Kiểm soát hành vi lạm dụng của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường theo pháp luật - 11


nghiệm và khả năg cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa không cao. Xuất phát từ nguyên nhân này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với thế mạnh về kinh tế và kinh nghiệm thương trường thường có xu hướng lạm dụng vị thế của mình để loại bỏ đối thủ cạnh tranh và đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam phải từ bỏ ngành hàng. Có thể nói đây là “mặt trái của tấm mề đay” khi tham gia thị trường quốc tế. Chính vì vậy, trong quá trình thực thi pháp luật cạnh tranh, cần phải đặt trong tầm nhìn và tư duy của quá trình hội nhập. “Chỉ khi thị trường nội địa được bảo đảm lành mạnh, lúc đó chúng ta mới có thể thu hút được nguồn đầu tư từ những nhà đầu tư” [2]. Ngược lại, một khi thị trường còn là nơi để cho những thế lực độc quyền chi phối thì những dòng đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường nội địa sẽ là rất thấp, khi đó, quá trình hội nhập sẽ chỉ là nửa vời. Những toan tính ẩn nấp sau những dòng thương mại của các thế lực tư bản độc quyền quốc sẽ là mối nguy cơ đe dọa sự độc lập, tự chủ của các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. “Chúng ta hội nhập để nâng cao trình độ và tiềm lực kinh tế trong nước, vươn ra thị trường khu vực và quốc tế; song vẫn phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng cùng có lợi, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa” [27]. Vì vậy, sứ mệnh của Luật cạnh tranh và cơ chế kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường trong việc phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ các hành vi vi phạm ra khỏi thị trường là rất lớn, cần phải được đầu tư nghiên cứu.


3.1.5. Kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường theo pháp luật cạnh tranh phải đảm bảo sự độc lập của bộ máy thực thi và sự tương tác với các lĩnh vực pháp luật khác

Đảm bảo sự độc lập của bộ máy thực thi

Sự công bằng trong việc xử lý các vụ việc là điều bộ máy thực thi và các chủ thể liên quan thuộc lĩnh vực mọi pháp luật đều hướng đến. Sự công bằng chỉ có thể có được nếu có sự độc lập của cơ quan “cầm cân’’ – chủ thể có thẩm quyền điều tra


và giải quyết các khiếu kiện. “Độc lập không chỉ có nghĩa là phải đứng độc lập, riêng rẽ về mặt tổ chức, không trực thuộc cơ quan chủ quản nào mà phải là độc lập về hoạt động cũng như về nhiệm vụ, quyền hạn” [45]. Nếu xem xét cơ quan thực thi cạnh tranh Việt Nam hiện nay, có thể nói, vai trò còn khá mờ nhạt và chưa đảm bảo tính công bằng. Nguyên nhân của thực trạng này là do việc tổ chức, hoạt động của cơ quan quản lý cạnh tranh còn chịu nhiều tác động và chi phối của cơ quan quản lý hành chính là Bộ Công thương.

Ở nhiều quốc gia, cơ quan quản lý cạnh tranh có thể thuộc Bộ, Chính phủ hoặc một số Bộ cùng phối hợp quản lý. Nhưng cho dù được tổ chức theo mô hình nào đi nữa thì nguyên tắc quan trọng hàng đầu là phải đảm bảo cơ quan này không chịu bất kỳ một sự can thiệp hay chi phối nào từ các cơ quan khác để không làm ảnh hưởng đến sự công bằng trong xử lý vụ việc. Ở nước ta cũng nên xây dựng tính độc lập của bộ máy thực thi cạnh tranh theo quan niệm chung của các nước trên thế giới; và cần thiết phải ghi nhận trong pháp luật cạnh tranh để đảm bảo thuộc tính này như là nguyên tắc bắt buộc trong điều tra và xử lý các vụ việc cạnh tranh.

Đảm bảo sự tương tác với các lĩnh vực pháp luật khác

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.

Các hành vi cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh trên thị trường được đánh giá là có tính sáng tạo bất tận và thường được các chủ thể này che đậy bằng các thủ thuật rất tinh vi, phức tạp. Do đó, rất khó nhận diện ra hành vi và phát hiện ra sự vi phạm để pháp luật cạnh tranh có thể thực hiện chức năng kiểm soát của mình. Với vai trò là luật chung, pháp luật cạnh tranh chỉ quy định những vấn đề chung nhất về các hành vi, các biện pháp xử lý và cơ quan có thẩm quyền xử lý; mọi thông số được sử dụng hoặc những kỹ thuật được sử dụng để điều tra có hay không sự vi phạm lại phụ thuộc lớn vào pháp luật chuyên ngành như pháp luật kiểm toán, pháp luật thương mại, pháp luật thuế…; đặc biệt là vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi lạm dụng luôn phải sử dụng những kết quả từ quá trình thực thi pháp luật thuế, pháp luật kiểm toán và thủ tục xử lý vi phạm hành chính. Ngược lại, pháp luật chuyên ngành không thể độc lập nhận


Kiểm soát hành vi lạm dụng của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường theo pháp luật - 11

diện hành vi vi phạm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực của mình nếu không có các nhận thức chung của pháp luật cạnh tranh. Vì lẽ đó, trong kiểm soát vi phạm cạnh tranh nói chung và kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường nói riêng, pháp luật cạnh tranh và pháp luật chuyên ngành phải có sự tương tác lẫn nhau. Hay nói cách khác, để hoàn thiện cơ chế kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật cạnh tranh về vấn đề này, chúng ta cần tăng cường các lĩnh vực pháp luật có liên quan như (i) tiếp tục triển khai thi hành Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư và tăng cường hoàn thiện các quy định pháp luật về gia nhập và rút lui khỏi thị trường, khuyến khích các chủ thể kinh doanh, các nhà đầu tư tham gia và hoạt động trên thị trường lành mạnh; (ii) hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, củng cố cơ chế giám sát của hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng đối với hoạt động của các chủ thể kinh doanh; (iii) tăng cường hệ thống pháp luật về kiểm soát giá các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền; (iv) tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về thuế, tài chính; giải quyết hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp; không phân biệt doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.


3.2. Giải pháp

Trên cơ sở phân tích những vấn đề lý luận ở Chương 1, thực trạng bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam từ khi Luật cạnh tranh ra đời cho đến nay và thực trạng các quy định của pháp luật cạnh tranh về kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, để hoàn thiện cơ chế này, tác giả luận văn xin được đưa ra một số kiến nghị như sau:


3.2.1. Hoàn thiện các quy định của pháp luật cạnh tranh về nhận diện vị trí thống lĩnh thị trường và hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường

Về xác định thị trường liên quan và xác định vị trí thống lĩnh thị trường


Trong vụ việc bị nghi ngờ có sự lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, trước khi chứng minh hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh chúng ta cần xác định chủ thể thực hiện hành vi có vị trí thống lĩnh trên thị trường liên quan hay không.

Về xác định thị trường liên quan, có thể nói, đây là cơ sở cao nhất để đánh giá sức mạnh thị trường của doanh nghiệp. Phương thức được các nhà điều tra sử dụng nhằm bổ sung cho kết luận về vị trí thống lĩnh thị trường là mức tăng giá giả định sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cầu của người tiêu dùng. Như đã phân tích ở Chương 2, việc quy định mức tăng giá giả định của Luật cạnh tranh hiện nay là chưa hợp lý do không khống chế mức tăng tối đa; dễ dẫn đến sự tùy tiện trong áp dụng của cơ quan điều tra và không phản ánh được nhu cầu thực của người tiêu dùng. Do đó, nên xác định một ngưỡng tăng tối thiểu và tăng tối đa cho việc điều tra phản ứng của khách hàng khi xác định thị trường liên quan. “Thông thường mức tăng tối đa và mức tối thiểu chênh lệch với nhau không quá 5% (nếu chúng ta quy định mức tối thiểu là 10% thì mức tăng tối đa không quá 15%)” [41].

Về xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp, có hai phương thức là: xác định thị phần trên thị trường liên quan và khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của doanh nghiệp. Đối với cách thứ nhất, pháp luật cạnh tranh hiện nay sử dụng thị phần giá trị là căn cứ duy nhất để kết luận về vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan niệm này không phù hợp và đảm bảo việc chứng minh phản ánh sự thật khách quan. Vì trong một số lĩnh vực ngành nghề đặc thù như phân phối phim, cung cấp dịch vụ internet… cần phải sử dụng mạng lưới khách hàng, sản lượng làm căn cứ phân tích tầm ảnh hưởng của doanh nghiệp. Và để đưa ra kết luận chính xác cơ quan điều tra cũng cần phải cân nhắc đến yếu tố rào cản gia nhập và rào cản mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khác trong thị trường (khả năng cạnh tranh trong tương lai); cấu trúc hiện tại của thị trường, vị thế đàm phán của người mua; các chứng cứ gián tiếp khác gồm tính co giãn của cầu, tính hiệu quả của ngành, những ảnh hưởng của doanh nghiệp đang xem xét


đối với các doanh nghiệp trong ngành. Đối với cách xác định vị trí thống lĩnh thị trường thông qua tiêu chí “khả năng gây hạn chế một cách đáng kể”, chúng ta không nên quy định liệt kê quá cụ thể các khía cạnh mà phải có sự “mềm dẻo” cần thiết để cơ quan quản lý có thể linh hoạt vận dụng trong những điều kiện và giai đoạn cụ thể. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần có các quy định phân công các cơ quan quản lý chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật dự liệu những tiêu chuẩn cơ bản cho ngành, lĩnh vực của mình để tránh sự tùy tiện trong việc giải thích và áp dụng luật của cơ quan điều tra.

Về nhận diện hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, pháp luật cạnh tranh về kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường nên sửa đổi những hạn chế còn tồn tại để phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

Thứ nhất, với vai trò là luật chung, pháp luật cạnh tranh không nên quy định liệt kê và đóng khung các hành vi được coi là lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Bởi trong quá trình phát triển kinh tế sẽ có rất nhiều các lĩnh vực và các hoạt động kinh doanh mới được ra đời mà pháp luật không thể dự trù hết. Hơn nữa, pháp luật nước ta theo hệ thống luật thành văn, chỉ xử lý các trường hợp được coi là vi phạm và được ghi nhận trong luật pháp. Nếu pháp luật cạnh tranh mô tả hành vi cụ thể như vậy sẽ dẫn đến quy định không thể áp dụng được trong đời sống và bỏ sót các các hành vi vi phạm mới. Điều này xuất phát từ lập luận, sự sáng tạo của các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh là bất tận và các doanh nghiệp luôn có xu hướng tìm cách lạm dụng vị thế của mình mà không vi phạm luật cạnh tranh. Ví dụ như trường hợp nhập khẩu song song những hàng hóa được cấp nhãn hiệu giống hệt hoặc tương tự như nhãn hiệu thương mại hợp pháp của nước ngoài nhưng có nhãn hiệu thương mại được bảo hộ cấp cho các hàng hóa giống hệt hoặc tương tự nước nhập khẩu nơi mà các nhãn hiệu thương mại này bị nghị ngờ là có xuất xứ giống nhau, tức là thuộc cùng một sở hữu hoặc những nhãn hiệu đó được sử dụng bởi những doanh nghiệp phụ thuộc nhau về kinh tế, về cơ cấu tổ chức, về hành chính hoặc pháp lý, và mục đích của sự hạn chế này là duy trì các mức giá cao hơn một cách giả tạo; hoặc hành vi tạo sự khan hiếm hàng


hóa bằng việc mua vét hàng hóa từ đối thủ cạnh tranh. Vì lẽ đó, chúng ta nên đưa ra khái niệm thế nào là hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và xây dựng các tiêu chí để xác định sự lạm dụng; khi có dấu hiệu xảy ra, cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ căn cứ vào hành vi, hậu quả và các quy định của pháp luật để giải thích và xác định hành vi đó có được coi là vi phạm hay không.

Thứ hai, trong số các nhóm hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, có hai nhóm hành vi gây thiệt hại cho khách hàng là nhóm “áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng” và “hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng” đều yêu cầu phải có hậu quả xảy ra và phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả mới đủ căn cứ để kết luận doanh nghiệp có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Nhưng theo quan điểm của nhiều nhà khoa học, tất cả các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường không nên quy định hậu quả dấu hiệu bắt buộc của hành vi. Bởi lẽ, xét ở góc độ nguy hiểm, các hành vi này không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường và khả năng gây hạn chế cạnh tranh là rất lớn. Hơn nữa, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vụ việc và các bên liên quan phải tốn nhiều chi phí cho công việc điều tra và chứng minh hậu quả của hành vi, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả để kết luận đó có phải hành vi vi phạm pháp luật hay không.

Thứ ba, hành vi áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý được nhận diện khác nhau trong Luật cạnh tranh và Nghị định số 116/2005/NĐ-CP. Mặc dù theo quy định tại Điều 2 và khoản 2 Điều 83 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, Luật cạnh tranh 2004 và Nghị định số 116/2005/NĐ-CP đều cùng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn; nhưng vẫn gây ra sự lúng túng trong áp dụng. Sở dĩ như vậy vì, Luật cạnh tranh 2004


chỉ quy định chung chung về nhận diện hành vi, để hiểu rõ hơn người áp dụng thường căn cứ vào Nghị định hướng dẫn. Hơn nữa, vấn đề không nằm hoàn toàn ở sự khác biệt trong cách nhận diện hành vi mà ở kỹ thuật lập pháp của hai văn bản này đã dẫn đến cách hiểu khác nhau. Dựa vào câu chữ mà Luật gọi tên thì hành vi này có thể hiểu rằng, khi thực hiện hành vi, doanh nghiệp đã đặt ra mức giá bán hàng hóa, dịch vụ cao một cách bất hợp lý để bóc lột khách hàng, song nội dung của Nghị định lại diễn giải thành hành vi tăng giá cao một cách bất thường. Cách diễn giải của Nghị định đã không bám sát theo nội dung của Luật và bỏ sót trường hợp doanh nghiệp có quyền lực thị trường không tăng giá nhưng áp đặt một mức giá cao hơn nhiều so với giá thành toàn bộ của sản phẩm để bóc lột khách hàng. Vì vậy, cần thiết phải xem lại nội dung này để bổ sung thêm hành vi áp đặt giá bán bất hợp lý nhằm bóc lột khách hàng vào nhóm vi phạm mà khoản 2 Điều 13 Luật cạnh tranh quy định.

Thứ tư, theo quy định của Luật cạnh tranh 2004 hiện nay, tất cả các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường đều bị cấm và không có cơ chế miễn trừ. Quy định này thể hiện thái độ nghiêm khắc của nhà nước trước những hậu quả nghiêm trọng mà các hành vi gây ra cho lợi ích của nhà nước, của các cá nhân tổ chức khác và của toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp tính tích cực lớn hơn tiêu cực của hành vi và có tác động tốt đến xã hội, ví dụ như trường hợp doanh nghiệp quy định các đại lý độc quyền không được đồng thời làm đại lý cho các doanh nghiệp khác hay ấn định lại giá bán lại tối đa, tối thiểu để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đại lý… Vì vậy, pháp luật cạnh tranh nên đặt ra một số trường hợp miễn trừ, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh cũng như thể hiện sự giáo dục và khoan hồng của pháp luật. Vì xét cho cùng, mục đích của pháp luật không phải là ngăn cản, trừng phạt các trường hợp cá biệt, mà hướng tới việc tạo dựng môi trường cạnh tranh hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển kinh tế


3.2.2. Hoàn thiện bộ máy quản lý cạnh tranh

Vai trò của cơ quan quản lý cạnh tranh là phải đảm bảo tính cân bằng của xã hội; một mặt giữ được sự ổn định và lành mạnh của thị trường; mặt khác không làm hạn chế khả năng và động lực sáng tạo, phát triển trong kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, hoàn thiện bộ máy quản lý cạnh tranh cũng góp phần hoàn hiện thể chế cạnh tranh và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Về tổ chức và hoạt động của cơ quan quản lý cạnh tranh

Thứ nhất, trên cơ sở phân tích những vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của cơ quan quản lý cạnh tranh tại Chương 2, cùng với xu hướng tối cao hóa cơ quan quản lý cạnh tranh trên thế giới thì trong tương lai, chúng ta nên xây dựng mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh ngang bộ. Sở dĩ chúng tôi kiến nghị lựa chọn mô hình này vì các đối tượng điều tra của cơ quan quản lý cạnh tranh có thể sẽ là các tổng công ty nhà nước, các tập đoàn kinh tế lớn và thậm chí là cả các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu không có một vị thế đủ mạnh thì cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ không thể thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình. Hơn nữa, ở nước ta, bộ vẫn đóng vai trò là cơ quan chủ quản của một số doanh nghiệp nhà nước, có thẩm quyền giải quyết các vấn đề thuộc sự quản lý của mình. Xây dựng cơ quan quản lý cạnh tranh ngang bộ cũng đồng nghĩa với việc trao cho cơ quan này quyền độc lập trong tổ chức và hoạt động; và quyền quản lý cao nhất vấn đề cạnh tranh thuộc các lĩnh vực.

Thứ hai, pháp luật cạnh tranh cần phải đảm bảo sự độc lập của cơ quan quản lý cạnh tranh. Vị trí độc lập sẽ giúp đảm bảo và thúc đẩy việc tập trung chuyên môn, tính công bằng, minh bạch và khả năng giải trình và chịu trách nhiệm của cơ quan này. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Canada, Úc… cho thấy khi được tổ chức và hoạt động độc lập, cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ có thực quyền cao, hoạt động hiệu quả hơn và đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế, khi mà số vụ kiện về các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh tăng lên một cách đáng kể.

Xem tất cả 120 trang.

Ngày đăng: 03/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí