TÓM TẮT
Luận văn này nghiên cứu chiến lược marketing của Thị xã Châu Đốc qua phát triển du lịch nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển từ nay đến năm 2020.
Những thách thức đối với phát triển địa phương:
Châu Đốc là một thị xã của tỉnh An Giang có vị trí tiếp giáp với biên giới Campuchia. Động lực tăng trưởng kinh tế chính của vùng là thương mại cửa khẩu, du lịch và thủy sản. Thương mại- dịch vụ là ngành đóng góp nhiều nhất trong GDP của Thị xã. Trong ngành thương mại dịch vụ thì du lịch là ngành chiếm ưu thế và chiếm tỷ trọng cao.
Thị xã Châu Đốc đã đón hơn 3 triệu du khách trong năm 2009 đi hành hương đến Lễ hội Vía Bà chúa xứ Núi Sam. Lượng khách du lịch đến địa phương cao hơn gấp nhiều lần so với khả năng cung ứng đã dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn về môi trường tự nhiên và xã hội. Lượng du khách tuy đông nhưng có mức chi tiêu và tỷ lệ lưu trú thấp, điều đó chứng tỏ chất lượng dịch vụ du lịch tại địa phương thấp.
Trong khi đó các đơn vị kinh doanh du lịch tại địa phương đa số hoạt động phân tán với qui mô nhỏ. Quy mô và chất lượng các loại hình du lịch của địa phương chưa xứng với tiềm năng, hiệu quả kinh doanh còn thấp. Ngoài ra cơ sở - vật chất du lịch của địa phương vẫn chưa phát huy hết lợi thế của mình và cũng chưa khai thác đúng mức tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng. Sản phẩm du lịch hầu hết khá đơn điệu, trùng lắp; chất lượng các dịch vụ còn yếu .
Địa phương hiện phải đối mặt với vấn đề nan giải: Một mặt phải đưa ra chiến lược quy hoạch du lịch tổng thể dài hạn, mặt khác phải giải quyết những bất cập hiện nay về mặt thể chế của các cơ quan chức năng liên quan đến du lịch, nguồn nhân lực chất lượng thấp, mối liên kết hợp tác mỏng manh giữa chính quyền- khối tư nhân và các thực tiễn kinh doanh không bền vững.
Có thể bạn quan tâm!
- Marketing địa phương thị xã Châu Đốc qua phát triển du lịch - 1
- Số Lượng Doanh Nghiệp Và Các Tổ Chức Tín Dụng Trên Địa Bàn
- Các Cơ Quan Chức Năng Liên Quan Đến Du Lịch:
- Mức Chi Tiêu Và Tỷ Lệ Lưu Trú Của Khách Du Lịch
Xem toàn bộ 84 trang tài liệu này.
Giải pháp chính sách
Trước những vấn đề bất cập và nan giải hiện nay địa phương cần tiến hành xây dựng một chiến lược địa phương hoàn chỉnh, xây dựng hình ảnh địa phương hấp dẫn trong đó lấy du lịch mà cụ thể là du lịch văn hóa-tâm linh làm yếu tố then chốt để kích thích các ngành khác cũng như kinh tế địa phương phát triển.
Kiến nghị chính sách
Thị xã Châu Đốc cần nhận diện những điểm mạnh, điểm yếu cũng như những thách thức, cơ hội hiện phải đối mặt để từ đó đưa ra chiến lược phát triển. Địa phương cần nâng cao sức cạnh tranh và phát huy lợi thế của mình qua việc xây dựng chuỗi cluster du lịch cùng với việc liên kết trong và ngoài tỉnh để nâng cao lợi thế của vùng. Ngoài ra địa phương cũng cần phải giải quyết vấn đề then chốt và nổi cộm nhất hiện nay là về mặt thể chế. Địa phương cần xây dựng cơ cấu quản lý hợp lý; phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cũng như sự phối hợp của các cơ quan ban ngành then chốt liên quan đến phát triển du lịch: UBND thị xã Châu Đốc, Phòng kinh tế, Ban quản lý phát triển du lịch, Ban quản trị lăng miếu Núi Sam.
CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU
--- oOo ---
1.1 BỐI CẢNH-VẤN ĐỀ CHÍNH SÁCH VÀ CÂU HỎI NGHIÊN CỨU
1.1.1 Bối cảnh và vấn đề chính sách
Châu Đốc là một thị xã của Tỉnh An Giang, nằm tại thượng nguồn sông Mê Kông nơi bắt đầu chảy vào lãnh thổ Việt Nam từ Cam Pu Chia. Động lực tăng trưởng kinh tế chính của vùng là thương mại cửa khẩu, du lịch và thủy sản. Trong đó cơ cấu ngành thương mại, dịch vụ, du lịch hàng năm chiếm khoảng 60% GDP của thị xã. Hàng năm Thị xã đón khoảng 2,5 triệu lượt khách, trong đó 99% là khách nội địa đi hành hương. Nguồn doanh thu du lịch chính từ các dịch vụ lưu trú và ăn uống, đạt 41,6 tỷ đồng và chiếm 22% tổng doanh thu của thị xã (năm 2007).
Mùa du lịch tập trung trong khoảng 4 - 5 tháng sau Tết âm lịch, đặc biệt trong tuần lễ từ ngày 20 - 27 tháng 4 âm lịch khi lễ hội Bà Chúa Xứ diễn ra. Các cơ quan quản lý tại địa phương đã thống kê được hơn 1 triệu lượt khách đến hành hương trong tháng này. Con số này cao hơn gấp nhiều lần khả năng cung ứng của khu vực, dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn về môi trường tự nhiên và xã hội cho địa phương. Thời gian lưu trú trung bình cũng thấp, chỉ từ 1 đến 2 ngày, chi tiêu bình quân cũng thấp. Cơ cấu này chứng tỏ chất lượng dịch vụ du lịch tại địa phương thấp. Hiện tại mới chỉ có 20 khách sạn và 7 đại lý lữ hành trong số hơn 5.100 các hộ gia đình kinh doanh các dịch vụ liên quan đến du lịch. Số còn lại hoạt động phân tán với qui mô nhỏ, do gia đình sở hữu và quản lý, sử dụng lao động chưa được đào tạo.
Trong những năm gần đây thị xã đã đầu tư nguồn lực to lớn vào phát triển thương mại và du lịch nhằm mang lại một diện mạo mới và chuyển thành ngành kinh tế chính của thị xã. Chính quyền địa phương đã đưa ra quyết định đúng đắn khi xác định du lịch văn hóa và tâm linh là hướng ưu tiên phát triển du lịch của thị xã.
Địa phương đang phải đối đầu với nhiều vấn đề: Một mặt phải đưa ra một phương thức phát triển du lịch tổng thể và lâu dài, mặt khác phải giải quyết những hạn chế và bất cập hiện nay về nguồn nhân lực chất lượng thấp, mối liên kết hợp
tác mỏng manh giữa chính quyền và khối tư nhân và các thực tiễn kinh doanh không bền vững.
Ngoài ra quy mô và chất lượng các loại hình du lịch của Châu Đốc chưa xứng với tiềm năng, hiệu quả kinh doanh của ngành du lịch còn rất khiêm tốn, chưa quảng bá được hình ảnh một cách rộng khắp để thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Mặc dù đã có những định hướng được ưu tiên đặc biệt, nhưng đến nay nhìn chung cơ sở - vật chất du lịch Châu Đốc vẫn chưa tích cực phát huy hết lợi thế của mình và cũng chưa khai thác đúng mức tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng. Sản phẩm du lịch hầu hết khá đơn điệu, trùng lắp; chất lượng các dịch vụ còn yếu, các điểm và tuyến du lịch đa số chỉ mới được đầu tư mức nhỏ lẻ trên cơ sở khai thác các địa danh du lịch sẵn có.
Xuất phát từ thực tiễn thiết thực và tính cấp bách của vấn đề, tôi đã chọn đề
tài: " Marketing địa phương Thị xã Châu Đốc qua phát triển du lịch "
1.1.2 Câu hỏi nghiên cứu
Du lịch (cụ thể du lịch văn hóa-tâm linh) có tầm quan trọng như thế nào trong phát triển kinh tế của Châu Đốc ?
Làm thế nào để du lịch (cụ thể du lịch văn hóa-tâm linh) phát triển đa dạng, bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương?
1.2 MỤC TIÊU-PHẠM VI NGHIÊN CỨU
1.2.1 Mục tiêu nghiên cứu
Nghiên cứu thị trường du lịch trên địa bàn Thị xã Châu Đốc nhằm tìm hiểu hiện trạng hoạt động của ngành du lịch địa phương và phân tích đánh giá môi trường, thực trạng Marketing của địa phương. Qua đó rút ra một số vấn đề cốt lõi mà địa phương cần quan tâm trong thời gian tới, đồng thời đề xuất một số chiến lược Marketing nhằm cùng với chính quyền địa phương quảng bá hình ảnh của mình đối với khách du lịch, nâng cao lợi thế cạnh tranh trong khu vực cũng như trên thế giới. Góp phần điều chỉnh, hoàn thiện định hướng phát triển Thị xã Châu Đốc đến năm 2020 một cách chủ động, toàn diện và bền vững.
1.2.2 Phạm vi nghiên cứu
Nội dung hoạt động du lịch rất đa dạng và phong phú, bao gồm nhiều chức năng khác nhau. Do khả năng và thời gian có hạn, tôi không thể giải quyết trọn vẹn tất cả các vấn đề có liên quan đến đề tài. Chỉ xin giới hạn phạm vi nghiên cứu
như sau:
Phân tích toàn cảnh ngành du lịch của Thị xã Châu Đốc.
Chủ yếu chú trọng vào mô tả, đánh giá, phân tích các chức năng hoạt động trong lĩnh vực Marketing du lịch của địa phương. Từ đó đề xuất đưa ra giải pháp chiến lược thích hợp.
1.3 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU-NGUỒN SỐ LIỆU
1.3.1 Phương pháp nghiên cứu
Hệ thống lý thuyết về Marketing địa phương, phân tích SWOT, chiến lược và lợi thế cạnh tranh, cụm ngành (cluster) mà cụ thể là chiến lược Marketing du lịch cho một địa phương.
Khảo sát hiện trạng - thu thập và xử lý các thông tin, số liệu, chỉ tiêu hiện hành để đánh giá tổng quát về các nguồn tài nguyên du lịch và tình hình sử dụng chúng trong các hoạt động Marketing du lịch địa phương.
Trên cơ sở đó, kết hợp những mục tiêu, định hướng phát triển du lịch của địa phương … cùng với lý thuyết để đề ra một số chiến lược Marketing cốt lõi và các giải pháp hỗ trợ nhằm giúp định hướng cho Thị xã Châu Đốc phát triển trong 10 năm tới thực thi hiệu quả.
1.3.2 Nguồn dữ liệu
Dự kiến nguồn dữ liệu thu thập được sẽ là nguồn dữ liệu thứ cấp tại địa phương, các ban ngành có liên quan và một số khác:
Việt Nam: Tổng cục thống kê
Tỉnh An Giang:
UBND Tỉnh An Giang
Cục thống kê An Giang.
Sở kế hoạch đầu tư An Giang.
Sở du lịch An Giang.
Thị xã Châu Đốc:
UBND Thị xã Châu Đốc
Phòng thống kê, Phòng kinh tế, Phòng công an, Phòng văn hóa-thông tin Thị xã Châu Đốc …
Nguồn khác:
1.4 Ý NGHĨA VÀ ỨNG DỤNG ĐỀ TÀI
Du lịch đang là ngành kinh tế có tính cạnh tranh cao. Chấp nhận cạnh tranh và tìm kiếm con đường riêng cho mình là con đường phát triển tất yếu của Việt Nam nói chung và Thị xã Châu Đốc nói riêng.
Hiện tại ngành du lịch địa phương mặc dù có nhiều khởi sắc, thu hút rất nhiều du khách nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, còn nhiều bất cập về mặt thể chế, định hướng phát triển, nguồn nhân lực, … ảnh hưởng đến sự thu hút du khách và tiến trình phát triển của toàn ngành du lịch địa phương.
Do đó về mặt thực tiễn, đề tài có tính ứng dụng cao trong việc đưa ra một số kiến nghị cho nhà quản lý địa phương một số định hướng cũng như chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trong dài hạn phù hợp với xu thế hiện nay.
1.5 CẤU TRÚC LUẬN VĂN
Bài luận gồm 3 chương: chương đầu giới thiệu vì sao lựa chọn đề tài, về bối cảnh chính sách, mục tiêu nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và nguồn số liệu. Chương hai là phần nội dung của đề tài giới thiệu về hiện trạng địa phương và chiến lược phát triển. Chương ba là phần kết luận và đưa ra một số kiến nghị để giúp du lịch mà cụ thễ là du lịch văn hóa-tâm linh phát triển đa dạng, bền vững và trở thành ngành then chốt trong phát triển kinh tế địa phương.
CHƯƠNG 2: NỘI DUNG
2.1 TỔNG QUAN
Châu Đốc là vùng đất Tây Nam Tổ quốc, trấn giữ cõi đầu nguồn phía hữu ngạn Hậu Giang, giáp với biên giới Việt Nam - Campuchia. Nơi đây, từ đồng bằng trũng thấp bỗng nhô cao vô số núi non trong đó có dãy Thất Sơn hùng vĩ tự xưa nay vẫn tự hào là nơi che chắn, bảo vệ cho vùng Tây Nam Tổ quốc. Buổi đầu tên gọi “Châu Đốc tân cương” có nghĩa đây là vùng đất mới của Tổ quốc được khai thác sau cùng (Châu: vùng đất, Đốc: sau cùng). Nơi này xưa kia được xem là một trong 3 đạo quan trọng (Châu Đốc đạo) phía Tây Nam do chúa Nguyễn thành lập năm 1757 để lo việc bảo vệ an ninh miền biên cảnh (theo Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục…) .
Về mặt địa lý thì địa phương phía Bắc giáp huyện An Phú, phía Đông giáp huyện Phú Tân và thị xã Tân Châu, phía Nam giáp huyện Châu Phú, phía Tây Nam giáp huyện Tịnh Biên và biên giới Campuchia. Thị xã Châu Đốc có 104,68 km2 diện tích tự nhiên bao gồm 4 phường (phường Châu Phú A, phường Châu Phú B, phường Vĩnh Mỹ, phường Núi Sam) và 3 xã (xã Vĩnh Ngươn,
xã Vĩnh Châu, xã Vĩnh Tế). Hình 2.1: Bản đồ hành chính Tỉnh An Giang
Địa phương nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm 27ºC và có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nguồn nước của Thị xã chủ yếu là nước ở các sông, kênh, rạch, hồ, ao. Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn chủ yếu: cao lanh, than bùn và đất sét.
2.2 TẦM QUAN TRỌNG CỦA DU LỊCH
2.2.1 Tầm quan trọng của du lịch đối với phát triển kinh tế Châu Đốc
Ngoài thế mạnh về thương mại và kinh tế cửa khẩu thì du lịch có tầm quan trọng vô cùng to lớn trong sự phát triển của Thị xã Châu Đốc. Trong định hướng phát triển địa phương từ 2010 đến năm 2020 thì du lịch được xem là hướng ưu tiên phát triển chính và là động lực thúc đẩy các ngành khác như : thương mại, công nghiệp, dịch vụ … để từ đó thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Trong phát triển du lịch của Thị xã thì du lịch văn hóa- tâm linh được xem là yếu tố then chốt.
Hình 2.2: Vai trò của du lịch
2.2.1.1Thế mạnh của ngành thương nghiệp-dịch vụ-du lịch
Hình 2.3: Cơ cấu nông nghiệp (Nguồn: Niên giám thống kê Châu Đốc 2007)
Trong cơ cấu đóng góp vào GDP thị xã thì đóng góp của ngành nông nghiệp là thấp nhất với số lượng ngày càng giảm từ 25% năm 2003 xuống chỉ còn 11,9% trong năm 2009. Nguyên nhân là do địa phương có diện tích đất nông nghiệp thấp chỉ chiếm 3% so với cả tỉnh. Ngoài ra còn do việc đô thị hóa làm cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Thêm vào đó chiến lược phát triển của địa phương định hướng chú trọng vào ngành thương nghiệp-dịch vụ là ngành mà địa phương có lợi thế (lĩnh vực nông nghiệp không phải là lợi thế cạnh tranh của Thị xã khi so với các huyện khác giàu tiềm năng về nông nghiệp như huyện Châu Phú hay An Phú).