Quan Điểm “Ưu Tiên Công Bằng Xã Hội Hơn Tăng Trưởng Kinh Tế ”

Theo Lewis, bất bình đẳng không những là kết quả tất yếu của tăng trưởng mà còn là nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng. Sự chênh lệch trong thu nhập của lao động trong hai ngành công nghiệp và nông nghiệp là tiền đề cho mô hình của ông. Tuy nhiên, Lewis không cho rằng bất bình đẳng thu nhập là vĩnh viễn, mà chỉ trong giai đoạn đầu của sự phát triển. Sự tăng lên nhất thời của bất bình đẳng là cái giá phải trả cho thành công và tất cả mọi người nếu biết chờ đợi sự phát triển đi theo đúng tiến trình của nó, họ sẽ được hưởng thành quả. Khi lao động dư thừa được chuyển hết sang khu vực hiện đại, lao động sẽ trở thành nguồn lực khan hiếm, tạo thành sức ép tăng lương. Tiền lương tăng sẽ giảm bất bình đẳng và nghèo khổ.

Mô hình của Lewis đã được thừa nhận khá rộng rãi ở các nước đang phát triển trong nhiều thập kỷ. Tuy vậy, nó cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết và bị phê phán từ nhiều phía. Thứ nhất, Lewis đã giả định chỉ trong nông nghiệp mới dư thừa lao động, còn trong công nghiệp đạt được mức hữu nghiệp toàn thể. Thực tế ở các nước đang phát triển cho thấy hiện tượng thất nghiệp ở khu vực công nghiệp cũng ngày càng tăng. Thứ hai, mô hình chỉ phù hợp khi nhà tư bản sử dụng công nghệ nhiều lao động, thực tế thường diễn ra ngược lại. Đồng thời lao động dư thừa trong nông nghiệp là lao động không có chuyên môn, còn lao động được sử dụng trong các ngành công nghiệp phải có kỹ năng nhất định. Thứ ba, ở các nước Châu Á gió mùa, nền nông nghiệp lúa nước vẫn thiếu lao động trong các đỉnh cao của thời vụ, chỉ dư thừa lao động trong thời kỳ nhàn rỗi.

1.2.2.2 Quan điểm “Ưu tiên công bằng xã hội hơn tăng trưởng kinh tế

Một xã hội công bằng luôn là ước muốn và mục tiêu của loài người. Trong khi đó, ở hầu hết các nước công nghiệp phát triển, sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế đã diễn ra song hành, nói đúng hơn là kéo theo sự gia tăng của bất công và tệ nạn xã hội. Từ thực tế đó đã hình thành nhiều quan điểm cho rằng, cần ưu tiên công bằng xã hội hơn là tăng trưởng và càng đạt được công bằng nhanh chóng thì càng chứng tỏ xã hội phát triển nhanh.

Quan điểm này được biểu hiện rò thông qua chính sách “phân phối trước, tăng trưởng sau” của các nước theo hướng xã hội chủ nghĩa trong nhiều thập kỷ sau đại chiến thế giới II. Lập luận mang tính truyền thống và phổ biến của các nước XHCN trước đây là: bất bình đẳng và bất công chính là nguyên nhân cản trở sự phát triển. Vì vậy, trước tiên cần phân phối lại thu nhập giữa các thành viên trong xã hội bằng nhiều biện pháp khác nhau để kích thích tăng trưởng. Vấn đề phân phối được coi là nội dung quan trọng nhất của quan hệ sản xuất, có tác dụng mở đường và thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Cơ chế phân phối được thiết lập sao cho đảm bảo thu nhập phụ thuộc vào đóng góp lao động. Tuy nhiên, xét về mặt thực tế, nền tảng của các quan hệ phân phối vẫn là chủ nghĩa bình quân, duy trì bình đẳng theo quan điểm bình quân; hơn nữa, các nước này đã thực hiện chính sách phúc lợi rộng rãi bất chấp trình độ phát triển kinh tế đã đạt được.

Trong thời kỳ đầu, các mô hình trên là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn vơi mọi tầng lớp nhân dân, tạo ra được một nguồn động lực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, qua thời gian, các mô hình này ngày càng bộ lộ nhiều nhược điểm. Trước hết, để tập trung giải quyết công bằng xã hội cần có nguồn vốn lớn mà điều này không thể đạt được nếu không có nền tài chính vững mạnh. Trong khi đó, nếu xét thực chất, hầu hết các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa trước đây đều là những nước có xuất phát điểm thấp, khả năng tích luỹ nội bộ kém. Vì vậy, các chính sách giải quyết công bằng xã hội phần lớn chỉ được thực hiện một cách hình thức, rất xa so với mục tiêu mong muốn và rất ít hiệu quả. Mặt khác, người lao động được Nhà nước bao cấp theo kiểu phân phối hiện vật kéo dài trong suốt nhiều thập kỷ, do vậy trở nên thụ động, ỷ lại và dần dần xuất hiện tình trạng kìm hãm hoặc thậm chí triệt tiêu động lực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế.

1.2.2.3 Quan điểm “Thực hiện đồng thời tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội”

Như đã phân tích, cả hai quan điểm trên đều tồn tại những mặt bất hợp lý; vì vậy, các nhà nghiên cứu đã và đang hướng tới một quan điểm chung nhất, kết hợp cả hai xu hướng trên: Tăng trưởng kinh tế phải được thực hiện đồng thời với việc giải quyết bất bình đẳng xã hội. Theo quan điểm của Tổ chức thương mại Thế

giới (WTO) thì “không có bằng chứng nào cho thấy sự tăng trưởng kinh tế lại đi đôi một cách tích cực với tình trạng bất bình đẳng về thu nhập, hoặc sự bất bình đẳng ấy đưa tới những nhịp độ tăng trưởng cao hơn”.

Để thực hiện quan điểm kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, các nhà nghiên cứu cấp tiến đã đưa ra hai hướng đi chính :

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 144 trang tài liệu này.

Một là, hướng sự hoạt động kinh tế vào việc giải quyết các nhu cầu cơ bản của con người. Theo họ, thị trường không thể phân bổ thích đáng lợi nhuận do tăng trưởng kinh tế đem lại, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Các chính phủ cần chuyển giao thu nhập từ những tầng lớp được lợi nhiều hơn sang những tầng lớp yếu thế trong xã hội bằng các hoạt động trợ cấp, các chương trình xoá đói giảm nghèo, cung cấp các dịch vụ xã hội miễn phí... Mục tiêu đầu tiên mà các chính phủ cần đạt được là từng bước xoá bỏ tầng lớp nghèo tuyệt đối và hạn chế tầng lớp nghèo tương đối.

Hai là, tái phân phối cùng với tăng trưởng hay tăng trưởng cùng chia sẻ . Đây là ý tưởng của Ngân hàng thế giới được thể hiện trong công trình nghiên cứu cùng tên. Phân phối lại cùng với tăng trưởng nhấn mạnh vào việc tăng khả năng sản xuất và tiêu dùng của dân chúng, tức là tăng khả năng tiếp cận với các nguồn lực để phát triển và mở ra những cơ hội mới làm tăng thu nhập.

Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội ở Việt Nam - 4

Hướng đi thứ nhất nhằm tháo gỡ các vấn đề có tính cấp bách của các quốc gia đang phát triển. Hướng đi này có thể được thực hiện thông qua việc huy động các nguồn vốn viện trợ trong và ngoài nước. Hướng đi thứ hai giải quyết theo chiều sâu, mang tính lâu dài, tháo gỡ được vấn đề bức xúc nhất của các nền kinh tế đang phát triển bằng cách huy động sức dân.‌

1.3. Kinh nghiệm của một số nước trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội

1.3.1 Kinh nghiệm của các nước ASEAN

Việc xoá bỏ nghèo, đói, bệnh tật và nạn mù chữ là mối quan tâm chủ yếu của các quốc gia thành viên ASEAN. Các nước do đó luôn tăng cường hợp tác

trong phát triển kinh tế và xã hội, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nâng cao công bằng xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nước mình.

Trong vòng 3 thập kỉ, các nước này đã đạt tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc. Từ năm 1960 -1994, thu nhập quốc dân bình quân đầu người tăng 8 lần ở Singapore, 4-6 lần ở Thái Lan , Indonesia và Malaisia; trong khi đó, con số này ở các nước phát triển là 2,5 lần và thế giới là 1,5 lần

Thành tựu tăng truởng kinh tế nhanh chóng đã đi liền với việc cải thiện căn bản các chỉ số phát triển xã hội. Tỉ lệ dân cư sống dưới mức nghèo khổ từ năm 1987-1993 giảm 9%. Qua 3 thập kỷ chỉ số HDI của Singapore tăng từ 0,519 năm 1960 lên 0,900 năm 1994. Malaisia, Philippine, Indonesia đều đạt được sự cải thiện đáng kể về chỉ tiêu này.

Các nước ASEAN đã có rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình thực tiễn giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế công bằng xã hội

- Kinh nghiệm của Singapore: Sự bất bình đẳng về thu nhập của nước này giảm chủ yếu là do tốc độ tăng của GDP trung bình hằng năm đạt mức kỷ lục 12,1% trong giai đoạn 1965 -1975 đã tạo ra việc làm đầy đủ. Sự mở rộng việc làm của các ngành chế tạo và thương mại và sự tham gia của lao động nữ cũng góp phần làm giảm sự bất cân đối

Từ sau năm 1983 sự chênh lệch và thu nhập có xu hướng tăng trở lại, nguyên nhân chủ yếu là do sự tăng lương mạnh, đặc biệt là đối với những người có thu nhập cao nhất, và có sự mở rộng nhanh chóng của các ngành thương mại và dịch vụ. Chính sách tái thiết nền kinh tế công bố vào năm 1979 chuyển các hoạt động kinh tế tập trung nhiều lao động và giá trị gia tăng thấp sang các hoạt động kinh tế tập trung nhiều kỹ năng, có giá trị gia tăng và kỹ thuật cao đã có sự tác động đến sự khác biệt về lương nghề nghiệp và lương giáo dục. Tuy ở Singapo sự chênh lệch về thu nhập có lúc tăng, lúc giảm, nhưng sự tăng giảm này không lớn. Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở nước này có “ xu hướng bất bình đẳng ổn định” với hệ số Gini từ 0,45 đến 0,5.

Có thể nói, Singapore là một trong những khuôn mẫu điển hình trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch và có hiệu quả. Giống như Nhật Bản, đội

ngũ các công chức ở nước này được tuyển dụng rất khắt khe và chính họ là trụ cột cho việc vạch ra và thực thi các chính sách kinh tế, không bị lệ thuộc vào sức ép chính trị hoặc sức ép từ các nhóm lợi ích tư nhân. Các công chức ở Singapore cũng được dành cho những quyền lợi rất lớn nhằm ngăn ngừa nạn tham nhũng và sự mua chuộc của các nhóm lợi ích khác nhau. Những công chức trong bộ máy Nhà nước nếu dính vào bất kì một vụ tham nhũng nào đều bị đuổi việc và không được hưởng lương hưu; thậm chí khu vực tư nhân cũng không tiếp nhận những người này. Quan điểm chung của xã hội Singapore đã khiến cho những công chức tham nhũng không có chỗ đứng trong xã hội. Vì vậy Singapore đã được mệnh danh là “quốc gia không có tham nhũng”.

- Kinh nghiệm của Malaixia: Việc công bố chính sách kinh tế mới (NEP) trong kế hoạch lần thứ 2 của Malaixia trong giai đoạn 1971 -1975 là điểm khởi đầu mới trong chính sách thu nhập của Mailaixia từ đó cho đến nay.

Để thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện công bằng xã hội chính phủ Malaixia đã thực hiện một loạt các biện pháp:

Thứ nhất, sự thành công trong các chương trình phát triển nông thôn cho người nghèo, như Kế hoạch đất đai liên bang (FEALDA), các Chương trình cải tạo đất đai của Ủy ban cải tạo và hợp nhất đất đai liên bang (FERCRA), Kế hoạch trồng lại các đồn điền cao su của Ủy ban phát triển đồn điền công nghiệp cao su (RISDA)

Thứ hai, việc tăng cường giáo dục cho người dân đã đem lại cơ hội việc làm lớn hơn và thu nhập cao hơn, làm giảm một cách có hiệu quả chênh lệch về thu nhập nói chung và sự bất bình đẳng thu nhập theo nhóm dân tộc nói riêng.

Thứ ba, sự chuyển hướng sang công nghiệp hóa hướng vào xuất khẩu, cần nhiều lao động trong thập niên 70 và đầu thập kỷ 80. Điều đó đã mở ra cơ hội làm việc trong các ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ, tăng sự tham gia của lực lượng lao động.

Thứ tư, việc lập lại các mối hệ sở hữu theo hướng ưu tiên cho người Mã Lai, giảm sự tập trung của cải trong tay những người không phải gốc Mã Lai - vốn là nguyên nhân trong sự bất bình đẳng về thu nhập

Thứ năm, sự tăng trưởng kinh tế ở Malaisia đã được tiến đồng thời trong sự cải thiện trong phân phối thu nhập, nhất là việc tăng tỷ lệ tiền lương trong thu nhập gia đình, kết hợp tăng tỷ lệ tiền lương trong thu nhập gia đình với mở rộng giáo dục và tăng tỷ lệ biết chữ. Phụ nữ cũng thu được nhiều lợi ích trong sự tăng trưởng do tìm được những việc làm ổn định trong các ngành điện tử và may mặc ở các công ty xuyên quốc gia đang mở rộng hoạt động

- Kinh nghiệm của Inđônêxia: Khi so sánh các hộ nông thôn và thành thị, người ta thấy rằng ở Inđônêxia sự bất bình đẳng thu nhập giữa các hộ gia đình ở thành thị cao hơn rất nhiều so với sự chênh lệch về thu nhập của các hộ gia đình ở nông thôn với nhau.

Kinh nghiệm ở Inđônêxia cho thấy tăng kinh tế nhanh nhất thiết dẫn đến sự tăng bất bình đẳng. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ở Inđônêxia là khá cao, bắt đầu từ cuối những năm 1960, và sự tăng trưởng kinh tế cao này tác động đến nạn nghèo khổ ở Inđônêxia, làm giảm sự nghèo đói đáng kể trong suốt 20 năm. Thu nhập của người nghèo cũng tăng lên đã làm giảm sự bất bình đẳng về thu nhập.

Giải thích cho sự giảm nghèo và giảm bất bình đẳng ở Inđônêxia, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra hai lý quan trọng:

Thứ nhất, các chính sách định giá nông nghiệp và một vài chính sách đa dạng hóa mùa màng hướng nhiều hơn vào các ngành không sản xuất lúa gạo có thể thu được lợi nhuận, sự kết hợp giữa thương mại và điều tiết công nghiệp và điều chỉnh tỷ giá ngoại hối thực tế đã dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của các ngành sản xuất không phải là dầu lửa.

Thứ hai, sự quản lý của chính phủ là bước đệm giúp người nghèo giảm bớt được chi tiêu công cộng. Đầu tư công cộng lại bị cắt giảm, nhưng tiêu dùng công cộng lại được duy trì, ngoài ra chi tiêu liên quan đến đói nghèo như phát triển nguồn nhân lực được duy trì, chi tiêu công cộng cho người nghèo cũng tăng.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được các nền kinh tế ASEAN cũng vẫn còn bộc lộ những khiếm khuyết khó tránh khỏi, đơn cử như: sự bất bình đẳng giữa các vùng và các thành phần kinh tế, sự ô nhiễm môi trường trầm trọng do sự khai thác bừa bãi tài nguyên và sự phát triển các ngành công nghiệp gây ô nhiễm,

điển hình ở Philippine và Indonesia; sự bất cân đối về mức độ tăng trưởng và phát triển của các nước thành viên …

Tóm lại, tăng trưởng kinh tế và giảm bất bìmh đẳng ở các nền kinh tế ASEAN chịu tác động của một số tổ hợp các yếu tố và chính sách. Tuy nhiên, sự kết hợp cũng như mức độ sử dụng các yếu tố và chính sách đó là rất khác nhau ở từng quốc gia tuỳ theo từng thời điểm và điều kiện cụ thể. Đồng thời hiệu qủa của việc vận dụng các chính sách ở các nước cũng không giống nhau. ở Singapore yếu tố bộ máy rất quan trọng nhưng việc cải cách và phát triển nông thôn lại không phải là trọng tâm; ở Thái Lan, mặc dù chính phủ đã có những chính sách can thiệp nhằm giảm bất công trong xã hội nhưng trên thực tế, Thái Lan vẫn là một nước có tỉ lệ bất bình đẳng cao.

1.3.2. Kinh nghiệm của Trung Quốc

Nhờ có quyết tâm đổi mới với những bước đi và nhiệm vụ cụ thể, trong gần 30 năm cải cách và mở cửa, kinh tế Trung Quốc đã phát triển với tốc độ cao. Mức tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong gần 30 năm qua luôn đứng đầu thế giới.

Cải cách kinh tế giúp cho Trung Quốc tăng trưởng ở mức đáng kinh ngạc, với mức tăng trung bình hàng năm là 9,8% trong giai đoạn 1978-2007. Năm 1978, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc ở mức 364,5 tỷ nhân dân tệ (khoảng 52 tỷ USD). Đến năm 2007, con số này đã gấp 68 lần, lên 25.100 tỷ tệ (khoảng 3.540 tỷ USD). Những năm 1997 - 1999, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính trong khu vực, mức tăng trưởng cuả Trung Quốc có giảm nhưng vẫn đạt trên 7%/năm. Năm 2000, tiếp tục tăng trưởng với 7,6%, năm 2003 lại đạt mức cao hơn là 10,0%. Trung Quốc đã hoàn thành cơ bản mục tiêu là đặt ra về phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường và mở cửa với bên ngoài. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã vượt qua 650 USD, thoát khỏi danh sách những nước có thu nhập thấp, chuyển sang những nước có mức thu nhập trung bình. Năm 2002, GDP bình quân đầu người đạt 1.000 USD, năm 2003 đạt 1.090 USD ( theo phân loại của Ngân hàng thế giới, GDP bình quân đầu người dưới 650 USD là

quốc gia có thu nhập thấp, từ 650 USD đến 2.555 USD là quốc gia có thu nhập trung bình, từ 2.555 USD đến 7.911 USD là quốc gia có thu nhập trên trung bình). Trung Quốc đã từ một nước rất nghèo trở thành một nước phát triển kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới, từ một nền sản xuất lạc hậu trở thành “công xưởng của thế giới’. Từ một nền kinh tế chủ yếu tự cung, tự cấp trở thành nền kinh tế chiếm 10% kim nghạch ngoại thương thế giới trong năm 2007.

Ngay từ khi cải cách nền kinh tế thì việc thực hiện công bằng xã hội bên cạnh sự tăng trưởng kinh tế cũng được quan tâm giải quyết từng bước thông qua hàng loạt mục tiêu và chính sách của Nhà nước như: đặt mục tiêu cơ bản, hàng đầu của quá trình cải cách đó là cải thiện đời sống, mức thu nhập của nhân dân; công nghiệp hóa nông thôn, lấy công nghiệp phục vụ nông nghiệp; tận dụng tối đa sức ảnh hưởng lan tỏa của các khu vực phát triển đối với các khu vực kém phát triển để từ đó phát triển những khu vực kinh tế trọng điểm; chính sách giải quyết việc làm đặc biệt là lao động ở nông thôn; chính sách bảo đảm xã hội…

Chính vì thế mà Trung Quốc thu được những thành tựu đáng kể trong việc giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 378 nhân dân tệ năm 1978 lên 6279,9 nhân dân tệ vào năm 2000, tăng lên 16 lần. Năm 1978 thì 30,7% dân số Trung Quốc thuộc diện đói nghèo, thì đến năm 1985 tỷ lệ này chỉ còn là 11,8% và năm 1995 là 5,4%. Mạng lưới đào tạo nghề được thiết lập trong cả nước, mỗi năm có từ 70% đến 80% lao động được đào tạo và đào tạo lại. Giải quyết việc làm cho hàng trăm triệu lao động đặc biệt là trong khu vực nông thôn, ví dụ như các xí nghiệp công - nông Hương Trấn năm 1978 chỉ mới thu hút được 28,3 triệu lao động thì đến năm 1995 đã giải quyết được việc làm cho 128,6 triệu lao động.

Nhưng những năm gần đây do tập trung cao độ cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đã có phần xem nhẹ các mục tiêu xã hội. Hệ quả là kể từ những năm 1990 trở đi, tiến bộ và phát triển xã hội của Trung Quốc đã chậm lại một cách đáng kể so với thời kỳ trước đó, và trên thực tế, nhiều thách thức mới xuất hiện cùng với quá trình cải cách.

Xem tất cả 144 trang.

Ngày đăng: 24/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí