8%

30,4%

43,5%

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 77 trang tài liệu này.

Nhận xét một số đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng ung thư đại tràng loại biểu mô tuyến tại Bệnh viện Bạch Mai - 7


4.2.6. Đặc điểm di căn

UTĐT di căn theo 3 con đường chính: đường máu, đường bạch huyết và đường kế cận. Trong nghiên cứu này, có phần lớn bệnh nhân chỉ di căn 1 cơ quan, còn lại số ít có di căn từ 2 cơ quan trở lên. Các cơ quan hay gặp di căn trong UTĐT là gan, phổi, phúc mạc và di căn xương. Các tạng này hay gặp di căn vì chúng là các cơ quan giàu mạch máu và bạch huyết.

Gan là cơ quan di căn hay gặp nhất của UTĐT do tất cả các tĩnh mạch của khung đại tràng đổ về tĩnh mạch mạc treo tràng và đổ về tĩnh mạch cửa. Theo nghiên cứu của chúng tôi, trong tổng số 30 bệnh nhân có di căn xa thì di căn gan chiếm 70%. Sau đó là các cơ quan phúc mạc chiếm 23,3%, tỷ lệ di căn phổi là 10% và di căn xương ít gặp nhất với 6,7%. Kết quả này tương tự với nhiều nghiên cứu đã được tiến hành trước đó. Nghiên cứu UTĐTT cho kết quả

di căn gan chiếm 68% [32]. Nghiên cứu của Ioannis Kalantzis cho tỷ lệ di căn tới các cơ quan có sự khác biệt với kết quả của chúng tôi. Cụ thể, di căn gan dẫn đầu với 67%, phổi là cơ quan gặp di căn nhiều sau gan với 31,3% và di căn tới phúc mạc ít hơn di căn phổi, chiếm 11,6% [40]. Các kết quả đều cho thấy khả năng di căn xa và xâm lấn của khối u đại tràng rất đa dạng, đặc biệt hay tới các tạng quan trọng của cơ thể. Vì vậy, việc khảo sát cần được tiến hành kỹ lưỡng để tránh bỏ sót tổn thương.

KẾT LUẬN


Qua nghiên cứu 69 bệnh nhân UTĐT được điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 9 năm 2020 đến tháng 2 năm 2022, chúng tôi rút ra một số kết luận như sau:

1. Đặc điểm lâm sàng bệnh nhân UTĐT

- Độ tuổi trung bình là 60,4 ± 13,9, nhóm tuổi hay gặp nhất từ 50 – 70.

- Bệnh gặp ở cả nam và nữ với tỷ lệ nam/nữ = 1,65. Nhóm tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất ở nữ giới (≥ 70 tuổi) già hơn so với nam giới (60 - 69 tuổi).

- 24,6% số bệnh nhân có tiền sử bản thân hoặc gia đình liên quan đến UTĐT

- Những triệu chứng lâm sàng hay gặp nhất: đau bụng (81,2%), mệt mỏi (65,2%), đi ngoài phân máu và rối loạn đại tiện (40,6%).

- Gầy sút cân (63,8%) và thiếu máu (26,1%) là hai biểu hiện toàn thân chính trong UTĐT.

- Thăm khám lâm sàng chủ yếu phát hiện biến chứng và biểu hiện của cơ quan di căn: bụng chướng, tắc ruột. Tỉ lệ sờ thấy u thấp (5,8%).

- Đi ngoài phân máu và rối loạn đại tiện hay gặp hơn ở UTĐT trái (p < 0,05).

2. Đặc điểm cận lâm sàng bệnh nhân UTĐT

- Khối u có thể gặp ở mọi vị trí trên khung đại tràng, tỷ lệ UTĐT phải là 43,5% thấp hơn so với UTĐT trái là 56,5%.

- Thể sùi và loét sùi là hai hình thái chính của khối u, cùng chiếm tỷ lệ 37,7%.

- 40,6% bệnh nhân có khối u đại tràng lớn hơn 4cm.

- Mô bệnh học chủ yếu là ung thư biểu mô tuyến loại biệt hóa vừa (87%)

- 74,5% số bệnh nhân có tăng nồng độ CEA huyết thanh từ 5ng/ml trở lên.

- Tỷ lệ đột biến gen KRAS là 32,6%. Không bệnh nhân nào phát hiện đột biến gen BRAF. 6,3% số bệnh nhân có bất ổn vi vệ tinh cao (1/16).

- Tỷ lệ bệnh nhân ở giai đoạn IV cao nhất với 43.6%.

- 70% số trường hợp UTĐT di căn gan. 23,3% di căn phúc mạc. Di căn phổi chiếm 10% và di căn xương là hiếm gặp nhất.

- Ở bệnh nhân có di căn xa, tỷ lệ đột biến gen KRAS cao hơn 2,8 lần so với nhóm bệnh nhân không có di căn xa (p = 0,01).

TÀI LIỆU THAM KHẢO


Tài liệu tham khảo tiếng Việt

1. Đỗ Hồng Anh (2020), Khảo sát tình hình sử dụng oxaliplatin trong bệnh ung thư đại tràng, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Y Dược - Đại học Quốc Gia Hà Nội.

2. Hoàng Văn Cúc, Nguyễn Văn Huy (2016), Giải phẫu người, Nhà xuất bản Y học.

3. Nguyễn Kiến Dụ (2017), Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đột biến gen KRAS, BRAF ở bệnh nhân ung thư đại tràng, Luận án tiến sĩ, Đại học Y Hà Nội.

4. Phạm Thị Minh Đức (2021), Sinh lý học, Nhà xuất bản Y học.

5. Nguyễn Văn Hiếu (2015), Ung thư học, Nhà xuất bản Y học.

6. Trần Mạnh Hùng (2022), "Kết quả sớm điều trị phẫu thuật tắc ruột do ung thư biểu mô đại tràng phải tại bệnh viện Bạch Mai ", Tạp chí Y học Việt Nam, 512(1), 171 - 175.

7. Nguyễn Thị Thu Hường (2018), "Sự khác biệt về đặc điểm lâm sàng giữa ung thư đại tràng phải và ung thư đại tràng trái", Tạp chí nghiên cứu y học, 113(4), 31 - 37.

8. Nguyễn Nam Khánh (2020), Kết quả phẫu thuật nội soi cắt đại tràng phải điều trị ung thư biểu mô đại tràng, Luận văn thạc sĩ Y học, Đại học Y Hà Nội.

9. Lương Ngọc Khuê, Mai Trọng Khoa (2020), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu, Nhà xuất bản Y học.

10. Nguyễn Thị Mai (2021), "Kết quả điều trị ung thư biểu mô tuyến đại tràng ở bệnh nhân trẻ tuổi tại bệnh viện K giai đoạn 2016 - 2020", Tạp chí Y học Việt Nam, 508(2), 277 - 280.

11. Vũ Thị Nhung (2018), Nhận xét tình trạng đột biến gen KRAS, NRAS, BRAF trên bệnh nhân ung thư đại trực tràng tại bệnh viện Bạch Mai, Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, Đại học Y Hà Nội.

12. Hoàng Thị Phương (2019), Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng nội soi - mô bệnh học của ung thư biểu mô đại tràng, Khóa luận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, Đại học Y Hà Nội.

13. Nguyễn Quang Quyền (2017), Bài giảng Giải phẫu học, Nhà xuất bản Y học.

14. Nguyễn Văn Thái (2015), Đánh giá mức độ xâm lấn, di căn hạch ung thư đại tràng qua lâm sàng và cắt lớp vi tính 64 dãy, Luận văn Thạc sĩ Y học, Đại học Y Hà Nội.

15. Phạm Tú Thành (2020), Nghiên cứu giá trị của cắt lớp vi tính 256 dãy trong chẩn đoán ung thư đại tràng, Luận văn thạc sỹ y học, Đại học Y Hà Nội.

16. Bùi Thị Phương Thu (2021), Đánh giá kết quả hóa trị bổ trợ phác đồ FOLFOX4 trong điều trị ung thư đại tràng tại bệnh viện Thanh Nhàn, Luận văn thạc sĩ, Đại học Y Hà Nội.

17. Đỗ Khắc Trường (2021), Nghiên cứu tỷ lệ polyp đại tràng bị ung thư hóa theo kích thước, Luận văn thạc sĩ Y học, Đại học Y Hà Nội.

18. Hoàng Anh Vũ, Hứa Thị Ngọc Hà (2013), "Phát hiện đột biến gen KRAS trong ung thư đại trực tràng bằng kỹ thuật COLD - PCR và giải trình tự DNA", Nghiên cứu Y học, 17(1), 50 - 54

19. Phạm Trung Vỹ (2020), Nghiên cứu một số ứng dụng phẫu thuật nội soi một đường mổ điều trị ung thư đại tràng phải, Luận án tiến sĩ y học, Đại học Y Dược Huế.

Xem tất cả 77 trang.

Ngày đăng: 19/03/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí