Nghiên cứu thực trạng sốt rét và đánh giá kết quả can thiệp phòng chống sốt rét tại một số xã biên giới của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - 16

Phối hợp khảo sát sốt rét tại vùng biên giới giữa 2 tỉnh Quảng Trị và Savannakhet


Năm 2010 lần đầu tiên đã có sự phối hợp khảo sát tình hình sốt rét tại vùng biên giới giữa 2 tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) - Savannakhet (Lào). Tỷ lệ hiện mắc sốt rét phía Lào (5,2%) cao hơn phía Việt Nam (1,8%) [97]. Các phỏng vấn KAP, thảo luận nhóm có trọng tâm, điều tra côn trùng cũng được tiến hành cả 2 biên giới [98].

Trong lúc phối hợp điều tra sốt rét vùng biên giới chúng tôi đã phát hiện 1 loại KSTSR mới lây từ khỉ sang người là Plasmodium knowlesi cả 2 bên biên giới Việt - Lào [124]. So sánh với các nghiên cứu trước đây của Bùi Quang Phúc [46] và nhiều tác giả khác ở trong nước thì nghiên cứu của chúng tôi có một phát hiện mới và có sự khác biệt rất quan trọng, đã được thông báo tại hội nghị quốc tế về sốt rét lây từ khỉ sang người năm 2011. Kết quả điều tra sốt rét vùng biên giới giữa 2 tỉnh được đăng trên tạp chí BioMed Central Journal tháng 8/2012 [97]. Sự có mặt của P.knowlesi ở vùng biên giới càng thể hiện tính phức tạp và đa dạng của tình hình dịch tễ sốt rét vùng biên giới của tỉnh Quảng Trị, như vậy ở đây bên cạnh sự lây lan sốt rét giữa người với người còn có sự lây lan bệnh sốt rét giữa khỉ với người. Phác đồ điều trị P.knowlesi giống với điều trị P.vivax [4].

Phối hợp can thiệp phòng chống sốt rét tại vùng biên giới 2 tỉnh


Khác với các can thiệp thường quy trước đây, lần đầu tiên can thiệp này đã có sự phối hợp cả 2 bên biên giới của 2 tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và Savannakhet (Lào). Tỉnh Quảng Trị giúp tỉnh Savannakhet phun hoá chất PCSR tại một số bản có tỷ lệ mắc sốt rét cao trong năm 2011: phun hoá chất cho 7/7 bản giáp 2 xã can thiệp với 191/192 hộ đạt 99,48% - dân số: 99,50% và 3/5 bản giáp 2 xã chứng với 172/179 hộ đạt 96,10% - dân số: 96,31%. Trong 2 năm 2011-2012: Phun hoá chất cho 476 hộ,

2.228 người, tỷ lệ 97,6%.


Sau can thiệp, thành phần loài và mật độ véc tơ tại các bản Lào, số bệnh nhân người Lào sang điều trị giảm. Khác với nghiên cứu của Amnat Khamsiriwatchara mới dừng ở mức báo cáo tình hình sốt rét nhập cư qua biên giới của các nước [76].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 143 trang tài liệu này.

4.3.3. Đánh giá kết quả can thiệp mô hình phòng chống sốt rét tại hộ gia đình tại các xã biên giới sau can thiệp.

4.3.3.1. Kết quả phòng chống sốt rét ở nhóm chứng

Nghiên cứu thực trạng sốt rét và đánh giá kết quả can thiệp phòng chống sốt rét tại một số xã biên giới của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - 16

Tại nhóm chứng: Tỷ lệ hiện mắc sốt rét của nhóm chứng sau can thiệp giảm ít so với trước. Không có các hoạt động phát hiện và điều trị sốt rét tại hộ gia đình.

Các hoạt động về truyền thông giáo dục, vệ sinh môi trường phòng chống sốt rét được tiến hành rất ít, chỉ mỗi năm/một đợt theo thường quy nên kết quả đạt được không cao: Số người có kiến thức, thái độ, thực hành về phòng chống sốt rét đúng của nhóm chứng trước và sau can thiệp ít thay đổi, thái độ ứng xử của người dân trong việc thay đổi phong tục tập quán từ không ngủ màn sang có ngủ màn chưa cao nên tỷ lệ ngủ màn vẫn thấp. Kết quả ít có sự thay đổi so với trước can thiệp và hiệu quả đạt thấp hơn nghiên cứu của Hoàng Hà ở xã Thanh năm 2006, điều này chứng tỏ nếu chúng ta không duy trì những hoạt động truyền thông giáo dục một cách thường xuyên thì những kết quả trước đó đến năm 2010 vẫn giảm xuống.

4.3.3.2. Kết quả can thiệp của mô hình phòng chống sốt rét tại hộ gia đình.

Tỷ lệ hiện mắc sốt rét

So sánh 2 nhóm trước can thiệp: Tỷ lệ hiện mắc sốt rét giữa nhóm can thiệp và nhóm chứng gần tương đương.

So sánh 2 nhóm sau can thiệp: Tỷ lệ hiện mắc sốt rét nhóm can thiệp thấp hơn nhóm chứng nhiều và có sự khác biệt. Có các hoạt động phát hiện và điều trị sốt rét tại hộ gia đình.

Tỷ lệ mắc mới bệnh nhân sốt rét qua theo dõi dọc sau can thiệp của nhóm can thiệp giảm so với nhóm chứng. Nghiên cứu này có so sánh đối chứng và so sánh trước sau, khác với nghiên cứu của Hoàng Hà tại 5 xã biên giới cũng ở vùng này trước đây chỉ so sánh trước sau trên cùng một nhóm can thiệp.

Tại nhóm can thiệp: Tỷ lệ hiện mắc sốt rét của nhóm can thiệp giảm nhiều so với trước can thiệp, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Tỷ lệ mắc mới sốt rét qua theo dõi dọc của nhóm can thiệp giảm so với trước can thiệp.

Kết quả thay đổi kiến thức, thái độ, thực hành về PCSR Trước can thiệp:

Xã Xy, xã Thuận: Tỷ lệ mù chữ khá cao 62,5%, điều này có ảnh hưởng đến kết quả truyền thông phòng chống bệnh sốt rét. Tỷ lệ màn có trong dân cao: 1,0 người/màn đôi, đủ để phòng chống muỗi đốt. Tuy vậy còn phụ thuộc vào nhận thức và hành vi của người dân về hoạt động nằm màn để phòng chống bệnh sốt rét.

Số người có kiến thức, thái độ, thực hành về phòng chống sốt rét đúng giữa 2 nhóm thấp và không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

So sánh với nghiên cứu của Lê Xuân Hùng và cs ở dân tộc Racglei tỉnh Ninh Thuận [26] thì kết quả điều tra KAP của chúng tôi là tương đương.

Sau can thiệp:

Ở nhóm chứng:

Số người có kiến thức, thái độ, thực hành về phòng chống sốt rét đúng sau can thiệp có thay đổi ít, không có sự khác biệt, p>0,05.

Tại nhóm can thiệp: Truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, thảo luận nhóm trọng tâm do các cán bộ y tế xã, thôn thực hiện và nói bằng tiếng địa phương. Các hoạt động truyền thông PCSR được tổ chức thường xuyên, số lượng thực hiện đạt cao. Truyền thông cho nhóm đối tượng đích (vào rừng, qua lại biên giới).

Tại nhóm can thiệp, do được thường xuyên tác động về hộ gia đình nên có sự thay đổi rõ về kiến thức, thái độ và thực hành phòng chống sốt rét theo hướng tốt hơn có sự thay đổi về phong tục, tập quán: Thái độ ứng xử với bệnh sốt rét đã theo hướng tốt hơn, khi bị sốt đã đến trạm y tế, thái độ ứng xử với phong tục tập quán cũng theo hướng tiến bộ như: ít cúng thầy mo, nhiều hộ gia đình đã dời chuồng gia súc ra xa nhà, dời bếp lửa ra khỏi nhà và tỷ lệ ngủ màn tăng lên.

Vệ sinh môi trường phòng chống sốt rét

Tại nhóm can thiệp các hoạt động vệ sinh môi trường PCSR được thực hiện tại hộ gia đình có kế hoạch chủ động, có sự tổ chức, kết quả được cải thiện tốt và nhanh chóng, có ảnh hưởng đến kết quả PCSR.

Mô hình phòng chống sốt rét tại hộ gia đình ở nhóm can thiệp

Số người có kiến thức, thái độ, thực hành về phòng chống sốt rét đúng của nhóm can thiệp sau can thiệp tăng lên nhiều lần, có sự khác biệt so với trước can thiệp. So sánh với nghiên cứu trước đây của chúng tôi tại xã Thanh, huyện Hướng Hoá tỷ lệ hiểu đúng nguyên nhân và triệu chứng của bệnh sốt rét 86,8 và 88,2% [17], nghiên cứu của Lê Xuân Hùng & cs trên nhóm dân tộc Raglei tỉnh Ninh Thuận tỷ lệ hiểu biết đúng về nguyên nhân và cách phòng bệnh sốt rét 72,6 và 78,2% [26] và nghiên cứu của Nguyễn Văn Tập ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế tỷ lệ hiểu biết đúng là 78,13% [50] thì kết quả nghiên cứu hiện nay là cao hơn.

So sánh giữa 2 nhóm

Kết quả truyền thông giáo dục PCSR của nhóm can thiệp đạt kết quả cao hơn nhóm chứng. Số người có kiến thức, thái độ, thực hành về phòng chống sốt rét đúng giữa 2 nhóm có sự khác biệt. Có những hoạt động chỉ được thực hiện ở nhóm can thiệp: Thảo luận nhóm trọng tâm

Vệ sinh môi trường được đẩy mạnh toàn diện, có sự phối hợp của chính quyền, các ban ngành ở xã một cách đồng bộ. Kết quả vệ sinh môi trường PCSR nhóm can thiệp đạt kết quả cao hơn nhiều lần so với nhóm chứng. Tỷ suất chênh giữa nhóm can thiệp và nhóm chứng từ 6,3 - 15,6, có sự khác biệt.

4.3.3.3. Đánh giá hiệu quả can thiệp của mô hình phòng chống sốt rét tại hộ gia

đình ở biên giới

Đánh giá hiệu quả can thiệp của mô hình phòng chống sốt rét tại hộ gia đình ở nhóm can thiệp. Tại nhóm này thực hiện cả 2 biện pháp: Phát hiện và điều trị sốt rét tại hộ gia đình và tại trạm y tế xã do đó tỷ lệ mắc sốt rét giảm tốt. Quản lý được đối tượng giao lưu qua biên giới, phát hiện và điều trị sớm những người mắc sốt rét trong nhóm đối tượng này. Nhóm can thiệp đạt hiệu quả can thiệp về tỷ lệ hiện mắc sốt rét 68,2% và tỷ lệ hiện mắc ký sinh trùng sốt rét 70,6% cao hơn nhóm chứng.

Có kết quả tốt ở nhóm can thiệp sau can thiệp so với trước. Sự thay đổi có ý nghĩa ở nhóm can thiệp, sau can thiệp tỷ lệ mắc sốt rét giảm 3,3 lần (0,7/2,2) so với trước can thiệp.

Truyền thông giáo dục trực tiếp về hộ gia đình, chủ động, thường xuyên, với nhiều đối tượng, nhiều biện pháp thích hợp: CSHQ = 91,0%

Đánh giá hiệu quả ở nhóm chứng

Tại nhóm này chỉ có 1 biện pháp: phát hiện và điều trị tại trạm y tế theo thường quy do đó tỷ lệ mắc sốt rét giảm ít. Không quản lý đối tượng giao lưu qua lại biên giới tại hộ gia đình.

Truyền thông giáo dục chỉ thực hiện mỗi năm 1 đợt theo thường quy. Nhóm chứng chỉ đạt hiệu quả can thiệp 41,5%

Tỷ lệ hiện mắc sốt rét ở nhóm chứng có giảm, nhưng không có sự khác biệt trước và sau can thiệp [24].

Đánh giá hiệu quả can thiệp của nhóm can thiệp so với nhóm chứng

Tỷ lệ hiện mắc sốt rét giữa nhóm can thiệp và nhóm chứng có sự khác biệt với. CSHQ của nhóm can thiệp đạt cao hơn nhóm chứng 26,3%.

Tỷ lệ hiện mắc ký sinh trùng sốt rét của nhóm can thiệp giảm nhiều hơn nhóm chứng. HQCT của nhóm can thiệp đạt cao hơn nhóm chứng 28,9%.

Mô hình mô hình phòng chống sốt rét tại hộ gia đình thực hiện ở nhóm can thiệp có hiệu quả tốt hơn mô hình phòng chống sốt rét thường quy 26,3%.

Sự thay đổi kiến thức, thái độ và thực hành phòng chống sốt rét của nhóm can thiệp tốt hơn nhóm chứng. HQCT của nhóm can thiệp cao hơn nhóm chứng 30,2%.

Có sự khác nhau về hiệu quả can thiệp phòng chống sốt rét của nhóm can thiệp so với nhóm chứng với D = 28,9%.

So sánh với các nghiên cứu trước đây của chúng tôi thường chỉ tác động đến một lĩnh vực: hoặc là tăng cường biện pháp phòng chống véc tơ, hoặc tăng cường biện pháp phát hiện và điều trị hoặc tăng cường biện pháp truyền thông thì nghiên cứu này áp dụng tổng hợp một loạt các biện pháp trên một cách toàn diện.

Khác với các nghiên cứu trước đây về biện pháp phòng chống sốt rét tại 2 xã trọng điểm vùng biên giới Việt-Lào [18] và của tác giả khác [28], nghiên cứu này đã áp dụng biện pháp phát hiện và điều trị về đến tận thôn bản, hộ gia đình nhờ vậy đã phát hiện và điều trị sớm bệnh nhân sốt rét, giảm nguồn lây một cách chủ động.

Người dân cả hai bên biên giới thường qua lại qua con đường giao lưu tự do, chính quyền và y tế xã ít khi kiểm soát được nên nhiều người bị sốt rét đã bị bỏ sót. Tại nhóm can thiệp do tiến hành quản lý sốt rét tại hộ gia đình nên YTTB đã nắm được hết những người trong thôn sang Lào và những người trở về bị mắc sốt rét, bên cạnh đó người Lào sang thôn chơi bị sốt rét cũng được ghi chép, xét nghiệm và điều trị kịp thời nên ít bỏ sót bệnh nhân. Chỉ số hiệu quả can thiệp về tỷ lệ phát hiện và điều trị bệnh nhân sốt rét do giao lưu biên giới tại nhóm can thiệp so với trước can thiệp đạt 66,7% và hiệu quả can thiệp so với nhóm chứng đạt 56,5%.

Lần đầu tiên trong phòng chống sốt rét ở Việt Nam đã có sự phối hợp trong việc điều tra, đánh giá tình hình sốt rét tại vùng biên giới giữa 2 nước, có sự phối hợp phòng chống sốt rét cho vùng biên giới giữa 2 quốc gia. Sự hợp tác mang tính quốc tế và góp phần cũng cố tình hữu nghị giữa 2 dân tộc, có hướng cho tương lai phối hợp PCSR cho vùng biên giới giữa 2 quốc gia và đã xây dựng một sự hợp tác có tính bền vững [97].

Tính khả thi của mô hình

Qua các kết quả trên cho thấy mô hình phòng chống sốt rét tại hộ gia đình phối hợp với mở rộng phòng chống sốt rét ở vùng biên giới giữa 2 nước được áp dụng trong nghiên cứu này là có hiệu quả, khả thi có thể áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương, bổ sung thêm cho chương trình quốc gia phòng chống sốt rét. Mô hình này có thể áp dụng cho nhiều tỉnh của Việt Nam có chung đường biên giới với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia và các quốc gia có chung đường biên giới.

Mô hình phòng chống sốt rét tại hộ gia đình có thể thực hiện có hiệu quả nếu xây dựng được mạng lưới y tế xã, thôn bản hoạt động tốt, nhiệt tình. Có hỗ trợ thêm nguồn lực: kinh phí, vật tư...

Tính thực tiễn và đóng góp của mô hình mới

Người dân được phát hiện bệnh sốt rét, được tư vấn và điều trị sốt rét sớm ngay tại nhà. Quản lý được đối tượng giao lưu qua biên giới và người giao lưu bị sốt ngay tại hộ gia đình. Kết quả đã giảm được số bệnh nhân có ký sinh trùng sôt rét lưu hành; giảm số bệnh nhân sốt rét tại các xã biên giới của huyện Hướng Hoá. Kết

quả nghiên cứu đưa ra mô hình phòng chống sốt rét tại hộ gia đình phối hợp phòng chống sốt rét tại vùng biên giới 2 tỉnh Quảng Trị (Việt Nam)-Savannakhet (Lào) và sẽ trở thành mô hình để bổ sung cho chương trình phòng chống sốt rét quốc gia áp dụng vào các địa phương trong nước có chung đường biên giới như tỉnh Quảng Trị.

Điểm mới của mô hình

Từ trước đến nay công tác phòng chống sốt rét chỉ mới thực hiện đầy đủ ở

trạm y tế xã, chưa có mô hình phòng chống sốt rét tại hộ gia đình.

Chưa có mô hình quản lý và phòng chống sốt rét tại vùng biên giới.

- Với phạm vi đề tài này, chúng tôi xây dựng mô hình quản lý và phòng chống sốt rét tại hộ gia đình ở vùng biên giới tỉnh Quảng Trị đạt được các kết quả:

+ Quản lý đối tượng có nguy cơ mắc sốt rét cao do giao lưu qua biên giới, đi rừng, ngủ rẫy. Chẩn đoán, điều trị sớm cho những người bị mắc sốt rét ngay tại hộ gia đình, góp phần giảm lây lan cho cộng đồng.

+ Áp dụng biện pháp truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình ở các xã biên giới, tập trung vào đối tượng đích là giao lưu vào rừng và qua lại biên giới.

- Phối hợp khảo sát tình hình sốt rét và phòng chống sốt rét cả hai bên biên giới của 2 tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và Savannakhet (Lào).

- Phát hiện thêm loài KSTSR mới P.knowlesi ở tỉnh Quảng Trị.

Những bài học kinh nghiệm thực hiên mô hình can thiệp

Phải có sự nhất trí thực hiện giữa y tế và chính quyền, ban ngành các cấp; Xây dựng đội ngũ y tế xã, thôn bản nhiệt tình hoạt động;

Có kinh phí hỗ trợ, có kiểm tra, giám sát, có thi đua khen thưởng để động viên liên tục kịp thời của chính quyền địa phương, y tế tuyến trên.

Tính duy trì và nhân rộng

Điều kiện duy trì được mô hình: Có sự nhất trí và chỉ đạo thực hiện của Sở y tế, có sự nhiệt tình của y tế cơ sở, có đội ngũ y tế thôn bản có trình độ cơ bản tốt.

Có sự phối hợp giữa Sở y tế của 2 tỉnh có chung đường biên giới, ở mức cao

hơn là phối hợp chỉ đạo giữa Bộ Y tế của 2 quốc gia.

Điều kiện nhân rộng

Có sự thống nhất chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh. Đưa mô hình phòng chống sốt rét tại hộ gia đình trở thành mô hình PCSR chính thức của Bộ Y tế.

Có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho y tế thôn bản để thực hiện mô hình.

Mô hình phòng chống mới này như vậy đã đạt được kết quả rất tốt, có thể nhân rộng ra các địa phương khác có điều kiện địa lý , kinh tế xã hội và y tế tương tự.

Những điểm hạn chế của nghiên cứu

1) Nghiên cứu chọn 4 xã mắc sốt rét cao nhất có tình hình sốt rét luôn luôn biến động phức tạp rất cần có các can thiệp có hiệu quả để làm giảm mắc sốt rét. Chính vì vậy nếu xét về điều tra dịch tễ thì sẽ không đại diện được cho toàn huyện Hướng Hoá, tuy nhiên sẽ áp dụng thuận lợi cho mô hình PCSR tại hộ gia đình ở biên giới có hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn về PCSR tại tỉnh Quảng Trị.

2) Nghiên cứu tuân thủ các quy trình của điều tra, điều tra viên được tập huấn và điều tra thử. Tuy vậy vẫn còn một số hạn chế khi xác định sốt rét do đi rừng, qua Lào vì có thể bệnh nhân đã bị nhiễm sốt rét trước đó nhưng chưa có biểu hiện sốt và không được xét nghiệm.

3) Xác định bệnh nhân mắc sốt rét do đi Lào (mắc tại Lào) trên thực tế đã thấy rõ do tỷ lệ mắc sốt rét tại Lào là cao hơn ở Quảng Trị nhiều lần, tuy nhiên việc xác định chứng cớ còn gặp nhiều khó khăn do thời gian ủ bệnh của ký sinh trùng sốt rét ít nhất là 8 ngày (P.falciparum) nên có thể đã mắc ở một trong hai bên biên giới.

4) Ước lượng khoảng cách từ nhà đến rừng bằng: chiều dài của ngôi nhà = 1 lần x số lần = số mét (m) cũng chỉ cho ta độ chính xác tương đối theo khuynh hướng trội nghĩa là trên thực tế khoảng cách này có thể ngắn hơn.

Xem tất cả 143 trang.

Ngày đăng: 16/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí