VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
LÊ THỊ THANH HUYỀN
KINH DOANH DU LỊCH
DI SẢN VĂN HÓA Ở VIỆT NAM
Ngành: Quản trị kinh doanh Mã số: 9.34.01.01
LUẬN ÁN TIẾN SĨ QUẢN TRỊ KINH DOANH
Người hướng dẫn khoa học: 1.TS. Nguyễn Thắng
2. PGS. TS. Đỗ Hương Lan
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan: Đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi, các kết quả nghiên cứu có tính độc lập, không sao chép bất cứ tài liệu nào và chưa từng được công bố nội dung ở đâu, bất kỳ nơi nào; các số liệu, các nguồn trích dẫn trong luận văn được chú thích nguồn gốc rõ ràng, minh bạch.
Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về lời cam đoan của mình!
Tác giả
Lê Thị Thanh Huyền
LỜI CẢM ƠN
Lời đầu tiên, tác giả xin được tỏ lòng biết ơn sâu sắc, sự kính trọng và ngưỡng mộ tới: TS. Nguyễn Thắng – thầy hướng dẫn luận án 1 và PGS. TS. Đỗ Hương Lan
– thầy hướng dẫn luận án 2 của tác giả; PGS. TS. Nguyễn Xuân Trung – trưởng khoa Quản trị Doanh nghiệp cùng các cán bộ thuộc khoa Quản trị Doanh nghiệp và Phòng Đào tạo, Học viện Khoa học xã hội; PGS. TS. Lê Ngọc Thắng – tổng biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại – nơi tác giả làm việc đã tạo mọi điều kiện, động viên và giúp đỡ để tác giả có thể hoàn thành tốt luận án này. Tác giả cũng xin chân thành cảm ơn TS. Trần Quý Thịnh, TS. Bùi Văn Hiếu (Viện Khảo cổ học), TS. Lê Xuân Kiêu (Văn Miếu Quốc Tử Giám), Th.S. Nguyễn Văn Hai (Trung tâm hỗ trợ khách du lịch Hội An), Th.S. Nguyễn Tuấn Lâm (Chuyên gia Khảo cổ học dưới nước, Công ty Phát triển Anh Thu) cùng nhóm nghiên cứu Trần Việt Triều, Trần Quốc Trung, Lê Hải Đăng đã giúp đỡ tác giả để có được cơ sở các dữ liệu quý giá phục vụ cho luận án này.
Và tác giả vô cùng biết ơn đến gia đình và bằng hữu đã luôn ở bên, động viên, giúp đỡ tác giả những lúc khó khăn để có thể vượt qua và hoàn thành tốt luận án này.
Lần nữa, tác giả xin trân quý, chân thành cảm ơn các thầy cô, đồng nghiệp, bằng hữu và gia đình!
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 10
1.1. Các công trình nghiên cứu về kinh doanh du lịch 10
1.1.1. Các nghiên cứu về nội dung của du lịch và kinh doanh du lịch 10
1.1.2. Nghiên cứu về vai trò và tác động của kinh doanh du lịch 15
1.2. Các công trình nghiên cứu Du lịch Di sản văn hóa 21
1.2.1. Du lịch di sản văn hóa: Lịch sử và nội hàm 21
1.2.2. Về tiềm năng và cơ hội của Du lịch di sản văn hóa 23
1.2.3. Về vai trò, lợi ích và sự tác động của Du lịch di sản văn hóa 25
1.2.4. Về các yếu tố thành công của hoạt động du lịch di sản văn hóa 27
1.3. Các nghiên cứu thực tiễn kinh doanh du lịch di sản văn hóa tại một số quốc gia 31
1.4. Đánh giá chung và hướng nghiên cứu của luận án 35
1.4.1. Đánh giá chung về các kết quả của các công trình khoa học trước
luận án 35
1.4.2. Hướng nghiên cứu của luận án 36
Tiểu kết chương 1 37
Chương 2: CƠ SỞ KHOA HỌC VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ KINH DOANH DU LỊCH DI SẢN VĂN HÓA 38
2.1. Cơ sở lý luận về kinh doanh du lịch di sản văn hóa 38
2.1.1. Các khái niệm cơ bản 38
2.1.2. Vai trò và lợi ích của kinh doanh du lịch di sản văn hóa 50
2.1.3. Hình thức kinh doanh du lịch di sản văn hóa 51
2.1.4. Các tiêu chí đánh giá tiềm năng và thực trạng kinh doanh du lịch
di sản văn hóa 54
2.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến kinh doanh du lịch di sản văn hóa 56
2.2. Thực tiễn kinh doanh du lịch di sản văn hóa ở một số nơi trên thế giới 59
2.2.1. Các hình thức kinh doanh du lịch di sản văn hóa trên thế giới 59
2.2.2. Một số kinh nghiệm cho Việt Nam 73
2.3. Mô hình nghiên cứu của luận án 77
2.3.1. Quy trình nghiên cứu 77
2.3.2. Khung phân tích 78
2.3.3. Thiết kế mô hình đánh giá sự hài lòng của khách du lịch tại các điểm di sản văn hóa 79
Tiểu kết chương 2 89
Chương 3: TIỀM NĂNG VÀ THỰC TRẠNG KINH DOANH DU LỊCH
DI SẢN VĂN HÓA Ở VIỆT NAM, TRƯỜNG HỢP PHỐ CỔ HỘI AN 90
3.1. Tiềm năng kinh doanh du lịch di sản văn hóa ở Việt Nam 90
3.1.1. Tiềm năng về cầu du lịch di sản văn hóa 91
3.1.2. Tiềm năng về cung du lịch di sản văn hóa 94
3.2. Các loại hình kinh doanh du lịch di sản văn hóa ở Việt Nam 100
3.2.1. Kinh doanh dịch vụ tham quan bảo tàng 100
3.2.2. Kinh doanh dịch vụ lưu trú gắn với di sản văn hóa 101
3.2.3. Kinh doanh dịch vụ vận chuyển gắn với di sản văn hóa 103
3.2.4. Kinh doanh dịch vụ ẩm thực tại điểm di sản 105
3.2.5. Kinh doanh dịch vụ giải trí tại điểm di sản 106
3.3. Đánh giá hoạt động kinh doanh du lịch di sản văn hóa ở Việt Nam 107
3.3.1. Số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến 107
3.3.2. Đóng góp của du lịch di sản văn hóa cho nền kinh tế quốc gia 109
3.3.3. Các đánh giá của khách du lịch về môi trường tại điểm di sản 111
3.4. Sự hài lòng của khách du lịch về chất lượng dịch vụ DLDSVH ở
Việt Nam 115
3.4.1. Đặc điểm của khách du lịch tham gia khảo sát 115
3.4.2. Kết quả trả lời các câu hỏi điều tra (Frequencies Statistics) 116
3.4.3. Kiểm định độ tin cậy của thang đo 116
3.4.4. Phân tích nhân tố khám phá EFA 117
3.4.5. Xem xét sự tương quan giữa các khái niệm 119
3.4.6. Xây dựng phương trình hồi quy tuyến tính 120
3.4.7. Đánh giá chung về thực trạng kinh doanh DLDSVH ở Việt Nam 125
3.5. Nghiên cứu trường hợp điểm du lịch di sản văn hóa phố cổ Hội An 127
3.5.1. Khái quát Hội An 127
3.5.2. Các hình thức kinh doanh du lịch di sản văn hóa ở phố cổ Hội An...128
3.5.3. Đánh giá hoạt động kinh doanh du lịch di sản văn hóa tại Hội An ...137
Tiểu kết chương 3 151
Chương 4: CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY KINH DOANH DU LỊCH DI SẢN VĂN HÓA Ở VIỆT NAM 152
4.1. Bối cảnh phát triển du lịch di sản văn hóa hiện nay 152
4.1.1. Cơ hội 152
4.1.2. Thách thức 154
4.2. Các giải pháp thúc đẩy kinh doanh du lịch di sản văn hóa 155
4.2.1. Giải pháp chung 155
4.2.2. Giải pháp dành cho các chủ thể kinh doanh du lịch di sản văn hóa
nói chung 157
4.3. Các giải pháp thúc đẩy kinh doanh du lịch di sản văn hóa đối với phố
cổ Hội An 159
4.3.1. Giải pháp đối với các cơ quan quản lý của thành phố Hội An 159
4.3.2. Giải pháp dành cho các chủ thể kinh doanh 162
4.4. Hạn chế của luận án và gợi ý cho các nghiên cứu trong tương lai 164
Tiểu kết chương 4 166
KẾT LUẬN 167
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ 169
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 170
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
Viết tắt | Nghĩa tiếng Anh | Nghĩa tiếng Việt |
CNN | Cable News Network | Mạng truyền hình cáp Hoa Kỳ |
DLDSVH | Du lịch di sản văn hóa | |
DSVH | Di sản văn hóa | |
FTS | The Functioning Tourism System | Hệ thống các chức năng du lịch |
GDP | Gross Domestic Product | Tổng sản phẩm quốc nội |
KDDLDSVH | Giao thông vận tải | |
ICOMOS | The International Council of Monuments and Sites | Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế |
ILO | International Labour Organization | Tổ chức Lao động Thế giới |
JICA | The Japan International Cooperation Agency | Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản |
UNESCO | United Nations Educational Scientific and Cultural Organization | Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc |
UNWTO | United Nations World Tourism Organization | Tổ chức Du lịch Thế giới |
VITA | Vietnam Tourism Association | Hiệp hội Du lịch Việt Nam |
VNAT | Vietnam National Administration of Tourism | Tổng cục Du lịch Việt Nam |
VFT | Vietnam Finance Times | Thời báo tài chính Việt Nam |
WHC | World Heritage Center | Trung tâm Di sản Thế giới |
WTM | World Travel Market | Hội chợ Du lịch Thế giới |
WTO | World Trade Organization | Tổ chức Thương mại Thế giới |
Có thể bạn quan tâm!
- Kinh doanh du lịch di sản văn hóa ở Việt Nam - 2
- Kinh doanh du lịch di sản văn hóa ở Việt Nam - 3
- Kinh doanh du lịch di sản văn hóa ở Việt Nam - 4
Xem toàn bộ 152 trang tài liệu này.
DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 2.1: Thang đo Dịch vụ ẩm thực 81
Bảng 2.2: Thang đo Dịch vụ giải trí 82
Bảng 2.3: Thang đo Dịch vụ lưu trú 82
Bảng 2.4: Thang đo Dịch vụ vận chuyển 83
Bảng 2.5: Thang đo dịch vụ cung cấp kiến thức về di sản 83
Bảng 2.6: Thang đo Đặc điểm của di sản 84
Bảng 2.7: Thang đo sự hài lòng chung 84
Bảng 3.1. Ý định quay trở lại và sẵn sàng giới thiệu về di sản văn hóa Việt Nam của khách du lịch 93
Bảng 3.2. Cơ sở lưu trú du lịch giai đoạn 2014-2018 102
Bảng 3.3. Tăng trưởng khách du lịch đến Văn Miếu Quốc Tử Giám 109
Bảng 3.4. Đóng góp của ngành du lịch Việt Nam đối với nền kinh tế quốc gia 110
Bảng 3.5. Đóng góp của du lịch di sản Văn Miếu đối với nền kinh tế quốc gia 111
Bảng 3.6. Thống kê đánh giá chất lượng về môi trường ở các điểm di sản 112
Bảng 3.7: Thống kê đánh giá chất lượng về an ninh, trật tự ở các điểm di sản. 113
Bảng 3.8. Kết quả kiểm định KMO and Bartlett's Test 118
Bảng 3.9: Phỏng vấn sâu các chủ thể kinh doanh ở khu di sản Hội An 132
Bảng 3.10. Tăng trưởng khách du lịch đến Di sản văn hóa Phố cổ Hội An 137
Bảng 3.11. Đóng góp của du lịch di sản Hội An đối với nền kinh tế quốc gia 138
DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, BIỂU ĐỒ
Hình 2.1. Quy trình nghiên cứu 77
Hình 2.2. Khung phân tích 78
Hình 2.3. Mô hình đánh giá sự hài lòng của khách du lịch về chất lượng dịch vụ tại các điểm du lịch di sản văn hóa 79
Hình 3.1: Khung phân tích tiềm năng du lịch. 90
Hình 3.2. Doanh thu ngành du lịch toàn cầu 92
Biểu đồ 3.3. Tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (2008-2018) 107
Biểu đồ 3.4. Số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đến các điểm di sản văn hóa của Việt Nam năm 2019 (lượt người). 108
Biểu đồ 3.5. Doanh thu của các điểm di sản văn hóa năm 2019 (tỷ đồng). 110
Hộp: 3.1. Tổng hợp ý kiến đánh giá về Văn Miếu Quốc tử giám 114
MỞ ĐẦU
1. Sự cần thiết nghiên cứu
Di sản văn hóa (DSVH) là một trong những tài nguyên du lịch quan trọng nhất trên thế giới và du lịch di sản văn hóa (DLDSVH) là một trong những hình thức du lịch hiện đại nổi bật nhất dựa trên di sản của loài người (Timothy, 2011). Du lịch di sản là loại hình du lịch lâu đời nhất (Bonarou, 2011). Du lịch di sản nói đến những người đi du lịch đến tham quan những nơi có tính truyền thống, lịch sử và tầm quan trọng về văn hóa với mục đích để học hỏi, với sự tôn kính và mục đích bảo tồn (Nzama, et al., 2005). Và kinh doanh du lịch di sản văn hóa (KDDLDSVH) về cơ bản đòi hỏi phải đáp ứng nhu cầu thị trường khách du lịch muốn trải nghiệm quá khứ một cách giải trí (Australian Heritage Commission, 2001; Jones and Shaw, 2007).
Các nhà bảo tồn di sản thường coi thương mại hóa là một con đường làm suy giảm tính toàn vẹn, giá trị và tính xác thực của di sản được đại diện (Breathnach, 2009; Cohen, 1988). Nhưng trên thực tế, sự thống trị của mô hình bảo tồn trong DLDSVH và sự thiếu chú trọng đến các nguyên tắc và thực hành kinh doanh đã dẫn đến tỷ lệ thất bại cao trong các hoạt động của DLDSVH (Bramley, 2001; Prideaux & Kininmont, 1999; Young, 2006). Fyall & Garrod (2007) cho rằng, việc cân bằng giữa sự thỏa mãn các kì vọng của du khách với sự quản lý các tác động của chúng, mà không ảnh hưởng đến tính xác thực của trải nghiệm di sản, bản thân nó đưa ra một tình thế khó xử đối với các nhà quản lý DLDSVH. Ngược lại, một số tác giả cho rằng thương mại hóa không nhất thiết phải phá hủy tính xác thực của di sản mà các hoạt động kinh doanh còn có thể củng cố bản sắc văn hóa thông qua việc phổ biến và thúc đẩy tính hợp pháp của văn hóa. Điều này đặc biệt đúng khi được thúc đẩy từ bên trong một cộng đồng nhằm đạt được những mục tiêu như vậy (Halewood & Hannam, 2001).
Có một số nghiên cứu điển hình cho thấy mức độ kém hiệu quả của hoạt động KDDLDSVH như Halls of Fame’ (Bramley, 2001); Thị trấn cổ Sydney (Davidson & Spearritt, 2000); trung tâm du khách ở thị trấn lịch sử Strahan (Fallon & Kriwoken, 2003); Khu định cư Coal Creek Pioneer (Frost, 2003); thị trấn lịch sử Angastown (Leader-Elliott, 2005); một số điểm tham quan DLDSVH của
Queensland (Prideaux & Kininmont, 1999); hay Các khu định cư tiên phong và bảo tàng ngoài trời nói chung (Young, 2006). Sự phát triển DLDSVH được cho là đại diện cho sự kết hợp độc đáo và có khả năng không nhất quán giữa kinh doanh thương mại và các DSVH. Và do đó, điều quan trọng là phải xác định các yếu tố thành công chính trong kinh doanh mà các nhà quản lý di sản có thể áp dụng để tránh thất bại kinh doanh (Hughes & Carlsen, 2010). Tuy nhiên, thực tiễn ở các nước châu Âu như Thụy Điển, Anh, Pháp, Tây Ban Nha hay các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc … cho thấy đã phát triển rất tốt KDDLDSVH, thu được rất nhiều lợi ích từ loại hình du lịch này. Và KDDLDSVH thực sự là hướng phát triển kinh tế một cách bền vững của các quốc gia. Hơn nữa, KDDLDSVH còn góp phần gìn giữ và bảo tồn các DSVH trên thế giới.
Trong xu thế toàn cầu hóa, với nhu cầu được hiểu biết và khám phá văn hóa của cộng đồng trên thế giới ngày càng gia tăng, với nhiều di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và hơn 3000 di sản cấp quốc gia, phong phú và đa dạng về các kiểu loại DSVH, các phong tục, tập quán hay danh lam thắng cảnh; Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, kinh tế năng động, chính sách đối ngoại cởi mở, là điểm đến cho sự hợp tác kinh doanh và tổ chức các sự kiện trên thế giới, Việt Nam thực sự có tiềm năng vô cùng lớn để khai thác, kinh doanh và phát triển du lịch di sản văn hóa. Bên cạnh đó, trong Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/1/2017, có nói đến quan điểm “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các DSVH và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.” Điều này cho thấy, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng đã đề cao việc phát triển du lịch bền vững gắn với các DSVH.
Mặc dù có những điểm mạnh để góp phần cho sự phát triển KDDLDSVH như vậy nhưng vấn đề KDDLDSVH ở Việt Nam vẫn chưa được phát triển một cách rõ ràng, đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng và các giá trị của nó. Các cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh du lịch có liên quan đến DSVH hiện nay đang kinh doanh một cách đơn lẻ, manh mún, rời rạc. Thậm chí, các chủ thể kinh doanh đang kinh doanh các dịch vụ để cung cấp cho khách du lịch đến các điểm di sản văn hóa vẫn chưa nhận thức mình đang là một trong những mắt xích của hệ thống DLDSVH.
Về mặt lý luận, trên thế giới đã có rất nhiều các nghiên cứu về khái niệm “du lịch di sản văn hóa” như cuốn sách “Cultural heritage and Tourism” của Timothy (2011); “Cultural Tourism: The Partnership Between Tourism and Cultural Heritage Management” của McKercher & Cros (2002); “Heritage tourism” của Boyd & Timothy (2003); “Cultural Heritage Tourism: Five Steps for Success and Sustainability” Hargrove (2017) … hay các nghiên cứu về kinh doanh du lịch như “The business of tourism” của Holloway (2009) cũng như đã có một số các nghiên cứu trong nước về du lịch gắn với việc phát triển, gìn giữ và bảo tồn các DSVH. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu lý luận về KDDLDSVH như các tiêu chí đánh giá tiềm năng hay thực trạng KDDLDSVH cũng như việc đưa ra một khái niệm cụ thể về “kinh doanh du lịch di sản văn hóa” được chấp nhận và sử dụng một cách rộng rãi. Bên cạnh đó, mặc dầu có nhiều các mô hình đánh giá sự hài lòng của khách hàng về chất lượng dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, chưa có mô hình cụ thể để đánh giá sự hài lòng của khách du lịch về chất lượng dịch vụ DLDSVH.
Như vậy, việc nghiên cứu “Kinh doanh du lịch di sản văn hóa ở Việt Nam” là một đề tài vô cùng cấp thiết, thực sự có ý nghĩa quan trọng cả về mặt khoa học lẫn thực tiễn. Các nghiên cứu cơ sở lý luận cũng như việc đánh giá về tiềm năng và thực trạng KDDLDSVH sẽ làm cơ sở cho các giải pháp để cải thiện, hoàn thiện và thúc đẩy phát triển KDDLDSVH. Kết quả của nghiên cứu cũng sẽ là tài liệu tham khảo cho các nhà quản trị kinh doanh du lịch, nhà quản lý về kinh tế - du lịch, các đơn vị, các tổ chức và doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch về vấn đề KDDLDSVH hiện nay.
2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục tiêu nghiên cứu
Đánh giá tiềm năng và thực trạng kinh doanh du lịch di sản văn hóa ở Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy kinh doanh dịch vụ du lịch di sản văn hóa ở Việt Nam.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
+ Hệ thống hóa các vấn đề lý luận và thực tiễn về KDDLDSVH, xây dựng các tiêu chí đánh giá tiềm năng KDDLDSVH và các tiêu chí đánh giá hoạt động KDDLDSVH.
+ Khảo sát, phân tích, đánh giá tiềm năng và hình thức kinh doanh, một số nội dung về thực trạng kinh doanh DLDSVH ở Việt Nam hiện nay (nghiên cứu trường hợp điển hình là phố cổ Hội An).
+ Dựa trên kết quả nghiên cứu về tiềm năng và thực trạng, đề xuất một số giải pháp thúc đẩy KDDLDSVH ở Việt Nam hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là các vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh doanh du lịch di sản văn hóa của một quốc gia, và nghiên cứu một trường hợp điển hình là hoạt động KDDLDSVH tại di sản văn hóa phố cổ Hội An.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về nội dung: DSVH rất đa dạng, có rất nhiều loại hình khác nhau. Kinh doanh DLDSVH cũng là chủ đề rất rộng. Tuy nhiên, đây là chủ đề rất mới ở Việt Nam nên tác giả muốn tiếp cận tổng thể và phân tích điểm. Nội dung kinh doanh DLDSVH được xem xét ở đây chủ yếu DLDSVH bao gồm: tiềm năng du lịch DSVH; các hình thức kinh doanh; môi trường kinh doanh; chủ thể kinh doanh; đánh giá sâu về sự hài lòng của khách du lịch và đánh giá sơ bộ kết quả kinh doanh cũng như đóng góp của các ngành dịch vụ du lịch tại điểm DSVH. Trong khuôn khổ luận án này, tác giả tập trung nghiên cứu tổng quát về tiềm năng và thực trạng KDDLDSVH ở Việt Nam và phân tích sâu trường hợp ở phố cổ Hội An.
- Về không gian: Việt Nam có rất nhiều các DSVH cấp thế giới và cấp quốc gia. Để đánh giá chung về tiềm năng và thực trạng KDDLDSVH ở Việt Nam, tác giả đã triển khai phỏng vấn, điều tra khảo sát ở các điểm di sản điển hình là phố cổ Hội An, Văn Miếu Quốc Tử Giám, thành nhà Hồ và quần thể di tích Cố đô Huế và một số vùng phụ cận quanh các điểm di sản nói trên.
Bên cạnh việc đánh giá chung về các điểm di sản ở Việt Nam, luận án chọn một điểm di sản đại diện là Phố cổ Hội An (Quảng Nam) nhằm mục đích nghiên cứu cụ thể các hoạt động KDDLDSVH, phân tích các đặc điểm và nét tương đồng cũng như khác biệt của hoạt động KDDLDSVH ở di sản này với nơi khác. Phố cổ Hội An là điểm di sản có thể xem như toàn diện, có đầy đủ các yếu tố cấu thành một hệ thống du lịch hoàn thiện bao gồm điểm đến, tập hợp đầy đủ các dịch vụ về ẩm
thực, lưu trú, giải trí, vận chuyển, đồng thời, điểm di sản này có giá trị lịch sử - văn hóa cao, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Do đó, phố cổ Hội An là điểm khảo sát lý tưởng cho luận án này.
- Về thời gian:
+ Đối với dữ liệu thứ cấp: tác giả thu thập dữ liệu trong khoảng thời gian chủ yếu từ 2010 đến 2020.
+ Đối với dữ liệu sơ cấp: tác giả thu thập dữ liệu thông qua điều tra, phỏng vấn đối tượng liên quan trong khoảng thời gian các tháng trong năm 2018 và 2019; và
+ Đề xuất các giải pháp cho đến năm 2030.
4. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cách tiếp cận
Thứ nhất, đề tài luận án tiếp cận vấn đề nghiên cứu dưới góc nhìn của quản trị kinh doanh du lịch, cụ thể là kinh doanh các dịch vụ du lịch gắn với các di sản văn hóa, được cung cấp bởi các chủ thể kinh doanh là các tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân, hộ gia đình tại điểm di sản văn hóa, vùng có di sản văn hóa hay các khu vực có liên quan đến các di sản văn hóa. Các hoạt động kinh doanh đặt trong khuôn khổ luật pháp điều chỉnh của Việt Nam.
Thứ hai, KDDLDSVH không chỉ tập trung lợi nhuận kinh tế mà còn chú trọng lợi ích cộng đồng (có thể phi tài chính) và phát triển bền vững gắn với duy trì, bảo tồn và nâng cao hình ảnh của các DSVH của Việt Nam.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau để bổ trợ lẫn nhau. Có thể khái quát thành các phương pháp nghiên cứu tại bàn và nghiên cứu thực địa; hoặc các phương pháp phân tích định tính và định lượng. Cụ thể:
(i) Về chọn điểm nghiên cứu: luận án nghiên cứu phạm vi cả Việt Nam nhưng du lịch DSVH chỉ diễn ra ở các điểm DSVH. Với sự giới hạn về nguồn lực, luận án chỉ có thể lựa chọn một số điểm di sản để nghiên cứu. Ngoài Hội An được lựa chọn như là một trường hợp điển hình, luận án còn lựa chọn nghiên cứu tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Cố Đô Huế, thành nhà Hồ. Đây là những di sản văn hóa có những đặc điểm khác nhau, và đảm bảo cho sự đại diện của các di sản văn hóa ở Việt Nam.
(ii) Về thu thập dữ liệu nghiên cứu: luận án chú trọng thu thập cả dữ liệu sơ cấp và thứ cấp. Các tài liệu thứ cấp được sử dụng ở luận án này được tác giả thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu là các sách, báo, các công trình nghiên cứu của các học giả, nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam từ nguồn internet, các tài liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, Tổng cục Du lịch Việt Nam, các Trung tâm/ Ban quản lý các khu Di sản Việt Nam, các Viện nghiên cứu trong và ngoài nước…, các tài liệu từ UNESCO, UNWTO, WTTC, các tư liệu từ cá nhân các nhà khoa học thế giới. Các dữ liệu thứ cấp được sử dụng cho phương pháp định tính là chủ yếu.
Các dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua điều tra diện rộng bằng bảng hỏi cấu trúc và bán cấu trúc dành cho khách du lịch, các hộ kinh doanh và doanh nghiệp kinh doanh tại điểm du lịch; qua phỏng vấn sâu dành cho các nhà quản lý, các chuyên gia và một số khách du lịch ngẫu nhiên.
Về điều tra khảo sát: tác giả sử dụng bảng hỏi để phỏng vấn điều tra và nắm bắt được đặc điểm của khách DLDSVH, nhận thức và nhu cầu của thị trường về DLDSVH và điều tra sự hài lòng của khách du lịch về chất lượng các dịch vụ tại các điểm di sản được lựa chọn. Ngoài ra, tác giả sử dụng bảng hỏi dành riêng cho các tổ chức kinh doanh để tìm hiểu đặc điểm và thực trạng kinh doanh của các tổ chức kinh doanh các dịch vụ trên địa bàn có di sản. Qua đó, tác giả nhận biết được chất lượng lao động đã và đang tham gia vào lĩnh vực DLDSVH này. Chi tiết về khảo sát được trình bày ở các nội dung chương 3 và Phụ lục của luận án.
Về phỏng vấn sâu các chuyên gia: tác giả đã tham vấn các chuyên gia trong nước và ngoài nước về lĩnh vực DSVH và du lịch gắn với DSVH. Qua đó, tác giả có kiến thức sâu hơn trong việc phân tích các luận điểm trong đề tài nghiên cứu. Từ đó, đưa ra được các kết luận phù hợp và đúng đắn đối với các giải pháp thúc đẩy KDDLDSVH được tốt hơn.
Các dữ liệu này được sử dụng cho cả phương pháp phân tích định tính và định lượng, được áp dụng chủ yếu ở các chương 3 và 4.
(iii) Phương pháp nghiên cứu định tính: Phương pháp nghiên cứu này được áp dụng ở tất cả các chương của luận án. Chủ yếu là các phương pháp phân tích thống kê mô tả, phương pháp tổng hợp, phương pháp so sánh.