Ba là, Wells Fargo chú trọng đổi mới tiếp thị sản phẩm đến từng DNNVV thông qua việc gửi thông tin sản phẩm trực tiếp qua đường bưu điện và gọi điện thoại tiếp thị từ các chi nhánh ngân hàng địa phương. Đồng thời, Wells Fargo bắt đầu tiếp xúc trực tiếp DNNVV qua các cuộc hội thảo, hội nghị để giới thiệu và hướng dẫn DNNVV về các lựa chọn tài chính, phát triển thị trường, kỹ năng quản lý,... Những nỗ lực này chính là sự cam kết của Wells Fargo đối với DNNVV và giúp Wells Fargo có thêm nhiều khách hàng DNNVV mới. Ngoài ra, các nỗ lực này còn cung cấp những ý kiến phản hồi quý giá từ DNNVV mà Wells Fargo có thể tận dụng để tìm cách phát triển và cải tiến các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của DNNVV.
* Kinh nghiệm của ICICI:
ICICI được thành lập năm 1955, là ngân hàng tư nhân lớn nhất Ấn Độ. Tại Ấn độ có khoảng 70 – 80 ngân hàng phục vụ DNNVV thì ICICI có thị phần khoảng 9%. ICICI đã bắt đầu chiến lược hướng vào khách hàng DNNVV từ năm 2003 và chỉ sau đó 4 năm, dư nợ tín dụng DNNVV tăng gấp 3 lần [57]. Kinh nghiệm của ICICI nổi bật ở 2 nội dung:
Một là, để phục vụ thị trường tín dụng DNNVV một cách hiệu quả, ICICI chia đối tượng DNNVV thành ba nhóm: (i) DNNVV có quan hệ giao dịch mua bán với các khách hàng hiện tại của ICICI; (ii) DNNVV sản xuất kinh doanh thuộc các ngành nghề có tiềm năng phát triển tốt tại Ấn Độ; (iii) Các DNNVV còn lại. Theo đó, ICICI phát triển các hệ thống quản lý rủi ro và hệ thống thông tin quản lý riêng biệt. Ví dụ, đối với các DNNVV thuộc nhóm
(i) là nhóm khách hàng có mức rủi ro thấp hơn vì ICICI biết rõ thông tin về họ thông qua các đối tác của các doanh nghiệp này là khách hàng hiện tại của ICICI và có thể cấp tín dụng dựa trên các thông tin này. Tương tự, qua việc lựa chọn 12 ngành có tiềm năng phát triển tốt tại Ấn Độ trong số 165 ngành, ICICI có thể chú trọng tìm hiểu thông tin để am hiểu các DNNVV tiềm năng
nhất ở cấp độ sâu hơn nhằm tìm cách đáp ứng tốt hơn các nhu cầu cũng như đánh giá ưu điểm của họ.
Hai là, ICICI linh hoạt trong đánh giá xếp hạng tín nhiệm DNNVV. ICICI đã phát triển hệ thống “Đánh giá rủi ro tín dụng 360 độ”. Hệ thống chấm điểm tín dụng dựa trên các thông tin bao gồm cả ngành nghề, các mối liên kết kinh doanh,… ICICI tổng hợp các yếu tố chấm điểm đã được chuẩn hóa, đánh giá của cán bộ tín dụng, và việc gặp mặt trao đổi trực tiếp với lãnh đạo DNNVV tại trụ sở doanh nghiệp, cũng như thông tin do DNNVV cung cấp để từ đó có một kết luận cấp tín dụng phù hợp, an toàn. Việc linh hoạt trong đánh giá xếp hạng tín nhiệm DNNVV đã giúp ICICI đã có thể mở rộng tín dụng DNNVV, gia tăng lợi nhuận cho ngân hàng.
1.4.1.3. Kinh nghiệm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng tại Việt Nam
Có thể bạn quan tâm!
- Vai Trò Của Vốn Tín Dụng Ngân Hàng Đối Với Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa
- Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Khả Năng Tiếp Cận Vốn Tín Dụng Ngân Hàng Của Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa
- Nhóm Các Nhân Tố Thuộc Về Ngân Hàng Thương Mại
- Số Lượng Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa Tại Tỉnh Phú Thọ
- Mức Độ Chủ Động Tiếp Cận Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa Của Ngân Hàng Thương Mại Để Cấp Tín Dụng
- Dư Nợ Tín Dụng Doanh Nghiệp Nhỏ Và Vừa Tại Tỉnh Phú Thọ
Xem toàn bộ 248 trang tài liệu này.
Ngày 20/12/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 193/2001/QÐ-TTg ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, đây được coi như một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ các DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đến nay, cả nước mới chỉ có 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV [18]. Mặc dù vậy, các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV ở các địa phương đa phần hoạt động không hiệu quả, còn mang tính cầm chừng, chưa phát huy được sứ mệnh khi thành lập, như Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015 – 2017 chỉ bảo lãnh được 1 DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013 – 2015 chỉ bảo lãnh được 2 doanh nghiệp,… Kinh nghiệm trong quá trình thành lập và triển khai hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng tại các
địa phương nhằm hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng được xác định ở các vấn đề sau:
Một là, hiện nay các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV ở các địa phương hoạt động ở hai mô hình: Mô hình 1 là các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV hoạt động độc lập, có tư cách pháp nhân (ví dụ ở thành phố Cần thơ, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Yên Bái, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Thanh Hóa,…); Mô hình 2 là Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV không có tư cách pháp nhân mà quản lý và điều hành do Quỹ hỗ trợ phát triển địa phương thực hiện (như thành phố Hà Nội, tỉnh Bình Dương, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Cà Mau,…) [4]. Qua thực tiễn hoạt động cho thấy Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV hoạt động theo mô hình 1 có nhiều ưu điểm và hiệu quả hơn so với mô hình 2 do ở mô hình 1 thì Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV có tính chủ động và nghiệp vụ chuyên sâu hơn, đồng thời ở mô hình 1 thì Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV hoạt động độc lập nên các DNNVV dễ nhận biết và tiếp cận hơn.
Hai là, năng lực của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV ở các địa phương còn hạn chế như vốn thấp, chủ yếu do ngân sách địa phương góp, các NHTM, doanh nghiệp tham gia góp vốn còn ở mức khiêm tốn. Tính đến tháng 09/2017, tổng vốn điều lệ của các Quỹ bảo lãnh tín dụng ở các địa phương ước đạt 1.462 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp 1.318,4 tỷ đồng (chiếm 90,2%), vốn góp của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, vốn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chỉ có 143,6 tỷ đồng (chiếm 9,8%) [18]. Ở các địa phương như thành phố Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Đồng Tháp,.. thì nguồn vốn hoạt động vẫn do ngân sách nhà nước cấp.
Ba là, các NHTM vẫn ngần ngại cho vay khi có sự bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, một phần do giữa NHTM và Quỹ bảo lãnh tín
dụng cho DNNVV chưa thống nhất nguyên tắc phối hợp, điều kiện, trình tự thủ tục thẩm định, do đó chưa tạo được sự tin tưởng lẫn nhau; và NHTM cũng không hoàn toàn an tâm với Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vì sợ rủi ro lớn do khó đòi tiền khi DNNVV không trả tiền. Chẳng hạn như tại Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV thành phố Cần Thơ, mặc dù đơn vị đã ký thỏa thuận hợp tác cấp tín dụng và bảo lãnh tín dụng với 12 chi nhánh NHTM nhưng chỉ có 4 chi nhánh NHTM chấp thuận cho các DNNVV vay vốn khi được đơn vị này cấp chứng thư bảo lãnh (gồm Agribank chi nhánh Cần Thơ, Ninh Kiều, Bình Thủy và NHTM cổ phần Bản Việt chi nhánh Cần Thơ).
1.4.2. Bài học nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thứ nhất, đối với Chính phủ Việt Nam.
Từ kinh nghiệm quốc tế về nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV, tác giả xác định một số bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam là:
(1) Chính phủ cần phải quan tâm phát triển DNNVV, bởi các DNNVV có vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, đặc biệt là DNNVV ở khu vực nông thôn và vùng khó khăn.
(2) Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm trợ giúp những khó khăn, bất lợi của DNNVV. Trong đó, hỗ trợ và tạo điều kiện để các DNNVV tiếp cận vốn, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng được coi là giải pháp chủ yếu để thúc đẩy sự phát triển của các DNNVV. Mặc dù vậy, Chính phủ không nên can thiệp quá sâu vào quá trình vận động phát triển của DNNVV mà tác động tích cực gián tiếp thông qua việc cải cách môi trường kinh doanh, trợ giúp DNNVV tiếp cận các nguồn lực như tài chính, công nghệ và nhân lực,...
(3) Chính phủ nên thành lập các tổ chức chuyên trách hỗ trợ các DNNVV vượt qua khó khăn về tài chính, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường,… theo hướng khuyến khích các DNNVV phát triển.
Thứ hai, đối với tỉnh Phú Thọ.
Tỉnh Phú Thọ cần xúc tiến việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV nhưng cần giải quyết bài toán nguồn vốn cho Quỹ, cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và địa phương đến các DNNVV để các DNNVV phát huy quyền lợi của mình.
Thứ ba, đối với các NHTM.
Từ kinh nghiệm của một số NHTM trên thế giới đã thành công trong mở rộng tín dụng DNNVV như Wells Fargo và ICICI, một số bài học rút ra cho các NHTM ở Việt Nam khi mở rộng tín dụng DNNVV là:
(1) Điều kiện tiên quyết khi muốn mở rộng tín dụng DNNVV là NHTM phải thực sự am hiểu về DNNVV, tạo cơ chế phản hồi tích cực từ DNNVV.
(2) NHTM không nên chỉ sử dụng một phương pháp duy nhất để phục vụ tất cả các DNNVV, mà NHTM cần thực hiện phân loại DNNVV để tạo ra các phân khúc thị trường tín dụng DNNVV mục tiêu, từ đó đưa ra các chiến lược phục vụ phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro và chi phí. Đồng thời qua đó NHTM thiết kế các sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu và đặc thù của từng phân khúc thị trường tín dụng DNNVV.
(3) Phải chủ động tìm kiếm khách hàng DNNVV, đổi mới phương thức tiếp thị sản phẩm. Kinh nghiệm cho thấy các NHTM phải tập hợp và tìm kiếm các dữ liệu thị trường tín dụng DNNVV ở cả bên trong và bên ngoài, và tuân theo một qui trình được sắp xếp chặt chẽ để bảo đảm tiếp cận được tất cả các khách hàng DNNVV tiềm năng. Chú trọng sử dụng các kênh phân phối với chi phí thấp như tiếp thị qua internet, điện thoại,…
(4) Phải linh hoạt trong đánh giá xếp hạng tín nhiệm khách hàng DNNVV. Bài học thu được từ kinh nghiệm của các NHTM thành công trong mở rộng tín dụng DNNVV là các NHTM cần áp dụng linh hoạt các phương pháp xếp hạng tín dụng thông thường để điều chỉnh thích nghi với thị trường tín dụng DNNVV. Việc thẩm định tín dụng đối với DNNVV thường đòi hỏi nhiều dạng dữ liệu kết hợp, trong đó bao gồm cả các nguồn thông tin không chính thức. Khi một NHTM đã tích lũy được dữ liệu cần thiết, khả năng dự đoán rủi ro tín dụng của NHTM sẽ tăng lên.
Thứ tư, đối với các DNNVV.
Nghiên cứu kinh nghiệm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV ở các quốc gia và NHTM trên thế giới cho thấy Chính phủ nhiều quốc gia và các NHTM đang nỗ lực khắc phục những hạn chế của thị trường tín dụng DNNVV, đặc biệt là rủi ro tín dụng và chi phí phục vụ cao. Do vậy các DNNVV cần chủ động nâng cao nội lực bản thân, minh bạch hóa tình hình tài chính, tranh thủ sự hỗ trợ của các bên liên quan để duy trì ổn định sản xuất, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Tiểu kết chương 1
Chương 1 với mục tiêu tổng hợp, hệ thống hóa, góp phần bổ sung và hoàn thiện thêm một số vấn đề lý luận về DNNVV, vốn tín dụng ngân hàng đối với DNNVV và khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng:
- Các DNNVV đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của đất nước. Tuy vậy, hệ thống doanh nghiệp này còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
- Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV gồm nhân tố thuộc về doanh nghiệp (như trình độ của chủ doanh nghiệp, năng lực tài chính và hiệu quả kinh doanh, mối quan hệ của doanh nghiệp, lịch sử vay nợ của doanh nghiệp,…), nhân tố thuộc về NHTM (như sự thắt chặt của chính sách tín dụng, chi phí DNNVV phải trả khi vay vốn,…), và các nhân tố khác.
- Nghiên cứu xác định các bài học kinh nghiệm cho Chính phủ Việt Nam, tỉnh Phú Thọ, các NHTM và các DNNVV từ việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, kinh nghiệm mở rộng tín dụng DNNVV của Wells Fargo và ICICI, cùng kinh nghiệm hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV ở Việt Nam trong thời gian qua.
Kết quả nghiên cứu của chương 1 là nền tảng cơ sở để phân tích, đánh giá thực trạng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các DNNVV tại tỉnh Phú Thọ. Và từ những vấn đề lý luận đã được làm sáng tỏ còn có thể cho phép hình thành những định hướng và đề xuất các giải pháp, kiến nghị phù hợp, khả thi nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các DNNVV tại tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới.
Chương 2
THỰC TRẠNG KHẢ NĂNG TIẾP CẬN VỐN TÍN DỤNG NGÂN HÀNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TẠI TỈNH PHÚ THỌ
2.1. TỔNG QUAN VỀ CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TẠI TỈNH PHÚ THỌ
2.1.1. Khái quát về tỉnh Phú Thọ
Phú Thọ là tỉnh thuộc khu vực trung du miền núi phía Bắc của Việt Nam, cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km, cách cảng biển Hải Phòng 170 km, cách cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu 150 km và là nơi hợp lưu của 3 con sông lớn: sông Thao, sông Đà và sông Lô. Với vị trí địa lý mang ý nghĩa là trung tâm của tiểu vùng Tây - Đông - Bắc, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với đồng bằng Sông Hồng. Phú Thọ nằm trong qui hoạch vùng thủ đô Hà Nội, nằm trên trục hành lang kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Côn Minh (Trung Quốc). Do đó, Phú Thọ có những điều kiện thuận lợi và tiềm năng rất lớn để sản xuất kinh doanh, giao thương, phát triển kinh tế với cả trong nước và quốc tế.
Trong thời gian qua, kinh tế tỉnh Phú Thọ phát triển khá, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2013 - 2016 tăng từ 6-7%, năm 2017 đạt 48.841,4 tỷ đồng (tăng 7,75% so với năm 2016) [5]. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ [48]. Tỉnh Phú Thọ luôn xác định phát triển DNNVV là nhiệm vụ then chốt trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, là nền tảng quan trọng để đẩy nhanh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động.
2.1.2. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa thực tế hoạt động tại tỉnh Phú Thọ