LUẬN VĂN:
Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tũa ỏn nhõn dõn ở nước ta
hiện nay
Có thể bạn quan tâm!
- Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân ở nước ta hiện nay - 2
- Khái Niệm, Đặc Điểm Và Quy Trình Áp Dụng Pháp Luật Trong Việc Giải Quyết Các Tranh Chấp Quyền Sử Dụng Đất Tại Tòa Án Nhân Dân
- Tiêu Chí Đánh Giá Và Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Chất Lượng Áp Dụng Pháp Luật Trong Việc Giải Quyết Các Tranh Chấp Quyền Sử Dụng Đất Tại Tòa Án
Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.
1. Tính cấp thiết của đề tài
Xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo định hướng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân là chủ trương lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Trong Nhà nước pháp quyền, tư pháp có vai trò đặc biệt quan trọng, đảm bảo cho các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền được thể hiện đầy đủ, toàn diện. Vì vậy, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Trong nền tư pháp nước nhà, Tòa án được xác định là trụ cột. Hoạt động của Tòa án là nơi thể hiện rõ nhất chất lượng hoạt động và uy tín của hệ thống các cơ quan tư pháp nói riêng và toàn bộ quyền lực nhà nước nói chung, vì vậy, để cải cách, nâng cao chất lượng hoạt động của Toà án trong đó trọng tâm là hoạt động xét xử là khâu đột phá của quá trình cải cách tư pháp nước nhà trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thực tế hoạt động xét xử trong những năm gần đây cho thấy các vụ án dân sự ngày càng tăng đặc biệt là các tranh chấp về nhà, đất. Mặc dù Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2004 đã có nhiều quy định mới rõ ràng hơn tạo thuận lợi cho mọi công dân đưa quyền sử dụng đất vào giao lưu dân sự, góp phần thúc đẩy kinh tế gia đình và xã hội phát triển thông qua hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật về đất đai vẫn còn nhiều khoảng trống, tính ổn định thấp, đặc biệt có những thời kỳ pháp luật đất đai chưa phù hợp với cuộc sống đã tạo ra các hoạt động ngầm trong lĩnh vực đất đai như chuyển nhượng quyền sử dụng đất không qua chính quyền địa phương. Trong khi đó, yêu cầu của xã hội và công dân đối với công tác này ngày càng cao; Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực từ ngày 01/07/2004 nhưng nhiều văn bản pháp luật liên quan đến công tác xét xử loại tranh chấp này chưa được hướng dẫn, tập huấn kịp thời; bên cạnh đó, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, cơ sở, vật chất của các Tòa án chưa được tiếp tục kiện toàn để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cải cách tư pháp trong đó có việc tăng thẩm quyền trong xét xử cho Tòa án cấp huyện.
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao thì trong những năm gần đây các vụ, việc dân sự đều tăng đáng kể. Số lượng đơn đề nghị Tòa án xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm ngày một tăng và tính chất ngày càng phức tạp. Trong đó phần lớn là các vụ, việc liên quan đến tranh chấp nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chiếm tỷ lệ lớn và là loại tranh chấp gay go nhất, phức tạp nhất trong số các tranh chấp về dân sự. Do số lượng các vụ án tăng, tính chất ngày càng phức tạp và do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hoạt động xét xử của Tòa án còn bộc lộ những hạn chế nhất định như để quá thời hạn xét xử theo quy định của pháp luật, tỷ lệ các bản án, quyết định bị sửa, hủy do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và do áp dụng sai pháp luật về nội dung, về thủ tục tố tụng vẫn còn nhiều. Tuy số bản án bị hủy, sửa không nhiều nhưng là nhược điểm lớn nhất trong hoạt động xét xử. Đáng chú ý có một số vụ án tranh chấp về nhà, đất kéo dài qua nhiều năm, nhiều cấp xét xử làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Vẫn còn tình trạng một số bản án giải quyết tranh chấp nhà, đất tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự. Trong quá trình giải quyết vụ án, do việc nghiên cứu các văn bản pháp luật chưa đầy đủ dẫn đến việc đánh giá chứng cứ thiếu khách quan toàn diện, áp dụng văn bản pháp luật không đúng dẫn đến phán quyết sai lầm hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên Tòa án cấp trên phải hủy hoặc sửa án của Tòa án cấp dưới. Trước tình hình đó ngành Tòa án nhân dân đã tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án, đặc biệt là các vụ án dân sự đảm bảo thời hạn xét xử theo quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định của Tòa án có sai lầm nghiêm trọng, khắc phục việc áp dụng sai pháp luật; tăng cường công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật liên quan đến công tác xét xử và tổ chức hoạt động của ngành Tòa án nhân dân. Tiếp tục củng cố và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức và bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp. Hầu hết các bản án, quyết định của Tòa án được ban hành đúng pháp luật, khách quan,thấu tình đạt lý đúng thời hạn luật định và có tính giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật trong quần chúng nhân dân. Thực tiễn áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của ngành Tòa án nhân dân đã và đang đặt ra những yêu cầu vừa cấp bách vừa lâu dài để không ngừng nâng cao chất lượng xét xử trong quá trình thực hiện cải cách tư
pháp ở nước ta theo đúng đường lối của Đảng. Vì vậy, chất lượng áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án là một trong những yếu tố quan trọng có tính chất quyết định chất lượng xét xử của Tòa án nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay thì về mặt lý luận và thực tiễn có nhiều vấn đề đặt ra cần nghiên cứu, trong đó có vấn đề áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân nói chung và áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân nói riêng.
Chính vì ý nghĩa lý luận và thực tiễn như đã nêu trên tôi đã lựa chọn vấn đề " Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tũa ỏn nhõn dõn ở nước ta hiện nay " làm đề tài luận văn thạc sĩ luật.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
áp dụng pháp luật nói chung và áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân là đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học pháp lý. Đặc biệt trong tình hình hiện nay thì số lượng các bài viết, công trình nghiên cứu về cải cách tư pháp và áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án tăng lên rõ rệt. Nghiên cứu những vấn đề liên quan đến việc áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử đã được một số nhà khoa học, các bộ thực tiễn ngành Tòa án thực hiện và đã được công bố trong các công trình khoa học như:
- Luận án tiến sĩ luật học của tác giả Lê Xuân Thân: "áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay", năm 2004.
- Luận văn thạc sĩ của tác giả Chu Đức Thắng: "áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự của Tòa án nhân dân ở cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay", năm 2004.
- Tác giả Lưu Tiến Dũng với bài "Bàn về áp dụng pháp luật trong công tác xét xử", Tạp chí Tòa án nhân dân số tháng 5/2005.
- Tác giả Phạm Thanh Hải Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng, Hà Tây với bài "Trao đổi thêm về việc áp dụng Điều 136 Luật đất đai năm 2003", Tạp chí Tòa án tháng 5/2005.
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường với bài "Những vấn đề cần trao đổi khi áp dụng Điều 136 Luật đất đai năm 2003", Tạp chí Tòa án tháng 8/2005.
- Tác giả Thủy Nguyên với bài " áp dụng luật hôn nhân gia đình khi giải quyết vụ án có yếu tố nước ngoài", Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 tháng 9/2005.
- Ban biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân với bài "Những vấn đề trao đổi khi áp dụng Điều 136 Luật đất đai năm 2003", Tạp chí Tòa án nhân dân tháng 9/2005.
Ngoài ra, trên các tạp chí khác như: Tạp chí Kiểm sát, Tạp chí Dân chủ và pháp luật cũng có những bài viết nghiên cứu về việc áp dụng pháp luật. Các công trình nêu trên hoặc nghiên cứu việc áp dụng pháp luật trong việc xét xử của Tòa án nhân dân nói chung hoặc áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự, các vụ án dân sự của Tòa án nhân dân ở một số địa phương cụ thể. Cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào phân tích một cách toàn diện, đầy đủ, có hệ thống dưới góc độ lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật vấn đề áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân - loại tranh chấp gay go nhất, phức tạp nhất trong tất cả các tranh chấp về dân sự.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
* Về đối tượng nghiên cứu:
Luận văn tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận áp dụng pháp luật vào việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân, nghiên cứu thực trạng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất, nguyên nhân và những bất cập trong việc áp dụng pháp luật, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng việc áp dụng các văn bản pháp luật vào việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất.
* Về phạm vi nghiên cứu:
Trong phạm vi một luận văn thạc sĩ luật học chuyên ngành lý luận Nhà nước và pháp luật, luận văn chỉ bao gồm những nội dung lý luận, thực tiễn có liên quan đến vấn đề áp dụng pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân.
Giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất là một lĩnh vực rộng với nhiều cơ quan khác có thẩm quyền tham gia. Tuy nhiên, với khuôn khổ một luận văn thạc sĩ, tác giả chỉ đi sâu nghiên cứu về việc áp dụng các văn bản pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân trong đó đi sâu phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khắc phục.
4. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
* Về mục đích:
Luận văn nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân.
* Về nhiệm vụ của luận văn:
- Phân tích cơ sở lý luận của việc áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án đối với các tranh chấp quyền sử dụng đất. Dưới góc độ lý luận Mác - Lênin về Nhà nước pháp luật, luận văn nêu khái niệm, đặc điểm, quy trình áp dụng pháp luật, tiêu chí đánh giá và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân.
- Đánh giá chất lượng áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân từ năm 2000 đến năm 2005, rút ra những ưu điểm, thành tựu đạt được, những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế đó.
- Đề xuất và luận chứng những quan điểm, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
* Cơ sở lý luận:
Luận văn dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, các quan điểm đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân đặc biệt là các quan điểm của Đảng chỉ đạo về cải cách tư pháp.
* Phương pháp nghiên cứu:
Luận văn sử dụng các phương pháp của triết học duy vật biện chứng, duy vật lịch sử Mác xít, trong đó chú trọng các phương pháp kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp lịch sử cụ thể. Ngoài ra còn sử dụng các phương pháp của các bộ môn khoa học khác như thống kê, so sánh.
6. Những đóng góp của luận văn
Luận văn phân tích khái niệm, đặc điểm, quy trình áp dụng pháp luật, xác định tiêu chí đánh giá và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng áp dụng pháp luật trong việc xét xử của Tòa án nhân dân nói chung và trong việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân nói riêng.
Đánh giá thực trạng chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân.
Đề xuất giải pháp phù hợp thực tiễn hiện nay nhằm nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật của Tòa án nhân dân trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất.
7. ý nghĩa của luận văn
Kết quả nghiên cứu của luận văn góp phần bổ sung và phát triển lý luận phục vụ yêu cầu thực tiễn của việc không ngừng nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử nói chung và trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân nói riêng trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay. Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể làm tư liệu tham khảo phục vụ cho công tác nghiên cứu giảng dạy khoa học pháp lý nói chung và đào tạo chức danh Tư pháp nói riêng. Nội dung của luận văn cũng có thể góp phần xây dựng kỹ năng nghề nghiệp của người Thẩm phán, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, đặc biệt là đối với các Thẩm phán dân sự, giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và các vụ án có liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất.
8. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương, 7 tiết.