Kháng nghị phúc thẩm vụ án hình sự theo Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn tỉnh Hà Giang) - 2


nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Toà án theo quy định của Bộ luật này”.

Kháng nghị phúc thẩm VAHS là quyền năng pháp lý xuất phát từ chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự của VKS và xuất phát từ nguyên tắc cơ bản trong TTHS nước ta, đó là bảo đảm hai cấp xét xử. VKS có nhiệm vụ kháng nghị các bản án (quyết định) sơ thẩm hình sự của Tòa án cùng cấp (hoặc cấp dưới trực tiếp) chưa có hiệu lực pháp luật nhưng xét thấy không đúng pháp luật để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án mà Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử, nhằm bảo đảm việc áp dụng đúng pháp luật.

Thực tiễn kháng nghị phúc thẩm VAHS cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác kháng nghị phúc thẩm VAHS và chất lượng kháng nghị của VKSND từng bước đã được nâng lên, về cơ bản các quyết định kháng nghị phúc thẩm VAHS của VKSND đã đảm bảo về hình thức, nội dung, tỷ lệ kháng nghị được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận ngày một tăng cao thì vẫn còn nhiều bất cập, quy định không rõ ràng, không qui định về hệ thống các căn cứ kháng nghị phúc thẩm VAHS, không qui định đối tượng và nội dung của kháng nghị phúc thẩm. Một mặt, do nhận thức của một số cán bộ, kiểm sát viên không đầy đủ, nên đã có nhiều quyết định kháng nghị phúc thẩm VAHS của VKSND không đúng luật, không nêu được lý do kháng nghị mà chỉ nêu một cách chung chung như, không thỏa đáng, không đảm bảo tính nghiêm minh, không công bằng… để yêu cầu xét xử phúc thẩm, điều đó đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng, ảnh hưởng đến hoạt động xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm.

Trong một vài năm trở lại đây, việc các bản án (quyết định) hình sự sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị xét xử theo thủ tục phúc thẩm có chiều hướng gia tăng về số lượng và mức độ phức tạp. Việc nội dung đề nghị xem


xét lại theo thủ tục phúc thẩm VAHS được chấp nhận cũng có nghĩa là số lượng bản án (quyết định) chưa có hiệu lực bị kháng cáo, kháng nghị nhiều hơn, các VAHS sơ thẩm được xét xử lại một cách khách quan hơn nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho những người tham gia tố tụng, nhưng cũng có những vụ việc bị xử đi, xử lại nhiều lần dẫn đến tốn kém về cả thời gian, công sức và tiền bạc của cả Nhà nước và công dân, làm cho người dân mất lòng tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Cùng với xu hướng chung của công cuộc cải cách tư pháp mà Đảng và nhà nước ta đang đặt ra theo tinh thần của Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/05/20056 của Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương (BCHTW) Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 là:

Cải cách mạnh mẽ các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ nhưng thuận tiện, bảo đảm sự tham gia và giám sát của nhân dân đối với hoạt động tư pháp; bảo đảm chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, lấy kết quả tranh tụng tại tòa làm căn cứ quan trọng để phán quyết bản án, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp [4, tr.3]

Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 được thể hiện tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của BCHTW Đảng đó là:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 111 trang tài liệu này.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự và dân sự phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, đảm bảo tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người [5, tr.2-3].


Kháng nghị phúc thẩm vụ án hình sự theo Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn tỉnh Hà Giang) - 2

và “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành hiệu quả và hiệu lực cao” [5, tr.2].

Thực hiện Chỉ thị số 03/2008/CT-VKSTC-VPT1 ngày 19-6-2008 về "Tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự" của Viện trưởng VKSND tối cao. Trong những năm 2010 đến 2014, công tác kháng nghị phúc thẩm VAHS đối với bản án (quyết định) sơ thẩm hình sự của TAND đã đạt được những kết quả nhất định. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kháng nghị phúc thẩm VAHS còn không ít bất cập do xuất phát từ nguyên nhân chủ quan cũng như nguyên nhân khách quan, tuy ít nhiều ở mức độ khác nhau. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải nghiên cứu và phân tích sâu sắc tất cả những vấn đề về kháng nghị phúc thẩm VAHS, từ khái niệm cho đến những dạng thức, nguyên nhân tồn tại và hiệu quả của nó, để thể chế hóa thành những quy định của BLTTHS, tạo cơ sở pháp lý nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm VAHS, việc tìm hiểu quy định của BLTTHS năm 2003 và BLTTHS năm 2015 về kháng nghị phúc thẩm VAHS, làm rõ một số bất cập của qui định về công tác này, từ đó nêu lên các định hướng hoàn thiện nhằm góp phần làm cho các quy định của BLTTHS năm 2003 và BLTTHS năm 2015 sát với thực tiễn, nâng cao công tác kháng nghị phúc thẩm VAHS của VKS .

Chính vì vậy, việc lựa chọn đề tài Kháng nghị phúc thẩm vụ án hình sự theo Luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trên cơ sở số liệu thực tiễn địa bàn tỉnh Hà Giang)” làm luận văn thạc sỹ luật học là có tính cấp bách và cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Thông qua việc nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân của hạn chế và tồn tại, đồng thời đưa ra định nghĩa pháp lý của khái niệm kháng nghị phúc thẩm


VAHS và định hướng hoàn thiện BLTTHS năm 2015 (gồm 510 Điều) chưa có, nhằm nâng cao chất lượng kháng nghị các VAHS ở cấp phúc thẩm, đáp ứng yêu cầu công cuộc cải cách tư pháp trong tình hình mới.

2. Tình hình nghiên cứu

Trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay, công tác kháng nghị phúc thẩm VAHS đã được ngành Kiểm sát quan tâm, đầu tư đúng mức, thể hiện thông qua Chỉ thị 03/2008/CT-VKSTC-VPT1 ngày 19-06-2008 của Viện trưởng VKSND tối cao, thể hiện thông qua việc tổ chức các hội thảo, hội nghị, tổng kết rút kinh nghiệm của ngành kiểm sát. Ngoài ra, công tác kháng nghị phúc thẩm VAHS của VKSND còn được một số nhà khoa học

- Luật gia hình sự quan tâm nghiên cứu, thể hiện ở một số sách chuyên khảo, tham khảo, bình luận và giáo trình đại học, trong đó phải kể đến các công trình ở những cấp độ khác nhau.

2.1. Các sách (sách chuyên khảo, sách tham khảo, sách hướng dẫn) và các giáo trình:

1) GS.TSKH. Lê Văn Cảm (2009), “Hệ thống tư pháp hình sự trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền”, Sách chuyên khảo, Khoa luật - Đại học Quốc gia, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.

2) Kỷ yếu (2009), “Đổi mới cơ cấu tổ chức cơ quan kiểm sát trong tiến trình cải cách tư pháp tại Việt Nam (Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước)”, NXB Tư pháp, Việt Nam, Hà Nội.

3) PGS.TS Võ Khánh Vinh (2004), “Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự”, NXB Công an nhân dân, Hà Nội.

4) Đinh Văn Quế (2011), “Trình tự thủ tục giải quyết các vụ án hình sự”, Nxb Hải Phòng.

5) Nguyễn Ngọc Chí (Chủ biên) “Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam”, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội – Hà Nội 2015.


2.2. Các bài viết đăng trên các Tạp chí chuyên ngành có thể kể đến các công trình sau:

1) Dương Thanh Biểu (2007), “Những vấn đề cần chú ý để nâng cao chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự của VKSND”. Tạp chí Kiểm sát, số 8.

2) Nguyễn Huy Tiến (2009), “Một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của VKSND trong giai đoạn xét xử phúc thẩm hình sự”, Tạp chí kiểm sát, số 17.

3) Đinh Văn Quế (2007), “Bàn thêm về kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm án hình sự”, Tạp chí kiểm sát, số 15- 8/2007 và số 17 - tháng 9.

4) Viện Phúc thẩm 1- VKSND tối cao (2006), Chuyên đề: “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm hình sự của Toà án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, Tạp chí kiểm sát, Hà Nội.

Đặc biệt trong năm năm gần đây, từ năm 2010 đến năm 2014, tại các Tạp chí Kiểm sát, Tạp chí Tòa án có đăng các bài báo nghiên cứu khoa học có liên quan đến kháng nghị phúc thẩm VAHS và bao gồm:

1) Lê Thành Dương (2014), “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về kháng nghị phúc thẩm hình sự”, Tạp chí kiểm sát, số 12.

2) Trần Đức Dương (2010), “Mối quan hệ giữa phạm vi xét xử sơ thẩm và giới hạn kháng cáo, kháng nghị phúc”, Tạp chí Tòa án nhân dân, số 07.

3) Bùi Văn Kim (2014), “Một số vấn đề về quyền hạn, trách nhiệm của kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm”, Tạp chí Kiểm sát, số 19.

4) Duy Kiên (2015), “Một số vấn đề về các qui định chung trong thủ tục xét xử phúc thẩm”, Tạp chí Kiểm sát, số Tân xuân.


5) Nguyễn Nông (2014), “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm hình sự”, Tạp chí Kiểm sát, số 12.

6) Hồ Ngọc Thảo (2013), “Một số giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự”, Tạp chí Kiểm sát, số 21.

7) Nguyễn Huy Tiến (2014), “Quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án”, Tạp chí Kiểm sát, số 12.

8) Ngô Thanh Xuyên (2012), “Một số ý kiến về bổ sung, thay đổi và rút kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm hình sự” Tạp chí Tòa án nhân dân, số 17.

Ngoài ra còn có một số bài viết của các tác giả khác, tuy nhiên hầu hết các tác giả trong mỗi bài viết đều khai thác ở một khía cạnh của kháng nghị phúc thẩm VAHS trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật thực định.

2.3. Các luận án tiến sỹ, luận văn thạc sỹ luật học

1) Mai Thanh Hiếu (2015), “Hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam” Luận án tiến sỹ, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Luận án đã phân tích điều kiện hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm trong TTHS là sự hợp pháp của kháng cáo, kháng nghị về đối tượng, chủ thể, giới hạn, thời hạn, hình thức và thủ tục. Đặc biệt, luận án đi sâu phân tích hai nội dung hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm đó là: kháng cáo, kháng nghị phát sinh việc thực hiện thẩm quyền của Toà án cấp cao hơn và kháng cáo, kháng nghị giới hạn việc thực hiện thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm trong giới hạn xét xử sơ thẩm, phạm vi và hướng kháng cáo, kháng nghị. Trên cơ sở phân tích pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật TTHS Việt Nam về hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm, làm sáng tỏ các yêu cầu và giải pháp bảo đảm hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm trong TTHS Việt Nam.


2) Chu Thị Thanh Tú (2007), “Kháng nghị phúc thẩm vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự” luận văn thạc sỹ luật học, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.

3)- Trần Thị Minh Ngọc (2011), “Kháng nghị phúc thẩm các vụ án hình sự của VKSND tỉnh Hà Tĩnh, một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, Luận văn thạc sỹ luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia, Hà Nội.

Kế thừa các nghiên cứu trong các công trình nêu trên, tác giả mạnh dạn nghiên cứu, phân tích các qui định pháp luật TTHS Việt Nam hiện hành và BLTTHS năm 2015 cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật TTHS Việt Nam hiện hành về công tác kháng nghị phúc thẩm VAHS của VKSND để đưa ra định hướng nhằm hoàn thiện pháp luật về công tác kháng nghị phúc thẩm VAHS.

3. Mục đích và các nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài

3.1. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu toàn diện và có hệ thống những vấn đề lý luận về kháng nghị phúc thẩm VAHS cũng như thực tiễn pháp luật, thực tiễn áp dụng pháp luật về công tác này trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong 5 năm từ năm 2010 đến năm 2014, luận văn đề xuất những kiến nghị, giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật TTHS về kháng nghị phúc thẩm và nâng cao hiệu quả áp dụng nó trong thực tiễn.

3.2. Các nhiệm vụ của luận văn

Để đạt mục đích trên, luận văn tập trung giải quyết các nhiệm vụ sau:

Một là, làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về công tác kháng nghị phúc thẩm vụ án hình sự của VKSND;

Hai là, đánh giá các quy định của BLTTHS năm 2003 về công tác kháng nghị phúc thẩm VAHS trong hệ thống VKSND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như thực tiễn và hiệu quả áp dụng các qui định này trên địa bàn tỉnh Hà Giang (Năm 2010 - 2014).


Ba là, đưa ra các luận cứ khoa học cho định hướng hoàn thiện các quy phạm pháp luật TTHS hiện hành liên quan đến kháng nghị phúc thẩm VAHS của hệ thống VKS.

4. Đối tượng, phạm vi và thời gian nghiên cứu

4.1. Về đối tượng: Đối tượng nghiên cứu là những vấn đề liên quan đến kháng nghị phúc thẩm vụ án hình sự theo Luật tố tụng hình sự Việt Nam.

4.2. Về phạm vi nghiên cứu: Luận văn nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác kháng nghị phúc thẩm VAHS theo Luật TTHS Việt Nam, đánh giá thực tiễn địa bàn tỉnh Hà Giang (những năm 2010 - 2014), với việc chỉ ra những tồn tại, hạn chế và một số nguyên nhân cơ bản, từ đó luận chứng và đề xuất những kiến giải lập pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

4.3. Về thời gian nghiên cứu: Luận văn nghiên cứu các số liệu thực tiễn trong khoảng thời gian 05 năm (từ năm 2010 đến năm 2014).

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

Luận văn được thực hiện dựa trên nền tảng cơ sở phương pháp luận chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, tư tưởng của Đảng, Nhà nước về Nhà nước và pháp luật; về cải cách tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác kháng nghị nói chung và kháng nghị phúc thẩm VAHS nói riêng; về chính sách hình sự và TTHS; về vấn đề cải cách tư pháp được thể hiện trong các Nghị quyết Đại hội Đảng X, XI, và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 26-05-2005 về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” của Bộ chính trị. Trong quá trình nghiên cứu đề tài, tác giả của luận văn sử dụng các phương pháp đặc thù của khoa học pháp lý hình sự nói chung và khoa học luật TTHS nói riêng đó là phương pháp phân tích, tổng hợp, thống kê để tổng hợp các tri thức khoa học trong lĩnh vực TTHS và luận chứng các vấn đề tương ứng được nghiên cứu của luận văn.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/05/2022