Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo chiến tranh du kích trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 - 1954 - 11

Mất Thân Thượng, quân Pháp ở Thái Bình không đủ sức để tái lập lại; vì lúc này trước sự lớn mạnh của quân và dân ta vấn đề quan trọng hơn mang tính sống còn đối với chúng là phải bảo vệ đường giao thông và thị xã. Mối đe dọa Cầu Nguyễn và đường 10 là làng chiến đấu Nguyên Xá (Tiên Hưng). Làng Nguyên Xá cách thị xã Thái Bình 12km, cách đường 10 khoảng 500m, xung quanh làng có ngòi nước bao bọc, phía trong ngòi có lũy tre gai ken dầy, kín đáo. Dựa vào địa hình nhâ dân và dân quân du kích đã xây dựng 13km giao thông hào, 7.300 hầm các loại, 23000 hố chiến đấu cá nhân. Cả xã có 4 cổng ra vào theo một đường độc đạo. Muốn khai thông đường quốc lộ 10 địch buộc phải phá cho được làng kháng chiến này. Vì vậy chúng đã sử dụng Binh đoàn cơ động số 8, tập trung càn quét và đánh phá làng kháng chiến Nguyên Xá từ ngày 20 đến ngày 25-2-1954.

Một lần nữa quân dân Nguyên Xá đã thể hiện tinh thần anh dũng, kiên cường đánh thắng quân địch đông hơn mình gấp bội. Dựa vào dân, 80 du kích Nguyên Xá, trong đó có 24 đảng viên với vũ khí gồm 1 trung liên, 1 tiểu liên, 40 súng trường, cùng chông mìn, cạm bẫy, đã kiên cường đánh trả các đợt tiến công của hàng ngàn tên địch.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ và Ban chỉ huy xã đội, du kích Nguyên Xá đánh địch suốt 5 ngày liền, tiêu diệt và làm bị thương 88 tên trong đó có một quan ba Pháp, 26 tên thụt hầm chông, 33 tên bị trúng mìn. Địch không vào được làng.

Thắng lợi của quân dân Nguyên Xá chứng tỏ sự trưởng thành nhanh chóng của lực lượng dân quân du kích địa phương; đồng thới đánh dấu thời kỳ suy yếu và bất lực của những binh đoàn cơ động Pháp.

Có thể nói tháng 2-1954 là một tháng hoạt động mạnh, chiến đấu đạt hiệu quả cao của bộ đội tỉnh, huyện và dân quân du kích Thái Bình trong chống càn và đánh phá giao thông địch. Lực lượng vũ trang toàn tỉnh đã đánh

114 trận, diệt, bắt sống và làm bị thương gần 1000 tên địch; thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của chúng.

Thực hiện nghị quyết “ Đẩy mạnh nhiệm vụ phối hợp với chiến trường chính” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh đội, huyện, thị đội và các địa phương trong tỉnh đều sớm đề ra kế hoạch tác chiến và kế hoạch phục vụ chiến trường của địa phương mình và đơn vị mình.

Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Phối hợp với chiến trường chính, bộ đội và du kích các huyện Đông Quan, Phụ Dực, Thái Ninh, Quỳnh Côi đồng loạt tấn công bao vây các vị trí địch. đánh phá giao thông . Một loạt các vị trí địch ở Phụ Dực, Quỳnh Côi, Đường 10, đường 39… sông Luộc, sông Hóa, bị vây hãm, đặt mìn…

Bên cạnh nhiệm vụ tác chiến, các huyện, xã đều củng cố tăng cường lực lượng vũ trang và dân công hỏa tuyến. Các đại đội bộ đội huyện 217 và 218 của Quỳnh Côi, Phụ Dực, sau khi bổ sung cho bộ đội chủ lực của khu và bộ đội tỉnh, được tuyển thêm quân số, mỗi đại đội có 4 trung đội. Vũ khí, trang bị cũng được tăng cường.

Các đoàn dân công hỏa tuyến của các xã được thành lập dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy địa phương có đảng viên làm nòng cốt, sẵn sàng nhận lệnh đi phục vụ chiến trường. Các địa phương đều coi công tác chuẩn bị chiến trường và phối hợp với chiến trừơng chính là nhiệm vụ trọng tâm.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.

Ngày 28-3-1954, một đơn vị của Trung đoàn 64 (chủ lực khu) hỗ trợ bộ đội huyện và du kích địa phương bao vây bức hàng vị trí Mụa Đông (Duyên Hà). Bộ đội tỉnh hỗ trợ bộ đội huyện Vũ Tiên diệt vị trí quận lỵ Vũ Tiên…

Ngày 14-4-1954, Ban thường vụ Tỉnh ủy họp ra Nghị quyết “ Động viên toàn Đảng, toàn dân trong tỉnh thi đua hoàn thành nhiệm vụ chi viện chiến trường , tích cực hoạt động phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ”.

Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo chiến tranh du kích trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 - 1954 - 11

Thực hiện chủ trương trên, quân dân trong tỉnh tích cực nhằm vào những chỗ sơ hở của địch mà đánh.

Trung tuần tháng 4-1954, Tiểu đoàn 53 tuy đã có lệnh bổ sung cho khu Tả Ngạn, nhưng vẫn hiệp đồng với 1 trung đội của trung đoàn 64 phục kích đánh 1 tiểu đoàn ngụy đi càn trên đường 218 thuộc địa bàn huyện Phụ Dực, tiêu diệt, làm bị thương và bắt sống gần 100 tên địch. Trước sự tấn công và vây ép của ta, địch buộc phải rút khỏi Trực Định, Quan Đình, Bất Nạo (Thụy Anh). Quân và dân huyện Thụy Anh diệt đồn Kha Lý, Vân Am… Địch hoảng sợ rút chạy, hệ thống phòng thủ sông Hóa của chúng bắt đầu tan vỡ.

Chỉ tính riêng trong tháng 4-1954, tháng phối hợp với Điện Biên Phủ, quân dân Thái Bình đã đánh 197 trận, diệt và làm bị thương gần 1000 tên địch, phá hủy hàng chục xe cơ giới.

Cùng với việc đẩy mạnh đánh địch, Thái Bình còn bổ sung cho khu Tả Ngạn tiểu đoàn 53 bộ đội tỉnh và nhanh chóng xây dựng tiểu đoàn mới lấy phiên hiệu là tiểu đoàn 54. Cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn 54 đều là những cán bộ chiến sĩ bộ đội địa phương và du kích các huyện xã đã dày dạn kinh nghiệm chiến đấu.

Từ tháng 2 đến tháng 5- 1954, thanh niên trong tỉnh hăng hái tòng quân, bổ sung kịp thời cho bộ đội chủ lực gần 3000 người. Nhiều đảng viên trong lực lượng dân quân du kích xung phong nhập ngũ. Dân công Thái Bình ngày nào cũng có hàng nghìn người gánh gạo, vượt sông Hồng, sông Đáy đi phục vụ chiến dịch.

Càng nguy khốn ở chiến trường chính Điện Biên Phủ địch càng tăng cường bắt lính ở đồng bằng. Tại Thái Bình chúng bắt cả nữ thanh niên Thiên chúa giáo vào lính. Chống lại âm mưu này của địch, tháng 4-1954 toàn tỉnh tổ chức 116 hội nghị “Thanh niên chống địch bắt lính” với 16.000 thanh niên tham dự. Thư của Hồ Chủ Tịch “Gửi thanh niên trong vùng tạm chiếm” là tài liệu học tập hướng dẫn cho thanh niên đoàn kết chống bắt lính.

Ngày 7-5-1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bị quân ta tiêu diệt. Tin chiến thắng truyền về làm nức lòng Đảng bộ, quân và dân Thái Bình.

Càng phấn khởi quân dân trong tỉnh càng tiếp tục đẩy mạnh mọi hoạt động và ra sức tiến công, vây hãm các đồn bốt địch. Thấy không thể đứng vững được, trong tháng 5-1954, một loạt đồn địch trong tỉnh đã theo nhau rút chạy.

Không những đẩy mạnh mọi hoạt động trong tỉnh, một số đơn vị bộ đội tỉnh, huyện, du kích xã nơi không còn giặc đã xung phong sang các tỉnh bạn phối hợp tác chiến. Tiểu đoàn 54 phối hợp với bộ đội Khu Tả Ngạn phục kích đánh tàu địch vận chuyển trên sông Luộc; tập kích một tiểu đoàn của địch đóng ở Đông Tạ (Vĩnh Bảo- Kiến An). Đại đội 5 (Tiền Hải) và du kích một số xã trong hai tháng 4 và 5 đã sang mặt trận đường 5 cùng bộ đội chủ lực thu, tiêu diệt 3 đồn địch ở địa phận Hưng Yên.

Chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo sát sao của các cấp ủy địa phương, của cấp ủy các chi bộ thuộc bộ đội tỉnh, huyện, quân dân Thái Bình trong tháng 5-1954 đánh 238 trận, diệt và làm bị thương, bắt sống hàng ngàn tên, thu nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh.

Trước tình hình thuận lợi, từ ngày 26 đến ngày 28-5-1954, hội nghị Tỉnh ủy họp mở rộng quyết định một số nhiệm vụ quân sự trong thời gian tới là:

“ Bao vây từng vị trí có khác nhau, nhưng đều phải phục vụ cho việc thu hoạch mùa màng của nhân dân, vì vậy dù thắt chặt hay nới rộng phải chú ý mấy điểm sau: bao vây phải tranh thủ sự đồng tình của nhân dân; Bàn bạc với dân tìm mọi cách thu hoạch, như tổ chức gặt đêm; nơi gặp khó khăn quá có thể áp dụng đấu tranh chính trị hợp pháp để gặt lúa; đánh mìn, phá hoại giao thông trên tất cả các tuyến đường có địch thường qua lại.

Tích cực chống càn nhỏ, chống địch phục kích, tập kích.”[14, 378]

Hội nghị thông qua 5 phương châm tác chiến của các lực lượng vũ trang là: “giành thế chủ động đánh địch, nhưng phải chú trọng phá những cuộc càn quét to, nhỏ tiêu diệt được nhiều sinh lực địch; đánh nhỏ ăn chắc, đánh ngoài công sự là chính; đánh đêm là chính, nhưng phải khắc phục khó khăn đánh cả ban ngày, những vùng tạm chiến có điều kiện chuyển lên đấu tranh vũ trang,

phải chuyển kịp thời; hoạt động quân sự phải kết hợp đấu tranh chính trị, đấu tranh kinh tế trong vùng tạm chiếm; tác chiến là chủ yếu, đồng thời phải tranh thủ xây dựng lực lượng”[14, tr378].

Tháng 6-1954, nhiều đồn bốt địch bị bao vây chặt. Dân quân du kích ở các địa phương có đường 10, đường 39 chạy qua đã cắt phá đường, đắp ụ, ngăn chặn địch rút chạy. Dân quân du kích xã Tô Công (Phụ Dực) huy động hàng nghìn cây tre, cây xoan cắm kè ngăn sông Hóa, chặn đường tiếp tế của tàu chiến và ca nô địch.

Bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang tỉnh tìm mọi sơ hở của địch để đánh. Ngày 7-6-1954, tiểu đoàn 652 thuộc Trung đoàn 50 cùng Đại đội 218 (Phụ Dực) phục kích đánh địch trên đường 218, diệt 30 tên, bắt sống 13 lính Âu Phi. Trung tuần tháng 6-1954, một tiểu đoàn của Trung đoàn 64 có bộ đội du kích huyện Tiên Hưng phối hợp tiêu diệt đồn Đình Thượng. Ngày 23-6- 1954 bộ đội trung đoàn 64 có bộ đội du kích huyện Đông Quan phối hợp diệt đồn An Lễ bằng nội ứng. Ngày 27-6-1954, Đại đội 125 của tỉnh diệt đồn La Uyên (Thư Trì).

Hoạt động mạnh của ta khiến cho địch không thể chống đỡ nổi. Nhiều nơi chúng hoảng hốt rút chạy. Hạ tuần tháng 6-1954, thị xã Thái Bình thực sự náo động, nhiều gia đình công chức, các nhà buôn tới tấp chuyển gia đình đi Nam Định, Hà Nội. Đồng bào lao động, buôn bán nhỏ kéo nhau ra vùng tự do. Trong khi ấy lực lượng ta tích cực hoạt động binh vận. Phong trào bỏ ngũ, rã ngũ trong binh lính địch diễn ra ngày càng mạnh mẽ, liên tục. Tại Tân Đệ, một đại đội ngụy rã ngũ gần hết. Ở Thư Trì, có xã một ngày đón 70 hàng binh.

Cuối tháng 6-1954, Tỉnh Thái Bình nhận được điện thông báo của bộ Tổng Tư lệnh: Địch sẽ rút khỏi Thái Bình và cả Nam đồng bằng Bắc bộ. Ngay lập tức Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính, Tỉnh đội và Ban chỉ huy Trung đoàn 64 khẩn trương điều động lực lượng bố trí đánh địch.

Sáng ngày 30-6-1954, quân địch ở Cầu Nguyễn, Phong Lôi, Đông Các rút chạy về thị xã. Đến 11 giờ, quân địch về tới ngã tư Gia Lễ. Lực lượng của ta bố trí ở khu vực này có trung đoàn 64, Đại đội 2 ( Đông Quan) và đại đội 5 ( Tiền Hải) bất ngờ nổ súng đánh địch, tiêu diệt và làm tan rã 1 tiểu đoàn địch, thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện. Đến 17 giờ ngày 30-6-1954, tàn quân địch rút vào thị xã sợ ta truy kích, chúng giật mìn phá sập cầu Bo. Đến 22 giờ 30 phút, cùng một lúc toàn bộ quân Pháp ở thị xã rút theo ba đường: đường thủy từ cầu Bo theo sông Trà Lý ra cửa Thượng Lỗ bằng ca nô và tàu thủy. Đường bộ từ thị xã theo đường 10 ra Tân Đệ sang Nam Định và từ thị xã theo đường 223 qua Cọi Khê ra Thái Hạc đến sông Hồng. Ở đâu địch cũng đều bị bộ đội và du kích ta chặn đánh.

Rạng sáng ngày 1-7-1954 cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền. Đến 9 giờ sáng cùng ngày , các đơn vị bộ đội tỉnh, bộ đội các huyện Kiến Xương, Đông Quan và bộ đội Trung đoàn 64 tiến vào tiếp quản thị xã Thái Bình. Lúc này trên địa phận tỉnh Thái Bình vẫn còn 10 đồn địch đóng ở Phụ Dực, Thụy Anh (nằm trong hệ thống séc tơ Vĩnh Ninh). Tại đây chúng đã bị bao vây, tinh thần binh lính hoang mang cực độ. Đêm 20-7- 1954 trước giờ ngừng bắn, một đại đội ngụy ở Dục Linh đã ra hàng tại An Bài, chính quyền địa phương tiếp đón, tạo điều kiện thuận lợi cho họ về quê hương. Số đồn còn lại đến cuối tháng 8-1954 địch mới rút hết.

Từ đây Tỉnh thái Bình sạch bóng quân xâm lược, Đảng bộ, quân và dân Thái Bình phấn khởi bước sang thời kỳ mới.

Tiểu kết chương 2

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi. Trong niềm vui chung của cả nước, Đảng bộ và quân, dân Thái Bình tự hào đã có đóng góp rất xứng đáng vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Là tỉnh tự do duy nhất cuối cùng của Tả Ngạn sông Hồng, suốt trong giai đoạn từ năm 1946 đến hết tháng 1-1950, tỉnh Thái Bình thực sự là chỗ dựa vững chắc tin cậy của Liên Khu 3 và các tỉnh lân cận Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An. Dưới sự lãnh đạo có hiệu quả, sâu sát của các cấp ủy đảng, quân dân trong tỉnh vừa nhanh chóng xây dựng tiềm lực cho cuộc kháng chiến, phát triển kinh tế, phát triển xây dưng lực lượng vũ trang, xây dựng các tổ chức đoàn thể quần chúng…Lực lượng dân quân du kích phát triển nhanh chóng đặc biệt từ có Sắc lệnh của Chính phủ về thành lập Tỉnh đội dân quân.

Ngày 8-2-1950, thực dân Pháp cho quân đánh chiếm Thái Bình, từ đây quân dân Thái Bình phải trực tiếp đương đầu với một kiểu chiến tranh tổng lực. Đảng bộ quân và dân trong tỉnh với sự hỗ trợ của các đơn vị chủ lực Liên khu 3, Khu Tả Ngạn và các địa phương đã kiên trì chiến đấu, giành giật với địch. Cuộc chiến tranh diễn ra càng khốc liệt thì phong trào kháng chiến ở địa phương càng phát triển mạnh. Bộ đội chủ lực kết hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương, dân quân du kích cùng toàn dân tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân chống kẻ thù xâm lược.

Trong quá trình tổ chức lãnh đạo cuộc chiến tranh du kích trong thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng địa phương luôn được phát huy có ý nghĩa quyết định. Mối liên hệ giữa Liên khu ủy , Tỉnh ủy và cấp ủy các địa phương, đơn vị luôn được đề cao, tạo nên sự thống nhất trong chỉ đạo điểu hành phong trào chiến ranh du kích trên địa bàn. Trong thời kỳ này, hầu hết các nghị quyết của Tỉnh ủy đều đặt công tác quân sự lên hàng đầu; và từng đảng viên thấm nhuần công tác đó. Tỉnh ủy lãnh đạo

đảng bộ và nhân dân tham gia xây dựng lực lượng vũ trang, bổ sung cho bộ đội chủ lực trên 3 sư đoàn; củng cố, phát triển bộ đội địa phương và dân quân du kích từ những đơn vị nhỏ đến chỗ có gần 2 vạn dân quân du kích, 12 đại đội bộ đội địa phương huyện và 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương Tỉnh, với trang bị kỹ, chiến thuật tương đối mạnh, làm nòng cốt cho cuộc chiến tranh du kích, góp phần quyết định vào việc hình thành, phát triển và phát huy hiệu quả của thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn.

Xem tất cả 129 trang.

Ngày đăng: 25/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí