2. Lịch sử vấn đề
2.1. Vài nét về tác giả
Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933, bút danh là Đào Nguyễn, quê gốc ở làng Cổ Nhuế - Từ Liêm - Hà Nội. Năm 1953 vào bộ đội sau đó ông làm việc tại tạp chí Văn nghệ quân đội rồi Báo Thiếu niên Tiền Phong. Nguyễn Xuân Khánh là một cây bút khá đa dạng, ông sáng tác truyện ngắn, kịch, tiểu thuyết và dịch thuật, trong đó có thể kể đến:
- Rừng sâu (tập truyện ngắn, Nxb Văn học, 1962),
- Miền hoang tưởng (tiểu thuyết, Nxb Đà Nẵng, 1990),
- Hai đứa trẻ và con chó Mèo xóm núi (Nxb Nhi đồng, Hà Nội, 2002),
- Mưa quê (Nxb Nhi đồng, Hà Nội, 2003).
- Hồ Quý Ly (tiểu thuyết), 2000. Tác phẩm này nhận được một loạt các giải thưởng: Giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết (1998 - 2000) của Hội nhà văn Việt Nam; Giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội 2001; Giải thưởng Mai vàng của Báo Người lao động, 2001; Giải thưởng Thăng Long của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, 2002.
- Mẫu thượng ngàn (tiểu thuyết), 2006. Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội, 2006; Giải thưởng văn Doanh nhân, 2007.
Có thể bạn quan tâm!
- Nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh qua “Đội gạo lên chùa” - 1
- Xu Hướng “Hiện Đại Hóa” Triệt Để
- Xu Hướng Đổi Mới Dựa Trên Lối Viết Truyền Thống
- Quá Trình Sáng Tác Và Quan Niệm Nghệ Thuật Của Nguyễn Xuân Khánh
Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.
- Đội gạo lên chùa (tiểu thuyết), 2011. Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam, 2011; Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội 2011.
- Và nhiều tác phẩm dịch.
Nguyễn Xuân Khánh tuy sáng tác không nhiều nhưng những tác phẩm của nhà văn thực sự là những viên ngọc quý của thể loại tiểu thuyết lịch sử nói riêng và của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới nói chung.
2. 2. Các bài viết có liên quan tới tác phẩm Đội gạo lên chùa
Tiểu thuyết Đội gạo lên chùa được sáng tác khi nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã ở cái tuổi “ xưa nay hiếm”, sự thành công của tác phẩm một lần nữa
đã góp phần khẳng định tên tuổi và tài năng của ông trong nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Tác phẩm vừa ra mắt đã thành sự kiện:
- Ngày 20 tháng 6 năm 2011 Hội nhà văn Hà Nội và Nhà xuất bản Phụ Nữ tổ chức giới thiệu và tọa đàm tiểu thuyết Đội gạo lên chùa của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Nổi bật trong cuộc tọa đàm này là một số ý kiến sau:
+ Nhà văn Hoàng Quốc Hải một người tâm huyết với loại tiểu thuyết lịch sử đã nêu những điều tâm đắc của mình về tiểu thuyết Đội gạo lên chùa của tác giả Nguyễn Xuân Khánh: “Anh luôn đụng đến những vấn đề bản chất của văn hoá Việt, đó là Mẫu thượng ngàn - hiện tượng văn hoá thuần Việt; và giờ đây là đạo Phật - hiện tượng văn hoá du nhập nhưng đã được Việt hoá. Đội gạo lên chùa cũng là lời cảnh báo về những giá trị cốt yếu, sâu thẳm, đẹp đẽ của văn hoá Việt đang bị phá huỷ, đang dần biến mất”[21].
+ Nhà nghiên cứu trẻ Phạm Xuân Thạch nhìn nhận ở một góc độ khác - góc độ hình thức thể loại đã chỉ ra sự độc đáo của Đội gạo lên chùa trong tương quan sự phát triển của tiểu thuyết hiện đại. Đó là “Nguyễn Xuân Khánh là một trường hợp độc đáo khi mọi sự thể nghiệm, đột phá về hình thức đã trở nên bão hoà thì ông lại trở về với dạng sơ khai của tiểu thuyết: tiểu thuyết truyền thống”[21].
Không chỉ nhìn nhận nhận ở hình thức thể loại, Phạm Xuân Thạch còn chỉ ra rằng, tiểu thuyết Đội gạo lên chùa cho ta cái nhìn sâu sắc hơn về các giá trị văn hoá, tinh thần của người Việt trong sự vận động của lịch sử. Đó là “Tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh giống như một “kẻ cạnh tranh” của sử học, nó buộc chúng ta phải nhìn hiện thực lịch sử với một con mắt phức tạp hơn. Nó buộc ta phải suy tư về những nền móng của sự tồn tại bền bỉ của làng xã ở đồng bằng Bắc Bộ, những cơ chế tự điều tiết về mặt tinh thần và về cả những gì đã bị những sự vận động của lịch sử tàn phá…”(trang bìa 4 - Tiểu thuyết Đội gạo lên chùa).
+ Ngoài ra, cũng trong cuộc toạ đàm này, ý kiến của Nguyễn Xuân Khánh khi nhìn nhận “đứa con‟‟của mình sau bốn năm miệt mài viết đã góp phần giúp độc giả hiểu rõ hơn về quá trình ra đời của tác phẩm: „„Tôi Đội gạo lên chùa bằng tất cả vốn sống của cuộc đời mình, bằng tất cả sự trải nghiệm 79 năm của đời mình. Có những chi tiết đời giúp tôi nhặt được: năm 1977 tôi bị nghi ung thư, nằm viện, có sư ông nằm cùng phòng. Sư lại có chú tiểu theo chăm sóc, chú tiểu nguyên là bộ đội, đi lính về thì vào chùa. Tôi rỉ rả tâm sự cùng sư cụ và chú tiểu, và tiểu thuyết là sự thu nhặt, gắn kết, đúc rút, tỉa gọt…từ tất cả”[21].
Ngoài các ý kiến đóng góp trong cuộc tọa đàm, còn có ý kiến của nhiều cây bút trong các bài báo, các cuốn sách khác. Trong đó có thể kể đến:
- Bài viết của tác giả Mai Anh Tuấn “Tiểu thuyết như một tham khảo phật giáo” đã đưa ra nhận định: Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh “là cuốn tiểu thuyết ngay từ tiêu đề đã tiết lộ một dấu chỉ Phật giáo và bởi thế, liền sau đó, vẫy gọi những cảm xúc cũng như tri thức tiếp nhận thuộc chốn cửa thiền”. Cũng trong bài viết này tác giả đã chỉ ra thể loại của tác phẩm: “Vẫn miệt mài với lối viết tiểu thuyết trường thiên, Đội gạo lên chùa ngót một ngàn trang có lẽ không quá xa lạ với cây bút từng tạo điều tương tự với hai tiểu thuyết trước đó. Nhưng vẫn đầy bất ngờ với thời tiểu thuyết ngắn mà văn đàn thì tranh nhau hoài nghi đại tự sự. Đội gạo lên chùa ở khía cạnh này, lại trở thành tham khảo thể loại trường thiên tiểu thuyết và chắc rằng, chưa dễ đã mất đi vị thế cho những nỗ lực phục hưng dung lượng tiểu thuyết của một nhóm người, chí ít là cao tuổi”[66].
- Nhà thơ Hoàng Việt Hằng trong bài viết Thong thả kiếp người đội gạo lên chùađưa ra nhận định:“Từng nổi tiếng với Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn, tiểu thuyết gia Nguyễn Xuân Khánh lại mang đến cho làng văn một cuốn sách tầm cỡ. Đội gạo lên chùa giản dị và lôi cuốn”[25]. Đồng thời tác
giả bài viết cũng chỉ ra nghệ thuật xây dựng nhân vật người phụ nữ trong Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh đều là “điển hình của chịu thương, chịu khó, sống vì gia đình, quê hương”[25].
- Nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương với Nguyễn Xuân Khánh và tiểu thuyết văn hóa - lịch sử đã khẳng định Đội gạo lên chùa sáng tác theo “mạch tự sự văn hoá - lịch sử”[14]. Và Đội gạo lên chùa “Phải chăng đấy cũng là một kiến giải của nhà văn về dân tộc, tương lai dân tộc?”[14].
- Với bài viết Người đưa lịch sử vào tiểu thuyết, tác giả Vĩnh Hưng cũng đã đề cập đến nghệ thuật của tiểu thuyết Đội gạo lên chùa, đó là: “viết theo lối cổ điển, mang tính luận đề về ảnh hưởng của đạo Phật”[29].
Như vậy, qua các bài viết và các công trình nghiên cứu các nhà nghiên cứu, phê bình đều khẳng định sự thành công của Đội gạo lên chùa và tài năng của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh khi tiếp tục đề tài văn hoá - lịch sử. Tuy nhiên có thể nhận thấy chưa có một bài viết hay một công trình nghiên cứu chuyên sâu, tổng quát về Nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh qua Đội gạo lên chùa. Vì thế, chúng tôi nhận thấy đây là một vấn đề mới mẻ và có ý nghĩa chờ đợi sự khám phá của người nghiên cứu.
3. Nhiệm vụ và mục đích nghiên cứu
Trước tiên luận văn giới thuyết về các xu hướng tiểu thuyết Việt Nam đương đại và sáng tác tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh.
Phần chính của luận văn tiến hành khảo sát, phân tích đặc sắc nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh qua tác phẩm Đội gạo lên chùa về: nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật kết cấu và tự sự.
Ngoài ra luận văn cố gắng đi vào tìm hiểu sâu hơn kiến thức lý luận về nghệ thuật xây dựng nhân vật tiểu thuyết, nghệ thuật kết cấu và tự sự tiểu thuyết.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là Nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh qua Đội gạo lên chùa. Tức là chỉ ra những nét đặc sắc trong lối viết, lối dựng tiểu thuyết của nhà văn ở tất cả các bình diện.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Chúng tôi tập trung khảo sát tiểu thuyết Đội gạo lên chùa (Nguyễn Xuân Khánh). Những tác phẩm khác của Nguyễn Xuân Khánh, luận văn chỉ sử dụng để đối chiếu, tham khảo, củng cố thêm nhận định của mình về nghệ thuật tiểu thuyết của ông qua tác phẩm Đội gạo lên chùa. Đồng thời khảo sát tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh chúng tôi cũng đặt nó trong tương quan với các tiểu thuyết lịch sử Việt Nam hiện nay.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp phân tích theo thể loại.
- Phương pháp phân tích hệ thống các thủ pháp biểu hiện.
- Phương pháp so sánh đối chiếu và khái quát tổng hợp.
6. Đóng góp của luận văn
6.1. Thông qua đề tài, luận văn muốn khẳng định vai trò không thể thay thế được của thể loại tiểu thuyết truyền thống trong việc thể hiện nội dung văn hoá - lịch sử mà tiểu thuyết Đội gạo lên chùa đã truyền tải.
6.2. Luận văn đưa ra cái nhìn chuyên sâu và tổng quan về nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh qua Đội gạo lên chùa về: xây dựng nhân vật, nghệ thuật kết cấu và tự sự .
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, phần nội dung của luận văn được triển khai thành ba chương:
- Chương 1: Hai xu hướng tiểu thuyết Việt Nam đương đại và sáng tác của Nguyễn Xuân Khánh.
- Chương 2: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa.
- Chương 3: Nghệ thuật kết cấu và tự sự.
NỘI DUNG
Chương 1
HAI XU HƯỚNG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI VÀ SÁNG TÁC CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH
1.1. Hai xu hướng đổi mới của tiểu thuyết
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã khẳng định “Đối với đất nước ta, đổi mới có ý nghĩa sống còn”. Có thể nói, đổi mới là là yếu tố duy nhất, đảm bảo cho sự phát triển của đất nước, đồng thời cũng là khát khao, nguyện vọng của toàn dân tộc khi đất nước vừa trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt. Đời sống sau hoà bình với những khó khăn, bề bộn đòi hỏi các nhà văn phải sáng tác được những tác phẩm phản ánh được hơi thở của thời đại. Với tinh thần “cởi trói”, “dân chủ” mà Đảng khuyến khích, các nhà văn không còn bị gò bó theo những quy phạm, khuôn khổ của giai đoạn trước nữa mà được thoả sức sáng tạo, thể nghiệm. Các nhà văn luôn trăn trở, chủ động tìm cho mình một hướng đi mới thích hợp với sự vận động của xã hội - thời đại và xu hướng vận động của bản thân văn học. Và điều cốt yếu của cuộc đổi mới này chính là việc đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm, làm cho đúng và phù hợp với quy luật khách quan. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn Giáo sư Phan Cự Đệ đưa ra quan niệm mới về đổi mới tư duy: “Đổi mới tư duy là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt nhưng đồng thời cũng là một công việc lâu dài, phải tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc… Trong quá trình đổi mới tư duy, tất nhiên không chỉ có phê phán mà chủ yếu là phải suy nghĩ, khám phá, sáng tạo, cá nhân và tập thể cùng đổi mới và sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI ”[16].
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh cũng đã nói: “Ai cũng đổi mới nhưng đổi mới thật sự là gì? Theo tôi đổi mới là nghĩ đúng, làm đúng quy luật khách quan, là tôn trọng tinh thần khoa học”[48].
Cùng nhìn nhận về vấn đề đổi mới tư duy, trong cuộc toạ đàm “Văn học đổi mới và phát triển”, nhà nghiên cứu Hà Xuân Trường đã nhận định:„„Đổi mới trong văn học, điều quan trọng nhất, quyết định nhất là cái nhìn và cái tâm của nhà văn. Đề tài, nhân vật, phong cách cá tính không là cái gì nếu không có cái nhìn thời đại sâu sắc, thấu suốt nhân tình, nếu không có được một cái tâm trong sáng, nhân ái, cộng với ý thức đầy đủ về chức trách cao cả của văn học đối với con người, đối với cuộc đời, với nhân dân mình. Không có những cái đó thì không có đổi mới ‟‟[67, tr.49-50].
Dưới ánh sáng của đại hội Đảng lần thứ VI, văn học Việt Nam sau thời kỳ Đổi mới (1986) đang dần chuyển mình và có những thành tựu đáng ghi nhận. Đời sống văn học đổi mới một cách toàn diện: Với nhà văn có sự thay đổi sâu sắc về quan niệm nghệ thuật, hiện thực về con người; Với tác phẩm có sự thay đổi về chủ đề, cảm hứng sáng tác, các thủ pháp nhệ thuật; Với độc giả là sự thay đổi về thị hiếu thẩm mĩ. Cùng với sự vận động chung của nền văn học, thể loại tiểu thuyết cũng đã và đang nỗ lực “đổi mới” để phù hợp với phản ánh hiện thực, phù hợp với sự phát triển của văn học và thị hiếu của người đọc. Bởi tiểu thuyết là “thể loại văn chương duy nhất đang biến chuyển và cũng chưa định hình. Những hiện tượng cấu thành thể loại này cũng đang hoạt động trước mặt chúng ta. Thể loại tiểu thuyết ra đời dưới ánh sáng thanh thiên bạch nhật của lịch sử. Nòng cốt thể loại tiểu thuyết này chưa hề rắn lại và chúng ta chưa hề dự đoán được khả năng uyển chuyển của nó”[46]. Hơn nữa trong sáng tạo nghệ thuật việc sáng tạo, không lặp lại là quy luật phát triển của văn học nghệ thuật. Điều đó cũng đã được khẳng định trong hội nghị