Cách Tiếp Cận Và Khái Quát Phương Pháp Nghiên Cứu


phát triển du lịch MICE cần phải nghiên cứu sự hài lòng và các nhân tố tác động đến sự hải lòng của du khách MICE, luận án sẽ nghiên cứu làm rõ vấn đề này.

Xuất phát từ lý luận và thực tiễn nêu trên, nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài “Nghiên cứu các nhân tố tác động đến sự hài lòng của khách du lịch MICE nội địa tại Việt Nam – Lấy ví dụ điển hình tại thành phố Hải Phòng” là đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ của mình. Các nghiên cứu về sự hài lòng đã khẳng định có tác động của hình ảnh điểm đến và giá trị nhận thức tới sự hài lòng của khách du lịch như Ali, Jihad Abu; Howaidee Majeda (2012); Ahmad Puad Mat Som and Mohammad Bader Badarneh (2011), David Martin Ruiz, Francisco Cossio Silva, Enrique Martisn Armario (2015), P. Ramseook-Munhurruna, V.N. Seebalucka, P. Naidooa (2015), R Rajesh (2013), Rini Setiowati and Andradea Putri (2012), S. Prasad Kantamneni, Emporia State University Kevin R. Coulson, Northeastern Illinois (1996), P. Ramseook-Munhurruna, V.N. Seebalucka, P. Naidooa (2015), Ehsan Sadeh, Farid Asgari, Leila Mousavi and Sina Sadeh (2012)…. Trong luận án này tác giả tiếp tục nghiên cứu tác động của những nhân tố này (hình ảnh điểm đến và giá trị nhận thức) tới sự hài lòng của khách hàng trong bối cảnh du lịch MICE ở Việt Nam. Đồng thời, tác giả cũng nghiên cứu tác động của yếu tố gắn với đặc điểm của du lịch MICE - năng lực của đơn vị tổ chức/người mua tổ chức. Do vậy, luận án tập trung vào mô hình nghiên cứu các nhân tố về hình ảnh điểm đến, giá trị nhận thức và bổ sung nhân tố mới là năng lực đơn vị tổ chức có tác động đến sự hài lòng của khách du lịch MICE. Đề tài góp phần bổ sung hoàn thiện cơ sở lý luận về du lịch MICE, sự hài lòng và các nhân tố tác động đến sự hài lòng của khách du lịch MICE, đặc biệt năng lực của cơ quan đơn vị tổ chức được nghiên cứu xác định là một trong những nhân tố tác động đến sự hài lòng của khách du lịch MICE nội địa Việt Nam. Về mặt thực tiễn, việc nghiên cứu các nhân tố tác động lên sự hài lòng của khách du lịch MICE nội địa ở Việt Nam giúp cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch có thể tham khảo trong việc hoạch định phát triển du lịch MICE và đưa ra chính sách phát triển phù hợp tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch MICE, giúp doanh nghiệp du lịch đánh giá được chất lượng sản phẩm du lịch, xác định được mức độ tác động của mỗi nhân tố lên sự hài lòng của khách MICE nội địa để từ đó điều chỉnh hoàn thiện và cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch tốt nhất và phù hợp để đáp ứng đúng với nhu cầu của khách du lịch MICE nhằm mang lại hiệu quả kinh doanh cao nhất.

Đặc biệt trong du lịch MICE, cơ quan đơn vị có nhu cầu tổ chức du lịch MICE thường tự đứng ra tổ chức chương trình du lịch MICE nên việc nghiên cứu kiểm định sự hài lòng của khách du lịch MICE chịu tác động bởi năng lực đơn vị tổ chức là cần


thiết. Thông qua đó giúp doanh nghiệp xác định cần phải nâng cao mối quan hệ giữa đơn vị tổ chức với khách du lịch MICE và với các nhà cung cấp dịch vụ để cung cấp đầy đủ những thông tin tạo cho khách hình ảnh điểm đến hấp dẫn, cung cấp các dịch vụ du lịch MICE tốt nhất để mang cho khách giá trị cảm nhận tốt và tạo cho du khách MICE sự hài lòng nhất nhằm khai thác đạt hiệu quả cao hơn đối với loại hình du lịch rất tiềm năng này.

2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục tiêu của luận án là nghiên cứu khám phá các nhân tố tác động tới sự hài lòng của khách du lịch MICE nội địa tại Việt Nam trong điều kiện cá nhân khách đi theo đoàn khách du lịch MICE và không phải tự trả tiền, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển du lịch MICE của Hải Phòng và Việt Nam. Trên cơ sở kế thừa các nhân tố đã được các mô hình nghiên cứu chứng minh là có tác động tới sự hài lòng của khách du lịch gồm nhân tố hình ảnh điểm đến và giá trị nhận thức. Luận án nghiên cứu đánh giá sự tác động của hai nhân tố này trong môi trường du lịch MICE và nghiên cứu đề xuất tác động của nhân tố năng lực đơn vị tổ chức đến sự hài lòng của khách du lịch MICE nội địa Việt Nam, đây là điểm mới của luận án.

Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu nêu trên, đề tài có nhiệm vụ trả lời các câu hỏi nghiên cứu sau:

1) Sự hài lòng của khách du lịch MICE nội địa tại Việt Nam khi tham gia du lịch MICE mà không phải trả tiền thì sẽ chịu tác động bởi những nhân tố nào ? Các nhân tố này có mối quan hệ tác động như thế nào ?

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 241 trang tài liệu này.

2) Đối với du lịch MICE, đơn vị tổ chức quyết định lựa chọn điểm đến, dịch vụ du lịch MICE và tổ chức chương trình du lịch MICE, người sử dụng dịch vụ là cá nhân khách du lịch MICE không tự trả tiền thì điều gì tác động lên sự hài lòng của họ. Năng lực thực hiện công tác trên của đơn vị tổ chức có tác động tới sự hài lòng của khách du lịch MICE nội địa tại Việt Nam hay không? Vậy năng lực đơn vị tổ chức có là nhân tố ngoại sinh không?

Hay nói cách khác các quyết định của đơn vị tổ chức về lựa chọn điểm đến và mua các dịch vụ du lịch MICE ảnh hưởng tới sự hài lòng của người tiêu dùng cá nhân trực tiếp sử dụng dịch vụ du lịch MICE như thế nào ?

Nghiên cứu các nhân tố tác động đến sự hài lòng của khách du lịch MICE nội địa tại Việt Nam - Lấy ví dụ điển hình tại thành phố Hải Phòng - 3

3) Thông qua nghiên cứu lý thuyết, phân tích thực tế tác động của các nhân tố tới sự hài lòng của khách du lịch MICE nội địa và dự đoán xu hướng nhu cầu của khách du lịch MICE nội địa, vậy cần có giải pháp nào cho phát triển du lịch MICE trên cơ sở các nhân tố tác động đến sự hài lòng của khách du lịch MICE đã nghiên cứu ?


3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Vấn đề nghiên cứu: nghiên cứu lý luận và thực tiễn về các nhân tố tác động đến sự hài lòng của khách du lịch MICE nội địa đi theo các đoàn du lịch MICE nhưng không phải tự trả tiền, mối quan hệ giữa các nhân tố và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch MICE nội địa tại Việt Nam. Các nghiên cứu đưa ra mô hình có nhiều nhân tố tác động, nhưng có hai nhân tố được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu và chứng minh có tác động đến sự hài lòng của khách du lịch nói chung là hình ảnh điểm đến và giá trị nhận thức. Do vậy, nghiên cứu này sẽ tập trung vào hai nhân tố nêu trên và nghiên cứu bổ sung thêm nhân tố mới gắn liền với đặc điểm của của lịch MICE là năng lực đơn vị tổ chức.

Khách thể nghiên cứu: là khách du lịch MICE đi theo cơ quan đơn vị tổ chức. Đơn vị tổ chức trong nghiên cứu này là các cơ quan đơn vị, các tổ chức, các công ty hoặc doanh nghiệp... có nhu cầu tổ chức du lịch MICE và trực tiếp tự tổ chức các chương trình du lịch MICE (là người mua tổ chức, gọi chung đơn vị tổ chức). Luận án không nghiên cứu trường hợp chương trình du lịch MICE đi thông qua đại lý lữ hành tổ chức thay cho các cơ quan đơn vị có nhu cầu tổ chức du lịch MICE.

Phạm vi nghiên cứu

Về không gian: Nghiên cứu phân tích và đánh giá tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, được nghiên cứu là điểm đến của khách du lịch MICE nội địa.

Hải Phòng là thành phố lớn được đánh giá là một trong những trung tâm kinh tế

- xã hội phát triển của Việt Nam và nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế phía Bắc: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đặc biệt hiện nay, nhiều tập đoàn kinh tế lớn của cả nước đang tập trung đầu tư xây dựng các dự án khách sạn 5 sao, khu resort nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí chất lượng cao tại Hải Phòng đủ điều kiện tổ chức phục vụ những đoàn khách du lịch MICE lớn. Do vậy, chắc chắn trong thời gian tới sẽ thu hút nhiều hội nghị hội thảo, chương trình du lịch MICE tới Hải Phòng.

Hải Phòng có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, nằm trong vùng du lịch trọng điểm quốc gia Đồ Sơn - Cát Bà - Hạ Long, trọng điểm du lịch “Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ”, đặc biệt nằm trong vùng phát triển du lịch MICE của Chiến lược phát triển du lịch quốc gia đến năm 2020 định hướng đến 2030 (2012) và có đủ điều kiện để tổ chức các chương trình du lịch MICE. Hải Phòng có hoạt động du lịch đã phát triển hàng trăm năm và du lịch MICE đang dần phát triển. Hải Phòng gần Hà Nội là một trung tâm du lịch lớn của cả nước và dễ tiếp cận.

Về thời gian: Nghiên cứu thực trạng với số liệu thứ cấp được thu thập ở giai


đoạn 2011 - 2016 và số liệu sơ cấp được thu thập ở năm 2015.

Về phạm vi nội dung, tập trung nghiên cứu chủ yếu vào nhân tố hình ảnh điểm đến, giá trị nhận thức và năng lực đơn vị tổ chức là nhân tố mới có tác động tới sự hài lòng của khách du lịch MICE.

4. Những đóng góp mới của đề tài

Về lý luận: Kết quả nghiên cứu mang lại điểm mới so với những gì đã biết về vấn đề này là:

- Các tác giả trước nghiên cứu khách hàng cá nhân tự trả tiền tự chọn điểm đến và sự hài lòng của họ chịu tác động bởi hình ảnh điểm đến và giá trị nhận thức, nhưng khi đi du lịch MICE khách hàng không được tự quyết định lựa chọn điểm đến, không tự trả tiền mà do người khác là cơ quan đơn vị tổ chức chi trả vậy hình ảnh điểm đến, giá trị nhận thức và sự hài lòng của cá nhân khách du lịch MICE bị phụ thuộc vào người thứ ba đó chính là cơ quan đơn vị tổ chức.

- Đối với du lịch MICE khách du lịch MICE không tự trả tiền mà do người mua tổ chức chi trả vậy giá trị nhận thức của cá nhân khách du lịch MICE có chịu tác động của người thứ ba là đơn vị tổ chức (người mua tổ chức).

- Trong các nghiên cứu trước đã chỉ ra sự hài lòng của khách hàng cá nhân có chịu tác động bởi hình ảnh điểm đến. Nhưng khi đi du lịch MICE họ không được lựa chọn điểm đến mà do người khác, do cơ quan đơn vị tổ chức (người mua tổ chức). Nhưng hình ảnh điểm đến vẫn có tác động đến sự hài lòng của khách du lịch MICE.

- Nghiên cứu này đề xuất thêm nhân tố mới năng lực của đơn vị tổ chức là nhân tố ngoại sinh (người mua tổ chức/đơn vị tổ chức - người quyết định lựa chọn điểm đến, lựa chọn và mua các dịch vụ và thực hiện chương trình du lịch MICE) vào mô hình nghiên cứu để nghiên cứu tác động của nhân tố này tới sự hài lòng của khách du lịch MICE (người tham gia, trực tiếp thụ hưởng các dịch vụ du lịch MICE nhưng không phải trả tiền). Nghiên cứu chỉ rõ mối quan hệ giữa các nhân tố trong sự tác động đến sự hài lòng của khách du lịch MICE.

Nghiên cứu này chỉ ra những tác nhân lên sự hài lòng của khách du lịch MICE khi tham gia du lịch MICE nhưng không phải trả tiền. Sự hài lòng của cá nhân khách du lịch MICE được nghiên cứu thông qua cảm nhận của du khách MICE về hình ảnh điểm đến, giá trị nhận thức và năng lực của đơn vị tổ chức trong quá trình thực hiện chương trình du lịch MICE.

Về thực tiễn: Việc làm sáng tỏ các vấn đề lý luận nêu trên để đo lường mức độ


ảnh hưởng của từng nhân tố và đánh giá được mức độ hài lòng của khách du lịch MICE với từng nhân tố trong mô hình. Từ đó đưa ra định hướng cải thiện với các nhân tố còn chưa tốt trong đánh giá của du khách, đặc biệt là nhân tố có ảnh hưởng lớn. Nghiên cứu này góp phần giúp cho:

- Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch hiểu rõ hơn về du lịch MICE, để hoạch định chiến lược và đề xuất những chính sách thúc đẩy loại hình du lịch mới này phát triển tương xứng với tiềm năng góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của du lịch Việt Nam.

- Hải Phòng và các địa phương được Nhà nước qui hoạch nằm trong vùng phát triển du lịch MICE tham khảo để xây dựng chiến lược phát triển loại hình du lịch MICE phù hợp với tổng thể phát triển kinh tế và tiềm năng du lịch của từng địa phương.

- Đặc biệt giúp doanh nghiệp du lịch hiểu rõ hơn các nhân tố tác động tới sự hài lòng của khách du lịch MICE nội địa để vận dụng vào thực tiễn kinh doanh, xem xét nhân tố nào tác động mạnh tới sự hài lòng của khách du lịch MICE nội địa để từ đó có những quyết định về sản phẩm dịch vụ hay điều chỉnh sản phẩm dịch vụ, điều chỉnh cách thức cung cấp sao cho phù hợp để mang lại sự hài lòng cho khách nhằm đáp ứng đúng các nhu cầu của khách du lịch MICE nội địa, giúp doanh nghiệp khai thác đạt hiệu quả cao hơn đối với loại hình du lịch đầy tiềm năng này. Hiểu rõ đơn vị tổ chức là người quyết định lựa chọn điểm đến, lựa chọn và đặt mua các dịch vụ du lịch MICE, nhưng người sử dụng các dịch vụ du lịch lại là người trực tiếp tham gia du lịch MICE hay còn gọi là khách du lịch MICE. Do vậy các doanh nghiệp cần có chính sách phù hợp để không chỉ đáp ứng đơn vị tổ chức du lịch MICE mà cả khách du lịch MICE - người trực tiếp sử dụng các dịch vụ du lịch MICE.

5. Cách tiếp cận và khái quát phương pháp nghiên cứu

Luận án tiếp cận nghiên cứu theo quan điểm của người nghiên cứu về sự hài lòng của khách du lịch MICE để chỉ ra những điều cần thiết cho các nhà quản lý nhà nước về du lịch của Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung, cho các doanh nghiệp du lịch kinh doanh du lịch MICE để mang lại sự hài lòng cao nhất cho đối tượng khách này nhằm đạt hiệu quả kinh doanh cao.

Trên cơ sở đề tài nghiên cứu về các nhân tố và để đạt mục tiêu luận án đề ra, nghiên cứu sinh sử dụng những phương pháp sau:

+ Phương pháp phân tích và tổng hợp, để đánh giá các mặt được và những hạn chế của các nghiên cứu trước của vấn đề nghiên cứu, từ đó tìm ra khoảng trống cần nghiên cứu và lựa chọn biến quan sát phù hợp.

+ Phương pháp chuyên gia, để thu thập thông tin thực tế, số liệu, tình hình giúp hình thành biến quan sát mà chưa có trong nghiên cứu trước.


+ Phương pháp điều tra xã hội học, để thu thập dữ liệu và tình hình phục vụ cho kiểm định đánh giá các thang đo khái niệm nghiên cứu,

+ Phân tích nhân tố khám phá EFA (Exploratory Factor Analysis) để kiểm định sơ bộ và kiểm định chính thức thang đo các khái niệm nghiên cứu, phân tích nhân tố khẳng định CFA (Confirmatory Factor Analysis) để kết luận cuối cùng về giá trị của bộ thang đo các khái niệm nghiên cứu, kiểm định SEM đánh giá các biến có quan hệ như thế nào với các nhân tố, tác động của các nhân tố tới sự hài lòng của khách du lịch MICE như thế nào và mối quan hệ giữa các nhân tố là gì.

Nghiên cứu sơ bộ được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu sơ bộ định lượng được thực hiện qua lấy ý kiến khách du lịch MICE với mẫu có kích thước n = 100. Nghiên cứu này phân tích nhân tố khám phá EFA thực hiện trên phần mềm SPSS xác định những biến có hệ số tải thấp, độ tin cậy, độ giá trị phục vụ cho nghiên cứu chính thức.

Nghiên cứu chính thức sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng với mẫu có kích thước n = 500 quan sát thu thập bằng bảng hỏi chi tiết. Phân tích nhân tố khám phá EFA để khám phá số nhân tố và các biến quan sát nào thuộc về nhân tố xác định nào, biến nào không phù hợp để loại ra khỏi nghiên cứu. Phân tích nhân tố khẳng định CFA khẳng định lại độ tin cậy, độ giá trị của các thang đo và kiểm định trên thực tế cấu trúc dự kiến có thực sự tồn tại, mô hình nghiên cứu cùng với các giả thuyết đưa ra. Phân tích cấu trúc tuyến tính SEM (Structural Equation Modeling) đánh giá các biến có quan hệ như thế nào với các nhân tố, sự tác động và mối quan hệ của các nhân tố là gì. Qua đó kiểm định các giả thuyết được nêu ra trong mô hình đề xuất.

6. Kết cấu luận án

Ngoài Lời cam đoan, Giải thích chữ viết tắt, Danh mục biểu, bảng, Mục lục, Phần mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung chính của luận án có bố cục 4 chương:

Chương 1. Tổng quan nghiên cứu về sự hài lòng của khách du lịch MICE và các nhân tố ảnh hưởng

Chương 2. Phương pháp nghiên cứu Chương 3. Kết quả nghiên cứu

Chương 4. Giải pháp nâng cao sự hài lòng của khách du lịch MICE


CHƯƠNG 1

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ SỰ HÀI LÒNG

CỦA KHÁCH DU LỊCH MICE VÀ CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG


Chương này giới thiệu lý thuyết về sự hài lòng của du khách trong du lịch MICE. Tổng quan các lý thuyết có liên quan đến sự hài lòng của khách du lịch được tiếp cận từ góc độ du lịch và du lịch MICE. Tổng quan các nghiên cứu về du lịch MICE và sự hài lòng của khách du lịch MICE. Bàn luận về tác động của các nhân tố như hình ảnh điểm đến, chất lượng dịch vụ, giá trị nhận thức đến sự hài lòng của khách du lịch MICE. Mục đích của tổng quan lý thuyết gồm (1) giới thiệu về du lịch MICE; (2) giới thiệu lý thuyết về sự hài lòng của khách du lịch (3) xem xét các nhân tố tác động đến sự hài lòng (4) Xem xét khoảng trống lý thuyết cần tiếp tục nghiên cứu

(5) đề xuất mô hình nghiên cứu và các giả thuyết nghiên cứu.

1.1 Khái niệm du lịch MICE và đặc điểm tiêu dùng của khách du lịch MICE

1.1.1. Khái niệm du lịch MICE

Loại hình du lịch MICE kết hợp các lĩnh vực khác nhau như thương mại, vận tải, du lịch, giải trí, chỗ ở, thực phẩm và nước giải khát, địa điểm, công nghệ thông tin và tài chính (Dwyer & Mistilis, 2000). Theo (Getz, 2008) hầu hết các hoạt động MICE diễn ra ở điểm đến do ngành Du lịch tổ chức sự kiện đảm trách.

1.1.1.1 Khái niệm MICE

MICE là từ viết tắt theo các chữ cái đầu tiếng Anh của các từ : Meeting (cuộc hội họp) - Incentive (khuyến thưởng) - Convention/Conference (Hội nghị/hội thảo) - Exhibition/ Event (cuộc triển lãm/sự kiện).

Hội họp, gặp gỡ, họp mặt (Meeting): Theo quy định của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO, 2005), cuộc họp là một sự kiện có cấu trúc mà mọi người có chung một chủ đề tranh luận và sự quan tâm chung. Các cuộc họp có thể được tổ chức vì lý do thương mại hoặc phi thương mại nhưng chủ yếu được tạo ra bởi khu vực doanh nghiệp, hàng ngày với hàng triệu cuộc họp được tổ chức trên toàn thế giới (Campiranon & Arcodia, 2008). Điều làm cho một cuộc họp hội đủ điều kiện như là một phần của kinh doanh du lịch là do nó tham gia vào một số các dịch vụ của ngành du lịch và thường được tổ chức ở ngoài nơi cư trú (Davidson, 2003). Các cuộc họp cũng có thể được coi như sự kiện như hội nghị, hội thảo nhưng không có triển lãm (Fenich, 2005).


Khuyến khích/khuyến thưởng (Incentive): Khuyến thưởng du lịch là một công cụ quản lý phổ quát mà các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng một trải nghiệm du lịch hấp dẫn để thưởng cho những người có sáng tạo và nỗ lực đóng góp cho thành công của tổ chức. Nó là tất cả các khoản chi phí được các tổ chức sử dụng như một yếu tố động lực để khuyến khích tăng năng suất và hiệu quả của nhân viên trong việc đáp ứng các mục tiêu mong muốn của tổ chức về bán hàng và kinh doanh của công ty với các đối tác (Campiranon & Arcodia, 2008). Tuy nhiên, với bản chất phức tạp của thành phần này trong MICE, nó ngày càng trở nên khó khăn cho các công ty để quyết định các địa điểm nên được lựa chọn cho “khuyến thưởng”.

Hội nghị, hội thảo (Convention/Conference): Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO, 2005), Hội nghị là cuộc họp có sự tham gia được thiết kế chủ yếu cho các mục đích thảo luận, tìm kiếm và chia sẻ thông tin, giải quyết vấn đề và tư vấn. Hội nghị thường giới hạn trong thời gian và có mục tiêu cụ thể. Tương tự như cuộc họp, hội nghị có thể được định nghĩa là một sự kiện liên quan đến tối thiểu là 10 người cho bốn giờ trong một ngày hoặc nhiều hơn, thường xuyên tổ chức bên ngoài cơ sở riêng của công ty (UNWTO 2005). Trong hầu hết các cuộc hội thảo, người tham dự có hai mục tiêu chính, đặc biệt là nếu họ đang tham dự hội nghị ở nước ngoài. Trước hết tham dự hội nghị và thứ hai là tham quan, mua sắm tại các điểm đến hoặc địa điểm, nơi tổ chức hội nghị.

Ngoài ra, hội nghị còn được coi là các cuộc họp, gặp gỡ có quy mô lớn giữa những người ở cùng lĩnh vực nhằm trao đổi ý kiến hay để bàn bạc công việc với nhau, hoặc là những diễn đàn quốc tế được tổ chức bởi những tổ chức quốc tế với quy mô lớn. Trung bình có khoảng 1.000 người tham dự một hội nghị, khoảng 95 người tham dự một cuộc họp của hiệp hội. Các tổ chức thường chọn địa điểm tổ chức hội nghị trước từ 2 năm đến 5 năm, hoặc thậm chí 10 đến 15 năm đối với các hội nghị lớn (Philip Kotler, 2009).

Theo thực tế có thể chia thành hai loại hội nghị hội thảo với đặc điểm khác nhau:

Thứ nhất, hội nghị được tổ chức luân phiên bởi các thành viên (convention organized by members). Sự luân phiên được sắp xếp theo thứ tự ABC giữa các nước thành viên và thường được tổ chức theo khu vực. Hội nghị dạng này như hội nghị APEC, hội nghị cấp cao của các nước ASEAN…

Thứ hai, hội nghị, hội thảo được tổ chức theo phương thức xin đăng cai hay đấu thầu (Bid to host a convention). Đó là các hội nghị khoa học, công nghệ … Loại hội nghị, hội thảo này đòi hỏi kinh phí lớn, cần có sự hỗ trợ của cả phía Nhà nước và phía tư nhân, thời gian chuẩn bị tương đối dài.

Xem tất cả 241 trang.

Ngày đăng: 03/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí