Bà Góa Dẫn Đầu Đoàn Rước Đến Xin Lễ Vật Các Nhà Trong Bản, Đọc Bài Khoam Xó Phắk Xổm Xiểm, Xò Phốn (Lời Xin Rau Chua, Xin Mưa)

PHỤ LỤC 14

LỄ CÚNG GIẢI DUYÊN ÂM, LÀM VÍA


* Tên của các nhân vật liên quan trong nghi lễ đã được thay đổi

Phần lược dịch tiếng Thái sang tiếng Việt được tác giả thực hiện cùng sự hỗ trợ của chị Phùng Khánh Diệp, người gốc Thái Phù Yên, trong sự tham khảo thông tin từ bà mo thực hiện nghi lễ. Một số từ trong tiếng Thái cổ không thể dịch ra tiếng Việt được tác giả

để nguyên phần phiên âm tiếng Thái.


- Ngày cúng: 16/1/2019

- Địa điểm: cúng tại điện thờ của bà mo.

- Mâm cúng: Một mâm đồ ăn chín, có hai con gà luộc, 4 gói xôi, 2 bát canh, hai chai rượu. Mâm hoa quả, bánh kẹo: cam, táo, 2 quả dứa xếp đứng ở vị trí giữa mâm. Xấp vải trắng, vải thổ cẩm, bên trên đặt đĩa có lá trầu, dây rễ ăn trầu, tiền vàng, tiền giấy (1 tờ 500.000 đ). Áo người cúng đặt bên cạnh mâm.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 403 trang tài liệu này.

- Nguyên cớ của lễ cúng: cúng cho một nam thanh niên trong bản đang đi làm ăn xa. Gần 30 tuổi chưa lấy vợ, chưa có người yêu, người mẹ lo lắng mang áo của con trai đi nhờ bà mo lăn trứng để bói từ hai hôm trước. Bà mo soi trứng và nói cậu có ma theo nên không yêu được ai cũng không lấy được ai. Bà mo hướng dẫn chuẩn bị đồ lễ để cúng tại điện thờ của bà.

- Lễ cúng diễn ra với sự tham dự của người mẹ, chủ áo vắng mặt. Mọi thao tác bà mo thường thực hiện với chủ cúng nay được làm với chiếc áo (chẳng hạn, đến màn buộc chỉ cổ tay người chủ cúng thì trong lễ này, bà mo lấy chỉ buộc vào chỗ cài tay áo. Nghi lễ bói bằng cách lăn trứng mà bà mo thực hiện hôm trước cũng là với chiếc áo này).

Ma thuật trong đời sống văn hóa của người Thái tỉnh Sơn La - 41

- Trình tự nghi lễ, lời cúng bằng tiếng Kinh và tiếng Thái, các thao tác và trao đổi cụ thể được mô tả lại theo đúng với trình tự thầy mo thực hiện trong thực tế.


1- Khấn tiếng Kinh [gõ chuông, mõ]

Con niệm Nam mô A di đà Phật, hôm nay con của một khó có một nén, lễ mọn lòng thành nhất tâm vào cửa cha cửa mẹ, cháu Lò Văn Bách, sinh năm 1992, cư trú tại bản Mom 1 xã HP. Quá trình thời gian cháu sinh ra và lớn lên cháu đi học, hiện tại cháu cũng đã có công ăn việc làm mà cháu không đi lấy vợ. Xin cha xin mẹ khai sáng tốt tươi, tất cả các lễ nghi trong gia đình cũng đã làm hết rồi, còn một chút về duyên âm, thứ hai là cúng hồn cúng vía cho cháu đi học xa không gọi vía về, chính vì thế hôm nay bố mẹ cháu có lễ mọn lòng thành, nhất tâm vào cửa cha cửa mẹ để xin làm lễ gọi hồn gọi vía để nhập hồn nhập vía cho cháu để ba hồn bảy vía của cháu sẽ về cùng với cha mẹ. Phần thứ hai nữa là xin làm lễ giải duyên cho cháu. Con niệm nam mô a di đà Phật phật Thánh Cha Mẹ khai sáng cho con một đài may mắn để con biết đường con lội biết lối con đi. Con xin bản thổ bản Mom 1, long mạch bản Mom 2, thần cây đa, con xin tại các bóng các giá các thần các thánh, xin tại gia tiên tiền tổ thổ công long mạch chứng giám cho con làm lễ giải duyên cho tín chủ cháu là Lò Văn Bách

sinh năm 1992, cư trú tại bản Mom 1, cha mẹ khai sáng tốt tươi [gieo hai đồng bạc xuống đĩa, xong khấn mấy cái]. Xin đội ơn cha mẹ khai sáng.

2- Khấn tiếng Thái [gõ chuông, mõ] - 2'00 -

(…) Xền luồng dú hùa ban, xền nàng du hùa mường. Làn khoăn dú pá hộc piêng sang, pá háng piêng èo, dú pá khồm pá khèo piêng bá. Xau ma đăm pau đăm me đăm hươn họ Lường họ Lò. Xau dú luông pa khao chao piềng pà khính pền xính chau Lò, máy sính ma tà nai sớ ai bàn quản Bách. Tồ khoằm pền lục trai, tồ hài pền lục ái. Bản quản Bách luk ái phái măk cộc óc pì 92, linh nỏi sàu co pày học pày heng mi công mi viêc co mốm co néo ma ắn dú sáu hà hươn, đay hùa tắm khăm đi pi bươn, sứa pá pền bâng, nhăng khóng nhăng khặt, nhăng mi phì mì sàng thiếu păn. Nhăng ắn co giác ma phác sứa quan. Xau ma co phì báu phi khoăn, pày đăk pày cay co pày học pày hèng dú đắc dú cày dú Mương Mơi Mương Kèo co hè ma. Nhăng ắn mứ ní co đay mứ tăm khăm đi pì đươn. Co mi pan khau mưa thài pan ngai mưa sú, nơ đăm pàng nớ tà phì phù bá, hơ đay khoăm hài nớ đăm pàng nơ.

Lược dịch:

Cúng lớn ở đầu bản đầu mường, cúng bà nàng ở đầu mường. Hồn vía ở rừng hộc, bãi bằng, rừng thưa, ở rừng già rừng xanh, hồn vía ông bà tổ tiên của nhà họ Lường335, họ Lò336. Cháu Bách là ở họ Lò. Úp con trai, ngửa con gái (ý bà mo muốn nếu mời được về thì tổ tiên cho được một đồng tiền úp, một đồng tiền ngửa). Cháu Bách sinh năm 1992, đi học đi hành, đi làm, đi công đi việc, được ngày tốt mang áo

đến xem, còn vướng còn mắc, còn có ma có mãnh. Muốn mang áo đến gửi quan. Hồn vía của cháu đã đi học đi làm xa ở tận mường Kinh đất Mường chưa về (ý là đi xa đến mường khác, không ở mường Thái - ĐTTH). Như thế, hôm nay được ngày được tháng tốt, có mâm cơm mang đến trình, có mâm cơm trưa mang đến mời tổ tiên. Xin cho được úp được ngửa.

[Gieo quẻ, được đài, bà mo hát xướng tiếng Thái]

3- Hát xướng tiếng Thái

Lay khoam đì khoam ngam, chi mưa póng hù tám sai póng hù sài tóng hù khòa tam táu te đay

[Câu tốt câu đẹp sẽ đi đến tai trái, tai phải đấy nhé]

Sên luồng măn ngăn dú hùa ban, lăn nhớ măn ngăn dú hùa mương

[Cúng lớn ở đầu bản, cúng to ở đầu mường] Làn khoăn năn măn dú pá hốc piêng sáng [Hồn vía ở rừng cây tre lớn bên cạnh]

Làn khoăn dú pá hang piêng èo

[Hồn vía ở rừng thưa ngang hông]

Lan khoăn dú pá khồm pa khèo piêng bá

[Hồn vía ở rừng đắng rừng xanh ngang vai]

Khăn bá chí sò khoăn đăm hóng

[Bây giờ xin hồn ở gian thờ trong nhà]

Đe đăm hóng hươn đé sò khoăn pủ đé khoăn giá té khoằn tà đé khoằn nai

[Xin hồn của tổ tiên trong nhà, hồn ông bà nội, hồn ông bà ngoại]


335 Họ của bà mo.

336 Họ của chủ cúng.

Vá sò khoăn họ Lò té họ Lường tẻ đáy

[Xin cả hồn của họ Lò họ Lường]

Án vá chờ ni các đăm sù châng đay nghìn khoam khốn sù châng đay lúc

[Giờ này các đẳm nghe thấy lời gọi thì mới được tỉnh] Nghin khoàm phúk sù châng đay tứn nắng sù chàng leo ma [Nghe thấy lời thức thì mới dậy rồi về]

Pày hay các đăm chàng vạc xia chop len thài

[Hồn đi nương mang cái cuốc]

Pày na chàng vặc xìa phừa xìa thày len táu,

[Hồn đi ruộng mang cái bừa cái cày] Tháy xia sửa lai nhích bóc lường hoa léo [Thay đi áo hoa vàng]

Sửa lai lường lai đèng co mưa tang ban

[Áo hoa vàng hoa đỏ đi về phía bản]

Sửa bác cài quá ma hươn

[Áo (…) đi về nhà ]

Các đắm châng ma họt giáo sau hươn sàu kén

[Các đẳm về đến nhà]

Châng ma lắm chau sưa nha hơ pền đăm [Về đến thì đừng làm cho chủ áo bị đen] Đăm chau pe nhà hơ pền chếp pền hái tè đay [Đẳm đừng làm cho chủ áo bị đau bị xấu]

Tốc khoăm sơ pên lục trai, tốc hài sơ pền lục ái

[Úp con trai, ngửa con gái] Lụk nơ chan lan nơ tang [Con ở sàn, cháu ở cửa sổ]

Chau sưa chúm mương lúm pà khào chao lúm piêng pà khính te đay chàng ma

pền sính

[Chủ áo này là con cháu của đẳm tổ tiên dòng họ]

5 - Đoạn cúng hồn cúng vía

[Bà mo (nói tiếng Kinh): Cha mẹ, giờ phút này chỗ phần lễ giải duyên đã xong, phần tiếp theo con xin cúng vía, cháu đi học từ bé đến giờ phút này cháu đi các nơi. Xin cha xin mẹ để cúng hồn cúng vía cho cháu, nhập vía cho cháu để ba hồn bảy vía bốn phía nam phương đi cùng về theo đi đón về đưa có ma một ma mun, xin cha xin mẹ ma táy337 để đi gọi hồn gọi vía].

6 - Hát xướng:

Lay a aaaaa

Nghin khoam khốn các đăm châng đay lúc

[Nghe thấy câu khấn thì tổ tiên (các đăm) mới được tỉnh]

Nghin khoam phúk các đăm châng đay tứn

[Nghe lời thức thì các đăm mới được dậy ]

Pày ín nắn sù châng leo ma

[Đi chơi nghe lời thức mới được về ]

Pày hay châng vắc sìa chop len thài

[Đi nương mang theo cuốc (nghe lời thức) thì mới về]



337 Táy: nghĩa đen trong tiếng Thái là tìm. Theo quan sát cá nhân, Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên là vạt văn hóa phổ biến của dòng mo táy. Đây là dòng mo được nhận sự giúp đỡ của phi táy (ma sư phụ làm nghề mo táy khi còn sống). Mo táy có thể cúng trong các lễ chữa bệnh hồn vía hoặc các nghi lễ vòng đời người.

Pày na châng vắc xìa phừa xìa thày len táu

[Đi ruộng mang theo cái cày cái bừa (thì mới về) ]

Tháy xia xưa lai nhích bók lường

[Thay châng đi áo hoa vàng]

Xưa lai lường lai đèng qua mương tang ban...........................................................

[Áo hoa vàng hoa đỏ đừng qua mường qua bản]

Bà mo gieo tiền xuống đĩa rồi gõ mõ gõ chuông cúng tiếng Việt:

Con niệm Nam mô A di đà Phật Phật Thánh Cha mẹ khai sáng tốt tươi, hôm nay được ngày giờ tốt nhất, con xin làm lễ tại gia tiên tại cửa điện bản … xã … Con xin bản…, xin thần cây đa, chúa sơn lâm, chúa mán chúa mường chúa Thái chúa thác, xin đức Thánh Trần trăm tay làm phước, xin quan đệ nhất quan Trần triều chúa Thượng ngàn chúa Sơn lâm Sơn trang, con xin Tam tòa thánh Mẫu độ cho cháu Bách sức khỏe như cũ, ăn ngủ như xưa sức khỏe trở lại bình thường. Con xin giải nhân duyên cho cháu, tình duyên cho cháu. Cha mẹ phù hộ độ trì cho cháu sức khỏe này, công ăn việc làm thuận lợi này, may mắn này để cho cháu có tiền có tài, tới đây cháu gặp được người cháu yêu, hạnh phúc toại nguyện, cuộc sống đời thường gặp nhiều may mắn, gặp họa họa qua gặp tai tai qua, lộc một nhà thuyền một bến. Hiện tại thì cháu đang đi làm ăn, đi công việc để cho quan trần mến mộ yêu thương, giúp cho cháu công việc thành công. Phần thứ 3 nữa là nhà cháu là có nhà khách nhà khứa, khách gần tìm ra khách xa tìm đến, trăm người bán vạn người mua, tiền vác sang vàng vác tới. Con đã xin Cha Mẹ để giải nhân duyên, cắt nhân duyên. Phần thứ hai nữa con xin gọi hồn gọi vía để ba hồn bảy vía đậu vào tín chủ cháu là Bùi Văn Bách, sinh năm 1992, cư trú tại bản…, xã… Cha mẹ khai sáng tốt tươi cho con xin một đài may mắn.

Bà mo gieo tiền xuống đĩa. Thấy được úp ngửa theo mong muốn, bà khấn: Xin đội ơn Cha mẹ, con niệm Nam mô A di đà Phật.

Bà mo gieo tiền xuống đĩa, được úp ngửa, bà khấn tiếp trong tiếng Kinh:

Con niệm nam mô a di đà Phật Phật Thánh Cha Mẹ, con xin tháo gỡ nhân duyên, tình duyên cho tín chủ cháu là Bùi Văn Bách, sinh năm 1992, trú tại bản…, xã… Hiện tại cháu đang công tác, làm ăn tại huyện…, xin Cha xin Mẹ phù hộ độ trì cho cháu khỏe mạnh, một ngày giờ tốt nhất cháu sẽ gặp được người cháu yêu hạnh phúc toại nguyện. Xin cha xin mẹ khai sáng tốt tươi. Phần thứ 3 con xin cúng hồn cúng vía, xin nhập ba hồn bảy vía tín chủ cháu Bùi Văn Bách, sinh năm 1992, xin Cha xin mẹ, từ giờ trở đi, sau này, để cho cháu sức khỏe như cũ ăn ngủ như xưa, gặp được nhiều người mến mộ yêu thương, giúp cho cháu công việc thành công, có tiền có tài, có vợ có con, hạnh phúc đời thường gặp nhiều may mắn, xin Cha xin Mẹ.

(Gieo tiền xuống đĩa, nói: Xin đội ơn Cha Mẹ, con niệm Nam mô a di đà Phật, lạy Cha Mẹ). Bà nói với mẹ của Bách là xong rồi.

[Sau đó bà mo bảo người nhà đi đốt tiền vàng. Nghỉ tầm 15 phút rồi cúng tiếp phần

3]

Con niệm nam mô a di đà Phật Phật Thánh Cha Mẹ, hôm nay ngày …, tín chủ cháu

là Bùi Văn Bách, sinh năm 1992, trú tại bản…, xã… Hiện tại cháu đang công tác, làm ăn tại huyện…. Con xin làm lễ cắt nhân duyên cho cháu và xin làm lễ gọi hồn gọi vía, xin Cha xin Mẹ chứng giám. Hôm nay ngày giờ tốt nhất, con lễ Cha lễ Mẹ có ngọn đèn nén hương,

có tiếng chuông tiếng mõ tiếng kêu tiếng cầu, xin hồn bốn phía nam phương, có hoa quả bánh kẹo rượu hương chè thuốc, có đồng ngân đồng xuyến tiền vàng, có vải vóc mũ nón quần áo, xin Cha xin Mẹ, có xôi có gà, cha mẹ ăn xin phù hộ cho cháu Bách, sức khỏe như cũ ăn ngủ như xưa, đồng thời tiến tới cháu sẽ gặp người cháu yêu hạnh phúc toại nguyện, không còn gì cản trở khúc mắc về tình duyên của cháu nữa. Hồn vía của cháu ở bốn phía nam phương, cha mẹ ma một ma mun rồi tất cả ma táy đều đi gọi hồn gọi vía cháu về. Xin đội ơn cha mẹ. Con biết đến đâu con tâu đến đấy. Con xin mời các cụ ông cụ bà đến hưởng lộc tại gia tiên, tại cửa điện bản…, xã …. Xin được chứng giám, con niệm nam mô a di đà Phật, Phật Thánh Cha Mẹ. Cái việc trách nhiệm làm bố làm mẹ, công việc lo lắng đắng cay nhiều nhất là Bùi Văn Niên, phu thê vợ, tức là mẫu thân mẹ cháu là Lường Thị Mai, cư trú tại bản…, xã… có lễ mọn lòng thành mang ra cha mẹ, cha mẹ để tâm sắc nét chỉ đường chỉ lối khai sáng tốt tươi xin đội ơn cha mẹ, xin cha mẹ khai sáng tốt tươi cho con xin một đài may mắn.

Bà mo gieo tiền xuống đĩa. Xong bà nói: con xin thêm một đài tiếp theo.

Khấn bằng tiếng Thái (phút 34'). Đại ý nói hôm nay là ngày tốt ngày lành, làm lễ cho chủ áo là cháu Bách, mong cho cháu được khỏe mạnh như bố mẹ ông bà nội ngoại. Cháu Bách đi học đi làm tận mường Kinh mường Mường, gọi hồn gọi vía cho cháu khỏe mạnh, cho hồn cho vía cháu về nhà. Hồn vía cháu ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, ở Vĩnh Phúc Vĩnh Yên, ở Thanh Xuân Bắc Thanh Xuân Nam, ở Hà Nội, Hải Phòng, ở Hà Tây Ba Vì đi về nhà theo ma một ma mun.

Gieo tiền xuống đĩa - hát xướng .........................................

PHỤ LỤC 15

LỄ CÚNG XIN MƯA

Phần lược dịch tiếng Thái sang tiếng Việt được thực hiện cùng sự hỗ trợ của chị Phùng Khánh Diệp, người gốc Thái Phù Yên.


- Thời gian: 09 tháng 6 năm 2020. Đây không phải là lễ định kì thường niên, mà diễn ra tùy theo tình hình thời tiết trong năm. Khi lúa đã cấy dưới ruộng, cây trên nương đã gieo mà trời vẫn khô hạn, người Thái nơi này sẽ tổ chức lễ cúng xin mưa. Thời gian tổ chức lễ hội dựa vào sự thay đổi của thiên nhiên, khi "hoa ít ương đã tàn338" - đó là lúc người già trong bản sẽ chọn ngày lành theo lịch Thái để tổ chức lễ.

- Địa điểm: bản Na Ngà, Chiềng Hặc, Yên Châu.

- Đặc trưng của lễ: lễ cầu mưa không có sự tham gia điều hành của mo, chủ lễ là một bà góa được dân làng tôn trọng339. Lễ diễn ra trong một ngày, nhưng được chuẩn bị từ nhiều ngày trước, với trọng tâm của lễ là kiệu rước hình nộm con thuồng luồng (tô ngượk). Hai đoạn tre dài tầm 6m được lấy làm đòn khiêng, 6 đoạn tre dài 2m làm thành bè, xung quanh kiệu đan phên hình mắt cáo (taleo), cao khoảng 30 cm.. Thuồng luồng được làm bằng 4 cây xương rồng to bó lại, khung hình nộm bằng tre nứa và dán giấy màu sắc sặc sỡ.

Con vật này được đan theo trí tưởng tượng, "người Thái cho rằng con thuồng luồng không có thật nên tưởng tượng thế nào thì làm như thế, càng to càng trang trọng" (Ông Lò Văn Viễn, nghệ nhân đan thuồng luồng, Nà Ngà, Chiềng Hặc, Yên Châu). Thuồng luồng được tin là vật chủ nước (chảu nặm), chủ sông suối, cai quản việc làm mưa, chỗ ở của thuồng luồng là nơi bến nước, bãi tắm, nên lễ cúng buộc phải làm ở những nơi này.

- Các nguyên tắc cần tuân thủ: không có gia đình và người chửa hoang (man tang340) đi trong đoàn rước; không tới xin đồ lễ tại nhà có người chửa hoang, những người này cũng không được té nước vào đoàn người; mọi người phải mặc trang phục truyền thống, phụ nữ có chồng phải tẳng cẩu, chỉ bỏ xuống nếu chồng chết. Bốn người rước kiệu thuồng luồng phải luôn giữ cân bằng - nếu bị đổ sẽ bị phạt tiền và rượu, giữ cân bằng đến

cuối lễ sẽ được thưởng. Đoàn rước phải luôn náo nhiệt với tiếng chiêng trống không dứt, vừa đi vừa nhảy múa, vừa xòe.

- Về tiến trình lễ:

+ Phần xin - nhận đồ lễ: nghi lễ cầu mưa bắt đầu với trường đoạn diễn ra vào buổi sáng, khi bà góa dẫn đầu đoàn rước, đi đến từng nhà trong bản để nhận đồ dâng cúng. Bài xin lễ, lời cảm ơn đều là lời cúng, nhưng là lời xướng đối đáp với nhau kiểu truyền miệng, không có kèn, có sáo đệm hay sách cúng.

Các nhà sẽ chuẩn bị lễ vật, các gói đựng trong giỏ (thường là xôi, cá nướng, rau me

chua đất…), cùng chậu nước gạo, hạt bông để té khi đoàn đến xin lễ.


338 Ít ương: loại hoa có 3 màu xanh, đỏ, vàng, thường được người Thái nơi này lấy về đồ lên ăn.

339 Bà góa là người bất hạnh, khổ sở, nghèo khổ, không có chồng giúp đỡ nên thuồng luồng và trời sẽ thương, cầu xin sẽ được giúp đỡ.

340 Man tang: nghĩa đen trong tiếng Thái là "chửa ngoài đường".

+ Phần xử lý bất thường (mắng chửi người chửa hoang): bà góa và đoàn người đi lên nương, trút lời mắng chửi người chửa hoang vào một gốc cây to hoặc viên đá nhằm làm nguôi cơn giận của phi, then, mong không trừng phạt mà làm mưa xuống.

+ Phần cầu xin tại bến nước: đoàn người rước kiệu thuồng luồng và đồ lễ dâng cúng do các gia đình chuẩn bị, mang ra bày bên bờ suối, khấn xin mưa rồi thả trôi thuồng luồng theo dòng nước, té nước, hò reo, tranh giành đồ ăn bên suối.

+ Phần vui chơi vào buổi chiều và hát ngồi mẹt, xòe vòng vào buổi tối

Một số đoạn thoại trong lễ cầu mưa Yên Châu:

1. Bà góa dẫn đầu đoàn rước đến xin lễ vật các nhà trong bản, đọc bài khoam xó phắk xổm xiểm, xò phốn (lời xin rau chua, xin mưa)

(Bà góa đứng dưới chân thang, hát xướng)

Người trên nhà đã chuẩn bị sẵn các gói đồ lễ, đưa xuống cho bà góa và đoàn người: Ngày cúng chủ nước chủ sông, tôi có chút lễ bằng rau bằng cỏ, xin để cầu mưa.

Bà cúng nhận đồ, bà và đoàn người đồng thanh cảm ơn gia chủ, nói lời đối đáp:

Ơn nhé chủ nhà này, người có bảy con trai/ Người có bảy con trâu cái, hai con có sừng ngà/ Năm con có sừng nhọn, sừng nhọn như cựa gà/ Trâu trắng cái đẻ con sừng vàng, trâu đen cái đẻ con sừng bạc/ Khéo làm ruộng ăn cơm/ Chân thang ra mó cá/ Bờ ruộng ra mó lúa/ Ra bến được trứng vịt/ Câu cá được đồng đen/ Đi câu được vàng đỏ/ Ở miệng kho bán gạo/ Ở miệng kho cầm cân/ Ở miệng kho lấy của/ Cửa chính có bạc nén/ Cửa phụ có tiền đúc/ Tất cả chủ nhà này/ Cảm ơn chủ nhà nhé.

Mọi người nói: Xò nớ, đay dỏn nớ, đay phồn lài nớ [Xin nhé, cảm ơn nhé, cho mưa nhiều nhé].

Mấy người đàn ông trong đoàn đi nói:

Hơ phồn ông nớ, nha hớ phồn lôm, nha tốc mak hếp nớ [Cho mưa to nhé, nhưng đừng mưa gió, mưa đá nhé].

Xin và trao đồ xong, những người đứng trên nhà bất ngờ té nước và hạt bông vào đoàn người. Mọi người ù té chạy, vừa chạy vừa kêu to: phồn léo, phồn ông léo [mưa rồi, mưa to rồi].

Cứ thế đi hết nhà này đến nhà khác xin và nhận lễ. Trên đường đi khua chiêng gõ trống, nhảy múa hò reo ầm ỹ.

2. Bà góa dẫn một đoàn người, cầm theo một bương nước, chống gậy đi lên nương, làm nghi thức xử lý người chửa hoang

Đi đến nương, cả đoàn nói xôn xao lên: Me mái, mé man tang đọ bẻ [Bà góa, bà chửa hoang chứ]. Riêng bà góa chủ lễ tách ra khỏi đoàn người, đi vượt lên trước, chống gậy đi vòng quanh, dáng vẻ nhìn ngó các thứ và nói to:

Úi hay cù nà, tài mết đọ, hay khảu nì ná tài mết mổm lá bản là mương

[Úi nương lúa của tôi ấy, chết hết cả rồi, nương lúa của tôi chết hết rồi bản mường

ơi].

Bỗng bà nhìn thấy có cái lều giữa nương (lều này là dân bản mới dựng vào hôm

trước, kiểu một cái lán có chôn 4 cọc tre và chõng nằm nghỉ, có mái che), liền vừa đi vòng quanh xem xét vừa nói to:

Chong hệt hươn sớ hay cù xìa lá, tài mết ỉ ná, cò khảu, chết đạ, xòng xàm bườn bàu phồn mổm, Pền hư pền hư bàu mi phồn, Nhăng hệt hày nỏi dú ni, Ẳn nỉ cù bàu đay tẳng cờ nế/ Ằn mé ắn có tốc pên, ẳn vá ní châng man tang đay là/ Ơi mư ni châng ma hền xư ý.

[Ai còn làm nhà lán vào nương của tôi chứ, chết hết rồi, cây lúa chết hết rồi/ Hai, ba tháng không mưa rồi/ Tại sao, tại sao không có mưa/ Còn làm lán nhỏ ở đây, cái này tôi không tự dựng lên đâu/ Cái bà ấy cũng mất dạy, mới nói là chửa hoang đây mà/ Ôi hôm nay mới đến thấy như thế này].

Bà góa đi quanh cái lều, ngó nghiêng xem xét, dùng gậy đập mạnh vào cột lán, vừa đập vừa nói rất to:

Ẳn nỉ châng dú nòm căn, châng man tang đay là/ Mi côn man tang phá măn châng bào phồn/ Thay bản thay mương ơi, bản mi côn man tang măn

[Cái này là ở cùng nhau mới chửa hoang đây mà/ Tại có người chửa hoang nên mới không có mưa/ Dân bản mường ơi, bản này có người chửa hoang]

Rồi bà đi ra chỗ có hòn đá, trong lúc mọi người xung quanh nói nhao nhao lên: Khả măn xìa (Giết nó đi).

Bà cầm gậy vụt mạnh vào hòn đá - rồi lấy ống bương dốc nước đổ xuống - lại vụt - lại đổ nước. Sau đó liên tiếp vụt mạnh vào hòn đá. Suốt quá trình vụt - đổ nước này, bà lớn tiếng mắng chửi:

Pò nứng khửn đay quản/ Pò nứng khửn xào tịt lăn lắn/ Pò nứng sớ xào xắt lắt èo/ Thay bản thay mường ời, pền nòm măn ní ế, tốc pền, man tang

[Một roi không lên …/ Một roi… / Một roi../ Dân bản ơi, tại bà ấy đấy, mà ấy mất dạy, chửa hoang]

Mọi người xung quanh nói: Hỉa nắm sớ [Đổ nước vào]. Bà góa lại đổ nước, tiếp tục vụt, mắng tiếp, hai, ba bà nữa cũng dùng gậy vụt và mắng cùng. Rồi bà góa vứt bương nước đi, bước nhanh lại chỗ cái lều, lấy gậy chọc rơi tấm liếp che bên trên, miệng nói to "pe xìa ắn ní" (phá cái lán này đi). Mọi người chạy nhao lại, xúm vào phá cái lán, nhổ hết cả cọc, lấy gậy vụt mạnh vào lán đã bị dỡ, miệng húuuuu ồn ào. Phá lán xong, đoàn quay lại chỗ con thuồng luồng và đồ lễ cúng.

Thường, khi trong bản không có người chửa hoang, đoàn người làm lễ sẽ kéo nhau lên nương, chọn một gốc cây to hoặc hòn đá để đọc "Lời chửi mắng người chửa hoang" vì cho rằng" trời, then ghét người chửa hoang nên phạt không cho mưa, thương xót đứa bé ra đời không có bố, không ai dựng nhà cho ở, không có nơi nương tựa vững chắc". Lời mắng khi vụt gốc cây to (tượng trưng cho người chửa hoang): "Chủ cửa nước cửa sông/ Chủ bến to bến bé/ Bãi rồng có cát mịn, bãi rắn ở trong hang/ Chớ nghe lời gà cụt/ Gà cụt không có đuôi/ Chửa hoang không có đực/ Mười đực còn đi đường/ Năm đực ngủ nhà đợi/ Một đực lên thang rồng/ Một đực lên thang hẹp/ Một đực lên ngủ nhiều/ Thần chủ nước chủ sông/ Chớ nghe đứa chửa hoang/ Nó thích nhau lều nương/ Lối đi còn chưa cào/ Trộm thích trong chăn lép/ Trộm thích trong chăn nhỏ/ Có con gái con trai/ Con nào cũng không bố/ Ngày nhỏ dạy không nghe/ Người đầy mường về bảo (…) Gái thành bà già khô/ Men trên gác bếp ám khói/ Củ trong hố chết oi/ Trai già chết thèm cá/ Trai ruộng chết thèm con bã trấu/ Chớ nghe lời đứa chửa hoang/ Thần chủ nước chủ sông/ Chớ nghe lời gà cụt/ Chớ nghe lời người chửa hoang đấy

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/09/2023