văn bản pháp lý chưa đầy đủ và phân tán, nguồn gốc tài liệu thiếu về số lượng, về tính đồng bộ và cả chất lượng... Do vậy, chuẩn bị kiểm toán càng cần được coi trọng đặc biệt , đó có thể là nhân lực, thiết bị, giấy tờ, tài liệu được sử dụng trong cuộc kiểm toán.
Giai đoạn này có một số sách gọi là giai đoạn lập kế hoạch và thiết lập phương pháp kiểm toán.
Việc chuẩn bị kiểm toán được thực hiện theo các bước cơ bản sau:
5.2.1.1. Xác định mục tiêu, phạm vi của kiểm toán
Ứng với mỗi cuộc kiểm toán, kiểm toán viên cần xác định cụ thể mục tiêu và phạm vi .
- Mục tiêu kiểm toán:
Mục tiêu kiểm toán chính là cái đích cần đạt tới, là thước đo kết quả kiểm toán cho mỗi cuộc kiểm toán cụ thể. Trong đó, mục tiêu chung của kiểm toán phải gắn chặt với mục tiêu, yêu cầu của nhà quản lý. Chính vì vậy, tùy thuộc vào quan hệ giữa chủ thể với khách thể kiểm toán, tùy thuộc vào loại hình kiểm toán mà ta xác định mục tiêu cho cuộc kiểm toán.
Ví dụ: mục tiêu kiểm toán các khoản phải trả:
+ Sự tồn tại của các khoản phải trả có thực
+ Sự đầy đủ của số tiền phải trả (không có bỏ sót nợ phải trả)
Có thể bạn quan tâm!
- Kỹ Thuật Chọn Mẫu Kiểm Toán Theo Đơn Vị Tiền Tệ
- Kiểm toán căn bản - 21
- Khái Quát Về Tổ Chức Công Tác Kiểm Toán
- Kiểm Toán Viên, Tổ Chức Kiểm Toán Và Hiệp Hội Nghề Nghiệp
- Kiểm toán căn bản - 25
- Kiểm toán căn bản - 26
Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.
+ Đánh giá chính xác mọi khoản phải trả
+ Khai báo đối với khoản phải trả cho các bên hữu quan và mọi nghiệp vụ bất thường khác.
Quan hệ giữa chủ thể và khách thể kiểm toán biểu hiện trước hết ở bộ máy kiểm toán (chủ thể kiểm toán): Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập hay kiểm toán nội bộ. Mỗi bộ máy có lĩnh vực và phạm vi hoạt động khác nhau, yêu cầu pháp lý khác nhau nên mục tiêu kiểm toán không thể trùng hợp cho dù cùng thực hiện ở một khách thể. Ngược lại với cùng một chủ thể kiểm toán, mục tiêu kiểm toán cũng có thể khác nhau tuỳ quan hệ giữa khách thể đó với chủ thể kiểm toán: khách thể bắt buộc hay tự nguyện, cũ hay mới...
Trong quan hệ với loại hình kiểm toán, có thể thấy rò khác biệt giữa mục tiêu xác minh tính trung thực và hợp pháp của báo cáo tài chính trong kiểm toán tài chính với mục tiêu bảo vệ tài sản, xác minh nghiệp vụ tài chính kế toán trong kiểm toán hoạt động và đánh giá chấp hành các quy tắc, chế độ, luật pháp của kiểm toán tuân thủ. Tất nhiên các mục tiêu đặt ra cần gắn với nhau song không thể trùng hợp.
Cũng trong quan hệ với loại hình kiểm toán, cần phân định mục tiêu kiểm toán định kỳ với kiểm toán đột xuất, kiểm toán thường xuyên và thông thường, kiểm toán thường xuyên hướng tới tạo lập nền nếp quản lý tài chính kế toán, kiểm toán đột xuất
thường gắn với xử lý các vụ việc cụ thể hay nghiên cứu giải đáp một vấn đề cụ thể, còn kiểm toán định kỳ thường gắn với những kết luận, đánh giá tổng quát các vấn đề theo yêu cầu quản lý chung.
Để định hướng và đánh giá được kết quả, mục tiêu của một cuộc kiểm toán phải cụ thể và chính xác. Đây là yêu cầu đầu tiên đối với công việc chuẩn bị kiểm toán. Tùy thuộc vào các hoạt động kiểm toán nêu trên, mục tiêu kiểm toán có thể biểu hiện ở kế hoạch hay hợp đồng hoặc lệnh kiểm toán.
- Phạm vi kiểm toán: Là sự giới hạn về mặt không gian và thời gian của đối tượng kiểm toán thường được xác định đồng thời với mục tiêu kiểm toán và là một hướng cụ thể hoá mục tiêu này.
Với một khách thể kiểm toán cần xác định rò đối tượng cụ thể của kiểm toán (bảng cân đối kế toán hay toàn bộ các báo cáo tài chính, chỉ nghiệp vụ về kho, về két (tiền mặt), về thù lao hay tất cả các loại nghiệp vụ, thậm chí phải chỉ rò két nào? kho nào? hoặc thanh toán lương ở đơn vị cụ thể nào ?)...Cùng với việc cụ thể hoá về đối tượng, phải cụ thể hoá về khoảng thời gian thuộc phạm vi kiểm toán (tháng, quý, năm). Đối với khách hàng mới, trong điều kiện kiểm toán năm đầu tiên phải xét phạm vi kiểm toán trong cả quan hệ với thời kỳ trước có liên quan do thông tin tài chính của kỳ trước có ảnh hưởng đến số dư đầu kỳ này.
Còn đối với khách hàng cũ, hằng năm sau khi hoàn thành, kiểm toán viên cần cập nhật thông tin để đánh giá lại về các khách hàng hiện hữu của mình, để xem có nên tiếp tục thực hiện kiểm toán cho họ hay không? hay có cần thay đổi vài nội dung trong thư cam kết kiểm toán hay không? Trên cơ sở đó, kiểm toán viên có thể sẽ ngưng kiểm toán cho khách hàng, ví dụ khi gặp các trường hợp như khách hàng và kiểm toán viên đang xảy ra sự tranh tụng, hay giữa đôi bên đã có sự mâu thuẫn về phạm vi kiểm toán, hay có tranh luận về thủ tục kiểm toán ...
Có thể mục tiêu và phạm vi kiểm toán đã được xác định trước trong kế hoạch kiểm toán hàng năm (của kiểm toán Nhà nước) hoặc trong thư mời kiểm toán (với kiểm toán độc lập) song trước khi chuẩn bị các điều kiện vật chất cơ bản để thực thi một cuộc kiểm toán vẫn phải xác định rò ràng và chuẩn xác.
5.2.1.2. Chỉ định người phụ trách công việc kiểm toán và chuẩn bị các điều kiện vật chất cơ bản
Trước khi tiến hành kiểm toán, tuỳ mục tiêu và phạm vi kiểm toán, cần chỉ định trước trưởng nhóm kiểm toán sẽ tiến hành. Công việc này có thể làm đồng thời với việc xây dựng mục tiêu cụ thể song cần thực hiện trước khi thu thập thông tin, đặc biệt là việc làm quen với đối tượng, với khách thể kiểm toán. Yêu cầu chung của việc chỉ định này là phải có người phụ trách có trình độ và kinh nghiệm tương xứng với mục
tiêu, phạm vi kiểm toán nói riêng, của cuộc kiểm toán nói chung. Đây là vấn đề hệ trọng, đặc biệt với kiểm toán tài chính nên đã được ghi trong chuẩn mực thứ nhất.
Cùng với việc chỉ định nhân lực, cần chuẩn bị các thiết bị và điều kiện vật chất khác kèm theo: Phương tiện tính toán, kiểm tra thích ứng với đặc điểm tổ chức kế toán, phương tiện kiểm kê thích ứng với từng loại vật tư, đá quý...
5.2.1.3. Thu thập thông tin
Ở bước chuẩn bị, thu thập thông tin chỉ hướng tới việc đưa ra các quyết định về kiểm toán (kể cả kế hoạch kiểm toán), chưa đặt mục đích thu thập bằng chứng cho kết luận kiểm toán. Do vậy, nhiệm vụ thu thập thông tin ở bước này cần đặt ra tương ứng với mục tiêu và phạm vi kiểm toán song nói chung cần quan tâm đến chiều rộng hơn là chiều sâu.
Lúc này kiểm toán viên tiến hành tìm hiểu về khách hàng kiểm toán. Đây là một vấn đề quan trọng và được nhấn mạnh trong đoạn 7 IAG 4 như sau: ”Kiểm toán viên phải có những hiểu biết về các nét đặc thù trong kinh doanh và nghề nghiệp của khách hàng. Điều đó sẽ giúp cho kiểm toán viên xác định và nhận xét được về các sự kiện, các nghiệp vụ và hoạt động thực tiễn có thể có ảnh hưởng đáng kể đến các thông tin tài chính”.
Để nhận thức được đầy đủ, giải thích và đánh giá về những thông tin thu thập được, trước tiên kiểm toán viên cần hiểu về ngành kinh doanh và công việc kinh doanh của khách hàng, vì rằng “Những hiểu biết về đặc thù kinh doanh của khách hàng không chỉ hữu ích trong quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán, mà còn giúp cho kiểm toán viên nhanh chóng xác định được các khu vực trọng tâm cần đặc biệt chú ý khi kiểm toán, đánh giá tính hợp lý của dự đoán kế toán và những giải trình của các nhà quản lý, cũng như xét đoán về sự thích hợp của chế độ kế toán và sự thể hiện chế độ này“ (IAG 4).
Sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện về hoạt động của khách hàng sẽ có tác dụng rất lớn cho tiến trình lập kế hoạch kiểm toán và các giai đoạn sau. Chính vì thế, kiểm toán viên cần hiểu biết về rất nhiều phương diện như:
+Loại hình doanh nghiệp: Nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hay loại khác.
+ Những lĩnh vực hoạt động: kinh doanh địa ốc, sản xuất hóa chất, y tế, khách sạn, du lịch, ...
+ Các mối quan hệ với cấp trên, với công ty mẹ, với công ty con.
+ Lịch sử thành lập, tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại và khả năng phát
triển.
+ Các ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, xã hội, luật pháp ...đối với hoạt động của
đơn vị.
Bên cạnh đó kiểm toán viên còn phải hiểu về những nét đặc thù và những rủi ro trong kinh doanh, trong cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, cũng như cần hiểu về hệ thống kiểm soát nội bộ.
Để có thể thu thập các nội dung chuẩn bị cho công tác kiểm toán, kiểm toán viên có thể sử dụng các phương pháp sau hoặc kết hợp các phương pháp này nếu kiểm toán viên thấy cần thiết:
- Thu thập và nghiên cứu về tình hình kinh doanh của đơn vị.
Một số thông tin mà kiểm toán viên cần hiểu biết và thu thập được trong giai đoạn chuẩn bị:
+Điều lệ công tyvà giấy phép thành lập.
Các kiểm toán viên cần yêu cầu cung cấp bản sao của các tài liệu này để nghiên cứu bởi lẽ giấy phép hay quyết định thành lập đơn vị là tài liệu pháp lý chứng minh về tư cách pháp nhân của đơn vị. Việc nghiên cứu tài liệu này giúp kiểm toán viên hiểu về quá trình hình thành, mục tiêu hoạt động, các lĩnh vực kinh doanh hợp pháp của đơn vị.
Còn điều lệ công ty giúp kiểm toán hiểu và xem xét nhiều vấn đề như cơ cấu tổ chức, thủ tục họp cổ đông, thủ tục phát hành cổ phần, thể thức công bố về cổ tức, lập các quỹ dự trữ ...
+Các báo cáo tài chính và các loại báo cáo kiểm toán, thanh tra hay kiểm tra của năm hiện hành và trong vài năm trước.
Các báo cáo tài chính giúp cung cấp dữ kiện về tình hình và kết quả kinh doanh của đơn vị, giúp cho kiểm toán viên nhận thức tổng quát và áp dụng phân tích các báo cáo để nhận thức về xu hướng phát triển của đơn vị.
Còn các báo cáo kiểm toán, kiểm tra, thanh tra (nếu có) giúp kiểm toán viên nhận thức rò hơn về hiện trạng và dự kiến phương hướng kiểm tra.
+Các biên bản họp cổ đông, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc.
Đây là tài liệu chính thức và là tóm tắt về những vấn đề quan trọng nhất đã được thảo luận và quyết định chính thức trong các cuộc họp.
Trước khi kết thúc kiểm toán, kiểm toán viên cần kiểm tra lại để bảo đảm rằng Ban giám đốc đã tuân thủ đúng những quyết định chính yếu trong các cuộc họp, và yêu cầu ban giám đốc cung cấp Thư giải trình của các nhà quản lý có cam kết là đã gởi đầy đủ mọi biên bản họp cho kiểm toán viên.
+Các hợp đồng, cam kết quan trọng.
Kiểm toán viên yêu cầu đơn vị cung cấp một số hợp đồng, hay các cam kết chủ yếu như hợp đồng mua hàng, bán hàng, sử dụng bản quyền ...Việc xem xét chúng sẽ giúp cho kiểm toán viên tiếp cận với những hoạt động chính của khách hàng, giúp
phân tích và đánh giá những khoản mục, giúp hình dung những khía cạnh pháp lý có ảnh hưởng đến tình hình tài chính và kết quả hoạt động của đơn vị.
+Các nội quy, chính sách của khách hàng.
Cùng với việc nghiên cứu chính sách kế toán, kiểm toán viên cũng cần phải tìm hiểu các nội quy, chính sách khác của công ty, vì chúng cũng ảnh hưởng đến các thông tin trên báo cáo tài chính nhưng lại nằm ngoài phạm vi kiểm soát của hệ thống kế toán. Chẳng hạn như chính sách nhân sự, tiếp thị, tín dụng .. Việc nghiên cứu rất cần thiết vì qua đó giúp kiểm toán viên xác định xem các quyết định của nhà quản lý có phù hợp với luật pháp, với chính sách hiện hành hay không?
+ Nhận diện các bên hữu quan.
Bên hữu quan và các mối quan hệ với bên hữu quan có ảnh hưởng lớn đến sự nhận định của các người sử dụng báo cáo tài chính. Chúng cần phải được kiểm tra và công bố, để giúp hiểu được về bản chất của các mối liên hệ, và những nghiệp vụ phát sinh giữa những bên liên quan.
+Dự kiến nhu cầu chuyên gia.
Chuyên gia là các cá nhân hoặc các hãng có kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm về các lĩnh vực chuyên môn nào đó, ngoài ngành kế toán hoặc kiểm toán.
Sở dĩ khi kiểm toán phải sử dụng chuyên gia vì kiểm toán viên không thể am tường mọi khía cạnh và trong nhiều trường hợp thì kiểm toán viên cần ý kiến tư vấn của các chuyên gia, chẳng hạn như khi cần thẩm định giá trị của đá quý, cần tư vấn pháp lý về các hợp đồng hoặc các chứng thư ...Nên trong bước này kiểm toán viên cần dự kiến trước về các vấn đề sẽ cần sự hỗ trợ từ các chuyên gia để mời chuyên gia.
+Các tài liệu khác có liên quan.
Kiểm toán viên cũng cần thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác đó là:
*)Các văn bản pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước có liên quan đến môi trường kinh doanh và những lĩnh vực hoạt động của đơn vị.
*)Các tạp chí chuyên ngành: để giúp kiểm toán viên cập nhật những thông tin mới nhất về kinh tế, khoa học kỹ thuật chuyên ngành
*)Thông tin từ báo chí và những phương tiện thông tin đại chúng khác.
-Phỏng vấn
Kiểm toán viên có thể yêu cầu đơn vị cử người có thẩm quyền để trình bày về tình hình của đơn vị, về hệ thống kiểm soát nội bộ, chính sách kinh doanh, cơ cấu tổ chức ...
Ngoài ra, kiểm toán viên có thể trực tiếp trao đổi với những cán bộ chủ chốt tại các bộ phận.
Ví dụ: phỏng vấn trưởng phòng kỹ thuật về quy trình công nghệ. Kiểm toán viên cũng có thể trực tiếp hỏi nhân viên bán hàng về thể thức mua bán, thu tiền, hỏi thủ kho về thủ tục nhập xuất kho ...
-Quan sát các hoạt động sản xuất kinh doanh
Để hiểu biết về hoạt động của khách hàng, kiểm toán viên cần phải tham quan nhà xưởng, văn phòng làm việc ...Điều này rất hữu ích vì sẽ tạo cơ hội để kiểm toán viên:
+Tiếp cận và quan sát về sự vận hành của hệ thống kiểm soát.
+ Quan sát thực tế các phương tiện kinh doanh, cách bố trí, và sử dụng chúng qua đó bước đầu hình dung về sản phẩm dở dang, về thiết bị, về hoạt động của các phân xưởng, cửa hàng ...
+ Bước đầu tiếp xúc và phỏng vấn các cán bộ, nhân viên chủ chốt của doanh nghiệp. Các ghi nhận về quan sát trực tiếp sẽ giúp kiểm toán viên hiểu khái quát về phương thức bảo vệ tài sản, sơ bộ đánh giá về hệ thống kiểm soát nội bộ, và giúp cho
kiểm toán viên phân tích và xác định các trọng tâm của tiến trình kiểm toán.
- Phân tích sơ bộ:
Phân tích là một thủ tục quan trọng trong kiểm toán, đó là sự so sánh giữa các thông tin khác nhau nhằm đánh giá về các mối quan hệ và xu hướng phát triển. Thủ tục này luôn được kiểm toán viên sử dụng trong suốt quá trình kiểm toán. Trong giai đoạn này sự phân tích của kiểm toán viên phát hiện những biến động bất thường, cũng như dự đoán xu hướng gian lận. Thí dụ: khi nhận thấy sự gia tăng bất thường của khoản mục hàng tồn kho, thì đó là dấu hiệu để kiểm toán viên đánh giá về những khả năng sai phạm, và thiết kế những thủ tục phù hợp.
5.2.1.4. Đánh giá rủi ro, đánh giá kiểm soát nội bộ xác định mức trọng yếu và thực hiện các thủ tục phân tích để lập kế hoạch kiểm toán
- Đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ
Kiểm toán viên tìm hiểu về hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị trên 2 mặt chủ yếu: thiết kế kiểm soát nội bộ và vận hành của hệ thống kiểm soát nội bộ theo từng yếu tố cấu thành, đó là: môi trường kiểm soát, hệ thống kế toán, thủ tục kiểm soát và kiểm táon nội bộ.
Việc đạt được sự hiểu biết về các yếu tố của hệ thống kiểm soát sẽ giúp kiểm toán viên nắm bắt được:
+Điểm mạnh và điểm yếu của cả hệ thống cũng như của từng bộ phận, từng khoản mục.
+Làm cơ sở đánh giá rủi ro kiểm soát tức khả năng hệ thống kiểm soát nội bộ không phát hiện được các sai phạm trọng yếu.
+Xác định phương pháp, thời gian cũng như nguồn nhân lực cần thiết cho cuộc kiểm toán.
- Đánh giá rủi ro kiểm soát:
Rủi ro kiểm soát liên quan đến sự yếu kém của hệ thống kiểm soát nội bộ, các sai phạm trọng yếu có thể xảy ra do hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị không hoạt động hoặc hoạt động không có hiệu quả.
Cần lưu ý rằng, rủi ro kiểm soát luôn có và khó tránh khỏi do những hạn chế vốn có của hệ thống kiểm soát nội bộ.
Kiểm toán viên căn cứ ước đoán về tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ để đánh giá rủi ro kiểm soát. Việc đánh giá có thể theo những cách khác nhau như là đánh giá theo tỷ lệ %, hoặc theo ba mức độ: Thấp, trung bình, cao. Khi nào kiểm toán viên cho rằng kiểm soát nội bộ yếu kém, kiểm toán viên sẽ đánh giá rủi ro kiểm soát cao.
5.2.1.5. Lập kế hoạch kiểm toán
Kếhoạch kiểm toán là quá trình cân đối tích cực giữa nhu cầu và nguồn lực đã có.
Chuẩn mực kiểm toán đòi hỏi kiểm toán viên phải lập kế hoạch kiểm toán để trợ giúp cho công việc kiểm toán tiến hành có hiệu quả, đúng thời gian. Kế hoạch kiểm toán phải dựa trên cơ sở những hiểu biết về đặc điểm hoạt động kinh doanh của khách hàng và được xây dựng tùy thuộc quy mô, độ phức tạp của công việc kiểm toán, kinh nghiệm của kiểm toán viên.
Trên cơ sở xem xét các quan hệ trên, kế hoạch kiểm toán cần xác định : số người, phương tiện và thời hạn thục hiện công tác kiểm toán.
Về số người kiểm toán: Cần phải xem xét cả về tổng số và cơ cấu. Tổng số người kiểm toán phải tương xứng với quy mô kiểm toán nói chung đã xác định.
Về phương tiệnkiểm toán: Trên cơ sở xác định số người phù hợp với nhu cầu thì cần phải có các thiết bị đo lường đã được chuẩn bị để kiểm tra về chất lượng và cân đối lại về số lượng và chủng loại, các phương tiện kiểm toán phải tương xứng với khối lượng nhiệm vụ kiểm toán.
Về thời hạn kiểm toán: Cần ấn định cụ thể cả về thời gian chung cũng như thời gian cần thiết và thời điểm thực hiện từng công việc cụ thể đã phân công cho từng người theo quan hệ logic giữa các công việc cụ thể.
Khi lập kế hoạch kiểm toán, kiểm toán viên không chỉ xác định về con người, phương tiện, thời gian mà còn phải xác định kinh phí cần thiết cho từng cuộc kiểm toán. Công việc này cần đặc biệt chú ý đối với kiểm toán độc lập trong quan hệ với khách hàng bởi đây là yếu tố chủ chốt duy trì sự tồn tại và phát triển của các công ty này. Trình tự lập kế hoạch kiểm toán cũng phải được thực hiện trên cơ sở trình tự lập kế hoạch nói chung từ xác định cụ thể mục tiêu, phạm vi, dự tính cung cầu, nguồn lực, cân đối sơ bộ, điều chỉnh theo hướng tích cực. Kế hoạch sau khi lập cần được thảo
luận, thu thập ý kiến của các chuyên gia và những người tiến hành vào trực tiếp thực hiện kế hoạch.
Kế hoạch từng cuộc kiểm toán cũng phải được xây dựng phù hợp với từng loại hình kiểm toán. Trong kiểm toán độc lập, kế hoạch kiểm toán cần được cụ thể hoá qua hợp đồng kiểm toán trong đó quy định rò trách nhiệm và quyền hạn từng bên cả trong việc chuẩn bị và cả trong thực hiện kế hoạch.
5.2.1.6. Xây dựng quy trình kiểm toán
Trên cơ sở kế hoạch tổng thể (chiến lược) cần xây dựng quy trình cụ thể cho từng phần hành kiểm toán (kế hoạch cụ thể). Do mỗi phần hành kiểm toán có vị trí, đặc điểm khác nhau nên phạm vi, loại hình kiểm toán cũng khác nhau dẫn đến số lượng và thứ tự các bước kiểm toán khác nhau.
Xây dựng quy trình kiểm toán chính là việc xác định số lượng và thứ tự các bước kể từ thời điểm bắt đầu đến thời điểm kết thúc công việc kiểm toán. Chẳng hạn, các nghiệp vụ về tiền mặt thường biến động lớn, tiền là phương tiện thanh toán gọn nhẹ, dễ di chuyển, dễ bảo quản dự trữ. Do đó khả năng gian lận và sai sót nhiều. Hơn nữa các nghiệp vụ này lại phản ánh được thực chất quá trình hoạt động của đơn vị kiểm toán. Do đó, nghiệp vụ tiền mặt là đối tượng thường xuyên, trực tiếp và toàn diện của kiểm toán.
Trong khi đó, các loại tài sản khác như vật tư chẳng hạn, lại có khối lượng lớn với rất nhiều chủng loại, lại được bảo quản trên nhiều kho, bãi khác nhau. Cũng tương tự, nghiệp vụ bán hàng và thu tiền có đặc điểm riêng so với các nghiệp vụ về nguồn vốn, càng khác biệt với các nghiệp vụ sản xuất, dịch vụ...Do vậy cần xây dựng trình tự riêng cho từng loại nghiệp vụ.
Mặt khác, sự khác nhau giữa các loại hình kiểm toán : Kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ hay kiểm toán hoạt động cũng cần đến trình tự kiểm toán khác nhau ngay đối với mỗi loại nghiệp vụ. Chẳng hạn, các nghiệp vụ tiền mặt, do vị trí quan trọng và những đặc điểm nổi bật của nó nên trong kiểm toán hoạt động thường được kiểm toán toàn diện và theo trình tự từ khi phát sinh đến khi lập báo cáo quỹ. Trong khi đó, cũng với nghiệp vụ này trong kiểm toán tài chính lại đi từ các khoản mục tiền mặt trên bảng cân đối kế toán và chỉ khi cần thiết mới kiểm toán đến số dư các tài khoản, số phát sinh và chỉ đặc biệt, mới kiểm toán đến các nghiệp vụ cụ thể trên các chứng từ kế toán.
Thiết lập một chương trình kiểm toán hợp lý cũng với một trình tự kiểm toán thích hợp, kiểm toán viên sẽ đạt được mức thỏa mãn trong kiểm toán với chi phí và thời gian kiểm toán hợp lý, kiểm toán viên cần tránh xây dựng chương trình kiểm toán qúa phức tạp.