lao động của họ. Phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn và giữ vai trò quan trọng buôn bán ở các chợ. Trả tiền mặt là hình thức thanh toán duy nhất trong buôn bán ở các chợ.
Ở Đàng Trong, bên cạnh mạng lưới chợ nhỏ dày đặc ở các địa phương thì trong mỗi phủ thường có 4-5 chợ lớn. Ở vùng Nam Trung Bộ, Nam Bộ có các tụ điểm công - nông - thương - tín nằm ở những vị trí giao thông thuận lợi, vừa buôn bán vừa sản xuất và làm dịch vụ (gọi là thị tứ). Những tụ điểm này đã góp phần đáng kể vào phát triển sản xuất hàng hóa ở nông thôn. Giai đoạn này ở Đàng Ngoài và Đàng Trong đã xuất hiện các luồng lưu thông hàng hóa rộng lớn giữa các vùng. Có luồng chuyên đem lâm sản miền núi về đồng bằng và ngược lại vận chuyển hàng hóa từ miền xuôi lên vùng đồi núi. Có những luồng lưu thông hàng hóa giữa các trung tâm kinh tế lớn như Thăng Long, Phố Hiến (ở Đàng Ngoài), Hội An, Gia Định (ở Đàng Trong), v.v...
Mặc dù nhà nước phong kiến không có thiện cảm với thương nghiệp, nhưng do buôn bán phát triển đóng góp không nhỏ cho quốc gia nên ở Đàng Ngoài, trong những năm 1664-1743, chúa Trịnh đã lần lượt cho triệt bỏ các sở tuần ty, bến đò, những nơi bọn quan lại thường hạch sách, nhũng nhiễu thương nhân. Việc làm này ít nhiều tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa phát triển hơn.
* Ngoại thương
Từ đầu thế kỷ XVI, quan hệ buôn bán Đông - Tây phát triển mạnh, nhiều thuyền buôn của các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp... đã tràn sang phương Đông. Buôn bán trên Biển Đông sôi động hơn trước với những quan hệ thông thương giữa các nước Đông Nam Á, giữa Đông Nam Á với Đông Á, Nam Á với một số nước phương Tây. Ngoại thương nước ta thời này cũng phát đạt hơn trước nhiều. Trong thế kỷ XVII, nhiều thuyền buôn nước ngoài đến các thương cảng Đàng Trong và Đàng Ngoài. Các công ty Đông Ấn Hà Lan, Anh, Pháp lập thương điếm ở Thăng Long, Phố Hiến, Hội An; nhiều Hoa kiều, Nhật kiều ở lại buôn bán lâu dài tại các thương điếm này và đóng vai trò môi giới trong hoạt động ngoại thương.
Có thể nói, trong các thế kỷ từ XVI đến giữa thế kỷ XVIII, ngoại thương ở cả Đàng Ngoài và Đàng Trong đều có sự hưng khởi, phát triển. Sự hưng khởi, phát triển của ngoại thương giai đoạn này có nguyên nhân về khách quan và chủ quan. Về khách quan, đây là thời kỳ luồng giao thương quốc tế hoạt động mạnh ở khu vực châu Á. Việt Nam là một trong những điểm trung chuyển hàng hóa giữa các nước phương Tây với phương Đông, đặc biệt là với Trung Quốc, Nhật Bản. Còn về chủ quan, chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều tăng cường mua sắm vũ khí để đáp ứng nhu cầu quân sự, đồng thời tăng thêm nguồn thu từ thuế hải quan. Bên cạnh do sự phát triển của một số ngành nghề thủ công (khai mỏ, dệt, đường) và nhu cầu mua hàng hóa xa xỉ của tầng lớp giàu có thời kì này cũng ít nhiều góp phần làm cho ngoại thương phồn thịnh hơn so với trước.
Ở Đàng Ngoài, vào các thế kỷ XVII-XVIII đã hình thành một hệ thống cảng thị là những đầu mối buôn bán, trao đổi với các nước trong khu vực và phương Tây. Đó là Thăng Long, Phố Hiến và Domea. Trong đó, Thăng Long (Kẻ Chợ) là cảng thị trung tâm; còn Phố Hiến là cảng thị trung gian, Domea (Thái Bình) là bến cảng vùng cửa sông. Trong các thế kỷ XVI-XVIII, một số cửa khẩu giao lưu trao đổi hàng hóa với bên ngoài rất sầm uất, tấp nập, đó là: Phố Hiến (Hưng Yên), Cửa Ông (Quảng Ninh) ở Đàng Ngoài.
Ở Đàng Trong, từ thế XVI-XVIII đã xuất hiện nhiều cửa khẩu trao đổi, buôn bán với bên ngoài. Trong đó Hội An là một cảng thị, đô thị nổi bật của Đàng Trong. Hội An ra đời vào cuối thế kỷ XVI, phát đạt trong hai thế kỷ XVII-XVIII và suy giảm dần từ thế kỷ XIX. So với thương cảng Vân Đồn, Thăng Long - Đông Đô - Đông Kinh - Hà Nội thì Hội An chưa có được quy mô và thời gian tồn tại như hai trung tâm kinh tế này. Nhưng về một số phương diện khác thì Hội An lại có vị trí, vai trò quan trọng ở Đàng Trong. Hội An là một trong các thương cảng thu hút thuyền buôn của các nước Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp đến buôn bán, trao đổi nhộn nhịp, sôi động. Trong các thế kỷ này, chính sách ngoại thương của Trung Quốc và Nhật Bản có tác động, ảnh hưởng đến Hội An. Nhà Minh thực hiện bế quan toả cảng đến năm 1567 mới cho thuyền buôn Trung Quốc được buôn bán với các nước Đông Nam Á
nhưng vẫn cấm xuất khẩu một số nguyên liệu quan trọng sang Nhật Bản. Chính quyền phong kiến Nhật đã cấp giấy phép (Shuinsen - Châu ấn thuyền) cho thuyền buôn nước họ mở rộng buôn bán với Đông Nam Á và mua hàng hoá của Trung Quốc từ các nước này. Chính sách này kéo dài tới năm 1636, tạo ra một giai đoạn buôn bán phát đạt giữa Nhật Bản với Việt Nam mà chủ yếu với Hội An [Phan Huy Lê, Tìm về cội nguồn, 2011, 671].
Ngoài các nước đã có quan hệ lâu đời với nước ta như Trung Quốc, Mã Lai, Indonesia, Xiêm (Thái Lan), thời kỳ này còn có thêm nhiều nước đến làm ăn buôn bán là Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp. Trong các nước này Việt Nam có quan hệ buôn bán mật thiết hơn với Trung Quốc và Nhật Bản. Ở Đàng Ngoài, thuyền buôn Trung Quốc thường đến cửa khẩu Vân Đồn (Quảng Ninh), Phố Hiến (Hưng Yên), Vị Hoàng (Nam Định). Còn ở Đàng Trong thì chủ yếu đến Hội An (Quảng Nam), Nước Mặn (Bình Định), Bến Nghé (thành phố Hồ Chí Minh). Các nước đến buôn bán chủ yếu mua các sản phẩm: tơ, đường, gỗ quý, quế, xạ hương, tiêu, gạo và bán cho nước ta các loại hàng hóa là vũ khí, lưu huỳnh, chì, giấy, vải dạ châu Âu, vải bông của Ấn Độ...
Có thể bạn quan tâm!
- Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 1 - 9
- Kinh Tế Giai Đoạn Chế Độ Phong Kiến Khủng Hoảng, Suy Vong (Thế Kỷ Xvi Đến Năm 1858)
- Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 1 - 11
- Bối Cảnh Lịch Sử Và Chính Sách Kinh Tế
- Diễn Biến Của Hoạt Động Lúa Gạo Ở Đông Dương
- Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 1 - 15
Xem toàn bộ 151 trang tài liệu này.
Nhìn chung, trong các thế kỷ XVI-XVIII, hoạt động buôn bán trên đất nước ta ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đều sôi động, nhộn nhịp. Tình hình này một phần do thủ công nghiệp phát triển, tạo ra các sản phẩm trao đổi với bên ngoài; phần khác do nhu cầu mua sắm các hàng hoá quân sự, dân sự của nước ta đã kích thích hoạt động trao đổi, buôn bán. Nhưng một nguyên nhân khác do nước ta nằm ở điểm trung chuyển của luồng giao thương quốc tế giữa các nước tư bản phương Tây với khu vực châu Á giai đoạn này.
• Thương nghiệp trong nửa đầu thế kỷ XIX
Vào nửa đầu thế kỷ XIX, do đất nước thống nhất đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế giữa các vùng miền trong cả nước. Nhà Nguyễn có nhiều cố gắng trong việc thiết lập hệ thống giao thông và thông tin liên lạc từ kinh đô Huế đến các địa phương; nạo vét sông ngòi và đào một số kênh mới; mở mang, tu sửa hệ thống đường bộ; đồng thời
tiến hành thống nhất hệ thống đo lường và hệ thống tiền tệ trong cả nước. Tuy vậy, do chịu ảnh hưởng nặng nề tư tưởng trọng nông nên nhà Nguyễn ít có những tác động trực tiếp thúc đẩy sự phát triển thương nghiệp; trái lại còn thực thi nhiều chính sách làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động trao đổi hàng hóa ở trong nước và quan hệ buôn bán với bên ngoài. Vì thế, nhìn chung tình hình thương nghiệp nước ta vào nửa đầu thế kỷ XIX không phát triển mà còn có những biểu hiện suy thoái, khủng hoảng.
Hệ thống chợ làng, chợ nông thôn vẫn sôi động ở khắp các địa phương trong cả nước. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, cả nước ta thời này có 654 chợ lớn, được phân bố chủ yếu ở các vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Những địa phương có mật độ chợ cao tập trung là vùng đồng bằng Bắc Bộ và vùng từ Thanh - Nghệ đến Bình Định. Hàng hóa ở chợ vẫn là sản phẩm truyền thống của nông - lâm - ngư và các ngành nghề thủ công. Các loại hàng xuất khẩu chủ yếu là các sản vật tự nhiên, hàng thủ công mỹ nghệ và gạo. Cụ thể là các loại gỗ quý (trắc, xạ hương, mun, sừng tê giác, ngà voi...); hải sản quý (yến sào, tôm khô, hải sâm...); kim loại quý (vàng, đồng...). Các sản phẩm thủ công nghiệp gồm đường, hàng dệt, gỗ mỹ nghệ, gốm sứ... Nhà nước độc quyền các loại hàng là ngà voi, yến sào, sừng tê, quế, hồ tiêu, sa nhân, tô mộc, hồng mộc... Hàng nhập khẩu chủ yếu là các sản phẩm công nghệ của phương Tây và các nước trong khu vực. Trong đó, hàng dệt có gấm đoạn, sa lĩnh, len dạ; hàng gốm sứ phần lớn nhập từ Trung Quốc. Còn vũ khí, nguyên liệu chế tạo vũ khí, đạn dược được nhập từ các nước phương Tây. Đối tượng quan hệ buôn bán là người Hoa, Xiêm, Malaysia; còn phương Tây thì nhà Nguyễn rất dè dặt quan hệ buôn bán.
Các đô thị hưng khởi vào các thế kỷ trước phần lớn vẫn tồn tại trong nửa đầu thế kỷ XIX; nhưng hầu hết dần bị suy tàn, chỉ có Thăng Long còn duy trì được sự sầm uất của mình. Thăng Long - Hà Nội vào giữa thế kỷ XIX vẫn còn là thành phố hàng đầu của cả nước. Nơi đây tụ tập những thợ giỏi, nhà buôn lớn, đã sản xuất ra những vật phẩm mỹ nghệ cần dùng cho đời sống.
Thương nghiệp suy giảm vào nửa đầu thế kỷ XIX có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, về chủ quan, nhà Nguyễn thi hành nhiều chính sách ảnh hưởng tiêu cực đối với thương nghiệp như: kiểm soát ngặt nghèo buôn bán; đánh thuế nặng (thuyền buôn gạo Nam Định vào Nghệ An phải nộp thuế 9 lần); triều đình cấm dân họp chợ (1834); đồng thời nhà nước nắm độc quyền ngoại thương và thi hành chính sách "bế quan tỏa cảng". Về nguyên nhân khách quan, giao thương quốc tế trên biển Đông không còn sôi động và cũng không đi sát bờ biển nước ta như trước nữa. Các tàu thuyền, hàng hoá trao đổi buôn bán với nước ta giảm sút nhiều; xuất nhập khẩu theo đó suy giảm mạnh.
Có thể nói, nhà Nguyễn đã có nhiều cố gắng để ổn định và cải thiện tình hình đất nước sau nhiều năm chiến tranh, loạn lạc. Nhưng do thực thi nhiều chính sách kinh tế, chính trị không phù hợp với thời đại mới (độc tôn Nho giáo, thuế nặng nề, "bế quan tỏa cảng"...) đã làm cho nước ta lâm vào khủng hoảng, rồi bị mất độc lập, tự chủ vào tay thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX.
Kết chương
Từ khởi nguồn đến năm 1858, kinh tế nước ta đã trải qua quá trình phát sinh, hình thành, phát triển lâu dài. Trong quá trình này, trên đại thể, nền kinh tế có những đặc điểm lớn sau đây:
- Thời nguyên thủy, các hoạt động kinh tế mới phát sinh, hình thành, còn manh nha và tiến triển hết sức chậm chạp. Người nguyên thủy nước ta chủ yếu sống dựa vào hái lượm, săn bắn và trồng trọt (xuất hiện cuối thời kỳ này). Những công cụ sản xuất, sinh hoạt đều được chế tác từ đá. Tổ chức xã hội là bầy người nguyên thủy, sau đó xuất hiện các thị tộc, bộ lạc.
- Từ cuối thời nguyên thủy, hoạt động kinh tế có những chuyển biến tích cực. Trong các nghề thủ công thì luyện kim, đúc đồng xuất hiện và phát triển đạt đến đỉnh cao. Từ đây, các công cụ sản xuất, vật dùng, vũ khí... được chế tác từ kim loại (đồng thau) đã thay thế dần cho đá và chiếm vai trò chủ đạo trong đời sống cư dân. Công cụ kim loại đã
thúc đẩy các hoạt động kinh tế có bước tiến vượt bậc. Trồng trọt dần dần trở thành nguồn sống chính của cư dân. Trên cơ sở kinh tế phát triển, kết hợp với nhu cầu làm thủy lợi (trong trồng lúa nước) và nhu cầu tự vệ chống ngoại xâm, trên lãnh thổ nước ta đã ra đời ba quốc gia cổ đại vào những thời điểm khác nhau. Ở Bắc Bộ, nhà nước sơ khai Văn Lang - Âu Lạc xuất hiện đã phản ánh trình độ phát triển cao về kinh tế, văn minh, văn hoá người Việt thời cổ đại. Từ năm 179 TCN đến năm 938, kinh tế nước ta được xây dựng, phát triển trong bối cảnh, điều kiện mới - đặc biệt của lịch sử dân tộc. Đây là thời kỳ nước ta bị các triều đại phong kiến phương Bắc thay nhau đô hộ. Trong "ngàn năm Bắc thuộc" này, nhìn chung nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển trong điều kiện bị đô hộ, bóc lột. Các ngành nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp đều có những chuyển biến đáng ghi nhận.
- Từ năm 938 đến năm 1858 là thời kỳ xây dựng, phát triển nền kinh tế dân tộc độc lập, tự chủ. Trong khoảng gần một ngàn năm này, kinh tế nước ta trải qua hai giai đoạn phát triển khác nhau. Từ thế kỷ X (năm 938) đến cuối thế kỷ XV, kinh tế được xây dựng, phát triển tương đối ổn định và đạt đỉnh cao vào cuối thế kỷ XV. Các ngành nghề đều có sự tiến bộ rõ rệt, đã tạo cơ sở cho quốc gia Đại Việt tồn tại, phát triển vững mạnh, văn minh, văn hoá đất nước đạt đỉnh cao. Nhưng từ thế kỷ XVI đến khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược (1858), nhìn chung nền kinh tế gặp khó khăn, đi dần vào suy thoái, khủng hoảng. Đặc biệt từ nửa sau thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, các hoạt động kinh tế gặp nhiều khó khăn, suy giảm và lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau.
- Vào nửa đầu thế kỷ XIX, trong khi nhiều nước trên thế giới đã chuyển sang giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa thì nước ta vẫn còn là một nước có nền kinh tế phong kiến lạc hậu, lại đang bị khủng hoảng nặng nề. Sự lạc hậu về kinh tế là nguyên nhân chính dẫn đến việc mất độc lập, tự chủ của dân tộc ta khi bị thực dân Pháp xâm lược vào nửa sau thế kỷ XIX.
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Thế Anh (2016), Kinh tế & xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.
[2] Đỗ Bang & cộng sự (2017), Lịch sử Việt Nam - Một góc nhìn, Nxb. Tri thức.
[3] Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (2017), Các triều đại Việt Nam (In lần thứ 12, có sửa chữa), Nxb. Thanh niên.
[4] Trần Đức Cường (Chủ biên, 2017), Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ (Từ khởi thủy đến năm 1945), Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[5] Phan Hữu Dật (2018), Một số vấn đề về dân tộc học Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội.
[6] Phan Đại Doãn (2001), Làng Việt Nam: Một số vấn đề kinh tế - văn hóa - xã hội, Nxb. Chính trị Quốc gia.
[7] Nguyễn Trí Dĩnh, Phạm Huy Vinh, Trần Khánh Hưng (2013),
Giáo trình lịch sử kinh tế, Nxb. Đại học Kinh tế Quốc dân.
[8] Nguyễn Đình Đầu (2016): Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[9] Kiều Thu Hoạch (2016), Góp phần nghiên cứu lịch sử văn hoá Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
[10] Nguyễn Thừa Hỷ (2018), Thăng Long - Hà Nội trong mắt một người Hà Nội (Tuyển tập nghiên cứu), Nxb. Thông tin và Truyền thông.
[11] Lê Thành Khôi (2014), Lịch sử Việt Nam (từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX), Nxb. Thế giới.
[12] Phan Khoang (2017), Việt sử: Xứ Đàng Trong 1858-1777, cuộc Nam tiến của dân tộc Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội.
[13] Phan Huy Lê (Chủ biên, 2012), Lịch sử Việt Nam, tập I và II, Nxb. Giáo dục Việt Nam.
[14] Phan Huy Lê (2011), Tìm về cội nguồn, Nxb. Thế giới.
[15] Phan Huy Lê (2012), Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận, Nxb. Thế giới.
[16] Phan Huy Lê (2018), Di sản văn hoá Việt Nam dưới góc nhìn lịch sử, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
[17] Tạ Ngọc Liễn (Chủ biên, 2017), Lịch sử Việt Nam, tập 3, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[18] Đỗ Thị Thùy Lan (2018), Hệ thống cảng thị trên sông Đàng Ngoài (Lịch sử ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
[19] Vũ Duy Mền (Chủ biên, 2017): Lịch sử Việt Nam, tập 1, từ khởi thủy đến thế kỷ X, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[20] Nguyễn Thanh Nhã (2013), Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Nxb. Tri thức.
[21] Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên, 2000), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[22] Nguyễn Hồng Phong (2005), Một số công trình nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, tập 1 và 2, Lịch sử, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[23] Trương Hữu Quýnh (2009), Chế độ ruộng đất & một số vấn đề
lịch sử Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
[24] Trần Đức Anh Sơn (2018), Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở
Việt Nam thời Nguyễn, Nxb. Dân trí.
[25] Lê Quốc Sử (1998), Một số vấn đề về Lịch sử kinh tế Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[26] Robert Lowie (2001), Luận về xã hội học nguyên thủy, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
[27] Hà Văn Tấn (2017), Sự sinh thành Việt Nam, Nxb. Thế giới.