Phát Triển Hệ Thống Cơ Sở Vật Chất - Kỹ Thuật Du Lịch Cội Nguồn

thái riêng biệt đó (Phạm Trung Lương và cs., 2000; Bùi Thị Hải Yến, 2007). Có thể nói, tài nguyên du lịch cội nguồn là một trong những yếu tố cơ bản, điều kiện tiên quyết để hình thành và phát triển du lịch cội nguồn của một địa phương.

Tài nguyên du lịch cội nguồn là tiền đề để phát triển du lịch cội nguồn, nó thường là những giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của một địa phương (Phạm Trung Lương và cs., 2000). Tài nguyên du lịch cội nguồn là một bộ phận của tài nguyên du lịch nhân văn. Tài nguyên du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch (Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2005). Căn cứ vào khái niệm, đặc điểm du lịch cội nguồn, cho thấy tài nguyên du lịch cội nguồn bao gồm di sản văn hóa, di tích lịch sử văn hóa, bảo tàng, lễ hội và các một số tài nguyên khác như các đối tượng gắn liền với dân tộc học, làng nghề,… (Sơ đồ 1.1).


Tài nguyên du lịch cội nguồn

Di sản văn hóa

Di tích lịch sử văn hóa


Lễ hội


Bảo tàng

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 202 trang tài liệu này.

Tài nguyên khác

Sơ đồ 1.1 Tài nguyên du lịch cội nguồn

Nghiên cứu phát triển du lịch cội nguồn ở tỉnh Phú Thọ - 5

Nguồn: Phạm Trung Lương và cs. (2000)

Phát triển tài nguyên du lịch cội nguồn chính là nâng cao giá trị và số lượng tài nguyên du lịch cội nguồn, cụ thể:

- Nâng cao giá trị của các di sản văn hóa và di tích lịch sử văn hóa. Di sản văn hóa và di tích lịch sử văn hóa là những không gian vật chất cụ thể, khách quan, trong đó chứa đựng các giá trị điển hình lịch sử, do tập thể cá nhân con người hoạt động sáng tạo ra trong lịch sử (Chu Huy, 2004; Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ

nghĩa Việt Nam, 2009; Lê Thị Vân, 2008). Nâng giá trị của các di tích lịch sử văn hóa thành di sản, thành di tích xếp hạng cấp quốc gia, di tích xếp hạng cấp vùng, đồng thời bảo tồn, bảo vệ, sưu tầm và phục dựng các di sản văn hóa và di tích lịch sử văn hóa chính là những hoạt động phát triển tài nguyên du lịch cội nguồn.

- Phục dựng lễ hội và nâng cấp quản lý lễ hội. Lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hóa tổng hợp hết sức đa dạng và phong phú, là một kiểu sinh hoạt tập thể của nhân dân sau thời gian lao động mệt nhọc hoặc là một dịp để con người hướng về tổ tiên, ôn lại truyền thống (Phạm Trung Lương và cs., 2000; Dương Văn Sáu, 2004). Các lễ hội đã tạo nên một môi trường mới giúp cho con người tham dự có điều kiện tiếp xúc với bí ẩn của nguồn cội. Lễ hội dân tộc thu hút những ai muốn hành hương trở về cội nguồn với những nét đặc sắc văn hóa của dân tộc (Phạm Bá Khiêm, 2007). Vì thế, việc phục dựng các lễ hội, nâng cấp quản lý các lễ hội chính là biểu hiện của phát triển tài nguyên du lịch cội nguồn.

- Sưu tầm tài liệu, hiện vật cổ và nâng hạng bảo tàng. Tài liệu, hiện vật cổ trong bảo tàng là một loại tài nguyên du lịch cội nguồn. Trong phát triển du lịch cội nguồn tại địa phương thì bảo tàng chính là một thành tố quan trọng, một địa chỉ ý nghĩa cho hành trình du lịch của mỗi du khách (Phạm Trung Lương và cs., 2000). Vì vậy, sưu tầm thêm các tài liệu, hiện vật cổ và nâng hạng bảo tàng là hoạt động phát triển tài nguyên du lịch cội nguồn.

Phát triển tài nguyên du lịch cội nguồn là một nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển du lịch cội nguồn. Do đó, phát triển du lịch cội nguồn ở một địa phương luôn gắn liền với sự phát triển tài nguyên du lịch cội nguồn của địa phương đó.

1.1.4.2. Phát triển hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch cội nguồn

Cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch được hiểu là toàn bộ các phương tiện vật chất kỹ thuật do các tổ chức du lịch tạo ra để khai thác các tiềm năng du lịch, tạo ra các sản phẩm dịch vụ và hàng hóa cung cấp và làm thỏa mãn nhu cầu của du khách. Chúng bao gồm hệ thống các cơ sở lưu trú, nhà hàng, các khu vui chơi giải trí, phương tiện vận chuyển, các doanh nghiệp lữ hành (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa, 2008). Theo đó, hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch cội nguồn là điều kiện phục vụ

khách, tạo thuận lợi cho các hoạt động tại điểm đến của khách du lịch cội nguồn. Hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch cội nguồn tiêu biểu là cơ sở lưu trú du lịch, vận chuyển, lữ hành, ăn uống và các cơ sở dịch vụ giải trí, mua sắm (Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2005). Vì vậy, trong nghiên cứu này, phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch cội nguồn còn gọi là phát triển hệ thống các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cội nguồn. Phát triển du lịch cội nguồn luôn gắn liền với số lượng và chất lượng của hệ thống này.

Cơ sở lưu trú (cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú) chính là bộ phận đặc trưng nhất trong hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch cội nguồn. Cơ sở lưu trú tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ,... Thành phần chính của bộ phận này là hệ thống các toà nhà với các phòng nghỉ và các trang thiết bị tiện nghi đảm bảo điều kiện cho sinh hoạt hàng ngày của du khách (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa, 2008). Quy mô và chất lượng của các cơ sở lưu trú được đánh giá chủ yếu bằng số lượng cơ sở lưu trú, số lượng buồng phòng và cấp hạng của chúng.

Cơ sở vận chuyển (cơ sở kinh doanh dịch vụ vận chuyển) khách du lịch cội nguồn là đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển cho khách du lịch cội nguồn theo tuyến du lịch, theo chương trình du lịch và tại các khu du lịch, điểm du lịch, đô thị du lịch (Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2005). Quy mô và chất lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách du lịch cội nguồn được đánh giá chủ yếu thông qua phương tiện vận chuyển khách du lịch.

Doanh nghiệp lữ hành (doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành) đảm nhận chức năng chủ yếu là tổ chức xây dựng, bán và thực hiện các chương trình du lịch, đồng thời làm cầu nối giữa khách du lịch với các nhà cung cấp sản phẩm du lịch cội nguồn hay với các điểm du lịch cội nguồn (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa, 2008). Chương trình du lịch cội nguồn là lịch trình, các dịch vụ và giá bán chương trình được định trước cho chuyến đi của khách du lịch cội nguồn từ nơi xuất phát đến điểm kết thúc chuyến đi (Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2005).

Hệ thống cơ sở ăn uống (cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống) là những cơ sở

kinh doanh các yếu tố đảm bảo điều kiện tiện nghi cho hoạt động ăn uống của khách du lịch (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hoà, 2008). Quy mô của hệ thống này được đánh giá bởi số lượng nhà hàng, số ghế trong nhà hàng.

Cơ sở giải trí (cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí) có hoạt động nhằm mang lại sự thích thú hơn cho du khách về chuyến du lịch (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa, 2008). Khách du lịch cội nguồn muốn đạt được sự thú vị cao nhất trong suốt chuyến đi thì có thể chọn nhiều hình thức khác nhau như tìm hiểu lễ hội, tham quan bảo tàng,... Vì vậy, dù có hài lòng về bữa ăn ngon, chỗ ở tiện nghi, du khách vẫn mau chán nếu họ không được tham gia và thưởng thức các hoạt động giải trí. Cơ sở mua sắm (cơ sở kinh doanh hàng lưu niệm) là một loại hình của cơ sở giải trí, đối với nhiều khách du lịch việc mang quà lưu niệm về sau chuyến đi là không thể thiếu được. Cơ sở kinh doanh dịch vụ này bao gồm các hình thức kinh doanh bán lẻ hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ,...

1.1.4.3. Phát triển nguồn nhân lực cho du lịch cội nguồn

Nguồn nhân lực du lịch bao gồm lao động làm việc trực tiếp trong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các đơn vị sự nghiệp trong ngành từ trung ương đến địa phương, lao động trong các doanh nghiệp du lịch gồm đội ngũ cán bộ quản trị kinh doanh, đội ngũ lao động nghiệp vụ (trong các cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở vận chuyển,…), lao động làm công tác đào tạo du lịch trong các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa, 2008).

Phát triển nguồn nhân lực cho du lịch cội nguồn là những hoạt động nhằm tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng của lực lượng lao động làm việc trực tiếp trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến du lịch cội nguồn. Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực là những nhân tố quyết định chất lượng sản phẩm du lịch cội nguồn (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa, 2008). Chất lượng nguồn nhân lực du lịch được thể hiện qua thái độ phục vụ du khách, trình độ chuyên môn nghiệp vụ du lịch.

Để phát triển du lịch cội nguồn theo hướng chuyên nghiệp, nhất là trước yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay, cần tăng cường đội ngũ lao động có trình độ chuyên

môn cao, có kỹ năng nghề nghiệp đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên. Nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng nghề nghiệp là yếu tố quyết định đối với phát triển du lịch cội nguồn trong điều kiện hiện nay. Có thể nói, phát triển nguồn nhân lực vừa là vấn đề có tính cấp bách, vừa mang ý nghĩa chiến lược, nó tác động trực tiếp tới quá trình phát triển du lịch cội nguồn (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa, 2008; Trần Thị Mai, 2009).

Chỉ tiêu đánh giá sự phát triển nguồn nhân lực du lịch cội nguồn là sự tăng lên về số lượng lao động du lịch, trình độ và chất lượng phục vụ của đội ngũ lao động du lịch cội nguồn.

1.1.4.4. Tăng cường xúc tiến du lịch cội nguồn

Xúc tiến du lịch là hoạt động tuyên truyền, quảng bá, vận động nhằm tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội phát triển du lịch (Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2005). Nội dung hoạt động xúc tiến du lịch cội nguồn bao gồm tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi về di tích lịch sử, di sản văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc cho nhân dân trong nước và cộng đồng quốc tế; Nâng cao nhận thức xã hội về du lịch cội nguồn, tạo môi trường du lịch cội nguồn văn minh, lành mạnh, an toàn, phát huy truyền thống mến khách của dân tộc; Nghiên cứu thị trường du lịch cội nguồn, xây dựng sản phẩm du lịch cội nguồn phù hợp với thị hiếu khách du lịch; tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm du lịch cội nguồn (Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2005).

Tăng cường xúc tiến rất cần thiết trong phát triển du lịch cội nguồn, hoạt động này có hiệu quả rất lớn nhưng khó lượng hóa. Hội chợ, hội nghị du lịch quốc tế và các sự kiện trong nước như liên hoan nghệ thuật, olympic, các sự kiện thể thao,... là một trong những hình thức xúc tiến, quảng bá du lịch. Các chương trình khuếch trương, quảng bá là một phần căn bản cho sự phát triển của du lịch cội nguồn. Do đó, tăng cường xúc tiến du lịch cội nguồn là một nội dung quan trọng trong quá trình phát triển du lịch cội nguồn.

1.1.4.5. Nâng cao kết quả và đóng góp của du lịch cội nguồn cho phát triển kinh tế xã hội ở địa phương

Kết quả thu hút khách du lịch cội nguồn là một nội dung quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao kết quả của hoạt động du lịch cội nguồn. Kết

quả thu hút khách du lịch cội nguồn được thể hiện thông qua số lượng khách du lịch cội nguồn, số ngày lưu trú và chi tiêu của khách du lịch cội nguồn. Các chỉ số này tăng lên là động lực chủ yếu cho các chiến lược đầu tư phát triển du lịch cội nguồn (Đinh Thị Vân Chi, 2004).

Sự phát triển du lịch cội nguồn cuối cùng còn được thể hiện bằng sự gia tăng các kết quả tạo ra trong hoạt động du lịch cội nguồn và sự đóng góp của du lịch cội nguồn cho phát triển kinh tế xã hội ở địa phương (Nguyễn Ngọc Nông, 2004; Vũ Thị Ngọc Phùng, 2005; Nguyễn Ngọc Long và Nguyễn Hữu Vui, 2006). Kết quả đó được thể hiện bằng sự gia tăng về tổng thu từ khách du lịch cội nguồn, giá trị tăng thêm của du lịch cội nguồn, việc làm và thu nhập cho người dân địa phương.

1.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch cội nguồn

1.1.5.1. Cơ chế, chính sách đối với phát triển du lịch và việc thực thi chính sách của

địa phương

Cơ chế, chính sách của nhà nước có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của du lịch. Việt Nam đã có nhiều chính sách đúng đắn nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch cho các địa phương như hỗ trợ tiền thuê đất; hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ về tín dụng; hỗ trợ về đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch (Tổng cục Du lịch, 2013). Ngoài ra, Nhà nước còn kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch mang tính quốc tế đồng thời tận dụng khai thác tiềm năng du lịch sẵn có như các kỳ quan thiên nhiên, khai thác du lịch sinh thái, đồng quê, các khu di tích lịch sử, lễ hội,... cũng là một trong những nhân tố tạo điều kiện thúc đẩy du lịch phát triển (Tổng cục Du lịch, 2013). Như vậy, một đất nước, một khu vực có tài nguyên du lịch phong phú, mức sống của người dân không thấp nhưng chính quyền địa phương không có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động du lịch thì hoạt động này khó có thể phát triển được.

Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Việt Nam bao gồm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng cục Du lịch; các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phòng Văn hóa-Thông tin;... (Tổng cục Du lịch, 2013). Các cơ quan này sẽ thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về du lịch tùy theo chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan (Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2005).

Theo Luật Du lịch (Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2005), nội dung quản lý nhà nước về du lịch bao gồm: Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch; Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động du lịch; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về du lịch; Tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; Tổ chức điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch để xây dựng quy hoạch phát triển du lịch, xác định khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch; Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về du lịch; hoạt động xúc tiến du lịch ở trong nước và nước ngoài; Quy định tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch, sự phối hợp của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý nhà nước về du lịch; Cấp, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về hoạt động du lịch; Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về du lịch. Tất cả các nội dung này đều tác động vào hoạt động của ngành du lịch nói chung, quá trình phát triển của du lịch cội nguồn nói riêng. Chính vì vậy, nếu năng lực thực thi chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở địa phương tốt thì có ảnh hưởng thúc đẩy du lịch cội nguồn phát triển, còn nếu năng lực của các cơ quan này thấp kém sẽ tác động kìm hãm sự phát triển của các hoạt động du lịch cội nguồn (Phương Loan, 2008).

1.1.5.2. Công tác quy hoạch phát triển du lịch cội nguồn

Quy hoạch phát triển du lịch cội nguồn có thể được coi là việc xây dựng trước một kế hoạch để đánh giá tình huống hiện tại, dự báo tình huống tương lai và lựa chọn một chương trình hành động phù hợp để tạo được nhiều cơ hội sẵn có nhất cho sự phát triển của điểm đến du lịch (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa, 2008).

Quy hoạch phát triển du lịch cội nguồn là một công đoạn không thể thiếu trong quá trình phát triển du lịch cội nguồn. Đó là chuỗi các hoạt động của các đối tượng tham gia bao trùm từ quyết định của lãnh đạo phê duyệt quy hoạch, sự tham gia của nhà đầu tư, nhà tư vấn quy hoạch, cộng đồng dân cư có liên quan, bộ phận quản lý quy hoạch và bộ phận giám sát, quản lý xây dựng tuyến, điểm du lịch cội nguồn,… (Quốc

hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2005; Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa, 2008). Do đó, công tác quy hoạch phát triển du lịch cội nguồn là cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch cội nguồn phù hợp với các giai đoạn phát triển chung của ngành du lịch trên địa bàn. Vì vậy, công tác quy hoạch phát triển du lịch cội nguồn có ảnh hưởng rất lớn đối với quá trình phát triển du lịch cội nguồn.

1.1.5.3. Cơ sở hạ tầng của địa phương

Cơ sở hạ tầng của địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc đẩy mạnh phát triển du lịch cội nguồn, bao gồm:

Mạng lưới và phương tiện giao thông vận tải là những nhân tố quan trọng hàng đầu trong hệ thống cơ sở hạ tầng. Du lịch cội nguồn gắn với việc di chuyển con người trên phạm vi nhất định. Điều này phụ thuộc chặt chẽ vào giao thông vận tải. Một đối tượng có thể có sức hấp dẫn đối với du lịch cội nguồn nhưng vẫn không thể khai thác được nếu thiếu yếu tố giao thông vận tải (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa, 2008; Trần Thị Mai, 2009). Thông qua mạng lưới giao thông thuận tiện du lịch cội nguồn mới có thể trở thành một hiện tượng phổ biến trong xã hội.

Thông tin liên lạc là một bộ phận quan trọng của cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch cội nguồn. Đây là điều kiện cần để đảm bảo giao lưu cho khách du lịch nội địa và quốc tế (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa, 2008). Trong đời sống hiện đại nói chung, hoạt động du lịch cội nguồn nói riêng không thể thiếu được các phương tiện thông tin liên lạc.

Công trình cung cấp điện, nước. Khách du lịch là những người rời khỏi nơi cư trú thường xuyên. Khi rời khỏi nơi cư trú thường xuyên đến một địa điểm khác, ngoài các nhu cầu về ăn ở, đi lại,… khách du lịch còn có nhu cầu đảm bảo về điện, nước để cho quá trình sinh hoạt được diễn ra bình thường (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa, 2008; Trần Thị Mai, 2009). Cho nên điện, nước cũng là một trong những yếu tố quan trọng phục vụ trực tiếp việc nghỉ ngơi giải trí, tham quan, tìm hiểu của du khách.

Như vậy, cơ sở hạ tầng là tiền đề, là đòn bẩy của mọi hoạt động kinh tế, trong đó có hoạt động phát triển du lịch cội nguồn của địa phương.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 12/04/2023