Thực Tiễn Áp Dụng Các Quy Định Của Pháp Luật Về Kiểm Soát Hành Vi Lạm Dụng Vị Trí Thống Lĩnh Thị Trường Trong Lĩnh Vực Kinh Doanh Xăng Dầu Ở Việt

trình lọc dầu thô, dùng làm nhiên liệu (sau đây gọi chung là xăng dầu). Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu đã cụ thể hơn các sản phẩm thuộc nhóm xăng dầu bằng cách bổ sung thêm loại nhiên liệu sinh học so với Nghị định số 84/2009/NĐ-CP. Các sản phẩm xăng dầu được điều chỉnh theo pháp luật hiện nay gồm: xăng động cơ, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút, nhiên liệu bay; nhiên liệu sinh học và các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu động cơ, không bao gồm các loại khí hóa lỏng và khí nén thiên nhiên.

Vì tính chất hóa lý của xăng dầu có thể gây ra nguy hiểm nếu không có các phương tiện kỹ thuật bảo quản, vận chuyển đúng cách, mặt hàng xăng dầu là một trong số các mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng kinh doanh mặt hàng này. Thông qua các quy định của pháp luật, nhà nước chỉ trao quyền kinh doanh trên thị trường xăng dầu cho những đối tượng đáp ứng đủ điều kiện. Các điều kiện thường tập trung vào cơ sở vật chất (kho chứa, phương tiện vận chuyển, nạp nhiên liệu, phòng thử nghiệm…) và hệ thống phân phối. Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đã cụ thể hóa các điều kiện nêu trên đối với từng thương nhân thực hiện các hoạt động kinh doanh xăng dầu khác nhau.

Thứ hai, về các hoạt động kinh doanh xăng dầu

Các hoạt động kinh doanh xăng dầu rất đa dạng, gắn với quá trình chế biến và phân phối các sản phẩm xăng dầu, bao gồm xuất khẩu (xăng dầu, nguyên liệu sản xuất trong nước và xăng dầu, nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu), nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu, nguyên liệu; sản xuất và pha chế xăng dầu; phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước; dịch vụ cho thuê kho, cảng, tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển xăng dầu. Trong số các hoạt động trên, ở nước ta, hoạt động nhập khẩu và phân phối xăng dầu là hai hoạt động quan trọng nhất. Với sự phát

triển nhanh chóng của khoa học – kỹ thuật, nước ta đã từng bước xây dựng và đẩy mạnh hoạt động sản xuất trong lĩnh vực xăng dầu. Hiện nay, chúng ta đã xây dựng được Nhà máy lọc dầu Dung Quất (đi vào hoạt động từ tháng 2/2009), mỗi năm cung cấp ra thị trường trung bình 6,5 triệu tấn. Số lượng này đã đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Tuy nhiên, đến nay, phần lớn lượng xăng dầu cung ứng cho thị trường trong nước vẫn là từ nhập khẩu.

Thứ ba, về chủ thể tham gia thị trường

Các chủ thể tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu rất đa dạng. Tại Việt Nam, hệ thống các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường kinh doanh xăng dầu có thể phân ra làm hai loại chính là các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối, và các doanh nghiệp kinh doanh bán buôn, bán lẻ xăng dầu (tổng đại lý, đại lý). Hiện nay, trên thị trường kinh doanh xăng dầu của nước ta có 19 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (theo danh sách được đăng tải trên trang Thông tin điện tử của Bộ Công thương tính đến hết tháng 9/2014), khoảng 13500 cửa hàng xăng dầu thuộc tất cả các thành phần kinh tế. Hầu hết các doanh nghiệp đầu mối này đều có phần vốn thuộc sở hữu nhà nước. Trong số các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là đầu mối lớn mạnh nhất, mỗi hoạt động của Petrolimex đều có thể tác động đến tất cả các doanh nghiệp khác cùng thị trường. Trước khi thị trường kinh doanh xăng dầu ra đời, Petrolimex là doanh nghiệp được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ đảm bảo nhu cầu xăng dầu cho sự nghiệp khôi phục, phát triển kinh tế, cung cấp đầy đủ, kịp thời xăng dầu cho sản xuất, quốc phòng, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Sau khi hoạt động kinh doanh xăng dầu được chuyển sang cơ chế thị trường, Petrolimex tiếp tục được đầu tư khoa học công nghệ, kỹ thuật, phát triển sản xuất, mở rộng mạng lưới kinh doanh. Theo Bộ Công thương, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) hiện

chiếm 25%, Saigon Petro chiếm 8%, Petrolimex chiếm khoảng 55% thị trường xăng dầu cả nước [24, tr.57]. Với thị phần này, có cơ sở để xác định Petrolimex chính là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường trên thị trường kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam hiện nay.

Đối với thị trường xăng dầu hàng không, vì thị trường này có những đặc thù riêng đó là cung cấp nhiên liệu bay nên các điều kiện gia nhập thị trường rất nghiêm ngặt. Trước đây, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xăng dầu Hàng không Việt Nam (VINAPCO) là doanh nghiệp duy nhất cung ứng dịch vụ này. Đến nay, một số doanh nghiệp khác đã được cấp phép tham gia thị trường như Công ty Cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex PJF, Công ty Cổ phần thương mại xăng dầu Tân Sơn Nhất TAPETCO (hiện nay giữa TAPETCO và VINAPCO đã ký kết thỏa thuận góp vốn để ViNAPCO trở thành cổ đông của TAPETCO). Tuy nhiên, VINAPCO vẫn là doanh nghiệp chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường. Đây cũng là chủ thể trong vụ việc xử lý hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường duy nhất cho đến bây giờ trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Thứ tư, về sự can thiệp của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.

Mặc dù từ năm 2008, giá cả trên thị trường xăng dầu đã được điều tiết theo quy luật của nền kinh tế thị trường. Nhưng từ đó đến nay, sự can thiệp của Nhà nước vẫn còn thể hiện rất rõ trên thị trường này. Nhà nước chủ sở hữu chủ yếu của hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu mối chiếm thị phần lớn trên thị trường bao gồm: Petrolimex, Pvoil, Petec... Nhà nước can thiệp vào thị trường kinh doanh xăng dầu thông qua các biện pháp chủ yếu gồm chính sách, thuế, trợ giá, bù lỗ (căn cứ Quyết định số 79/2008/QĐ-BTC thì biện pháp bù lỗ hiện nay không còn được áp dụng nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng giá xăng dầu của nước ta có xu hướng giảm và việc bù lỗ sẽ được tái lập). Xuất

phát từ sự tham gia của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, có thể nói, vị trí thống lĩnh thị trường của Petrolimex hiện nay một phần là do sự tác động của Nhà nước. Petrolimex là doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, bình ổn giá cả và cân đối nguồn cung trên thị trường nội địa.

Kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu - 9

2.2.2. Thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam hiện nay

Kề từ khi Quyết định số 79/2008/QĐ-BTC ngày 16/9/2008 về cơ chế quản lý, điều hành giá bán xăng dầu được ban hành, thị trường kinh doanh xăng dầu đã có những chuyển biến tích cực. Mặc dù giá cả xăng dầu có những biến động lớn, giá cả biến động khó lường, nhưng thị trường xăng dầu trong nước vẫn có sự ổn định về giá cả, hệ thống phân phối xăng dầu trên thị trường xăng dầu trên thị trường Việt Nam không ngừng mở rộng và phát triển. Số lượng các doanh nghiệp tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu đã tăng từ 10 doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu năm 2008 lên 19 doanh nghiệp (theo danh sách được công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công thương đến hết tháng 9/2014, còn theo một số thống kê thì hiện nay số lượng doanh nghiệp đã tăng lên 21). Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật để kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của một số doanh nghiệp trên thị trường này vẫn tồn tại những bất cập, hạn chế sau:

2.2.2.1. Về việc tạo lập và duy trì vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp Với vai trò đầu tàu trong thị trường kinh doanh xăng dầu, Petrolimex là

doanh nghiệp có xuất phát điểm thuận lợi và có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn so với các doanh nghiệp khác trong thị trường kinh doanh xăng dầu. Vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp này trên thị trường kinh doanh xăng dầu có yếu tố lịch sử khi mà hoạt động của Tập đoàn này trong từng thời kỳ đều gắn liền với

những nhiệm vụ chiến lược, vĩ mô mà Nhà nước giao cho. Hiện nay, Nhà nước vẫn đóng vai trò là chủ sở hữu chính của Petrolimex. Thông qua Petrolimex - doanh nghiệp lớn mạnh bậc nhất trên thị trường kinh doanh xăng dầu – Nhà nước có thể can thiệp vào trị trường để đảm bảo thực hiện các mục tiêu vĩ mô như ổn định thị trường, đảm bảo an toàn cho hệ thống doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.v.v. Tuy nhiên, khi Nhà nước đã quyết định để cho hoạt động kinh doanh xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường thì việc Nhà nước đóng vai trò là chủ sở hữu của một doanh nghiệp kinh doanh sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Sự ưu ái đối với doanh nghiệp “con đẻ” của Nhà nước là khó tránh khỏi, giúp cho doanh nghiệp đạt được vị trí thống lĩnh thị trường không phải hoàn toàn do họ có mức giá sản phẩm thấp, chiến lược kinh doanh hợp lý hoặc đáp ứng tốt các yêu cầu của khách hàng. Mặt khác, một doanh nghiệp như Petrolimex vừa là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, vừa là doanh nghiệp có vốn sở hữu của Nhà nước thì hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường rất dễ xảy ra nhưng lại khó bị phát hiện.

Các ràng buộc trong hoạt động kinh doanh xăng dầu cũng là một rào cản hạn chế các doanh nghiệp gia nhập thị trường. Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009, các tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng cho một thương nhân đầu mối, đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân đầu mối [13]. Quy định này đã phần nào hạn chế sự cạnh tranh giữa các thương nhân khi mà họ không được lựa chọn doanh nghiệp có mức giá hợp lý nhất hoặc có chất lượng xăng dầu tốt nhất ở cùng một thời điểm. Như vậy, doanh nghiệp thống lĩnh sẽ đạt được doanh thu lớn hơn các doanh nghiệp khác vì họ có hệ thống tổng đại lý/đại lý lớn hơn chứ không phải hoàn toàn do họ là doanh nghiệp có tính cạnh tranh cao hơn. Mặt khác, doanh nghiệp có vị

trí thống lĩnh thị trường có thể lợi dụng điều này để thực hiện các hành vi ép buộc, ép giá các tổng đại lý/đại lý thuộc hệ thống của mình. Nghị định số 83/2014/NĐ-CP được ban hành ngày 03/9/2014 có hiệu lực từ 01/11/2014 đã nới rộng hơn (dù không nhiều) quyền của Tổng đại lý được ký thêm hợp đồng làm tổng đại lý cho một thương nhân đầu mối khác để kinh doanh nhiên liệu sinh học nếu thương nhân đầu mối không kinh doanh loại nhiên liệu này.

Để giải quyết vấn đề nêu trên và dần từng bước tạo lập thị trường cạnh tranh thực sự cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đã bổ sung hai đối tượng được tham gia thị trường, đó là thương nhân phân phối xăng dầu và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu [16]. Thương nhân phân phối xăng dầu là thương nhân mua xăng dầu của thương nhân đầu mối, thực hiện các hoạt động tiêu thụ xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình và thực hiện bán lẻ xăng dầu thông qua các thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoặc hệ thống đại lý trực thuộc của mình. Thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu là thương nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo phương thức nhượng quyền thương mại từ thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu. Trong đó, các điều kiện kinh doanh áp dụng với thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu khá đơn giản so với các đối tượng khác, cụ thể, Điều 22 của Nghị định quy định điều kiện đối với thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu:

Thương nhân có đủ các điều kiện dưới đây được làm thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu (sau đây gọi tắt là thương nhân nhận quyền): (1) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh xăng dầu; (2) Có cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu doanh nghiệp hoặc sở hữu và đồng sở hữu được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Điều

25 Nghị định này; (3) Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành [16, Điều 22].

Việc mở rộng đối tượng được tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP là cơ sở để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, một điều đáng chú ý của Nghị định này là cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối theo hợp đồng mua bán xăng dầu. Như vậy, thương nhân phân phối có thể lựa chọn doanh nghiệp có mức giá hợp lý nhất, đáp ứng tốt nhất các điều kiện của mình để đảm bảo kinh doanh hiệu quả. Các doanh nghiệp đầu mối, kể cả các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn để ký kết hợp đồng với các thương nhân phân phối. Một khi thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn thì các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường sẽ được hạn chế. Tuy nhiên, quy định này cũng đặt ra vấn đề cần có biện pháp để kiểm soát việc doanh nghiệp sử dụng các biện pháp như tăng chiết khấu cho đại lý và tổng đại lý để thu hút các đối tượng này ký kết hợp đồng thay vì giảm giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng.

2.2.2.2. Về cơ chế kiểm soát giá xăng dầu

Theo pháp luật cạnh tranh, một trong những hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm là áp đặt giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng. Đây là một trong những quy định hướng đến bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Đối với thị trường kinh doanh xăng dầu, lượng khách hàng rất đông và đa dạng, từ các công ty đến các cửa hàng nhỏ lẻ, từ các tổ chức đến cá nhân. Hầu như bất kỳ hoạt động nào cũng có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sử dụng xăng

dầu. Vì vậy, người tiêu dùng chính là đối tượng cần được bảo vệ khi tồn tại doanh nghiệp thống lĩnh trên thị trường. Nghị định số 84/2009/NĐ-CP là văn bản đầu tiên quy định cụ thể về định mức, định lượng, thời hạn tăng, giảm giá xăng dầu, công bố công thức tính toán hình thành giá bán lẻ xăng dầu để làm căn cứ giám sát quá trình điều chỉnh giá xăng dầu. Nghị định cũng đã bỏ quy định doanh nghiệp phải đăng ký, xin phép phương án điều chỉnh giá, chờ phê duyệt rồi mới được điều chỉnh giá như trong các văn bản trước đó, tạo sự linh hoạt cho thị trường. Tuy nhiên, thực tế những năm vừa qua cho thấy một số bất cập trong việc định giá và điều hành giá xăng dầu trên thị trường kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về sự tham gia của Nhà nước trong việc định giá xăng dầu: Kể từ năm 2009, giá xăng dầu được điều chỉnh theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nghị định số 84/2009/NĐ-CP đã đưa ra các quy định nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự chủ ở một mức độ nhất định trong việc tăng và giảm giá xăng dầu khi thị trường biến động với khoảng thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá tối thiểu 10 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa 10 ngày đối với trường hợp giảm giá. Tuy nhiên trên thực tế, việc điều hành giá bán các mặt hàng xăng dầu vẫn do Nhà nước tham gia điều chỉnh, chủ yếu là đối với việc tăng giá. Khi giá cơ sở tăng trong phạm vi 7% thì doanh nghiệp đầu mối được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng, nếu giá cơ sở tăng từ 07-12% thì Nhà nước tham gia một phần và Nhà nước sẽ tham gia định đoạt giá xăng dầu nếu giá cơ sở tăng trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân [13]. Việc Nhà nước vẫn tham gia định giá xăng dầu đã khiến cho việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước không bắt kịp với sự biến động của thị trường thế giới. Khi giá xăng dầu thể giới có những biến động lớn, Nhà nước vẫn giữ tương đối ổn định trong khoảng thời gian dài để đảm

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/12/2023