Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 1 - 11

thâm canh mới đáp ứng nhu cầu lương thực. Theo ghi chép của những người phương Tây đến Đàng Ngoài cho biết thì vào thế kỷ XVII, đất đai Đàng Ngoài thuộc loại màu mỡ; dân rất hiểu giá trị của ruộng đất nên không bao giờ bỏ hoang. Mỗi năm họ thường canh tác từ 2 đến 3 vụ lúa. Còn Lê Quý Đôn thì nhận xét: "Đất ruộng màu mỡ nghìn dặm, đồng bằng muôn khoảnh, một năm cấy được hai mùa, mỗi mẫu sản xuất trị giá hơn 200 quan". Ở Đàng Ngoài thời kỳ này bên cạnh những cây đã có, nhiều cây trồng mới được du nhập vào là ngô, vừng, kê, các loại đậu, cần tây, củ cải, dưa chuột... Trong đó, có một số cây ăn quả được trồng chủ yếu trong các vườn của gia đình. Dâu tằm vẫn được chú trọng trong trồng trọt để cung ứng nguyên liệu cho nghề dệt.

So với Đàng Ngoài, nông nghiệp Đàng Trong có sự đa dạng hóa và phát triển cân đối hơn. Lúa cũng là cây trồng chủ đạo, đóng vai trò quan trọng nhất. Bên cạnh lúa còn có nhiều cây khác được trồng trọt trên những diện tích rộng lớn và có tính phân vùng, chuyên canh. Các loại cây trồng chính của Đàng Trong là: lạc, thuốc lá, trầu, cau, bông, mía, hồ tiêu. Trong đó, mía và hồ tiêu được trồng ở những đồn điền chuyên biệt và hướng tới nhu cầu xuất khẩu. Kỹ thuật canh tác thời kỳ này trên phạm vi cả nước vẫn chưa có tiến bộ gì đáng kể so với trước. Các công cụ sản xuất cổ truyền như cày, cuốc, bừa, liềm, gàu sòng, v.v... vẫn được sử dụng phổ biến trong canh tác nông nghiệp.

Để khuyến khích nông nghiệp phát triển nhà nước phong kiến đã thực hiện nhiều biện pháp. Trong đó có việc đưa dân lưu tán trở về quê hương, bản quán sinh sống làm ăn và miễn giảm sưu thuế. Vào năm 1596, vua Lê Thế Tông ra chiếu tha lao dịch cho người dân lưu tán trở về quê trong 3 năm. Đến năm 1707, triều đình lại ban hành lệnh tha phú thuế và lao dịch cho dân lưu tán trong 3 năm, những người trở về quá nghèo khổ cũng được miễn thuế 3 năm. Tiếp đến năm 1730, triều đình có lệnh các làng ly tán nếu trở về đông đủ đúng hạn sẽ được thưởng, nếu không về đúng hạn sẽ bị phạt. Nhà nước phong kiến Lê - Trịnh cũng rất quan tâm đến thủy lợi, đê điều. Cụ thể, khi hạn hán nặng, triều đình cử quan xuống địa phương xem xét, làm xe tát nước để chống hạn.

Việc tuần tra, tu bổ, sửa chữa đê cũng được thực hiện thường xuyên. Năm 1741, Trịnh Doanh đặt chức Nông quan ở tứ trấn và quan Hà đạo để trông coi việc sông ngòi và đường thủy.

Nhờ các chính sách của nhà nước, cùng với nỗ lực khai hoang, mở rộng đất đai của người dân, sản xuất nông nghiệp ở Đàng Ngoài đến giữa thế kỷ XVIII vẫn có dấu hiệu ổn định và có tiến bộ nhất định. A. de Rhodes đã nói về Đàng Ngoài vào khoảng các năm 1627-1630: thóc gạo dồi dào và đất rất phì nhiêu. Có hai mùa gặt vào tháng 6 và tháng 1, giá thóc gạo rẻ tới ba lần so với Trung Quốc. Tuy vậy, như đã nói ở phần bối cảnh, đây là một thời kỳ nhộn nhạo do các cuộc hỗn chiến phong kiến gây nên, đã tạo áp lực lớn đối với nhân dân cả nước, nhất là đối với người dân Đàng Ngoài. Những gánh nặng về thuế khoá, lao dịch và những khoản đóng góp cho các cuộc chiến đã làm nhiều hộ nông dân không thể trụ lại quê hương, bản quán của mình. Họ bỏ quê đi phiêu tán, kiếm sống ở khắp nơi. Tình trạng ruộng đất ở nông thôn bị hoang hoá ngày càng nhiều. Đây là cơ hội cho các thế lực quan lại, địa chủ phong kiến và những người có tiền của chiếm cứ, tích tụ ruộng đất công làng xã và biến chúng thành tư điền.

Nhìn chung, tình hình nông nghiệp cả nước giai đoạn này gặp nhiều khó khăn trong phát triển. Một phần do sự bóc lột nặng nề của các thế lực phong kiến để đáp ứng nhu cầu tồn tại và nhu cầu chiến tranh. Ở nông thôn, bọn địa chủ, cường hào tranh thủ lúc chính quyền trung ương không thể kiểm soát chặt chẽ thì chúng tìm cách chiếm công vi tư, lạm thu thuế và bóc lột nặng nề nông dân. Do tư hữu hóa ruộng đất phát triển, bộ phận nông dân thiếu hoặc không có ruộng đất tăng lên, họ phải lĩnh canh và bị bóc lột nặng nề. Nhiều người không chịu đựng nổi tô thuế và nghĩa vụ đóng góp đã bỏ làng ra đi ngày càng nhiều. Nhà nước cũng không có sự quan tâm đúng mức đối với công tác trị thủy, đê điều như trước nên tình trạng vỡ đê trở thành thường xuyên hơn. Với những bất lợi như vậy, nhìn chung sản xuất nông nghiệp trong các thế kỷ XVI đến khi thực dân Pháp xâm lược (1858) gặp nhiều khó khăn, ngày càng đình trệ và lâm vào khủng khoảng.

b. Thủ công nghiệp

• Thủ công nghiệp trong các thế kỷ XVI-XVIII

Trong giai đoạn này số làng, phường thủ công trong cả nước tăng lên. Xuất hiện các làng, phường thủ công nổi tiếng: Bát Tràng (Hà Nội), Thổ Hà (Bắc Giang), Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế), v.v... Ở những địa phương này có những ngành nghề thủ công truyền thống như dệt, gốm phát triển mạnh.

Nhà Mạc lên ngôi chưa đầy 6 năm thì nhà Lê tái lập (1533); từ đây nước ta tồn tại hai hệ thống chính quyền nhà nước: Nam Triều và Bắc triều (1533-1592). Xuất phát từ ý đồ thôn tính lẫn nhau, nên hai thế lực này đã chú trọng nhiều hơn tới việc củng cố lực lượng quân sự, ít quan tâm đến phát triển kinh tế. Tuy vậy, trong giai đoạn lịch sử này, kinh tế công thương nghiệp lại có sự mở mang, phát triển, xuất hiện nhiều phường sản xuất thủ công với những nghệ nhân tài hoa. Nhà Mạc không hạn chế sự phát triển của thủ công nghiệp. Thợ thủ công được tự do sản xuất, tự do tiêu thụ các mặt hàng do mình sản xuất, sản phẩm còn được khắc tên người đặt hàng và người làm ra sản phẩm đó.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 151 trang tài liệu này.

Thủ công nghiệp thời Mạc có ba lĩnh vực có tiến bộ rõ rệt, đó là nghề đúc tiền, chạm khắc đá và sản xuất gốm. Trong đó, đúc tiền do nhà nước trực tiếp quản lý, điều hành và giám sát. Nghề chạm khắc đá thời nhà Mạc phát triển khá mạnh và có sự lan rộng trong dân gian. Thợ chạm khắc đá được chia làm nhiều hạng, bao gồm các công tượng làm việc tại các cơ sở do nhà nước quản lý, thợ thủ công chuyên nghiệp ở các phường, làng nghề và những thợ thủ công nghiệp dư hoạt động lúc nông nhàn. Có nhiều làng nghề khắc đá nổi tiếng thời này là làng Hồng Lục (Gia Lộc), Tứ Kỳ (huyện Tứ Kỳ), Lãng Đông (Chí Linh) thuộc tỉnh Hải Dương; Tây Am (Vĩnh Bảo, Hải Phòng); An Hoạch (Đông Sơn, Thanh Hoá)... Nghề gốm phát triển mạnh thời nhà Mạc. Tiêu biểu cho làng nghề gốm thời này là Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), Chu Đậu (Nam Sách), Hợp Lễ (Bình Giang) thuộc Hải Dương. Trong số các làng nghề trên thì làng gốm Bát Tràng được coi là biểu tượng cho sự phát triển cao của nghề gốm. Sản phẩm gốm Bát Tràng rất đa dạng, phong phú, bao gồm

các đồ gia dụng, đồ thờ cúng... Mỗi loại sản phẩm được phủ bằng một loại men khác nhau nhưng đặc trưng nhất vẫn là men hoa lam, hoa nâu. Trên mỗi sản phẩm đều trang trí hoa văn theo những đề tài khác nhau như rồng, phượng, ngựa, hoạt cảnh người, phong cảnh thiên nhiên... Có thể nói, nhà Mạc chưa có chính sách đối với thủ công nghiệp nhưng với thái độ thoáng mở, không "trọng nông ức công" như nhà Lê nên thủ công nghiệp có điều kiện phát triển.

Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 1 - 11

Thủ công nghiệp nước ta có những tiến bộ lớn dưới thời Lê Trung hưng và thời Trịnh - Nguyễn phân tranh. Do tác động của khoa học, kỹ thuật phương Tây (được du nhập vào nước ta) đã làm thủ công nghiệp tăng lên về quy mô và thêm một số nghề mới. Các hoạt động xây dựng nhà cửa, cung điện, chùa chiền hoành tráng và đóng tàu thuyền lớn được cả Đàng Trong, Đàng Ngoài quan tâm. Những hoạt động này đã kéo theo các ngành khai thác rừng, sản xuất gỗ vật liệu, xây dựng phát triển mạnh. Tiêu biểu cho lĩnh vực xây dựng thời này là các công trình kiến trúc tôn giáo tại Huế. Ở đây có gần bốn trăm chùa được xây cất kỹ lưỡng, được chạm trổ và thếp vàng [Nguyễn Thanh Nhã, 2013]. Bên cạnh gỗ thì các hoạt động khai thác sơn, các loại thảo mộc dùng nhuộm vải và các loại cây có tinh dầu thơm (Lư hội, cánh kiến trắng, đàn hương, quế...) và dược liệu thuốc để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu cũng rất phát triển.

Khai mỏ là một trong những ngành nghề quan trọng và có lịch sử lâu đời ở nước ta. Kể từ khi xã hội bắt đầu bước vào thời đại kim khí thì từ đó dân ta đã dần đi vào khai thác các mỏ kim loại và tiến hành luyện kim. Vào giai đoạn cuối của chế độ phong kiến, nghề khai mỏ có những tiến bộ đáng kể. Trong thời Lê mạt (thế kỷ XVI-XVII), khai mỏ (nhất là khai mỏ đồng) ở Đàng Ngoài là một trong những ngành kinh tế phát triển nhất lúc bấy giờ, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu phát triển của kinh tế hàng hóa. Khai thác mỏ kim loại diễn ra mạnh mẽ ở Hưng Hóa, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn (Đàng Ngoài) và ở Quảng Nam (Đàng Trong). Tham gia khai thác mỏ có cả nhà nước và tư nhân. Trong khai thác mỏ đã xuất hiện quan hệ chủ thợ - mầm mống

quan hệ sản xuất mới đã manh nha. Nhưng về kỹ thuật khai thác thì vẫn còn lạc hậu, chủ yếu dùng các công cụ thủ công kết hợp sức lực của con người trong sản xuất.

• Thủ công nghiệp nửa đầu thế kỷ XIX

Nhìn chung trong nửa đầu thế kỷ XIX, các ngành nghề thủ công truyền thống trên đất nước ta vẫn được duy trì, có sự phát triển nhất định nhưng không ổn định. Một số ngành nghề có tiến bộ, song có không ít ngành nghề gặp khó khăn, không có điều kiện để phát triển.

Trung tâm đất nước chuyển vào Huế, Hà Nội không còn là kinh đô nhưng ở đây nhiều nghề thủ công vẫn có bước phát triển đáng kể. Tại kinh đô mới là Huế sản xuất gạch ngói, các phẩm phục cung đình và chế tạo vũ khí rất phát triển. Khu vực thủ công nghiệp của nhà nước được tăng cường, mở mang để đáp ứng những nhu cầu cần thiết của triều đình và đất nước. Năm 1803, vua Gia Long cho lập xưởng đúc tiền ở Bắc Thành (Hà Nội), sau đó cho lập các quan xưởng sản xuất các vật dụng khác. Các cơ quan đảm trách các ngành nghề thủ công nghiệp của nhà nước hình thành: Ty Thuyền chính, ty Doanh kiến, ty Tu tạo, ty Thương bác hỏa dược. Chịu trách nhiệm quản lý chung là ty Vũ khố chế tạo, gồm 57 cục trông coi từng ngành nghề cụ thể như đúc súng, làm đồ trang sức, làm gạch ngói, khắc in... Thợ thủ công trong các quan xưởng là những thợ giỏi được trưng tập từ các địa phương nên sản phẩm làm ra đều có chất lượng cao.

Thành tựu của thủ công nghiệp thời này thể hiện trong việc nước ta đã chế tạo được một số máy móc, tàu thuyền tương đối hiện đại. Trong những năm 1837-1839, dựa theo mẫu của châu Âu các hiệp thợ thủ công nước ta đã chế tạo được máy cưa, máy xẻ gỗ chạy bằng sức nước, máy bơm nước và đặc biệt đóng được loại tàu chạy bằng máy hơi nước đầu tiên ở Việt Nam. Về sau, các xưởng thủ công của nhà nước còn đóng tiếp được những chiếc tàu lớn, hiện đại hơn. Nhưng do ngân khố không cho phép, nên nhà Nguyễn Gia Long đã không tiếp tục phát triển kỹ nghệ theo hướng này nữa. Thợ thủ công nước ta còn học kỹ thuật nước ngoài và đã chế được đồng hồ giống phương Tây thời đó.

Khai thác mỏ là lĩnh vực được nhà Nguyễn rất chú trọng. Tổng số mỏ được khai thác từ năm 1802 đến 1858 của cả nước là 139, bao gồm các mỏ: vàng, sắt, bạc, đồng, chì, kẽm, thiếc, diêm tiêu, lưu hoàng... Những mỏ này phân bố ở các tỉnh miền Bắc như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Hóa, Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An; đặc biệt riêng tỉnh Thái Nguyên có tới 38 mỏ. Vào nửa đầu thế kỷ XIX, miền Tuyên, Hưng, Thái, Lạng có đến 92 mỏ, chiếm trên 74% tổng số mỏ cả nước lúc bấy giờ [Phan Huy Lê, 2011]. Dưới thời Nguyễn có nhiều hình thức khai thác mỏ khác nhau: mỏ do nhà nước trực tiếp khai thác; mỏ do tư nhân lĩnh trưng khai thác (là các thương nhân Hoa Kiều, các thổ tù thiểu số, các chủ mỏ người Việt) và mỏ do dân địa phương tự khai thác. Trong đó, có gần 90% số mỏ được giao cho tư nhân lĩnh trưng khai thác và hàng năm nộp thuế cho nhà Nguyễn. Một số mỏ quan trọng do nhà nước nắm, khai thác. Trong khai thác, mặc dù có ưu thế về nhân công và vốn liếng, nhưng các mỏ do nhà nước quản lý, khai thác rất kém hiệu quả và thường chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn rồi lại giao cho tư nhân lĩnh trưng.

Nhìn chung khai thác mỏ dưới triều Nguyễn có những tiến bộ nhưng phát triển chậm, gặp nhiều khó khăn và có lúc sa sút. Phương thức căn bản là lao động thủ công, cá thể với hình thức bóc lột phong kiến mang nặng tính chất nô dịch. Trong một số mỏ của tư nhân đã manh nha các nhân tố mới thể hiện trong tính chất kinh doanh của chủ mỏ, trong chế độ thuê mướn nhân công tương đối tự do và trong tổ chức sản xuất đã đạt đến một trình độ phân công lao động nhất định. Nhưng các nhân tố mới này còn lẻ tẻ, yếu ớt, chưa tạo được những chuyển biến căn bản trong khai thác mỏ. Cho đến trước khi thực dân Pháp xâm lược (1858), những nhân tố mới trong khai thác mỏ cũng như trong các ngành kinh tế khác chưa thể lay chuyển được nền kinh tế phong kiến và hình thành nên một lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất mới trong xã hội Việt Nam thời trung đại.

c. Thương nghiệp

Thương nghiệp trong các thế kỷ XVI-XVIII

Đây là giai đoạn thương nghiệp nước ta có những chuyển biến rõ rệt cả về hoạt động giao lưu trao đổi, buôn bán trong nước và với nước ngoài.

* Nội thương

Hoạt động buôn bán, trao đổi giữa các vùng miền và giữa các vùng miền với các trung tâm của Đàng Ngoài và Đàng Trong được mở rộng hơn trước. Đây là giai đoạn bùng phát của hệ thống chợ ở các địa phương trong cả nước. Bên cạnh các chợ làng đã xuất hiện thêm nhiều chợ tổng, chợ huyện họp theo phiên. Trong nông thôn Bắc Bộ xuất hiện một số làng buôn như: Phù Lưu (Bắc Ninh) buôn vải, Đa Ngưu (Hưng Yên) chuyên buôn thuốc Bắc; Báo Đáp (Hà Nam), v.v... Tại các chợ, người ta trao đổi, buôn bán các hàng hoá, bao gồm hàng nông phẩm, thủ công. Ở khu vực làng nghề có chợ chuyên bán các sản phẩm thủ công như chợ Đại Bái bán đồ đồng; chợ Thổ Hà, Bát Tràng bán sà sứ; chợ Vân Chàng, Nho Lâm bán đồ rèn sắt. Ở thành thị, có những chợ lớn nhà nước phong kiến thu thuế.

Ở Đàng Ngoài, kinh thành Thăng Long vẫn là trung tâm buôn bán, trao đổi phồn thịnh. Vào các thế kỷ XVI-XVIII, cùng với sự lớn mạnh của khu vực thành, khu thị của Thăng Long rất sầm uất nhộn nhịp. Từ một khu vực trước kia tồn tại phụ thuộc vào thành phần chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của khối vua quan thì giờ đây phần thị của Thăng Long có cuộc sống độc lập và ngày càng phồn thịnh. Tại Thăng Long - Hà Nội, hầu hết các chợ được lập ra ở những nơi công cộng, thuận tiện cho việc đi lại, trao đổi buôn bán. Hệ thống chợ chủ yếu tập trung ở những địa điểm là các cửa ô, cửa thành, bến sông, bờ kênh. Từ lâu các cửa ô của Thăng Long - Hà Nội là những đầu mối giao thông quan trọng của việc buôn bán giữa các địa phương và kinh kỳ. Đây là những địa điểm thuận lợi cho việc họp chợ. Sách sử cũ có nhắc đến các chợ tại các cửa ô, bao gồm: chợ Yên Thái (Bưởi), chợ Dịch Vọng (Ô Cầu Giấy), chợ Cầu Dừa

(Ô Chợ Dừa), chợ Yên Thọ (Ô Cầu Dền), chợ Ông Nước (hay Đông Mạc, Ô Đông Mác). Bên cạnh, ở cạnh các cửa thành thường xuất hiện các khu chợ đông đúc sầm uất. Một số chợ nổi tiếng là chợ Cửa Tây, chợ Cửa Đông, chợ Cửa Nam... Còn các chợ nằm ở các bến, bờ sông là chợ Bát Tràng, chợ Mới (phố Hàng Chiếu), Chợ Gạo (đầu cửa sông Tô Lịch), chợ Hàng Cá, chợ Cầu Đông, chợ Bạch Mã. Trong đó, chợ Bạch Mã thuộc phố Hàng Buồm ngày nay, nằm sát bờ sông Tô, trên bến dưới thuyền, hoạt động buôn bán tấp nập, nhất là tầng lớp phú thương Hoa Kiều. Cảnh chợ Bạch Mã trước đây được coi như một trong 8 cảnh sinh hoạt điển hình của Thăng Long (Thăng Long bát cảnh) thời Lê-Trịnh. Bên cạnh hệ thống chợ cố định về địa điểm mà hàng hoá được bày bán trật tự theo các hàng (lộ thiên) hoặc trong các quán (có mái che), còn có một số lượng khổng lồ các chợ lưu động không tên của những người buôn bán rong, vặt vãnh, tập hợp ở mọi đường phố, ngã ba ngã tư, trên những khoảng đất trống ở bất kỳ những nơi nào có người qua lại.

Như vậy, ở Thăng Long - Hà Nội, trong các thế kỷ XVI-XVIII đã tồn tại một mạng lưới chợ dày đặc và hoàn chỉnh. Mạng lưới này được phân bố ở mọi nơi qua lại trong thành phố, nhất là ở các cửa thành, cửa ô, bến sông. Mật độ chợ đậm đặc nhất là ở khu buôn bán trung tâm, càng ra xa thì càng thưa dần. Nhìn một cách tổng quát thì toàn bộ thành phố là một cái chợ lớn, một tập hợp chợ, đúng như tên gọi "Kẻ chợ". Chợ ở Thăng Long - Hà Nội họp theo phiên, trong đó mồng một và ngày rằm là phiên chính. Thời gian họp chợ từ sáng sớm đến quá trưa; một số chợ họp từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều; một số chợ họp vào chiều tối (chợ hôm)... Chợ ở Thăng Long - Hà Nội buôn bán nhiều loại hàng hoá khác nhau; nhưng có thể quy loại vào hai loại chính là hàng nông sản và hàng thủ công. Hàng thủ công một phần bán ở chợ, phần khác được bày bán ở các cửa hàng, cửa hiệu trong các phố dành riêng cho một mặt hàng như phố Hàng Đào bán tơ lụa, phố Hàng Ngang bán xiêm áo, phố Hàng Bạc bán đồ trang sức kim hoàn, phố Hàng Đồng bán đồ đồng, phố Hàng Giày bán giày dép, v.v... Những người mua bán ở các chợ hầu hết là dân chúng từ các vùng lân cận. Họ là những nông dân, thợ thủ công sản xuất nhỏ kiêm buôn bán. Những hàng hoá họ đem đến bán là thành quả

Xem tất cả 151 trang.

Ngày đăng: 16/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí