Lý Luận Về Trò Chơi Vận Động Của Trẻ Mẫu Giáo 5 – 6 Tuổi Trong Hoạt Động Giáo Dục Thể Chất


Theo các tác giả Ballard và các cộng sự thì hoạt động GDTC của trẻ MG nói chung và trẻ MG 5 – 6 tuổi nói riêng nhằm giúp trẻ:

- Giảm nguy cơ thừa cân, tiểu đường và các bệnh mãn tính khác,

- Giúp trẻ tự tin hơn,

- Giúp giảm nguy cơ trầm cảm và giảm tác hại của stress,

- Giúp trẻ chuẩn bị để trở thành các thành viên khỏe mạnh, hữu ích cho xã hội,

- Giúp nâng cao chất lượng cuộc sống nói chung [89].

Lứa tuổi MG nói chung và MG 5 – 6 tuổi nói riêng, hoạt động GDTC là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của gia đình và trường mầm non. Bởi lẽ, ở lứa tuổi này, quá trình tăng trưởng diễn ra rất nhanh (nhanh nhất trong cuộc đời con người), nhưng cơ thể của trẻ dễ chịu ảnh hưởng của tác động bên ngoài, sức đề kháng của trẻ còn kém nên dễ mắc các bệnh nguy hiểm.

Sự phát triển thể chất của trẻ ở lứa tuổi này đặt cơ sở cho sự phát triển thể chất sau này của trẻ, đồng thời nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tâm lý và nhân cách của trẻ. Cơ thể khoẻ mạnh giúp trẻ trở nên hoạt bát, hồn nhiên hơn và có những xúc cảm, tình cảm lành mạnh với bản thân, với người khác và với thế giới xung quanh. Ngoài ra, hoạt động GDTC còn gắn liền với giáo dục trí tuệ cho trẻ. Bởi lẽ, cơ thể trẻ phát triển khoẻ mạnh, hệ thần kinh cân bằng, các giác quan phát triển… sẽ giúp cho trẻ tích cực hoạt động, tích cực tiếp xúc và làm quen với môi trường xung quanh. Nhờ đó, hoạt động nhận thức của trẻ thêm phong phú và chính xác, tư duy trở nên nhạy bén. Mặt khác, trẻ khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, khéo léo sẽ say sưa, hứng thú hơn trong quá trình tri giác cái đẹp của thế giới xung quanh (đồ dùng, đồ chơi…) và tự nó có khả năng tạo ra cái đẹp và sống theo cái đẹp (biết giữ gìn đồ chơi sạch đẹp, biết gọn gàng, ngăn nắp,…). Ngoài ra, trẻ khoẻ mạnh có thể lao động, yêu thích làm những công việc tự phục vụ mình và giúp đỡ bạn bè, người lớn xung quanh, góp phần phát triển nhân cách toàn diện.

Như vậy, hoạt động GDTC cho trẻ MG nói chung và trẻ MG 5 – 6 tuổi nói riêng là rất quan trọng. Do đó, cha mẹ và những người nuôi dạy trẻ cần phải đặt hoạt động GDTC là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 241 trang tài liệu này.

1.2.2.3. Hình thức hoạt động giáo dục thể chất


Nghiên cứu lựa chọn ứng dụng trò chơi vận động nâng cao tính tích cực của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi trong hoạt động giáo dục thể chất tại thành phố Hồ Chí Minh - 4

Hoạt động GDTC cho trẻ MG gồm: thể dục buổi sáng; giờ học thể dục; thể dục giữa giờ; TCVĐ; dạo chơi tham quan; tổ chức ngày hội, ngày lễ thể dục thể thao [51]. Mỗi hình thức đều có những nhiệm vụ và tầm quan trọng riêng nhưng lại có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và có tác dụng hỗ trợ cho nhau.

- Thể dục buổi sáng: trẻ thực hiện các động tác của bài tập phát triển chung, có thể tập theo nhạc, tập với các dụng cụ như cờ, nơ, gậy, vòng,… và được tập theo trình tự: động tác phát triển cơ hô hấp, cơ tay vai, cơ chân, cơ bụng – lườn và bật nhảy. Qua bài tập thể dục buổi sáng, trẻ được thở không khí trong lành, hít thở sâu, tăng cường quá trình trao đổi chất và tuần hoàn cho cơ thể, giúp các khớp, dây chằng mềm dẻo, linh hoạt, đồng thời hỗ trợ cho hoạt động hàng ngày của trẻ thêm nhịp nhàng, nhanh nhẹn, giảm động tác thừa và tạo cho trẻ tâm trạng sảng khoái, vui tươi đón ngày hoạt động mới. Những động tác của bài tập thể dục buổi sáng cũng là một trong các nội dung kết hợp của giờ học thể dục.

- Giờ học thể dục: là hoạt động nhằm cung cấp cho trẻ những kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản cần thiết trong cuộc sống. Vận động cơ bản có ý nghĩa lớn trong việc hình thành tư thế đúng, củng cố tất cả các nhóm cơ bắp trong cơ thể và nâng cao sự hoạt động, khả năng định hướng trong không gian, phát triển đúng các quá trình tâm – sinh lý của trẻ, góp phần giáo dục thẩm mỹ cho trẻ, giáo dục về cái đẹp khi vận động, tính chính xác và tính biểu cảm. Trong giờ học thể dục, GV phải thực hiện đủ ba phần: khởi động, trọng động, hồi tĩnh. Trong phần trọng động, ngoài việc cung cấp kiến thức, kỹ năng, vận động mới cho trẻ, GV còn cần phải thực hiện thêm hai nội dung kết hợp là bài tập phát triển chung và TCVĐ.

- Thể dục giữa giờ: được tiến hành xen kẽ giữa các hoạt động chuyển tiếp giữa các hoạt động học và vui chơi, sau khi ngủ dậy. Thể dục giữa giờ làm thay đổi tính chất hoạt động và tư thế của trẻ bằng cách vận động tích cực, kích thích tất cả mọi bộ phận trên cơ thể loại trừ mệt mỏi. Có thể tiến hành theo hình thức trò chơi hoặc thực hiện một số động tác phát triển chung để tăng cường vận động cơ bắp.

- TCVĐ (chuyên biệt): được tổ chức để củng cố, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo vận động, hình thành điều kiện thuận lợi để phát triển, rèn luyện các tố chất vận động, phát triển tư duy, ngôn ngữ, giáo dục các phẩm chất đạo đức, ý chí, ý thức tổ chức kỷ luật cho trẻ.


- Dạo chơi tham quan: là hình thức nghỉ ngơi tích cực, trẻ được hít thở không khí trong lành, rèn luyện thể lực, kỹ năng vận động, tố chất thể lực trong điều kiện tự nhiên, trong sân trường, hay ở một địa điểm ngoài trường, có thể tận dụng những địa hình sẵn có hoặc được tạo nên để trẻ có thể vận dụng các vận động cơ bản vào các tình huống khác nhau, qua đó giáo dục trẻ tính tập thể, lòng dũng cảm, chấp hành tổ chức kỷ luật... Nội dung tham quan bao gồm các TCVĐ, tập thể dục, nghỉ ngơi, đi dạo chơi với các dụng cụ, các đồ chơi mang theo hoặc tổ chức thi đua, thi đấu. Trên đường đi, GV cho phép trẻ nhảy qua rãnh nước nhỏ, đi trên gờ tường thấp, trên cây đổ nghiêng phù hợp. Có thể hướng dẫn trẻ quan sát các hiện tượng xung quanh, cuối buổi đi dạo, có thể cho trẻ chơi một TCVĐ nhẹ nhàng để tập trung trẻ trước khi ra về.

- Trong các ngày hội, ngày lễ, trẻ được thực hiện các vận động theo một trình tự nhất định, tất cả các trẻ được tham gia các hoạt động thể dục, thể thao một cách tích cực, hào hứng, sôi nổi. Qua đó, thúc đẩy các hoạt động tập thể, gây không khí náo nức cho trẻ vì trẻ được tham gia “biểu diễn”, “thi tài” của tập thể lớp mình cho các lớp khác xem, phát triển tính linh hoạt, mạnh dạn hơn, tinh thần tập thể và để lại cho trẻ cảm xúc tươi vui, phấn khởi, óc thẩm mĩ về các “vận động viên tí hon”.

Mỗi hình thức hoạt động GDTC của trẻ MG 5 – 6 tuổi nêu trên đều có ý nghĩa và tác dụng riêng biệt, nhưng tất cả các hình thức đó đều có tác dụng hỗ trợ cho nhau, trong đó giờ học thể dục là hoạt động cơ bản nhất. TCVĐ được sử dụng trong nhiều hình thức GDTC cho trẻ MG 5 – 6 tuổi bao gồm TCVĐ trong giờ học thể dục, TCVĐ chuyên biệt và TCVĐ được tổ chức trong dã ngoại tham quan [51]. Trong giới hạn phạm vi nghiên cứu của luận án, chúng tôi chỉ lựa chọn ứng dụng TCVĐ trong hình thức giờ học thể dục và giờ TCVĐ (chuyên biệt).

1.3. Lý luận về trò chơi vận động của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi trong hoạt động giáo dục thể chất

1.3.1. Định nghĩa trò chơi vận động

1.3.1.1. Định nghĩa trò chơi

Trò chơi là hoạt động rất quen thuộc, gần gũi với mọi người, trò chơi có chứa đựng chủ đề, nội dung nhất định, có những quy tắc nhất định mà người tham gia phải tuân thủ [2]. Theo Từ điển Tiếng Việt, chữ “Trò” được hiểu là một hình thức mua vui, bày ra trước mặt mọi người, chữ “Chơi” là một từ chung để chỉ những hoạt động lúc nhàn rỗi, ngoài giờ làm việc nhằm mục đích giải trí là chính. Từ đó “Trò chơi” được


hiểu là những hoạt động làm thỏa mãn nhu cầu của con người, trước hết về vui chơi, giải trí [81].

Theo triết gia Heraclitus hình dung trò chơi như “Tiến trình chơi là một đứa trẻ đang chơi thực hiện những nước đi của nó trên bàn chơi” [93]. Cùng với triết gia Heraclitus định nghĩa trò chơi trở thành một định nghĩa then chốt trong hệ thống triết học của Plato. Theo Plato quan niệm “Trò chơi (game) là các hoạt động được cấu trúc hóa với những chỉ dẫn, luật lệ và mục tiêu” [92].

Theo Từ điển Oxford, “Game is an activity that you do to have fun, often one that has rules and that you can win or lose” có thể hiểu như sau: Trò chơi là một hoạt động mang tính quy tắc và đem lại niềm vui cho người chơi, trong khi chơi, người chơi có thể thắng hoặc thua [96].

Theo tác giả Lê Thị Liên Hoan,“Trò chơi là phương pháp giáo dục thực hiện hiệu nghiệm nhất đối với việc hình thành nhân cách” [27].

Như vậy, trò chơi là các hoạt động nhằm thỏa mãn những nhu cầu giải trí đa dạng của con người.

1.3.1.2. Định nghĩa vận động

Vận động là một thuật ngữ được hiểu theo nhiều cách khác nhau, trong đó chủ nghĩa duy vật biện chứng quan niệm “Vận động không chỉ là sự rời chỗ của vật chất trong không gian, mà cả những biến đổi về vật chất của vật chất nữa, nó là phương thức tồn tại của vật chất” [50].

Theo tác giả Hoàng Phê, “Vận động là hoạt động thay đổi tư thế hay vị trí của thân thể hoặc bộ phận thân thể” [48].

Có thể thấy, vận động có trong tất cả các hoạt động của con người. Vận động là sự hoạt động tích cực của các cơ quan vận động của con người, là phương tiện cơ bản đặc biệt của quá trình GDTC. GDTC chủ yếu thông qua hoạt động tự vận động.

1.3.1.3. Định nghĩa trò chơi vận động

Theo tác giả Đinh Văn Lẫm và Đào Bá Trì thì “TCVĐ là hoạt động của con người, được cấu thành bởi hai yếu tố: vui chơi giải trí, thỏa mãn nhu cầu về mặt tinh thần; giáo dục và giáo dưỡng thể chất góp phần giáo dục đạo đức, ý chí, lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết… hình thành và phát triển các tố chất, kỹ năng, kỹ xảo cần thiết cho cuộc sống” [36].


Theo tác giả Lê Thị Liên Hoan, “TCVĐ là một trong những phương tiện và phương pháp quan trọng để hình thành và phát triển thể lực cũng như để giáo dục toàn diện đối với trẻ mầm non” [27].

Trong quyển “Phát triển TTC vận động cho trẻ mầm non”, tác giả Đặng Hồng Phương nhìn nhận “TCVĐ là những trò chơi trong đó lượng vận động chiếm ưu thế. Những chủ đề của trò chơi thường được lấy từ cuộc sống thực tế xung quanh và thể hiện những hình ảnh về các hiện tượng thiên nhiên, xã hội, các hành vi của con vật. Do đó, các TCVĐ mang tính hiện thực” [50].

Tác giả Lê Thu Hương cho rằng “TCVĐ là loại trò chơi có luật, thường do người lớn nghĩ ra cho trẻ chơi. Đó là loại trò chơi đòi hỏi trẻ phải phối hợp các thao tác vận động để giải quyết các nhiệm vụ ít nhất 2 - 3 tháng vận động được đặt ra như là nhiệm vụ chơi, qua đó thể chất trẻ được phát triển” [28].

Trên cơ sở tổng hợp nhiều nguồn tài liệu về định nghĩa trò chơi, vận động, TCVĐ, luận án xác lập thuật ngữ “TCVĐ là một trò chơi có quy định, có lượng vận động chiếm ưu thế, thường do người lớn hoặc trẻ em sáng tạo ra cách để chơi, trong khi chơi đòi hỏi phải huy động, phối hợp hoạt động của quá trình nhận thức và vận động nhằm phát triển thể chất cho trẻ”.

1.3.2. Định nghĩa trò chơi vận động của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi trong hoạt động giáo dục thể chất

Xuất phát từ định nghĩa TCVĐ, TCVĐ của trẻ MG 5 – 6 tuổi được luận án xem xét như sau: “TCVĐ của trẻ MG 5 – 6 tuổi trong hoạt động GDTC là một trò chơi có quy định, có lượng vận động chiếm ưu thế, do GV hoặc trẻ MG 5 – 6 tuổi sáng tạo ra cách để chơi, trong khi chơi đòi hỏi phải huy động, phối hợp hoạt động của quá trình nhận thức và vận động của trẻ MG 5 – 6 tuổi nhằm phát triển thể chất cho trẻ”.

Có thể đề cập đến một số điểm chính yếu trong định nghĩa này như sau:

- TCVĐ của trẻ MG 5 – 6 tuổi có quy định.

- TCVĐ của trẻ MG 5 – 6 tuổi có lượng vận động chiếm ưu thế.

- TCVĐ của trẻ MG 5 – 6 tuổi đa phần do GV học tập, tái tạo hoặc sáng tạo.

Một vài trường hợp khác, trẻ MG 5 – 6 tuổi có thể sáng tạo ra cách để chơi trò chơi.


- TCVĐ của trẻ MG 5 – 6 tuổi đòi hỏi phải huy động, phối hợp hoạt động của quá trình nhận thức và vận động.

- TCVĐ của trẻ MG 5 – 6 tuổi nhằm đạt được mục tiêu GDTC ở trẻ.

1.3.3. Đặc điểm về trò chơi vận động của trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi

Trong chương trình GDTC ở lứa tuổi MG, TCVĐ được sử dụng khá thường xuyên bởi TCVĐ có những đặc điểm cơ bản phù hợp với đặc điểm của trẻ và hoạt động chủ đạo của lứa tuổi là hoạt động vui chơi.

Thứ nhất, TCVĐ mang tính hiện thực

Hầu hết các TCVĐ áp dụng cho trẻ MG 5 – 6 tuổi là những trò chơi mang tính chủ đề phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và khả năng tư duy, tưởng tượng của trẻ. Nhưng chủ đề trong TCVĐ thường được lấy từ cuộc sống thực tế xung quanh và biểu hiện có hình tượng như bắt chước những hoạt động lao động sản xuất, sản xuất, sinh hoạt,… thông qua các trò chơi như đi săn, chèo thuyền, đánh lô cốt,…

Thứ hai, TCVĐ là sự hoạt động của các bộ phận trên cơ thể trẻ

Trong hoạt động GDTC cho trẻ, luôn đan xen những chủ đề mang tính sáng tạo, đòi hỏi khi tham gia trò chơi, trẻ phải tập trung chú ý, phân tích và tổng hợp những điều GV giảng dạy và biến sự hiểu biết đó thành những hoạt động của mình. Cùng với hoạt động của bộ máy phân tích và bộ máy vận động là các hoạt động của hàng loạt các cơ quan, bộ phận khác trên cơ thể của trẻ được khai thác.

Thứ ba, TCVĐ mang tính sáng tạo

Chủ đề, quy tắc chơi tuy đã được xác định, nhưng chỉ mới đề ra hướng chủ yếu nhất, ngoài ra các trẻ phải tự giải quyết các tình huống nảy sinh một cách nhanh trí, sáng tạo và khéo léo. Ví dụ, đối với trò chơi mèo đuổi chuột, chỉ quy định chuột phải chạy trốn, mèo thì đuổi. Tuy nhiên, cách chạy trốn, chạy ra sao hoặc chạy đuổi bắt như thế nào là do trẻ tự giải quyết đồng nghĩa với việc trẻ phải suy nghĩ lựa chọn cách chạy một cách nhanh trí và sáng tạo.

Thứ tư, TCVĐ mang tính tự giác

Sự thay đổi thường xuyên và bất ngờ của các tình huống trong khi chơi là những điều rất hấp dẫn và lôi cuốn trẻ tham gia trò chơi một cách say sưa và hoàn toàn tự giác. Một TCVĐ tích cực là trò chơi khiến trẻ tham gia một cách tự nguyện,


không gò ép, bắt buộc. Tuy nhiên, nếu trẻ chơi thoải mái đến mức độ quá sức chịu đựng của bản thân sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ [34].

Dựa vào các đặc điểm của TCVĐ cho thấy bản chất của TCVĐ tác động đến trẻ MG 5 – 6 tuổi ở 3 mặt:

Một là, trẻ phải vận dụng các kiến thức và kỹ năng vận động đã được học để đưa vào trò chơi, nhằm đạt được kết quả chơi nhất định.

Hai là, thông qua việc tham gia các TCVĐ, trẻ được hoàn thiện và củng cố các vận động cơ bản và các tố chất vận động, từ đó phát triển thể chất của trẻ.

Ba là, bản thân TCVĐ là một dạng hoạt động để nâng cao TTC. Song không phải TCVĐ nào cũng hình thành ở trẻ TTC. Do đó lựa chọn TCVĐ vừa nâng cao TTC của trẻ, vừa đảm bảo mục tiêu giáo dục không hề là một việc đơn giản.

1.3.4. Phân loại trò chơi vận động

TCVĐ rất phong phú, đa dạng vì vậy có nhiều quan điểm phân loại khác nhau.

Dưới đây là một số cách phân loại:

Dựa vào nguồn gốc xuất hiện thì TCVĐ được chia thành 2 nhóm:

- Nhóm TCVĐ dân gian: trò chơi kéo co, bịt mắt bắt, mèo đuổi chuột, chi chi chành chành, rồng rắn, kéo cưa lừa xẻ.

- Nhóm trò chơi mới: là trò chơi được các nhà giáo dục thiết kế, xây dựng như chạy tiếp cờ, chó sói xấu tính, thỏ đánh trống, bỏ khăn, bắt chước tạo dáng, ném trúng đích [23].

Tác giả Phan Thị Thu phân loại TCVĐ như sau:

- TCVĐ có chủ đề: trong các trò chơi có cốt truyện, nội dung và đặc điểm của những hành động được thực hiện trong trò chơi liên quan đến những hiểu biết của trẻ về các hiện tượng trong cuộc sống. TCVĐ này tác động gián tiếp lên hành vi của trẻ qua hình tượng nhân vật với đặc điểm vận động quan hệ giữa chúng.

Ví dụ: mèo phải chạy nhanh để bắt, chuột thì chạy trốn nhanh để không bị bắt.

- TCVĐ không có chủ đề: là những trò chơi không có cốt truyện dẫn dắt hành động người chơi.

Ví dụ: trò chơi với các vận động cơ bản như đi, chạy, nhảy, ném, đẩy,…

- TCVĐ vui nhộn, giải trí như bóng chuyền, bóng đá, cầu lông [71]. Tác giả Trần Đồng Lâm phân chia TCVĐ theo các cách sau:


- Phân loại theo khối lượng vận động

Dựa vào mức độ cao thấp, nặng nhẹ của những hoạt động tác động vào cơ thể khi trẻ tham gia TCVĐ. Có 3 loại:

+ TCVĐ có khối lượng vận động không đáng kể (ví dụ như trò chơi bịt mắt bắt dê, chim bay cò lả, …).

+ TCVĐ có khối lượng vận động trung bình (ví dụ như trò chơi rồng rắn, dung dăng dung dẻ,…).

+TCVĐ có khối lượng vận động cao (ví dụ như trò chơi kéo co, chuyền bóng tiếp sức, lò cò,…).

- Phân loại theo mức độ phức tạp của trò chơi

+ TCVĐ không chia đội gồm loại có người điều khiển và không có người điều khiển, trong đó có trường hợp toàn bộ số người chơi tham dự cùng một lúc và trường hợp số người chơi tham dự lần lượt nối tiếp nhau. Ví dụ như trò chơi: chi chi chành chành, bật ô, bắt chước tạo dáng, lùa vịt, sóng đánh, tàu hỏa chạy.

+ TCVĐ chia thành đội có yêu cầu số người chơi của các đội phải ngang nhau, thậm chí số lượng các trẻ gái và trẻ trai của các đội cũng phải bằng nhau. Ví dụ như trò chơi: ai nhanh hơn, vượt chướng ngại vật,…

- Phân loại theo những động tác cơ bản của TCVĐ

Cách phân loại này dựa vào các động tác cơ bản như bò, đi, chạy, nhảy, ném, mang, vác, thăng bằng, định hướng và trò chơi phối hợp.

- Phân loại theo tố chất thể lực cơ thể

Dựa vào tố chất thể lực của cơ thể, người ta phân chia thành TCVĐ về tốc độ, về sức mạnh, sức bền, sự khéo léo linh hoạt,…[34].

Trong phạm vi của luận án, tác giả lựa chọn cách phân loại TCVĐ theo các tố chất thể lực làm cơ sở cho việc lựa chọn các TCVĐ để tiến hành nghiên cứu.

1.3.5. Các bước tổ chức trò chơi vận động cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi

Để tổ chức TCVĐ cho trẻ đạt hiệu quả cao cần được tiến hành qua các bước sau [35], [45], [63]:

Bước 1: Lựa chọn TCVĐ

Để tổ chức cho trẻ chơi một TCVĐ thì GV phải lựa chọn TCVĐ dựa vào mục đích, yêu cầu của trò chơi. Khi lựa chọn TCVĐ, GV cần chú ý đến các đặc điểm tâm

Xem tất cả 241 trang.

Ngày đăng: 09/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí