Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh - 2


Một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ cấp trung đội còn thiếu kiến thức thực tế, ít kinh nghiệm, kĩ năng chỉ huy; Thái độ trong chỉ huy đơn vị có lúc chưa phù hợp, thiếu quyết đoán, ngại trách nhiệm; Xử lí tình huống chưa linh hoạt [6]. Hay ở Nghị quyết Đảng bộ Binh chủng Công binh nhiệm kì 2015 - 2020 cũng đã chỉ ra một số khuyết điểm như: Trình độ kiến thức của một số cán bộ chưa toàn diện và chuyên sâu, còn bộc lộ những hạn chế nhất định trong hoạt động thực tiễn; Việc quản lí bộ đội, tổ chức chỉ huy huấn luyện, duy trì sẵn sàng chiến đấu và xây dựng nề nếp chính quy và việc “điều chỉnh kế hoạch sẵn sàng chiến đấu một số cơ quan, đơn vị chưa kịp thời, chất lượng luyện tập một số phương án sẵn sàng chiến đấu chưa cao” [28, tr. 10]. Những khuyết điểm này, có nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những hạn chế về năng lực chỉ huy của người cán bộ cấp phân đội, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả tổ chức chỉ huy và kết quả thực hiện nhiệm vụ của phân đội. Thực trạng này đặt ra yêu cầu khách quan cần nghiên cứu và tìm ra giải pháp khắc phục kịp thời. Chính vì vậy, nghiên cứu về năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh mang tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Như vậy, ở cả phương diện lí luận và thực tiễn, có thể khẳng định nghiên cứu về năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh là vấn đề mới, có ý nghĩa quan trọng và mang tính cấp thiết. Xuất phát từ những lí do nêu trên, tác giả luận án lựa chọn vấn đề: Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh làm đề tài nghiên cứu của mình.

2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu

Nghiên cứu những vấn đề lí luận, thực tiễn về năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh, trên cơ sở đó đề xuất một số biện pháp tâm lí - xã hội nhằm phát triển năng lực chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh một cách hiệu quả.

Nhiệm vụ nghiên cứu

Tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh.


Xây dựng những vấn đề lí luận cơ bản về năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 256 trang tài liệu này.

Khảo sát, đánh giá thực trạng năng lực chỉ huy và mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội công binh.

Đề xuất các biện pháp tâm lí - xã hội phát triển năng lực chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh.

Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh - 2

3. Khách thể, đối tượng, phạm vi nghiên cứu

Khách thể nghiên cứu

Cán bộ cấp phân đội, Chiến sĩ Công binh và Cán bộ cấp Lữ đoàn Công binh ở Binh chủng Công binh.

Đối tượng nghiên cứu

Biểu hiện, mức độ và các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh.

Phạm vi nghiên cứu

Về nội dung và hướng tiếp cận: Hiện nay, nghiên cứu về năng lực trong Tâm lí học có nhiều quan niệm theo các hướng tiếp cận khác nhau. Ở luận án này, tiếp cận năng lực chỉ huy là dạng năng lực thực hiện hoạt động chỉ huy, được tạo nên bởi “tổ hợp” các thành tố tâm lí bên trong và biểu hiện ra bên ngoài thông qua các mặt về kiến thức chỉ huy, thái độ trong hoạt động chỉ huy, kĩ năng chỉ huy và kết quả của hoạt động chỉ huy. Đồng thời, ở luận án không đi sâu nghiên cứu các thành phần cấu trúc bên trong tạo nên năng lực mà tập trung làm rõ các mặt biểu hiện ra bên ngoài để có thể đo lường, định lượng năng lực chỉ huy một cách cụ thể, tường minh và chính xác.

Về khách thể: Nghiên cứu này tiến hành khảo sát 568 khách thể bao gồm: 333 cán bộ cấp phân đội và 235 chiến sĩ công binh. Đối với cán bộ cấp lữ đoàn, chỉ thực hiện phỏng vấn sâu, không thực hiện khảo sát vì lượng khách thể ít, khó bảo đảm tính đại diện. Đối với cán bộ cấp phân đội ở các ngạch sĩ quan: chỉ huy, chính trị và kĩ thuật, sẽ có nhiều mặt hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, trong luận án chỉ giới hạn nghiên cứu trên các mặt hoạt động


chủ đạo của phân đội công binh là: huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hành bảo đảm công binh. Đây là các hoạt động mà năng lực chỉ huy được thể hiện rõ nhất và các biểu hiện về năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở các ngạch sĩ quan có tính tương đồng.

Về địa bàn: Luận án tiến hành nghiên cứu tại 5 Lữ đoàn Công binh (Đoàn Công binh) thuộc Binh chủng Công binh bao gồm: 3 Lữ đoàn ở miền Bắc, 1 Lữ đoàn đóng quân tại Bắc Trung bộ và 1 Lữ đoàn ở Nam Trung bộ.

Về thời gian: Các số liệu sử dụng phục vụ nghiên cứu của luận án được khảo sát, điều tra, tổng hợp từ năm 2017 đến năm 2020.

4. Giả thuyết khoa học

(1) Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh hiện nay đang ở mức độ khá. Tuy nhiên, các mặt biểu hiện của năng lực chỉ huy có mức độ khác nhau, trong đó kĩ năng chỉ huy đang ở mức độ thấp hơn các mặt còn lại.

(2) Cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh giữ chức vụ cao hơn và có số năm giữ chức vụ lâu hơn thì có năng lực chỉ huy cao hơn. Không có sự khác biệt giữa các ngạch sĩ quan về mức độ năng lực chỉ huy.

(3) Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, xu hướng nghề nghiệp công binh có ảnh hưởng mạnh nhất đến năng lực chỉ huy của họ.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

Phương pháp luận

Những nghiên cứu của luận án dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội. Ngoài ra, ở luận án cũng nghiên cứu và vận dụng các Chỉ thị, Nghị quyết của Quân ủy trung ương về chức trách, nhiệm vụ của người chỉ huy trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Công binh, các Lữ đoàn Công binh về công tác huấn luyện, thực hành bảo đảm công binh và xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay.


Luận án tiếp cận theo những phương pháp luận sau:

Tiếp cận hoạt động - nhân cách: Năng lực chỉ huy là một thành phần cơ bản trong cấu trúc nhân cách của người chỉ huy, được hình thành và phát triển trong hoạt động chỉ huy. Do đó, nghiên cứu năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh cần được tiếp cận trên thực tiễn hoạt động chỉ huy phân đội và nhân cách của họ theo chuẩn mực chung về phẩm chất, năng lực cán bộ quân đội, những yêu cầu đặc thù riêng của người chỉ huy cấp phân đội công binh hiện nay.

Tiếp cận hệ thống: Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh được biểu hiện trên các mặt về trình độ kiến thức, thái độ, kĩ năng chỉ huy và kết quả của hoạt động chỉ huy. Những nội dung này tác động qua lại, chi phối và ảnh hưởng lẫn nhau tạo ra một chỉnh thể thống nhất trong nhân cách của người chỉ huy. Đồng thời, năng lực chỉ huy chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố, vì vậy để nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và đề ra những biện pháp phù hợp nhằm phát triển năng lực chỉ huy thì cần có sự tiếp cận hệ thống.

Tiếp cận phát triển: Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh luôn vận động, biến đổi và phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp và ngày càng hoàn thiện trên cơ sở của sự rèn luyện, tích lũy trong thực tiễn hoạt động chỉ huy. Do vậy, việc nghiên cứu, đánh giá năng lực chỉ huy phải đặt trong sự vận động, biến đổi và phát triển của hoạt động chỉ huy, đối tượng, nhiệm vụ chỉ huy; sự phát triển năng lực của mỗi người chỉ huy trong điều kiện thực tiễn hoạt động chỉ huy phân đội công binh.

Tiếp cận Tâm lí học lãnh đạo, quản lí bộ đội: Năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh luôn gắn với thực tiễn hoạt động chỉ huy, đây là hoạt động đặc thù có những đặc điểm riêng. Cách tiếp cận của Tâm lí học lãnh đạo, quản lí bộ đội tạo ra cơ sở lí luận và phương thức làm sáng tỏ những biểu hiện tâm lí của người cán bộ, của tập thể phân đội công binh và các quan hệ giữa người cán bộ và cấp dưới trong phân đội. Từ đó, xác định được những đặc điểm của hoạt động chỉ huy và sự quy định, tác động, ảnh hưởng của hoạt động này đến năng lực chỉ huy của người cán bộ cấp phân đội.


Phương pháp nghiên cứu

Luận án sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu trong Tâm lí học với 8 phương pháp cụ thể sau:

Phương pháp nghiên cứu tài liệu; Phương pháp xin ý kiến chuyên gia; Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi; Phương pháp quan sát;

Phương pháp phỏng vấn sâu;

Phương pháp nghiên cứu sản phẩm hoạt động; Phương pháp phân tích chân dung tâm lí;

Phương pháp xử lí và phân tích số liệu bằng thống kê toán học (qua sử dụng phần mềm SPSS 20.0).

6. Những đóng góp mới của luận án

Đóng góp về lí luận

Kết quả nghiên cứu của luận án đã hệ thống lại, góp phần làm phong phú thêm lí luận Tâm lí học nói chung, Tâm lí học quân sự nói riêng về hoạt động chỉ huy bộ đội; quan niệm về năng lực; năng lực chỉ huy và năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh. Đồng thời, kết quả nghiên cứu của luận án đã bổ sung, phát triển lí luận của Tâm lí học quân sự thông qua việc xác định bốn đặc điểm của hoạt động chỉ huy; đưa ra tiêu chí ở 60 chỉ báo biểu hiện năng lực chỉ huy và luận giải các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh hiện nay.

Đóng góp về thực tiễn

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra mức độ các mặt biểu hiện về kiến thức chỉ huy, thái độ trong hoạt động chỉ huy, kĩ năng chỉ huy, kết quả của hoạt động chỉ huy; Phản ánh chính xác, khoa học thực trạng năng lực chỉ huy, các nhóm cán bộ cấp phân đội có mức độ năng lực chỉ huy khác nhau và sự ảnh hưởng của các yếu tố đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh hiện nay. Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng tìm ra các giá trị ở nội dung biểu hiện có quyết định lớn nhất đến mức độ của năng lực chỉ huy; Khẳng định,


chứng minh bằng số liệu khoa học để bổ nhiệm cán bộ, cụ thể là: cấp trung đội nên giữ chức vụ không quá 4 năm, cấp đại đội nên giữ chức vụ không quá 6 năm và cấp tiểu đoàn là không quá 8 năm. Điều này có ý nghĩa quan trọng để xác định biện pháp và trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ, nhằm phát triển năng lực chỉ huy cho cán bộ cấp phân đội một cách hiệu quả, bền vững.

7. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án

Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ cung cấp thêm cơ sở khoa học giúp cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Công binh, các Lữ đoàn Công binh và đội ngũ cán bộ các cấp ở Binh chủng Công binh vận dụng vào thực tiễn nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp phân đội có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hành bảo đảm công binh ở các phân đội. Đồng thời, luận án sẽ là tài liệu khoa học hữu ích cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị công binh trong toàn quân; giảng viên tại các Học viện, Nhà trường trong quân đội nghiên cứu và tham khảo.

8. Kết cấu của luận án

Luận án được trình bày trên các nội dung gồm: Mở đầu, 4 chương (12 tiết), kết luận, kiến nghị, danh mục các công trình của tác giả đã công bố, tài liệu tham khảo và phụ lục.


Chương 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN

1.1. Những nghiên cứu có liên quan đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh

Những nghiên cứu có liên quan đến năng lực chỉ huy của cán bộ cấp phân đội ở Binh chủng Công binh là nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều tác giả ở Việt Nam và thế giới. Kết quả nghiên cứu được khái quát trên các hướng chủ yếu như sau:

1.1.1. Hướng nghiên cứu về hoạt động chỉ huy và năng lực chuyên biệt của người cán bộ trong hoạt động quân sự

Nghiên cứu về hoạt động chỉ huy của người cán bộ quân sự

Hoàng Văn Thái (1980), Mấy vấn đề về chỉ huy và tham mưu [67], đã chỉ ra quy trình chỉ huy, tham mưu với các nội dung như: tìm hiểu nhiệm vụ; tính toán thời gian; ra lệnh dự báo cho cấp dưới; đánh giá tình hình; hạ quyết tâm; giao nhiệm vụ; lập kế hoạch tác chiến; tổ chức hiệp đồng và bảo đảm các mặt; kiểm tra đôn đốc việc thực hiện. Tác giả khẳng định, hoạt động chỉ huy là hoạt động khó khăn, gian khổ và phức tạp, người chỉ huy giữ vai trò rất quan trọng trong hoạt động này. Kết quả nghiên cứu đã đề cập đến tính chất, đặc điểm của hoạt động chỉ huy, chỉ ra quy trình của hoạt động chỉ huy và nhấn mạnh vai trò của người chỉ huy.

D. A. Ivanop, V. P. Xaveliev và P. V. Semanxky (1981), Những vấn đề cơ bản của chỉ huy bộ đội trong chiến đấu [39], đã khẳng định hoạt động chỉ huy thực chất là hoạt động của người chỉ huy trong quản lí, duy trì và tổ chức các nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu và chiến đấu cho đơn vị thuộc quyền; chỉ ra mô hình chỉ huy gồm: người chỉ huy, phương tiện kĩ thuật chỉ huy, tổ chức sở chỉ huy và thông tin liên lạc. Đồng thời, các tác giả cho rằng, chỉ huy bộ đội là một quy trình bao gồm: thu thập và xử lí những tài liệu về tình huống khi chuẩn bị chiến đấu và trong quá trình chiến đấu; ra quyết định và lập kế hoạch tác chiến cho bộ đội; phổ biến kế hoạch chiến đấu cho cấp dưới; tổ chức và duy trì hiệp đồng; tổ chức và thực hiện các biện pháp bảo đảm chiến đấu và cảnh vệ; kiểm tra; nghiên cứu và phổ biến kinh nghiệm chiến đấu.


C. M. Cann và R. Pigeau (1996), “Nhận lệnh của C2” [92], được trình bày tại Hội thảo Quốc tế lần thứ hai về công nghệ chỉ huy tổ chức tại Vương quốc Anh. Nghiên cứu này đã đưa ra luận điểm mới và làm rõ sự khác biệt giữa hai khái niệm chỉ huy (Command) và điều khiển (Control) tạo ra mô hình C2 (Command and Control). Đây là quan niệm có sự tương đồng như khái niệm về lãnh đạo và chỉ huy trong quân đội ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc nhận lệnh (nhận được) và thực hiện hoạt động chỉ huy luôn gắn với các điều kiện, phương tiện chỉ huy và trang bị, vũ khí hiện đại, quá trình này là biểu hiện sáng tạo, ý chí và thể hiện sự độc đáo riêng có của mỗi người chỉ huy. Đồng thời, các tác giả đã đưa ra quan niệm chỉ huy là “biểu hiện sáng tạo của người chỉ huy và sẽ cần thiết để hoàn thành một nhiệm vụ” [92, tr. 538]; Làm rõ việc chỉ huy liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm, sáng kiến, lòng can đảm, sự tin tưởng và một số biểu hiện tâm lí khác về năng lực chỉ huy của người chỉ huy mà luận án có thể kế thừa và phát triển.

Hoàng Minh Thảo (1997), Về cách dùng binh [70], tác giả cho rằng người chỉ huy là nhân tố quan trọng đến thắng lợi của đơn vị; đưa ra quan niệm chỉ huy bao gồm tổng thể các hoạt động khác nhau và là hoạt động có sự chấp hành kỉ luật nghiêm ngặt, thống nhất từ trên xuống dưới. Trong nghiên cứu cũng đề cao vai trò “mưu lược”, người chỉ huy cần có sự hiểu biết về địch, về ta, về địa hình, thời tiết từ đó tạo lập thời thế, phải tuỳ thời mà tạo thế, tác chiến chống giặc cần vận dụng linh hoạt; người chỉ huy cần “biết tổ chức thật tốt một trận chiến đấu hoàn chỉnh từ khi chuẩn bị đến lúc thu quân, biết tổ chức cho đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trong bất kỳ thời gian, không gian nào” [70, tr. 202]. Đây là những cơ sở lí luận để xác định đặc điểm của hoạt động chỉ huy, biểu hiện và biện pháp phát triển năng lực chỉ huy ở đề tài luận án.

Nguyễn Ngọc Tỉnh và Đỗ Mộng Khương (2002), Binh thư yếu lược [73]. Các dịch giả đã hệ thống tư tưởng quân sự của Trần Quốc Tuấn trên một số luận điểm cơ bản như: Đề cao vai trò của người tướng trong xây dựng sức mạnh quân đội “muốn có binh mạnh thì phải có tướng giỏi” [73, tr. 50]; Coi việc chỉ huy binh sĩ là hoạt động cơ bản, hoạt động chủ đạo của người tướng; tướng lĩnh, người chỉ huy cần phải biết liệu việc, chia đặt quân kỳ, lâm cơ ứng

Xem tất cả 256 trang.

Ngày đăng: 24/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí