các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện Sa Pa và thành phố Lào Cai. Tổ chức 5 Hội nghị tuyên truyền cổng du lịch thông minh cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện, thành phố trong tỉnh. Phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên, Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức 1 lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch và 4 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho 365 lượt hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn tỉnh; Bồi dưỡng kỹ năng tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng cho các điểm đến; nghiệp vụ điều hành tour; nghiệp vụ buồng khách sạn; nghiệp vụ lễ tân khách sạn; bồi dưỡng kỹ năng phục vụ nhà hàng; nghiệp vụ du lịch cho lái xe du lịch với tổng số 950 học viên tham gia.
Phối hợp với tổ chức EU tổ chức thành công 3 chương trình tập huấn và đào tạo cho 114 học viên, cụ thể: Hội thảo, tập huấn hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo nghề Du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai với sự tham gia của 40 học viên; Tập huấn kỹ năng xây dựng chính sách và quy hoạch du lịch có trách nhiệm cho 50 học viên là cán bộ quản lý các cơ sở trực thuộc, phòng văn hóa các huyện, thành phố có du lịch cộng đồng; Tập huấn kỹ năng tập huấn về Quản lý khách sạn theo bộ tiêu chuẩn VTOS cho 24 học viên đến từ các khách sạn từ 2 sao trở lên. Phối hợp với BVHTTDL và Tổng cục Du lịch tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch, 1 khóa tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý khách sạn từ 4-5 sao, bồi dưỡng nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn trong khách sạn, bảo vệ môi trường du lịch cho các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức Hội nghị tập huấn, công tác lễ tân, hậu cần cho đối tượng là cán bộ các sở, ban, ngành, sinh viên thu hút 410 cán bộ tham gia phục vụ Năm du lịch quốc gia năm 2017. Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh Lào Cai đã mở 2 lớp dạy tiếng Pháp nghiệp vụ khách sạn, nhà hàng và hướng dẫn viên cho 31 học viên do giảng viên người bản xứ dạy và cấp chứng chỉ tại Sa Pa.
Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) đã hợp tác để hỗ trợ các doanh nghiệp và cán bộ của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc đào tạo và bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như tập huấn Marketing, kỹ năng quản lý cho các nhà lãnh đạo thông qua việc ký kết chương trình đào tạo nâng cao năng lực lãnh đạo ngành du lịch Lào Cai và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Qua chương trình, có gần 100 cán bộ quản lý du lịch của các tỉnh Tây Bắc đã được bồi dưỡng, đào tạo, trong đó có Lào Cai.
Trong những năm gần đây, hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã chú trọng đầu tư trong công tác giảng dạy, tuyển sinh liên quan đến ngành dịch vụ, du lịch. Trường Cao Đẳng Cộng đồng Lào Cai đã và đang thực hiện
tuyển sinh, đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (hệ Cao đẳng), ngành Nghiệp vụ nhà hàng khách sạn và Hướng dẫn du lịch (hệ Trung cấp). Trường Cao đẳng nghề Lào Cai cũng đã mở lớp đào tạo ngành Hướng dẫn du lịch ở cả hệ Trung cấp và Cao đẳng.
3.5.5. Phát triển các loại hình dịch vụ và sản phẩm du lịch
Tỉnh Lào Cai đã xây dựng được một số sản phẩm du lịch trở thành thương hiệu nổi tiếng, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước như: Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà; Giải Marathon leo núi quốc tế (VMM); Giải đua xe đạp quốc tế một vòng đua hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc; Giải đua xe đạp vượt núi quốc tế theo cung đường thành phố Lào Cai - Bát Xát - Y Tý - Bản Khoang - Sa Pa; Lễ hội 4 mùa; Lễ hội trên mây Sa Pa… Một số các sản phẩm du lịch đặc trưng của Lào Cai đã được báo chí nước ngoài đánh giá cao như: Sản phẩm tuyến đi bộ hấp dẫn ở Sa Pa (Trekking tours) được sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet lựa chọn là 1 trong 10 con đường mòn tuyệt vời nhất thế giới; Sản phẩm du lịch chợ văn hóa Bắc Hà đã được tạp chí Serendib (SriLanka) giới thiệu là 1 trong 10 chợ hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á; Sản phẩm du lịch ruộng bậc thang Sa Pa được tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ), bình chọn là 1 trong 7 ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới. Sa Pa lọt vào Top 8 điểm đến hàng đầu Việt Nam do TripAdvisor’s Choice bình chọn, Top 2 trong “5 điểm đến nổi tiếng và đẹp nhất Việt Nam” do báo điện tử Huffington Post (Mỹ) bình chọn.
Năm 2016, tỉnh Lào Cai được BVHTTDL, Tổng cục Du lịch ghi nhận là địa phương đứng đầu trong cả nước về phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng Homestay (trên 207 cơ sở lưu trú Homestay), phổ biến tại địa bàn các xã Tả Van, Tả Phìn, Lao Chải (Sa Pa); xã Y Tý (Bát Xát); Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Tả Van Chư, Bản Liền (Bắc Hà); xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) do người dân trực tiếp đầu tư và thực hiện. Đây là loại hình “du lịch xanh” được khách du lịch quốc tế yêu thích khám phá. Hai năm liền (2016,2017) loại hình du lịch này đều nhận được giải thưởng Homestay Asean.
Lào Cai có 23 nhóm ngành dân tộc sinh sống nên có lợi thế tiềm năng về truyền thống văn hóa cộng đồng và vốn di sản văn hóa các dân tộc phong phú. Làm du lịch cộng đồng không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nền văn hóa bản đại mà còn mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân địa phương, đem lại nhiều lợi ích cho khách du lịch cũng như các doanh nghiệp du lịch. Lào Cai có Sa Pa được coi là trung tâm du lịch của tỉnh. Trong những năm gần đây, du lịch Sa Pa phát triển với tốc độ
nhanh chóng, đặc biệt mô hình du lịch cộng đồng tại Sa Pa được xem là một trong những điển hình tiêu biểu về tình hiệu quả của loại hình du lịch này. Từ những mô hình thí điểm như Cát Cát, Sín Chải (xã San Sả Hồ), Bản Dền với vài hộ dân tham gia, đến nay Sa Pa đã nhân rộng mô hình này ra nhiều xã như Tả Van, Tả Phìn với sự tham gia của hàng trăm hộ dân làm du lịch, doanh thu của nhiều hộ đạt 40-50 triệu đồng/năm đến hàng trăm triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo ở các điểm du lịch giàu nhanh gấp 2-3 lần so với các nơi khác. Bản Cát Cát có trên 30% số người dân làm du lịch, tham gia thường xuyên vào các hoạt động du lịch như bán hàng, hướng dẫn khách, biểu diễn văn nghệ,… Thu nhập bình quân từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/tháng/người trở lên. Toàn bản có trên 50 hộ kinh doanh thổ cẩm, hàng lưu niệm, dệt lanh, thủ công mỹ nghệ.
Có thể bạn quan tâm!
- Đẩy Mạnh Chương Trình Hợp Tác, Quảng Bá Văn Hóa
- Thương Hiệu Du Lịch Lào Cai Đã Được Định Hình, Phát Triển Trong Toàn Quốc Và Vươn Tầm Quốc Tế
- Cơ Sở Vật Chất Chuyên Ngành Phục Vụ Khách Du Lịch
- Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai 1991 - 2018 - 15
- Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai 1991 - 2018 - 16
- Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai 1991 - 2018 - 17
Xem toàn bộ 142 trang tài liệu này.
Từ mô hình du lịch cộng đồng ở Sa Pa, hiện nay huyện Bắc Hà đã chú trọng xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch ở thôn Trung Đô (Bảo Nhai), xã Tả Van Chư, Tà Chải, Na Hối, Bản Phố. Ở Mường Khương là điểm du lịch Cao Sơn có lợi thế khí hậu trong lành, mát mẻ, hệ thống rừng già nguyên sinh, chợ văn hóa Cao Sơn, những nếp nhà trình tường của đồng bào Mông còn giữ nguyên bản sắc truyền thống luôn hấp dẫn sự tìm hiểu, khám phá của du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Bát Xát cũng đang tích cực triển khai mô hình du lịch này, bước đầu thực hiện ở xã Y Tý, Mường Hum. Du lịch cộng đồng phát triển dẫn đến các nguồn thu nhập cho hộ gia đình cũng có biến đổi. Nguồn thu du lịch cộng đồng có từ nhiều loại hình dịch vụ như dịch vụ lưu trú, bán các sản phẩm đặc sản địa phương, đồ lưu niệm, làm hướng dẫn viên,... Bán các sản phẩm lương thực, thực phẩm, con vật nuôi đặc sản của các địa phương như rau Sa Pa, rượu Shan Lùng (Bát Xát), thắng cố Bắc Hà, gạo Sén Cù của Mường Khương, thịt hun khói, lạp xường, gà đồi, lợn cắp nách,…cũng mang lại nguồn thu lớn cho người dân. Các sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ tại thị trường địa phương mà còn phát triển thành thương hiệu phân phối rộng rãi, có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách nội địa. Nghề thủ công truyền thống độc đáo của nhiều dân tộc được khôi phục, làm ra những sản phẩm lưu niệm rất được du khách, đặc biệt là khách nước ngoài yêu thích đem lại giá trị kinh tế cao. Điển hình như thổ cẩm của người Mông ở Cát Cát, thổ cẩm của người Dao đỏ ở Tả Phìn làm ra các sản phẩm, đồ lưu niệm như áo, khăn, túi đeo điện thoại di động, gối, ví, ba lô du lịch. Các sản phẩm chạm khắc bạc như nhẫn, vòng tay, sợi dây chuyền bạc đến các đồ vật cũ cũng có thể trở thành hàng hóa mang ra bán như đồ trang sức bằng bạc nguyên chất của người dân tộc thiểu số, mõ trâu, cái trống. Nghề lấy lá thuốc, lá thuốc tắm truyền thống của người Dao đỏ đang ngày càng nổi
tiếng và có giá trị kinh tế cao.
Việc xây dựng các đội văn nghệ dân gian khai thác vốn dân ca, dân vũ phong phú, đặc sắc của các dân tộc để phục vụ du khách mang lại việc làm và nguồn thu nhập khá cao cho người dân. Một số đội văn nghệ hoạt động khá hiệu quả, thường xuyên như đội văn nghệ Cát Cát (Sa Pa), đội văn nghệ Na Hối, đội xòe Tà Chải (Bắc Hà),… Bán các sản phẩm trải nghiệm cũng là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn của du lịch vùng cao Lào Cai. Du khách được trực tiếp tham gia, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân địa phương với những chương trình như “Một ngày làm cô dâu người Mông”, “Một ngày làm nông dân người Dao”, tham gia vào quy trình nấu rượu, được hướng dẫn dệt thổ cẩm, tham gia sản xuất trên ruộng bậc thang, đi thu hái thảo quả,… Đây là sản phẩm du lịch ngày càng phát triển, có giá thành cao, là sản phẩm “phần mềm” chỉ có thể thực hiện tại những địa điểm cụ thể. Dù mới chỉ là kết quả bước đầu nhưng loại hình du lịch cộng đồng đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ phát huy thế mạnh văn hóa bản địa của các dân tộc mà còn góp phần lớn vào việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch tỉnh Lào Cai.
Bên cạnh du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, Lào Cai còn xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch gắn với các di sản văn hóa ruộng bậc thang trong chương trình “Hành trình khám phá cung đường di sản văn hóa ruộng bậc thang Tây Bắc”: Xây dựng và triển khai chương trình du lịch chiêm ngưỡng vẻ đẹp của di sản văn hóa ruộng bậc thang Lào Cai tại huyện Sa Pa và ruộng bậc thang Thề Pả (Bát Xát). Khai thác các phiên chợ vùng cao phục vụ khách du lịch như chợ văn hóa Bắc Hà, chợ Cán Cấu (Si Ma Cai), chợ Pha Long (Mường Khương), chợ Mường Hum, Y Tý (Bát Xát),… Khai thác các sản phẩm du lịch tâm linh dọc sông Hồng thông qua hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh phục vụ du khách tại các điểm: Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Đôi Cô, Đền Bảo Hà (tỉnh Lào Cai) kết hợp với các Đền: Đông Cuông, Nhược Sơn, và Tuần Quán (tỉnh Yên Bái), Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Tam Giang, Đền Du Yến (tỉnh Phú Thọ). Đầu tư, khai thác và xây dựng sản phẩm du lịch chuyên đề về Hoa trong chương trình du lịch “Sắc hoa Tây Bắc” thông qua các Lễ hội Hoa phục vụ du khách tại các điểm: Lễ hội Hoa xuân tại đường An Dương Vương, thành phố Lào Cai; Lễ hội Hoa Sa Pa tại khu vực ga đi của cáp treo Fansipan, thị trấn Sa Pa nhằm giới thiệu các loài hoa Lan, hoa Anh Đào, hoa Đỗ Quyên của tỉnh Lào Cai; Chương trình du lịch chuyên đề “Mùa hoa Đỗ Quyên” tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa), rừng
già Y Tý (Bát Xát); điểm tham quan thung lũng hoa Bắc Hà, công viên Hồ Na Cồ (Bắc Hà); Chương trình ngắm hoa tam giác mạch vào tháng 3-4 và tháng 9-10 tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai kết nối với Hà Giang. Xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch trong chương trình tuyến leo núi chinh phục đỉnh Kỳ Quan San và Nhìu Cồ San; tuyến dã ngoại tham quan bản làng khu vực Bản Xèo, Nậm Pung, Sảng Ma Sáo, Dền Thàng, Mường Hum. Khai thác có hiệu quả sản phẩm du lịch gắn với các di tích lịch sử - văn hóa như: Dinh thự Hoàng A Tưởng, Đền Trung Đô (Bắc Hà); Thành cổ Nghị Lang (Bảo Yên); Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Đôi Cô (thành phố Lào Cai),… Xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống các dân tộc như: Lễ Tết nhảy của người Dao đỏ; Lễ hội Gầu Tào của người Mông; Lễ hội rước đất, rước nước của người Tày ở Bắc Hà; Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy, Lễ cúng rừng “Gạ ma do” ở huyện Bát Xát; Lễ hội khô già già của người Hà Nhì ở huyện Bát Xát…Khai thác sản phẩm du lịch gắn với các nghề thủ công truyền thống: Nghề chạm khắc dân tộc Mông; nghề thêu thùa thổ cẩm dân tộc Dao, Mông; nghề đan lát mây, tre, đan của người Hà Nhì,… Khai thác văn hóa ẩm thực Lào Cai nhằm quảng bá cho du khách: Phối hợp Tổng cục Du lịch tổ chức Liên hoan ẩm thực Lào Cai năm 2017; giới thiệu, quảng bá những món ăn độc đáo như: Thắng cố Bắc Hà, cá hồi Sa Pa, thịt lợn muối của người Mông, rượu Padi Mường Khương, xôi màu Nùng Dín,…
3.5.6. Kết quả hoạt động du lịch
Với lợi thế so sánh đặc biệt có cửa khẩu quốc tế thông thương với vùng Tây Nam, Trung Quốc và tiềm năng du lịch phong phú, Lào Cai đang dần trở thành điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất khu vực và từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong nền kinh tế của tỉnh. Giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng khách bình quân đạt trên 10%. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được quan tâm và tăng cường. Quy hoạch du lịch, quy hoạch đô thị du lịch đã và đang được xây dựng theo hướng phân vùng các điểm du lịch trọng điểm, chú trọng và hướng đến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch thể thao, du lịch hội nghị (MICE), du lịch đi bộ dã ngoại, tham quan bản làng, du lịch biên giới, du lịch tâm linh và du lịch mua sắm thương mại. Trong đó Sa Pa được đánh giá cao, liên tục có trong danh sách các điểm đến hàng đầu Việt Nam như: Top 8 điểm đến hàng đầu Việt Nam do TripAdvisor’s Choice, Top 2 “5 điểm đến nổi tiếng và đẹp nhất Việt Nam” do báo điện tử Huffington Post (Mỹ) bình chọn,… Kỳ quan ruộng bậc thang Sa Pa cũng được Travel and Leisure (Mỹ) ca ngợi là một trong 7 ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất Châu Á và thế giới. Năm 2012,
Sa Pa được tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Lonely Plannet Traveller (Anh) có bài và ảnh giới thiệu là 1 trong 5 điểm dừng chân tuyệt vời cho kỳ nghỉ của du khách khi tới Việt Nam.
Lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng hàng năm, trong đó chủ yếu là khách quốc tế. Năm 2010, số lượt khách đến Lào Cai là 877.027 lượt. Năm 2011, số lượt khách đến Lào Cai tiếp tục tăng, đạt 932.869 lượt. Từ năm 2001 đến năm 2011, số lượt khách đến Lào Cai đã tăng gấp 3,6 lần, bình quân tăng 14,4%/năm. Năm 2014 có 1.148.000 lượt khách đến Lào Cai, gấp 1,3 lần năm 2010 [11]. Lượng khách du lịch đến Lào Cai đến hết năm 2015 đạt trên 2 triệu lượt, vượt 30% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra; trong đó khách quốc tế đạt trên 600.000 lượt, chiếm 33%, khách nội địa trên 1,3 triệu lượt. Tính đến hết ngày 31-12-2018, tổng lượt khách du lịch đến Lào Cai năm 2018 đạt 4.246.590 lượt, gấp gần 5 lần so với năm 2010, gấp 2 lần năm 2015 [33].
Cơ cấu khách đã có sự thay đổi, từ chỗ khách quốc tế chủ yếu là người Trung Quốc thì đã tăng dần khách từ các nước khác. Hiện nay, khách quốc tế đến Lào Cai đã có trên 72 quốc tịch khác nhau, chủ yếu đến từ Pháp, Úc, Mỹ, Israel, Anh, Ý, Canada, Đức, Bỉ, Nhật,...
Doanh thu kinh tế du lịch tăng nhanh. Giai đoạn 2006-2011, tăng doanh thu du lịch của Lào Cai đạt mức độ bình quân là 37,5%/năm. Năm 2010 đạt 823.829 triệu đồng, tăng gấp 4,7 lần năm 2005, gấp 14,6 lần năm 2001. Năm 2014 đạt 344.376 triệu đồng (theo giá so sánh năm 2010) [11]. Doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2015 đạt trên 4.500 tỷ đồng. Mức chi tiêu bình quân của khách đạt 745.000 đồng; số ngày lưu trú bình quân đạt 2,9 ngày [41]. Tổng thu du lịch năm 2018 đạt 13.406 tỷ đồng, gấp 16 lần năm 2010, gấp 3 lần năm 2015. Sự phát triển của du lịch Lào Cai đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp trên địa bàn tỉnh.
Sa Pa luôn là điểm du lịch thu hút đông nhất khách du lịch đến Lào Cai. Năm 2010, khách đến Sa Pa đạt 450.000 lượt, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó khách quốc tế đạt 130.603 lượt, tăng 18,7% so với năm 2009. Khách nội địa đạt 319.397 lượt, tăng 8,2% so với năm 2009.
Như vậy, trong vòng 10 năm (2008 - 2018), hoạt động du lịch của tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần cho sự tăng trưởng và đang dần khẳng định vai trò “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sản phẩm du lịch đã được hình thành và phát triển tương đối rõ nét như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch
văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh,… Thu hút đầu tư du lịch từ nguồn vốn ngoài ngân sách được thực hiện khá hiệu quả với hàng loạt các dự án lớn về dịch vụ du lịch đã được triển khai và đi vào hoạt động. Thương hiệu du lịch Lào Cai - Sa Pa dần được định vị trong tâm trí khách du lịch trong nước và bạn bè quốc tế.
Tiểu kết chương 3
Ngày 1-4-2008, SVHTTDL tỉnh Lào Cai chính thức được thành lập với quy mô lớn hơn, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch và quảng cáo. Ngay sau khi thành lập, lãnh đạo Sở đã nhanh chóng sắp xếp bộ máy tinh gọn, biên chế hợp lý, tạo thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành và nâng cao hiệu quả hoạt động của Sở.
Sự nghiệp văn hóa Lào Cai từ sau năm 2008 ngày càng phát triển mạnh mẽ, văn hóa đã thực sự trở thành động lực và mục tiêu của sự phát triển. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, hướng dẫn tổ chức đã nâng cao hiệu quả hoạt động đối với các thiết chế văn hóa, đặc biệt là nhà văn hóa thôn, bản. Phong trào “TDĐKXDĐSVH” được triển khai rộng khắp và được nhân dân hưởng ứng tích cực đã tạo diện mạo mới cho thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số được thực hiện sáng tạo, đạt kết quả cao, tạo thành nguồn lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn với phát triển du lịch, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Phong trào TDTT ngày càng lớn mạnh và có những bước phát triển đột phá. Công tác đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thiện các công trình thể thao được chú trọng, đặc biệt là các công trình sân chơi, bãi tập phục vụ nhu cầu tập luyện TDTT cho nhân dân tại các thôn bản, cụm dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học. Các hoạt động TDTT quần chúng tiếp tục được mở rộng và đi vào chiều sâu theo hướng xã hội hóa. Thể thao thành tích cao của Lào Cai đã được nhắc tới không chỉ ở trong nước, khu vực và thế giới với khoảng 70 huy chương giành được trung bình mỗi năm.
Trong phát triển du lịch, thương hiệu du lịch Lào Cai đã được định hình, phát triển trong toàn quốc và vươn tầm quốc tế. Nhờ có chính sách đầu tư hợp lý nên du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại doanh thu quan trọng cho ngân sách tỉnh. Lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng hàng năm, trong đó chủ yếu là khách quốc tế, doanh thu từ hoạt động du lịch cũng tăng nhanh chóng. Sự phát triển của du lịch Lào Cai đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp trên địa bàn tỉnh.