Nghiên cứu thống kê tác động tổng hợp của du lịch đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam - 2


DANH MỤC BIỂU ĐỒ

Biểu đồ 3.1. Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam từ năm 2001 đến năm 2015 ...

Biểu đồ 3.2: Cơ cấu giá trị tăng thêm tổng hợp của du lịch quốc tế đến của Việt Nam năm 2013 94

Biểu đồ 3.3: Cơ cấu giá trị tăng thêm tổng hợp của du lịch nội địa của Việt Nam năm 2013 95

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do lựa chọn đề tài

Hoạt động du lịch ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Du lịch đang trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa, xã hội của con người. Hơn thế, cùng với sự phát triển về kinh tế, nhu cầu về du lịch tăng lên không ngừng với các hình thức du lịch ngày càng đa dạng. Du lịch được coi là ngành công nghiệp không khói vì đã có tác động và đóng góp không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế của nhiều vùng lãnh thổ, nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Theo thống kê của World Travel & Tourism Council –WTTC (2012), tổng doanh thu tạo ra từ du lịch chiếm khoảng 9,2% tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu với trên 6,5 nghìn tỷ đô la Mỹ và việc làm cho hơn 260 triệu người. Dự báo trong mười năm tới, với mức tăng trưởng bình quân khoảng 4% năm, hoạt động du lịch sẽ tạo ra giá trị chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu, tương ứng với 10 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Nền kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, du lịch trở thành tiêu chuẩn để đánh giá mức sống và chất lượng cuộc sống của các tầng lớp dân cư trong xã hội. Sản phẩm tiêu dùng trong du lịch vừa để đáp ứng những yêu cầu thiết yếu của đời sống hàng ngày (ăn, mặc, ở, đi lại,..), vừa để thỏa mãn những nhu cầu đặc biệt của con người (tìm hiểu, khám phá thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, …). Chính vì vậy, hoạt động du lịch có liên quan đến rất nhiều ngành hoạt động trong nền kinh tế. Mức độ ảnh hưởng và lan tỏa của hoạt động du lịch đối với kinh tế trong mối liên hệ liên ngành, liên quốc gia là rất đáng kể. Để có thể quan sát, đo lường, đánh giá, phân tích được hoạt động du lịch cần có phương pháp luận khoa học và thống nhất trên phạm vi quốc tế. Cho đến nay có nhiều cách đánh giá và ghi nhận những tác động của hoạt động du lịch vào phát triển kinh tế xã hội khác nhau. Có thể đánh giá tác động của hoạt động du lịch dựa trên đo lường trực tiếp kết quả hoạt động du lịch (từ phía cung): Theo doanh thu, theo vốn, lao động,… hoặc đánh giá dựa trên tổng số chi tiêu của khách du lịch (từ phía cầu). Vấn đề đặt ra là cách đánh giá nào phản ánh toàn diện nhất, tổng hợp nhất đồng thời cho phép phân chia chi tiết theo từng loại khách du lịch để đo lường tác động, đồng thời xem xét, đánh giá và phân tích được đóng góp của chúng đối với nền kinh tế trong nước và trên toàn cầu.

1.1. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu

Trên thế giới và trong nước, đã có nhiều tổ chức, cá nhân nghiên cứu về phản ánh, đo lường và đánh giá tác động của hoạt động du lịch đến tăng trưởng kinh tế trong phạm vi một vùng, một quốc gia.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.


1.1.1. Các công trình nghiên cứu nước ngoài

Nghiên cứu thống kê tác động tổng hợp của du lịch đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam - 2

Các tài liệu đã công bố ở nước ngoài về du lịch gồm các tài liệu nhằm xác định, mô tả và phản ánh kết quả của hoạt động du lịch và các nghiên cứu về đánh giá, đo lường tác động và đóng góp của du lịch đến tăng trưởng kinh tế.

1.1.1.1. Các nghiên cứu phản ánh kết quả hoạt động du lịch

Trong các tài liệu ở nước ngoài liên quan đến xác định, mô tả hoạt động du lịch, trước hết cần nói đến Tài khoản vệ tinh du lịch (viết tắt là TSA) do Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) biên soạn trong khuôn khổ của Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) đã được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới và được giới thiệu phiên bản mới nhất năm 2009 trong United Nations (2009)..

(1). Tài khoản vệ tinh du lịch

Quá trình hình thành và phát triển của TSA gắn liền với SNA đã được đề cập khá chi tiết trong United Nations (2009, tr.20-22).

Năm 1983, trong cuộc họp lần thứ năm của Đại hội đồng UNWTO tại Niu-đê-hi đã trình bày báo cáo giải thích khả năng mô tả ngành du lịch dựa vào các khuyến nghị của SNA 1968. Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận hoạt động du lịch như là một công cụ đo lường thống nhất, toàn diện và bảo đảm tính so sánh với các ngành kinh tế khác. Bản báo cáo này được coi là một tài liệu hướng dẫn chung cho hầu hết các hoạt động, các khái niệm và số liệu thống kê quốc tế của UNWTO.

Năm 1985, OECD đã tiến hành lồng ghép, gắn kết thống kê du lịch vào SNA. Khi xây dựng cuốn Sổ tay hướng dẫn về tài khoản kinh tế du lịch (TEA), OECD đã xem xét các vấn đề phức tạp nổi cộm liên quan đến đo lường thống kê du lịch, gồm kết hợp nguồn cung của các hoạt động du lịch và tiêu dùng của du khách, cũng như cách xử lý các chuyến du lịch trọn gói.

Năm 1991, Hội thảo quốc tế về Thống kê du lịch và lữ hành tổ chức tại Ottawa từ ngày 24 đến ngày 28 tháng 6 năm 1991, UNWTO đã đặt nền móng cho việc xây dựng các định nghĩa thống kê về du lịch quốc tế và du lịch nội địa cũng như phân loại các hoạt động du lịch, và các vấn đề liên quan đến thống kê quốc tế khác. Hội thảo đã đặc biệt quan tâm tới việc gắn kết của hệ thống thông tin du lịch với SNA. TSA chủ yếu mô tả một cách tự nhiên và không đo lường những ảnh hưởng gián tiếp cũng như các hiệu ứng tạo ra từ tiêu dùng của du khách đến toàn bộ nền kinh tế. Điều đó có nghĩa là những tác động của du lịch đến nền kinh tế không được phản ánh một cách đầy đủ và


toàn diện trong các biểu bảng TSA.

Năm 1993, UNWTO đã giới thiệu tiêu chuẩn thống kê trong du lịch trong tài liệu mang tên “Khuyến nghị về Thống kê Du lịch năm 1993”. Đây là tài liệu đầu tiên đề cập đến các tiêu chuẩn quốc tế trong thống kê du lịch.

Tài khoản vệ tinh du lịch - Khuyến nghị về phương pháp luận năm 2000 (TSA: RMF 2000) là phiên bản có cấu trúc thống nhất với các khung hướng dẫn của SNA 1993. TSA: RMF 2000 đã điều chỉnh các định nghĩa trong bản khuyến nghị thống kê du lịch năm 1993. TSA: RMF 2000 cũng đề cập tới các hình thức du lịch, phân loại tiêu dùng du lịch, phân loại sản phẩm và các hoạt động liên quan đến du lịch.

Sự khác nhau chính giữa TSA: RMF 2000 và các tài liệu cập nhật hiện nay tập trung theo hướng làm rõ các khái niệm về chi tiêu du lịch và tiêu dùng du lịch, nhu cầu tiêu dùng các loại hàng hóa của du khách và xem xét các hình thức mới về quyền sở hữu nhà ở cũng như hoạt động chuyên tổ chức sự kiện, hội thảo.

Khi trở thành một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc vào năm 2001, UNWTO đã chủ động, tích cực thực hiện lồng ghép hệ thống khái niệm, định nghĩa trong TSA phù hợp hơn nữa với SNA; đồng thời khuyến khích các nước thành viên thống nhất áp dụng nhằm đảm bảo tính so sánh quốc tế của thống kê du lịch thế giới.

Tháng 2/2008 tại New York, hệ thống tiêu chuẩn quốc tế mới về thống kê đã được Uỷ ban Thống kê của Liên hợp quốc phê duyệt cùng với tài liệu mang tên “Khuyến nghị về Thống kê du lịch năm 2008” (TSA: RMF 2008) do UNWTO hoàn thiện và giới thiệu. TSA: RMF 2008 trình bày một hệ thống các khái niệm, định nghĩa, cách thức phân loại và chỉ tiêu thống nhất với nhau và đặt trong mối liên hệ với SNA 2008, cán cân thanh toán và số liệu thống kê về lao động, … Nội dung mới trong TSA: RMF 2008 liên quan đến cập nhật các hoạt động kinh tế vĩ mô của các nước thành viên. Một số điểm mới của TSA: RMF 2008: (i) Làm rõ sự khác nhau giữa chi tiêu du lịch và tiêu dùng du lịch; (ii) Cải tiến phân loại các hoạt động sản xuất gắn với phân loại sản phẩm riêng phục vụ mô tả và phân tích hoạt động du lịch; (iii) Làm rõ vấn đề việc làm trong ngành du lịch; (iv) Giải thích rõ hơn về ý nghĩa và sử dụng các bảng số liệu tổng hợp; …

Áp dụng TSA: RMF 2008 giúp các nước thành viên thực hiện theo tiêu chuẩn thống nhất về thống kê về du lịch trong mối liên hệ với thống kê các ngành kinh tế khác trong nền kinh tế. Từ đó, đánh giá được vai trò của ngành du lịch trong mối liên hệ, so sánh với các ngành kinh tế khác đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia; so sánh hoạt động du lịch giữa các quốc gia; đồng thời hỗ trợ việc đánh giá, phân tích


và dự đoán sự phát triển của du lịch trên toàn thế giới.

TSA: RMF 2008 được biên soạn nhờ sự đóng góp to lớn của nhiều tổ chức, quốc gia và cá nhân với mục đích xây dựng một hệ thống đo lường đầy đủ và toàn diện phản ánh hoạt động du lịch. Lịch sử hình thành và phát triển của TSA có liên quan chặt chẽ với các khuyến nghị về thống kê du lịch và sự phát triển của SNA.

Dựa trên TSA: RMF 2008, cơ quan Thống kê Châu Âu đã biên soạn nhiều tài liệu hướng dẫn chi tiết hơn, phù hợp hơn với thực tiễn của khu vực như: Sổ tay hướng dẫn thực hành tài khoản vệ tinh du lịch; Sổ tay du lịch nội địa (MEDSTART II); Hướng dẫn phương pháp áp dụng trong thống kê du lịch cơ bản và du lịch lữ hành, … để áp dụng thống nhất cho các nước thành viên Châu Âu.

(2). Biên soạn tài khoản vệ tinh du lịch tại các quốc gia

Nhiều nghiên cứu ở Đức, Úc, Hà Lan, Mexico... đã trao đổi về kinh nghiệm lập TSA như: Giới thiệu về phương pháp chuẩn bị lập TSA của Đức, kết quả thực nghiệm và bình luận ban đầu của Ahlert (2007); chia sẻ kinh nghiệm lập TSA của Úc theo Fleetwood (2004); TSA của Hà Lan, phương pháp tiếp cận và kết quả của Heerschap & cộng sự (2005); Kinh nghiệm và cách lập TSA tại Mê-hi-cô của Rivera.G (1999) hoặc bài viết thảo luận về việc hình thành, phát triển và các vấn đề để xây dựng TSA của Frechtling, D. (1999)... Các bài viết tập trung thảo luận về việc thống nhất các khái niệm có liên quan; quy trình lập TSA trong khuôn khổ thống nhất với SNA; nguồn thông tin; công tác phối hợp thực hiện; kết quả biên soạn TSA trong đó một số bài viết có đề cập đến tác động tổng hợp của du lịch đến nền kinh tế và các khuyến nghị. Một số bài viết đã trình bày kết quả tính toán các bảng biểu trong TSA, phân tích kết quả hoạt động du lịch và giá trị xuất khẩu, nhập khẩu du lịch, tác động trực tiếp của hoạt động du lịch vào GDP. Tuy nhiên, các bài viết này không đề cập đến nguồn số liệu đối với các chỉ tiêu cụ thể và phương pháp tính toán các chỉ tiêu đó như thế nào hay áp dụng mô hình nào để phân tích đánh giá hoặc dự báo hoạt động du lịch.

1.1.1.2. Các nghiên cứu về đánh giá tác động của du lịch đến tăng trưởng kinh tế

Các tổ chức và cá nhân trên thế giới đã nghiên cứu và giới thiệu về việc đo lường hoạt động du lịch theo TSA trong mối liên hệ với Bảng cân đối liên ngành (Bảng I-O)

- được coi là trung tâm của SNA - để đánh giá tác động trực tiếp, gián tiếp và tác động tổng hợp do ảnh hưởng lan tỏa của du lịch đến các ngành kinh tế.

Hai cuốn sách nghiên cứu về đánh giá vai trò của du lịch đối với tăng trưởng kinh tế trong mối liên hệ chặt chẽ giữa lý luận của TSA và SNA gồm: “Sổ tay biên soạn và phân tích Bảng I-O” được xuất bản bởi United Nations năm 1999 và “Giới


thiệu Bảng I-O, ma trận hạch toán xã hội và tài khoản du lịch trong đánh giá hoạt động du lịch” của Tadayuki Hara năm 2008 Đây là hai tài liệu hướng dẫn khá cụ thể về việc sử dụng Bảng I-O trong phân tích hoạt động du lịch thông qua xây dựng một ngành mới không có trong Bảng phân ngành hoạt động (ISIC). Dựa vào cấu trúc của Bảng I- O, ngành mới này được tạo nên do việc tích hợp tất cả các hoạt động phục vụ cho các công ty du lịch và khách du lịch. Sử dụng Bảng I-O kết hợp với các chỉ tiêu tiếp cận từ phía cung và cầu của TSA để đánh giá tác động trực tiếp, gián tiếp và ảnh hưởng lan tỏa của du lịch đến tăng trưởng kinh tế. Hai tài liệu này cũng giới thiệu phương pháp tính toán các loại nhân tử, từ đó phân tích tác động của nhu cầu du lịch đối với các ngành. Tuy nhiên tài liệu này chỉ giới thiệu cách tiếp cận và đề xuất cách tính, không đề cập chi tiết đến các chỉ tiêu có liên quan về khái niệm, phạm vi và phương pháp tính toán. Cuốn sách cũng không phân tích chi tiết hoạt động du lịch theo từng thành phần của nó để từ đó đánh giá sâu hơn, cụ thể hơn trong nội hàm của hoạt động du lịch.

Các nghiên cứu khác ở nước ngoài cũng đã đề cập đến đóng góp của du lịch đến nền kinh tế của các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ. Byan, J. và các cộng sự (2006) đã thảo luận những đóng góp đối với nền kinh tế từ du lịch của Anh trong bài viết “Sự đóng góp của du lịch tới nền kinh tế nước Anh - Tài khoản du lịch”. University of Vermont (1999) giới thiệu nghiên cứu của trường đại học Vermont (Mỹ) với nghiên cứu có tên “ Bảng I-O - Tác động của du lịch đến kinh tế Vermont”. Bang Vermont là bang có thu nhập từ hoạt động du lịch lớn thứ mười của nước Mỹ trong thời gian đó. Các nghiên cứu đã sử dụng các chỉ tiêu của TSA và Bảng I-O để đo lường tác động trực tiếp và gián tiếp của hoạt động du lịch đến kinh tế nước Anh hoặc Vermont. Kết quả kiểm chứng thực nghiệm và phân tích những đóng góp của du lịch đến nền kinh tế đối với trường hợp của nước Anh hoặc vùng Vermont đã được trình bày cùng với một số khuyến nghị. Nghiên cứu của Frechtling, D. (2008) và Smith, S. (2000) đề cập đến lý luận về việc đo lường và phân tích đóng góp của du lịch đến kinh tế vùng, lãnh thổ dựa trên lý luận của TSA và SNA và không có kiểm chứng thực nghiệm. Các nghiên cứu nói trên đều không thảo luận chi tiết về nguồn thông tin, cách ứng dụng Bảng I-O dạng cạnh tranh hay phi cạnh tranh và cũng không đề cập đến việc phân rã hoạt động du lịch thành du lịch quốc tế và du lịch nội địa để quan sát, đo lường, phân tích và đánh giá tác động của chúng đến nền kinh tế.

Như vậy, trong các nghiên cứu nói trên, UNWTO đã xây dựng một hệ thống các bảng, biểu, tài khoản để phản ánh tác động trực tiếp của hoạt động du lịch đối với kết quả hoạt động của toàn nền kinh tế. Những khung đo lường từ UNWTO tương đối chi tiết chủ yếu theo chi tiêu của khách du lịch trong nước và quốc tế. Những khung đo


lường này được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới với mức độ đầy đủ và chi tiết khác nhau. Đây là những thông tin cần thiết để sử dụng cho phân tích, đánh giá tác động của hoạt động du lịch trong phát triển kinh tế. Trong một số nghiên cứu, đặc biệt tài liệu của Dr. Tadayuki Hara đã sử dụng Bảng I-O để phân tích, đánh giá tác động trực tiếp và gián tiếp của hoạt động du lịch nhưng không đề cập tới việc phân chia theo du lịch trong nước và quốc tế để đánh giá riêng tác động của từng loại khách du lịch đối với tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Do đó, cần đưa thêm các biến số khi áp dụng mô hình để phân tích ảnh hưởng toàn diện của hoạt động du lịch theo từng loại khách: Du lịch nội địa và du lịch quốc tế đối với tăng trưởng kinh tế.

1.1.2. Các công trình nghiên cứu trong nước

Ở trong nước có một số công trình nghiên cứu sau đây đã đề cập đến việc phản ánh và đo lường kết quả hoạt động du lịch với phạm vi và mức độ khác nhau.

Trước hết, đề án “Triển khai áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam” của Tổng cục Du lịch (2011) thực hiện đã giới thiệu và hướng dẫn lập TSA cho Việt Nam. Đề án gồm nội dung chính: Nghiên cứu yêu cầu, nguyên tắc lập TSA trên sơ sở lý thuyết và thực tế thực hiện ở một số nước; Đánh giá hiện trạng nguồn thông tin lập TSA của Việt Nam; Xây dựng quy trình lập TSA; Thử nghiệm lập TSA Việt Nam; Các giải pháp thực hiện đề án giai đoạn 2010 – 2015 và Xây dựng lộ trình áp dụng TSA tại Việt Nam giai đoạn 2010 – 2015. Đề án là tài liệu hướng dẫn thực hành tốt nhất cho thực hiện việc lập TSA ở Việt Nam nhằm phản ánh, đo lường kết quả hoạt động du lịch theo khuyến nghị của UNWTO. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, trong phương pháp của TSA cũng chỉ dừng ở việc hướng dẫn đo lường kết quả hoạt động du lịch thông qua một số chỉ tiêu cơ bản dựa trên phương pháp luận của quốc tế. Tài liệu này chưa hướng dẫn cụ thể đối với các chỉ tiêu đánh giá tác động trực tiếp ảnh hưởng của du lịch đến tăng trưởng kinh tế.

Từ năm 2013, dự án EU-ESRT do liên minh Châu Âu tài trợ đã hỗ trợ Tổng cục Du lịch xây dựng Báo cáo Thường niên Du lịch Việt Nam năm 2013 và 2014, trong đó có xác định đóng góp của du lịch vào GDP thông qua Bảng I-O 2007 và Bảng I-O 2012 dạng cạnh tranh của Việt Nam. Dự án này cũng đã xây dựng TSA và tính toán đóng góp chung của du lịch vào tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh năm 2014 (Công cụ để khẳng định vai trò của ngành Du lịch Việt Nam trong nền kinh tế, 2016).

Nội dung các tài liệu và nghiên cứu trên tập trung vào hệ thống hóa và làm rõ các khái niệm, đặc điểm của hoạt động kinh doanh du lịch. Các nghiên cứu cũng đề xuất, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê kết quả du lịch, phương pháp thu thập và tổng


hợp các chỉ tiêu này. Các nghiên cứu chưa đề cập đến phương pháp tính toán một cách đầy đủ và toàn diện tác động của hoạt động du lịch chi tiết theo loại khách du lịch quốc tế và du lịch nội địa đối với tăng trưởng kinh tế.

Tóm lại, TSA được coi là tài liệu cẩm nang mang tính lý thuyết nhằm thống nhất các khái niệm, các chỉ tiêu có liên quan đến du lịch, phương pháp tính toán và lập 10 bảng trong lĩnh vực du lịch để áp dụng chung trên toàn thế giới.

Một số nghiên cứu của nước ngoài đã tiếp cận hoạt động du lịch theo cả phía cung và phía cầu, đã thử nghiệm tính toán cho quốc gia hoăc vùng lãnh thổ nhưng cũng mới dừng lại ở mức độ chung của toàn bộ hoạt động du lịch mà chưa chi tiết theo thành phần chính của nó. Đồng thời các nghiên cứu chưa làm rõ được phương pháp tiếp cận trực tiếp, gián tiếp và tổng hợp. Do đó, để thấy rõ hơn vai trò của từng loại hoạt động du lịch cũng như toàn bộ tác động của nó đối với phát triển kinh tế, cần phân tích hoạt động du lịch chi tiết hơn với cách tiếp cận được thảo luận đầy đủ và toàn diện hơn.

Các nghiên cứu ở trong nước tập trung vào nghiên cứu các khung đo lường với các bảng, các chỉ tiêu, đã trình bày phương pháp thu thập, tính toán và tổng hợp nhằm phản ánh kết quả hoạt động du lịch trong nền kinh tế. Đã có nghiên cứu về sử dụng Bảng I-O dạng cạnh tranh để lượng hóa đóng góp tổng hợp của du lịch nói chung đối với nền kinh tế. Chưa có nghiên cứu trong nước tiếp cận cách tính toán và đo lường tác động trực tiếp, gián tiếp của hoạt động du lịch đến tăng trưởng kinh tế dựa trên Bảng I- O dạng phi cạnh tranh và chi tiết theo chi tiêu của khách du lịch quốc tế và khách du lịch nội địa.

Như vậy, có thể thấy rằng ở cả trong nước và trên thế giới, các nghiên cứu chưa xác định cụ thể về việc sử dụng Bảng I-O dạng phi cạnh tranh và cũng chưa phân rõ một cách tường minh vai trò của du lịch quốc tế và du lịch nội địa khi đánh giá tác động hoạt động du lịch đối với tăng trưởng kinh tế. Do đó chưa thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động tổng hợp của du lịch trên cơ sở phân tích từ hai bộ phận chính của hoạt động du lịch là du lịch quốc tế và du lịch nội địa. Vì vậy, các nghiên cứu chưa xem xét, đánh giá tác động tổng hợp một cách riêng biệt của du lịch quốc tế và du lịch nội địa đối với nền kinh tế; chưa cho thấy rõ về quy mô để có thể so sánh, phân tích sâu hơn vai trò của du lịch quốc tế và du lịch nội địa trong bức tranh về hoạt động du lịch nói chung của toàn bộ nền kinh tế.

Để bổ sung khoảng trống nghiên cứu trên, trước hết Luận án sẽ dựa trên lý luận của TSA nghiên cứu phương pháp xác định, đo lường du lịch quốc tế và du lịch nội địa

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/03/2023