Tình Hình Tư Vấn Sử Dụng Thuốc Tại Phòng Tư Vấn


ghi nhận một số lí do hợp lí bệnh nhân đưa ra cho việc bẻ thuốc này như để chia liều nhỏ hơn đơn vị viên hoặc chỉ bẻ những viên có gạch ở giữa. Ngoài ra có một số lí do khác ghi nhận được như bẻ Mobic (hoạt chất Meloxicam), các thuốc giảm đau để giảm tác dụng không mong muốn trên dạ dày. Nghiên cứu cũng ghi nhận được 7,0% bệnh nhân có nhai một số thuốc với một số lí do ghi nhận như: “thuốc antacid thì phải nhai” hay “phải nhai viên to để giảm đau dạ dày”. Có 2,0% bệnh nhân nghiền thuốc với lí do đưa ra nghiền Medrol (hoạt chất Methylprednisolon) để giảm tác dụng phụ trên dạ dày. Như vậy có thể thấy bệnh nhân thường quan tâm và lo lắng đến tác dụng phụ trên dạ dày nhưng lại có cách xử trí chưa hợp lí để giảm tác dụng phụ này hoặc có thể có những suy nghĩ sai lầm. Các dạng bào chế của thuốc dù có tốt đến đâu nhưng nếu không được sử dụng đúng cách cũng không phát huy được tác dụng điều trị. Lĩnh vực này là một trong những thế mạnh của dược sĩ với vai trò là chuyên gia về thuốc [1].Trong quá trình tư vấn dược sĩ phải xác định được bệnh nhân biết về bệnh hoặc về thuốc đến đâu, họ có bất kì sự hiểu sai nào về thuốc và bệnh không [24]. Dược sĩ nên nắm bắt được thói quen uống thuốc của bệnh nhân hoặc một số vấn đề mà bệnh nhân gặp phải trong quá trình uống thuốc, ví dụ như gặp khó khăn trong việc nuốt để từ đó có cách xử trí thích hợp.

Về việc tìm hiểu thông tin thuốc, 92,0% bệnh nhân có tìm hiểu tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Bệnh nhân trong nghiên cứu phần lớn là cán bộ về hưu, họ ý thức tốt việc tự tìm hiểu thông tin và kiểm soát bệnh của mình. Một nghiên cứu ở Mỹ cho rằng hầu hết bệnh nhân muốn nhận cả thông tin nói và thông tin viết, thông tin viết sẽ hỗ trợ cho thông tin nói [16]. Ở nhiều nước, tờ thông tin dành cho bệnh nhân thường có sẵn để đảm bảo bệnh nhân tiếp cận được thông tin viết. Nhưng tờ thông tin này thường không đạt tiêu chuẩn giúp ích và dễ hiểu cho bệnh nhân (Federal Register 1998, trích dẫn trong [32]). Ở Việt Nam, mỗi sản phẩm thuốc chỉ có một tờ hướng dẫn sử dụng thuốc chung cho cán bộ y tế và bệnh nhân. Mặt khác, tờ thông tin này chưa ngắn gọn, có thể gây khó hiểu cho bệnh nhân với nhiều thuật ngữ chuyên môn. Hơn nữa, những bệnh nhân chỉ được nhận thuốc ra lẻ sẽ không có cơ hội nhận tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Vì vậy, dược sĩ nên soạn những tờ thông tin


ngắn gọn của từng thuốc để trong khi tư vấn nếu bệnh nhân cần có thể phát cho bệnh nhân để họ tìm hiểu thêm về thuốc. Tờ thông tin này giúp ích cho bệnh nhân tra cứu lại khi quên bất kì thông thông tin nào về thuốc. Nếu có thể, dược sĩ nên soạn tờ thông tin này riêng cho từng đối tượng. Ví dụ, đối với tờ thông tin dành cho bệnh nhân nam không cần các thông tin liên quan đến thận trọng cho phụ nữ có thai hay cho con bú…Việc soạn thông tin cụ thể cho từng đối tượng sẽ giúp bệnh nhân dễ theo dõi, dễ nhớ và tập trung hơn vào thông tin mình cần quan tâm.

Các nguồn thông tin từ nhân viên y tế mà bệnh nhân tìm hiểu chủ yếu là từ bác sĩ (50%), nguồn thông tin từ dược sĩ chiếm tỷ lệ nhỏ (5%). Kết quả này cho thấy hoạt động tư vấn sử dụng thuốc ở bệnh viện từ trước thường do bác sĩ đảm nhiệm. Dược sĩ vẫn đảm nhiệm vai trò truyền thống là chuẩn bị và cấp phát thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ [15]. Một nghiên cứu ở Israel, cho biết theo đánh giá của bệnh nhân, chất lượng của các cuộc tư vấn đạt mức trên trung bình cho 75,0% cuộc tư vấn do bác sĩ kê đơn và 63,0% do dược sĩ [28]. Theo một nghiên cứu tại bang Ohio – Mỹ của Schomer, nhiều bệnh nhân chưa nhận thức được vai trò của dược sĩ trong tư vấn bệnh nhân, họ thường nghĩ công việc của dược sĩ đơn thuần là cấp phát thuốc [26]. Đây là thách thức lớn mà các dược sĩ phải đối mặt. Khi thực hiện nhiệm vụ mới – tư vấn bệnh nhân, dược sĩ phải nâng cao vai trò là chuyên gia về thuốc, bằng cách cải thiện chất lượng của quá trình tư vấn bệnh nhân, dần tạo sự tin tưởng trong bệnh nhân.

Nhu cầu tư vấn của bệnh nhân

Nhóm nghiên cứu ghi nhận được 62,0% bệnh nhân có nhu cầu tư vấn, 31,% bệnh nhân không có nhu cầu tư vấn. Trong số các bệnh nhân không có nhu cầu tư vấn lí do được đưa ra nhiều nhất là đã được bác sĩ tư vấn. Một số bệnh nhân tin tưởng bác sĩ có thể cung cấp đầy đủ các thông tin về thuốc và bệnh. Bệnh nhân chưa ý thức được dược sĩ sẽ hỗ trợ cho bác sĩ, cung cấp cho họ những thông tin liên quan đến thuốc điều trị. Đặt trong hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam, khi mà mô hình dược sĩ sử dụng thuốc trong bệnh viện mới bắt đầu phát triển tư vấn, thì đây vừa là


thử thách, vừa là động lực thúc đẩy các dược sĩ phải học tập, thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận để thực hiện tốt hơn vai trò mới này.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 88 trang tài liệu này.

Trong số bệnh nhân có nhu cầu tư vấn thì nhu cầu được tư vấn về bệnh và về thuốc tương đương nhau, nhu cầu về thuốc tập trung chủ yếu vào tác dụng không mong muốn của thuốc. Tác dụng không mong muốn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ngoài ra, nó là một trong những rào cản làm giảm sự tuân thủ của bệnh nhân [24]. Vì vậy trong khi tư vấn dược sĩ nên cho bệnh nhân biết những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra, chỉ bệnh nhân biết cách ngăn ngừa và xử lý kịp thời.

Như vậy việc nắm bắt được nhận thức, thói quen, kĩ năng cũng như nhu cầu tư vấn của bệnh nhân sẽ giúp dược sĩ định hướng việc đưa ra thông tin phù hợp nhất với từng bệnh nhân.

Khảo sát nhu cầu tư vấn của bệnh nhân và thực trạng tư vấn sử dụng thuốc tại phòng cấp phát thuốc Bảo hiểm y tế bệnh viện Bạch Mai - 8

4.2 Tình hình tư vấn sử dụng thuốc tại phòng tư vấn

Hoạt động tư vấn sử dụng thuốc của dược sĩ

Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận được thời gian của 49 cuộc tư vấn do 5 dược sĩ tư vấn. Trong đó thời gian trung bình cho 1 cuộc tư vấn là 4,8 phút (độ lệch chuẩn 2,4 phút). Theo một nghiên cứu của Young, các dược sĩ ở Bắc Mĩ tương tác với khoảng một nửa bệnh nhân có đơn mới trong một phút hoặc ít hơn [33]. Điều cần lưu ý là nghiên cứu này tiến hành vào năm 1996 và khảo sát hoạt động tư vấn bắt đầu từ những năm 1960 – 1970, khi mà công tác tư vấn của các dược sĩ Bắc Mĩ mới manh nha xuất hiện. Như vậy, các dược sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai dành nhiều thời gian để tương tác với bệnh nhân hơn so với kết quả theo nghiên cứu của Young năm 1996. Tuy nhiên thời gian giữa các cuộc tư vấn dao động nhiều, dài nhất lên đến 7 phút và ngắn nhất là 3 phút. Sự dao động này có thể giải thích do: sức ép thời gian từ phía bệnh nhân và việc chưa có một quy trình thực hiện thống nhất nên các dược sĩ chưa kiểm soát được thời gian của mỗi cuộc tư vấn. Vì vậy, các dược sĩ nên dựa vào hoàn cảnh tư vấn của từng đối tượng bao gồm bệnh nhân mới, bệnh nhân khám lại, đơn mới, đơn kê lại để xây dựng quy trình tư vấn và phân bố thời gian


hợp lý. Đối với những bệnh nhân mới hoặc có đơn mới thì dành nhiều thời gian để tư vấn hơn.

Nghiên cứu ghi nhận được một số nội dung dược sĩ đã thực hiện trong quá trình tư vấn, đầy đủ nhất là chào hỏi (100%) và lưu thông tin tư vấn (100%). Việc lưu thông tin tư vấn giúp các dược sĩ theo dõi được số bệnh nhân vào tư vấn hàng ngày, đồng thời khi có bất kì vấn đề gì liên quan đến đơn thuốc có thể liên hệ với bác sĩ kê đơn để thảo luận. Tuy nhiên việc lưu thông tin mới chỉ dừng ở mức ghi lại thông tin của bệnh nhân, thuốc tư vấn, chưa lưu lại những câu hỏi của bệnh nhân, câu trả lời của dược sĩ để có thể tập hợp thành nguồn thông tin tra nhanh khi gặp tình huống tương tự. Khó khăn mà các dược sĩ ở bệnh viện Bạch Mai gặp phải là: dược sĩ vừa phải tra cứu thông tin, vừa tư vấn, vừa lưu thông tin. Ở bệnh viện Bạch Mai đã có hệ thống kê đơn điện tử, nếu có thể phòng tư vấn xin trang bị hệ thống nối mạng với hệ thống kê đơn, để khi bệnh nhân vào tư vấn dược sĩ chỉ cần lưu lại mã số đơn và những câu hỏi liên quan của bệnh nhân.

Tra cứu thông tin thuốc và xem xét tính hợp lí của đơn được thực hiện với tỷ lệ 82,0%. Các dược sĩ đã soạn danh mục thuốc đặc biệt cần tư vấn làm tài liệu tra cứu nhanh trong quá trình tư vấn. Tuy nhiên, các tài liệu về tra cứu tương tác thuốc phòng tư vấn vẫn còn thiếu, trong khi bệnh nhân đang có xu hướng quan tâm hơn đến vấn đề này.

Tư vấn tên, chỉ định của thuốc và tư vấn thời điểm dùng thuốc được dược sĩ thực hiện với tỷ lệ lần lượt là 70,0% và 62,0%. Các nội dung khác như tác dụng không mong muốn của thuốc, liều dùng, cách sử dụng, tiền sử dùng thuốc cũng được các dược sĩ chú ý tư vấn với tỷ lệ mỗi nội dung khoảng 40,0%. Như vậy, những nội dung dược sĩ thực hiện đáp ứng phần nhận thức còn thiếu của bệnh nhân: tên thuốc để nhận biết, thời điểm uống các thuốc khác nhau, cách sử dụng các dạng bào chế đặc biệt. Tuy nhiên cách xử trí khi quên thuốc là nội dung bệnh nhân chưa có nhiều kiến thức vẫn chưa được dược sĩ chú ý tư vấn. Theo một nghiên cứu của McMahon và cộng sự tiến hành trên một bệnh viện giảng dạy (không ghi rõ tên nước) năm 1987, 154 bệnh nhân được phỏng vấn cho thấy dược sĩ thường cung cấp


thông tin về số lần uống thuốc (68,0%), liều dùng của thuốc (64,0%), cách uống thuốc (71,0%) [16]. Như vậy nội dung dược sĩ tư vấn phụ thuốc nhiều vào đặc điểm, nhu cầu của bệnh nhân và đặc điểm của thuốc trong danh mục thuốc cần tư vấn. Tần suất thực hiện mỗi nội dung có thể là cơ sở để các dược sĩ xem xét đưa ra một quy trình tư vấn hợp lí.

Tương tác giữa bệnh nhân và dược sĩ trong quá trình tư vấn thể hiện trong 2 phần trước khi tư vấn và trong khi tư vấn. Trước khi tư vấn có 52,0% bệnh nhân chủ động hỏi dược sĩ câu hỏi cụ thể, trong quá trình tư vấn có 70,0% có tương tác giữa dược sĩ và bệnh nhân. Nghiên cứu của McMahon năm 1987 đã phỏng vấn 154 bệnh nhân sau khi nhận thuốc và thấy rằng 1/3 bệnh nhân có hỏi các câu hỏi liên quan đến thuốc [16]. Bệnh nhân trong nghiên cứu ở Bạch Mai đã chủ động hỏi, và chủ động tương tác với dược sĩ, bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình. Qua đó dược sĩ có thể có thể nắm bắt được nhận thức, nhu cầu của bệnh nhân để có cách tư vấn hợp lí.

Mô hình tư vấn bệnh nhân của dược sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai đã bước đầu tiếp cận tới phương pháp đồng thuận trong tư vấn bệnh nhân. Các dược sĩ không chỉ cung cấp thông tin một chiều, ở đây đã có thời gian tương tác, thảo luận giữa dược sĩ và bệnh nhân, qua đó dược sĩ có thể nắm bắt được nhu cầu và nhận thức của bệnh nhân, tuy nhiên người đưa ra quyết định cho bệnh nhân vẫn là dược sĩ. Mô hình này tương ứng với mô hình tư vấn sức khỏe hai chiều theo Kansanaho, hay tương ứng với giai đoạn đối thoại theo USP. Theo một nghiên cứu được tiến hành trên 506 dược sĩ cộng đồng tại bang Ohio, Mĩ của Kirking năm 1982, các cuộc tư vấn do dược sĩ thực hiện thường ngắn, dược sĩ là người chủ động hỏi và đưa thông tin một chiều tới bệnh nhân [12]. Nghiên cứu này được tiến hành năm 1982 khi vấn đề tư vấn bắt đầu được quan tâm gần giống tình hình tư vấn ở bệnh viện Bạch Mai. Như vậy muốn tiến đến mô hình tư vấn khuyến khích hay cách tiếp cận đồng thuận trong tư vấn bệnh nhân cần thời gian tư vấn dài hơn. Với số lượng bệnh nhân lĩnh thuốc trong ngày rất đông, nhân lực của phòng tư vấn hạn chế, thì đây là một khó khăn lớn cho các dược sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai. Vấn đề này có thể được giải quyết nếu


dược sĩ của phòng tư vấn liên hệ với các câu lạc bộ của bệnh nhân điều trị bệnh mãn tính, kết hợp để giáo dục trang bị kiến thức cho bệnh nhân để giúp họ có thể hiểu và tự đưa ra quyết định lựa chọn trong các cuộc tư vấn.

Mức độ đáp ứng của dược sĩ đối với việc tư vấn

Trong thời gian thực hiện nghiên cứu, số bệnh nhân lĩnh thuốc trong một ngày có giá trị trung vị là 736, thời gian lĩnh thuốc là 8 giờ, trong khi số bệnh nhân vào tư vấn có giá trị trung vị là 9, thời gian phòng tư vấn mở cửa có trung vị 2,75 giờ. Như vậy nếu áp dụng tỷ lệ bệnh nhân muốn được tư vấn của nghiên cứu này là 62%, thì số lượng bệnh nhân vào tư vấn trung bình một ngày là vào khoảng 456 bệnh nhân. Nếu muốn tư vấn cho 456 bệnh nhân một ngày thì dược sĩ phải đảm nhận một khối lượng công việc lớn đòi hỏi phòng tư vấn phải có thêm nhân lực, công việc tư vấn phải được coi như công việc chính của dược sĩ. Thực tế ở bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân sau khi lĩnh thuốc ít được dặn dò sang phòng tư vấn thuốc, trong khi phòng tư vấn đặt ở vị trí bệnh nhân ít để ý đến, do đó số bệnh nhân vào tư vấn ít hơn so với số bệnh nhân có nhu cầu. Như vậy các hoạt động thúc đẩy hỗ trợ việc thực hành tư vấn chưa đẩy mạnh nên phòng tư vấn vẫn chưa giải quyết được hết nhu cầu tư vấn của bệnh nhân. Đối với vấn đề này, các nhân viên phòng cấp phát thuốc BHYT có thể hỗ trợ bằng cách khi nhận đơn sẽ phân loại đơn mới, đơn mắc bệnh mãn tính, từ đó định hướng giới thiệu bệnh nhân có thể sang phòng tư vấn. Việc này vừa giúp bệnh nhân biết đến mô hình tư vấn vừa hỗ trợ hoạt động tư vấn của các dược sĩ tại bệnh viện Bạch Mai.

Số bệnh nhân vào tư vấn phụ thuộc nhiều vào nhận thức, nhu cầu, thói quen và niềm tin của bệnh nhân, tuy nhiên thời gian làm việc của phòng tư vấn cũng là một yếu tố cần lưu ý. Tỷ lệ thời gian phòng tư vấn mở cửa so với thời gian bệnh nhân lĩnh thuốc trong một ngày rất thấp (trung bình 0,4). Giờ mở cửa của phòng tư vấn ít hơn giờ lĩnh thuốc và không cố định không tạo cho bệnh nhân thói quen vào tư vấn sau khi lĩnh thuốc. Tư vấn chưa được coi là công việc chính của dược sĩ, dược sĩ kiêm nhiệm công việc tư vấn bên cạnh các công việc chính khác như: cấp phát, duyệt đơn nội trú. Điều này cho thấy chính các dược sĩ chưa được trao cơ hội


để nhìn nhận tư vấn là vai trò chính của mình. Có thể đây cũng là một thách thức lớn trong công tác tư vấn ở Bệnh viện Bạch Mai.

Xét về dao động số bệnh nhân vào tư vấn nghiên cứu cho thấy, từ cuối tháng 3 đến hai tuần đầu tháng 4 số bệnh nhân vào tư vấn giảm dần, sự giảm có liên quan đến thời gian phòng tư vấn mở cửa không cố định và thời điểm đầu tháng 4. Khi thời gian phòng tư vấn làm việc không cố định sẽ tạo cho bệnh nhân tâm lí không tin tưởng và có thể không muốn vào tư vấn. Theo khảo sát có những ngày thời gian phòng tư vấn mở cửa là 2,5 giờ nhưng cũng chỉ có 2 bệnh nhân vào tư vấn. Điều này cho thấy vẫn có những thời gian dược sĩ ngồi ở phòng tư vấn nhưng không có bệnh nhân, điều này có thể tạo cho dược sĩ tâm lí không hài lòng với công việc mình đang làm và ảnh hưởng đến chất lượng tư vấn.

4.3 Mức độ hài lòng của bệnh nhân sau khi được tư vấn

Sau tư vấn có 82,0% bệnh nhân hài lòng với việc tư vấn, 98,0% bệnh nhân cho rằng họ tin tưởng và làm theo những gì được tư vấn. Lí do cho việc hài lòng ghi nhận được chủ yếu là bệnh nhân thấy hiểu về thuốc, nhớ cách dùng, các dược sĩ tư vấn tận tình thoải mái tạo cho bệnh nhân cảm giác an tâm. Qua khảo sát bệnh nhân có thể thấy trong quá trình tư vấn các dược sĩ đã dần tạo được sự tin tưởng của bệnh nhân và cho họ nhận thức được tầm quan trọng của việc tư vấn. Do đó có đến 76,0% bệnh nhân muốn lần sau vào tư vấn tiếp, 14,0% bệnh nhân muốn tư vấn khi có thắc mắc. Như vậy, nghiên cứu mới chỉ đánh giá được mức độ hài lòng và lợi ích của việc tư vấn bệnh nhân thông qua nhận thức của bệnh nhân. Mục tiêu và lợi ích thực sự của tư vấn bệnh nhân phải được đánh giá thông qua hiệu quả điều trị và việc tuân thủ của bệnh nhân. Như vậy, cần thêm nghiên cứu sâu hơn đánh giá hiệu quả của quá trình tư vấn thông qua cả lợi ích và nhận thức của bệnh nhân.

4.4 Một số khó khăn và hạn chế khi thực hiện nghiên cứu

Khi thực hiện phỏng vấn bệnh nhân chờ lĩnh thuốc trước khi vào phòng tư vấn, nhóm nghiên cứu gặp một số khó khăn. Bệnh nhân xếp hàng lĩnh thuốc rất đông trong khi ghế ngồi chờ lại có hạn nên khó tiếp cận bệnh nhân và chọn không gian phù hợp để phỏng vấn. Thời gian ngồi chờ lĩnh thuốc ngắn, không gian ồn ào, bệnh


nhân lại muốn tập trung nghe tên mình để lên lĩnh thuốc nên một số cuộc phỏng vấn bị đứt đoạn và không lấy đủ thông tin. Thêm vào đó tâm lí một số bệnh nhân lĩnh thuốc xong muốn về ngay nên không nhiệt tình với cuộc phỏng vấn, trả lời không đầy đủ.

Đối với việc ghi nhận hoạt động tư vấn sử dụng thuốc và phỏng vấn bệnh nhân sau tư vấn khó khăn chủ yếu là nhóm nghiên cứu không chủ động được thời gian. Các dược sĩ kiêm nhiệm công tác tư vấn bên cạnh các công việc chính khác nên chưa chủ động thời gian hoạt động, thời gian phòng tư vấn mở cửa không cố định, số lượng bệnh nhân vào tư vấn rời rạc và ít nên mất khá nhiều thời gian nhóm mới lấy đủ mẫu. Do bước đầu triển khai thực hiện nên phòng tư vấn vẫn chưa có quy trình tư vấn thống nhất, do đó việc ghi nhận hoạt động tư vấn sử dụng thuốc phải thực hiện theo quy trình tư vấn sử dụng thuốc theo hướng dẫn tư vấn thuốc của USP [34].

Ngoài ra nghiên cứu sử dụng phương pháp lấy mẫu thuận tiện nên số liệu chưa phản ánh toàn diện thực tế. Việc đánh giá hiệu quả của quá trình tư vấn mới chỉ dừng lại ở mức độ hài lòng của bệnh nhân mà chưa khảo sát sự thay đổi nhận thức, hành vi của bệnh nhân sau tư vấn.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/06/2023