Nghệ thuật lời thơ trong dân ca Sán Chí Qua khảo sát tư liệu sưu tầm ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang - 2

đời sống, vốn dân ca của người Sán Chí, trên cơ sở đó chúng tôi hiểu được thêm về người Sán Chí, về đời sống của bà con và có định hướng nghiên cứu các vấn đề trong luận văn được tốt hơn.

- Cuốn Dân ca Sán Chí ở Kiên Lao – Lục Ngạn(Nguyễn Xuân Cần – Trần Xuân Lạng chủ biên - 2003) dày hơn 1000 trang, đã khái quát được phần lời dân ca Sán Chí ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn. Các tác giả của cuốn sách sau một thời gian dài đi sưu tầm, điền dã, tìm hiểu, viết báo cáo, đã tập hợp, tuyển chọn và in sách hơn 1000 bài dân ca (gồm cả phần chữ Hán, phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa). Chiếm một phần nhỏ trong cuốn sách là một số bài giới thiệu khái quát về dân tộc Sán Chí với những điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hoá, các hình thức hát dân ca của tộc người này. Có thể đánh giá về công trình này như lời của các tác giả:“Chuyên luận này chưa có tham vọng nghiên cứu sâu mà chỉ ở mức độ điều tra khảo sát, sưu tầm tập hợp tư liệu về dân ca Sán Chí – Sán Chay ở Kiên Lao” [5, 7]. Tuy vậy, chúng tôi vẫn nghĩ rằng cuốn sách này là một thành công lớn, là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của nhóm tác giả người Bắc Giang. Dù chưa nghiên cứu sâu giá trị nội dung, nghệ thuật của lời thơ nhưng cuốn sách đã cung cấp nguồn tư liệu phong phú, quý giá về các bài dân ca Sán Chí cho những người nghiên cứu đi sau cũng như góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ vốn văn hoá, văn học cổ truyền của tộc người này.

- Địa chí Bắc Giang (Bảo tàng Bắc Giang xuất bản năm 2003) là cuốn sách tập hợp các bài viết thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (trong đó có thể loại dân ca Sán Chí – lĩnh vực văn học nghệ thuật) của tỉnh Bắc Giang. Tác giả Nguyễn Thu Minh khi viết về mục “Dân ca Sán Chí” đã đưa ra nhiều ý kiến, luận điểm về thể hát sịnh ca xưa nay của người Sán Chí (trong đó phân tích khá chi tiết về bốn hình thức hát sịnh ca hiện còn tồn tại: hát ban ngày, hát ban đêm, hát đám cưới, hát đổi danh). Sau khi khẳng định “Dân ca Sán Chí là một loại hình văn học dân gian truyền thống đã có từ lâu đời. Đó là một thể loại dân ca

trữ tình, một hình thức văn nghệ phong phú, hấp dẫn của người Sán Chí...” [47, 477], tác giả có đưa ra những nhận xét liên quan đến nội dung các câu hát sịnh ca như: “Sịnh ca của người Sán Chí không những là lời ca tiếng hát của thanh niên nam nữ mà còn phản ánh những tư tưởng, tình cảm, ước mơ, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân lao động…”, song chưa đi vào phân tích cụ thể ở các bài ca; hoặc nhận định thiên về cách thức sáng tạo lời thơ – mặt hình thức nghệ thuật của người Sán Chí: “Sịnh ca là những bài ca giản dị nhưng vô cùng sâu sắc. Họ mượn những hình tượng mây nước trăng hoa để nói hộ lòng người, lồng vào những hình tượng đó tình cảm sâu kín của mình. Họ muốn nhờ sự vật hay sự việc trong thiên nhiên trong xã hội nói hộ lòng mình với người bạn hát, bạn đời” [47, 482]. Nhìn chung những luận điểm Nguyễn Thu Minh đưa ra như trên (dù chưa lấy dẫn chứng minh hoạ) có thể xem là những ý kiến quý báu giúp chúng tôi có được định hướng đúng đắn khi nghiên cứu về nội dung và nghệ thuật lời thơ trong dân ca Sán Chí.

- Trong cuốn Dân tộc Sán Chay ở Việt Nam (Khổng Diễn chủ biên) – nhà xuất bản Văn hoá dân tộc – 2003, nhóm tác giả đã trình bày khá công phu, cụ thể, chi tiết về mọi mặt trong đời sống của người Cao Lan – Sán Chí (thuộc Sán Chay): điều kiện tự nhiên, dân cư, đời sống kinh tế, tổ chức xã hội, văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần... Khi nói về mảng văn nghệ dân gian (thuộc văn hoá tinh thần) các tác giả có bàn tới thể loại dân ca của người Cao Lan – Sán Chí. Trong đó có trích dẫn một số bài ca chứng minh cho các nhận định: “Lời ca nói về quê hương bản quán và đặc điểm phong cảnh quê hương...” [7, 386]... “phần lớn nội dung hát sịnh ca hay song cộ là đề cập đến tình yêu” [7, 387]. Trong bài viết, các tác giả còn nhấn mạnh tới “tính phổ biến” của lối hát sịnh ca từ xưa đến nay: “Ở người Sán Chí cũng như Cao Lan, hát song cộ hoặc sắng cộ khá phổ biến, hầu như xưa kia làng nào cũng hát” [7, 399].

Có thể nói, cuốn sách là một công trình nghiên cứu toàn diện, hệ thống, đầy đủ nhất về người Sán Chay (gồm Cao Lan – Sán Chí). Song về phần dân

ca, các tác giả cũng chỉ mới dừng lại ở việc đưa ra một vài khía cạnh thuộc nội dung của lời thơ mà chưa nói đến nghệ thuật trong dân ca Sán Chí. Cuốn sách đã giúp chúng tôi có cái nhìn toàn diện nhất về mọi mặt, mọi lĩnh vực trong đời sống của người Sán Chí – Sán Chay, trên cơ sở đó chúng tôi đi sâu vào một vấn đề nghiên cứu cụ thể: nghệ thuật của lời thơ.

- Trong báo cáo đề tài Sưu tầm, nghiên cứu di sản dân ca các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang – 2007 (chủ nhiệm đề tài Ngô Văn Trụ), nhóm tác giả có dành một phần cuốn sách giới thiệu về dân ca của dân tộc Sán Chí. Trong đó các tác giả đã đi sâu chỉ ra các hình thức hát dân ca hiện còn tồn tại của đồng bào. Chẳng hạn về thể hát ban ngày, các tác giả viết: “Chục cộ là thể hát đối đáp giữa nam và nữ. Lối hát này giống như hát ví của người Kinh. Sự giàu có về câu hát thường gắn liền với trí thông minh, tài ứng khẩu và việc giỏi đặt lời mời của người hát” [39, 30]. Nhìn chung, cũng như một số báo cáo, đề tài nghiên cứu về dân ca Sán Chí ở Bắc Giang trước đó, đề tài trên cũng chưa đề cập đến đặc điểm nội dung hay nghệ thuật của lời thơ.

- Trong cuốn Ca thư (Đỗ Thị Hảo chủ biên), các tác giả đã dành phần lớn trang sách để giới thiệu về những lời bài hát Sán Chay. Phần lời bình nội dung lời thơ và sơ lược về người Sán Chay chiếm tỷ lệ nhỏ. Song các tác giả cũng đã có những nhận định chung nhất về nội dung câu hát dân ca của người Sán Chay qua việc “phản ánh những sinh hoạt văn hoá độc đáo và rất riêng của từng tộc người…” [10, 135]... Cuốn sách đã cung cấp nguồn tư liệu phong phú về các bài dân ca Sán Chay nên chưa thể đi sâu nghiên cứu về nội dung, nghệ thuật của lời ca.

- Luận văn Thạc Sỹ Hát xắng cọ của người Sán Chí ở Lộc Bình – Lạng Sơn – những đặc điểm nội dung và nghệ thuật của Nguyễn Thị Thu Hiền (Đại học sư phạm Thái Nguyên - 2011) được triển khai thành 3 chương với các nội dung: Tiền đề, nguồn gốc, khái niệm, nội dung, nghệ thuật của hát xắng cọ... Có thể xem đây là công trình nghiên cứu khá cụ thể, chi tiết về thể hát xắng cọ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 145 trang tài liệu này.

ở Lộc Bình – Lạng Sơn. Tác giả luận văn có đưa ra nhận xét về thể hát này như sau: “Trong tổng thể văn hoá dân gian của cư dân Sán Chí ở Lộc Bình, hát xắng cọ là hình thức sinh hoạt dân ca độc đáo, đặc sắc đáp ứng được nhu cầu tình cảm của người lao động miền núi” [12, 39]. Nhìn chung, luận văn đã chỉ ra và có phân tích những đặc điểm nổi bật về nội dung, nghệ thuật của những câu hát xắng cọ ở Lộc Bình – Lạng Sơn. Có thể nói, luận văn đã giúp chúng tôi hiểu biết thêm về con người Sán Chí ở miền xứ Lạng, hiểu về giá trị những câu hát dân ca của họ, đặc biệt, những đặc điểm nội dung và nghệ thuật được nêu trong luận văn sẽ là những gợi ý quan trọng giúp chúng tôi có được định hướng đúng đắn khi đi nghiên cứu sâu hơn về nghệ thuật lời thơ trong dân ca Sán Chí (qua khảo sát tư liệu dân ca của người Sán Chí ở Kiên Lao – Lục Ngạn).

- Công trình dự thi giải thưởng tài năng khoa học trẻ Việt Nam 2011 mang tên Phong tục cưới hỏi và nghệ thuật hát sình ca của nhóm tác giả Ngô Ngọc Ánh, Lại Thị Mai Hương, Nguyễn Thị Thu Thảo (Đại học khoa học – Đại học Thái Nguyên) được hoàn thành vào năm 2011. Trong công trình này, các tác giả đã dành gần 30 trang nghiên cứu về nghệ thuật hát sình ca của người Sán Chí. Tuy nhiên, các tác giả mới chỉ dừng lại ở sự nhận diện một số nội dung: khái niệm, nguồn gốc, phương thức diễn xướng sình ca; giá trị của câu hát sình ca trong việc gắn kết tình cảm con người, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của người Sán Chí... “Ngay từ khi tìm hiểu nhau, các chàng trai cô gái đã sử dụng sình ca như một thứ ngôn ngữ vừa sâu sắc vừa tế nhị của tình cảm mà không thể tìm thấy ở bất cứ một câu thơ tình nào của con người hiện đại” [1, 61]. Công trình dự thi chưa đề cập đến đặc điểm hình thức nghệ thuật của lời ca, nội dung lời ca cũng chưa được nghiên cứu chi tiết. Song nhìn chung công trình trên cũng đã cung cấp cho chúng tôi nhiều tri thức quý báu giúp chúng tôi có hướng nghiên cứu luận văn tốt hơn.

Nghệ thuật lời thơ trong dân ca Sán Chí Qua khảo sát tư liệu sưu tầm ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang - 2

Các công trình trên đây đã đạt được những thành công nhất định khi khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu về dân ca của người Sán Chí, đồng thời đáp ứng

đuợc mục tiêu, yêu cầu đặt ra của Nhà nước về việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc. Các công trình trên dù chưa nghiên cứu sâu (có công trình đã đề cập đến) về nghệ thuật lời thơ song đã giúp cho chúng tôi có nhiều kiến thức bổ ích và cung cấp phần tư liệu phong phú, quý báu cho chúng tôi khi thực hiện luận văn của mình.

Trong thời gian đi điền dã tại xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang – nơi tập trung nhiều người Sán Chí, chúng tôi đã gặp gỡ, nói chuyện với một số nghệ nhân hát dân ca và có thu thập được thêm một số cuốn sổ chép tay các bài hát dân ca của họ. Có thể nói vốn dân ca của người Sán Chí tồn tại được đến ngày nay một phần lớn nhờ vào ý thức giữ gìn, duy trì và phát huy lời ca, tiếng hát dân tộc mình của các nghệ nhân nói riêng, của đồng bào Sán Chí nói chung. Những cuốn sổ ghi chép các bài hát (nhất là các bài hát được sáng tác thời hiện đại) của bà con ở Kiên Lao là những tư liệu quý báu cho chúng tôi trong quá trình thực hiện luận văn.

Trong thời gian viết luận văn chúng tôi có đọc được một số bài viết đăng trên báo điện tử về dân ca của người Sán Chí ở nhiều địa chỉ song các bài viết chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sơ lược về loại hình dân ca này mà chưa đi sâu phân tích cụ thể một vấn đề thuộc nội dung hay nghệ thuật của lời thơ.

3. Mục đích và yêu cầu của đề tài

3.1. Mục đích nghiên cứu

Việc nghiên cứu đề tài này nhằm chỉ ra những nét đặc sắc trong nghệ thuật lời thơ sịnh ca Sán Chí ở Kiên Lao - Lục Ngạn, qua đó thấy được giá trị của sịnh ca Sán Chí trong kho tàng dân ca nói chung cũng như góp phần vào việc bảo tồn vốn văn hóa, văn học này.

3.2. Yêu cầu của đề tài

Mô tả khái quát về sịnh ca trên các phương diện diễn xướng và làm rõ những giá trị nội dung của lời thơ trong sịnh ca. Đây là nội dung phụ của luận văn.

Phân tích để nêu bật những đặc sắc nghệ thuật của lời thơ trong sịnh ca.

Đây là nội dung chính của luận văn.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu: Những bài sịnh ca của người Sán Chí

4.2. Phạm vi nghiên cứu: Các bài sịnh ca của người Sán Chí ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

5. Phương pháp nghiên cứu và tư liệu khảo sát

5.1. Phương pháp nghiên cứu:

- Khảo sát thực địa về hát sịnh ca

- Phân tích văn bản

- Thống kê, phân loại

- So sánh sịnh ca của người Sán Chí với dân ca trữ tình của người Kinh để làm rõ những nét đặc sắc của sịnh ca.

5.2. Tư liệu khảo sát: 1058 bài sịnh ca trong cuốn “Dân ca Sán Chí ở Kiên Lao, Lục Ngạn” (Nguyễn Văn Cần, Trần Văn Lạng chủ biên, Bảo tàng Bắc Giang xuất bản năm 2003) (tư liệu chủ yếu).

6. Bố cục của luận văn

Mở đầu Nội dung:

- Chương 1: Tổng quan về dân ca Sán Chí

- Chương 2: Thể thơ và kết cấu lời thơ trong dân ca Sán Chí

- Chương 3: Các biện pháp tu từ, ngôn ngữ biểu thị thời gian và không gian nghệ thuật trong dân ca Sán Chí

Tài liệu tham khảo Phụ lục

NỘI DUNG

Chương 1

TỔNG QUAN VỀ DÂN CA SÁN CHÍ

1.1. CHỦ NHÂN CỦA DÂN CA SÁN CHÍ

1.1.1. Sơ lược lịch sử tộc người Sán Chí

Dân tộc Sán Chí còn được gọi là dân tộc Sán Chay, Sán Chỉ, Sán Chấy, Sán Tử, Trại… Đây là một trong những dân tộc thiểu số ở nước ta sinh sống chủ yếu ở những vùng trung du và miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh…

Về nguồn gốc của dân tộc này, đã có nhiều ý kiến đưa ra song phần lớn các nhận định đều dựa trên cơ sở thực tế tồn tại của một số tư liệu có ghi chép về sự xuất hiện, quá trình di cư của người Sán Chí qua các tỉnh thành của nước ta trước đây. Các nhà sử học, các nhà nghiên cứu văn hóa đã tìm thấy một số cuốn sách được coi là gia phả của các dòng họ Sán Chí hiện nay, từ đó định lượng khoảng thời gian xuất hiện của tộc người này. Ông Nguyễn Nam Tiến, trong bài viết của mình về người Sán Chí ở Hà Bắc năm 1974 đã công bố việc tìm được cuốn gia phả của dòng họ Nịnh ở Tiên Yên, Quảng Ninh. Trong cuốn gia phả này, có ghi năm 1743, dòng họ Nịnh đã có mặt tại Quảng Ninh. Trước đó dòng họ này đã di cư từ nơi khác đến. Theo tổng kết của Nguyễn Nam Tiến, người Sán Chí đã có mặt ở Quảng Ninh từ cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16 [35, 59-75].

Năm 1905, Revenony công bố một số tài liệu dân tộc học về khu vực Đông Bắc Bộ Việt Nam. Theo đó, ông có nói tới sự có mặt của người Sán Chí ở Việt Nam ước chừng cách đây 400 - 500 năm. Đặng Nghiêm Vạn thì cho rằng người Sán Chí xuất hiện sớm hơn các niên đại vừa nhắc chừng một thế kỷ. Dựa theo một số sách cúng hương hỏa của một số gia đình Sán Chí ở

Thái Nguyên, một số nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận định: tổ tiên của người Sán Chí hiện nay đã di cư từ Trung Quốc sang nước ta vào thời nhà Minh và

thời nhà Thanh. Dưới đây xin dẫn lời của ông Nịnh Văn Lợi ở xóm Cây Đa, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên: “Đại Minh Quốc tỉnh Quảng Đông, đạo lạc nghiệp nhân vì đại loạn giặc giã nổi lên, cướp bóc thôn hương, giết hại đồng bào, cơ nghiệp hao tàn, ăn không ngon ngủ không yên mới đem con cái cùng là tổ tông hương hỏa tiến vào rừng núi… đến đất Ai Nam tỉnh Lạng Sơn chém cây phá rừng để nuôi thân” [5, 20].

Cũng theo sách cúng hương hỏa của người Sán Chí hiện nay, ở một số xã, huyện thuộc tỉnh Bắc Giang thì người Sán Chí đã có mặt, làm ăn, sinh sống trên địa phận của tỉnh cách đây 400 năm.

Như vậy, dựa trên phần lớn ý kiến của các học giả, các nhà nghiên cứu về nguồn gốc tộc người Sán Chí, có thể khẳng định: tộc người này đã có mặt ở Việt Nam cách đây 400 - 500 năm (khoảng thế kỷ 15-16) và tồn tại cho đến ngày nay.

Về mối quan hệ giữa người Cao Lan và người Sán Chí, có học giả cho rằng, họ thuộc một dân tộc nhưng cũng có học giả không đồng tình với quan điểm trên. Thực tế, những ý kiến trái chiều này đã được nêu lên trong các cuộc họp hội nghị đại biểu người Cao Lan, Sán Chí ở một số địa phương như: Bắc Giang, Thái Nguyên… Song qua thực tế sinh sống, tồn tại cũng như qua nhiều lần trao đổi, bàn luận, phần lớn các ý kiến đều khẳng định: Cao Lan - Sán Chí cùng một nguồn gốc, có quan hệ dòng tộc khăng khít, tiếng nói không phân biệt nhau lắm, cách làm ăn sinh hoạt giống nhau. Vì thế, nên coi họ là một tộc người [5, 30]. Giữa Cao Lan, Sán Chí có sự thống nhất như vậy nên hai tộc người này còn được gọi bằng một tên chung là Sán Chay.

1.1.2. Văn hóa của người Sán Chí

1.1.2.1. Văn hóa tổ chức xã hội

Trong sinh hoạt làng xã của người Sán Chí, mỗi thôn bản phải bầu ra một người đứng đầu gọi là khán thủ. Người được chọn làm khán thủ phải là người có uy tín, hiểu biết, giàu kinh nghiệm trong mọi hoạt động để giúp nhân

Xem tất cả 145 trang.

Ngày đăng: 29/05/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí