Đánh Giá Thực Trạng Mở Rộng Tín Dụng Ngân Hàng Để Phát Triển Bền Vững Cây Công Nghiệp Dài Ngày Của Các Ngân Hàng Thương Mại Trên Địa Bàn Tỉnh


thể đáp ứng tốt hơn các điều kiện đó. Điều này giúp làm tăng cơ hội nhận được vốn tín dụng ngân hàng cũng như lượng vốn tín dụng được cấp. Như vậy, giả thuyết H4 cho rằng số năm đến trường của chủ hộ càng lớn thì khả năng tiếp cận vốn tín dụng và lượng vốn tín dụng nhận được của các hộ trồng cây CNDN càng cao là đúng. Kết quả này tương đồng với phát hiện trong một số nghiên cứu khác (Robert 2006; Tra 2007).

Biến giới tính của chủ hộ không có ý nghĩa thống kê trong cả hai mô hình. Điều này cung cấp một bằng chứng là không có sự phân biệt đối xử về giới tính của người cho vay. Như vậy, giả thuyết H5 cho rằng giới tính của chủ hộ có ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng và lượng vốn tín dụng nhận được của các hộ trồng cây CNDN không được kết quả nghiên cứu thực nghiệm hỗ trợ.

Cũng như biến giới tính, biến địa vị của chủ hộ không có ý nghĩa thống kê trong cả hai mô hình. Như vậy, giả thuyết H6 cho rằng địa vị của chủ hộ càng cao thì khả năng tiếp cận vốn tín dụng và lượng vốn tín dụng nhận được của các hộ trồng cây CNDN càng cao không được hỗ trợ từ kết quả thực nghiệm. Điều này là đáng ngạc nhiên khi so sánh với kết quả của nhiều nghiên cứu khác (Tra 2007), cho thấy địa vị có ảnh hưởng nhất định đến khả năng tiếp cận vốn. Tuy nhiên, kết quả này có thể được giải thích là tại Bình Dương, những người làm nông nghiệp nhưng có đảm nhận thêm một cương vị chính trị - xã hội có thể có nguồn thu nhập khác khá ổn định, ngoài thu nhập từ kinh tế nông nghiệp. Do vậy, họ không có xu hướng tập trung vào sản xuất.

Biến số người phụ thuộc không có ý nghĩa thống kê trong cả hai mô hình. Nhu cầu tín dụng của những hộ gia đình có nhiều người phụ thuộc thường nhằm để tài trợ cho sản xuất mở rộng cũng như cho tiêu dùng, như để trang trải các khoản chi phí cho con em đi học. Ngược lại, nhu cầu tín dụng của những hộ có ít người phụ thuộc, thông thường là những hộ trẻ tuổi, thường nhằm để trang trải cho những khoản chi tiêu lớn như xây dựng nhà mới. Kết quả nghiên cứu không cho thấy những khác biệt về khả năng tiếp cận vốn giữa những hộ có ít và những hộ có nhiều người phụ thuộc. Như vậy, giả thuyết H7 cho rằng số người phụ


thuộc trong hộ có ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng và lượng vốn tín dụng nhận được của các hộ trồng cây CNDN không được hỗ trợ từ kết quả nghiên cứu thực nghiệm.

Biến lịch sử tín dụng có ý nghĩa thống kê trong cả hai mô hình và có mức độ ảnh hưởng khá lớn đến khả năng hộ được cấp tín dụng. Kết quả này hàm ý rằng, trong điều kiện tồn tại thông tin bất đối xứng, thì thông tin lịch sử tín dụng đã cung cấp một cơ sở rất quan trọng để ngân hàng ra quyết định cấp tín dụng. Do đó, đối với những hộ đã từng vay ngân hàng và có lịch sử trả nợ tốt, khả năng để được cấp vốn tín dụng là rất cao. Như vậy, giả thuyết H8 cho rằng hộ trồng cây CNDN đã từng vay ngân hàng thì khả năng tiếp cận vốn tín dụng và lượng vốn tín dụng nhận được của các hộ trồng cây CNDN càng cao được hỗ trợ từ kết quả nghiên cứu thực nghiệm.

Biến giá trị thế chấp có ý nghĩa thống kê trong của 2 mô hình và ảnh hưởng tương đối mạnh đến khả năng hộ được cấp vốn tín dụng cũng như lượng vốn tín dụng được cấp. Điều này xuất phát từ thực tế là các ngân hàng thường rất thiếu thông tin về khách hàng nông nghiệp trong phân tích tín dụng. Vì vậy, một trong những biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng là yêu cầu các khoản vay phải có thế chấp. Như vậy, giả thuyết H9 cho rằng giá trị thế chấp của tài sản càng lớn thì khả năng tiếp cận vốn tín dụng và lượng vốn tín dụng nhận được của các hộ trồng cây CNDN càng cao được hỗ trợ từ kết quả nghiên cứu thực nghiệm. Kết quả này khá tương đồng với những phát hiện trong nhiều nghiên cứu trước đó tại các địa bàn khác ở Việt Nam (Robert 2006; Vương 2012).

Biến vay ở thị trường tín dụng phi chính thức như từ người thân, bạn bè, từ người cho vay cá nhân hoặc từ hội chơi hụi… cũng có ý nghĩa thống kê trong cả hai mô hình. Dấu hệ số âm cho thấy nếu những hộ đã từng vay ở thị trường phi chính thức thì lượng vốn vay được từ ngân hàng sẽ giảm. Như vậy, giả thuyết H10 cho rằng hộ trồng cây CNDN có vay ở nguồn khác không phải từ các tổ chức tín dụng chính thức thì khả năng tiếp cận vốn tín dụng và lượng vốn tín dụng

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 156 trang tài liệu này.


nhận được của các hộ trồng cây CNDN càng thấp được hỗ trợ từ kết quả nghiên cứu thực nghiệm.

Mở rộng tín dụng ngân hàng để phát triển bền vững cây công nghiệp dài ngày của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Dương - 12

Thông qua mô hình Logit và Tobit, nghiên cứu này cung cấp bằng chứng về những nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các hộ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Những nhân tố ảnh hưởng đến khả năng hộ được cấp tín dụng là: diện tích đất của hộ, tuổi của chủ hộ, giáo dục của chủ hộ, lịch sử tín dụng, giá trị tài sản thế chấp, vay phi chính thức từ các nguồn khác ngoài các tổ chức tín dụng. Những nhân tố ảnh hưởng đến lượng vốn tín dụng được cấp là: diện tích đất của hộ, tuổi của chủ hộ, giáo dục của chủ hộ, lịch sử tín dụng, giá trị tài sản thế chấp, vay phi chính thức từ các nguồn khác ngoài các tổ chức tín dụng. Trong cả hai mô hình, nhân tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến khả năng tiếp cận vốn của hộ là giáo dục của chủ hộ, lịch sử tín dụng và vay phi chính thức từ các nguồn khác ngoài các tổ chức tín dụng.

2.2.4 Đánh giá thực trạng mở rộng tín dụng ngân hàng để phát triển bền vững cây công nghiệp dài ngày của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

2.2.4.1 Những kết quả đạt được và nguyên nhân

Kết quả

Tín dụng ngân hàng là nguồn vốn hết sức quan trọng, đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển cây CNDN trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong nhiều năm qua. Những kết quả đạt được của tín dụng ngân hàng cho cây CNDN được thể hiện trên các mặt sau:

Thứ nhất, quy mô tín dụng ngày càng được mở rộng. Đặc biệt giai đoạn 2000 – 2010, tốc độ tăng trưởng của dư nợ tín dụng cây CNDN ở mức khá cao, bình quân mỗi năm là 12,5%. Đến giai đoạn 2006 – 2011, tốc độ tăng trưởng của dư nợ tín dụng cây CNDN có chững lại, trong đó có một số năm suy giảm do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa ở địa phương cũng như suy thoái của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, kể từ năm 2011 đến nay, dư nợ tín dụng cây CNDN đã có dấu hiệu phục hồi trở lại, với tổng dư nợ tín dụng năm 2015 là 2775 tỷ đồng, cao


nhất từ trước đến nay. Tín dụng cây CNDN chủ yếu tập trung vào hai loại cây chính là cao su, chiếm 54%, và điều, chiếm 38%. Tín dụng ngân hàng là động lực chính cho sự mở rộng diện tích trồng cây CNDN, làm gia tăng sản lượng và hiệu quả cây CNDN. Sự phát triển của cây CNDN tại Bình Dương, thông qua sự đóng góp của tín dụng ngân hàng, đã tác động tích cực tới quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều địa phương ở vùng nông thôn tỉnh Bình Dương.

Thứ hai, cơ cấu tín dụng khá đa dạng và đang có xu hướng thay đổi ngày càng tích cực.

Xét về ngân hàng cấp tín dụng: Ngoài Agribank là ngân hàng cấp tín dụng chủ đạo, còn có sự tham gia của rất nhiều NHTM khác, bao gồm các ngân hàng thương mại Nhà nước lẫn các NHTM cổ phần. Sự tham gia của nhiều ngân hàng là sự bổ sung cần thiết cho nhau, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh để các ngân hàng ngày càng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của khách hàng.

Xét về mục đích sử dụng vốn và chủ thể sử dụng vốn: tín dụng ngân hàng không chỉ tham gia vào một hoặc một số khâu nhất định, mà tham gia vào toàn bộ chuỗi sản xuất khép kín, từ công đoạn trồng trọt, cung ứng vật tư, đến chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Do đó, sự đóng góp của tín dụng ngân hàng ở đây là tạo hiệu ứng tích cực cho sự phát triển đồng bộ, có tính thúc đẩy lẫn nhau trong chuỗi liên kết sản xuất. Thông qua sự tham gia ở nhiều khâu, tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều thành phần kinh tế ở địa phương, bao gồm hộ nông nghiệp trồng trọt, đến nhà cung ứng vật tư - thiết bị, các đại lý thu mua sản phẩm, các doanh nghiệp chế biến, các nhà thương mại xuất nhập khẩu…

Thứ ba, chất lượng tín dụng, nhìn từ khía cạnh các ngân hàng cấp tín dụng, là tốt hơn đáng kể so với chất lượng tín dụng chung. Điều này thể hiện qua tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu cây CNDN luôn thấp hơn tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu chung ở mọi nhóm NHTM. Xét về chủ thể cấp tín dụng, các NHTM cổ phần có chất


lượng tín dụng cao hơn so với những ngân hàng Nhà nước. Xét về chủ thể sử dụng vốn, chất lượng tín dụng của hộ nông nghiệp cao hơn so với chất lượng tín dụng của hộ tiểu thương và các doanh nghiệp. Xét về loại cây CNDN, chất lượng tín dụng cây cà phê và cao su cao hơn so với chất lượng tín dụng cây CNDN khác. Chất lượng tín dụng cây CNDN cao hơn đáng kể so với chất lượng tín dụng chung là điều kiện quan trọng để các NHTM tiếp tục mở rộng tín dụng cây CNDN nhiều hơn nữa.

Nguyên nhân

Quy mô tín dụng ngân hàng cho phát triển cây CNDN trên địa bàn tỉnh Bình Dương ngày càng được mở rộng nguyên nhân là do trong giai đoạn 2011 đến nay, Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực. Điều này giúp cho hoạt động xuất khẩu, nhất là các sản phẩm nông sản được mở rộng. Thị trường tiêu thụ gia tăng đã kéo theo quy mô sản xuất mở rộng, các cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực cây CNDN nói riêng không ngừng gia tăng vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, do áp lực cạnh tranh và gia tăng lợi nhuận, các ngân hàng đã nới lỏng các quy định về điều kiện cấp tín dụng để mở rộng cho vay.

Để mở rộng tín dụng, các ngân hàng đã không ngừng đa dạng các sản phẩm dịch vụ phục vụ tối đa nhu cầu khách hàng. Các sản phẩm dịch vụ tín dụng mới với lãi suất hấp dẫn và thời hạn trả nợ đa dạng đã giúp cho khách hàng trong lĩnh vực cây CNDN có sự chọn lựa phù hợp với kế hoạch sản xuất khi vay vốn. Các sản phẩm tín dụng ngân hàng không chỉ tham gia vào một hoặc một số khâu nhất định, mà tham gia vào toàn bộ chuỗi sản xuất khép kín, từ công đoạn trồng trọt, cung ứng vật tư, đến chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh việc không ngừng mở rộng quy mô tín dụng, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, chất lượng tín dụng cũng là một vấn đề quan trọng được các NHTM quan tâm. Mặc dù các điều kiện cấp tín dụng được nới lỏng để khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng nhưng việc thẩm định giá trị tài sản


đảm bảo, giải ngân và kiểm soát sau cho vay được thực hiện một cách chặt chẽ. Các khoản vay tiềm ẩn rủi ro cao đều bắt buộc phải có tài sản đảm bảo và giá trị khoản vay tối đa là 70% giá trị tài sản đảm bảo. Việc định giá tài sản đảm bảo đều được các ngân hàng thẩm định kỹ càng, các tài sản có giá trị lớn đều phải được định giá qua đơn vị chuyên môn độc lập. Ngoài các yêu cầu đối với tài sản đảm bảo, ở hầu hết các NHTM việc giải ngân đều được thực hiện bởi nhân viên kế toán khác với trước đây do nhân viên tín dụng trực tiếp thực hiện. Điều này giúp NHTM giảm thiểu được các vấn đề về rủi ro đạo đức. Sau khi giải ngân, các khoản vay đều được quản lý chặt chẽ, đảm bảo xử lý kịp thời khi rủi ro tín dụng xảy ra.

2.2.4.2 Những hạn chế và nguyên nhân

Hạn chế

Mặc dù quy mô tín dụng đang ngày càng được mở rộng và đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của cây CNDN, nhìn chung mức độ đáp ứng của tín dụng ngân hàng vẫn chưa tương xứng với nhu cầu của khách hàng và với tiềm năng phát triển của cây CNDN. Tốc độ tăng trưởng tín dụng những năm gần đây đã phục hồi nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2000 – 2006. Trong tổng nhu cầu vốn cho phát triển cây CNDN, tín dụng ngân hàng mới đáp ứng khoảng 25% tổng nguồn vốn, phần còn lại là vốn tự có của khách hàng và các nguồn tài trợ khác. Cho đến nay, nhiều khách hàng vẫn chưa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, một số khách hàng khác đã tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng nhưng lượng vốn tín dụng được cấp thấp hơn đáng kể so với nhu cầu vốn thực tế. Trong những năm tới, ngành cây CNDN ở Bình Dương được dự báo sẽ tiếp tục phát triển và do đó quy mô nhu cầu vốn ngày càng tăng. Điều này đòi hỏi ngành ngân hàng phải tích cực mở rộng tín dụng nhiều hơn nữa nhằm đóng góp vào sự phát triển của cây CNDN.

Tính ổn định của tín dụng ngân hàng cho cây CNDN chưa cao. Nguồn vốn tín dụng cho cây CNDN vẫn còn hạn chế, chủ yếu là vốn ngắn hạn, trong khi phần lớn nhu cầu tín dụng cây CNDN là vốn trung dài hạn. Điều này đã ảnh


hưởng đến hoạt động mở rộng diện tích trồng trọt, chăm sóc vườn cây non, xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm cây CNDN. Do chưa đặt ưu tiên cho đầu tư cây CNDN, các ngân hàng thiếu chính sách cho vay riêng cây CNDN, cũng như chưa có chiến lược đầu tư dài hạn vào cây CNDN.

Tín dụng ngân hàng chủ yếu tập trung vào một số loại cây CNDN, đặc biệt là cây cao su và điều, trong khi nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển các loại cây khác, bao gồm cây cà phê và hồ tiêu vẫn còn hạn chế. Trong các loại cây CNDN chủ lực ở Bình Dương, cây cao su và cà phê đang được tiếp tục mở rộng diện tích, trong khi diện tích trồng cây hồ tiêu và cây điều đang dần thu hẹp. Do đó, sự tăng trưởng quy mô tín dụng cho cây cao su và sự suy giảm quy mô tín dụng cho cây hồ tiêu là có thể giải thích được. Tuy nhiên, đối với cây cà phê, tốc độ tăng trưởng quy mô tín dụng trái chiều với tốc độ tăng trưởng diện tích và sản lượng là dấu hiệu đáng lo ngại. Điều này đặt ra những thách thức nhất định cho sự phát triển của loại cây này trong thời gian tới. Do hiệu quả sản xuất cây cà phê là tương đối cao so với nhiều loại cây CNDN khác, các NHTM cần chú trọng đầu tư vào loại cây này nhiều hơn nữa.

Phương thức cấp tín dụng vẫn còn đơn điệu, chủ yếu là các phương thức truyền thống. Dư nợ tín dụng của các phương thức cấp tín dụng như cho vay từng lần, cho vay trả góp, cho vay theo hạn mức tín dụng chiếm tỷ trọng khá lớn, trong khi các loại hình cấp tín dụng khác như cho vay dự án, bảo lãnh ngân hàng, bao thanh toán, cho vay lưu gốc là khá khiêm tốn. Vai trò của tín dụng ngân hàng trong sự hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa các công đoạn trong chuỗi sản xuất khép kín cây CNDN khá mờ nhạt. Các khoản tín dụng được cấp một cách đơn lẻ, xét riêng cho từng trường hợp, các món vay tuy nhiều về số lượng nhưng giá trị mỗi món vay lại nhỏ, phân tán trên nhiều địa bàn. Điều này dẫn đến chi phí quản lý hành chính tính trên một đơn vị dư nợ tín dụng là khá cao.

Chất lượng tín dụng, thể hiện qua tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu, mặc dù cao hơn so với chất lượng tín dụng chung, nhưng vẫn cần tiếp tục cải thiện hơn nữa. Tỷ lệ nợ xấu còn khá cao đối với nhóm khách hàng hộ tiểu thương và doanh


nghiệp; và xét về các loại cây CNDN thì cao nhất đối với cây điều. Trong các NHTM, Agribank có dư nợ tín dụng cây CNDN lớn nhất, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu lại đáng lo ngại hơn cả.

Nguyên nhân hạn chế của các nhân tố ảnh hưởng

- Chính sách tín dụng của các ngân hàng thương mại cho cây công nghiệp dài ngày.

Nhìn chung, chính sách tín dụng cây CNDN không có sự khác biệt đáng kể so với chính sách tín dụng nông nghiệp chung của các NHTM. Trong giai đoạn trước 2011, các NHTM đều dành những sự quan tâm đáng kể cho việc mở rộng tín dụng, bao gồm tín dụng cây CNDN. Điều này dẫn đến tăng trưởng dư nợ tín dụng cây CNDN trong giai đoạn này khá cao. Tuy nhiên, kể từ năm 2011, việc mở rộng tín dụng nói chung, tín dụng cây CNDN nói riêng, đã có những bước đi thận trọng hơn. Ở một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cây CNDN khá cao, định hướng của các ngân hàng là không tiếp tục mở rộng tín dụng lĩnh vực này nữa. Tại một số ngân hàng khác, các quy định cấp tín dụng trở nên chặt chẽ hơn. Việc thắt chặt cấp tín dụng cây CNDN, cùng với những quy định cho vay chặt chẽ hơn nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu, nâng cao hiệu quả cấp tín dụng là cần thiết. Tuy nhiên, một số quy định còn quá cứng nhắc, thiếu tính linh hoạt và không phù hợp với thực tiễn không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng dư nợ chung, mà còn tác động tiêu cực đến tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng. Xét về mặt chính sách tín dụng cây CNDN, những rào cản chủ yếu cho việc mở rộng tín dụng bao gồm:

+ Quy định bắt buộc phải có tài sản đảm bảo, tỷ lệ món vay tối đa bằng 70% giá trị tài sản đảm bảo: quy định này một mặt hạn chế những hộ nông nghiệp không có tài sản đảm bảo hoặc có giá trị tài sản đảm bảo thấp không thể tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, đối với những khách hàng có tài sản đảm bảo nhưng giá trị thấp hơn nhu cầu vốn tín dụng, quy định này cũng đã giới hạn khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đầy đủ. Việc quá chú trọng vào tài sản thế chấp không chỉ dẫn đến hệ quả là các ngân hàng bỏ sót nhiều


khách hàng tốt nhưng không có tài sản thế chấp, mà còn gây ra tâm lý xem nhẹ hiệu quả sử dụng vốn trong các cán bộ tín dụng khi thẩm định hồ sơ khách hàng.

+ Quy định tỷ lệ đóng góp của vốn chủ sở hữu bằng 30% tổng nguồn vốn của phương án sản xuất kinh doanh. Quy định này chỉ phù hợp với các công đoạn thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, là những công đoạn chịu rủi ro thị trường khá lớn. Đối với công đoạn chăm sóc, thu hoạch cây trưởng thành đã cho sản phẩm và dòng tiền có thể tính toán khá chính xác, rủi ro là không đáng kể thì quy định này là khá cứng nhắc.

+ Quy định thời hạn cấp tín dụng tối đa là 5 năm. Bản chất của đầu tư vào cây CNDN là mang tính dài hạn, vì phần lớn cây CNDN phải sau khoảng 5 đến 7 năm kể từ khi gieo trồng mới cho sản phẩm thu hoạch. Do đó, thời hạn món vay dưới 5 năm chỉ phù hợp với các công đoạn thu hoạch, chế biến, tiêu thụ. Với công đoạn trồng trọt hoặc chăm sóc vườn cây non thì quy định trên là rào cản đáng kể cho việc mở rộng tín dụng cây CNDN.

+ Các ngân hàng chưa xây dựng được bộ tiêu chí cho vay riêng đối với cây CNDN, việc đánh giá suất đầu tư để cho vay chưa sát với thực tiễn. Việc tổ chức cho vay từ khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ còn rời rạc, thiếu tính đồng bộ và liên kết giữa các khâu nên hiệu quả mở rộng quy mô tín dụng không cao.

Hiện nay, tại nhiều địa phương, diện tích cà phê già cỗi, “lão hóa” chiếm tỷ lệ khá cao, làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng chủ lực này. Để tăng năng suất cà phê, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chương trình hỗ trợ tái canh cây cà phê thông qua việc hỗ trợ vốn cho Agribank.

Theo chương trình này, lãi suất cho vay hộ nông nghiệp để tái canh cây cà phê được giảm từ 2 – 2,5%/năm so với mức lãi suất hiện hành, thời gian vay từ 3

– 5 năm và suất đầu tư bình quân 150 triệu đồng/ha quá trình giải ngân đầu tư vốn theo tiến độ thực hiện trong 3 năm, trong đó khách hàng phải có vốn tự có tham gia tối thiểu 20% tổng nhu cầu vốn. Được triển khai từ giữa năm 2013,


chương trình tín dụng tái canh cây cà phê vẫn đang gặp nhiều vướng mắc khiến tốc độ giải ngân không như mong muốn. Sự chậm trễ này xuất phát từ nhiều nguyên nhân:

Công tác tuyên truyền, thông báo về chương trình hỗ trợ cho vay tái canh cà phê chưa phổ biến rộng rãi, cụ thể và rõ ràng, nên người sản xuất cà phê chưa nắm bắt thông tin kịp thời và chính xác, và cũng chưa hiểu rõ việc hỗ trợ vay vốn tái canh trong đó có cả hỗ trợ vốn vay cải tạo, cưa đốn và ghép chồi nên sự tiếp cận nguồn vốn vay còn hạn chế.

Để đảm bảo cà phê phát triển bền vững, thời gian tái canh tối thiểu phải mất 5 năm, trong đó ít nhất là 2 năm cho việc nhổ bỏ, luân canh các loại cây phù hợp để cải tạo đất và tối thiểu 3 năm cho thời gian kiến thiết cơ bản, trong thời gian dài chưa có thu hoạch thì việc trả lãi ngân hàng (9-9,5%/năm) không phải là dễ, chưa kể việc hoàn trả vốn vay đúng thời hạn, khi cà phê đang trong thời kỳ thu bói.

Vấn đề thế chấp tài sản để vay vốn tái canh: Với giá đất vườn cà phê sau khi nhổ bỏ cà phê già cỗi để tái canh là giá đất thuần nông, theo quy định, tính ra 1 ha đất sản xuất cà phê có giá trị từ 60 đến 160 triệu đồng, mà định mức cho vay tối đa không quá 75% giá trị tài sản thế chấp, như vậy nếu không còn tài sản khác để thế chấp thì khó có thể vay tối đa số tiền cần tái canh theo quy định cho phép vay. Chưa kể, phần lớn số hộ sản xuất cà phê đã dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn sử dụng cho các nhu cầu khác trước đó nên việc thế chấp tài sản để vay vốn tái canh là hết sức khó khăn. Trong khi đó đứng về phía ngân hàng, khi các tài sản đảm bảo của khách hàng chủ yếu là hàng hoá tồn kho, tài sản hình thành từ vốn vay, và đất nông nghiệp thì chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn trong việc nhận, quản lý và giám sát tài sản đảm bảo. Và đây cũng là lý do chính mà các ngân hàng phải mất nhiều thời gian và công sức cho việc thẩm định hồ sơ vay, dẫn đến tình trạng giải ngân chậm so với nhu cầu nguồn vốn.


Theo quy định của Cục Trồng trọt, thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, sau khi phá bỏ, nông dân phải để đất trống từ 2 – 3 năm mới được trồng mới cây cà phê. Bên cạnh đó, tâm lý người dân vẫn còn e ngại, chưa nhận thức rõ lợi ích lâu dài của việc tái canh cà phê nên không phải ai cũng mạnh dạn phá bỏ cây đang trồng, dù là già cỗi, lại để đất trống mấy năm…

Tuy nguồn vốn đã sẵn sàng nhưng việc giải ngân còn phụ thuộc công tác quy hoạch, hướng dẫn kỹ thuật cũng như sự chuyển biến trong hành động thực tế của các cấp, các ngành có liên quan.

- Năng lực hoạt động của các ngân hàng thương mại

Năng lực hoạt động của các NHTM được cấu thành bởi nhiều nhân tố. Tuy nhiên, có 4 nhân tố cấu thành năng lực hoạt động được đánh giá ở mức thấp nhất là năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, năng lực chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh lãi suất.

Năng lực tài chính là nhân tố quan trọng bậc nhất ảnh hưởng đến năng lực hoạt động của các NHTM nói chung, cũng như năng lực mở rộng tín dụng cây CNDN nói riêng. Tuy nhiên, năng lực tài chính của nhiều ngân hàng còn ở mức rất thấp. Năng lực tài chính giữa các ngân hàng không đều nhau và phần lớn các chỉ số tài chính ở nhóm NHTM Nhà nước thấp hơn nhóm NHTM cổ phần. Cho đến nay, một số ngân hàng vẫn duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn quy định, một số ngân hàng có tỷ lệ vốn chủ sở hữu/dư nợ cho vay khá thấp. Điều này hàm ý là các ngân hàng này sử dụng đòn bẩy khá cao, gây ra rủi ro tiềm ẩn về mặt thanh khoản. Đặc biệt, trong các ngân hàng được khảo sát, Agribank có dư nợ tín dụng cây CNDN lớn nhất, trong khi tỷ lệ nợ xấu khá cao. Đây cũng là ngân hàng có hệ số đòn bẩy tài chính lớn, cho thấy rủi ro thanh khoản của ngân hàng là rất đáng lo ngại. Việc các ngân hàng sử dụng hệ số đòn bẩy lớn, kết hợp duy trì tỷ lệ dư nợ tín dụng trên tổng tài sản có và tỷ lệ dư nợ cho vay trêntổng tiền gửi ở mức khá cao, trong khi tỷ lệ nợ xấu vẫn còn ở mức đáng kể không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của ngân hàng, mà là rào cản lớn cho việc


tiếp tục mở rộng tín dụng hơn nữa, do dư địa về cơ cấu vốn dành cho hoạt động tín dụng không còn nhiều.

Một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn đến năng lực tài chính của các NHTM là sự mất cân đối kỳ hạn trong nguồn vốn huy động. Để mở rộng tín dụng cây CNDN thì điều kiện tiên quyết là phải có nguồn vốn đa dạng về kỳ hạn. Vốn huy động của các NHTM chủ yếu là nguồn ngắn hạn, trong khi nhu cầu vốn trung dài hạn cho đầu tư cây CNDN là rất lớn. Thực tế các ngân hàng phải sử dụng một phần đáng kể nguồn ngắn hạn để cấp tín dụng trung dài hạn cho hoạt động mở rộng sản xuất, mua máy móc thiết bị, xây dựng nhà máy chế biến phục vụ phát triển cây CNDN. Điều này gây ra rủi ro tiềm ẩn lớn.

Do thiếu hụt nguồn vốn trong khi phải đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng trên địa bàn phải vay vốn từ trụ sở chính hoặc các tổ chức kinh tế khác với chi phí cao nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư tín dụng. Ngoài ra, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng thông qua thỏa thuận ngầm về lãi suất với khách hàng khá phổ biến đã đẩy chi phí vốn thực tế lên rất cao.

Năng lực quản trị điều hành của các NHTM được đánh giá ở mức khá thấp, chỉ xếp trên năng lực tài chính. Ảnh hưởng của năng lực quản trị điều hành là lan tỏa đến mọi phương diện, mọi hoạt động của NHTM, trong đó có hoạt động tín dụng cây CNDN. Những hạn chế lớn nhất của năng lực quản trị điều hành được thể hiện trên các mặt: năng lực hoạch định chiến lược, năng lực ra quyết định, năng lực kiểm soát hoạt động.

Xét về lĩnh vực tín dụng nông nghiệp nói chung, tín dụng cây CNDN nói riêng, các ngân hàng vẫn chưa có một chiến lược đầu tư dài hạn, phần lớn các quyết định đầu tư mang tính đơn lẻ, thiếu chiều sâu và không có định hướng rõ ràng. Khả năng đánh giá về tiềm năng và triển vọng của cây CNDN tại địa bàn của một số ngân hàng chưa đầy đủ nên không mạnh dạn đầu tư. Ngoài ra, đối với những khoản tín dụng đã được phê duyệt, quá trình kiểm soát sử dụng vốn và những rủi ro phát sinh chưa thật sự chặt chẽ.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 21/04/2022