Nhân tố tác động đến tính thanh khoản của cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 22


thấy sự chênh lệch về mức độ sở hữu tập trung và phân tán giữa các DNNY trên TTCK Việt Nam lớn. Số lượng DNNY có tỷ lệ Free-float nhỏ hơn mức trung bình rất lớn xấp xỉ 59%-61%. Điều đó hợp lý khi tỷ lệ sở hữu Nhà nước và tỷ lệ sở hữu của CĐL là cá nhân và tổ chức vẫn tương đối cao. Do đó, tăng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng sẽ khuyến khích sự tham gia của các NĐT chuyên nghiệp. Kinh nghiệm và lượng vốn đầu tư lớn từ các NĐT chuyên nghiệp sẽ giúp tăng thanh khoản của cổ phiếu niêm yết.

Qui định về công bố thông tin của nhóm người có liên quan, nhóm NĐT nước ngoài sở hữu từ 5% cổ phiếu có quyền biểu quyết; người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ; cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế quyền chuyển nhượng… cũng cần được ghi nhận rõ trong các văn bản pháp luật về chứng khoán.

Nâng chuẩn điều kiện về qui mô và hiệu quả hoạt động và chính sách cổ tức của DNNY

Nâng chuẩn niêm yết một số chỉ tiêu định lượng như qui mô vốn điều lệ, qui mô vốn hóa thị trường có điều chỉnh tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng, số năm liên tục có lãi hoặc tốc độ tăng của qui mô lãi… Từ thực tế chất lượng hàng hóa trên thị trường còn thấp, nhiều cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá và đặc biệt nhiều cổ phiếu niêm yết đạt được mức giá cao khi mới niêm yết nhưng nhanh chóng giảm sâu gây thiệt hại lớn cho NĐT. Vì vậy, ngoài việc nâng cao tiêu chuẩn niêm yết thì cần bổ sung tiêu chuẩn duy trì niêm yết đối với các tổ chức phát hành.

Một số doanh nghiệp thực hiện chi trả cổ tức không căn cứ vào qui mô lợi nhuận của năm hiện tại, chi trả cao hơn lợi nhuận sau thuế ngoài việc gây ra “thông tin nhiễu” với NĐT bên ngoài. Việc không minh bạch trong CSCT còn tạo ra áp lực tài chính và mất cân bằng trong cấu trúc tài chính của doanh nghiệp. Chính vì vậy, UBCKNN cần có chế tài xử phạt đối với những DNNY chi trả cổ tức lớn hơn lợi nhuận sau thuế, chậm thanh toán cổ tức so với thời gian đã công bố…

Hoàn thiện các qui định về hoạt động giao dịch

Lịch sử thay đổi thời gian giao dịch của hai SGDCK cho thấy khi thời gian giao dịch được kéo dài đã giúp khối lượng giao dịch tăng mạnh qua đó chi phí giao dịch bình quân giảm và cải thiện thanh khoản của cổ phiếu. UBCK và SGDCK nghiên cứu để có thể triển khai hoạt động giao dịch phù hợp với điều kiện thị trường và triển khai các loại lệnh mới phù hợp với NĐT chuyên nghiệp. Đây là điều kiện cần để khuyến khích hoạt động giao dịch của NĐT chuyên nghiệp giúp tăng TKCCP.

Qui định về biên độ dao động giá đang được áp dụng với các tỷ lệ khác nhau trên hai SGDCK nhằm kiểm soát biến động giá trên thị trường. Tuy nhiên, với những biến


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 215 trang tài liệu này.

động phức tạp của tình hình kinh tế, xã hội, dịch bệnh… trong nước và trên thế giới tác động mạnh tới quyết định giao dịch của NĐT thì cơ quan quản lý cần nghiên cứu giải pháp giãn đoạn (tạm ngừng) giao dịch. Mục đích giãn đoạn giao dịch nhằm tạo điều kiện để thị trường tiếp nhận thông tin một cách đúng đắn, phản ánh đúng tác động của thông tin công bố tới giá chúng khoán, nhằm đảm bảo công bằng trong giao dịch của NĐT. Cơ chế ngừng giao dịch (trading halt) và ngắt mạch thị trường là phương thức được áp dụng khá phổ biến của cơ quan quản lý can thiệp khi thị trường có biến động mạnh. Thực hiện tạm ngừng giao dịch được tiến hành với một hoặc nhiều chứng khoán khi thông tin mới được công bố bởi tổ chức phát hành, hoặc nhà quản lý thị trường phát hiện hành vi sai phạm trong giao dịch chứng khoán, hoặc các tình huống đặc biệt khác. Ngừng giao dịch được chia thành 4 trường hợp như sau:

(1) Ngừng giao dịch liên quan đến công bố thông tin: trường hợp này ngừng giao dịch được tiến hành khi tổ chức phát hành công bố thông tin trọng yếu có thể tác động mạnh đến giá chứng khoán. Tổ chức phát hành gửi yêu cầu tới cơ quan chức năng trước khi công bố thông tin, cơ quan chức năng thực hiện phân tích, đánh giá mức độ quan trọng của thông tin công bố để thực hiện ngừng giao dịch và xác định thời gian ngừng giao dịch khi thông tin được công bố;

Nhân tố tác động đến tính thanh khoản của cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam - 22

(2) Ngừng giao dịch khi có phát hiện hoạt động gian lận, thao túng giá: trường hợp này được thực hiện với từng loại chứng khoán, cơ quan chức năng thực hiện ngừng giao dịch đối với chứng khoán khi giá giao dịch tăng/giảm bất thường bởi hoạt động gian lận và thao túng giá. Cơ quan chức năng tiến hành ngừng giao dịch trong khi chờ đợi thông tin phản hồi từ nhà phát hành giải thích hiện tượng tăng/giảm giá bất thường;

(3) ngừng giao dịch khi tổ chức phát hành bị phát hiện không tuân thủ qui định niêm yết: khi tổ chức phát hành không đáp ứng được các qui định về niêm yết như công bố thông tin không đúng hạn, sai lệch về các thông tin tài chính trọng yếu và không thể giải trình sai lệch đó, không đáp ứng tiêu chuẩn niêm yết về giá trị vốn hóa, chỉ tiêu lợi nhuận, số lượng cổ đông… Cơ quan chức năng đánh giá các trường hợp cụ thể và quyết định thực hiện thời gian ngừng giao dịch, một số tình huống sau khi tạm ngừng giao dịch sẽ bắt buộc hủy niêm yết;

(4) ngắt mạch tự động khi xuất hiện các sự kiện bất thường: đây là trường hợp ngừng giao dịch tự động diễn ra trên toàn thị trường. Nhà quản lý thị trường hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác thực hiện ngắt mạch thị trường để bảo vệ lợi ích của các NĐT hoặc trong trường hợp bất khả kháng. Một số trường hợp xây dựng hệ thống ngắt mạch tự động khi các chỉ số tiêu chuẩn chạm ngưỡng giới hạn đã xác định trước thì sẽ kích hoạt ngắt mạch thị trường. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện xác định


ngưỡng tiêu chuẩn cho các chỉ số và thời gian ngắt mạch thị trường. Đặc biệt, trước các sự kiện bất thường dẫn tới tâm lý hoảng loạn, NĐT quyết định bán tháo chứng khoán khiến thanh khoản của chứng khoán trên toàn thị trường sụt giảm nghiêm trọng. Như vậy, việc ngừng giao dịch kết hợp với điều chỉnh biên độ giao động là cần thiết và phù hợp để TTCK vận hành ổn định, hiệu quả và tăng khả năng thanh khoản của cổ phiếu niêm yết trên thị trường.

Hoàn thiện qui định về công bố thông tin

Xây dựng hệ thông thông tin mới đáp ứng yêu cầu CBTT đầy đủ, chính xác và kịp thời của các thành viên tham gia thị trường. Hệ thống đảm bảo thuận tiện cho DNNY, NĐT công bố thông tin, tạo điều kiện cho việc tiếp cận thông tin công bố của các thành viên trên thị trường và giám sát việc thực hiện công bố thông tin bắt buộc của các thành viên…

Ngoài việc giám sát thực hiện hoạt động CBTT bắt buộc của các DNNY, cải thiện môi trường thông DNNY qua một số cách thức sau: (1) hai SGDCK kết hợp xây dựng bộ chỉ số để đánh giá “công bố và minh bạch thông tin DNNY” tổ chức đánh giá thường niên và xếp hạng, vinh danh các DNNY thực hiện tốt hoạt động CBTT; (2) cho điểm xếp hạng với các DNNY công bố thông tin bằng tiếng Anh; (3) bổ sung khen thưởng với các trường hợp DNNY công bố thông tin ngoài yêu cầu…

Thông tin trên báo cáo tài chính tác động mạnh đến việc quyết định giao dịch của các NĐT nên việc đưa thông tin sai lệch trên BCTC gây tổn thất và rủi ro lớn cho các NĐT. Hiện nay, việc xử lý chênh lệch số liệu trên BCTC trước và sau kiểm toán chỉ dừng lại ở biên bản giải trình số liệu của DNNY nhưng việc thực hiện giải trình của các doanh nghiệp đôi khi chỉ là đáp ứng đủ thủ tục. Vì vậy, cần bổ sung chế tài xử phạt để hạn chế việc sai lệch số liệu trên BCTC của DNNY.

Khó khăn cho các NĐT khi thực hiện đa dạng hóa danh mục đầu tư và phân tích ngành khi tiêu chuẩn phân ngành không thống nhất trên hai SGDCK. Vì vậy, việc công bố phân ngành thống nhất trên hai SGDCK sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phân tích, đánh giá khả năng tăng trưởng của các nhóm ngành và thực hiện đa dạng hóa danh mục của các NĐT.

5.2.3. Khuyến nghị với doanh nghiệp niêm yết

Thanh khoản của cổ phiếu trên thị trường thứ cấp đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động huy động vốn của DNNY trên thị trường sơ cấp. Vì vậy, tăng thanh khoản của cổ phiếu là vấn đề quan trọng để DNNY thực hiện thành công các đợt chào bán và thu hút được các NĐT. Dựa vào kết quả phân tích thực trạng và kiểm định các nhân tố tác động tới TKCCP, tác giả đưa ra một số khuyến nghị đối với các DNNY.


Tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng

Khuyến nghị đầu tiên để tăng TKCCP đối với các DNNY là tăng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng hay cơ cấu lại cấu trúc sở hữu theo hướng phân tán. Cấu trúc sở hữu phân tán giúp tăng lượng cổ phiếu sẵn sàng giao dịch và hạn chế bất cân xứng thông tin giữa cổ đông nội bộ và cổ đông thông thường. DNNY huy động vốn cho các dự án có thể thực hiện linh hoạt hai phương án như chào bán cổ phần ra công chúng hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi cổ phiếu thường. Phương án này giúp tăng qui mô và tăng “tính đại chúng” của doanh nghiệp.

Chính sách cổ tức

Chính sách cổ tức cần được thực hiện linh hoạt và hợp lý trong từng thời kỳ để đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông và kết hợp tăng trưởng bền vững doanh nghiệp. Tỷ lệ trả cổ tức của một số doanh nghiệp vẫn còn cao hơn lợi nhuận ngoài việc tạo thông tin nhiễu đến NĐT bên ngoài còn ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai. Khi áp lực tài chính gia tăng và các nguồn lực không đủ bù đắp dẫn tới phá sản doanh nghiệp. Nhu cầu về cổ tức thay đổi theo thời gian do tâm lý của NĐT thay đổi hoặc thể chế thay đổi nên việc áp dụng CSCT linh hoạt, phong phú là cần thiết. Đồng thời, DNNY cần thực hiện đúng các cam kết về CSCT để tạo lòng tin đối với cổ đông và để việc chi trả cổ tức thực sự là tín hiệu tốt về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. CSCT cần đảm bảo tuân thủ qui định pháp luật. Tác giả gợi ý hình thức trả cổ tức bằng tiền kết hợp cổ phiếu thưởng để tăng thanh khoản của cổ phiếu.

Hiệu quả hoạt động kinh doanh

Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Hiệu quả kinh doanh của các DNNY chưa cao, nhiều DNNY có mức tăng trưởng bền vững âm không đảm bảo an toàn vốn cho các cổ đông, cổ phiếu kém hấp dẫn là nguyên nhân dẫn tới TKCCP giảm. Vì vậy, cải thiện hoạt động kinh doanh là mục tiêu cấp thiết đối với các DNNY. Tâm lý bất ổn định của các nhà đầu tư trước các sự kiện bất thường dẫn tới hành động bán tháo cổ phiếu và khiến giá cổ phiếu biến động mạnh, bằng chứng là TKCCP giảm mạnh trong năm 2018, 2019. Có thể thấy, tính thông tin trên giá cổ phiếu chưa cao nên dễ bị tác động bởi các yếu tố khách quan. Cải thiện hoạt động quản trị doanh nghiệp song song với chính sách minh bạch thông tin là nhân tố quan trọng để tăng TKCCP niêm yết. DNNY chủ động thực hiện BCTC theo tiêu chuẩn BCTC quốc tế (IFRS), thực hiện kiểm toán nội bộ trước khi công bố BCTC để hạn chế sai sót và chênh lệch số liệu giữa cách hạch toán của doanh nghiệp và đơn vị kiểm toán độc lập. Đồng thời, DNNY cần tuân thủ thời hạn công bố thông tin về BCTC và báo cáo hoạt động quản trị. Bởi, các thông tin


liên quan đến báo cáo thu nhập, hoạt động quản trị đều tác động mạnh đến thị giá, hoạt động giao dịch và tác động đến TKCCP. Thêm vào đó, theo Maug (1998) cổ phiếu thanh khoản tốt sẽ giúp hoạt động quản trị của các công ty niêm yết tốt hơn. Như vậy, tăng TKCCP là vấn đề các nhà quản trị quan tâm bởi điều đó sẽ giúp công ty huy động vốn dễ dàng với chi phí thấp, tăng hiệu quả hoạt động và nâng cao giá trị thị trường của cổ phiếu.

Chính sách công bố và minh bạch thông tin

Ngoài ra, DNNY cần xây dựng chính sách công bố thông tin, đảm bảo qui trình CBTT minh bạch, tính chính xác của thông tin được công bố. Đồng thời, DNNY cần qui định rõ trách nhiệm của người công bố thông tin, đảm bảo tuân thủ qui định pháp luật về CBTT. DNNY hướng đến CBTT bằng tiếng Việt và tiếng Anh để thu hút các NĐT nước ngoài. Ngoài các thông tin bắt buộc công bố theo qui định của pháp luật thì việc tự nguyện công bố các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh sẽ tạo uy tín tốt hơn trên thị trường. Bên cạnh đó, DNNY tham giam giám sát hoạt động giao dịch cổ phiếu và báo cáo cho SGDCK khi phát hiện giao dịch bất thường để hạn chế hoạt động gian lận và thao túng giá.

5.2.4. Khuyến nghị đối với các nhà đầu tư

Thanh khoản đảm bảo tính linh hoạt, an toàn của vốn, giảm chi phí giao dịch do đó lựa chọn cổ phiếu có thanh khoản cao là tiêu chí quan tâm của các nhà đầu tư. Ngoài ra, thanh khoản của cổ phiếu giúp nhà đầu tư thực hiện quyền rút vốn nhanh chóng khi nhận thấy nhà quản trị hoạt động không hiệu quả, không vì lợi ích của cổ đông. Nhà đầu tư nên đánh giá thanh khoản của cổ phiếu như một tiêu chí quan trọng để ra quyết định đầu tư. Kết quả tác động của các nhân tố tới thanh khoản của cổ phiếu cho thấy, với các DNNY có cấu trúc sở hữu phân tán, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng lớn giúp thanh khoản của cổ phiếu được cải thiện thì NĐT nên quan tâm hơn tới chính sách cổ tức và kết quả kinh doanh để gia tăng lợi tức đầu tư. Đặc biệt, với các DNNY có lượng cổ phiếu sẵn sàng giao dịch trên thị trường thấp, thị giá cổ phiếu dễ bị tác động bởi lượng cung, cầu thay đổi đột ngột. Do đó, NĐT lựa chọn cổ phiếu có thanh khoản tốt sẽ hạn chế được rủi ro và đảm bảo lợi tức kỳ vọng.

Nhà đầu tư cần chủ động cập nhật các kiến thức về tài chính, chứng khoán, hiểu các qui định trên TTCK trước khi thực hiện đầu tư. Điều quan trọng là tiến hành phân tích doanh nghiệp, đánh giá các thông tin công bố về doanh nghiệp để ra quyết định, tránh đầu tư theo tâm lý đám đông. Trước các sự kiện bất thường xuất hiện trên thị trường, NĐT cần chuẩn bị tâm lý vững vàng và thực hiện phân tích thông tin để tránh rủi ro khi bị dẫn dắt bởi các nhóm thao túng giá.


KẾT LUẬN CHƯƠNG 5


Chương 5, tác giả phân tích thước đo TKCCP, trình bày quan điểm về TKCCP trên TTCK Việt Nam và thực hiện luận giải tác động của các nhân tố tới TKCCP dựa trên các lý thuyết tài chính và thực tiễn của TTCK Việt Nam. Dựa trên kết quả tác động của các nhân tố trong mô hình định lượng và kết quả phân tích thực trạng, tác giả đã đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng thanh khoản của cổ phiếu. Trên góc độ là nhà nghiên cứu độc lập, tác giả đưa các khuyến nghị với các thành viên trên thị trường có liên quan tới mục tiêu tăng TKCCP trên TTCK Việt Nam như Chính phủ, UBCK Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết và các nhà đầu tư.


KẾT LUẬN


Thanh khoản của cổ phiếu là tín hiệu quan trọng phản ánh hiệu quả TTCK. Hoạt động giao dịch cổ phiếu được cho là hiệu quả khi giá cổ phiếu phản ánh thông tin doanh nghiệp và giao dịch được thực hiện với chi phí thấp. Bởi vậy, trong quá trình nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên sang thị trường mới nổi thì tăng TKCCP là một yêu cầu tất yếu. Mục tiêu của luận án phân tích, đánh giá tác động của các nhân tố tới TKCCP nhằm tăng TKCCP niêm yết trên TTCK Việt Nam.

Để đánh giá đúng TKCCP trên TTCK Việt Nam, tác giả xác định cần sử dụng thước đo phù hợp và thể hiện được nhiều khía cạnh của TKCCP. Do đó, tác giả đã sử dụng thước đo tính kém thanh khoản của cổ phiếu ILLIQ của Amihud (2002) và LM12 của Liu (2006) để thực hiện đo lường và phân tích TKCCP.

Tác giả đã xác định rõ TKCCP chịu tác động các nhân tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Các nhân tố bên trong doanh nghiệp được xác định bao gồm: tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng, tỷ lệ SHNN, CSCT, tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp và qui mô DNNY. Các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp như: chu kỳ kinh tế, chính sách lãi suất, môi trường thông tin, môi trường pháp lý.

Tác giả thực hiện phân tích thực trạng TKCCP và thực trạng các nhân tố tác động đến TKCCP, kết hợp với các chính sách qui định về công bố thông tin và hoạt động giao dịch cổ phiếu trong giai đoạn 2011-2019. Từ đó, tác giả có những đánh giá chính xác về thực trạng TKCCP, các nhân tố tác động và tìm hiểu nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự chênh lệch thanh khoản lớn giữa các cổ phiếu, các nhóm ngành, cũng như xu hướng giảm TKCCP trên thị trường trong năm 2018, 2019.

Tác giả xây dựng mô hình kiểm định tác động của các nhân tố tới TKCCP. Bằng phương pháp ước lượng bình phương bé nhất tổng quát khả thi FGLS, luận án đã xác định được chiều tác động của các nhân tố đến TKCCP. Bên cạnh đó, kiểm định mô hình hồi qui ngưỡng dữ liệu bảng PTR theo Hansen (1999) đã chứng minh tác động phi tuyến của tỷ lệ SHNN và tỷ lệ trả cổ tức trên mệnh giá tới TKCCP và xác định ngưỡng đảo chiều tác động của hai nhân tố này. Trên cơ sở phân tích thực trạng và kết quả kiểm định mô hình hồi qui, tác giả đã đưa ra các khuyến nghị với các thành viên trên thị trường nhằm tăng TKCCP niêm yết trên TTCK Việt Nam.

Mặc dù, tác giả đã có nhiều cố gắng, song luận án khó có thể tránh khỏi những thiếu sót. Tác giả rất mong sự đóng góp của các nhà khoa học để luận án được hoàn thiện hơn.

Xin trân trọng cảm ơn!


DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ


1. Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Hồng Nga (2018), “Tính thanh khoản và lợi tức cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 12 (487)12-2018, trang 59-63.

2. Nguyễn Thị Thu Trang, Chu Thị Thu Thủy, Ngô Thị Quyên, Vũ Lệ Hằng (2018), “Tăng trưởng bền vững và hiệu quả tài chính: Nghiên cứu điển hình các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”, Kỉ yếu hội thảo khoa học quốc gia - Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng tiếp cận tín dụng thông qua nâng cao năng lực quản trị và minh bạch hoạt động tài chính, Quý 3 năm 2018, Nhà xuất bản Lao động.

3. Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Hồng Nga (2019), “Giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam”, Kỉ yếu hội thảo khoa học Quốc gia - Kinh tế, kinh doanh và khoa học xã hội trong thời kỳ mới, Quý IV năm 2019, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.

4. Nguyễn Thị Thu Trang, Trần Đình Toàn, Nguyễn Hồng Nga, Thân Thế Sơn Tùng (2020), “Impact of blockholders on the liquidity of stock listed on Vietnam’s stock market”, Contemporary Issues in Economics, Management & Business, 3, National Economics University Press, pp. 244-260.

5. Nguyễn Thị Thu Trang, Lưu Thị Hương, Ngô Thị Quyên (2020), “Tác động của chính sách cổ tức tới tính thanh khoản của cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế & Phát triển, Số 281(II), tháng 11/2020, Đại học Kinh tế Quốc dân, trang 53-63.

6. Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thu Hoài (2021), “Tác động phi tuyến của sở hữu cổ đông lớn tới thanh khoản của cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, Số 11 (522), tháng 11/2021, trang 15-27.

Ngày đăng: 15/10/2022