Để có thể phân tích một cách rõ ràng các nhân tố ảnh hưởng đến cơ cấu cạnh tranh của một ngành cũng như tác động của chúng đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành và năng lực cạnh tranh, cần phải xem xét một cách cụ thể từng nhân tố - hàng rào gia nhập thị trường, sự cạnh tranh, tăng trưởng và thị phần; đồng thời xây dựng các giả thuyết nghiên cứu tương ứng với từng nhân tố.
2.3.4.1. Hàng rào gia nhập.
Các hàng rào gia nhập là một trong những lực lượng chủ yếu của cạnh tranh có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp cũng như các ngành trong bất kỳ nền kinh tế nào (Porter, 1980). Bain (1956) đã xác định bốn loại rào cản chính đối với sự gia nhập là: yêu cầu về vốn, tính kinh tế theo quy mô, sự khác biệt về sản phẩm và các chi phí tuyệt đối. Lý thuyết kinh tế về hàng rào gia nhập cho rằng trong tất cả các thị trường, các hạn chế về cấu trúc khác nhau có thể áp đặt lên các doanh nghiệp mới gia nhập các bất lợi tương đối so với các doanh nghiệp đang ở trong ngành. Sự hiện diện của các hàng rào gia nhập dẫn đến số doanh nghiệp gia nhập ít hơn và do đó cho phép các doanh nghiệp trong ngành có được phần lợi nhuận trên mức bình thường.
Mann (1966) nghiên cứu hàng rào gia nhập của 30 ngành từ 1950 đến 1960 và phát hiện ra rằng trong các ngành có hàng rào gia nhập cao các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trên mức bình thường. Ngoài ra, Mann (1966) đã chỉ ra mối liên hệ giữa hàng rào gia nhập và mức độ tập trung của ngành, mối tương quan này cho thấy nhiều doanh nghiệp ở nhóm có mức độ tập trung cao (thị phần lớn) cũng nằm trong nhóm có rào cản cao. Mann cũng xác nhận các kết quả của Bain (1956), đó là trong các ngành mà 8 doanh nghiệp dẫn đầu có mức độ tập trung lớn hơn 70% (ngành có mức độ tập trung cao), có một sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong tỷ suất lợi nhuận bình quân. Tuy nhiên, Mann cũng chỉ ra rằng hàng rào gia nhập ngành là cũng một nhân tố độc lập bên cạnh mức độ tập trung. Về cơ bản, các ngành có mức độ tập trung cao kết hợp với hàng rào gia nhập cao có mức lợi nhuận bình quân cao hơn so với các ngành có mức độ tập trung cao.
Porter (1979b) cho rằng hàng rào gia nhập ngành có ba thuộc tính:
+ Các rào cản gia nhập có tính động: khi một số điều kiện kinh tế hoặc cấu trúc quan trọng thay đổi, các rào cản gia nhập trong một ngành cũng thay đổi.
+ Các rào cản gia nhập thường thay đổi vì các lý do chủ yếu lớn nằm ngoài sự kiểm soát của các doanh nghiệp trong ngành.
+ Các rào cản gia nhập của một ngành không giống nhau với tất cả các doanh nghiệp gia nhập (Sharma và Kesner, 1996).
Có thể bạn quan tâm!
- Cơ Sở Lý Luận Về Cấu Trúc Cạnh Tranh Ngành Và Năng Lực Cạnh Tranh
- Cơ Sở Lý Luận Về Năng Lực Cạnh Tranh
- Mô Hình Các Yếu Tố Quyết Định Của Lợi Thế Cạnh Tranh
- Mô Hình Phân Tích Tác Động Của Cơ Cấu Cạnh Tranh Đến Hiệu Quả Hoạt Động Của Các Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam
- Đặc Điểm Của Hệ Thống Ngân Hàng Sau Năm 2007 - 2008
- Những Hạn Chế Của Hệ Thống Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam
Xem toàn bộ 180 trang tài liệu này.
Hàng rào gia nhập có thể được phân loại theo cấu trúc hoặc hành vi (Sigfried & Evans, 1994). Karakaya và Stahl (1991) nói đến những rào cản cấu trúc như là các yếu tố "môi trường", trong khi các rào cản hành vi được cho là các yếu tố "có thể kiểm soát". Các rào cản cấu trúc xuất phát từ những đặc điểm cơ bản của một ngành, không phụ thuộc vào các kiểm soát tùy ý của các doanh nghiệp hiện hữu. Đó là các yếu tố như sự phê duyệt của chính phủ, yêu cầu về vốn, trình độ công nghệ và mức độ tập trung của ngành. Các rào cản hành vi là những hành vi có mục đích do các doanh nghiệp trong ngành thực hiện để ngăn chặn sự gia nhập của đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Những chiến lược này bao gồm: bằng sáng chế, giảm giá, vận động hành lang, các vụ kiện, phát triển sản phẩm, các thỏa thuận độc quyền với các nhà cung cấp và phân phối v.v. Nói chung, các chiến lược ngăn chặn sự gia nhập được sử dụng tại các thị trường đã gần như hoàn toàn trưởng thành (Bunch & Smiley, 1992).
Trong cuốn “Các rào cản đối với sự cạnh tranh”, Bain (1956) xác định năm loại hàng rào gia nhập bao gồm: tính kinh tế theo quy mô, sự phê duyệt của chính phủ, sự khác biệt sản phẩm, các chi phí tuyệt đối và các yêu cầu về vốn. Mỗi loại đều có thể đóng vai trò ngăn chặn những doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường và tầm quan trọng tương ứng của mỗi loại có thể thay đổi tùy theo các đặc điểm của từng ngành (Porter, 1979b; Hall, 1987).
Về cơ bản hàng rào gia nhập sẽ cản trở sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, cũng có thể có trường hợp một doanh nghiệp mới gia nhập quyết định đầu tư một khoản vốn lớn để gia nhập thị trường có rào cản cao, hoặc để có được sự chấp thuận cần thiết của chính phủ, doanh nghiệp này sẽ tích
cực theo đuổi thị phần để bù đắp chi phí cố định. Do đó làm tăng tính cạnh tranh trong ngành do các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Jain (1997) chỉ ra rằng trong các ngành mà khả năng sản xuất chỉ có thể bổ sung bằng sự gia tăng một lượng vốn lớn, cạnh tranh sẽ tăng theo cấp số nhân. Điều này có nghĩa là trong một ngành mà hiệu quả đạt được thông qua hoạt động ở quy mô lớn là đáng kể, thì một doanh nghiệp sẽ làm tất cả những gì có thể để đạt được tính kinh tế theo quy mô. Những nỗ lực làm tăng hiệu quả khiến cho các doanh nghiệp cạnh tranh tích cực hơn để giành thị phần, làm tăng áp lực lên các doanh nghiệp khác và tạo ra một phản ứng dây chuyền (Avgeropoulos, 1998).
Tóm lại, sự hiện diện của các hàng rào gia nhập cao ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh gia nhập thị trường, làm tăng tốc độ tăng trưởng, cải thiện thị phần, và làm tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành bằng cách cho phép họ đặt mức giá cao hơn và đạt được hiệu quả lớn hơn (Porter, 1979b).
2.3.4.2. Sự cạnh tranh
Cạnh tranh là nền tảng của kinh tế thị trường tự do, trong nền kinh tế hiện đại sự cạnh tranh có xu hướng ngày càng gia tăng. Cạnh tranh xuất hiện trong tất cả các hiện tượng có thể quan sát được của thị trường – mức giá trao đổi sản phẩm, các loại sản phẩm sản xuất, sản lượng, phương pháp phân phối sản phẩm và ảnh hưởng của quảng cáo (Chamberlain, 1933). Cạnh tranh có thể được phân loại ở nhiều cấp độ khác nhau. Với mục tiêu nghiên cứu của luận án này, mức độ quan tâm chủ yếu đến sự cạnh tranh ở cấp độ ngành và doanh nghiệp.
Cạnh tranh, ở cấp độ thị trường hoặc cấp độ ngành, có thể được biểu diễn theo mức độ tập trung của ngành. Độ tập trung được định nghĩa là tỷ lệ phần trăm trong tổng doanh số ngành (hoặc một số biến khác) của một số doanh nghiệp có liên quan đến các biến đó (Bain, 1951, 1956). Theo định nghĩa này, trong các ngành có mức tập trung cao hơn, tổng thị phần của tất cả các doanh nghiệp cạnh tranh, tương ứng với 100%, được phân bổ cho ít doanh nghiệp hơn so với phân bổ tại các ngành có mức tập trung thấp hơn. Do đó, thị phần đồng nghĩa với độ tập trung của ngành. Điểm cần nhấn mạnh ở đây là sự tập trung đó mô tả mức độ cạnh tranh ở cấp độ thị
trường, ngành, hơn là cấp doanh nghiệp. Các thước đo độ tập trung được sử dụng phổ biến khi so sánh mức độ cạnh tranh giữa các ngành thay vì trong cùng một ngành (Hall, 1987).
Độ tập trung ngành: Ban đầu, các nghiên cứu liên quan đến tính cạnh tranh và sự tập trung của ngành được thúc đẩy do vấn đề chống độc quyền trong một số ngành ở một số quốc gia. Về bản chất, mức độ tập trung (cao, trung bình, hoặc thấp) của một ngành cho chúng ta biết liệu thị trường đó có dạng độc quyền, độc quyền nhóm, cạnh tranh độc quyền hay cạnh tranh hoàn hảo (Bain, 1951; Weiss, 1971). Mức độ tập trung càng cao, tính cạnh tranh của thị trường sẽ càng thấp (Bain, 1951; Domowitz, Hubbard, & Petersen, 1986; Martin, 1988; Gale, 1972). Các kết quả nghiên cứu của Bain và những người khác, đã thúc đẩy chính sách chống độc quyền ở các quốc gia nhằm ngăn chặn các vụ sáp nhập có thể dẫn các ngành có mức độ tập trung cao (Nguyen, 1990).
Trên giác độ kinh tế, những thay đổi trong mức độ tập trung có thể tác động đến cách thức hoạt động và hiệu quả của các doanh nghiệp trong ngành (Bain, 1951). Sự tập trung ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành thông qua sự ảnh hưởng đến các chính sách giá và Marketing của các doanh nghiệp đó (Weiss, 1971). Thị trường càng tập trung, khả năng tự chủ của các doanh nghiệp đối với các chính sách này càng lớn. Mức độ tự chủ này được giới hạn bởi lực lượng cạnh tranh. Mức độ tập trung càng cao, khả năng các doanh nghiệp phối hợp với nhau để điều chỉnh giá càng lớn. Ngoài ra, khi không có sự khác biệt về sản phẩm và trong ngắn hạn trước khi hiện tượng gia nhập có thể xảy ra, số lượng doanh nghiệp càng ít hoặc thị phần của họ càng chênh lệch, thì hành vi của chúng càng có khả năng giống như trường hợp độc quyền (Bain, 1956; Weiss, 1971).
Nghiên cứu thực nghiệm đầu tiên kiểm định giả thuyết sự tập trung của ngành có liên quan đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp do Bain (1951) thực hiện qua việc xem xét 42 ngành của Mỹ trong giai đoạn 1936 - 1940. Bain chỉ ra rằng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong các ngành có độ tập trung cao lớn hơn nhiều so với những doanh nghiệp trong các ngành có mức độ tập trung thấp
hơn mức trung bình. Tức là, mức độ cạnh tranh trong ngành càng lớn thì lợi nhuận của các doanh nghiệp càng thấp.
Độ tập trung của một ngành là nhân tố được định lượng thường xuyên nhất trong các nhân tố của cấu trúc thị trường (Nguyen, 1990). Điều đó một phần là do nghiên cứu của Bain đã đưa ra một thước đo hữu ích để đo độ tập trung.
Phân đoạn thị trường: Phân đoạn thị trường là quá trình phân chia thị trường tổng thể thành các nhóm sản phẩm và nhóm khách hàng nhỏ hơn (Murphy, 1990; Aaker, 1996). Năm 1921, Alfred Sloan và Tập đoàn General Motors đã thực hiện một quyết định chiến lược thiết lập một chuỗi các sản phẩm chào bán tại các mức giá khác nhau trên thị trường ô tô (Scherer & Ross, 1990). Sau đó, rất nhiều các công ty và các ngành khác đã sử dụng phân đoạn thị trường như một cơ hội để mở rộng khách hàng và tăng doanh thu.
Trong một thị trường được phân đoạn, các doanh nghiệp ở các đoạn thị trường khác nhau không cạnh tranh trực tiếp, mà là gián tiếp với nhau (Aaker, 1996). Lehmann (1972) cho rằng các doanh nghiệp đó sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn nếu khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn. Do đó, mỗi doanh nghiệp sẽ cố gắng làm cho khách hàng nghĩ rằng sản phẩm, dịch vụ của mình là khác biệt so với các sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh khác, để từ đó tạo ra sức mạnh thị trường nhất định. Động lực chính để các doanh nghiệp tạo sự khác biệt cho các sản phẩm của mình là làm giảm khả năng thay thế giữa các sản phẩm. Khi khả năng thay thế giữa các sản phẩm giảm đi, việc giảm giá sẽ không dẫn đến tình trạng mất hoàn toàn thị phần. Sự khác biệt về sản phẩm tạo ra sức mạnh nhất định cho một doanh nghiệp trong đoạn thị trường của mình. Ngược lại, khi mức độ đồng nhất của sản phẩm cao thì mức độ cạnh tranh trở nên lớn hơn nhiều so với trường hợp thị trường phân đoạn (Jain, 1998). Điều đó có nghĩa là khi sản phẩm của các doanh nghiệp được khách hàng cho là tương tự nhau, doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh quyết liệt về giá và dịch vụ (Kurtz & Clow, 1997).
Phân đoạn thị trường của các doanh nghiệp đôi khi được gọi là "Đa dạng hóa sản phẩm", các doanh nghiệp định vị các doanh nghiệp mới để lấp đầy các khoảng trống về các sản phẩm mới hoặc đã có sẵn trên thị trường (Schmalensee, 1978).
Schmalensee cho rằng các doanh nghiệp xác định một đặc điểm sản phẩm còn trống trên một thị trường có nhiều chiều, mỗi chiều tương ứng với một thuộc tính mà khách hàng muốn có ở sản phẩm. Một số nghiên cứu cho rằng đa dạng hóa sản phẩm không chỉ nhằm tăng doanh thu mà còn là một chiến lược phổ biến được các doanh nghiệp trong ngành sử dụng để tạo ra các hàng rào gia nhập (Besanko, Dranove & Shanley, 1996; Thomas, 1996; Mainkar, 2000). Việc tạo ra một sản phẩm hoặc một thương hiệu phù hợp với các phân khúc thị trường đó có thể ngăn chặn được các đối thủ cạnh tranh gia nhập.
Dựa trên các lập luận lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm đó, ta có thể thấy nếu cạnh tranh tăng lên, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành sẽ giảm.
Bên cạnh đó, vị thế thị trường của một doanh nghiệp sẽ bị suy giảm nếu cạnh tranh tăng lên và các đối thủ cạnh tranh chiếm được lợi thế đối với các cơ hội đó.
Tương tự như vậy, sự gia tăng cạnh tranh sẽ làm giảm hiệu quả tài chính của một doanh nghiệp vì với sự có mặt của các lực lượng cạnh tranh, công ty đó sẽ không có khả năng tăng giá, hoặc bán nhiều sản phẩm hơn.
2.3.4.3. Tăng trưởng
Tăng trưởng là một nhân tố cơ bản của cấu trúc thị trường (Porter, 1979b). Sự tăng trưởng của một doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến thị phần cũng như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đó (Gale, 1972; Shepherd, 1972a; Porter, 1979a & b; Porter, 1980; Ravenscraft, 1983; Hall, 1987). Doanh nghiệp càng phát triển nhanh tương đối so với thị trường, vị thế thị trường của doanh nghiệp đó càng lớn. Tương tự như vậy, tốc độ tăng trưởng của một doanh nghiệp càng nhanh thì doanh nghiệp càng sớm đạt được quy mô tới hạn. Với sự gia tăng quy mô, doanh nghiệp có thể đạt được những lợi ích của sức mạnh thị trường hoặc tính kinh tế theo quy mô. Những lợi ích đó là những nguyên nhân cơ bản tạo nên mức lợi nhuận cao hơn trung bình cho các doanh nghiệp có thị phần lớn hơn (Hall & Weiss, 1967; Shepherd, 1972a; Mancke, 1974). Để đánh giá tốc độ tăng trưởng tương đối của một doanh nghiệp, trước hết chúng ta cần nhìn vào tốc độ tăng trưởng của toàn bộ thị trường, sau đó so sánh nó với tốc độ tăng trưởng của bản thân doanh nghiệp.
Tăng trưởng cấp độ ngành: Các nhà nghiên cứu không chỉ đo lường tốc độ tăng trưởng của ngành, mà còn phân loại và so sánh các tốc độ tăng trưởng, cả trong nội bộ ngành cũng như giữa các ngành với nhau. Theo đó, các ngành có thể được phân chia thành các giai đoạn của chu kỳ phát triển sản phẩm hoặc của thị trường thông qua tốc độ tăng trưởng (Kurtz and Clow; 1998). Một ngành trưởng thành có các đặc tính như: doanh số tăng chậm, cạnh tranh quyết liệt, các doanh nghiệp chi phối tăng trưởng/loại bỏ các doanh nghiệp yếu hơn, các phân khúc thị trường rõ rệt, và các doanh nghiệp bình đẳng trong nội bộ ngành.
Về cơ bản, các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao hơn được xem là hấp dẫn hơn so với các thị trường có tốc độ tăng trưởng thấp. Các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao thì lợi nhuận cao và cầu ngày càng tăng nhanh, trong khi các thị trường tăng trưởng thấp thì lợi nhuận thấp hơn và cầu tăng chậm (Hall, 1987). Do đó các doanh nghiệp có xu hướng từ bỏ các thị trường tăng trưởng thấp và trung bình và gia nhập các thị trường tăng trưởng cao. Ngoài ra, tại các thị trường tăng trưởng thấp và trung bình sẽ có sự gia tăng phân đoạn thị trường và sáp nhập doanh nghiệp (Porter, 1979).
Gale (1972) cho rằng các ngành có mức tăng trưởng trung bình có lợi nhuận cao hơn hơn các ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Ông cho rằng trong các ngành có mức tăng trưởng trung bình, các doanh nghiệp có nhiều động lực hơn để tránh sự cạnh tranh giá - sự cạnh tranh làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp trong dài hạn. Khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp trong tình huống độc quyền nhóm sẽ lớn hơn khi ngành có tốc độ tăng trưởng trung bình. Trong các ngành có tốc độ tăng trưởng thấp hoặc suy giảm, liên kết độc quyền nhóm có thể bị phá vỡ khi các doanh nghiệp cảm thấy áp lực của chi phí cố định cao. Ngược lại, các doanh nghiệp trong các ngành tăng trưởng nhanh sẽ có xu hướng hy sinh lợi nhuận hiện tại để cạnh tranh giành thị phần (Baumol, 1959).
Tăng trưởng ở cấp độ doanh nghiệp: Cho dù các doanh nghiệp sử dụng phương pháp mở rộng nào thì cũng thấy rằng tỷ lệ tăng trưởng của doanh nghiệp có thể làm tăng cả thị phần, cũng như cải thiện hiệu quả tài chính trong hoạt động của các doanh nghiệp.
Nếu một doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng toàn ngành thì vị thế của doanh nghiệp đó trên thị trường sẽ tăng lên, do thị phần là một thước đo tương đối (Bain, 1951, Baumol, 1959). Ngược lại, một doanh nghiệp có thể có tăng trưởng về giá trị tuyệt đối, nhưng vẫn có thể mất thị phần nếu tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp không tương xứng với tốc độ tăng trưởng của thị trường.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Hầu hết các kết quả thực tiễn cho thấy, trong các thị trường trưởng thành, khi tốc độ tăng trưởng của một doanh nghiệp lớn hơn tương đối so với thị trường, lợi nhuận có xu hướng tăng theo cấp số nhân chứ không phải là phát triển một cách tuyến tính với sự tăng trưởng chậm hơn. Healy Palepu và Ruback (1992) nghiên cứu 50 vụ mua bán và sáp nhập (M&A) từ 1979 đến 1984, của nhiều ngành khác nhau. M&A được nghiên cứu vì chúng đại diện cho sự gia tăng vị thế thị trường của một doanh nghiệp một cách đột ngột (chứ không phải là dần dần). Sử dụng các dòng tiền sau sáp nhập làm thước đo hiệu quả kinh tế, họ chỉ ra sự cải thiện đáng kể trong hiệu suất tài sản (5,1%) của các doanh nghiệp sau khi kết hợp so sánh tương đối với trung bình toàn ngành. Tương tự như vậy, Kim và Signal (1993) cho rằng các doanh nghiệp sáp nhập trong ngành hàng không đã tăng giá vé từ 10 đến 13% trong vòng 12 tháng kể từ khi hoàn tất giao dịch, từ đó nâng cao lợi nhuận. Sự tăng giá đó có mối liên hệ cùng chiều với những thay đổi trong thị phần. Dow (2000) coi thị phần và sự tăng trưởng của doanh nghiệp như là động cơ cho M&A theo chiều rộng. Sử dụng một mẫu gồm 42 vụ M&A trong giai đoạn 1996-1197, Dow chỉ ra rằng sức mạnh thị trường là nguồn gốc của 40,5% các vụ M&A này, trong khi chỉ có 7,1% là do các công ty tìm kiếm sự hợp tác để đạt hiệu quả và tính kinh tế theo quy mô. Cần lưu ý rằng các lập luận này hoàn toàn thống nhất với giả thuyết về các lợi ích tài chính của việc gia tăng thị phần được trình bày ở phần sau.
Ngoài M&A, tốc độ tăng trưởng của một doanh nghiệp cũng phụ thuộc vào sự phổ biến của sản phẩm. Nếu một doanh nghiệp có một loại sản phẩm phổ biến hơn so