Một số đặc điểm tâm lý và đạo đức trong kinh doanh ở các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay - 2


Vài năm trở lại đây, khoa học tâm lý ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đang trở thành trào lưu khá nở rộ trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam xu hướng nghiên cứu tâm lý trong quản trị doanh nghiệp chưa thực sự khởi sắc. Nhận thức được mức độ cần thiết và tầm quan trọng của việc nghiên cứu tâm lý - đạo đức trong kinh doanh hiện nay, tác giả đã chọn nghiên cứu đề tài khóa luận của mình là: Một số đặc điểm tâm lý và đạo đức trong kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay”.

B. Phạm vi nghiên cứu của đề tài

Tâm lý và đạo đức trong kinh doanh là hai lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn liên quan đến nhiều đối tượng hữu quan trong kinh doanh như người lao động, nhà lãnh đạo doanh nghiệp, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, nhà cung cấp … Bên cạnh đó, dưới tác động của những biến đổi trong nền kinh tế, đặc biệt là làn sóng toàn cầu hóa, tâm lý và đạo đức trong kinh doanh có rất nhiều thay đổi, có những biến đổi rõ nét trên bình diện rộng, lại có những biến đổi mang tính manh nha, nhỏ lẻ. Bởi vậy, trong phạm vi một bài khóa luận, người nghiên cứu xin được tập trung phân tích một số những nét nổi bật nhất, những nét đặc trưng nhất trong xu hướng tâm lý cũng như đạo đức kinh doanh của hai đối tượng chính, đó là người lao động và nhà lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay chứ không đi sâu vào mọi ngóc ngách của phạm trù tâm lý và đạo đức rộng lớn.

C. Phương pháp nghiên cứu

Để đạt được mục đích như trên, khóa luận được viết trên quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác- Lênin với các phương pháp cụ thể là: phương pháp nghiên cứu phỏng vấn, điều tra xã hội học, phân tích, tổng hợp, đối chiếu-so sánh, mô tả và khái quát hóa đối tượng nghiên cứu. Các phương pháp được kết hợp chặt chẽ với nhau để rút ra kết luận phục vụ cho đề tài. Hiện nay các công trình nghiên cứu về tâm lý trong kinh doanh của Việt Nam thực sự còn hiếm hoi. Tất cả các kiến thức được trình bày trong khóa luận tiếp đây sẽ là tổng hợp, phân tích từ nhiều nguồn thông tin thứ cấp.

D. Kết cấu khóa luận


Bố cục của khóa luận được chia làm ba chương:


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 126 trang tài liệu này.

Chương 1: Tổng quan về tâm lý và đạo đức trong kinh doanh

Chương 2: Một số đặc điểm tâm lý và đạo đức trong kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

Một số đặc điểm tâm lý và đạo đức trong kinh doanh ở các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay - 2

Chương 3: Một số giải pháp và kiến nghị nhằm phát huy tính tích cực trong tâm lý và đạo đức kinh doanh ở các doanh nghiệp Việt Nam

Người viết xin bày tỏ lòng cảm ơn tới gia đình và bạn bè đã động viên hỗ trợ tác giả về mặt vật chất cũng như tinh thần trong suốt quá trình nghiên cứu. Người viết cũng xin gửi lời cảm ơn tới các chuyên gia cũng như những nhà nghiên cứu với những công trình và bài viết có giá trị tham khảo lớn. Và đặc biệt, em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến cô giáo - Ths. Đặng Thị Lan, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, trường đại học Ngoại Thương đã tận tình giúp đỡ, hướng dẫn và động viên để em có thể hoàn thiện và nâng cao chất lượng và nội dung bài khóa luận.

Do còn những hạn chế nhất định về mặt kiến thức cũng như kinh nghiệm nghiên cứu khoa học nên khóa luận không thể tránh khỏi nhiều thiếu sót. Vì vậy người nghiên cứu rất mong nhận được sự đóng góp từ phía thầy cô và bạn bè để có thể hoàn thiện hơn nhận thức về vấn đề này.

Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2009

Sinh viên

Nguyễn Thị Ngọc Mai


CHƯƠNG I: TỔNG QUAN VỀ TÂM LÝ VÀ ĐẠO ĐỨC TRONG KINH DOANH‌‌

I. KHÁI QUÁT VỀ TÂM LÝ TRONG KINH DOANH

1. Các khái niệm cơ bản về tâm lý

1.1. Khái niệm tâm lý

Tâm lý là hiện tượng tinh thần, là đời sống nội tâm con người, vô cùng phong phú đa dạng và đầy tính tiềm tàng bởi tâm lý mỗi người mỗi khác và tâm lý lại biến đổi theo thời gian. Tâm lý còn được gọi là thế giới nội tâm hay “lòng người”. Tâm lý là sự phản ánh hiện thực của bản thân, của tự nhiên, của xã hội.

Theo PGS.TS. Phạm Cao Thường, “Tâm lý là sự phản ánh sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan, não con người làm chức năng phản ánh đó. Sự phản ánh này có tính chất chủ thể và mang bản chất xã hội – lịch sử1.

Hoạt động tâm lý khác với hoạt động vật lý. Hoạt động vật lý trả lời câu hỏi: làm gì ? Hoạt động tâm lý trả lời câu hỏi : làm thế nào ? Ví dụ : một cục nam châm có sức hút vật lý, nó hút mọi kim loại ở gần nó, nhưng không có mục tiêu rõ ràng. Trái lại, hoạt động của con người là hoạt động có ý thức, có mục tiêu rõ rệt, nên con người nhìn nhận vấn đề hoặc tìm cách giải quyết vấn đề tùy theo mục tiêu đặt ra. Điều này liên quan rất lớn đến tính cảm con người. Tình cảm có quy luật của nó, nên muốn nhận thức được quy luật đó, tất yếu phải nghiên cứu tâm lý học.

1.2. Khái niệm tâm lý học

Có khá nhiều định nghĩa về tâm lý học đã được các nhà tâm lý nghiên cứu và tìm hiểu, theo GS. Mai Hữu Khuê và PTS. Đinh Văn Tiền: “Tâm lý học là khoa học nghiên cứu về đời sống tâm lý và tâm hồn con người”2. Trong lịch sử phát triển của mình, tâm lý học luôn luôn là vũ đài của cuộc đấu tranh giữa hai quan điểm duy tâm và duy vật. Tâm lý học kinh nghiệm tiêu biểu cho quan điểm duy tâm. Tâm lý học duy tâm là thứ tâm lý tách rời các quá trình của ý thức khỏi não, nó không có khả năng trở

1 GS. TS. Phạm Cao Thường “ Tâm lý học và xã hội học đại cương”. Nxb Đại học KTQD. 1997

2 GS. Mai Hữu Khuê , PTS. Đinh Văn Tiền “ Tâm lý học trong ứng dụng và quản lý KD“. Nxb Chính trị QG1997


thành môn tâm lý học có tính khoa học. Tâm lý học theo nghĩa duy vật hiện đại là môn khoa học nghiên cứu về con người. Xuất phát từ học thuyết Mác-Lênin, tâm lý được coi là thuộc tính phản ánh hiện thực khách quan của bộ óc con người. Tâm lý học không phải dựa vào “những quy luật chủ quan” nào đó, mà dựa vào sự nhận thức các quy luật hoạt động của thần kinh cao cấp.

Tâm lý học nghiên cứu những hiện tượng tâm lý và những quá trình phát sinh và phát triển cũng như nguyên nhân hình thành của những hiện tượng đó, như vậy tâm lý học nghiên cứu những nét tâm lý cá nhân con người. Cụ thể, tâm lý học bao gồm ba đối tượng nghiên cứu chính: Quá trình tâm lý, trạng thái tâm lý và thuộc tính tâm lý.

1.3. Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học

Phần này chúng ta sẽ đi nghiên cứu kĩ hơn về 3 đối tượng nghiên cứu của tâm lý học là quá trình tâm lý, trạng thái tâm lý, và thuộc tính tâm lý.

Quá trình tâm lý là « sự phản ánh thực tại khách quan ở trong não con người, giúp con người định hướng được thực tại, từ đó con người có thể thông qua các hành động của mình để thay đổi, cải tạo thực tại cho phù hợp với nhiệm vụ đã đề ra trước con người. » [16, tr.13] .

Các quá trình tâm lý là những hiện tượng tâm lý diễn ra trong thời gian tương đối ngắn, có bắt đầu, diễn biến và kết thúc. Ví dụ : Các quá trình nhận thức như cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng, các quá trình giao tiếp … Quá trình tâm lý là nguồn gốc của đời sống tinh thần. Nó xuất hiện như là yếu tố điều chỉnh ban đầu đối với hành vi của con người. Quá trình tâm lý thường diễn ra trong thời gian ngắn và nếu kéo dài thì sẽ chuyển sang một quá trình kế tiếp khác. Sự phản ánh hiện thực khách quan rất phức tạp và nhiều vẻ nên quá trình tâm lý được chia thành:

Quá trình nhận thức : là các quá trình tâm lý nhằm nhận thức thế giới khách quan. Quá trình nhận thức bao gồm : Cảm giác, tri giác, biểu tượng, và tư duy.

Quá trình cảm xúc: là quá trình qua đó con người biểu thị thái độ của mình đối với thế giới khách quan

Quá trình ý chí : Là các quá trình tâm lý biểu thị ý chí của con người trong hành động cải tạo thế giới khách quan

Trạng thái tâm lý : Con người bao giờ cũng ở vào một trạng thái tâm lý nhất định, nói một cách khác, bao giờ đời sống tâm lý cũng diễn ra trong một trạng thái nào đó như chú ý, tập trung hay phân tán, tích cực hay mệt mỏi, thắc mắc băn khoăn hay hồ hởi thoải mái, do dự hay quyết tâm vươn tới.

Các trạng thái tâm lý là „những hiện tượng tâm lý diễn ra trong thời gian tương đối dài và đóng vai trò làm nền cho các quá trình tâm lý và các thuộc tính tâm lý biểu hiện ra một cách nhất định‟[16, tr.14]. Với các trạng thái tâm lý, chúng ta thường chỉ biết đến khi nó đã bắt đầu xuất hiện ở bản thân, tuy nhiên thường không biết được thời điểm bắt đầu và kết thúc của chúng. Ví dụ : Trạng thái tập trung, chú ý, lơ đãng, mệt mỏi, vui buồn, phấn khởi, chán nản …

Thuộc tính tâm lý là „Những quá trình và trạng thái tâm lý thường xuyên lặp lại trong những điều kiện sống và hoạt động nhất định của con người thì trở thành đặc điểm tâm lý bền vững của nhân cách, gọi là thuộc tính tâm lý cá nhân’. [16, tr.17]

Thuộc tính tâm lý diễn ra trong thời gian dài và kéo dài rất lâu, có khi gắn bó với cả cuộc đời con người. Ví dụ : tính khí, tính cách, năng lực, quan điểm, niềm tin, lý tưởng, thế giới quan … Các thuộc tính tâm lý các nhân gồm : xu hướng, khí chất, tính cách và năng lực tạo thành hai mặt đạo đức và tài năng của mỗi con người cụ thể. Những thuộc tính tâm lý cá nhân không trực tiếp phản ánh các tác động bên ngoài như kiểu các quá trình và các trạng thái tâm lý, mà là kết quả của sự thống nhất và khái quát các quá trình và trạng thái tâm lý. Xuất hiện trên cơ sở các quá trình và trạng thái tâm lý, các thuộc tính tâm lý cá nhân đến lượt nó lại ảnh hưởng sâu sắc đến các quá trình và trạng thái tâm lý. Thuộc tính tâm lý cá nhân tuy cũng biến đổi nhưng bền vững hơn quá trình và trạng thái tâm lý. Khi hoàn cảnh sống, điều kiện xã hội, môi trường rèn luyện của con người biến đổi, cả khi thể chất biến đổi từ trẻ đến già thì thuộc tính tâm lý cũng biến đổi theo. Như vậy, ba đối tượng tâm lý học có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó thuộc tính tam lý là yếu tó quan trọng nhất ảnh hưởng đến tâm lý mỗi cá nhân.


Có thể thể hiện mối quan hệ giữa các đối tượng tâm lý như sau (xem hình 1) :

Hình 1 : Mối quan hệ giữa các hiện tượng tâm lý


Các hiện tượng tâm lý

Trạng thái tâm lý

Thuộc tính tâm lý

Quá trình tâm lý


1.4. Thuộc tính tâm lý cá nhân

Thuộc tính tâm lý cá nhân bao gồm ba phạm trù cơ bản, đó là tính khí (hay còn gọi là khí chất), tính cách và năng lực

1.4.1. Tính khí (khí chất)

Tính khí là « toàn bộ những đặc tính tâm lý riêng thể hiện ở tốc độ xuất hiện, cường độ của tình cảm và cử chỉ, động tác chung của con người » [4, tr.36]

Tính khí được hình thành dựa vào cơ sở của hai quá trình hoạt động khác nhau của hệ thần kinh trung ương : Quá trình hưng phấn và quá trình ức chế. Hưng phấn là quá trình nâng cao tính tích cực của các tế bào thần kinh để đáp lại các kích thích, khiến cho khả năng làm việc của con người tăng lên ghê gớm. Trái lại, quá trình ức chế đẩy mạnh tiêu cực, thụ động, mệt mỏi của con người để thu lại các năng lượng đã tiêu tốn trong quá trình hưng phấn.

Có 4 loại tính khí cơ bản : Kiểu nóng, kiểu lạnh, kiểu hoạt, và kiểu ưu tư. Tính khí biểu hiện một số đặc điểm bề ngoài của hành vi, không biểu thị chính kiến, quan điểm, năng lực hay sự tiến bộ của con người trong hoạt động này hay hoạt động khác. Vì thế, không có loại tính khí nào xấu hoặc tốt hoàn toàn. Tính khí của một người thường pha trộn cả bốn loại. Hoàn cảnh sống, giáo dục và rèn luyện có thể làm thay đổi tính khí. Giao công việc phù hợp với tâm lý của con người, họ sẽ hoàn thành công việc hiệu quả hơn. Vì vậy, cần cư xử với mỗi người theo đặc điểm tính khí của họ.


Dưới đây là đặc trưng cơ bản của từng loại tính khí :

Tính nóng là trường hợp hưng phấn và ức chế đều mạnh nhưng hưng phấn mạnh hơn ức chế. Người tính nóng có độ nhanh nhậy (nhanh trí và nhạy cảm ) cao, phát hiện vấn đề, phát khởi ý kiến, hành động nhanh… Anh ta tích cực và phản ứng mạnh, tính phản ứng mạnh đột ngột thường lấn át tính kiên nhẫn. Người tính nóng thì thường nhanh chóng say mê công việc và cũng nhanh chóng chán nản, có thể dùng nhiệt tình của mình để lôi cuốn người khác, nhưng nếu gặp khó khăn rắc rối thì dễ trở nên khó tính, cáu gắt.

Tính hoạt là trường hợp hưng phấn và ức chế đều mạnh và cân bằng. Người tính hoạt là người không chỉ có có độ nhanh nhậy cao, có khả năng phát hiện, phát khởi nhanh mà còn có khả năn tự kiềm chế mạnh khi cần thiết. Đây là kiểu người tập trung, tu chí vào việc gì là việc đó thành công, nếu được đào tạo tốt hoàn toàn thích hợp với các công việc phức tạp bậc cao, công việc có quan hệ với nhiều người, có nhiều tình huống gay cấn.

Tính lạnh là trường hợp hưng phấn và ức chế đều mạnh nhưng ức chế mạnh hơn. Người tính lạnh luôn trầm tĩnh, điềm đạm, kiên nhẫn và bền bỉ, không bao giờ hấp tấp, ít bị kích động cảm xúc, trạng thái tình cảm ít biểu lộ ra bên ngoài. Người tính lạnh có độ nhanh nhậy thua kém người tính nóng và tính linh hoạt. Nhưng những khi cần bình tĩnh, tự kìm chế để có hành động và ứng xử sáng suốt, chính xác thì người tính lạnh lại phát huy tác dụng tốt hơn hai loại người trên.

Tính ưu tư là trường hợp hưng phấn và ức chế tương đối cân bằng và ở mức thấp. Người có tính khí ưu tư thì hay nhút nhát, thường bị mất bình tĩnh trong hoàn cảnh mới, và trong khi gặp gỡ với người lạ thì không thích giao tiếp, thiên về những cảm xúc nội tâm kéo dài. Đó là người lao động cực kỳ cần mẫn và cẩn thận. Hiểu biết đặc điểm tính khí là cần thiết đối với người lãnh đạo khi bố trí và sử dụng cán bộ, phân công họ sao cho hợp với yêu cầu khách quan của sản xuất. Tuy nhiên, tính khí không phải là dấu hiệu duy nhất và chủ yếu nhất để lựa chọn cán bộ.

1.4.2. Tính cách


Tính cách là « tổng thể những đặc tính tâm lý tương đối ổn định và vững chắc thuộc bản chất của con người được thể hiện thông qua thái độ của cá nhân với thực tại » [4,tr. 39].

Tính cách là sự kết hợp cá thuộc tính cơ bản và bền vững của con người, mà những thuộc tính ấy biểu thị thái độ của con người đối với hiện thực và biểu hiện trong hành vi của con người. Những thuộc tính tâm lý hình thành nên tính cách được gọi là những nét tính cách. Khác với những tính chất bẩm sinh của khí chất, các nét tính cách được phát triển dưới ảnh hưởng kinh nghiệm sống và sự giáo dục trong quá trình hoạt động của con người. Tính cách được hình thành và biểu hiện trong hoạt động.

Tính cách gắn bó mật thiết với tính khí, trong nhiều trường hợp rất khó phân biệt giữa hai cái đó, đồng thời tính cách của con người cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự biểu hiện tính khí. Sự khác nhau giữa hai đặc tính tâm lý đó ở chỗ tính khí chủ yếu được quy định bởi những thuộc tính sinh học bẩm sinh của hệ thống thần kinh trong khi đó môi trường và sự giáo dục có vai trò quyết định trong sự hình thành tính cách.

Tính cách tạo ra mặt đạo đức cho nhà doanh nghiệp, trong đó thể hiện những thái độ khác nhau của cá nhân đối với con người (tình đồng loại, lòng vị tha), tính thực thà, sự tự cao, tự đại, tính kiêu căng...) các đồ vật (tính cẩn thận, tính tham lam, lãng phí, xa hoa...) đối với lao động (tính cần cù , yêu lao động, tinh thần tập thể, trây lười, biếng nhác...) đối với bản thân mình (khiêm tốn, giản dị, tự á, dịu dàng..). Như vậy, tính cách và đạo đức có mối liên hệ mật thiết và gắn bó. Tính cách tốt được tạo ra bởi những tính nết tốt. Tính cách xấu được tạo ra bởi những thói hư tật xấu. Những phẩm chất ý chí của nhân cách như tính cương quyết tự kiềm chế, tính kiên cường, độc lập, dũng cảm ... chiếm một vị trí rất quan trọng trong hệ thống những tính chất của tính cách. Những nét tính cách này xác định lòng trung thành, kiên định, sự cương quyết trong khi vương tới những mục tiêu đã đề ra.

1.4.3. Năng lực

Năng lực là « tính chất mà nhờ đó con người tiếp thu tương đối dễ dàng những kiến thức, kĩ năng và kỹ xảo, cũng như khả năng đạt hiệu quả khi thực hiện một hoạt động nhất định. Năng lực được hình thành, thể hiện và hoàn thiện trong hoạt động thực tiễn, không phải có sẵn như một yếu tố bẩm sinh ». [4, tr.49]

Xem tất cả 126 trang.

Ngày đăng: 06/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí