Kinh tế công nghiệp và quản trị chất lượng - ĐH SPKT Nam Định - 2


Sự phát triển công nghiệp kéo theo sự phát triển đội ngũ lao động công nghiệp. Do những đặc trưng về kỹ thuật sản xuất, công nghiệp đại diện cho phương thức sản xuất mới, lao động công nghiệp có tư duy, tác phong và kỷ luật cao, nhanh nhạy với sự thay đổi của môi trường và có những đổi mới mang tính cách mạng. Sự phát triển, mở rộng quy mô và nâng cao trình độ phát triển công nghiệp dẫn đến sự phát triển của đội ngũ lao động công nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Trong khi đó, vốn dĩ gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp phân tán, trình độ kỹ thuật thấp, lao động nông nghiệp có chất lượng thấp hơn, tính bảo thủ cao hơn, sự đổi mới và khả năng thích ứng với cái mới chậm hơn so với lao động công nghiệp. Hơn nữa, tương ứng với sự thay đổi vị trí các ngành trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong cơ cấu lao động xã hội ngày càng giảm. Liên minh giữa giai cấp công nhân và nông dân là nhân tố đảm bảo sự thành công của cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhưng trong đó, giai cấp công nghiệp luôn giữ vai trò lãnh đạo.

- Về quản lý công nghiệp

Do trình độ kỹ thuật sản xuất ngày càng hiện đại, trình độ xã hội hóa sản xuất ngày càng được nâng cao, phân công lao động xã hội ngày càng sâu sắc, quản lý quá trình công nghiệp được thực hiện hết sức chặt chẽ và khoa học. Đó là điều kiện đảm bảo quá trình sản xuất diễn ra liên tục với hiệu quả kinh tế cao. Các phương pháp quản lý công nghiệp ngày càng được hoàn thiện gắn liền với việc ứng dụng những thành tựu mới của khoa học công nghệ và để đảm bảo thích ứng với trình độ khoa học công nghệ ngày càng hiện đại. Các mô hình và phương pháp quản lý công nghiệp thường được coi là hình mẫu cho đổi mới quản lý của các ngành kinh tế quốc dân, trong đó có nông nghiệp.

Nghiên cứu các đặc trưng của công nghiệp cho phép thấy rò hơn những ưu thế của công nghiệp, điều kiện đảm bảo công nghiệp có được vai trò lãnh đạo dẫn dắt các ngành kinh tế quốc dân trong quá trình xây dựng nền sản xuất lớn.

1.2. PHÂN LOẠI CÔNG NGHIỆP

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tổ chức quản lý ngành công nghiệp là phải xác định rò đối tượng quản lý. Đối tượng quản lý công nghiệp là hệ thống công nghiệp. Với sự phát triển của khoa học – công nghệ và phân công lao động xã hội, công nghiệp phát triển thành một hệ thống phức tạp với nhiều bộ phận khác nhau, các bộ phận ấy được xác định theo những căn cứ khác nhau và có những đặc trưng khác nhau. Phân loại hệ thống công nghiệp thực chất là xác định những tiêu chí để phân chia công nghiệp thành những bộ phận khác nhau làm cơ sở để xác định những nội dung và phương thức quản lý phù hợp, hướng tới mục tiêu phát triển hài hòa và có hiệu quả các bộ phận ấy.


1.2.1. Phân loại công nghiệp thành 2 ngành sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng

Phương pháp phân loại này căn cứ vào công dụng kinh tế của sản phẩm. Xem xét công dụng kinh tế của sản phẩm là xem xét một cách tổng quát sản phẩm công nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản xuất hay nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Những sản phẩm công nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản xuất, gọi là tư liệu sản xuất. Những sản phẩm công nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cá nhân, gọi là tư liệu tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.

Trong thực tế, người ta thường có quy ước xếp các doanh nghiệp công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất vào nhóm công nghiệp nặng và các doanh nghiệp công nghiệp sản xuất tư liệu tiêu dùng vào nhóm công nghiệp nhẹ. Nếu sản phẩm của một doanh nghiệp công nghiệp vừa có thể dùng làm tư liệu sản xuất, vừa có thể dùng làm tư liệu tiêu dùng, thì việc sắp xếp lại căn cứ vào tỷ trọng sản phẩm chủ yếu đáp ứng loại nhu cầu nào.

Phân loại công nghiệp theo cách này là cơ sở quan trọng để kế hoạch hóa phát triển công nghiệp đảm bảo sự cân đối giữa sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng phù hợp với yêu cầu cụ thể của đất nước và quan hệ kinh tế với các nước khác. Bên cạnh đó, phương pháp phân loại này có ý nghĩa rất lớn trong việc vận dụng quy luật tái sản xuất mở rộng để xây dựng mô hình cơ cấu công nghiệp cho mỗi bước trong mỗi thời kỳ phát triển của nền kinh tế.

Kinh tế công nghiệp và quản trị chất lượng - ĐH SPKT Nam Định - 2

1.2.2. Phân loại công nghiệp thành hai nhóm ngành khai thác và chế biến

Phương pháp phân loại này căn cứ vào phương thức tác động đến đối tượng lao động do quá trình sản xuất công nghiệp là quá trình người lao động sử dụng tư liệu lao động tác động đến đối tượng lao động để tạo ra sản phẩm.

Công nghiệp khai thác là loại hình sản xuất sử dụng tư liệu lao động cắt đứt mối liên hệ trực tiếp của đối tượng lao động với các điều kiện tự nhiên để tạo ra các sản phẩm thô. Đối tượng lao động của công nghiệp khai thác là các đối tượng lao động do tự nhiên tạo ra, sự phát triển gắn liền với điều kiện tự nhiên; sản phẩm của công nghiệp khai thác thường là các loại nguyên liệu nguyên thủy.

Công nghiệp chế biến là loại hình sản xuất sử dụng tư liệu lao động với các phương pháp cơ học, lý học, hóa học, sinh học làm thay đổi hình dáng, kích thước, tính chất của nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm. Công nghiệp chế biến làm thay đổi về chất của các đối tượng lao động là nguyên liệu nguyên thuỷ thành sản phẩm trung gian và tiếp tục chế biến thành các loại sản phẩm cuối cùng.

Phương pháp phân loại công nghiệp này là cơ sở để kế hoạch hóa quan hệ cân đối giữa phát triển công nghiệp khai thác và công nghiệp chế biến sản phẩm của công nghiệp khai thác tương ứng. Sự cân đối này không phải hiểu theo nghĩa quy mô và tốc


độ phát triển khai thác một loại tài nguyên phải tương ứng với quy mô và tốc độ phát triển chế biến loại tài nguyên đó. Sự cân đối giữa chúng phải được xem xét phù hợp với trình độ phát triển của công nghiệp trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quan hệ kinh tế của đất nước trong mỗi thời kỳ.

1.2.3. Phân loại công nghiệp thành các ngành công nghiệp chuyên môn hóa

Phương pháp phân loại này căn cứ vào đặc trưng về kỹ thuật sản xuất giống nhau hoặc tương tự nhau để sắp xếp các đơn vị sản xuất kinh doanh thành các ngành chuyên môn hoá.

Ngành công nghiệp chuyên môn hoá là tổng hợp các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp mà hoạt động sản xuất chủ yếu của chúng có những đặc trưng kỹ thuật sản xuất giống nhau hoặc tương tự nhau như:

- Cùng thực hiện một phương pháp công nghệ hoặc công nghệ tương tự (cơ, lý. hoá, sinh học)

- Sản phẩm được sản xuất từ một loại nguyên liệu hay nguyên liệu đồng loại.

- Sản phẩm có công dụng cụ thể giống nhau hoặc tương đương nhau.

Trong ba đặc trưng trên, đặc trưng công dụng cụ thể là đặc trưng quan trọng nhất và hay được sử dụng để phân loại các ngành công nghiệp chuyên môn hóa.

Phương pháp phân loại này có ý nghĩa rất lớn trong xây dựng các mô hình cơ cấu cân đối liên ngành, đặc biệt đối với các loại sản phẩm chủ yếu, quan trọng của công nghệ trong việc lựa chọn các hình thức tổ chức mối liên hệ sản xuất giữa các ngành.

1.2.4. Phân loại công nghiệp dựa vào hình thức sở hữu

Tương ứng với các hình thức sở hữu khác nhau, các doanh nghiệp công nghiệp được sắp xếp vào các thành phần kinh tế khác nhau. Ở Việt Nam, hệ thống công nghiệp đa thành phần bao gồm: công nghiệp thuộc thành phần kinh tế nhà nước, công nghiệp thuộc thành phần kinh tế tập thể, công nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân và tư bản nhà nước, công nghiệp thuộc thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong cơ cấu công nghiệp đa thành phần, mỗi thành phần kinh tế có vai trò, vị trí riêng và có quan hệ chặt chẽ với nhau tạo thành nền tảng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy khác nhau về hình thức sở hữu, nhưng các doanh nghiệp công nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng với nhau, tồn tại trong môi trường vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với nhau. Vai trò của Nhà nước là phải tạo lập môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp cùng phát triển, khai thác mọi nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


1.2.5. Phân loại công nghiệp thành công nghiệp hiện đại và thủ công nghiệp

Phương pháp phân loại này căn cứ vào trình độ trang bị kỹ thuật của các ngành công nghiệp. Xu hướng chung của sự phát triển là nâng cao trình độ trang bị kỹ thuật của các ngành, các lĩnh vực kinh tế. Nhưng trong những thời kỳ nhất định, bên cạnh các doanh nghiệp hiện đại, vẫn còn các doanh nghiệp sản xuất ở trình độ thủ công. Theo đó, công nghiệp được chia thành hai bộ phận: công nghiệp hiện đại và thủ công nghiệp.

Sản xuất thủ công sẽ dần được thay thế bằng máy móc, thiết bị nhưng có những loại sản xuất hoặc những bộ phận nhất định trên dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị không thể thay thế được lao động thủ công. Chẳng hạn trong một số ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, lao động thủ công sẽ tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc phục vụ cho xuất khẩu.

Xét về trình độ công nghệ, công nghiệp một nước sẽ gồm các doanh nghiệp với nhiều tầng công nghệ khác nhau.

1.3. TÍNH QUY LUẬT CỦA PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

Xét trong quá trình lịch sử phát triển, tuy mỗi nước có những đặc điểm riêng, song các nước lại có nhiều điểm tương đồng về sự ra đời và phát triển công nghiệp. Sự tương đồng ấy được coi là tính quy luật của quá trình phát triển công nghiệp.

1.3.1. Quá trình phát triển của công nghiệp gắn liền cùng với sự phát triển của nông nghiệp

Mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp trong quá trình phát triển nền sản xuất xã hội có thể chia thành ba giai đoạn cơ bản: sản xuất công nghiệp là một bộ phận phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp; sản xuất công nghiệp tách khỏi sản xuất công nghiệp; sản xuất công nghiệp kết hợp với sản xuất nông nghiệp ở trình độ cao.

Hoạt động sản xuất công nghiệp xuất hiện từ khi xuất hiện xã hội loài người dưới hình thức khai thác tài nguyên động, thực vật để sinh sống, sản xuất các loại công cụ, vật phẩm tiêu dùng và vũ khí thô sơ. Loại sản xuất này chưa trở thành một ngành sản xuất vật chất độc lập mà chỉ là một bộ phận phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, do chính những người nông dân thực hiện và mang tính chất tự cung tự cấp.

Sự phát triển của nền sản xuất xã hội gắn liền với sự phát triển của phân công lao động xã hội. Cuộc phân công lao động lớn lần thứ hai đã tách sản xuất công nghiệp ra khỏi sản xuất nông nghiệp trở thành ngành sản xuất độc lập dưới hình thức ban đầu là sản xuất thủ công nghiệp của những người thợ thủ công chuyên nghiệp. Sản phẩm của các ngành nghề thủ công nghiệp này trở thành hàng hóa, được sản xuất ra với mục đích trao đổi trên thị trường.


Tuy tách khỏi nông nghiệp, nhưng giữa công nghiệp và nông nghiệp luôn có mối quan hệ sản xuất mật thiết với nhau: nông nghiệp cung cấp cho công nghiệp chế biến một số loại nguyên liệu, lao động và thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp; ngược lại, công nghiệp cung cấp cho nông nghiệp nhiều loại sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng cá nhân. Sự phát triển của cả công nghiệp và nông nghiệp chịu ảnh hưởng to lớn và trực tiếp vào việc tổ chức mối liên hệ sản xuất giữa chúng. Ở trình độ phát triển cao, mối liên hệ sản xuất giữa công nghiệp và nông nghiệp cần được tổ chức một cách chủ động với những nội dung và hình thức thích hợp.

1.3.2. Công nghiệp từ một ngành kinh tế có quy mô nhỏ và vị trí thứ yếu phát triển thành một ngành có phạm vi to lớn và vị trí quan trọng hàng đầu trong cơ cấu kinh tế quốc dân

Sự chuyển hóa vị trí của công nghiệp và nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế quốc dân gắn liền với sự phát triển của nền sản xuất xã hội, tiến bộ khoa học công nghệ và sự thay đổi nhu cầu của sản xuất và sinh hoạt. Ở trình độ phát triển thấp, nhu cầu của sản xuất và sinh hoạt còn đơn giản, nông nghiệp là ngành sản xuất có quy mô lớn và vị trí quan trọng hàng đầu vì chính nó là ngành cung cấp sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản nhất, thiết yếu nhất – nhu cầu ăn uống để đảm bảo sự sinh tồn của con người. Lúc này, công nghiệp có quy mô còn nhỏ bé và giữ vị trí hàng thứ trong cơ cấu kinh tế quốc dân.

Khoa học công nghệ không ngừng phát triển tạo ra những khả năng mới, trình độ của các ngành kinh tế được nâng cao, nhu cầu của sản xuất và sinh hoạt ngày càng trở nên phức tạp. Sản xuất nông nghiệp, với những điều kiện hạn chế của mình, không thể đáp ứng được toàn diện và đầy đủ những nhu cầu ngày càng cao ấy. Lúc này, với khả năng và điều kiện của mình, công nghiệp trở thành ngành chủ yếu đáp ứng nhu cầu của sản xuất và sinh hoạt của dân cư, quy mô của nó cũng ngày càng được mở rộng. Do vậy, công nghiệp từ vị trí hàng thứ trở thành ngành chiếm vị trí quan trọng hàng đầu.

Nghiên cứu tính quy luật này cho thấy, do điều kiện và trình độ phát triển cụ thể của mỗi nước mà cơ cấu kinh tế của các nước có thể khác nhau, song theo xu thế phát triển chung của quá trình công nghiệp hóa, cơ cấu kinh tế của mỗi nước sẽ chuyển dịch từ cơ cấu nông – công nghiệp sang cơ cấu công – nông nghiệp hiện đại.

1.3.3. Quá trình phát triển công nghiệp gắn liền với quá trình phát triển sản xuất hàng hóa

Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, các nghề thủ công nghiệp sản xuất hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của chính người sản xuất và gia đình họ. Nói cách khác, sự ra đời và phát triển của một số nghề thủ công trong giai đoạn đầu của sự phát triển xã hội loài người xuất phát từ yêu cầu thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và của sản xuất ở trình độ thấp. Quá trình này gắn liền với sự phát triển của sự


phân công lao động xã hội và sự hình thành sở hữu riêng với các loại sản phẩm khác nhau. Hai yếu tố đó (phân công lao động xã hội và sở hữu riêng về các loại sản phẩm) là tác nhân thúc đẩy sự ra đời và phát triển của sản xuất hàng hóa. Người sản xuất không thể tự sản xuất tất cả sản phẩm mà họ cần, họ tập trung vào sản xuất một hoặc một số loại sản phẩm nhất định, dùng sản phẩm ấy để trao đổi lấy sản phẩm khác cần cho sản xuất và sinh hoạt của mình. Sản phẩm trở thành hàng hóa. Trong thực tế quá trình phát triển sản xuất, một số người nông dân không còn tiến hành nghề nông quen thuộc mà chuyển sang tập trung vào làm những nghề thủ công nhất định. Sự phân công lao động ấy dẫn đến chuyên môn hóa lao động và hình thành hình thức sơ khai đầu tiên công nghiệp.

Ngày nay, sản xuất công nghiệp là ngành có trình độ xã hội hóa cao. Sản xuất một sản phẩm công nghiệp luôn đòi hỏi có sự tham gia của nhiều loại lao động khác nhau với sự phân công và hợp tác chặt chẽ. Phạm vi phân công hợp tác được mở rộng trên phạm vi toàn thế giới, đồng thời việc giao lưu trao đổi hàng hóa công nghiệp cũng diễn ra trên phạm vi toàn thế giới. Sự phát triển và mở rộng thị trường được coi là điều kiện cơ bản của phát triển sản xuất công nghiệp. Phát triển theo kiểu “tự cung, tự cấp” và “khép kín” là hoàn toàn không thích ứng với sự phát triển công nghiệp hiện đại.

1.3.4. Quá trình phát triển công nghiệp cũng là quá trình đổi mới nâng cao trình độ khoa học công nghệ

Trong buổi ban đầu mới hình thành, sản xuất công nghiệp được tiến hành hoàn toàn bằng các công cụ thủ công với phương pháp công nghệ giản đơn và chỉ sản xuất ra những sản phẩm đơn giản. Từ quá trình sản xuất, người lao động tích lũy dần kinh nghiệm, cải tiến hoặc sáng chế ra những công cụ và phương pháp sản xuất có trình độ ngày càng cao hơn. Đến lượt mình, những điều đó lại thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển với tốc độ nhanh hơn, quy mô mở rộng hơn, sản xuất những sản phẩm có trình độ ngày càng tiên tiến và hiện đại.

Xét trong toàn bộ hệ thống công nghiệp, sự phát triển và nâng cao trình độ kỹ thuật diễn ra song song theo hai con đường: tuần tự từ thấp đến cao, từ giản đơn đến phức tạp, từ từng bộ phận riêng lẻ mở rộng ra toàn bộ hệ thống; nhảy vọt từ trình độ thấp lên trình độ cao hơn hẳn về chất, bỏ qua các trình độ trung gian để đạt được sức sản xuất lớn hơn hẳn.

Ngày nay, nền công nghiệp của một nước thường bao gồm các loại công nghệ với nhiều trình độ khác nhau – gọi là công nghệ nhiều tầng. Sự tồn tại công nghệ nhiều tầng này xuất phát từ sự khác biệt về khả năng đổi mới công nghệ của các bộ phận khác nhau trong hệ thống công nghiệp. Xu hướng chung là trình độ công nghệ của sản xuất công


nghiệp sẽ được nâng lên trình độ hiện đại. Tuy nhiên, một số loại công nghệ truyền thống vẫn tồn tại tạo ra những sản phẩm độc đáo của mỗi nước trong thương mại quốc tế.

Quá trình hiện đại hóa không chỉ diễn ra trong quá trình sản xuất, mà còn diễn ra một cách mạnh mẽ trong quá trình quản lý công nghiệp với việc ứng dụng ngày càng rộng rãi các phương tiện kỹ thuật hiện đại và các phương pháp quản lý mới.

1.4. VAI TRÒ CHỦ ĐẠO CỦA CÔNG NGHIỆP TRONG NỀN KINH TẾ QUỐC DÂN

Trong quá trình công nghiệp hóa, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, công nghiệp giữ vai trò định hướng phát triển các ngành kinh tế và tạo những điều kiện vật chất để thực hiện định hướng đó. Tuy công nghiệp hóa, hiện đại hóa không đồng nhất với phát triển công nghiệp, nhưng công nghiệp là phương tiện truyền tải những thành tựu mới của khoa học công nghệ tới tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, là hình mẫu để cải tạo các ngành kinh tế quốc dân.

Sứ mệnh lịch sử đó của công nghiệp bắt nguồn từ những lý do chủ yếu sau đây:

- Công nghiệp là ngành đại diện cho phương thức sản xuất mới, là ngành duy nhất sản xuất các loại tư liệu sản xuất với những trình độ khác nhau phục vụ trang bị và trang bị lại kỹ thuật cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Tốc độ thực hiện tiến bộ khoa học công nghệ phụ thuộc trực tiếp vào trình độ phát triển công nghiệp và cơ cấu ngành công nghiệp.

- Cùng với lực lượng sản xuất tiên tiến, quan hệ sản xuất trong công nghiệp cũng tiên tiến hơn các ngành khác. Công nghiệp có trình độ xã hội hóa sản xuất cao, phân công lao động sâu sắc, phương thức quản lý hiện đại. Từ những yếu tố đó, cách thức quản lý, tổ chức sản xuất, tổ chức lao động trong công nghiệp thường được coi là hình mẫu cho các ngành kinh tế quốc dân khác.

- Sự phát triển công nghiệp kéo theo sự phát triển giai cấp công nhân cả về mặt lượng và chất. Là lực lượng đại diện cho phương thức sản xuất mới, có tính cách mạng cao, giai cấp công nghiệp được coi là giai cấp lãnh đạo sự nghiệp cách mạng.

Với những yếu tố đó, công nghiệp nắm giữ vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. Nội dung ấy thể hiện trên những khía cạnh chủ yếu sau:

1.4.1. Công nghiệp định hướng về tổ chức sản xuất và tổ chức quản lý cho các ngành kinh tế quốc dân

Trình độ tổ chức xã hội của sản xuất là một trong những biểu hiện cụ thể của sự phát triển lực lượng sản xuất.


So với nông nghiệp, sản xuất công nghiệp ít phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và nó có điều kiện tự đổi mới, nâng cao trình độ trang bị kỹ thuật và phân công lao động. Đó chính là những yếu tố cho phép công nghiệp đi đầu về tổ chức sản xuất xã hội, về phân công lao động xã hội, về trình độ kỹ thuật và về quan hệ sản xuất theo quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ và tính chất của lực lượng sản xuất. Từ sự đi đầu đó, công nghiệp định hướng và chi phối sự phát triển trình độ tổ chức sản xuất xã hội của các ngành ở chỗ:

- Vạch ra kiểu mẫu về tổ chức sản xuất và về phân công lao động xã hội nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất, vừa thích ứng với trình độ kỹ thuật được nâng cao, vừa thúc đẩy nâng cao trình độ kỹ thuật của sản xuất. Chẳng hạn, thông qua quá trình tập trung hóa, chuyên môn hóa sản xuất của mình, công nghiệp vừa tạo ra nhu cầu, vừa thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung chuyên canh, tạo nông sản hàng hóa với khối lượng lớn, chất lượng cao, chi phí thấp trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới của khoa học công nghệ.

- Sự thay đổi về tổ chức sản xuất và phân công lao động xã hội được thúc đẩy bởi mô hình công nghiệp tạo ra những điều kiện để ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, đồng thời cũng là những tác nhân thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong mỗi ngành kinh tế.

- Những thay đổi trên đây sẽ thúc đẩy sự thay đổi các mặt của quan hệ sản xuất, từ quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý đến quan hệ phân phối, nhằm đảm bảo sự phù hợp với trình độ ngày càng được nâng cao và tính chất xã hội ngày càng được mở rộng của lực lượng sản xuất.

1.4.2. Công nghiệp tạo những điều kiện vật chất để thực hiện yêu cầu trang bị và trang bị lại kỹ thuật cho tất cả các ngành kinh tế quốc dân

- Phạm vi và trình độ trang bị kỹ thuật của các ngành kinh tế quốc dân phụ thuộc trực tiếp vào khả năng sản xuất của công nghiệp, trước hết là của một số ngành công nghiệp nặng chủ chốt (cơ khí, điện năng, hóa chất,…). Do trong nền kinh tế quốc dân, công nghiệp là ngành duy nhất sản xuất và cung ứng các loại tư liệu sản xuất phục vụ thực hiện các nội dung của tiến bộ khoa học công nghệ, nên sự phát triển của một số ngành công nghiệp nặng với trình độ kỹ thuật, quy mô và cơ cấu hợp lý sẽ là điều kiện đảm bảo tốc độ và phạm vi thực hiện tiến bộ công nghệ trong các ngành kinh tế quốc dân.

- Công nghiệp hướng dẫn các ngành kinh tế sử dụng các điều kiện vật chất mà nó cung ứng. Việc sản xuất và cung ứng các sản phẩm vật chất của công nghiệp cho các ngành kinh tế quốc dân mới chỉ là điều kiện cần, việc hướng dẫn sử dụng các sản phẩm vật chất ấy là điều kiện đủ để chúng phát huy tác dụng trong việc tăng năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển bền vững của từng ngành kinh tế.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/06/2022