Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân ở nước ta hiện nay - 2

chương 1


cơ sở lý luận về nâng cao chất lượng

áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân


1.1. Khái quát những vấn đề chung về áp dụng pháp luật


1.1.1. Khái niệm áp dụng pháp luật


Pháp luật xã hội chủ nghĩa là tổng hợp các quy tắc xử sự chung thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản được cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền ban hành theo trình tự nhất định với các hình thức nhất định nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hình thức thể hiện của pháp luật xã hội chủ nghĩa là các quy phạm pháp luật được các chủ thể ban hành dưới dạng văn bản có tên gọi khác nhau và có hiệu lực pháp lý khác nhau. Khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Nhà nước hướng tới mục đích là dùng các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng, khoa học kỹ thuật... Tuy nhiên, để pháp luật thực sự đi vào đời sống thì ngoài các yếu tố như sự phù hợp của hệ thống quy phạm pháp luật bởi các điều kiện kinh tế, lịch sử, trình độ phát triển của xã hội, Nhà nước còn phải quan tâm đến hoạt động không kém phần quan trọng là tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật một cách nghiêm minh. Bởi vì, văn bản pháp luật khi ban hành dù hoàn chỉnh đến đâu nhưng nếu các quy định của văn bản đó không thực hiện được trên thực tế thì mục đích điều chỉnh pháp luật vẫn chưa đạt được.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

Thực hiện pháp luật là hành vi của con người phù hợp với những quy định của pháp luật, không trái, không vượt quá phạm vi các quy định của pháp luật và có lợi cho xã hội, cho Nhà nước và cho cá nhân. Đó là những hoạt động, những phương cách, những quá trình làm cho những quy tắc xử sự chung chứa đựng trong các quy phạm pháp luật trở thành hành vi, cách xử sự của các chủ thể pháp luật. Thực hiện pháp luật rất đa dạng và phong phú, phụ thuộc vào ý chí của mỗi cá nhân, nhưng cũng có thể chỉ

phụ thuộc vào ý chí của Nhà nước; có thể được thực hiện xuất phát từ nhiều nguyên nhân như sự tự giác của bản thân chủ thể hoặc do ảnh hưởng của dư luận xung quanh hoặc là kết quả của việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước.

Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân ở nước ta hiện nay - 2

Thực hiện pháp luật có mục đích làm cho những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống. Do các quy phạm pháp luật rất phong phú nên cũng có nhiều hình thức thực hiện khác nhau. Khoa học pháp lý đã xác định có bốn hình thức thực hiện pháp luật là tuân thủ pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật.

Tuân thủ pháp luật: Là hình thức các chủ thể pháp luật không thực hiện những hành vi mà pháp luật ngăn cấm, mà cho các quy phạm pháp luật ngăn cấm được tôn trọng và thực hiện trên thực tế. Ví dụ: Việc tuân thủ các quy định về điều kiện chuyển quyền sử dụng đất. Hộ gia đình và cá nhân muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định của Luật đất đai.v.v. Chủ thể thực hiện hình thức tuân thủ pháp luật là tất cả các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước, các tổ chức, cá nhân và mọi công dân trong xã hội.

Thi hành pháp luật (còn gọi là chấp hành pháp luật): Các chủ thể pháp luật thực hiện nghĩa vụ pháp lý chủ động, tích cực bằng các hành vi cụ thể mà pháp luật quy định được thực hiện trong những hoàn cảnh, những quan hệ pháp luật cụ thể. Ví dụ: Thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất, thực hiện các quy định về sinh đẻ có kế hoạch, thực hiện các nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái của cha mẹ v.v... Chủ thể thực hiện hình thức thi hành pháp luật này là tất cả các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước, các cá nhân, tổ chức và mọi công dân trong xã hội.

Sử dụng pháp luật: Các chủ thể thực hiện pháp luật, chủ động sử dụng các quyền thực hiện hoặc không thực hiện quyền được pháp luật cho phép theo ý chí của mình. Hình thức thực hiện pháp luật này khác hai hình thức tuân thủ pháp luật và chấp hành pháp luật là các chủ thể quan hệ pháp luật có quyền thực hiện hoặc không thực hiện các quyền của mình, không bị bắt buộc phải thực hiện như 2 hình thức tuân thủ pháp luật và chấp hành pháp luật. Ví dụ: Quyền khởi kiện hay không khởi kiện vụ án dân sự của cá nhân theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, quyền chuyển nhượng

hay không chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở của mình.v.v.. Chủ thể thực hiện hình thức sử dụng pháp luật là tất cả các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước, cá nhân, tổ chức và mọi công dân trong xã hội.

áp dụng pháp luật: Là một trong những hình thức thực hiện pháp luật và bao giờ cũng có sự tham gia của cơ quan nhà nước, cán bộ Nhà nước có thẩm quyền. áp dụng pháp luật là một trong những hình thức của thực hiện pháp luật. Nhà nước thông qua các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc cá nhân có thẩm quyền để ban hành các quyết định làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể. Thông qua đó, hoạt động áp dụng pháp luật bảo đảm cho pháp luật được tôn trọng, thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất: các quyền của chủ thể pháp luật được thực hiện và được bảo vệ trên thực tế; các hành vi vi phạm pháp luật được xử lý nghiêm minh và kịp thời. Hoạt động áp dụng pháp luật diễn ra hàng ngày trong các cơ quan nhà nước và chỉ do nhân viên nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Việc áp dụng pháp luật thường do cơ quan nhà nước được giao quyền hoặc người có thẩm quyền tiến hành theo thủ tục hành chính như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định giao đất hoặc thu hồi đất. Trong hoạt động tư pháp, áp dụng pháp luật được điều tra viên, kiểm sát viên, Thẩm phán, hội thẩm nhân dân tiến hành theo thủ tục nhất định để thu thập chứng cứ, xác minh, điều tra nhằm xác định sự thật khách quan sự việc, xác định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể pháp luật.

Hình thức áp dụng pháp luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, do có sự can thiệp của nhà nước buộc các chủ thể pháp luật thực hiện pháp luật làm cho các quy định của pháp luật đều được thực hiện chính xác, triệt để. Qua đó tác động vào các quan hệ xã hội, vào cuộc sống đạt hiệu quả cao nhất. áp dụng pháp luật được tiến hành trong các trường hợp sau:

- Khi cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước hoặc áp dụng các chế tài pháp luật đối với những chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật

- Khi xảy ra tranh chấp về quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật mà các bên đó không tự giải quyết được. Chẳng hạn, trong một hợp đồng dân sự, do một hoặc các bên tham gia ký kết không thực hiện đúng nghĩa

vụ đối với bên kia mà các bên không thể trao đổi, thỏa thuận tự giải quyết được. Trường hợp này, bên bị vi phạm có quyền đề nghị Tòa án can thiệp và đưa ra phán quyết buộc bên vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

- Trong một số quan hệ pháp luật, Nhà nước thấy cần thiết phải tham gia để kiểm tra, giám sát hoạt động của các bên hoặc xác nhận sự tồn tại một số sự việc, sự kiện thực tế. Chẳng hạn như công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán nhà, đất; chứng nhận giấy đăng ký kết hôn, chứng nhận giấy khai sinh, khai tử...

Như vậy, áp dụng pháp luật là hoạt động mang tính thực tiễn cụ thể và sinh động do cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước được giao quyền tiến hành theo một thủ tục nhất định do pháp luật quy định và đồng thời là hình thức thực hiện pháp luật, là thủ tục bắt buộc để Nhà nước tổ chức cho các chủ thể thực hiện pháp luật. áp dụng pháp luật mang tính thực tiễn, cụ thể và sinh động và được tiến hành theo một thủ tục nhất định do pháp luật quy định. áp dụng pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật, là thủ tục bắt buộc để các cơ quan nhà nước thực hiện các biện pháp cưỡng chế khi có hành vi vi phạm pháp luật; khi phải giải quyết các tranh chấp về quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý giữa các chủ thể hoặc khi nhà nước cần phải can thiệp để thực thi các quyền của chủ thể theo quy định của pháp luật. áp dụng pháp luật có vai trò rất to lớn và rất quan trọng trong việc thực hiện quyền lực nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị, kinh tế,văn hóa, an ninh quốc phòng.


1.1.2. Đặc điểm của việc áp dụng pháp luật


áp dụng pháp luật có các đặc điểm chủ yếu sau:


- áp dụng pháp luật mang tính tổ chức, thể hiện quyền lực nhà nước. Hoạt động áp dụng pháp luật chỉ do những cơ quan nhà nước hay những người có thẩm quyền tiến hành và mỗi cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được giao một số hoạt động áp dụng pháp luật nhất định trong phạm vi thẩm quyền của mình. Trong một số trường hợp cá biệt, một số tổ chức xã hội được Nhà nước trao quyền cũng có thể tiến hành áp dụng pháp luật. Hoạt động áp dụng pháp luật được tiến hành chủ yếu theo ý chí đơn phương của các cơ quan nhà nước hay những người có thẩm quyền, không phụ thuộc vào ý chí của những chủ thể có liên quan. Trường hợp cần thiết, áp dụng pháp luật được

bảo đảm thực hiện bằng sự cưỡng chế của Nhà nước. Trong quá trình áp dụng pháp luật các cơ quan nhà nước hay những người có thẩm quyền phải xem xét, cân nhắc thận trọng và dựa trên những quy phạm pháp luật đã được xác định để ra văn bản áp dụng pháp luật cụ thể. Văn bản áp dụng pháp luật là hình thức thể hiện chính thức của hoạt động áp dụng pháp luật; là văn bản pháp lý cá biệt mang tính quyền lực do các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền xây dựng, được Nhà nước trao quyền ban hành trên cơ sở những quy phạm pháp luật, nhằm xác định các quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể của các cá nhân, tổ chức hoặc xác định những biện pháp, trách nhiệm pháp luật đối với chủ thể vi phạm pháp luật.

- áp dụng pháp luật là hoạt động theo trình tự, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định. Pháp luật xác định rõ ràng cơ sở, điều kiện, trình tự, thủ tục, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia trong quá trình áp dụng pháp luật. Các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền và các bên liên quan trong quá trình áp dụng pháp luật phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định có tính thủ tục đó, để tránh những sự tùy tiện có thể dẫn đến việc áp dụng pháp luật không đúng, không chính xác. Hình thức thể hiện của hoạt động áp dụng pháp luật là văn bản áp dụng pháp luật do cơ quan nhà nước, người và tổ chức có thẩm quyền ban hành có tính chất cá biệt, một lần đối với các cá nhân, tổ chức cụ thể trong những trường hợp xác định, phải phù hợp với pháp luật và dựa trên những quy phạm pháp luật cụ thể; được thể hiện trong những hình thức pháp lý xác định như bản án, quyết định, lệnh... Văn bản áp dụng pháp luật có hai loại: văn bản xác định quyền và nghĩa vụ của chủ thể và văn bản bảo vệ pháp luật chứa đựng những biện pháp trừng phạt, cưỡng chế đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật.

- áp dụng pháp luật là hoạt động điều chỉnh cá biệt, cụ thể đối với các quan hệ xã hội xác định trên cơ sở những mệnh lệnh chung trong quy phạm pháp luật. Hoạt động áp dụng pháp luật cá biệt hóa một cách cụ thể và chính xác những quy phạm pháp luật nhất định.

- áp dụng pháp luật là hoạt động đòi hỏi tính sáng tạo. Các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền khi áp dụng pháp luật phải nghiên cứu kỹ vụ việc, phân tích làm sáng tỏ cấu thành pháp lý của nó, trong trường hợp pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa rõ thì phải áp dụng tương tự để từ đó lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp,

ra văn bản áp dụng pháp luật và tổ chức thi hành. Trong quá trình áp dụng pháp luật, người có thẩm quyền phải có ý thức pháp luật cao, có kinh nghiệm phong phú, có đạo đức trong sáng và có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao.

Tóm lại, hoạt động áp dụng pháp luật mang tính tổ chức, tính quyền lực nhà nước, được thực hiện thông qua cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền hoặc các tổ chức xã hội khi được Nhà nước trao quyền, nhằm cá biệt hóa những quy phạm pháp luật vào các trường hợp cụ thể đối với các cá nhân, tổ chức cụ thể.

1.1.3. Quy trình áp dụng pháp luật


Để hoạt động áp dụng pháp luật được chính xác, đạt chất lượng, hiệu quả cao cần tiến hành theo quy trình sau đây:

* Xác định đối tượng, phân tích đánh giá đúng, chính xác mọi tình huống, hoàn cảnh điều kiện của vụ việc thực tế đã xảy ra.

Trước khi quyết định áp dụng pháp luật, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phải điều tra, xem xét, kể cả các biện pháp chuyên môn đặc biệt như xem xét thực địa, trưng cầu giám định, áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để làm sáng tỏ những sự việc có liên quan. Khi điều tra, xem xét phải đảm bảo sự khách quan, toàn diện và đầy đủ những tình tiết của vụ việc; phải nghiên cứu, xác định vụ việc đó thực sự có ý nghĩa pháp lý hay không, đánh giá được tầm quan trọng về mặt pháp lý của nó; tuân thủ các quy định mang tính thủ tục gắn với mỗi loại vụ việc. Các cơ quan áp dụng pháp luật phải quan tâm không chỉ kết quả việc xem xét đánh giá sự việc khách quan mà phải xác minh kết quả đó có mang tính chân lý và đúng pháp luật hay không?

Trên cơ sở đó xem xét có cần phải áp dụng pháp luật đối với vụ việc cụ thể hay không? Nếu cần thì chuyển sang giai đoạn tiếp theo của quy trình.

* Lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp, phân tích làm sáng tỏ nội dung, ý nghĩa của quy phạm pháp luật đối với trường hợp cần áp dụng pháp luật.

Trước hết, phải xác định ngành luật điều chỉnh để đi đến lựa chọn quy phạm pháp luật cụ thể thích ứng với vụ việc. Quy phạm được lựa chọn phải từ các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm xảy ra sự việc cần áp dụng. Trong

trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có quy định hiệu lực trở về trước (hiệu lực hồi tố) thì áp dụng theo quy định đó. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy phạm trong văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng quy phạm pháp luật của văn bản mới.

Khi đã lựa chọn được quy phạm pháp luật cụ thể, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phải tư duy khoa học, logic, biện chứng làm sáng tỏ, nhận thức đúng đắn nội dung và ý nghĩa của quy phạm pháp luật.

* Ban hành văn bản áp dụng pháp luật. Giai đoạn này là quan trọng nhất của quá trình áp dụng pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật cá biệt hóa, cụ thể hóa những quyền và nghĩa vụ chung chứa đựng trong các văn bản quy phạm pháp luật để ấn định những quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể của các chủ thể pháp luật hoặc những biện pháp, trách nhiệm pháp lý đối với những người vi phạm.

Văn bản áp dụng pháp luật phải phù hợp với lợi ích và mệnh lệnh của Nhà nước được thể hiện trong các đạo luật và văn bản quy phạm pháp luật khác. Vì vậy, khi ra văn bản, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phải đánh giá những tình tiết của vụ việc mang tính pháp lý, có cơ sở khoa học và thực tiễn; phải "chí công, vô tư" không thể xuất phát từ động cơ cá nhân hoặc quan hệ riêng tư. Văn bản áp dụng pháp luật phải đáp ứng những yêu cầu sau:

- Văn bản áp dụng pháp luật phải được ban hành đúng thẩm quyền đúng tên gọi và trình tự, thủ tục do pháp luật quy định; nội dung văn bản phải rõ ràng, chính xác, đầy đủ, hình thức văn bản phải đảm bảo các quy định của thủ tục hành chính.

- Văn bản áp dụng pháp luật phải được ban hành có cơ sở pháp lý, chỉ rõ chi tiết cụ thể tới điểm, khoản, điều của văn bản pháp luật áp dụng. Nếu văn bản áp dụng pháp luật được ban hành trong trường hợp áp dụng pháp luật tương tự thì phải có sự lý giải kỹ càng về tính hợp pháp, hợp lý của việc áp dụng pháp luật tương tự đó, đồng thời cũng phải ghi rõ đã áp dụng tương tự quy phạm pháp luật nào hoặc nguyên tắc pháp luật nào.

- Văn bản áp dụng pháp luật phải được ban hành có cơ sở thực tế, căn cứ vào những sự kiện, những đòi hỏi thực tế đầy đủ, chính xác và có thật thì mới đảm bảo áp dụng pháp luật chính xác, có tính thuyết phục.

Văn bản áp dụng pháp luật phải được ban hành phù hợp với nhu cầu thực tế của cuộc sống thì mới bảo đảm cho văn bản quy phạm pháp luật có tính hiện thực. Nếu văn bản áp dụng pháp luật không phù hợp với thực tế thì khó được thi hành nghiêm chỉnh, thi hành kém hiệu quả, thậm chí không thể thi hành.

* Tổ chức thực hiện văn bản áp dụng pháp luật. Đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình áp dụng pháp luật, tiến hành những hoạt động tổ chức nhằm bảo đảm cho việc thực hiện đúng văn bản áp dụng pháp luật như việc tổ chức thi hành bản án v.v... Trong quá trình tổ chức thực hiện văn bản cần tiến hành các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thi hành quyết định áp dụng pháp luật nhằm đảm bảo để quyết định đó được thực hiện nghiêm chỉnh, đúng pháp luật.

Cuộc sống xã hội hàng ngày có không ít những sự kiện, những quan hệ xảy ra trong thực tế liên quan tới lợi ích cá nhân, tổ chức cần phải được pháp luật điều chỉnh ngay lập tức để đảm bảo lợi ích của công dân, các tổ chức và của Nhà nước, song pháp luật không thể điều chỉnh hết các quan hệ xã hội để có những quy phạm pháp luật mới, điều chỉnh vấn đề này đòi hỏi phải có thời gian. Mặt khác, rất nhiều sự kiện xảy ra đột xuất, nhất thời nên cũng chưa hẳn đã cần đến các quy phạm pháp luật mới. Giải pháp cho những tình huống này là áp dụng pháp luật tương tự để giải quyết. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật tương tự phải rất hạn chế, chỉ khi thật sự cần thiết mới nên áp dụng. Việc áp dụng pháp luật tương tự phải xuất phát từ lợi ích của xã hội, của Nhà nước và của công dân, đồng thời phải đảm bảo những yêu cầu của pháp chế xã hội chủ nghĩa. Không được tùy tiện áp dụng nguyên tắc tương tự.

Xem tất cả 118 trang.

Ngày đăng: 26/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí