Chất Lượng Hệ Thống Thông Tin Kế Toán Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Hoạt Động


và nâng cấp định kỳ để hưởng tối đa lợi ích của nó. Mặc dù tác giả đã xây dựng các thang đo đối với biến độc lập phần mềm kế toán, kiểm định và đưa ra kết luận, tuy nhiên nghiên cứu mới dừng ở một nhân tố có tác động tới chất lượng HTTTKT.

Nhằm xem xét mối quan hệ tác động của hệ thống kiểm soát nội bộ và CNTT đến chất lượng HTTTKT, Nguyễn Hữu Bình (2016) dựa trên nghiên cứu của Gable và cộng sự (2008) đã khảo sát thu thập từ 193 nhân viên kế toán, các nhà quản lý, những nhân viên vận hành và quản trị HTTT ở các DN có ứng dụng CNTT trong công tác kế toán tại thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2014. Tác giả sử dụng hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA; phương pháp phân tích hồi quy tuyến tính kiểm định các giả thuyết nghiên cứu. Kết quả cho thấy, chất lượng HTTTKT chịu ảnh hưởng bởi sự hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ cũng như mức độ ứng dụng CNTT trong công tác kế toán. Kết quả này giúp các nhà quản lý có cơ sở để xây dựng một HTTTKT có chất lượng đảm bảo việc cung cấp thông tin kế toán có chất lượng cho người dùng, đặc biệt là trong môi trường CNTT. Tuy nhiên phạm vi nghiên cứu còn hạn chế chỉ giới hạn ở thành phố Hồ Chí Minh và kiểm định, đo lường 2 nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng HTTTKT. Cùng bối cảnh nghiên cứu ở Việt Nam, Lê Mộng Huyền và Trần Quốc Bảo (2017) dựa trên nghiên cứu của Doll and Torkzateh (1988), Thong (1999), Ismail and Malcolm (2007) và Ismail (2009) đã kiểm định 3 nhân tố: Kiến thức của người quản lý, Sự tham gia của người quản lý, Sự hỗ trợ của ban quản lý cấp cao với bảng câu hỏi thiết kế sử dụng thang đo Likert 5 điểm. Kết quả thu về được 186 bảng, sau khi kiểm tra có 169 bảng hợp lệ được sử dụng để nhập liệu. Sau khi mã hóa và làm sạch dữ liệu, nhóm tác giả đã thực hiện các bước phân tích trên phần mềm SPSS20 như sau: đánh giá độ tin cậy thang đo Crobach Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA và phân tích hồi quy tuyến tính đa biến. Kết quả nghiên cứu cho thấy cả ba yếu tố kiến thức, sự tham gia và sự hỗ trợ của chủ sở hữu/nhà quản lý đều có ảnh hưởng đến hiệu quả của HTTTKT.

Nghiên cứu Mona và Anik (2017) nhằm kiểm tra ảnh hưởng của một số yếu tố Sự tham gia của người sử dụng vào quá trình phát triển HTTTKT, Huấn luyện và đào tạo, Sự hỗ trợ của ban quản lý cấp cao đến chất lượng của HTTTKT. Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng: Dữ liệu nghiên cứu được thu thập bằng cách phân phối bảng câu hỏi và thực hiện các cuộc phỏng vấn với 35 người sử dụng HTTTKT tại bệnh viện công khu vực Manokwari. Tác giả dựa trên nghiên cứu của Rivaningrum (2015) để phát triển bảng câu hỏi với thang đo Likert 5 điểm. Sau đó, dữ liệu được phân tích bằng cách kiểm tra F, kiểm tra t và kiểm tra xác định hệ số kiểm định lại các giả thuyết. Kết quả nghiên cứu chỉ ra Sự tham gia của người sử dụng và


biến Huấn luyện và đào tạo có ảnh hưởng ngược chiều đến chất lượng HTTTKT. Kết quả này mâu thuẫn với nghiên cứu của Jen (2002) và Almilia và Brilliantien (2007). Tuy nhiên, kết quả phù hợp với nghiên cứu của Widyaningrum (2015). Biến quan sát Sự hỗ trợ của ban quản lý cấp cao có mối quan hệ thuận chiều đến chất lượng HTTTKT, kết quả này hoàn toàn phù hợp với nghiên cứu của Jen (2002). Tác giả đưa ra khuyến nghị chất lượng HTTTKT có thể được cải thiện thông qua việc thu hút sự tham gia người sử dụng nhiều hơn vào sự phát triển của hệ thống để họ có cơ hội đóng góp và cũng có trách nhiệm trong việc phát triển HTTTKT để đạt được mục tiêu của tổ chức. Mặt khác, Huấn luyện và đào tạo cũng cần được đẩy mạnh để cải thiện khả năng và hiểu biết về sử dụng hệ thống.

Cùng thời điểm, nghiên cứu của Susanto (2017) thông qua việc kiểm tra ảnh hưởng của quá trình kinh doanh và quản trị rủi ro đối với HTTTKT nhằm kiểm định các nhân tố đó có thể nâng cao chất lượng của HTTTKT hay không. Ở Indonexia, xảy ra hiện tượng trong nhiều tổ chức đó là sự phân tán của HTTTKT dẫn đến các thông tin kế toán không đủ tiêu chuẩn. Số liệu được thu thập trong nghiên cứu này thông qua khảo sát bằng cách phát phiếu điều tra tới công ty ở Indonexia, sau đó phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM. Phương pháp nghiên cứu là nghiên cứu thăm dò. Sau khi kiểm định, kết quả cho thấy vấn đề trong HTTTKT đã được kiểm chứng xảy ra trong quá trình kinh doanh và quản trị rủi ro không hoàn toàn tốt như mong đợi. Ngoài ra, mục tiêu chính trong nghiên cứu của Omran (2017) nhằm phát triển khung nghiên cứu khám phá các nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng HTTTKT: (1) Sự hỗ trợ của ban quản lý cấp cao, (2) Trình độ học vấn của người sử dụng, (3) Liên tục cải tiến, (4) Sự tham gia của người sử dụng, (5) Quản trị rủi ro. Dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu được thu thập thông qua một cuộc khảo sát giữa các công ty khác nhau tại Jordan. Số lượng bảng câu hỏi được phân tích là 104. Dữ liệu được thu thập và phân tích bằng công cụ thống kê SPSS. Nghiên cứu chỉ ra rằng các giả thuyết đều được chấp nhận và phù hợp với nghiên cứu của Hamdallah và cộng sự (2015).

Nghiên cứu thực hiện phân tích mối quan hệ giữa quy mô DN với mức độ trang bị CNTT và mối quan hệ giữa quy mô DN với chất lượng của HTTTKT của tác giả Vũ Thị Thanh Bình (2018) cho thấy sự khác biệt về mức độ trang bị CNTT và chất lượng của HTTTKT giữa các DN có quy mô khác nhau. Thông qua phiếu khảo sát, sử dụng kỹ thuật thống kê mô tả nghiên cứu chỉ ra các DN quy mô lớn có mức độ trang bị vào CNTT gồm các hệ thống công nghệ và các ứng dụng công nghệ phục vụ cho công tác kế toán tốt hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thêm vào đó, các doanh nghiệp lớn có xu hướng trang bị nhiều hệ thống công nghệ phục vụ hỗ trợ sản xuất,


phục vụ ra quyết định kinh doanh cùng với đó là các ứng dụng công nghệ phục vụ kế toán quản trị. Do vậy, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng chất lượng của HTTTKT trong các DN quy mô lớn tốt hơn so với các DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở việc khám phá mô tả kết quả nghiên cứu mối quan hệ giữa quy mô DN với mức độ trang bị CNTT và với chất lượng của HTTTKT tại các DN khảo sát. Gần đây nhất, Đoàn Thị Chuyên (2020) xác định và đo lường mức độ tác động các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng HTTTKT tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập khu vực Đông Nam Bộ, kết quả cho thấy các nhân tố Cam kết quản lý, trình độ nhân viên kế toán, kiểm soát nội bộ, chất lượng dữ liệu, văn hóa tổ chức có mối quan hệ cùng chiều đến chất lượng HTTTKT. Tác giả kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính với phương pháp nghiên cứu định lượng thông qua việc thu thập, phân tích dữ liệu khảo sát, kiểm định các giả thuyết bằng công cụ SPSS 22.0. Từ kết quả nghiên cứu tác giả đề xuất một số giải pháp có ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng HTTTKT của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập khu vực Đông Nam Bộ. (Phụ lục 2.1)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 219 trang tài liệu này.

2.1.4. Chất lượng hệ thống thông tin kế toán ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động

Trước đây, phương pháp kế toán truyền thống được thực hiện bằng cách thủ công ghi lại các giao dịch hàng ngày bằng tay dần trở nên kém hiệu quả với các lỗi nhập liệu sai, thực hiện nhiệm vụ không hiệu quả, giấy tờ lưu trữ nhiều tạo ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến HQHĐ của DN. Hiện nay cùng với sự phát triển của công nghệ máy tính làm gia tăng việc sử dụng thông tin, khả năng phân tích dữ liệu với số lượng lớn, cung cấp báo cáo tài chính kịp thời và chính xác đã hỗ trợ đáng kể, giúp các nhà quản lý đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Chính sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ như máy tính, các gói phần mềm tiên tiến, lợi thế của HTTT tạo ra đã giúp người dùng có thể truy cập đến các tiến trình kinh doanh nhỏ nhất (Thong, 1999). Ngoài ra, HTTT tạo cơ hội nâng cao hiệu quả, giá trị của doanh nghiệp, và thậm chí có được lợi thế cạnh tranh (Kim và Lee, 1986). Các nghiên cứu trước đây đã lý giải những nguyên nhân các nhà quản lý sử dụng HTTTKT trong tổ chức vì các nhà quản lý là những người hiểu rõ doanh nghiệp mình nhất (Thong, 1999) và họ nhận ra được cơ hội kinh doanh từ việc khai thác HTTTKT. Vì vậy, nhà quản lý sẽ tổ chức HTTTKT phù hợp với mục tiêu và chiến lược của công ty, đồng thời đầu tư và mở rộng HTTTKT để tác động đến tất cả các thành phần trong tổ chức.

Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán tại các doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông của Việt Nam - 4

HTTTKT có thể tác động tích cực đến tổ chức thể hiện trong việc thích ứng tốt hơn khi môi trường thay đổi, quản lý tốt hơn các giao dịch dài hạn và mức độ cạnh tranh cao. Ngoài ra còn có sự thúc đẩy giữa các luồng thông tin ngày càng phát triển


mạnh mẽ, cải thiện mối quan hệ giao lưu đối tác bên ngoài cho DN. Elena và cộng sự (2011) cho rằng với sự phát triển của CNTT như vậy có nhiều cơ hội đa dạng hóa các DN truyền thống để cải thiện HQHĐ của DN. Các tác giả trước đây đã nghiên cứu về sự phù hợp giữa chiến lược CNTT và chiến lược kinh doanh, hay các nhân tố tác động đến hiệu quả của HTTTKT trong DN hay các nghiên cứu về HTTTKT ảnh hưởng đến HQHĐ nhưng đến nay chưa có nhiều nghiên cứu về chất lượng HTTTKT ảnh hưởng đến HQHĐ của DN. Cụ thể, nhằm xem xét mối quan hệ giữa sự thỏa mãn người sử dụng, sử dụng HTTT và HQHĐ, Gelderman (1998) sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng thông qua bảng câu hỏi khảo sát thu thập từ 1024 nhà quản lý ở Hà Lan chỉ ra hai mối quan hệ: Sự hài lòng của người sử dụng có liên quan tích cực đến HQHĐ và mối quan hệ giữa sự hài lòng của người sử dụng với HQHĐ tác động không đáng kể. Cragg và cộng sự (2002), Jourio và Kalika (2004) đã xem xét mối quan hệ giữa chiến lược công nghệ thông tin, cơ cấu tổ chức tác động đến hiệu quả hoạt động từ 256 DN tại Anh và 381 DN của Dauphine – Cegos Laboratory. Kết quả cho thấy các nhân tố đều tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động. Mối quan hệ tích cực trên đã chỉ ra tầm quan trọng của sự phù hợp trong công nghệ thông tin với chiến lược và cơ cấu của DN. Nghiên cứu cũng cho thấy vai trò quan trọng của các nhà quản lý, nhà quản lý cần nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng để có thể xây dựng tầm nhìn chiến lược và đầu tư HTTTKT phù hợp với chiến lược đó, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong DN. Chính sự phù hợp trên sẽ cung cấp các thông tin hữu ích giúp DN ra quyết định đúng đắn, mang lại hiệu quả hoạt động tốt hơn.

Tác giả Ismail and Malcolm (2005) cũng nghiên cứu về tác động của sự phù hợp giữa nhu cầu thông tin kế toán và khả năng đáp ứng các nhu cầu thông tin kế toán của HTTTKT đến HQHĐ trên 310 DN vừa và nhỏ tại Malaysia. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ tích cực giữa sự phù hợp trong HTTTKT và HQHĐ của tổ chức, các DN có sự phù hợp cao hơn trong HTTTKT sẽ có HQHĐ tốt hơn so với những DN có sự phù hợp thấp hơn trong HTTTKT tại Malaysia. Nhóm tác giả cho thấy tầm quan trọng của sự phù hợp giữa nhu cầu thông tin kế toán và khả năng đáp ứng thông tin kế toán của HTTTKT, và sự phù hợp này sẽ tác động tích cực đến HQHĐ của tổ chức tại Malaysia. Từ đó, nghiên cứu khuyến nghị việc sử dụng HTTTKT quá phức tạp và không phù hợp với những nhu cầu về HTTTKT trong tổ chức sẽ mang lại HQHĐ kém hiệu quả. Sự hiểu biết của các nhà quản lý đối với nhu cầu về thông tin kế toán và sử dụng CNTT như một cơ chế xử lý thông tin quan trọng là điều cần thiết trong DN. Vì vậy, DN cần thận trọng xem xét, lập kế hoạch định hướng trước khi xây dựng hoặc nâng cấp HTTTKT phức tạp và hiện đại hơn.


Saira và cộng sự (2010) nghiên cứu thực trạng áp dụng HTTTKT và ảnh hưởng của việc áp dụng HTTTKT đến HQHĐ của các DN vừa và nhỏ tại Malaysia. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy HQHĐ được cải thiện đáng kể khi các DN vừa và nhỏ có áp dụng HTTTKT trong quá trình hoạt động kinh doanh so với các DN không áp dụng HTTTKT. Đồng thời, việc áp dụng HTTTKT giúp góp phần duy trì khả năng cạnh tranh tốt hơn. Nghiên cứu khuyến khích các DN nên áp dụng HTTTKT nhằm giúp nâng cao HQHĐ. Đồng thời, các DN cần thường xuyên cập nhật tiến bộ CNTT để có thể cải tiến HTTTKT của DN lên tầm cao mới, giúp duy trì khả năng cạnh tranh.

Grande và cộng sự (2011) thực hiện nghiên cứu tại các DN Tây Ban Nha về ảnh hưởng của việc ứng dụng HTTTKT trong quản trị tài chính, ngân hàng đến HQHĐ của DN. Kết quả nghiên cứu đã tìm thấy mối quan hệ tích cực giữa việc ứng dụng HTTTKT trong quản trị tài chính, ngân hàng và HQHĐ của DN. Đồng thời sự ứng dụng HTTTKT một cách phù hợp trong quản trị tài chính, ngân hàng có thể đáp ứng được các nhu cầu thông tin cần thiết, từ đó giúp mang lại HQHĐ tốt hơn cho DN. Do đó, các DN cần chú ý xây dựng HTTTKT có chất lượng để phù hợp với nhu cầu thông tin của DN, để HTTTKT có thể cung cấp những thông tin hữu ích cho DN trong quá trình ra quyết định kinh doanh, tác động đến HQHĐ.

Romey và Steinbart (2012), khi HTTTKT có chất lượng sẽ mang lại giá trị tăng thêm cho DN như nâng cao chất lượng và làm giảm chi phí sản xuất của sản phẩm hoặc dịch vụ, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của chuỗi cung ứng, làm bền vững cấu trúc kiểm soát nội bộ, hỗ trợ kiểm soát và ra quyết định của nhà quản lý. Đồng thời HTTTKT cũng là một phần quan trọng thuộc cơ sở hạ tầng DN giúp thúc đẩy gia tăng các giá trị trong mỗi hoạt động của chuỗi giá trị DN. Như vậy có thể thấy được vai trò, ý nghĩa quan trọng của HTTTKT trong DN, HTTTKT có chất lượng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho DN, mang lại hiệu quả và cung cấp các thông tin hữu ích.

Pornpandejwittaya (2012) dựa trên nghiên cứu của Ismail (2009) xem xét sự ảnh hưởng của hiệu quả HTTTKT đến HQHĐ doanh nghiệp với hơn 500 công ty niêm yết tại Thái Lan. Kết quả 23,8% bảng câu hỏi được trả lời, Pornpandejwittaya đã sử dụng các công cụ thống kê và kết luận rằng độ tin cậy, tính phù hợp, tính kịp thời của HTTTKT có ảnh hưởng tích cực đến HQHĐ của DN. Như vậy dưới sự hỗ trợ của tổ chức sẽ nâng cao hiệu quả của HTTTKT và hiệu quả của HTTTKT sẽ nâng cao HQHĐ của DN.

Nghiên cứu sử dụng các phương pháp nghiên cứu lý thuyết, tổng hợp và hệ thống hóa các nghiên cứu trong và ngoài nước của Nguyễn Mạnh Toàn (2013) đã tiếp cận bằng sáu cách khác nhau về khái niệm và bản chất HTTTKT hiện nay. Tác giả đưa


ra những hạn chế trong việc tiếp cận HTTTKT chỉ trên một khía cạnh hoặc một số cấu thành HTTTKT, đề xuất cách tiếp cận mới mang tính tổng thể và đa chiều về HTTTKT để mô tả một cách khái quát và trực quan về mối liên hệ và tính thống nhất giữa các yếu tố cấu thành của HTTTKT, giúp hiểu rõ hơn bản chất HTTTKT và nhờ đó giúp DN tổ chức HTTTKT có chất lượng, có khả năng đáp ứng thông tin kế toán phù hợp với nhu cầu người dùng, cung cấp thông tin hữu ích, giúp nâng cao HQHĐ của DN. Nghiên cứu về thực trạng HTTTKT tại các DN Việt Nam của tác giả Nguyễn Thị Phương Thảo (2014) đưa ra các giải pháp giúp DN ứng dụng CNTT, phần mềm kế toán có khả năng thu thập, phân tích, xử lý nhanh các dữ liệu, cung cấp thông tin kịp thời, hữu ích, phù hợp với nhu cầu thông tin của người sử dụng giúp DN nâng cao hiệu quả hoạt động. Huỳnh Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Mạnh Toàn (2015) bằng cách tổng hợp, hệ thống hóa các nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam đã giới thiệu sáu cách tiếp cận khác nhau về khái niệm và bản chất HTTTKT hiện nay. Đồng thời, các tác giả cũng đưa ra những hạn chế trong việc tiếp cận HTTTKT chỉ trên một khía cạnh hoặc một số yếu tố cấu thành HTTTKT. Mặt khác, đề xuất cách tiếp cận mới mang tính tổng thể và đa chiều về HTTTKT để mô tả một cách khái quát và trực quan về mối liên hệ và tính thống nhất giữa các yếu tố cấu thành của HTTTKT. Nghiên cứu giúp hiểu rõ hơn bản chất HTTTKT và nhờ đó có thể ứng dụng trong quá trình phân tích, thiết kế, từ đó giúp doanh nghiệp có thể tổ chức một HTTTKT hiệu quả, có khả năng đáp ứng hệ thống phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, cung cấp thông tin hữu ích, giúp nâng cao HQHĐ của DN.

2.1.5. Đánh giá những nghiên cứu đã được công bố về chất lượng hệ thống thông tin kế toán

Những nghiên cứu về chất lượng HTTTKT được công bố theo dòng thời gian và theo bối cảnh phát triển của nền kinh tế ở từng quốc gia. Các tác giả sau này thực hiện nghiên cứu của mình dựa trên nền tảng của các nghiên cứu trước, đồng thời dùng các phần mềm hỗ trợ kiểm định, đánh giá nên kết quả ngày càng hoàn thiện hơn về nội dung và kết luận có tính thuyết phục. Các nghiên cứu trước có đặc điểm chung đó là đều nhấn mạnh tầm quan trọng của HTTTKT và sự cần thiết một HTTTKT cần phải chất lượng, giúp nhà quản lý ra quyết định đúng đắn. Phương pháp nghiên cứu định lượng chủ yếu sử dụng trong các công trình ở nước ngoài với các kích cỡ mẫu khác nhau, đối tượng khảo sát khác nhau (tuy nhiên chưa có đối tượng doanh nghiệp XDCTGT) và công cụ phân tích dữ liệu đa dạng. Ngoài ra, có rất nhiều tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính bằng cách kế thừa các nghiên cứu khác và đưa ra kết luận, chứng minh cho vấn đề của mình. Một số tác giả khác đã chỉ ra một số nhân


tố tác động đến chất lượng HTTTKT, xây dựng tiêu chí chất lượng HTTTKT trên cơ sở mô hình HTTT thành công của Delone và McLean, nhưng chưa có sự phân tích rõ ràng về mối quan hệ giữa các lý thuyết này với các khái niệm nghiên cứu trong xây dựng mô hình nghiên cứu.

Tại Việt Nam, khi nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi, ngày càng nhiều các nghiên cứu liên quan đến HTTTKT trong mọi lĩnh vực kể cả DN và đơn vị hành chính sự nghiệp. Có rất ít các tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng để làm công cụ đo lường và kiểm định các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng HTTTKT. Mặt khác, đa số các nghiên cứu sử dụng một hoặc hai nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng HTTTKT, đối tượng nghiên cứu giới hạn về mặt địa lý. Các tác giả thực hiện nghiên cứu cũng trình bày một số lý thuyết có liên quan để biện luận cho các khái niệm nghiên cứu và giả thuyết đưa ra nhưng chưa có sự phân tích rõ ràng về mối quan hệ giữa các lý thuyết này với các khái niệm nghiên cứu trong xây dựng mô hình nghiên cứu. Do vậy, các DN Việt Nam cần có thêm nhiều nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến CLHTTTKT để bổ sung thêm các bằng chứng thực nghiệm.

2.1.6. Khoảng trống nghiên cứu

Tổng quan các công trình khoa học từ trước tới nay ở trên bình diện quốc gia và quốc tế, có thể thấy rằng số lượng các công trình nghiên cứu về HTTTKT rất phong phú cả về mặt thực tiễn và mặt lý luận, đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau dưới nhiều góc độ tiếp cận. Thực tế này cho thấy, những đóng góp về mặt học thuật lẫn giá trị trong ứng dụng thực tiễn của các công trình khoa học này là rất to lớn.

Tuy có rất nhiều công trình khoa học nghiên cứu tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng HTTTKT nhưng nghiên cứu tại doanh nghiệp đặc thù như DN XDCTGT, cũng như các giải pháp, khuyến nghị cần thiết nhằm nâng cao chất lượng hệ thống này tại các DN XDCTGT của Việt Nam vẫn còn thiếu. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc tiếp tục kế thừa những kết quả của các công trình khoa học từ trước đến nay, luận án đi sâu nghiên cứu các vấn đề mang tính lý luận về chất lượng HTTTKT thông qua việc nghiên cứu các yếu tố cấu thành nên chất lượng hệ thống, đánh giá thực trạng chất lượng HTTTKT đến hiệu quả hoạt động tại các DN XDCTGT của Việt Nam, để từ đó thấy rằng, phát triển HTTTKT là yêu cầu tất yếu và cần thiết vì sự phát triển ổn định và bền vững tại DN XDCTGT của Việt Nam nói riêng và các DN Việt Nam nói chung trong bối cảnh hội nhập và phát triển.


Bên cạnh đó, thang đo CLHTTTKT của các tác giả trước được xây dựng trên cơ sở kế thừa từ các nghiên cứu ở nước ngoài, sau đó xin ý kiến các chuyên gia để thiết kế sao cho phù hợp với các DN. Trên thế giới và Việt Nam đa phần các nghiên cứu trước đây tiếp cận theo hướng ứng dụng, các phương pháp nghiên cứu và xử lý số liệu cũng khá phong phú tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế. Như vậy, nghiên cứu về chất lượng HTTTKT trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay và nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng HTTTKT đang tồn tại khoảng trống nghiên cứu thiếu nghiên cứu kiểm định về chất lượng và các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng HTTTKT trong DN. Như đã trình bày ở trên, nghiên cứu này không chỉ làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng HTTTKT, mà còn giúp cho các tổ chức có cơ hội nâng cao chất lượng HTTTKT, tác động đến hiệu quả hoạt động của DN. Quá trình tổng quan các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng HTTTKT cho thấy sự đa dạng của các nhân tố theo cả chiều rộng và chiều sâu, có nghiên cứu chỉ tập trung và đi sâu vào một nhân tố cụ thể, cũng có những nghiên cứu đánh giá một tổ hợp nhiều nhân tố khác nhau. Trên thực tế, các nghiên cứu về chất lượng HTTTKT tại các doanh nghiệp thường được thực hiện với nhiều hạn chế về quy mô các biến sử dụng, phương pháp nghiên cứu. Vì thế, một nghiên cứu mang tính tổng hợp hơn so với tổ hợp các nhóm biến tại Việt Nam là cần thiết.

Khi tổng kết mô hình đo lường chất lượng HTTTKT từ các công trình trong và ngoài nước, rất nhiều mô hình khác nhau được sử dụng. Tuy vậy, tại Việt Nam hầu như các nghiên cứu chưa đưa ra những kết luận cụ thể và chặt chẽ về việc ứng dụng các mô hình này để phù hợp với bối cảnh. Việc sử dụng mô hình nào phù hợp để đánh giá chất lượng HTTTKT tại Việt Nam sẽ có đóng góp lớn trong phát triển những nghiên cứu về chất lượng HTTTKT của Việt Nam cũng như đóng góp rất lớn cho những nhà nghiên cứu khác. Nghiên cứu về chất lượng HTTTKT tại các DN XDCTGT tại Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế chuyển đổi, có thể góp phần cho các lý thuyết về HTTT, bổ sung dữ liệu cho cơ sở dữ liệu học thuật và hỗ trợ cho các nhà quản lý DN Việt Nam xây dựng HTTTKT của mình ngày càng chất lượng hơn, góp phần gia tăng hiệu quả DN, đẩy mạnh sự phát triển của đất nước.

2.2. Cơ sở lý thuyết

2.2.1. Hệ thống thông tin

Bagranoff và cộng sự (2010) nhận định hệ thống thông tin (HTTT) là một hệ thống tạo ra thông tin cho người sử dụng, người quản lý sử dụng các thông tin trong

Xem tất cả 219 trang.

Ngày đăng: 24/01/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí