Người Kể Chuyện – Một Phạm Trù Của Tự Sự Học


- Phương pháp phân tích tác phẩm

- Phương pháp so sánh, đối chiếu

Các phương pháp nghiên cứu này không tách rời nhau mà hài hòa với nhau, bổ sung cho nhau. Trong đó chúng tôi đặc biệt quan tâm đến phương pháp hệ thống và phương pháp loại hình. Đây là phương pháp quán xuyến toàn bộ tiến hành luận văn.

6. Đóng góp của luận văn

- Luận văn xác định nội hàm khái niệm người kể chuyện một cách tương đối nhất quán và hệ thống để có thể sử dụng khái niệm này như một yếu tố cơ bản trong việc xem xét cấu trúc của tác phẩm tự sự.

- Vận dụng khái niệm người kể chuyện để xem xét một trong những nét đặc sắc của văn phong Nguyễn Ngọc Tư, đồng thời khẳng định những khả năng tự sự mà nhà văn này đem đến cho văn xuôi Việt Nam đương đại. Có thể nói trong luận văn của chúng tôi vấn đề người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư đã được khảo sát tỉ mỉ, hệ thống, thực sự trở thành đối tượng nghiên cứu chuyên biệt, độc lập.

7. Cấu trúc của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, luận văn được cấu trúc thành ba chương:

Chương 1: Người kể chuyện – một phạm trù của tự sự học

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

Chương 2: Ngôi kể và một số loại hình người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư

Chương 3: Ngôn ngữ và giọng điệu kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư

Người kể chuyện trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư - 3


NỘI DUNG

Chương 1

NGƯỜI KỂ CHUYỆN – MỘT PHẠM TRÙ CỦA TỰ SỰ HỌC


1.1. Người kể chuyện là một kiểu nhân vật đặc biệt

Người kể chuyện tồn tại ngay từ khi có văn học, điều đó có nghĩa là có tác phẩm thì phải có người kể chuyện. Thuật ngữ người kể chuyện có từ năm 1490 (Latinh: narrator) nhưng lý luận về nó phải đến thế kỷ XX mới phát triển. Đây là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đề cập đến. Nhưng cho đến nay, khái niệm người kể chuyện vẫn chưa được các nhà lý luận văn học thống nhất hoàn toàn. Ở mặt nội hàm khái niệm cũng có những cách hiểu khác nhau, có nhà nghiên cứu gọi là “người trần thuật”, người khác lại gọi là “người kể chuyện”, có người cho rằng hai khái niệm này là khác nhau. Trong luận văn này chúng tôi xem đây là những khái niệm đồng nghĩa.

Về mặt nội hàm khái niệm cũng có nhiều cách hiểu khác nhau. Theo các tác giả trong từ điển Wikipedia thì “một câu chuyện hay phải có một người kể chuyện xác định rõ và kiên định (…). Người kể chuyện là một thực thể đơn nhất (single entity) và giới hạn. Người kể chuyện không thể truyền đạt bất cứ điều gì mà anh ta không đối mặt với nó” [17]. Với W. Kayser, người trần thuật là một khái niệm mang tính chất rất hình thức: “người trần thuật – đó là một hình hài được sáng tạo ra, thuộc về toàn bộ chỉnh thể tác phẩm văn học. Ở nghệ thuật kể, không bao giờ người trần thuật là vị tác giả đã hay chưa nổi danh, nhưng là cái vai mà tác giả bịa ra và chấp nhận[33, tr.245]. Còn đối với Todorov thì người kể chuyện không chỉ là người kể mà còn là người định giá: “người kể chuyện là một nhân tố chủ động trong việc kiến tạo thế giới hư cấu. Chính người kể chuyện là hiện thân của những khuynh mang tính xét đoán và đánh giá” [24, tr.490]. Các nhà nghiên cứu trong nước cũng đưa ra


các cách hiểu không giống nhau về khái niệm người kể chuyện. Trong Từ điển văn học (bộ mới), sau khi nêu định nghĩa ngắn gọn người kể chuyện là: “thuật ngữ chỉ nhân vật đóng vai trò chủ thể của lời kể chuyện, là người đứng ra kể trong tác phẩm văn học”, GS.TS Lê Ngọc Trà đưa ra những hình thức khác nhau của chủ thể này: vô nhân xưng và người kể chuyện xưng danh tôi, chúng tôi. Theo các tác giả trong Từ điển thuật ngữ văn học thì người kể chuyện là “hình tượng ước lệ về người trần thuật trong tác phẩm văn học, chỉ xuất hiện khi nào câu chuyện được kể bởi một nhân vật cụ thể trong tác phẩm” [28, tr.221]. Lê Phong Tuyết trong bài viết Người kể chuyện trong văn xuôi sau khi nêu lên những vấn đề người kể chuyện ở Việt Nam, người kể chuyện trong văn học phương Tây đã đi đến định nghĩa: “Người kể chuyện được định nghĩa một cách đơn giản và thống nhất: người kể chuyện là người kể lại câu chuyện” [79, tr.126]. Không phải trong bất kì tác phẩm văn học nào cũng có nhân vật người kể chuyện. Trong kịch, sự quan sát, đánh giá các nhân vật và sự việc chủ yếu được lồng vào ngôn ngữ, thái độ và hoạt động của nhân vật (trực tiếp thể hiện trên sân khấu). Bởi thế, không thấy sự xuất hiện của người kể chuyện trong kịch. Trong thơ trữ tình, tâm tư tình cảm của nhà thơ được bộc lộ trực tiếp dưới hình thức tự bộc lộ chứ không phải dưới hình thức câu chuyện kể về người khác. Trong tác phẩm tự sự nhà văn trình bày, tái hiện một cách sáng tạo thế giới hiện thực thông qua lời kể, lời miêu tả… của một người trần thuật nào đó. Pospelop khắng định: “Người trần thuật là một loại người môi giới giữa các hiện tượng được miêu tả và người nghe (người đọc), là người chứng kiến và cắt nghĩa sự việc xảy ra” [58, tr.88].

Người kể chuyện là một nhân vật nhưng là một kiểu nhân vật đặc biệt, nó có những đặc điểm khác so với các nhân vật khác trong tác phẩm. Tz.Todorov tuyên bố: “Người kể chuyện không nói như các nhân vật tham thoại khác mà kể chuyện. Như vậy, kết hợp đồng thời trong mình cả nhân vật và người kể,


nhân vật mà nhân danh nó cuốn sách được kể có một vị thế hoàn toàn đặc biệt…” [64, tr.117]. Điều đó có nghĩa là người kể chuyện không chỉ là một nhân vật tham gia trong tác phẩm mà còn đảm nhiệm chức năng tổ chức kết cấu tác phẩm, tổ chức các nhân vật khác. L.I.Timofeev chỉ ra rằng: “Người kể chuyện bắt tất cả các đặc điểm ngôn ngữ của nhân vật mà họ nhắc tới phải lệ thuộc vào mình ngay cả khi người kể chuyện cho nhân vật một sự độc lập đầy đủ về mặt ngôn ngữ” [73, tr.32]. Khi đọc xong một tác phẩm tự sự, ngoài những nhân vật được miêu tả thì người đọc chúng ta vẫn cảm nhận thấy có một nhân vật đặc biệt đang quan sát, ghi chép, phân tích về chúng, về mọi sự việc, đó là người kể chuyện. Có thể nói, trong bất cứ truyện kể nào cũng mang dấu ấn, cũng thể hiện cách nhìn, cách cảm, phương thức tư duy, năng lực trí tuệ của nhân vật đặc biệt này.

Kế thừa và tổng hợp những định nghĩa, cách hiểu trên, chúng tôi bước đầu đi vào xác lập những vấn đề chung về người kể chuyện thông qua sự phân biệt nó với người kể chuyện trong đời sống thực tế, với nhân vật và với tác giả.

1.1.1. Người kể chuyện với tư cách là một sản phẩm hư cấu để kể chuyện

Trong cuộc sống hàng ngày, kể chuyện, giao tiếp, đối thoại là hoạt động không thể thiếu của con người bởi chỉ có thông qua hoạt động kể chuyện con người mới có thể hiểu được con người, sự vật và hiện tượng quanh mình. Nếu như trong tình huống truyện kể ngoài đời khi đối diện ta có một người kể chuyện bằng xương, bằng thịt, có hình hài, giọng nói, điệu bộ, một người mà ta có thể nhìn thấy và nghe họ nói thì đến người kể chuyện nghệ thuật tất cả những yếu tố hữu hình này đều được chuyển vào trong văn bản thông qua hệ thống thủ pháp nghệ thuật. Người kể chuyện trong tác phẩm văn học là sản phẩm của sự sáng tạo nghệ thuật, một sản phẩm từ sự hư cấu của nhà văn. Điểm khác biệt giữa người kể chuyện thực tế với người kể chuyện trong tác phẩm nghệ thuật là người kể chuyện thực tế có thể điều chỉnh câu chuyện kể


theo phản ứng của người nghe còn người kể chuyện trong văn bản thì không thể có quyền đó bởi câu chuyện họ kể đã được cố định trong văn bản bằng câu chữ, không thể sửa chữa hay thêm bớt… Do đó, khác với người nghe – đối tượng của người kể chuyện thực tế thì người đọc – đối tượng của người kể chuyện trong văn bản nghệ thuật sẽ có điều kiện phát huy tối đa khả năng tưởng tượng, liên tưởng của mình để đồng sáng tạo với người kể chuyện. Mỗi người đọc với kinh nghiệm sống, với kiến thức, vốn văn hóa, vốn sống… riêng có thể cảm nhận, tiếp thu, hình dung ra câu chuyện theo cách riêng của mình. Người kể chuyện sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn, đi sâu tìm hiểu thế giới nội tâm của nhân vật, hiểu sâu hơn những ý nghĩ thầm kín, những động cơ trong từng hoạt động của nhân vật, từ đó hiểu sâu sắc nội dung tư tưởng nghệ thuật mà tác giả gửi gắm vào trong tác phẩm của mình.

Có thể nói trong tác phẩm tự sự, người kể chuyện đóng vai trò quyết định. Là người sắp đặt, môi giới, gợi mở giữa câu chuyện trong tác phẩm với người đọc, người kể chuyện phải chọn cho mình một chỗ đứng thích hợp. Từ chỗ đứng, người kể chuyện có điểm nhìn, cách kể đối với câu chuyện sao cho hữu ích theo ý đồ sáng tạo của tác giả. Điều đó không chỉ đem lại vai trò mà còn làm nên một gương mặt cụ thể của người kể chuyện.

1.1.2. Người kể chuyện thống nhất nhưng không đồng nhất với tác giả

Người kể chuyện thống nhất với tác giả trước hết là bởi người kể chuyện là người thể hiện cho tiếng nói, quan điểm của tác giả về con người và cuộc sống. Một số nhà tự sự học cho rằng người kể chuyện chỉ là một yếu tố hình thức thuần túy, dường như tách rời khỏi mối quan hệ với tác giả thực tế như chủ thể sáng tạo. W.Kayser viết về người kể chuyện như một vai trò ước định: “Trong nghệ thuật kể, người kể chuyện không bao giờ là tác giả đã hay chưa từng được biết đến, mà là một vai trò được tác giả nghĩ ra và ước định” [63, tr.117]. Còn R.Barthers và Tz.Todorov khẳng định: “Người kể chuyện và


những nhân vật của anh ta bản chất là những thực thể trên mặt giấy; tác giả (thực tế) của văn bản không có điểm gì chung với người kể chuyện” ; “Người kể chuyện không thể được gọi tên; nếu anh ta có tên, thì sau cái tên đó không có ai cả” [63, tr.117-118]. Tuy nhiên, những quan điểm này không tránh khỏi sự cực đoan. Không ai có thể phủ nhận mối quan hệ mật thiết giữa người kể chuyện và tác giả bởi: “ta đoán định âm sắc tác giả qua đối tượng của câu chuyện kể cũng như qua chính câu chuyện và hình tượng người kể chuyện (…) người kể chuyện là một trong những hình thức thể hiện quan niệm tác giả trong tác phẩm” [79]. Đọc tập Giamilia – Truyện núi đồi và thảo nguyên, qua thái độ của người kể chuyện ta cảm nhận được: tấm lòng đồng cảm sâu sắc của nhà văn với việc người chị dám bước qua những tập tục “quái gở” để đi tìm hạnh phúc đích thực, chân chính của mình; là thái độ phê phán quyết liệt của Aimatốp đối với những hủ tục lạc hậu của lối sống gia trưởng, lên án tư tưởng coi thường phụ nữ, coi “hạnh phúc của người phụ nữ chỉ là sinh con đẻ cái”. Đọc Anh béo và anh gầy, Con kì nhôngcủa Sêkhốp, qua nhân vật người kể chuyện ta cảm nhận được sự xót xa của nhà văn trước bản tính nô lệ, xum xoe, qụy lụy của con người. Như vậy, có thể nói người kể chuyện là một trong những hình thức thể hiện quan điểm của tác giả trong tác phẩm. Quan điểm của tác giả chỉ có thể được thể hiện qua “điểm nhìn”, “tầm nhận thức” của người kể chuyện như một hình tượng ít nhiều tồn tại độc lập.

Trong những tác phẩm tự truyện thì sự thống nhất giữa người kể chuyện và tác giả lại càng bộc lộ rõ. Tự truyện là thể loại văn học đặc biệt mà ở đó tác giả tự viết về mình, tác giả lấy chính cuộc đời mình làm cơ sở cho sáng tạo nghệ thuật. Vì thế, qua cái Tôi của người kể chuyện trong tác phẩm tự truyện người đọc có thể thấy được khá rõ cái Tôi của tác giả ngoài đời. Đọc bộ ba tự truyện Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi của Gorki, qua những lời kể mộc mạc của nhân vật Tôi, người đọc phần nào thấy được thời


thơ ấu bất hạnh, cuộc đời cơ cực, gian khổ và những nỗ lực vươn lên không ngừng của tác giả Gorki. Đọc Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng ta thấy bao nỗi đớn đau, tủi nhục; bao khao khát, ước mơ mà nhân vật Tôi trải qua cũng chính là những tâm trạng mà Nguyên Hồng đã từng trải qua trong quá khứ gắn với những kỉ niệm sâu sắc về thời thơ ấu của nhà văn. GS Phong Lê đã bày tỏ niềm xúc động sâu sắc khi đọc tác phẩm này: “Tôi cứ ngẩn ngơ hoài trước một tuổi thơ sao mà cay cực đến thế, mà sao nhà văn có thể thành thực đến thế. Một sự thành thực đến tận cùng chi tiết khiến người ta đọc đến mà sững sờ, mà nổi gai lên trong tâm trí, mà run rẩy đến từng xúc cảm” [39, tr.131].

Như vậy giữa người kể chuyện và tác giả có nét tương đồng, thống nhất nhưng người kể chuyện và tác giả không phải là một bởi:

Thứ nhất, quan điểm của tác giả bao giờ cũng rộng hơn quan điểm của người kể chuyện. Quan điểm, tư tưởng của tác giả được thể hiện trong toàn bộ tác phẩm như một chỉnh thể nghệ thuật, nó không thể được thể hiện một cách một cách đầy đủ qua bất kì một chủ thể lời nói riêng biệt nào trong tác phẩm dù chủ thể lời nói đó có gần gũi tác giả đến đâu. Nếu chúng ta chỉ dựa vào người kể chuyện để đánh giá, phán xét tác giả thì sẽ là phiến diện, cực đoan. Chẳng hạn để có thể hiểu được tư tưởng của đại văn hào Leptônxtôi trong Chiến tranh và hòa bình ta không chỉ dựa vào tư tưởng người kể chuyện hàm ẩn mà còn cần phải tổng hợp tư tưởng của các nhân vật khác như: Pie, Anđrây, Natasa… So với tư tưởng của người kể chuyện, tư tưởng của tác giả thường là khái quát hơn. Trong Nhật kí người điên của Lỗ Tấn, nhận thức của nhân vật người kể chuyện xưng Tôi – người điên chỉ là những nhận thức cụ thể, cảm tính, trực tiếp còn nhận thức của tác giả là nhận thức mang tính khái quát, tổng hợp. Những kẻ ăn thịt người mà người kể chuyện xưng Tôi nói đến là những con người cụ thể: ông Cố Cửu, ông Triệu, lão thầy thuốc… còn hàm ý của tác giả thì lại là ám chỉ lễ giáo và chế độ phong kiến.


Thứ hai, người kể chuyện không đồng nhất với tác giả bởi ngoài phần thái độ chủ quan được thừa hưởng của tác giả, người kể chuyện mang trong mình cả một phần nội dung khách quan của thế giới được phản ánh vào tác phẩm; phần nội dung khách quan đó thường thể hiện một loại hình thái độ phản ứng với thực tại điển hình cho thời đại của nhà văn được nhà văn tái hiện lại và miêu tả trong tác phẩm của mình. Chẳng hạn như qua nhân vật người kể chuyện trong các tác phẩm Sống mòn, Trăng sáng, Cái mặt không chơi được… ta vừa thấy hình ảnh nhà văn Nam Cao, vừa thấy hình ảnh những người trí thức nghèo trong xã hội cũ. Nhà văn Nga M.Prisvin từng rút ra kinh nghiệm qua thực tế sáng tác: “Vào khoảnh khắc khi tôi đặt bút lên giấy – đó đã là “cái tôi”… thực thà mà nói, đó là “cái tôi – được sáng tạo nên”, đó là “chúng ta”… bây giờ tôi hiểu rõ ràng sự biến hóa của “cái tôi” thành “chúng ta” thể hiện bản chất của cả quá trình sáng tác” [63, tr.120].

Ngay cả trong những tác phẩm có tính tự truyện thì giữa người kể chuyện và tác giả vẫn có những nét khác nhau. Tác giả của truyện kể là người thật, con người của thế giới thực: ông có một cái tên hoặc một bút danh, một tiểu sử. Ông có trách nhiệm về tác phẩm mà mình tạo ra, còn người kể chuyện thì ngược với tác giả, anh ta không phải là một người thực, anh ta chỉ là một người thực hiện chức năng kể chuyện. Vì thế, mặc dù tác phẩm tự truyện thường lấy chính cuộc đời tác giả làm chất liệu sáng tác nhưng thế giới tồn tại của người kể chuyện hoàn toàn khác với thế giới tồn tại của nhân vật được kể lại: khác nhau về không gian, thời gian, về cảm xúc, tư tưởng. Người kể chuyện chỉ có thể ý thức và tái hiện lại thế giới kia chứ không thể thâm nhập, can thiệp vào thế giới kia. Những suy nghĩ, tâm trạng, hành động mà người kể chuyện kể lại trong tác phẩm tự truyện có thể là của nhà văn nhưng đó là những tâm trạng, hành động đã xảy ra với nhà văn trong quá khứ chứ không phải là của thời khắc hiện tại.

Xem tất cả 128 trang.

Ngày đăng: 08/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí